Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Việc Quản Trị Trong Hội Thánh và Nhận Định Thiêng Liêng (5)

Administrator
2018-09-23 08:38 UTC+7 26
Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ. Giám đốc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh tại Giêrusalem, và phụ trách các tu sĩ Dòng Tên phục vụ tại Thánh Địa. *** *** Ở phần trên chúng ta đã phân tích biên bản nhận định cộng đoàn của thánh I-Nhã và chín người bạn vào mùa Xuân […]


Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ.

Giám đốc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh tại Giêrusalem,

và phụ trách các tu sĩ Dòng Tên phục vụ tại Thánh Địa.

***

***

Ở phần trên chúng ta đã phân tích biên bản nhận định cộng đoàn của thánh I-Nhã và chín người bạn vào mùa Xuân 1539 đi đến quyết định thành lập Dòng Chúa Giê-su.  Sau đây chúng ta tóm tắt lại những yếu tố rút ra được từ kinh nghiệm của thánh I-Nhã và chín người bạn.  Chúng ta thử phác họa ra một sơ đồ tiến hành một cuộc nhận định cộng đoàn để đi tới điều mà trong bản báo cáo nói là “cùng nhau đón nhận ý kiến chính đáng nhất và coi đó như quyết định chung của cộng đoàn để rồi mọi người tuân theo”.  Trước khi đi vào việc rút tỉa kinh nghiệm này, chúng ta cần bổ sung một điểm nữa.  Trong phần phân tích chúng ta chưa đề cập đến, tức là trong phương pháp làm việc chọn lựa trong Linh thao gồm sáu điểm, thánh I-Nhã có nói trong điểm thứ sáu rằng:  “Khi đã làm xong việc lựa chọn hay quyết định ấy, người đã lựa chọn phải mau mắn đi cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và dâng cho Người lựa chọn đó, để Chúa chí tôn đoái nhận và xác chuẩn cho nếu điều ấy giúp phụng sự và ngợi khen Người hơn”.  Đây là xin sự xác chuẩn của Chúa, mặc dù suốt tiến trình đã cầu xin và suy nghĩ trước mặt Chúa để cho mình được đón nhận ánh sáng của Chúa.  Nhưng sau khi đã thấy rõ rồi thì một lần nữa lại cầu nguyện, vừa tạ ơn, vừa dâng chính điều mình đã quyết định đó cho Chúa, để xin Chúa cho mình cảm nghiệm được một sự bình an, một niềm an ủi, hân hoan nào đó như là dấu chứng Chúa chấp nhận lựa chọn của mình. 
 
Vậy trong câu kết của biên bản cuộc nhận định, chúng ta thấy nói rằng:  “Hôm ấy mọi sự đã kết thúc dứt khoát trong niềm vui và sự hòa hợp hoàn toàn của tâm hồn anh em”.  Niềm vui và sự hòa hợp hoàn toàn của tâm hồn anh em ở đây chính là ơn an ủi Chúa ban để xác chuẩn chọn lựa của nhóm, vì chúng ta biết rằng trước đó nhóm đã ở trong một tình trạng khó khăn như thế nào.  Họ mò mẫm mà chẳng tìm ra một giải đáp nào, giống như một tâm hồn ở trong tình trạng sầu khổ thiêng liêng, cảm thấy khô khan, nguội lạnh, tối tăm, không còn hứng thú gì, không còn biết đường nào mà đi.  Trước đây tuy rằng họ xác tín về ơn gọi chung của họ, nhưng khi bàn đến vấn đề cụ thể, về phương thức sống, thì ý kiến họ rất khác biệt nhau.  Nhưng bây giờ họ đã đạt được sự đồng tâm nhất trí và được niềm hân hoan, sự hòa hợp hoàn toàn các tâm hồn.  Tuy bản báo cáo không nói rằng anh em đã kết thúc bằng cầu nguyện như thế nào, nhưng điều đó đương nhiên chúng ta phải hiểu thôi, vì đối với thánh I-Nhã và nhóm bạn này là những người rất nhuần nhuyễn với phương pháp Linh thao nên không thể nào họ bỏ qua điểm thứ sáu đó được.
 
Riêng thánh I-Nhã sau này trong tất cả những quyết định mà ngài phải đi tới trong công việc soạn thảo nội quy của Dòng thì ngài luôn luôn dựa vào sự nhận định theo những an ủi và sầu khổ trong khi ngài cầu nguyện và dâng thánh lễ.  Ngài dâng tất cả điều ngài phải quyết định và phải cân nhắc trước mặt Chúa.  Chính những ơn an ủi Chúa ban đã giúp cho ngài chọn lựa, chọn lựa xong ngài lại dâng cho Chúa và thường là ngài được an ủi nhiều thì ngài thấy đó là dấu Chúa chuẩn nhận điều ngài đã quyết định.
 
Như vậy chúng ta thấy trong cuộc nhận định cộng đoàn này, thánh I-Nhã và các bạn đã vận dụng đầy đủ phương pháp của thánh I-Nhã trong Linh thao về cách thức nhận định và chọn lựa.  Trong Linh thao thì phương pháp soạn để giúp cho chọn lựa cá nhân.  Còn trong thực tế của cuộc thảo luận mùa Xuân 1539 thì họ áp dụng ở cấp cộng đoàn.  Chúng ta cũng đã thấy cách họ thích ứng những điều soạn cho cá nhân vào hoạt động nhận định chung cả một cộng đoàn mười người như thế nào.  Và ở đó cũng đã có kinh nghiệm để đối phó với sầu khổ cũng như đã áp dụng cả cách lựa chọn thứ hai của thánh I-Nhã, tức là gồm bốn quy tắc, tuy ở đây chỉ vận dụng quy tắc thứ hai tức là để tìm được sự khách quan thì đặt mình ở trong tư thế là một người ở ngoài, không liên hệ gì tới nhóm để có thể bộc lộ ý nghĩ của mình cách khách quan hơn.
 
Bây giờ chúng ta thử lược tóm lại những bước đường phải đi như thế nào để thực hiện được một cuộc nhận định cộng đoàn.  Chúng ta có thể đi từ sự chuẩn bị, trước hết phải có ba điều kiện:
 
–  Điều kiện thứ nhất là cộng đoàn phải thấy mình có vấn đề cần cùng nhau giải quyết, bởi nếu không thì chẳng ai muốn ngồi vào mà suy nghĩ, cầu nguyện hay thảo luận làm gì.
 
–  Điều kiện thứ hai là cộng đoàn phải có sự đồng ý về mục đích chung mà mọi người phải nhắm tới, nếu không cuộc thảo luận sẽ không đạt kết quả.
 
–  Điều kiện thứ ba là các ý kiến chỉ khác nhau về phương thế cần sử dụng thôi, còn ai nấy phải có quyết tâm tìm ra con đường đưa tới đích.
 
Đó là ba điều tiên quyết đã xuất hiện rõ ràng ngay ở phần đầu của bản báo cáo.  Tuy ba điều kiện đó là tiên quyết, nhưng còn vấn đề khác cũng phải nói là tiên quyết tức là thái độ chung của cộng đoàn.  Trong phương pháp nhận định và chọn lựa cá nhân, điểm thứ nhất thánh I-Nhã nói là phải đặt mình trước vấn đề phải chọn lựa.  Nhưng vấn đề thứ hai là phải đặt mình trong trạng thái bình tâm, không có một quyến luyến lệch lạc nào.  Theo quan niệm của thánh I-Nhã, bình tâm không có nghĩa là dửng dưng.  Sở dĩ chúng tôi phải dịch chữ đó là “bình tâm” bởi vì chữ đó trong ngôn ngữ Âu Tây, trước thánh I-Nhã cũng không có nghĩa như là thánh I-Nhã dành cho nó đâu.  Chữ “bình tâm” của thánh I-Nhã không phải là sự dửng dưng, nhưng là thái độ của một con người đã hoàn toàn đứng về phía Thiên Chúa, cho nên đối với tất cả mọi thọ tạo thì con người ấy không bị cái gì lôi kéo hết, nhưng chỉ tìm điều duy nhất là làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn nhiều hơn, nhờ đó mà được tự do đối với tất cả mọi thọ tạo, mọi phương thế.  Sự tự do này là thứ tự do nội tâm, chỉ gắn bó với kế hoạch của Thiên Chúa.  Khi ứng dụng điều này vào một cuộc nhận định cộng đoàn thì phải thể hiện được sự tự do đó.
 
Chúng ta thấy trong bản báo cáo này các bạn chứng tỏ rằng họ có được sự tự do đó.  Họ gắn bó hoàn toàn với kế hoạch phổ quát của Thiên Chúa và với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban cho cộng đoàn.  Đối với từng thành viên tham dự cuộc nhận định cộng đoàn thì tất nhiên mỗi người đều được mời gọi đích danh với tất cả hiện tại và ân sủng mà họ đã lãnh nhận để thể hiện kế hoạch chung của Thiên Chúa.  Mỗi người được cộng đoàn chấp nhận như hiện tại của họ đang có.  Do đó, đòi hỏi cộng đoàn phải làm sao vượt qua được những nghi kỵ, những thành kiến để chấp nhận mỗi thành viên của mình.  Khi chúng ta tự bộc lộ mình trước cộng đoàn, thì chúng ta dễ có mối âu lo và sự thiếu an toàn vì sợ mình bị chê cười, bị xét đoán.  Chúng ta cũng bị thúc đẩy bởi ước ao tự nhiên là muốn được quý chuộng và yêu mến.  Cho nên sự tự do ở đây không những chỉ là đối với đối tượng của sự nhận định, mà còn là ngay thái độ đối với nhau.  Phải thoát khỏi mọi thành kiến nghi kỵ để chấp nhận nhau, tôn trọng nhau.  Nhận ra mỗi người đều được Chúa mời gọi và tất cả những thành viên của cộng đoàn đều được Chúa mời gọi ngồi lại với nhau trong cùng một ơn gọi của cộng đoàn dòng tu.
 
Chính sự quý trọng nhau trước mặt Chúa làm cho các thành viên khám phá ra cách Chúa Thánh Thần dẫn đưa mỗi người.  Nhóm mười người bạn mà chúng ta nói đến ở đây thì ngay từ đầu bản báo cáo đã nhấn mạnh rằng họ là những người thuộc quốc tịch khác nhau và tính tình thật là khác nhau.  Nhưng họ ý thức rằng tất cả đã được mời tham dự cùng một ơn gọi, nên họ tôn trọng nhau, chấp nhận nhau, để cho mỗi người được hoàn toàn tự do phát biểu và lắng nghe nhau.  Không ai thành kiến với ai, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt trình độ.  Tất cả đều được tự do phát biểu, vì tất cả đều được Chúa Thánh Thần tác động.  Từ đó chúng ta thấy thái độ bộc lộ của mỗi người phải là trung thực với mình và với mọi người, tức là phải được phát biểu trong một tư thế hoàn toàn thư giãn, phát biểu cách đơn giản, tránh những phát biểu phức tạp và phải bình tĩnh.  Phải được tạo điều kiện để có thái độ phát biểu bình thản, bởi vì lúc đó có cảm thấy mình được ai nấy lắng nghe, người phát biểu mới khỏi bị lúng túng.  Vậy có thể nói đây là chỗ để rèn luyện tình huynh đệ sâu xa và chân thành, chấp nhận nhau hoàn toàn trước mặt Chúa để có thể lắng nghe nhau.
 
Nhưng muốn được thế, mỗi người cũng phải chấp nhận bị thử thách nhằm đạt tới sự hài hòa với mọi người, chấp nhận mình bị lộ chân tướng, bị đối kháng, bị đặt thành vấn đề, cả tới mức cảm thấy  mình bị tấn công và thương tích.  Vì đây là một cuộc nhận định cộng đoàn, nên đã gọi là nhận định cộng đoàn thì mỗi người phải đóng góp với tất cả những gì Chúa cho mình, đem tất cả con người của mình đến trước mặt Chúa trong trách nhiệm đối với cộng đoàn và bộc lộ cho cộng đoàn tất cả những gì mình cảm nghiệm thấy như Chúa tác động nơi mình.  Qua đó, tất nhiên phải bộc lộ cả con người thật của mình, điều này đòi một sự khiêm tốn ở phía mỗi thành viên của cộng đoàn.  Tất cả các thành viên đều phải lắng nghe Chúa Thánh Thần dạy bảo, bởi vì đã gọi là nhận định thiêng liêng tức là nhận định theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần và chính Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta tới sự hiệp nhất ngang qua những khác biệt cá nhân.  Bởi lẽ Chúa Thánh Thần là nguồn duy nhất của mọi đoàn sủng nhằm thể hiện kế hoạch chung của Thiên Chúa.  Mỗi cộng đoàn dòng tu có một ơn riêng là đặc sủng của dòng đó, cho nên trong việc nhận định cộng đoàn chính là Thánh Thần hướng dẫn chúng ta thể hiện ơn Người đã ban, nên ai nấy đều phải lắng nghe Chúa Thánh Thần.
 
Như vậy, chúng ta thấy đòi hỏi căn bản là mỗi cá nhân cũng như toàn thể cộng đoàn phải đạt được sự tự do nội tâm, không để điều gì lôi kéo mình, không để thành kiến nào chi phối mình.  Sự tự do này là thành quả của lòng khao khát muốn tìm biết ý Chúa. Muốn thành công trong việc tìm biết ý Chúa thì lại đòi phải có lòng khao khát tìm biết ý Người.  “Ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa sẽ được mở cho” (Lc 11:10).  Nếu mỗi người không có sự khao khát tìm biết ý Chúa thì sẽ chẳng thể nào đem hết lòng đi tìm ý Chúa.  Muốn hết lòng đi tìm ý Chúa phải có sự sẵn sàng làm theo điều mình tìm thấy.  Tin tưởng vào Chúa chưa đủ, còn phải tin tưởng vào sự chân thành của các thành viên trong cuộc nhận định đó.  Bởi vì, nếu không tôn trọng tự do, không tin ở sự thành thật của nhau thì cũng không thể có một cuộc nhận định cộng đoàn.  Chúng ta thấy các lý do liên kết nhau như những mắt xích.  Tin tưởng vào Chúa thì tất nhiên cũng phải nhận thức rằng Thánh Thần của Chúa như gió muốn thổi đâu thì thổi và thổi lúc nào thì thổi, cho nên cũng phải phó thác cho Chúa về vấn đề thời gian, đừng nghĩ rằng Chúa sẽ cho mình thấy ngay lập tức, nhưng phải có thời gian để mọi sự trở nên rõ ràng.
 
Sự tự do như đã nói là giữa các thành viên với nhau phải thoát ra khỏi mọi thành kiến, mọi nghi ngờ, để chấp nhận nhau.  Và trong khi thảo luận đòi hỏi mỗi người luôn luôn kiểm điểm chính mình, kiểm điểm những thái độ, kiểm điểm chính việc cầu nguyện của mình để giữ cho tâm hồn mình tự do mà không buông theo những xung động nhất thời.  Trong khi chúng ta suy nghĩ, chúng ta nghe ý kiến người khác thì chúng ta phải giữ được sự tự do trong tâm hồn.  Có thể nói đó là những thái độ nền tảng vì nếu thiếu sự tự do nội tâm, thiếu sự chấp nhận nhau, thiếu sự lắng nghe nhau, thì không thể có nhận định cộng đoàn.
 
Đã gọi là nhận định cộng đoàn thì không có thể loại trừ nhau được.  Một cộng đoàn không thể có nhận định cộng đoàn nếu mỗi người chỉ muốn người khác là đàn cừu để mình dẫn dắt.  Ngược lại, cộng đoàn cũng không thể cùng nhau nhận định nếu một số thành viên vẫn cảm thấy rằng nhận định làm chi, điều gì rồi Bề trên cũng quyết định hết, nhận định cho có hình thức thôi.  Nếu trong cộng đoàn còn sống với cảm tưởng đó, thì cũng không thể có nhận định cộng đoàn.  Tóm lại, phải làm sao tạo được một bầu khí thật sự huynh đệ, yêu thương, kết hợp trong Chúa, tin tưởng nhau thì mới có thể là một cuộc nhận định cộng đoàn.
 
Sau đây chúng ta nói đến việc chuẩn bị đặt vấn đề.  Câu hỏi được đặt ra dưới hình thức đưa đến việc chọn điều này hay điều kia, tức là câu hỏi phải được đặt ra rõ ràng, chọn một trong hai.  Và câu hỏi cũng phải được đặt ra trong một ngôn ngữ của tự do, không có bắt buộc, tức là có nên chọn điều này hơn điều kia chăng.  Bởi vì nếu nói điều này chứ không phải điều kia, thì lúc đó đặt người ta dưới một áp lực tinh thần rồi.  Như thánh I-Nhã nói trong những điều chúng ta có thể chọn lựa là những điều hoặc không tốt không xấu, hoặc là tốt, thì về phương diện đời sống cộng đoàn cũng vậy, làm sao để việc chọn lựa thực sự khách quan, có thể chọn phía này hoặc phía kia.  Nếu câu hỏi đặt ra làm cho các thành viên bắt buộc phải chọn phía này hoặc phía kia, thì khỏi cần phải nhận định cộng đoàn nữa.  Vậy cần phải so sánh nên chọn bên nào hơn và câu hỏi phải có ba điều kiện:
 
–  Phải chính xác như là các bạn của thánh I-Nhã đã đặt ra ở đây.
 
–  Phải được mọi người hiểu cho đúng, bởi vì nếu tất cả mọi người không cùng hiểu câu hỏi hay vấn đề như nhau thì cuộc thảo luận cũng sớm đi đến chỗ ông nói gà bà nói vịt.
 
–  Câu hỏi phải thuộc về việc nhận định thiêng liêng, tức là nó không dửng dưng với công trình của Thiên Chúa trên thế giới.
 
Trong quá trình nhận định có những lúc phải vận dụng những quy tắc phân biệt thần loại trong Linh thao, cụ thể là các bạn đã áp dụng những quy tắc để đối phó trong trường hợp gặp sầu khổ thiêng liêng, gặp tối tăm thử thách.  Vậy trong phần chuẩn bị, sau khi đặt được câu hỏi rõ ràng cũng cần phải thâu thập các dữ kiện, nhất là đối với việc canh tân thích nghi đời tu.  Những dữ kiện chúng ta phải thâu thập có thể là những gì người ta gọi là dấu chỉ của thời đại, nhờ đó chúng ta biết được nhu cầu của con người thời nay là gì, họ khát vọng gì, chờ đợi gì.  Và vấn đề chúng ta đặt ra có liên quan gì với họ.  Chẳng hạn như một cộng đoàn dòng tu muốn đặt lại vấn đề phải phục vụ họ đạo như thế nào, nên phục vụ theo hướng trước kia, chủ yếu là coi phòng thánh, giúp hội đoàn hay có một hướng nào mới mà mình nhận ra được từ nhu cầu cụ thể của địa phương đó.  Khi đã tìm hiểu nhu cầu của họ, ta đem đối chiếu với ơn gọi của ta, rồi phải đặt vấn đề vào bối cảnh ơn cứu độ phổ quát, tức là cốt làm sao để phục vụ tốt hơn cho kế hoạch của Thiên Chúa.
 
Như vậy không chỉ là tìm kiếm những dữ kiện bên ngoài, mà còn phải thông qua suy nghĩ, cầu nguyện, chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể và đường lối của Chúa Giê-su, để đặt mình hoàn toàn vào bối cảnh của ơn cứu độ.  Như chúng ta thấy các bạn của thánh I-Nhã đặt vấn đề làm sao để tìm hứng thú trong vâng phục hơn là có quyền ra lệnh, và chúng ta đã phân tích rõ ràng mục đích sâu xa để hướng tâm hồn về sự vâng phục chính là để nên giống Chúa Giê-su.  Cũng phải đặt vấn đề trong sự liên đới với lịch sử của cộng đoàn, vấn đề của cộng đoàn nêu lên hôm nay phát sinh từ đâu, nó triển nở như thế nào để trở thành một đề tài thảo luận.  Điều này nghĩa là bao giờ cũng phải đặt trong viễn tượng đặc sủng của dòng, ơn gọi của dòng.  Ơn gọi của dòng là như thế nào và tại sao bây giờ chúng ta phải đặt vấn đề này.  Nếu khi đối chiếu với ơn gọi của dòng, vấn đề đã bị loại trừ rồi thì khỏi cần phải đặt ra nữa.  Chỉ có thể nhận định cộng đoàn khi một vấn đề được đặt ra vẫn ở trong phạm vi phương thế để thi hành ơn gọi của cộng đoàn thôi. 
 
Sau khi đã chuẩn bị như thế, tức là chuẩn bị thái độ nội tâm, thái độ đối với nhau trong cộng đoàn, thì lúc đó có thể chính thức tiến tới giai đoạn nhận định.  Chúng ta thấy trong giai đoạn nào cũng phải có cầu nguyện, và trong giai đoạn chính thức của việc nhận định thì việc cầu nguyện lại càng trở nên khẩn thiết hơn, bởi lẽ mỗi người chỉ phát biểu những gì mình đã cảm nghiệm trong cầu nguyện thôi, những gì mình đã nhận định trước mặt Chúa trong cầu nguyện, những gì mình thấy Chúa đánh động mình trong cầu nguyện.  Phần này chúng ta cũng dễ theo, bởi vì trong biên bản nói khá dài về cách thức nhận định:  Bước thứ nhất là tìm những lý do nghịch.  Bước thứ hai là tìm những lý do thuận.  Bước thứ ba và thứ tư sẽ là suy nghĩ và liệt kê những bất lợi và những thuận lợi…  Chúng ta luôn luôn đặt ra hai con đường để chọn lựa mà ở đây chúng ta gọi là A và B.  Nếu chọn A hoặc nếu chọn B thì gặp những bất lợi và những thuận lợi nào. Sau khi đưa hết các lý do đó ra, bây giờ đến bước quan trọng là cân nhắc, phê phán, đánh giá những lý do đó, bởi vì không phải lý do nào cũng đáng quan tâm.  Khi đã đánh giá xong thì chỉ giữ lại những lý do nào được coi là chính đáng.  Việc cân nhắc xem xét các lý do đó sẽ dần dần đưa người ta tới sự hoán cải nào đó về tư tưởng và trí tuệ.
 
Nhưng đây chính là lúc cần cầu nguyện và bầu khí bác ái để có thể dám bộc lộ những chuyển động diễn ra trong tâm hồn mỗi người.  Cuộc thảo luận về các lý do đã được kể ra, bất lợi và lợi, nghịch và thuận, dần dần sẽ làm cho cán cân nghiêng về bên nào đó tùy sự đánh động của Chúa.  Luôn luôn trong cuộc thảo luận mỗi tham dự viên phải giữ được sự bình tâm hoàn toàn đối với việc chọn điều này hay điều kia.  Bình tâm trong việc cùng nhau nhận định có nghĩa là không muốn điều này hơn điều kia, bao lâu chưa cảm thấy vì vinh danh Chúa và phải sẵn sàng nhận quyết định của cộng đoàn làm quyết định của mình.
 
Như vậy, quyết định cuối cùng sẽ là quyết định của tình yêu đáp lại tình yêu, sự chọn lựa nào cũng đòi từ bỏ, tức là có sự hy sinh đi kèm, không thể bắt cá hai tay, và khi tôi nhận lấy quyết định của cộng đoàn thì có cái gì đó ở trong tôi phải chết đi.  Tôi chết đi cho cái tôi khi tôi phó mình cho quyết định chung của cộng đoàn, dù quyết định đó là thế nào, hợp ý tôi hay không hợp ý tôi thì tôi vẫn cứ vâng theo.
 
Đến đây chúng ta có thể cùng nhau suy nghĩ về một vài hình thức ứng dụng của việc nhận định này.  Trước tiên nói về phương pháp nhận định và lựa chọn ở trong Linh thao thì dĩ nhiên là nó có thể áp dụng cho những người tìm hiểu ơn gọi, những người đang được huấn luyện trong dòng để họ nhận định và chọn lựa cho đúng với ơn gọi của họ mà không để cho một động lực nào không chính đáng thúc đẩy họ.  Đây là điều nhiều khi chúng ta không quan tâm đủ và có thể là nguồn phát sinh ra những khó khăn cho cộng đoàn, tức là khi nhận một người, điều chính yếu phải quan tâm trước tiên là xét đến động lực sâu xa nào thúc đẩy người đó xin vào tu.  Động lực đó có thực sự hướng về Thiên Chúa, về đời sống tông đồ không?  Nói cách khác là họ có thực sự bình tâm, nghĩa là họ chỉ nhắm mục đích duy nhất là phụng sự Chúa, phục vụ Hội Thánh khi họ chọn đời tu hay không.  Việc này dĩ nhiên là đòi hỏi một quá trình thanh tẩy tâm hồn, thanh tẩy những suy nghĩ của mỗi người, và mỗi người phải thành thật với chính mình, trước mặt Chúa trong bầu khí tĩnh tâm.  Nếu người ta sống hoàn toàn trước mặt Chúa thì lúc đó người ta có thể đạt được mức bình tâm cần thiết để chọn lựa cho chính đáng.
 
Việc ứng dụng nhận định cộng đoàn rất đa dạng và rất hữu ích, chẳng hạn khi phải nhận định một đường hướng tông đồ nào đó phù hợp với ơn gọi của dòng, nghĩa là cần thích nghi với thời đại bằng nhiều phương thế khác nhau, nhưng luôn luôn trung thành với đặc sủng của dòng.
 
Như vậy chúng ta cũng có thể dùng việc nhận định cộng đoàn để tạo nên sự hòa hợp giữa các tâm hồn.  Bởi vì trong chính cuộc nhận định đó mỗi người phải thoát ra khỏi chính mình để tập chấp nhận người khác, lắng nghe người khác và tôn trọng người khác.  Hãy thực hiện những điều chúng ta nói về một cuộc nhận định cộng đoàn, thì chúng ta thấy sự hòa hợp các tâm hồn sẽ là kết quả của tất cả những bước tiến đó.  Việc chọn lựa cũng có thể đúng và cũng có thể sai, nhưng nếu có vài thành viên trong cộng đoàn lại cho là sai và nhất định bảo thủ ý kiến của mình thì sao?  Trong trường hợp này, đòi hỏi mỗi người phải có tự do đối với ý kiến phán đoán của chính mình, tìm ý Chúa bằng cách sẵn sàng phê phán và chấp nhận để người khác phê phán những ý kiến của mình.  Khi đạt được thái độ tự do và tôn trọng nhau trong cộng đoàn, lúc đó mới có thể trao đổi với nhau một cách thẳng thắn, nhưng không phải để tranh luận hơn thua.  Để đạt được sự tự do, sự cởi mở với Chúa Thánh Thần và với nhau thì trước hết phải khao khát mãnh liệt trong cầu nguyện, khao khát được biết sự thật, được hiểu và lớn lên trong sự thật mà không sợ hãi, cũng không mong muốn gì khác. 
 
Phải bớt tin tưởng vào trí khôn của con người.  Ngược lại, đặt hết sự tin tưởng vào Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn dắt chúng ta vào tất cả sự thật mà chúng ta cần biết, lại phải đặt tin tưởng vào những thành viên khác cũng dấn thân vào nỗ lực này, phải tin tưởng họ là những con người có thiện chí tìm kiếm sự thật một cách lương thiện với sự cởi mở đối với Thánh Thần và đối với người khác.  Phải sẵn sàng lắng nghe và trình bày khiêm tốn, cởi mở, đơn sơ.  Phải thoát khỏi lòng ao ước muốn tỏ ra mình đúng, còn những người khác sai, lại sẵn sàng vui mừng khi tìm ra được sự sai lầm của mình nếu người khác đúng.  Phải có sự tự do đối với những thành kiến trong mức độ mỗi người có thể đạt được.  Tiếp theo là phải tin tưởng rằng nếu các thành viên chuẩn bị hết sức tốt thì Thánh Thần sẽ giúp họ soi sáng lẫn nhau, để mỗi người đều cho và nhận được ánh sáng.  Đó là sự chuẩn bị tâm hồn, chuẩn bị cho mối tương quan với nhau.  Điểm then chốt ở trong toàn bộ phương pháp “nhận định cộng đoàn” khác với cách thức đối thoại, trong đó mỗi người lắng nghe nhưng không bao giờ thực sự thử tìm cách chấp nhận và bảo vệ quan điểm khác với quan điểm của mình.  Nếu mỗi người cố gắng bênh vực quan điểm của người khác thì dần dần tất cả mọi người thấy rõ hơn.  Tục ngữ có câu:  “Hãy chui vào bộ da của người khác trước khi đòi người khác chui vào bộ da của mình”, tức là hãy thử nhận lấy ý kiến của người khác trước khi đòi người khác nhận lấy ý kiến của mình.  Tại sao cứ đòi người khác phải theo ý kiến của tôi mà tôi không cố gắng theo ý kiến của người khác.  Để trao đổi có kết quả tốt phải tránh những cuộc gặp gỡ dồn dập.
 
Như kinh nghiệm nhóm bạn của thánh I-Nhã đã làm là chia ra từng cuộc gặp gỡ.  Chẳng hạn trong cuộc gặp gỡ để nói lên những lý do bênh vực quan điểm chọn việc khấn vâng phục và trở thành một dòng tu, những lý do phải được ghi và đọc lại cho mọi người nghe.  Sau đó mỗi người có thể bổ túc ý kiến.  Nhưng trong một buổi họp, mọi người đều cố gắng bênh vực cùng một quan điểm.  Sau khi kết thúc buổi họp đó, mọi người tiếp tục cầu nguyện, suy nghĩ về những lý do, những giải thích đã đưa ra trong cuộc họp trước.  Sau đó lần lượt có những cuộc họp để nói về những quan điểm khác và bênh vực những quan điểm đó.  Nên chú ý trong những buổi họp này, phần bổ sung chỉ có giải thích, không đưa ra những lý do bênh vực.  Nếu không làm như vậy thì sẽ lại khởi đầu một cuộc tranh cãi.  Ở đây phải tránh tranh cãi, chỉ lắng nghe những lý do.  Trong các buổi họp cứ xen kẽ thời gian cầu nguyện, suy nghĩ, dần dần các lý do đó sẽ quy kết với nhau trong tâm trí mỗi người, làm cho mỗi người thay đổi dần dần và đi tới sự hòa hợp với nhau.  Điểm then chốt nữa là tất nhiên không nên quyết định bằng bỏ phiếu chọn quan điểm này hay quan điểm kia, vì đây không phải vấn đề đi đến quyết định mà là đi đến sự hòa hợp với nhau.  Vậy mục đích chủ yếu là cố gắng hiểu quan điểm của nhau, thấy điều hay, điều đúng của nhau và nhờ đó đi đến sự hòa hợp trong cộng đoàn.  Còn những quyết định nếu có gì sai thì dĩ nhiên phải sửa, không cần phải đặt vấn đề gay gắt.
 
Đó là một hình thức áp dụng phương pháp nhận định cộng đoàn, được coi là có thể hữu ích.  Phương pháp này sẽ giúp các cộng đoàn của chúng ta, nhất là những cộng đoàn chừng 5 – 7 người tạo được sự hòa hợp, một yếu tố quan trọng cho hạnh phúc của cộng đoàn và phát sinh hiệu năng tông đồ của cộng đoàn đó nữa.

VI. THỰC HÀNH NHẬN ĐỊNH THIÊNG LIÊNG

Điều kiện tiên quyết để có thể cân nhắc cũng giống như khi ta muốn sử dụng cái cân, nếu là cân bàn thì phải điều chỉnh cho kim chỉ đúng số không, nếu là cân móc thì phải xê dịch quả cân cho tới khi cán cân thật thăng bằng. Đó là điều thánh i-nhã gọi là sự bình tâm, nghĩa là giữ cho lòng mình không nghiêng về phía nào cả, chỉ sẵn sàng theo đàng nào Chúa muốn thôi. Cũng như sức hút của trái đất giữ cho cán cân thăng bằng và tạo nên sự giao động khi có trọng lượng được đặt lên cân, thì ở đây chính sức hút của Thiên Chúa làm cho tâm hồn “bình tâm”.

Ta hãy đọc lại “lời phi lộ” của thánh I-nhã :
 
Trong mọi việc lựa chọn tốt, trong mức độ hết sức có thể, con mắt ý hướng chúng ta phải đơn sơ, chỉ nhằm cái (mục đích) vì đó tôi đã được dựng nên, ấy là để ngợi khen Thiên Chúa, Chúa chúng ta và để cứu rỗi linh hồn tôi; như thế dù tôi lựa chọn cách nào thì việc lựa chọn ấy cũng phải nhằm giúp tôi đạt tới cứu cánh vì đó tôi được tạo dựng, nên không được xếp đặt và khuôn cứu cánh theo phương tiện, nhưng phải xếp đặt và khuôn phương tiện theo cứu cánh.
 
Làm sao đạt đuợc sự bình tâm? Trong tiến trình cầu nguyện mà thánh I-nhã đã đúc kết để giúp người khác đi vào kinh nghiệm cầu nguyện đã biến đổi cuộc đời ngài, ngài đặt cái tựa đề : “Linh thao để tự thắng mình và sắp xếp cuộc sống cho có trật tự mà không quyết định theo một tình cảm lệch lạc nào”. Làm sao để có thể quyết định mà không dựa theo một tình cảm lệch lạc nào? Điều có thể nói ngay là phải loại trừ mọi tình cảm lệch lạc trước đã. Nhưng lấy gì làm chuẩn để có thể nói một tình cảm nào đó là lệch lạc? Lấy sức ở đâu mà uốn nắn được tình cảm của mình cho đúng chuẩn mực và khỏi lệch lạc?
 
Tiến trình Linh Thao sẽ giúp người “luyện tập” tìm được sự bình tâm, nhận biết những lệch lạc nơi bản thân và tìm được chuẩn mực cùng sức mạnh để uốn nắn tình cảm của mình.
 
Để tìm sự bình tâm, phải đặt mình dưới tác động của sức hút duy nhất là Thiên Chúa, cùng đích cuộc sống của con người, điều thánh I-nhã gọi là nguyên lý và nền tảng :    
 
Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình. Mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho họ. Bởi thế người ta chỉ được sử dụng tạo vật theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải gạt bỏ khi chúng làm cản trở. Do đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm [1] đối với mọi tạo vật trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm, đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả.
 
Suy niệm, nghiền ngẫm chân lý nền tảng này của đức tin, nhận ra những hệ luận cho cuộc sống và mọi tương quan của mình, cầu xin ơn Chúa giúp để có thể đạt tới sự tự do nội tâm khiến mình không còn tìm chi khác ngoài Thiên Chúa là cùng đích đời mình. Đó là chiều kích hiện sinh của lòng tin. Thiên Chúa không chỉ là Đấng ngự trên cao, Ngài đã tự ban mình làm cùng đích cuộc đời tôi. Đón nhận ân huệ cao cả này và chấp nhận mọi hệ quả. Đây chính là quy luật của tình yêu: yêu một người là chấp nhận sự hiện diện của người ấy và mọi hậu quả của sự hiện diện ấy trong cuộc đời mình. Đó là “kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự” như ta vẫn đọc trong kinh “kính mến”.
 
Khi lời kinh “kính mến” không còn là lời thuộc lòng phát ra trên đầu môi chót luỡi, nhưng thành thái độ chân thành và sâu xa, thì tâm hồn ta được hoàn toàn tự do. Lúc này ta mới có thể nhìn vào những lệch lạc trong tâm hồn và cuộc sống của mình mà đỉnh cao là tội lỗi. Nhìn dưới ánh sáng của Tình Yêu đầy nhân lành và thương xót của trái tim Thiên Chúa, ta sẽ gớm ghét mọi tội lỗi và lệch lạc để lăn xả vào lòng Cha nhân lành, để cho Ngài yêu ta và để tình yêu của Ngài biến đổi ta.

Gạt bỏ được những lệch lạc rồi, ta đi tìm chuẩn mực để có thể cân nhắc các thần khí bằng cách chiêm ngắm Chúa Giêsu, vì Ngài là Con Đường, là Sự Thật và Sự Sống. Là Kitô hữu, ta chấp nhận bước theo Chúa Giêsu trên con đường Ngài đi. Việc chiêm ngắm Chúa Giêsu giúp ta gắn bó với Ngài đến nỗi chỉ muốn nên giống Ngài trong mọi sự như thánh Phaolô nói: mặc lấy Đức Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (x. Rm 8,29; Gl 3,27). Như vậy ta có một chuẩn mực tuyệt đối là Đức Giêsu Kitô: nghiêng về cái gì Chúa Giêsu đã chọn, chọn cái gì làm cho tôi nên giống Chúa Giêsu hơn cả. Với tiêu chuẩn tuyệt đối này ta có thể bắt đầu nhận định.

1. Nhận định thiêng liêng

Ta quen dịch từ “spitualis” (spirituel, spiritual) là thiêng liêng. Trong trường hợp nói về nhận định thiêng liêng, ta phải trở lại với gốc của từ này là Spiritus : nhận định trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần để nhận ra sự thôi thúc của Thánh Thần, phát hiện được sự thôi thúc của tà thần, của thế gian và xác thịt. Đây là một tiến trình cầu nguyện.
 
Trong sách Linh Thao, thánh I-nhã hướng dẫn rất tỉ mỉ phần này. Một đàng là những đề tài cầu nguyện về Ba Mẫu người và Ba bậc khiêm nhường để củng cố sự bình tâm, một đàng là những lời chỉ dẫn về “những điều có thể lựa chọn”, sau đó ngài nói đến ba tình huống có thể xảy ra:

2. Về ba thời kỳ thích hợp để làm việc lựa chọn tốt lành

175. THỜI KỲ THỨ NHẤT: Là khi Thiên Chúa Chúa chúng ta đánh động và lôi kéo ý muốn đến nỗi linh hồn trung tín tuân theo điều đã được chỉ vạch không hồ nghi mà cũng không thể hổ nghi; thánh Phaolô và thánh Matthêu đã làm như thế khi các Ngài theo Đức Kitô Chúa chúng ta.
 
176. THỜI KỲ THỨ HAI: Khi nhận được đủ ánh sáng và sự hiểu biết bởi kinh nghịêm những an ủi và sầu khổ, cũng như bởi kinh nghịêm phân biệt thần tốt và thần xấu.
 
177. THỜI KỲ THỨ BA: Thời kỳ thứ ba thì trầm lặng; trước hết suy xét con người sinh ra để làm gì, tức là để ngợi khen Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và để cứu linh hồn mình. Và với lòng ước ao sự ấy, chọn làm phương thế, một cuộc sống hay một bậc trong phạm vi Giáo Hội chấp nhận, để gặp được ở đó sự giúp đỡ cho việc phụng sự Chúa và cứu rỗi linh hồn mình.
 
Tôi nói, thời kỳ trầm lặng, nghĩa là khi linh hồn không bị xao động bởi thần tốt hay thần xấu, và sử dụng những khả năng tự nhiên của mình cách tự do và yên tĩnh.
 
Tình huống thứ nhất thì không có gì để bàn thêm.
 
Tình huống thứ hai chính là kinh nghiệm bản thân của thánh I-nhã ở Loyola, lúc mới được ơn Chúa. Nó cũng có thể xảy ra cho nhiều người.
 
Tình huống thứ ba là thông thường trong cuộc sống của mỗi người, mỗi cộng đoàn. Đối với tình huống này Thánh I-nhã đưa ra hai cách để làm một cuộc chọn lựa tốt đẹp.
 
3. Nếu cuộc lựa chọn không làm được trong thời kỳ thứ nhất hay thứ hai, thì sau đây là hai cách để lựa chọn theo thời kỳ thứ ba.
 
a. Cách thứ nhất để làm việc lựa chọn tốt lành (gồm sáu điểm):

178. ĐIỂM NHẤT: Là đặt mình trước những điều tôi toan lựa chọn, chẳng hạn một chức vụ hay bổng lộc để nhận hay bỏ, hoặc bất cứ điều gì khác mà sự lựa chọn có thể thay đổi được.
 
179. ĐIỂM HAI: Tôi phải nhằm đến cứu cánh vì đó tôi đã được dựng nên, là ngợi khen Thiên Chúa, Chúa chúng ta và cứu rỗi linh hồn tôi; lại nữa tôi phải giữ bình tâm, không có một quyến luyến lệch lạc nào, đến nỗi không hướng chiều và cũng không tha thiết để nhận điều đã được đề nghị hơn là từ chối hoặc từ chối hơn là nhận; nhưng tôi phải giữ mình ở vị thế cân bằng như cái kim của một bàn cân; chỉ nghiêng theo đàng nào tôi “cảm thấy” hợp hơn cho vinh quang và sự ca ngợi Chúa cùng việc cứu rỗi linh hồn tôi.
 
180. ĐIỂM BA: Xin Thiên Chúa, Chúa chúng ta đoái thương đánh động ý muốn tôi và đặt vào linh hồn tôi điều tôi phải làm đối với việc đã được đề nghị, để ngợi khen và làm vinh danh Chúa hơn, bằng cách dùng trí khôn suy xét đúng đắn và trung thành, và lựa chọn hợp với ý cực thánh và nhân lành của Người.
 
181. ĐIỂM BỐN: Suy xét xem việc được chức vụ hay bổng lộc nói đây sẽ sinh thuận tiện và ích lợi cho tôi bao nhiêu, duy để ngợi khen Thiên Chúa, Chúa chúng ta và cứu rỗi linh hồn tôi; và ngược lại cũng theo cách thức ấy, suy xét những bất tiện và nguy hiểm nếu được điều ấy. Trong phần thứ hai cũng làm như vậy, nghĩa là xét những thuận tiện và ích lợi bởi việc không được điều ấy, và ngược lại cũng xét những bất tiện và nguy hiểm nếu không có điều ấy.
 
182. ĐIỂM NĂM: Sau khi đã suy nghĩ và cân nhắc vấn đề dưới mọi khiá cạnh như thế, coi xem lý trí nghiêng về phiá nào, và phải lựa chọn theo sự thúc đẩy mạnh nhất của lý trí chứ không theo sự thúc đẩy nào của tình cảm.
 
183. ĐIỂM SÁU: Khi đã làm xong việc lựa chọn hay quyết định ấy, người đã lựa chọn phải mau mắn đi cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và dâng cho Ngài cuộc lựa chọn đó, để Chúa Chí Tôn đoái nhận và xác chuẩn cho, nếu điều ấy giúp phụng sự và ngợi khen Ngài hơn.
 
b. Cách thứ hai để làm việc lựa chọn tốt lành (gồm bốn quy tắc và một ghi chú.)

184. QUY TẮC I: Lòng yêu mến đánh động và làm tôi lựa chọn điều nào đó, phải từ trên mà xuống, bởi lòng kính mến Thiên Chúa, như thế người lựa chọn trước hết phải cảm thấy trong lòng rằng tình yêu mến nhiều hay ít đối với điều họ chọn, hoàn toàn hướng về Đấng Tạo Hóa và Chúa họ.
 
185. QUY TẮC II: Tưởng tượng ra một người mà tôi chưa bao giờ gặp và cũng chẳng quen biết, với lòng ước ao cho họ được hoàn thiện trọn vẹn, suy xét điều tôi sẽ khuyên họ làm và lựa chọn để sáng danh Thiên Chúa, Chúa chúng ta hơn cả và làm cho linh hồn họ nên trọn lành hơn; và tôi cũng làm như vậy, tuân theo quy tắc tôi đặt cho người khác.
 
186. QUY TẮC III: Xét coi, ví như tôi đang ở vào giờ chết, thì thái độ và quy tắc mà lúc ấy tôi muốn mình tuân theo trong công việc lựa chọn hiện bây giờ như thế nào, và rắp tâm quyết định hoàn toàn tuân theo quy tắc đó.
 
187. QUY TẮC IV: Nhìn ngắm và suy xét tình trạng của tôi trong ngày phán xét. Nghĩ xem lúc ấy tôi muốn mình đã định đoạt về công việc hiện tại như thế nào; quy tắc mà lúc ấy tôi muốn mình đã tuân theo, tôi nhận lấy ngay bây giờ, để lúc ấy tôi được hạnh phúc và mừng vui trọn vẹn.
 
188. GHI CHÚ: Một khi đã nhận lấy những quy tắc trên đây để được cứu rỗi và an nghỉ đời đời, tôi sẽ làm việc lựa chọn và dâng cho Thiên Chúa, Chúa chúng ta, theo như điểm thứ sáu trong cách lựa chọn thứ nhất.
 
Phương pháp nhận định và chọn lựa này có thể vận dụng trong đời sống cá nhân khi chọn lựa bậc sống (nhận định ơn gọi) cũng như khi muốn canh tân đời sống, trong đời sống cộng đoàn khi phải đáp ứng những tình huống mới mẻ, khi phải chỉnh đốn nếp sống, khi phải chọn lựa hoạt động tông đồ hay giải quyết những vấn đề khác của cộng đoàn.
 
Khi áp dụng cho cộng đoàn thì toàn thể cộng đoàn phải cùng nhau đi vào cầu nguyện, mỗi người phải đạt tới sự bình tâm và sẵn sàng đón nhận những gì Chúa sẽ bày tỏ qua cộng đoàn.