Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Ý Nghĩa Của Công Đồng Vatican II Đối Với Giáo Hội Học

Administrator
2018-09-23 08:41 UTC+7 25
Tác giả: Joseph A. Komonchak Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.   Môn GH học, “nói về GH,” thường được coi là một môn học có suy tư . Nó làm cho GH thành đối tượng khảo cứu và diễn từ. Nhưng cũng có một ý nghĩa khác được gán cho hạn từ […]


Tác giả: Joseph A. Komonchak

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.

 
Môn GH học, “nói về GH,” thường được coi là một môn học có suy tư . Nó làm cho GH thành đối tượng khảo cứu và diễn từ. Nhưng cũng có một ý nghĩa khác được gán cho hạn từ “nói về GH,”, tức là, kiểu nói  làm cho GH thành hiện thực.  Do vậy, có lời công bố tin mừng của Chua Giêsu về phía người rao giảng. Nhưng cũng có tiếng đáp “Amen” của đức tin, sự khai sinh nền tảng của GH được diễn tả trong 1 Ga 1:1-4. Rồi cũng có “ngôn ngữ-chúng ta” vốn diễn tả sự hiệp thông được thiết lập lên giữa những người tín hữu và giữa họ với TC. Có những hạn từ họ dùng để nói với nhau và về nhau, những hạn từ như anh chị em,  cha và con cái, v.v. Cũng có những hạn từ họ dùng nói về chính mình: “ekklesia” (cộng đoàn), “koinonia” (thông hiệp, tình bạn), “congregatio fidelium” (sự qui tụ của tín hữu), “gia đình đức tin,” v.v. Cuối cùng có những hạn từ họ dùng để diễn tả nguồn gốc, bản chất vàmục đích của cộng đoàn của họ: “Dân TC,” “thân mình Chúa Kitô,” “đền thờ Chúa Thánh Thần,” “hiền thê của Chúa Kitô,” v.v. Tất cả những “diễn từ về GH” này diễn tả và làm trung gian cho một  ý thức-cộng đoàn  trong thế giới thường nhật, nghĩa là, một cảm thức về điều vốn đem các kitô hữu lại với nhau và làm họ nên một, phân biệt họ khỏi những nhóm con người khác, diễn tả những mối tương giao của họ với TC và với nhau, cũng như định hướng họ trong thế giới. Bình diện thứ nhất tức “diễn từ về GH” có thể được gọi là một khoa GH học mặc nhiên và được sống, một thực tại sống và cảm thức là GH vốn là chủ thể mà môn GH học suy tư một cách có phê phán và hệ thống.

Một lịch sử về GH học không thể chỉ là một lịch sử của môn học có tính suy tư, có giá trị như chính môn học này. Nó cũng phải là lịch sử của một ý thức thuộc bình diện thứ nhất về GH, về cách thức mà các kitô hữu đã hiểu và liên kết các đời sống chung của họ và hiện thực sứ mệnh của họ trong những thế giới kế tiếp và đối diện với những thách đố  của lịch sử mà những thế giới này đặt ra. Vì vậy, đời sống GH, sự hiện thực chính mình của GH, là dữ kiện đệ nhất cho một sử gia của GH học.

Tất cả điều này cũng đúng cho Vatican và ý nghĩa của nó đối với GH học. Dĩ nhiên công đồng thật là rất quan trọng vì những gì công đồng đã nói, vì 16 văn kiện công đồng phát hành mà như Karl Rahner nói, tất cả những văn kiện đó đều liên quan đến GH. Nhưng công đồng cũng là một biến cố trong lịch sử GH, không thông thường theo hai nghĩa: trước tiên, chỉ bởi vì các công đồng đại kết tương đối là những biến cố hiếm hoi, và, thứ hai, bởi vì công đồng tiêu biểu một biến cố xoay hướng trong lịch sử hiện đại của GH. Vì thế, chúng ta sẽ phải khảo sát công đồng dưới cả hai khía cạnh, xét như một giai đoạn [thời khắc] lịch sử trong việc GH kiến tạo chính mình và như một sự biểu lộ GH ý thức về mình.
 
CÔNG GIÁO VÀ KHOA GIÁO HỘI HỌC TRƯỚC CÔNG ĐỒNG

Trong diễn từ khai mạc công đồng, Đức Gioan XXIII đã có một đoạn vốn hữu ích để giải thích ý nghĩa lịch sử của công đồng. Ngài nói rằng khi hàng ngày thực thi tác vụ, ngài thường phải lắng nghe những người “mà chỉ nhìn thấy đổ nát và tai họa trong những trạng huống hiện tại của xã hội con người. Họ tiếp tục lập lại rằng khi so với những thế hệ quá khứ, thời đại chúng ta đang nên tồi tệ hơn.” Đức giáo hoàng phê phán thêm những người mà không học được nhiều điều từ lịch sử và lý tưởng hóa quá khứ: “Chúng tôi tin, chúng tôi phải hoàn toàn bất đồng với những ngôn sứ bi quan luôn luôn tiên đoán tai ương, dường như tận thế sắp tới nơi.” Thay vào đó, Đức giáo hoàng mời gọi các giám mục phải nhìn thấy xã hội con người “đang đi vào một trật tự mới của các sự vật” vàø phải tín thác vào “những chương trình huyền nhiệm của TC quan phòng; qua bước tiến thời gian và những nỗ lực của con người, và thường vuột quá sự kỳ vọng của họ, những chương trình này đang đạt đến mục tiêu của chúng và khôn ngoan sắp xếp mọi sự, vì phần ích của GH, ngay cả những biến cố mâu thuẫn của nhân loại.”

Ở đây, Đức Giáo hoàng Gioan chỉ trích một thái độ được miêu tả là “chủ thuyết đại họa của công giáo,” quan điểm cho rằng sự phát triển mà đưa tới những nét rõ ràng của thời mới là một bội giáo lâu dài của xã hội và văn hóa phương Tây tách khỏi cái lý tưởng xưa kia được thành tựu trong đế chế kitô giáo thời trung cổ. Người ta đã nghĩ, sự khước từ triều đại của Chúa Kitô đã bắt đầu với việc Cải cách phá hoại sự duy nhất tôn giáo của phương Tây, rồi lan rộng đến lãnh vực văn hóa trên bình diện tri thức do thời Khai sáng, và rồi qua một loạt những cuộc cách mạng đã khiến những lãnh vực kinh tế, chính trị, và văn hóa khỏi sự kiểm soát và thậm chí tầm ảnh hưởng của Chúa Kitô và Giáo hội. Như Đức Giáo hoàng ghi nhận, từ thời cách mạng Pháp cho tới trước Vatican II, phê phán tiêu cực này, thậm chí đôi khi được diễn tả cách khải huyền, đã thống trị những đánh giá về tính tân thời do các giáo hoàng và giám mục mang lại.

Thái độ này không chỉ quyết định lối giải thích chung chung về thế giới tân thời, song cũng cung cấp lời biện minh căn bản có tính chất ý thức hệ để xây dựng giáo hội công giáo Roma thời mới đối diện với một thế giới bội giáo. Trong khi thông tri đức tin xa xưa, hình thức mới rõ ràng tân thời này của công giáo nhấn mạnh đến tín lý trong tư thế đối nghịch hoàn toàn và rõ ràng với những sai lầm và lạc giáo của thời mới – nguyên tội, sự đền bù, quyền của Chúa Kitô trên xã hội và văn hóa. Nó cổ xúy những lòng sùng kính mà sẽ kiện cường đức tin này trong giới bình dân – Mẹ Vô nhiễm, Thánh tâm Chúa Giêsu, Chúa Kitô Vua. Trên bình diện của tổ chức xã hội thường nhật, nó khích lệ làm tăng thêm những hiệp hội và phong trào Công giáo hầu làm cho vững chắc một ý thức về căn tính giữa những người Công giáo, để làm họ miễn nhiễm khỏi sự ô nhiễm do thế giới và huy động cũng như truyền sinh lực cho họ để khôi phục thế giới cho Chúa Kitô. Trên một bình diện lớn hơn, nó cổ xúy sự đồng bộ trong Giáo hội và gia tăng quyền bính trung ương tập quyền ở Roma bằng việc đề cao con người và vai trò của Đức giáo hoàng, mà đỉnh cao của việc này là định tín Đức Giáo hoàng có quyền tối thượng và bất khả ngộ tại công đồng Vatican I. Kết quả là một xã hội phân nhỏ rõ rệt công giáo mà ý thức hệ và tổ chức của nó kiện cường nhau.

Hình thức xã hội mới mẻ này của Công giáo được biện minh bởi nền GH học đó vốn chiếm ưu thắng giữa thời của công đồng Vatican I và II. Nó tập trung vào bản chất xã hội của Giáo hội, nghĩa là Chúa Kitô đã thiết lập một thể chế hữu hình của ơn cứu độ có những cơ cấu với thẩm quyền pháp lý được tập trung vào đức giáo hoàng. Người ta chứng minh rằng đó là giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được Chúa Kitô thiết lập và, theo lời Ngài hứa, vẫn hiện hữu trên trần và GH ấy đồng nhất với GH công giáo Roma. Những phần tử chân thật của GH này chỉ là những người được liên kết bằng những tiêu chuẩn có thể kiểm xét được từ bên ngoài là tuyên xưng đức tin, tham dự bí tích và tòng thuộc thẩm quyền hợp pháp. Toàn bộ lối tiếp cận mang tính chất cơ cấu: sự đồng hóa với “một giáo hội chân thật,” sự phân phối quyền bính, và những bổn phận của sự lệ thuộc vào phẩm trật. Mục đích của những luận đề này về Giáo hội là hợp pháp hóa cơ cấu (thể chế) được tổ chức vững chắc, tự tín trên bình diện ý thức hệ, nhưng nay sống trong một thế giới bội giáo.

Nhãn quan này về GH và sự diễn tả hữu hiệu của nó trong đời sống của GH công giáo đã thống trị trong những nhóm của GH Roma mãi cho đến trước công đồng. Khi đức thánh cha Gioan trao cho ủy ban thần học sửa soạn những bản văn cho công đồng Vatican II, ủy ban tự nhiên tin rằng mục đích của mình là chuẩn bị những tài liệu mà chỉ lập lại và kiện cường những thái độ và chiến lược tiêu biểu của GH công giáo Roma tân thời, nhất là khi chúng được các vị giáo hoàng thời đại nói lên. Vì giả thiết rằng vai trò của mình tiên vàn là bảo vệ đức tin chống lại những sai lạc của thời mới, Ủy ban thần học đó soạn thảo một bộ các văn kiện mà phần lớn sử dụng những tài liệu của một thế kỷ rưỡi trước mà thôi: Syllabus of Errors (1864), Vatican I (1870), Lời kết án Modernism (1950)  và những thông điệp của Đức Piô XII, nhất là Humani generis (1950), phê bình về điều vốn bị gièm pha là “thần học mới.”

KỊCH TÍNH CỦA CÔNG ĐỒNG VÀ NHU CẦU CANH TÂN GIÁO HỘI HỌC

Giữa những bản văn chính thức này là một bản văn về GH, gồm 11 chương. Hai chương đầu tạo nên đặc tính cơ cấu của GH và những tiêu chuẩn hữu hình cho tư cách thành viên. Hai chương kế tiếp dành cho chức giám mục và, mặc dù người ta kỳ vọng chúng sẽ quân bình lại những bản văn tập trung về Giáo hoàng của Vatican I, thì từng điểm một chúng lại kiện cường những đặc quyền của giáo hoàng. Một chương về người giáo dân phản ánh những triển khai trong thần học mới đây và vai trò đang lên của “Công giáo Tiến hành.” Sau một chương về đời tu, phần lớn dành để chứng nhận chỗ đứng pháp lý của họ trong GH, hai chương bàn đến điều được diễn tả như cơn khủng hoảng của quyền bính trong GH. Một chương về GH và nhà nước lập lại “luận đề” tân thời là phải dành cho GH công giáo một tình yêu đặc biệt. Một chương về hoạt động truyền giáo tập trung vào GH có quyền rao giảng tin mừng. Một chương cuối cùng về đại kết tập trung đến những cá nhân và đến việc “hồi đầu về lại” với Mẹ GH và đặt ra những quy luật hạn chế việc thờ phượng chung.

Ba tháng trước khi công đồng khai mạc, một tập (bộ) đầu tiên những bản văn để thảo luận (không bao gồm bản nháp về GH chưa được làm xong) được gởi tới các giám mục. Nhiều giám mục và những cố vấn thần học của các ngài bắt đầu biểu lộ lo sợ rằng những bản văn không đạt được ba mục tiêu mà đức Gioan đã quy cho công đồng: canh tân thiêng liêng, đổi mới hợp thời mục vụ, hiệp nhất đại kết. Một vài hồng y quan trọng trình bày những phàn nàn này cho Đức Giáo hoàng. Rất có thể ngài đã trả lời những quan tâm này trong bài diễn văn khai mạc khi nói rằng công đồng không được mời gọi chỉ lập lại điều đã biết rồi, nhưng đúng hơn để bảo tồn và cổ xúy gia tài đức tin của GH trong một phương cách mục vụ hữu hiệu đáp ứng những đòi hỏi của ngày nay. Công đồng muốn kiềm lại những lời kết án, nhưng tìm cách sửa chữa sai lầm nhờ “phương dược là lòng thương xót,” nghĩa là, bằng một sự trình bày đức tin cách tích cực. Bằng một cách thức lịch thiệp tiêu biểu, đức Gioan đã phác họa lịch trình cho công đồng hoàn toàn khác với lịch trình được phản ảnh trong những bản văn được chuẩn bị và thực tế ủy quyền cho các giám mục, nếu họ đồng ý, chọn lựa phương hướng khác để làm việc.

Các giám mục chấp nhận thách đố này. Họ phê chuẩn hoàn toàn bản nháp về phụng vụ; nó kêu gọi những cuộc cải cách có ý nghĩa; và các giám mục địa phương và miền phải chịu trách nhiệm điều đó. Các giám mục phê bình gay gắt bản văn tín lý “về những nguồn mạc khải” đến nỗi người ta yêu cầu phải bỏ phiếu có nên giữ nó lại như bản văn căn bản hay không. 61% các giám mục bỏ phiếu chống lại bản văn, và Giáo hoàng Gioan ra lệnh rút lại và gửi trả về cho một ủy ban hỗn hợp để duyệt xét lại. Hai lần bỏ phiếu này cho thấy rằng công đồng chia sẻ nhãn quan của Giáo hoàng và muốn đưa ra được những bản văn vốn sẽ phê chuẩn một sự duyệt xét nghiêm chỉnh về hoạt động mục vụ của GH và sẽ xác minh đức tin bằng một ngôn ngữ và với những nhấn mạnh hoàn toàn khác với những ngôn ngữ và những nhấn mạnh vốn đã từng tiêu biểu cho huấn quyền của thế kỷ trước.

Trong khi đó, bản văn chính thức về GH đã hoàn tất và phân phát cho các giám mục. Khi hội nghị bàn cãi những bản văn khác, nhiều nỗ lực đã bắt đầu để chuẩn bị một bản văn thay thế. Vào lúc đó, Hồng y Ottaviani, chủ tịch của ủy ban thần học chuẩn bị công đồng và nay là [chủ tịch] của ủy ban tín lý của công đồng, giới thiệu bản văn chính thức, vở kịch của khóa họp thứ nhất của công đồng đã diễn ra và ít ngày tranh cãi dành cho văn kiện này đã diễn biến không như ý; Ottaviani, và mọi người khác, biết rằng bản văn về GH cũng sẽ phải bị thay đổi nhiều.

Toàn công đồng, nhưng nhất là khóa họp đầu tiên, là GH-trong-hiện-thể (GH-in-act), và trên bình diện hiện sinh và lịch sử, những biến cố quan trọng đang xảy ra. Trên bình diện cơ cấu, có một sự thay đổi của người canh giữ: những người vốn đã ở ngoài lề suốt thời gian chuẩn bị công đồng nay thay thế những người đã điều khiển (kiểm soát) việc chuẩn bị như những người lãnh đạo của công đồng. Các giám mục đã từng được kỳ vọng tuân phục đi theo hướng thông thường cho đến nay của những vị thẩm quyền trung ương Roma, bây giờ hoạt động cách tập đoàn cùng với một ý thức mới về trách nhiệm của mình. Họ đã làm cho rõ rằng điều họ muốn làm và nói thường khác biệt cách kinh khủng trong kiểu cách, phương pháp, ngôn ngữ và bản chất với những thái độ tư duy, chiến lược mục vụ, và những nhấn mạnh đức tin vốn từng là đặc điểm của Công giáo Roma thời mới. Khoa GH học-trong-thực thể này được biểu lộ trong những kinh nghiệm và quyết định của Vatican II đòi một khoa GH-trong-lý thuyết tương xứng.

Một loạt các khai triển thần học và mục vụ vốn đã từng thành công trong những thập niên trước công đồng, với nhiều khó khăn và chống đối, mới làm cho tiến trình của công đồng và các bản văn Công đồng phát hành thành khả thể. Trên bình diện thần học uyên thâm, ở đây chúng ta có thể chỉ tới sự canh tân kinh thánh; lãnh vực này, sau khi đã hầu như ngột ngạt vì phản ứng chống phái Modernist, đã được sinh động lại nhờ thông điệp Divino afflante Spiritu (1943) của đức Pio XII; [chúng ta có thể nói ] tới sự khôi phục lại truyền thống Công giáo phong phú và sâu xa trong thời các giáo phụ và những thần học gia vĩ đại của thời Trung cổ, cũng như tới sự kiến thiết lại truyền thống phụng vụ của GH. Trên bình diện đời sống GH, chúng ta có thể viện dẫn sự canh tân phụng vụ, phong trào đại kết, và tư duy lại về mối liên hệ của GH đối với thế giới tân thời được phản ảnh trong những phong trào công giáo tiến hành vốn đã khởi hứng một nền thần học về người giáo dân, trong những nỗ lực để thảo ra những nền thần học về lịch sử và về những thực tại trần thế, và trong những cố gắng bị chống đối lâu dài đề suy nghĩ lại và đổi mới những mối liên hệ giữa GH và nhà nước. Như người ta kỳ vọng, có một mối liên hệ biện chứng giữa điều đang xảy ra trên bình diện đời sống GH và điều đang được tư duy trên bình diện học vấn uyên thâm và thần học phản tỉnh.

Trong dòng những phát triển này, những ý niệm đầy đủ hơn về GH bắt đầu được trau chuốt và đòi một chỗ đứng trong GH học cùng với những nhấn mạnh về cơ cấu đang chủ trì. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ta thấy ý niệm về GH như nhiệm thể Chúa Kitô được khôi phục, được chuẩn nhận và khai triển trong thông điệp Mystici corporis (1943). Hai thập niên trước công đồng chứng kiến ý niệm Dân TC lữ hành nổi lên và ý tưởng GH như bí tích được phổ biến. Mối liên hệ giữa Thánh Thể và GH, chủ đề của những nghiên cứu quan trọng có tính chất lịch sử, cũng là một chủ đề lớn trong thần học phụng vụ. Những khảo cứu được khởi hứng từ bình diện đại kết lưu ý đến những tương quan giữa Lời và bí tích, giữa KT và truyền thống, lưu ý đến những vấn đề về quyền bính, đến  những chiều kích cánh chung của GH. Người ta học hỏi chỗ đứng và vai trò của người giáo dân về mặt họ tham dự vào đời sống nội tại của GH cũng như họ mang lấy sứ mệnh của GH trong thế giới.

Chính chỗ đứng nhỏ bé của những ý niệm này trong bản thảo chính thức về GH để chuẩn bị cho Vatican II đã khiến mọi người nản lòng đối với bản văn. Lịch sử về phương diện soạn thảo ra Lumen gentium và những bản văn lớn khác về GH của công đồng chủ yếu là câu chuyện của những nỗ lực hòa hợp những phát triển mới đây thành một lời minh xác về cái ý thức của GH về chínnh mình.

Những bản văn chung cuộc của Vatican II khác nhau theo loại, mục đích và thẩm quyền giáo lý; chúng được bàn thảo chi tiết trên 4 năm; suốt thời gian đó tâm trí của công đồng phát triển; trong nhiều chủ đề công đồng quyết định không cố gắng dàn xếp cách hợp pháp những vấn nạn được tranh cãi trong thần học, nhưng chỉ đưa ra những yếu tố phải được cùng nắm giữ với nhau, có lẽ thậm chí trong thế căng thẳng, và trong cách minh xác của những yếu tố này, công đồng làm việc bằng cách thỏa hiệp và hòa giải hướng tới nhất trí lớn bao có thể, như đã từng được thực hành nhiều thế kỷ trong các công đồng. Vì những lẽ này, ta không nên kỳ vọng tìm ra được một luận trình dứt khoát và hệ thống về giáo hội trong những tài liệu công đồng. Một công đồng đại kết không phải là một hội thảo thần học.

Trong phần phân tích sau, tôi sẽ nhận diện những lãnh vực lớn trong khoa GH học của công đồng và giải thích ý nghĩa của chúng liên quan đến (1) những khai triển vượt xa những nhấn mạnh trước công đồng và (2) sự đâm bông kết trái trong thời hậu công đồng.

NHỮNG KHÁI NIỆM THẦN HỌC CĂN BẢN VỀ GIÁO HỘI HỌC

Một số người giải thích chủ trương rằng không có một khoa giáo hội học duy nhất trong công đồng nhưng chỉ có nhiều hình ảnh hay khuôn mẫu khác nhau về GH. Hiển nhiên, công đồng dùng nhiều hình ảnh; thực thế, công đồng dành một đoạn cho một số hình ảnh kinh thánh và một đoạn khác nữa để triển khai ý niệm của Phaolô về thân mình Chúa Kitô (LG 6-7). Trên một bình diện suy tư hơn, chương nhất LG được dành cho GH như mầu nhiệm, và ở đây giới thiệu những ý niệm “GH là bí tích” và là communio [sự thông hiệp] sự sống thần linh; chương hai thảo luận GH là dân TC; và với chương ba bản văn quay sang những sự khác biệt giữa các phần tử của GH, bắt đầu với phẩm trật. Sự đa biệt này khiến một số người nói về một số khoa giáo hội học khác nhau của công đồng; những người khác lại nhận diện một ý niệm ẩn sâu bên dưới vốn nắm bắt yếu tính của khóe nhìn trong Vatican II về GH; một số chọn khái niệm “dân TC,” số khác chọn “communio,” và v.v.

Ta thấy có nhiều hình ảnh khác nhau là vì công đồng chọn một ngôn ngữ mang tính chất kinh thánh, giáo phụ và phụng vụ hơn. Những hình ảnh, chính vì tính cách cụ thể của chúng, không thể được hội hiệp đúng nghĩa. Sự hội hiệp có thể xảy ra trên bình diện suy tư hay lý thuyết, nhưng điều này thì công đồng lại không tìm cách đạt tới; công đồng bằng lòng trình bày theo tính cách miêu tả hơn là cắt nghĩa tổng hợp. Những ý niệm như “mầu nhiệm,” “hiệp thông,” “bí tích,” “thân mình Chúa Kitô,” “Dân TC,” “đền thờ của Chúa TT,” và v.v. được đưa vào khi một chủ đề dường như cần đến. Công đồng tìm cách đề ra những yếu tố của đời sống GH nhưng lại để cho các thần học gia kiến tạo một tổng hợp của mình. Những yếu tố này thì nhiều, nhưng GH học của công đồng bao hàm tất cả, và vì thế, [GH học của công đồng] là một trong ý hướng.

Không may hơn nữa là đôi khi người ta tuyên bố cách mặc nhiên hoặc minh nhiên rằng ta phải chọn giữa những khái niệm của công đồng. Do đó đôi khi người ta nghe lời đề xướng rằng “dân TC” và “thân mình Chúa Kitô” thì không thể tương hợp. Sự nồng nhiệt ban đầu đối với “dân TC,” bị phê phán là quá xã hội học hay “dân chủ,” sau này đã nhường cho “hiệp thông” như ý tưởng then chốt của công đồng, có thể đề ra những chiều kích của mầu nhiệm GH cách tốt đẹp hơn. Chọn lựa như thế là phản bội lại ý hướng và giáo huấn của công đồng. Khi giải thích cấu trúc của LG, ủy ban tín lý giải thích rằng với chương hai “Dân TC,” công đồng tiếp tục trình bày “mầu nhiệm GH” đã bắt đầu ở chương 1; chỉ có điều là trong khi chương một bàn đến mầu nhiệm đó trong kế hoạch của TC từ sáng tạo cho đến viên thành, thì chương hai lại đề cập cùng một mầu nhiệm ấy trong thời gian giữa cuộc thăng thiên và parousia, nghĩa là, trong lịch sử. Một lịch sử duy nhất được vén mở ra, trước hết trong những chiều kích siêu việt sau đó đến chiều kích lịch sử của nó. Ủy ban đã tách chất liệu ra làm hai chương chỉ bởi vì một chương mà thôi sẽ quá dài.

Bình luận này mời gọi chúng ta khai phá những chiều kích của một GH mà mỗi khái niệm diễn tả hơn là nghĩ rằng một GH học riêng biệt xuất phát từ mỗi khái niệm quan trọng đó. Một nhận xét đặc biệt quan trọng về điểm này được LG 8 đề ra; ở đây công đồng đưa ra những yếu tố cấu thành của GH mà một nhãn quan thần học phải hòa nhập. Ngay tức khắc GH là một cộng đoàn của đức tin, cậy, mến đồng thời là một cơ cấu khả giác, một xã hội phẩm trật và nhiệm thể Chúa Kitô, một nhóm [người] hữu hình và một cộng đoàn thiêng liêng, hiện hữu trên trần và được ban những ân huệ thiên quốc. Những ý niệm này, mà có thể đặt trong những cột song song, không miêu tả hai điều khác biệt, nhưng “một thực tại phức tạp gồm một yếu tố nhân loại và một yếu tố thần linh.” Cũng như trong Kitô học trách vụ [của thần học] hệ thống được thiết định bằng việc gán cho “cùng một Chúa Giêsu Kitô” yếu tố nhân loại và thần linh, thì GH học cũng vậy cố gắng hiểu sự hiện diện của cả hai yếu tố đó trong GH. Hy sinh hay bỏ quên bất kỳ yếu tố nào là giết chết mầu nhiệm. Những ý niệm đặc thù soi sáng yếu tố này hoặc yếu tố khác trong những cấu tố một cách đầy đủ hơn những ý niệm khác, nhưng một GH học toàn diện phải bao hàm tất cả.

GIÁO HỘI Ở ĐÂU?

Công đồng mang lại một câu trả lời cho câu hỏi này trên ba bình diện, tất cả, theo những cách thức rất ý nghĩa, vượt xa khoa GH học chung chung tiền công đồng. Cách thức dễ dàng nhất để trả lời câu hỏi trên là nhận diện các chi thể của GH, những người thuộc về GH. Bản văn chuẩn bị về GH, âm vang lại một truyền thống dài lâu từ Robert Bellamine tới Mystici corporis của Pio XII, đã xác định những chi thể “chân thật” là những người được liên kết bằng những sợi dây là tuyên xưng đức tin bề ngoài, nhận lãnh các bí tích, và vâng phục quyền bính, nhất là của đức thánh cha. Vì chỉ những người công giáo Roma mới chu tất những tiêu chuẩn này, đối với bản thảo này, để trả lời cho bình diện thứ hai của câu hỏi, thì ta chỉ có thể đồng nhất GH của Chúa Kitô với GH công giáo Roma.

Tuy thế, khi công đồng thảo luận, rõ ràng thấy đây là một câu trả lời quá đơn giản; Chỉ những tiêu chuẩn bề ngoài, mà có thể đủ cho một vài mục đích biện giáo, lại bỏ không xét đến những yếu tố nội tại vốn tạo thành và sinh động GH.  Sự việc còn phức tạp hơn nữa khi đức tin, cậy, mến chân chính, và ân sủng của Thánh Thần vốn làm cho những nhân đức trên thành có thể, được xét đến. Vì, một đàng, ta có thể tìm thấy những tặng phẩm này bêân ngoài GH công giáo; đàng khác, không phải tất cả mọi người Công giáo đều vui hưởng chúng.  Hơn nữa, ta đều tìm thấy những nét cấu thành quan trọng của GH, chẳng hạn KT, niềm tin cốt yếu, bí tích, thừa tác vụ tông truyền, đều được tìm thấy, theo mức độ hơn kém, giữa những GH và cộng đoàn không Công giáo. Vậy, thân mình sống động của Chúa Kitô không thể chỉ được đồng hóa với GH công giáo mà thôi.

Về bình diện thứ nhất của câu hỏi, ta tìm thấy một ngôn ngữ uyển chuyển hơn với ngôn ngữ về tư cách thành viên. Công đồng chọn nói về những mức độ của sự hiệp thông vơiù GH. Công đồng bắt đầu với một sự tháp nhập trọn vẹn vào GH mà người ta hưởng được. Công đồng nói:

Được kể  là gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn GH, những ai nhận lãnh Thánh Thần Chúa Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương tiện cứu rỗi được thiết lập trong GH; và nhờ mối liên laic do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai trị của GH và sự hiệp thông, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Giáo hoàng và các giám mục (LG 14).

Theo những tiêu chuẩn cuối cùng này, chỉ những người Công giáo có thể có được sự tháp nhập tròn đầy này, nhưng theo tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất, [tức là] sự sống của Thánh Thần, không phải tất cả mọi người Công giáo đều được tháp nhập trọn vẹn.

Những mức độ ít hơn của sự hiệp thông được diễn tả trong đoạn kế tiếp; đoạn văn nói về những kitô hữu không phải công giáo. Họ hưởng được một sự hiệp thông chân chính song bất toàn dựa trên một toàn bộ những yếu tố gây ấn tượng được tìm thấy nơi họ: KT, đức tin vào TC và Chúa Kitô, kết hiệp với Chúa Kitô qua phép rửa, những bí tích khác, chức giám mục, thánh thể, lòng tôn sùng đức Nữ trinh, hiệp thông trong kinh nguyện và những phúc lành thiêng liêng, sự kết hiệp với Thánh Thần, và sự tử đạo (LG 15). Khi xem xét những giáo hội và cộng đoàn kitô hữu không phải Công giáo trong sắc lệnh về Đại kết (Unitatis redintegratio), công đồng còn xác quyết mạnh hơn rằng:

Lại nữa, trong các yếu tố hoặc tài sản xây dựng và làm sống động GH, một số khá nhiều và tuyệt hảo có thể không nằm trong bình diện hữu hình của GH như: lời chúa ghi chép trong Thánh kinh, đời sống trong ơn thánh, đức tin, cậy, mến và các ơn nội tâm do Thánh Thần ban cùng những yếu tố hữu hình. (UR 3).

Hơn nữa, bản văn tiếp tục: “các anh em ly khai với chúng ta cũng cử hành nhiều lễ nghi phụng vụ của kitô giáo.” Những lễ nghi này “có thể thực sự phát sinh đời sống ơn thánh và phải được công nhận là đường đưa đến sự thông hiệp vào ơn cứu rỗi” (HN 3).

Những xác quyết mạnh mẽ và phong phú này cắt nghĩa tại sao, trên bình diện thứ hai của câu hỏi, công đồng có thể không hài lòng để đơn giản đồng hóa Giáo hội với GH công giáo. Thay vào đó, đang khi thay đổi một cách có nghĩa động từ được sử dụng, công đồng nói: “Như một xã hội được thiết lập quy củ trên trần gian, GH ấy tồn tại trong GH công giáo, do Đấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với Ngài điều khiển và mặc dù bên ngoài cơ cấu của GH còn có nhiều yếu tố  thánh hóa và chân lý” (LG 8). Ủy ban tín lý giải thích rằng họ đã thay động từ “là” (được dùng trong những bản nháp trước kia) bằng hạn từ “tồn tại trong,” (subsists in) không phải bởi vì khái niệm triết học sâu xa “sự tồn hữu, subsistence,”  nhưng chỉ bởi vì từ ngữ sau là một nhóm chữ thích đáng hơn, căn cứ trên những xác quyết của công đồng, trong những bản văn được trích dẫn ở trên, về sự hiện hữu của các yếu tố GH trong những cộng đoàn kitô hửu khác. Dĩ nhiên, người ta có được một tuyên cáo độc đáo về GH công giáo; lời khẳng định ấy được giải thích trong Unitatis redintegratio 3, nơi đó công đồng nói rằng “chỉ nhờ GH công giáo của Chúa Kitô là phương thế cứu rỗi chung mới có thể đạt được đầy đủ các phương tiện cứu rỗi.” Lời tuyên cáo của công đồng, ý nghĩa cụ thể của công thức “subsists in” ấy là những phương thế cứu rỗi mà Chúa Kitô muốn GH phải có – KT, kinh tin, các bí tích, các thừa tác viên – được tìm thấy toàn vẹn chỉ trong GH Công giáo. Lời tuyên cáo vẫn còn là lời tuyên cáo mạnh mẽ; nó minh định đối tượng của cuộc đối thoại đại kết suốt từ công đồng khi các người công giáo và những kitô hữu khác thảo luận về những sự khác biệt của họ trên những phương thế cứu rỗi khác nhau này và nhất là xem chúng có được Chúa Kitô muốn hay không.

Vẫn còn lại bình diện thứ ba mà nơi đó ta có thể hỏi câu hỏi “GH ở đâu?” Nó liên can đến mối liên hệ giữa một GH phổ quát và nhiều GH địa phương hay đặc thù. Suốt nhiều thế kỷ GH học đã khai triển trong một viễn ảnh duy phổ quát, có lẽ trước tiên bởi vì nó chú ý quá nhiều đến quyền bính phổ quát của giáo hoàng và bởi vì sự lan rộng có tầm mức thế giới của việc truyền giáo của GH từ Âu châu; công việc truyền giáo đó thường lấy dáng dấp của GH phương Tây làm chuẩn mục. Kết quả, cả trong lý thuyết lẫn trong thực tiễn, là một nhãn quan đồng bộ và trung ương tập quyền về GH.

Ba sự phát triển trước công đồng bắt đầu nói rõ một số những giả định của nhãn quan này. Trước hết là sự kính trọng gia tăng đối với những nền văn hóa khác nhau mà những nỗ lực truyền giáo được hướng đến, cùng với những nỗ lực của các giáo hoàng để cổ xúy một hàng giáo phẩm bản xứ để khi những mảnh đất truyền giáo đạt được sự độc lập chínnh trị GH sẽ không được coi là một thực thể ngoại quốc. Thứ đến, những cuộc đối thoại với Chính thống Đông phương sinh ra một sự trân trọng mới về tính khác biệt của những truyền thống thiêng liêng, phụng vụ, và thần học trong một GH.  Thứ ba, cả sự uyên thâm thần học về mối tương quan giữa GH và Thánh Thể lẫn sự nhấn mạnh của phụng vụ về vai trò của cộng đoàn thánh thể khám phá ra những điểm tiếp xúc với những nền GH học có tính chất thánh thể của Đông phương.

Tất cả những phong trào này tập trung chú ý vào những sự hiện thực địa phương của GH cả trong hình thức của từng cộng đoàn thờ phượng lẫn trong những truyền thống rộng lớn của đời sống GH. Những bản văn công đồng phản ảnh những phát triển này và cung cấp nền tảng cho một trong những nét nổi bật nhất của GH học hậu công đồng, sự nhấn mạnh mới trên giáo hội địa phương. Một lần nữa, người ta không kỳ vọng để tìm thấy nơi những bản văn của Vatican II một thần học đầy đủ và nhất quán về GH địa phương, như đã rõ ràng như thế khi công đồng không nhất quán trong từ ngữ. Công đồng nói đến cả những giáo hội “địa phương” lẫn “đặc thù”; tuy nhiên, những từ ngữ này nói đến điều gì (địa phận, nghi thức, giáo hội thượng phụ, cộng đoàn địa phương) lại thay đổi theo từng bản văn.

Một chiều kích đầu tiên của GH địa phương là phụng vụ. Công đồng nói rằng “Họ phải xác tín rằng GH được đặc biệt biểu lộ khi toàn thể dân thánh Chúa tham dự trọn vẹn và sinh động vào những cử hành phụng vụ, đặc biệt trong cùng một lễ tạ ơn, trong một lời nguyện duy nhất, ở đó Giám mục chủ tọa giữa linh mục đoàn và các thừa tác viên bao quanh ngài.” Những thánh thể địa phương, giống như các xứ đạo, biểu thị GH hữu hình đã được thiết lập trên toàn cõi đất” (PV 41-42). Sự biểu lộ hay sự biểu thị này phải được hiểu theo một nghĩa mạnh được nói đến trong LG 26:

Giáo hội Chúa Kitô thực sự hiện diện trong mọi đoàn thể tín hữu địa phương họp pháp. Những đoàn thể này, vì hợp nhất với các chủ chăn, nên trong Tân ước cũng được gọi là GH. Thực vây, trong phần đất của mình, mỗi doàn thể là Dân tộc mới được TC kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự viên mãn đầy tràn (x. 1 Tx 1: 5). Nơi các đoàn thể đó, tín hữu được tụ họp lại nhờ sự rao giảng Phúc Âm Chúa Kitô, và mầu nhiệm Tiệc Ly của Chúa được cử hành để nhờ Thịt và Máu Chúa, tất cả kết thành huynh đệ và thành một thân thể. Mỗi lần Giám mục cử hành nhiệm vụ với cộng đoàn tu họp quanh bàn thờ, đó là biểu hiệu đức ái và sự hiệp nhất của nhiệm thể, và nếu thiều sự hiệp nhất đó, không thể có ơn cứu rỗi. Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi. Và nhờ thần lực Người, GH hiệp thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (42).

Trong những bản văn này cộng đoàn thánh thể đặc thù, tất yếu là địa phương được mô tả như một biến cố của GH duy nhất và công giáo, mà toàn thể mầu nhiệm của nó, được khai sinh từ lới TC và các bí tích, được hiện thực tại đó.

Một đích nhắm tương tự được mạc khải trong sắc lệnh về chức vụ Giám mục (Christus Dominus); văn kiện này cho ta một định nghĩa về địa phận; nó coi địa phận vượt hơn là một phần nhỏ chỉ mang tính chất quản trị của sự tổ chức có kích thước quốc tế.

Giáo phận là một phần Dân TC được giao phó cho một Giám mục chăm sóc, với sự cộng tác của linh mục đoàn, để nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, giáo phận được tập trung trong Chúa Thánh Thần nhơ Phúc âm và thánh thể, làm thành một GH riêng biệt, trong đó GH duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền của Chúa Kitô hiện diện và hành động thực sự. (CD 30).

Ở đây, lại một lần nữa, toàn mầu nhiệm của GH được hiện thực trong địa phận được làm nên rõ ràng trong lời xác quyết rất quan trọng mà ta tìm thấy trong Lumen gentium:

Đức Giáo hoàng Roma, Đấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các giám mục cũng như giữa các tín hữu. Còn mỗi giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong GH địa phương. Các GH này được thành lập theo hình ảnh GH phổ quát: chính nhờ và trong các GH ấy mà có một GH công giáo, duy nhất. (LG 23).

Ở đây có hai xác quyết quan trọng, trong một thế căng thẳng rõ ràng `với nhau. Một đàng, người ta nói từng GH được “tạo hình theo hình ảnh của GH phổ quát;” Đàng khác, GH phổ quát được coi là hiện hữu “trong và qua” từng GH. Từ xác quyết thứ nhất rõ ràng là từng cá nhân GH địa phương không phải là một cái gì phân biệt khỏi GH phổ quát nhưng biểu thị nó, hiện thực nó, mang hình ảnh của nó theo nghĩa rằng điều làm cho GH thành GH duy nhất  thì  lại làm chúng thành những giáo hội. Từ lời xác quyết thứ hai ta thấy rõ ràng GH phổ quát không phải là một cái gì phân biệt khỏi những GH cá thể nhưng hiện hữu chỉ trong chúng và từ chúng. Như Henri de Lubac nói, tách khỏi những giáo hội địa phương cá thể, GH phổ quát chỉ là một ens rationis, một trừu tượng. Hiểu chung với nhau, hai xác quyết này biểu thị một trong những giáo huấn quan trọng nhất về GH của Vatican II, và nhiều suy tư hậu công đồng đã được dành để khai phá nó và những hàm ẩn của nó.

Khi chiều hướng mới mẻ này được đảm nhận cách nghiêm chỉnh, sự chú ý tập trung trên những trường hợp cụ thể trong đó GH duy nhất hiện hữu và hoạt động trong và từ nhiều GH địa phương. Những điều này được ám chỉ vắn gọn trong nhiều đoạn của các bản văn công đồng, nhất là trong sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của GH (Ad gentes), trong đó miêu tả cái thách đố là GH phải trở thành quen thuộc một cách chân chính trong những nền văn hóa khác nhau. Những đoạn như thế khởi hứng cho nền văn chương đáng kể về hội nhập văn hóa và về những nền thần học địa phương được phát hành trong những thập niên từ sau công đồng.

Những đoạn văn như vậy đòi hỏi rằng tính công giáo của GH phải được trao ban ý nghĩa cụ thể. Lại một lần nữa công đồng dẫn lối:

Đặc tính phổ quát này, tư trang của Dân TC, là một ân huệ do chính TC ban, nhờ đó GH công giáo luôn nỗ lực cách hữu hiệu qui tụ toàn thể nhân loại cùng những gì tốt lành nơi họ dưới một Thủ lãnh là Chua Kitô, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Nhờ đặc tính công giáo ấy, mỗi phần tử mang những ân huệ riêng của mình đến cho các phần tử khác và cho toàn GH, do đó, toàn thể và mỗi phần tử tăng triển nhờ hiệp thông với nhau và nhờ nỗ lực tiến đến viên mãn trong sự hiệp nhất (LG 13).

Công giáo tính ở đây xuất hiện như là “sự sung mãn (tròn đầy) trong hiệp nhất,” sự sung mãn phản ánh nhiều ân huệ được ban cho từng giáo hội, sự hiệp nhất diễn tả và hiện thực chương trình của TC là mang nhân loại rải rắc về hiệp nhất nhờ Chúa Kitô và trong Thần khí. Ý niệm sâu xa về công giáo tính như thế sau này được suy tư tiếp trong cùng một bản văn khi công đồng lập tức ca ngợi sự đa dạng của kỷ luật, những sử dụng phụng vụ, những gia sản thần học và thiêng liêng được tìm thấy trong “những khuôn đức tin” khác nhau chẳng hạn như những tòa thượng phụ xa xưa; bản văn nhấn mạnh rằng “sự  dị biệt của các giáo hội địa phương, cùng nhau khát vọng tới sự hiệp nhất [ecclesiarum localium in unum conspirans varietas] minh chứng rõ ràng hơn tính công giáo của GH không bị phân chia” (LG 23).

TRÁCH NHIỆM CHUNG

Bản thảo đầu tiên về GH, sau những chương đầu về bản chất GH và về tư cách thành viên, đã chuyển ngay sang cơ cấu phẩm trật. Trước khi bản nháp được hiệu đính được đệ trình lên khóa họp thứ hai của công đồng, người ta đã quyết định đặt một chương về dân TC trước khi đi tới những sự khác biệt trong GH. Ủy ban tín lý giải thích rằng chương này tập trung đến toàn thể các tín hữu, giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân mà tất cả những gì chương này nói đến trong khi tiếp tục suy tư về mầu nhiệm áp dụng cho mọi người. Nếu sự giải thích này có thể ngăn cản một sự hiểu biết về hạn từ “Dân TC” mà chỉ áp dụng cho người giáo dân, thì vẫn còn lại rằng sự sắp xếp này khiến ta chú ý đến một đóng góp chính yếu khác của khoa GH học của Vatican II, đó là, xây dựng GH và hoàn tất sứ mệnh của GH trong thế giới là công việc của toàn thể các tín hữu. Dĩ nhiên, xét theo lịch sử, điều này muốn nhằm phục hồi người giáo dân, vốn bị bỏ quên nhiều trong những sách giáo khoa tiêu biểu của thời tiền công đồng; như Yves Congar thường bình luận, những sách giáo khoa này hướng để chuyển GH học thành “phẩm trật học,” những luận đề về phẩm trật.

Giữa những phát triển vốn dẫn công đồng tới nhãn quan mở rộng này trước tiên là phong trào phụng vụ mà Vatican đã tán đồng khi viết xuống ý định tiên quyết của mình trong Hiến chế về phụng vụ:

Mẹ GH tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vein ý thức và linh động. Việc tham dự ấy do chính bản tính phụng vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa tội, việc tham dự phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo ‘là giòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là con dân được tuyển chọn’ (1 Pr 2:9; x.2:4-5).

Một nhận biết quan trọng là đây: chính toàn cộng đoàn đức tin là chủ thể hay là tác nhân của phượng tự, như thế giáo dân không thể bị coi chỉ là những người thụ nhận tiêu cực hay những quan sát viên của những hành vi phụng vụ được hàng tư giáo thực hiện.

Sự áp dụng riêng biệt này cho phụng vụ dựa trên một xác quyết tổng quát hơn:

Thế nên chỉ có một Dân TC được Ngài tuyển chọn: ‘Chỉ có một TC, một đức tin, một Thánh tẩy’ (Ep 4:5), cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ, được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế trong Chúa Kitô và trong GH, không còn có sự hơn kém vì nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nàm nữ, bởi lẽ ‘không còn là người Do thái hay Hy lap, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh  em hết thảy đều là một trong Chúa Giêsu Kitô’ (Gl 3: 28; x. Cl 3: 11).
Vì thế, tuy trong GH, tất cả không cùng đi một đường, nhưng tất cả vẫn cùng được mời gọi nên thánh, và đồng thừa hưởng đức tin trong sự công chính của TC (x. 2 Pr 1: 1). Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các nhiệm tích hay các chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm qia, và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô” (LG 32).

Trong GH điều này đặt nền cho một toàn bộ những quyền lợi và bổn phận của tất cả Kitô hữu được cất giữ trong Bộ Giáo Luật. Nhưng những quyền lợi và bổn phận này không chỉ đánh dấu đời sống bên trong của GH. Giáo dân cũng có việc tông đồ, được định nghĩa là “thông phần vào sứ mệnh cứu rỗi của GH,” và công đồng nói, chính Chúa “ủy thác cho họ công việc ấy qua phép thánh tẩy và thêm sức” (GH 33). Sắc lệnh về tông đồ giáo dân (Apostolicam actuositatem) thêm một nền tảng đặc sủng cho ơn gọi mang tính bí tích này:

Do sự đón nhận những đoàn sủng này dầu là những đoàn sủng thông thường, mỗi tín hữu có quyền lợi và bổn phận xử dụng những ơn đó trong GH cũng như giữa trần gian để mưu ích cho mọi người và xây dựng GH trong tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng ‘muốn thổi đâu thì thổi’ (Ga 3: 8) và đồng thời sử dụng trong sự hiệp thông với anh chị em trong Chúa Kitô, nhất là với các vị chủ chăn của mình. (AA 3).

Những xác minh rằng tất cả các phần tử của GH đều đồng trách nhiệm có ảnh hưởng trong việc rộng mở những cơ hội mới cho người giáo dân trong phụng vụ, trong huấn giáo, và trong việc quản trị GH. Trong khi chắc chắn đây là một sự hiện thực thú vị mà công đồng muốn làm, thì đúng hơn các bản văn công đồng về người giáo dân tập trung trên vai trò của họ trong thế giới. Điều này thật rõ trong chính nỗ lực của công đồng, trong GH 31, để đưa ra một bản miêu tả tiêu biểu về người giáo dân mà phải đi vượt xa hơn cái định nghĩa tầm thường và có tính chất xã hội học về người giáo dân như là nhưng người không phải là linh mục hay tu sĩ. Công đồng diễn tả phẩm giá căn bản của người giáo dân là “kitô” của họ khi gọi họ là những kitô hữu,
Nghĩa là những kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh tẩy, đã trở nên Dân TC, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thực của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong GH và trên trần gian theo hận vụ riêng của mình. (LG 30).

Nhưng điều đặc trưng về người giáo dân là “đặc tính trần thế” của họ, nghĩa là, họ sống đời sống kitô hữu của mình và đảm nhận những trách nhiệm kitô hữu của họ trong thế giới, như, một cách tiêu biểu, những người trong hôn nhân và làm những công việc trần thế.

Đó là nơi TC gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần phúc âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với long tin cậy mến sáng ngời và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác. (LG 31).

Công đồng ở đây đặt vai trò đặc trưng và không thể thay thế của người giáo dân trong những nỗ lực hằng ngày của họ để cứu chuộc thế giới, văn hóa và lịch sử. Bù lại, chính là như những người dấn thân vào hoạt động này trong thế giới mà họ cũng có quyền và bổn phận mang kinh nghiệm và sự khôn ngoan họ đạt được trong thế giới như là sự đóng góp thiết yếu cho đời sống bên trong của GH.

Nỗ lực để công nhận giá trị (của) và cổ xúy sự tham gia của tất cả mọi người trong đời sống và công việc của giáo hội trong mọi bình diện được phản chiếu khi công đồng kêu gọi đồng trách nhiệm và thiết lập những cơ cấu để làm cho việc ấy có thể thành sự. Do đó, trên bình diện giáo xứ, công đồng đòi hỏi những cơ cấu, chẳng hạn hội đồng giáo xứ, qua đó người giáo dân có thể thực thi quyền lợi, và ngay cả bổn phận của mình, để làm cho những quan điểm của họ về những vấn đề liên quan đến thiện ích của GH phải được biết đến (GH 37). Tương tự, trên bình diện địa phận, công đồng tán đồng [việc thành lập] những hội đồng hay những ban cố vấn của các linh mục và ban cố vấn mục vụ gồm linh mục, tu sĩ, và giáo dân (CD 27). Cuối cùng, về mặt cai quản toàn GH, công đồng tìm cách khôi phục một cảm thức về đặc tính tập đoàn của chức giám mục, nghĩa là, Giám mục đoàn có  trách nhiệm chung đối với toàn GH và thực thi bằng việc trung thành chu toàn các trách nhiệm của mình trong từng địa phận và bằng những hình thức [cổ xúy] cho trách nhiệm tập thể như hội đồng giám mục và Thượng hội đồng các giám mục.

Một lần nữa, những nhấn mạnh này về sự tham gia và đồng trách nhiệm phản ánh công đồng muốn canh tân mối quan tâm đối với GH địa phương nơi đó mầu nhiệm GH được hiện thực. Công đồng không nhìn GH như một công ty đa quốc gia, rộng lớn, thuộc bình diện tôn giáo, và có trụ sở chính ở Roma, những văn phòng nhánh ở trong các thành phố lớn, và tiệm bán lẻ ở trong các giáo xứ. Sự tụ họp của dân TC thành sự hiệp thông trong mầu nhiệm TC xẩy ra trên bình diện địa phương khi lời TC được rao giảng và đức tin được khai sinh, khi quyền năng của Thánh Thần canh tân niềm hy vọng, khi tình yêu TC sáng tạo tình yêu đáp trả dành cho TC và tình yêu cho anh chị em, khi dân tộc mới này, quá đặc trưng vàthiết định, hiện thực một cuộc biến đổi thế giới ít nhất cách không hoàn chỉnh (từng phần); một thế giới trong đó GH nảy sinh. Trong tiến trình này có nhiều trách nhiệm khác nhau, được đặt nền cách khác biệt trong các bí tích (phép rửa, thêm sức, chức thánh) và trong những ân huệ đặc biệt hay đặc sủng; nhưng tất cả làm cho GH hiện hữu và tất cả giúp GH làm thành một sự khác biệt trong thế giới. GH  đến từ Chúa Ba Ngôi (Ecclesia de Trinitate) là GH mà nảy sinh từ giữa con người (Ecclesia ex hominibus); Một GH duy nhất mà những nguyên lý cấu thành của nó tạo nên hình thức phổ quát của các GH là GH mà nảy sinh trong và từ nhiều GH địa phương.

QUYỀN TỐI THƯỢNG VÀ TẬP ĐOÀN TÍNH

Sau khi định nghĩa về quyền tối thượng và việc thực thi bất khả ngô của chức vụ giảng dạy của đức giáo hoàng, những hoàn cảnh ngăn cản Vatican I không tiếp tục thảo luận về vai trò của các giám mục. Từ ban đầu người ta kỳ vọng rằng Vatican II sẽ cố gắng mang lại sự bổ sung cần thiết này. Khó khăn của công việc này, vốn làm cho lịch sử của chương ba của Lumen gentium thành một trong những chương tranh cãi nhiều nhất trong toàn bộ công đồng, trước tiên nằm trong việc cần phải hoàn toàn kính trọng giáo huấn của công đồng Vatican I và, thứ đến, trong sự kiện là giữa hai công đồng vai trò của giáo hoàng và khoa huyền bí đi kèm của chức giáo hoàng đã tăng trưởng tới mức độ là người ta có ấn tượng là toàn GH được nhân cách hóa nơi đức giáo hoàng và sự cai quản GH là độc quyền của Roma.

Giáo huấn của Vatican II, trong GH 3, bắt đầu với một xác quyết rõ ràng rằng giáo huấn về chức giám mục sẽ được trình bày như một sự tiếp nối giáo huấn của Vatican I về sự cai quản và quyền dạy dỗ của đức giáo hoàng, mà nó đề xuất để tin (LG 18). Những đoạn sau tiếp tục về việc Chúa Kitô quy tụ các môn đệ và về sự kế tục thừa tác vụ của các ngài nơi những vị kế nhiệm, các giám mục. Câu xác quyết quan trọng chính là ba nhiệm vụ của giám mục (dạy dỗ, cai trị và thánh hóa) một cách triệt để được thông truyền do sự thụ phong giám mục; đây là một nỗ lực để vượt qua sự chia tách mà giáo huấn chung của thời tiền công đồng đã đề ra là bí tích truyền chức chỉ thông truyền chức vụ thứ ba (thánh hóa) , còn hai chức vụ đầu tiên (dạy dỗ và cai quản)  là kết quả do giáo hoàng ủy quyền. Sự hiệp nhất cần thiết với giáo hoàng mà lý thuyết này muốn bảo vệ được công đồng xác quyết về “sự thông hiệp của phẩm trật với đầu và những phần tử của giám mục đoàn” (LG 21). Ba chức vụ của giám mục sau này được miêu tả dài hơn (LG 25-27).

Giám mục đoàn nhập thể và làm cho tông đồ đoàn được biểu thị do nhóm Mười Hai vẫn hiện diện. Công đồng dùng ý niệm “đoàn,” một ý niệm không mang tính kỹ thuật và có tính co dãn. Việc những người kế vị của các tông đồ tạo thành một “đội kiên vững” được lịch sử minh chứng , như trong những hình thức xa xưa của sự hiệp thông giữa cáa giám mục và với giáo hoàng, các phiên họp của công đồng miền hay chung, các tòa thượng phụ, và, mới đây hơn, việc thiết lập các hội đồng giám mục (LG 22-23). Trách vụ tế nhị mà công đồng đối diện là trách vụ xác định thẩm quyền của giám mục đoàn theo cách thức mà không xâm phạm vai trò tối thượng của giáo hoàng. Thay vì cống hiến một giải đáp suy lý về sự khác biệt, công đồng bằng lòng để đưa ra (tuyên bố) những điều kiện mà bất kỳ một giáo thuyết nào như thế cũng phải để ý xem xét (LG 23-24). Một đàng, giáo hoàng có “thẩm quyền bính đầy đủ, tối thượng và phổ quát trên GH và ngài có thể tự do thi hành nó.” Đàng khác, “Giám mục đoàn. . . hiệp nhất với thủ lãnh của mình, tức giáo hoàng Roma, và không bao giờ tách khỏi giáo chủ ấy, cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn GH, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của giáo hoàng Roma.” Suốt trong và sau công đồng, các nhà thần học và giáo luật đã tranh cãi cách thức để hài hòa và tổng hợp hai xác quyết này mà công đồng hài lòng chỉ xác quyết để tiếp tục bàn cãi. Những bàn cãi lý thuyết này đã được tương xứng trên những bình diện cụ thể do những cuộc thảo luận và bút chiến về quyền bính tương đối của giáo hoàng, những cá nhân giám mục, những hình thức của giám mục đoàn trên bình diện miền, chẳng hạn những hội đồng giám mục. Vì chính công đồng lúc đó không giải quyết những cuộc tranh luận lý thuyết, vì thế những giáo lý của công đồng, tự chúng, không cung cấp những câu giải đáp cho những cuộc bút chiến cụ thể. Thách đố chính yếu, lúc đó cũng như bây giờ, là hòa giải những đòi hỏi của sự hiệp nhất và những đòi hỏi của tính đa đạng.

Suốt trong công đồng, Joseph Ratzinger phân biệt đúng đắn hai cách thức tiếp cận câu hỏi. Một cách thức đã thống trị trong thời mới là (có tính cách) duy phổ quát (universalistic) và quan niệm sự cai quản của giáo hội theo khuôn mẫu của một sự quản trị trung ương (tập quyền), quân chủ dưới chủ thuyết duy giáo hoàng, có tính cách tập thể hơn dưới một nhãn quan của thời mới về tập đoàn tính. Một cách thức khác, tiêu biểu của khoa giáo hội học nơi các giáo phụ, nhấn mạnh đến sự hiện thực của mầu nhiệm tròn đầy của một GH là sự hiệp thông của các giáo hội địa phương, và vì thế vạch ra nền thần học về các thừa tác vụ của sự hiệp nhất trong GH từ một nền thần học về sự hiệp thông chứ không phải ngược lại. Cả hai quan điểm được biểu lộ trong những cuộc tranh cãi về quyền tối thượng và chức giám mục và trong những bản văn chung cuộc của công đồng, và chúng tiếp tục được bảo vệ trong ngay hôm nay.

GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI

Công đồng không đề tựa HC mục vụ là GH trong thế giới, nhưng là GH trong thế giới tân tiến. Với nỗ lực này, công đồng tìm cách cung ứng những nguyên tắc và chỉ dẫn cho trách vụ mà Giáo hoàng Gioan XXIII đã thách đố công đồng để đảm nhận: có một nhãn quan với về thế giới trong đó GH bây giờ đang sống, để đưa ra một đánh giá về những điểm mạnh và những nhu cầu của thế giới, để xem xét sự thích đáng của những thái độ, kế hoạch và cơ cấu mục vụ đối với thế giới, để canh tân điều gì không còn thích đáng nữa, và vui lòng học từ thế giới ngay cả khi GH tìm cách để dạy dỗ thế giới.  Kết quả là Gaudium et Spes, bản văn trong đó, hơn bất kỳ bản văn nào khác, công đồng thuận lòng bước theo Đức giáo hoàng chống lại “những vị ngôn sứ u sầu.”

Tài liệu bắt đầu bằng cách diễn tả GH liên đới với “những niềm vui và hy vọng, u buồn và lo lắng của con người hôm nay” và rồi khởi sự phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của những biến đổi xã hội và văn hóa đang trải qua. GH nay đang sống trong một thế giới năng động hơn, được đánh dấu bởi nỗ lực để gia tăng sự kiểm soát của con người trên thiên nhiên và “để thiết lập một trật tự chính trị, xã hội và kinh tế mà sẽ phải phục vụ con người tốt đẹp hơn cũng như phải giúp các cá nhân và các nhóm để xác quyết và vun trồng phẩm giá của họ” (GS 6-9). Chính trong chuyển động này của nỗ lực đầy ý thức để biến đổi và hướng dẫn lịch sử mà GS trình bày sự hiểu biết của kitô giáo về ngôi vị con người (nhân vị), cộng đồng nhân loại, và lịch sử nhân loại hầu sau đó có thể thảo luận trách vụ của GH trong thế giới hiện đại (chương 1-4). Trong khi được thấm nhuần xét trên phương diện xã hội học, lối tiếp cận đó có khoa nhân học theo Chúa Kitô như là nền tảng thần học của mình; khoa đó được tóm kết tuyệt diệu trong lời xác quyết rằng “mầu nhiệm của con người chỉ thực sự sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (GS 22). Ý định xuyên suốt là sửa sai những khuynh hướng hiện đại lầm lạc vốn có nơi những tín hữu cũng như nơi những người ngoại; những khuynh hướng đó muốn đối kháng sự tối cao của đấng Tạo hóa và trách nhiệm của các cá nhân và các nhóm, vốn từng được gọi là sự tự lập thụ tạo của họ. Giáo lý cổ điển của Kitô giáo về tự do, tội lỗi, và ơn cứu chuộc ở đây được trải rộng xa khỏi cá nhân để bao gồm dự phóng của toàn thể nhân loại.

It nhất có hai phương diện trong đó phương pháp và nội dung của GS thật ý nghĩa đối với giáo hội học. Phương diện thứ nhất thuộc vào bình diện của một khoa giáo hội học được sống, là những thái độ và chiến thuật căn bản vốn minh định hoạt động của GH trong thế giới. Theo sự hướng dẫn của đức giáo hoàng Gioan, công đồng phần lớn kiềm giữ mình khỏi thái độ nghi ngờ, tiêu cực và tự vệ vốn đã từng ghi dấu nền văn hóa công giáo trước kia; thay vào đó, công đồng thừa nhận một phương pháp đối thoại phản chiếu quan điểm của công đồng rằng Thánh thần của TC không vắng bóng giữa những phát triển tân thời (GS 26); quan điểm này làm cho công đồng có thể diễn tả trong đoạn 44 điều mà GH có thể học từ thế giới. Trong khi nói chung bản trình bày thật tích cực và nhiều hy vọng, thì nó theo như một số sau này nhận định, không phải là một thứ “lạc quan ấu trĩ”; bản trình bày không giữ mình khỏi những ghi nhận (nhận xét) có tính cách phê phán về những bất cân bằng và thất bại trong thế giới hiện đại và về những quan điểm sai lạc về TC và về nhân loại mà thường nằm đằng sau đó. Nhưng đáp ứng của công đồng là một xác quyết tích cực và tự tin về điều mà GH phải cống hiến qua sứ điệp của mình về Chúa Kitô và qua đời sống đức tin, cậy, mến của mình.

Một thí dụ mang tính chất tranh cãi đặc biệt về sự thay đổi trong lý thuyết và thực hành mà công đồng tiếp nhận được tìm thấy trong giáo lý của công đồng về tự do tôn giáo. Vào khoảng giữa thập niên 1950, ngay cả trong lược đồ chính thức được chuẩn bị cho công đồng liên quan đến GH, mối tương quan lý tưởng giữa GH và nhà nước được trình bày như là một tương quan trong đó GH công giáo được thiết lập như một tôn giáo chính thức của nhà nước, nhà nước nâng đỡ GH về tài chính và pháp lý, và nhà nước có thể dùng quyền lực cưỡng chế để ngăn cản hay giới hạn những hoạt động công khai của những bộ phận tôn giáo khác. Hoạt động tốt nhất mà có thể được phép là sự “chịu đựng” của những tôn giáo sai lạc để bảo vệ hòa bình công cộng. Người ta kiên quyết khước từ những nỗ lực để duyệt lại lý thuyết này và sự thực hành tương ứng.

Trong tuyên ngôn của mình về tự do tôn giáo (Dignitatis humanae), công đồng hạ bệ lý tưởng tiền công đồng. Công đồng xác quyết quyền tự do tôn giáo của cả cá nhân lẫn các cơ quan tôn giáo trên căn bản của phẩm giá nhân vị, sự tự do của hành vi đức tin, và quốc gia không có đủ thẩm quyền trên phương diện pháp lý trong những vấn đề tôn giáo. Trong khi công đồng không hoàn toàn chống lại việc có thể có một nhà nước “quốc giáo”, điều này sẽ phải cho phép các tôn giáo khác [có] một cái gì khác hơn là một sự “chịu đựng” xuông, nghĩa là, sự tự do tôn giáo chân chính và bình đẳng tham gia vào sự nâng đỡ của nhà nước. Sự tự do của GH sẽ được đảm bảo trong hiến pháp và luật lệ chung về sự tự do tôn giáo. Đức Phaolo VI diễn dạt tuyệt diệu vào cuối công đồng khi trả lời cho chính câu hỏi ngài đặt ra trong những ghi nhận của ngài cho các vị lãnh đạo trong chính quyền: “GH đòi hỏi anh chị em điều gì? GH chỉ đòi hỏi tự do, tự do tin và rao giảng đức tin của mình, tự do sống và đem sứ điệp của sự sống cho nhân loại.” Với giáo lý này, theo như một số người ghi nhận lúc đó, GH đang đẩy lùi “kỷ nguyên của Constantine.”

Trên bình diện của GH học suy tư, phương pháp và giáo lý của GS thật ý nghĩa bởi vì chúng đòi hỏi rằng thần học về GH phải bao gồm, chứ không chỉ như một ý nghĩ đến sau, một sự khảo sát về GH trong thế giới. Chắc chắn, một khoa GH học sẽ phải xem xét những cấu tố chính thức (thuộc về mô thể) của điều mà LG gọi là “hình ảnh của GH phổ quát,” nghĩa là, những nguyên lý khai sinh, thần linh và nhân loại, mà làm cho GH thành một thực tại riêng biệt như chính nó. Nhưng cũng như những cá nhân trở thành kitô hữu trong những hoàn cảnh cụ thể và dưới những điều kiện cụ thể vốn xác định và phân biệt đời sống đặc thù của họ, GH không bao giờ được khai sinh trừ phi trong những nơi chốn đặc thù, vào một thời gian đặc thù, và đối diện với những thách đố lịch sử đặc thù. GH không bao giờ hiện hữu trừ phi trong thế giới, điều này, dĩ nhiên, có ý nghĩa rằng  GH không bao giờ hiện hữu trừ phi trong những thế giới đặc thù của họ. Trong sự khai sinh cụ thể của GH trong các giáo hội, thế giới không xuất hiện ở một thì thứ hai nào đó, và, có thể nói, “ở ngoài đó,” như đối tượng của mối quan tâm cứu độ. Sự khai sinh của GH là một thời khắc (thì) trong, một chiều kích của, sự khai sinh của thế giới. Sự hiện hữu của chính GH được giả thiết để làm cho thế giới đổi khác.

Đó sẽ là một sai lầm khi tưởng nghĩ ra một sự căng thẳng, ít hơn một sự chia tách, giữa những bản văn của công đồng mà, để dùng một sự phân biệt không hoàn toàn tốt vào lúc này, nói đến Ecclesia ad intra và những bản văn mà nói về Ecclesia ad extra, để đối chiếu một lối tiếp cận thần học với [lối tiếp cận] xã hội học hay lịch sử đối với GH, hay để phân chia những ý niệm thần học về GH  giữa những hai sự đối nghịch ngụy tạo này. Dĩ nhiên, thật đúng là một vài ý niệm rõ ràng gây chú ý nhiều hơn so với những ý niệm khác đến một chiều kích này chiều kích khác, nhưng chỉ là một chủ thể lịch sử năng động mà những chiều kích này tạo lên và những ý niệm này diễn tả. Dân TC vốn là bí tích của sự hiện diện của Chúa Kitô trong thế giới là cùng một GH mà là sự hiệp thông trong mầu nhiệm của TC, và sự hiệp thông với TC và giữa những con người vốn cấu thành thực tại đặc biệt là GH; và việc mà GH cử hành nơi hành vi thờ phượng cốt yếu của mình là điều mà dân tộc lữ hành phải mang đến cho thế giới bằng cách công bố [mầu nhiệm ấy] qua lời và nhập thể nó trong đời sống và phục vụ. GH mà thế giới cần là GH vốn phải rõ rệt là chính mình, và điều phân biệt GH là điều vốn làm cho GH liên hệ với thế giới của lịch sử con người một cách rõ ràng và trực tiếp nhất. Mầu nhiệm của GH được hiện thực trong lịch sử của thế giới.

 

(by Joseph A. Komonchak trong The Gift of the Chuch, ed. Peter Phan, the Liturgical Press, Collegeville, 2000.)