Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Sự tiến triển ý nghĩa của danh hiệu Chúa Kitô Vua

Văn phòng Học Viện
2024-11-23 09:06 UTC+7 528
Lễ kính Chúa Kitô Vua mới được thiết lập cách đây 100 năm. Từ đó đến nay, đã có nhiều thay đổi về ý nghĩa của danh hiệu. Danh hiệu này muốn nói lột bỏ tất cả mọi màu sắc chính trị: đừng hiểu Đức Kitô là vua của một quốc gia nào, bởi vì Người là vua của vũ trụ. Lễ này được đặt vào cuối năm phụng vụ, như là lời chúc tụng tạ ơn vì những ân huệ đã lãnh nhận từ mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, (trọng tâm của phụng vụ), cách riêng những ân huệ đã lãnh nhận trong năm phụng vụ sắp kết thúc.

SỰ TIẾN TRIỂN Ý NGHĨA CỦA DANH HIỆU CHÚA KITÔ VUA

Phan Tấn Thành

Lễ kính Chúa Kitô Vua mới được thiết lập cách đây 100 năm. Từ đó đến nay, đã có nhiều thay đổi về ý nghĩa của danh hiệu.

1/ Nguồn gốc

Lễ Chúa Kitô Vua được thiết lập do Đức Thánh Cha Piô XI, vào ngày 11 tháng Chạp năm 1925, với thông điệp Quas primas, để đánh dấu Năm Toàn Xá sắp kết thúc, và cũng để kỷ niệm 1600 năm Công Đồng Nixêa (năm 325), tuyên bố Đức Kitô đồng bản tính với Đức Chúa Cha. Từ đó đến nay, ý nghĩa của nó đã thay đổi nhiều, đặc biệt do thần học của Công Đồng Vaticanô II.

Vào lúc được Đức Piô XI thiết lập, danh xưng của ngày lễ chỉ là “Đức Kitô Vua”, và được mừng vào Chúa Nhựt cuối tháng 10. Tại sao vào cuối tháng 10? Bởi vì nó đi liền ngay trước lễ Các Thánh, những người đã được vào nước trời, nghĩa là vương quốc Thiên Chúa. Tuy nhiên, đức thánh cha còn có một ẩn ý khác. Vào thời đó, nhiều quốc gia Công Giáo tại châu Âu muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi các văn bản luật pháp, họ muốn thực hiện một chính thể dân chủ, đặt nền tảng trên các nguyên tắc của lý trí. Lễ Chúa Kitô Vua muốn nhắc nhở các quốc gia ấy hãy nhớ rằng mọi thể chế chính trị cần được quy chiếu vào các điều răn của Chúa, các luật lệ quốc gia phải phù hợp với luật của Chúa.

Sau Công Đồng Vaticanô II, cuộc canh tân phụng vụ đã dời lễ này sang Chúa Nhựt cuối cùng của năm phụng vụ dưới danh xưng: “Đức Kitô Vua Vũ trụ”. Danh hiệu này muốn nói lột bỏ tất cả mọi màu sắc chính trị: đừng hiểu Đức Kitô là vua của một quốc gia nào, bởi vì Người là vua của vũ trụ. Lễ này được đặt vào cuối năm phụng vụ, như là lời chúc tụng tạ ơn vì những ân huệ đã lãnh nhận từ mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, (trọng tâm của phụng vụ), cách riêng những ân huệ đã lãnh nhận trong năm phụng vụ sắp kết thúc.

2/ Sự tiến triển thần học

Như vừa thấy, ý nghĩa phụng vụ của lễ Chúa Kitô Vua đã thay đổi từ sau công đồng Vaticano II.  Đàng sau sự thay đổi ý nghĩa phụng vụ là những thay đổi bối cảnh xã hội và tư tưởng thần học trong thế kỷ XX.

a) Sự thay đổi chính trị. Cho đến đầu thế kỷ XX, phần lớn các quốc gia đều được cai trị bởi một vua (chế độ quân chủ). Tình hình thế giới thay đổi rất nhiều vào giữa thế kỷ, khi mà các quốc gia lần lượt chuyển từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ. Các nhà lãnh đạo quốc gia mang tên là Tổng Thống, Chủ Tịch, chứ không gọi là Quốc Vương, Hoàng Đế nữa. Tại những quốc gia còn duy trì chức vụ Vua (chẳng hạn như tại Anh, Thái Lan, Nhật) thì đó chỉ là một tước hiệu danh dự chứ không có thực quyền: quyền hành do Thủ tướng và Quốc hội nắm giữ. Trong một khung cảnh như vậy, tước hiệu Chúa Giêsu Vua không còn ý nghĩa sâu xa như thời xưa.

            b) Sự thay đổi nhãn giới thần học

            May thay, những cuộc khảo cứu thần học đã giúp Giáo hội đào sâu thêm ý nghĩa của tước hiệu Vua của Chúa Giêsu, nhờ vậy chúng ta không bị choáng váng vì những biến chuyển chính trị xã hội. Sự thay đổi liên quan đến quan điểm làm vua của Chúa Giêsu, và đặc biệt là công cuộc phục vụ của Người.

            (1) Thật vậy, điều thứ nhất cần ghi nhận là Chúa Giêsu không tự xưng mình là Vua. Tước hiệu này do những thù địch đặt ra nhằm chế nhạo (Lc 23,37-38), cụ thể là bản án đặt tên thập giá (Giêsu Nadareth, vua dân Do thái). Khi được tổng trấn Philatô chất vấn: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”, Chúa Giêsu giải thích rằng Người không phải là vua theo nghĩa chính trị; nhưng Người là vua theo nghĩa là chứng nhân cho sự thật. Chúa Giêsu thực sứ là Vua, nhưng vương quốc của Người không thuộc về trần gian này (Ga 18,33-37).

(2) Mặt khác, Tin mừng nhất lãm mô tả công trình chính yếu của Đức Giêsu là thiết lập vương quyền của Thiên Chúa.  Người đã dành suốt cuộc đời, bằng lời nói và việc làm, để thực hiện vương quốc ấy, được gọi là “vương quốc của Thiên Chúa”[1]. Theo Tin mừng Marcô, Đức Giêsu mở đầu sứ vụ với lời tuyên bố: “Thời gian đã mãn, và vương triều của Thiên Chúa đã đến gần. Hãy thông hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,14-15). Trong Tin mừng Nhất lãm, chủ đề chính của các bài giảng của Đức Giêsu là “Vương quyền của Thiên Chúa”. Thuật ngữ này được các sách Tin mừng Nhất lãm đặt lên miệng Đức Giêsu 61 lần (nếu tính cả các đoạn song song thì lên đến 85 lần).

       Nên biết là “vương triều Thiên Chúa” không phải là một thuật ngữ mới mẻ, bởi vì đã gặp thấy trong Cựu ước, tuy được giải thích theo nhiều chiều hướng khác nhau. Một cách vắn tắt, vào thời Chúa Giêsu, thuật ngữ này được giải thích theo ba quan niệm chính yếu: chính trị, khải huyền, pháp lý:

- Quan niệm chính trị. Vương triều Thiên Chúa được mong đợi theo ý nghĩa chính tri: vị Mêsia sẽ chiến thắng tất cả mọi địch thù, mang lại vinh quang cho dân tộc. Quan niệm này được phản ánh nơi phong trào Zelot (nhiệt thành)

- Quan niệm khải huyền. Vương triều Thiên Chúa được hình dung như thực tại đến từ trời cao vào thời tận thế. Thiên Chúa sẽ can thiệp cách lạ lùng để tiêu hủy bọn người gian ác, mang lại công lý cho các tôi trung, và sẽ thiết lập vương triều bình an và hạnh phúc. Những lối giải thích này được gặp thấy nơi Đaniel (x. 7,9tt) và sách Khôn ngoan (x. 3,1-10).

- Quan niệm pháp luật của các rabbi. Vương triều Thiên Chúa được coi như quy tắc đời sống, đòi hỏi việc tuân thủ Lề luật (mang “ách”) để được tham dự vào vương quyền, được xem như là “thưởng công” cho người ăn ở công chính.

       Đức Giêsu không những rao giảng vương triều Thiên Chúa, nhưng còn làm cho vương triều ấy được thể hiện. Qua Người, vương quyền Thiên Chúa được hiện diện giữa nhân loại: (a) nhờ lời nói (Mc 4,14, dụ ngôn gieo Lời Chúa); (b) nhờ việc làm, qua các dấu chỉ và phép lạ (chữa bệnh, trừ quỷ, cho kẻ chết sống lại). x. Mt 12,28 (trừ quỷ); Mt 11, 4 (trả lời các sứ giả ông Gioan); (c) nơi chính bản thân của mình (Lc 4,15-22: ứng nghiệm lời của Isaia).

       So sánh với những quan điểm đương thời, Đức Giêsu có vài điểm mới:

-          Nó mang tính cách tôn giáo: nó là chủ quyền của Thiên Chúa, chứ không phải của một quyền lực trần thế. Như vậy khác với nhóm Zêlôt.

-          Nó mang tính cách ban không: nó là một ân ban của Thiên Chúa, chứ không phải do công lênh của con người. Chính Thiên Chúa mời gọi và trao ban nó (Lc 12,32). Như vậy khác với nhóm Pharisêu.

-          Nó là tin vui cứu độ, chứ không đe dọa. Như vậy khác với những trào lưu khải huyền

-          Nó mang tính cánh chung. Vương quyền của Đức Giêsu đã hiện diện rồi, nhưng còn ở giai đoạn khởi đầu; nó chỉ hoàn tất trong tương lai. Vì thế nó mang tính cách “căng thẳng” của tình trạng “rồi mà chưa”. Điều này được giải thích nơi các dụ ngôn về sự tăng trưởng của vương triều (dụ ngôn người gieo giống, dụ ngôn hạt cải, dụ ngôn về cỏ lùng, ở chương 13 của Matthêu).

Một cách đặc biệt, Chúa Giêsu thực hiện vương quyền của Thiên Chúa bằng cái chết trên thập giá và sự phục sinh để diệt trừ tội lỗi và cái chết, tức là những biểu hiện của sự dữ trên thế gian. Thực vậy, nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, vương quyền của Thiên Chúa đã được thiết lập trên trần gian này rồi. Tội lỗi của nhân loại đã được tha thứ. Lực lượng của sự dữ đã bị đập tan.

Nói khác đi, tuy không nên hiểu vương quyền của Thiên Chúa theo nghĩa là một chế độ cai trị trong một quốc gia, nhưng điều này không có nghĩa là nó hoàn toàn thiêng liêng, chỉ giới hạn trong tâm hồn con người. Đành rằng, một cuộc cải cách xã hội cần phải bắt đầu từ con tim, một con tim yêu thương, hoà giải, chứ không phải một con tim ích kỷ, căm thù, nhưng một con tim bình an cũng dẫn đến các hành động thân thiện với người chung quanh, thông cảm với những nỗi khổ đau của tha nhân. Nhờ cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, con người cũng muốn chia sẻ lòng thương xót ấy cho những người khác. Đây là một sứ mạng mà Đức Kitô uỷ thác cho các môn đệ của Người.

Mặt khác, cũng cần thêm rằng vương quyền của Thiên Chúa tuy đã được thiết lập rồi, nơi sự phục sinh của Đức Kitô, nhưng còn ở giai đoạn khởi đầu. Chúng ta mong đợi giai đoạn thành toàn của nó khi Đức Kitô quang lâm. Vào lúc ấy, theo như Thánh Phaolô đã viết trong thư I gửi Corintô, mọi sự dữ sẽ bị đập tan; sự dữ cuối cùng là cái chết. Lúc ấy, thật sự là thế giới này được đặt dưới vương quyền của Thiên Chúa, vương quốc của sự sống, của tình yêu, của công lý và hòa bình.

3/ Những hệ luận

Chúa Giêsu là vua, và Người muốn cho chúng ta cũng làm vua với Người (x. Kh 1,6). Một cách cụ thể hơn, Công Đồng Vaticanô II có nói đến việc các giáo dân được tham gia vào vương quyền của Đức Kitô, ở số 36 của Hiến Chế Lumen Gentium, và được sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo lặp lại ở các số 908-913. Một cách cụ thể, chúng ta có thể kể ra 4 điểm như sau:

- Trước hết, tham gia vào vương quyền của Đức Kitô là được hưởng sự tự do của con cái Chúa, được giải thoát khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi, đam mê.

- Kế đến, tham gia vào vương quyền của Đức Kitô có nghĩa là cố gắng để đưa các giá trị của Tin Mừng vào đời sống gia đình và xã hội, phù hợp với công lý và tình thương.

- Thứ ba, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo còn thêm một điều nữa, tham gia vào vương quyền của Đức Kitô có nghĩa là cộng tác vào việc phục vụ Giáo Hội, qua những hoạt động tông đồ, những trách nhiệm mục vụ trong giáo xứ và giáo phận, tuỳ theo khả năng mà Thánh Thần ban cho mỗi người.

Mở rộng nhãn giới, trong thông điệp Redemptoris missio (7-12-1990), ĐTC Gioan Phaolô II đã dành chương Hai để bàn về ý nghĩa của Vương quốc Thiên Chúa trong Kinh thánh, cách riêng sự liên hệ giữa Vương quốc Thiên Chúa với Đức Kitô và với Hội thánh. Vương quốc Thiên Chúa không phải là một khái niệm mơ hồ, một ý thức hệ, song gắn chặt với thân thế, lời giảng và việc làm của Đức Kitô. Một cách cụ thể hơn, ở số 20, thông điệp xác định thế nào là phục vụ Vương quốc Thiên Chúa. Hội thánh phục vụ Vương quốc Thiên Chúa qua bốn hình thức sau đây:

a) Loan báo Đức Kitô và Tin mừng của Ngài;

b) Thiết lập Giáo hội địa phương, bởi vì Giáo hội là dụng cụ của Vương quốc Thiên Chúa;

c) Cổ võ những giá trị của Vương quốc Thiên Chúa;

d) Sau cùng Hội thánh cũng phục vụ Nước Thiên Chúa khi cầu nguyện khẩn nài cho Vương quốc Thiên Chúa mau đến trong thế gian.

Hy vọng rằng những ý tưởng này sẽ giúp cho anh chị em tìm thấy một hướng hoạt động cho mình: danh hiệu Chúa Kitô Vua không chỉ là giới hạn trong lãnh vực phụng vụ, nhưng bao hàm cả một chương trình hành động để phục vụ Vương quốc của Thiên Chúa, “vương quốc vĩnh cửu và phổ quát, vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc của thánh thiện và ân sủng, vương quốc của công lý, tình yêu và hòa bình” (Kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua).

 



[1] “Vương quyền Thiên Chúa” (hoặc: Vương quốc Thiên Chúa) được dịch từ thuật ngữ Basileia tou Theou (Hy lạp), Mâlâk YHWH (Hípri), Regnum Dei (La tinh), Kingdom of God (Anh). Trong tiếng Việt, thuật ngữ này thường được dịch là “Nước Thiên Chúa”, nhưng không được chính xác lắm, bởi vì “Nước” chỉ có nghĩa là “quốc gia”, chẳng hạn nước Pháp, nước Anh, nước Mỹ. Các nước đó có thể được cai trị theo thể chế dân chủ hay quân chủ (dưới sự lãnh đạo của một vua). Trong khi đó, các từ basileia (Hy lạp: basileus), regnum (La tinh: rex), royaume (Pháp: roi), kingdom (Anh: king) muốn nói đến một nước do Vua cai trị, tức là vương quốc (trong tiếng Latinh có sự liên hệ giữa: rex, regnum, regnare). Sách GLCG số 2816 định nghĩa ngắn gọn Basileia qua 3 danh từ: Vương quyền (danh từ trừu tượng), Vương triều hay Triều đại (danh từ chỉ việc cai trị), Vương quốc (danh từ cụ thể). - Vương quyền (kingship) có nghĩa chủ động: Thiên Chúa thống trị, hành sử quyền cai trị.  - Vương triều (reign) có nghĩa thời gian: triều đại của Thiên Chúa, thời mà Ngài ra tay hành động. - Vương quốc (kingdom) mang nghĩa không gian: nơi (lãnh thổ, xứ sở, đoàn dân) dưới vương quyền của Thiên Chúa. Do thói quen, đôi lúc chúng ta dùng từ Nước Thiên Chúa để thay thế cho ba từ trên, và từ Nước Trời để ám chỉ tính cách siêu việt của Vương quốc đó.