[vc_row][vc_column width=”2/3″][vc_column_text]
Chủ Nhật 24 Thường Niên, Năm B
Lm. Đinh Minh Tiên, OP.
1/ Bài đọc I: Is 50,5-9a
5 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
7 Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
8 Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!9 Này, có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?
2/ Bài đọc II: Gc 2,14-18
14 Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?
15 Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày,
16 mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?
17 Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.
18 Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.
3/ Phúc Âm: Mc 8,27-3527 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”
28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.”
29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.”
30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.
32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.
33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Sa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.
35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đau khổ là con đường duy nhất dẫn tới vinh quang.
Cô P đang mang thai và sắp đến ngày sinh nở, mẹ cô đã qua đời để lại cha cô và 3 người em. Cô phải thay mẹ chăm sóc các em; nhất là người em gái còn trẻ mắc chứng bệnh “lupus” hiểm nghèo. Khi gặp một linh mục công giáo đến an ủi, cô rơm rớm nước mắt và thắc mắc: Tại sao một Thiên Chúa có uy quyền làm mọi sự và thương yêu con người, lại bắt cô, em cô, và gia đình cô phải chịu nhiều đau khổ như thế?
Các Bài Đọc hôm nay có thể giúp trả lời thắc mắc của cô P: mặc dù Thiên Chúa có uy quyền làm cho mẹ cô P sống và chữa lành em cô khỏi bệnh; nhưng Ngài chọn con đường đau khổ để mọi người trong gia đình cô P được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah tiên báo những gì sẽ xảy ra cho Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ; nhưng sẽ vượt qua tất cả vì một niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa. Chính vì những đau khổ Ngài chịu, mà ơn cứu độ được dâng tặng cho mọi người. Trong Bài Đọc II, thánh Giacôbê khuyên các tín hữu: đức tin của họ vào Thiên Chúa phải được bày tỏ qua hành động. Nếu họ yêu thương Thiên Chúa, họ cũng phải giúp đỡ tha nhân bằng những hành động cụ thể. Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Trong Phúc Âm, khi Phêrô can ngăn Chúa Giêsu đừng chấp nhận con đường đau khổ, Ngài mắng Phêrô: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bài ca thứ ba về Người Tôi Trung của Thiên Chúa
1.1/ Người Tôi Trung phải chịu đau khổ: Tiên tri Isaiah được Thiên Chúa cho thấy trước những gì sẽ xảy ra cho Đấng Thiên Sai và cho con người. Đấng Thiên Sai là Người Tôi Trung của Thiên Chúa sẽ giải thoát con người bằng cách chịu mọi cực hình và gian khổ: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” Những điều tiên đoán này đã xảy ra cho Đức Kitô khi Ngài được Thiên Chúa sai xuống trần để chuộc tội cho con người; nhất là trong Cuộc Thương Khó và cái chết đau khổ của Ngài trên Thập Giá.
1.2/ Niềm tin vững mạnh của Người Tôi Trung vào Thiên Chúa: Để vượt qua đau khổ, Người Tôi Trung cần có một niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngài tới thế gian: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?”
Trong những phải đương đầu với đau khổ như cô P, không ai có thể giúp cô được, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Ngài để đau khổ xảy ra cho cô, không phải vì Ngài không thương cô hay muốn cô chịu đau khổ cho bỏ ghét; trái lại, Ngài muốn cô và mọi người trong gia đình nhận ra một sự thật: họ không thể sống thiếu tình thương của Thiên Chúa. Trong giai đoạn hiện tại, họ phải chịu gian khổ; nhưng trong tương lai, họ nhận ra tình thương của Thiên Chúa, của cha mẹ, của những thành phần trong gia đình. Những điều này sẽ giúp họ trung thành với Thiên Chúa và với nhau hơn. Hậu quả là họ sẽ cùng nhau đoàn tụ trong Nước Trời.
Nhưng giả sử nếu những điều này không xảy ra cho gia đình cô P, có thể cô P và những người trong gia đình quá bằng lòng với vật chất thế gian, mà không cần đến Thiên Chúa; điển hình là có vài phần tử trong gia đình cô đã không tham dự thánh lễ hàng tuần nữa! Đây là câu hỏi cho cô P phải suy nghĩ: Nếu mục đích của cuộc đời là được đoàn tụ với Thiên Chúa đời đời trên Thiên Đàng, điều nào đáng cho cô P mong ước hơn: chịu đau khổ tạm thời ở đời này hay chịu đau khổ và xa cách vĩnh viễn ở đời sau?
2/ Bài đọc II: Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.
2.1/ Ngụy biện của con người: Nhiều con người ngày nay đang đánh lừa chính mình và người khác bằng ngụy thuyết: con người được công chính hóa nhờ đức tin, chứ không nhờ bất cứ việc lành nào con người làm (Rom 3:28, Gal 2:16). Thánh Phaolô quả thực có lý do để nói điều này vì con người được cứu chuộc nhờ giá máu của Đức Kitô; nhưng không phải vì đó, mà con người sẽ được cứu chuộc bằng bất cứ giá nào. Chính thánh Phaolô cũng đưa ra bao điều con người phải thực hành để được cứu độ. Chúng ta có thể liệt kê ít là 3 ví dụ trong Thư Rôma:
(1) Trong Ngày Phán Xét: “Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời” (Rm 2,6-7).
(2) Hay nói về việc không được xét đoán, thánh Phaolô dạy: “mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa. Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã” (Rm 14,12-13).
(3) Hay nói về việc chuẩn bị cho Ngày Phán Xét, ngài khuyên: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Rm 13,12-13).
Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố thẳng thắn: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Thánh Giacôbê trong trình thuật hôm nay đưa ra một trường hợp cụ thể: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no,” nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?”
2.2/ Đức tin phải biểu tỏ bằng hành động: Vấn đề ở chỗ không phải chọn có đức tin hay làm việc lành; nhưng ở chỗ có đức tin và làm việc lành, làm việc lành là dấu biểu tỏ người có đức tin. Vì thế, thánh Giacôbê kết luận: “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” Đức tin và làm việc lành như hai mặt của một đồng tiền; đã chọn đồng tiền thì phải làm cả hai. Mỗi người chúng ta đều đã có kinh nghiệm này: chúng ta không tin được những người chỉ yêu bằng môi miệng; nhưng nhìn vào những việc làm của họ, chúng ta có thể nhận ra họ yêu thương chân thành hay không. Hoàn cảnh đau khổ mà gia đình đang chịu sẽ giúp em cô P nhận ra tình thương của Thiên Chúa, của cô P, và của các thành phần trong gia đình. Sự cảm nhận này sẽ giúp em cô P tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và tình yêu của những người trong gia đình; chứ không sống ích kỷ như không có Thiên Chúa và không có ai trong cuộc đời.
3/ Phúc Âm: Thầy là Đấng Thiên Sai.
3.1/ Phêrô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: Cuộc Thương Khó đã gần kề, Chúa Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Caesarea Philippi. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Elijah, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Mỗi ý kiến trên đây đều dựa vào một trong những đặc điểm của Chúa Giêsu như nói năng thẳng thắn như Gioan Tẩy Giả, có uy quyền làm phép lạ như tiên tri Elijah. Nhưng tất cả những ý kiến này không diễn tả đúng nguồn gốc của Chúa Giêsu.
Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” Đấng Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu hay Đấng Thiên Sai mà Cựu Ước thường xuyên đề cập tới. Ngài có nguồn gốc từ Thiên Chúa và được sai tới để giải thoát con người. Trong Marcô, Đức Giêsu thường cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Lý do, Ngài muốn họ hiểu biết đúng về Đấng Thiên Sai: Ngài không dùng uy quyền, nhưng chịu đau khổ để giải phóng con người.
3.2/ Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ: Sau lời tuyên xưng của Phêrô vào thiên tính của Chúa Giêsu, Người bắt đầu mặc khải cho các ông biết về cách thức cứu độ mà Đấng Thiên Sai phải trải qua: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.”
(1) Thiên Chúa muốn dùng đau khổ để cứu độ con người: Dĩ nhiên, Thiên Chúa có uy quyền để cứu độ con người theo cách thức con người mong muốn; nhưng đó không phải là cách thức Ngài mong muốn, mà là qua con đường đau khổ. Nhiều người chất vấn tại sao Thiên Chúa làm như thế? Câu trả lời trước tiên là con người không khôn ngoan hơn Thiên Chúa: khi Thiên Chúa chọn cách nào, đó là cách thức tốt đẹp nhất cho con người. Nếu đầy tớ không thể chất vấn người chủ tại sao phải làm cách này mà không làm cách kia, con người cũng không có quyền chất vấn Thiên Chúa. Thứ hai, theo kinh nghiệm, con người chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa khi họ bị đau khổ; khi con người sung sướng, hạnh phúc, rất ít người nhớ tới và yêu thương Thiên Chúa. Sau cùng, con người yêu thương sâu xa những ai đã hiến mình vì họ; mỗi lần nhìn lên Thập Giá, con người cảm nhận tình thương vô biên Thiên Chúa dành cho họ.
(2) Con người trốn tránh đau khổ: Phản ứng của Phêrô cũng giống như phản ứng của cô P ở trên, và cũng giống như truyền thống Do-thái tin một Đấng Thiên Sai uy quyền. Họ không chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ. Đó là lý do ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.
Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Lời nói của Chúa Giêsu xác nhận tư tưởng của Thiên Chúa khác xa với tư tưởng của con người: thay vì phải chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa; Phêrô muốn Chúa Giêsu làm theo ý của mình. Đó là lý do Chúa mắng ông là Satan, vì Satan luôn cản trở ý định của Thiên Chúa. Đó là lý do Chúa đuổi ông ra đàng sau, vì bổn phận của môn đệ là theo Thầy; chứ không bắt Thầy phải theo mình.
Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên Chúa. Hãy chấp nhận những lời dạy dỗ khôn ngoan của Thiên Chúa, cho dù những dạy dỗ này hoàn toàn ngược với ý muốn của chúng ta.
– Con đường đau khổ là con đường khôn ngoan Thiên Chúa dùng để cứu độ con người. Ngài muốn Con Một Ngài chịu đau khổ để cứu chuộc con người và Ngài cũng muốn dùng đau khổ để con người nhận ra: họ không thể sống thiếu Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô.
– Để trở thành môn đệ Đức Kitô, chúng ta phải từ bỏ ý riêng mình và vác thập giá theo Chúa. Một cuộc sống dễ dãi sẽ làm chúng ta xa lánh Chúa và không đạt được mục đích của cuộc đời.
[/vc_column_text][/vc_column][vc_column width=”1/3″][vc_widget_sidebar sidebar_id=”td-default”][/vc_column][/vc_row]