Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Chúa Nhật 22 – Năm C – Thường Niên

Administrator
2022-08-26 00:52 UTC+7 22
LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP 1/ Bài đọc I: Hc 3,17-18. 20.28-29 17 Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng. 18 Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. 20 Vì quyền năng Đức […]

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IHc 3,17-18. 20.28-29

17 Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.

18 Càng làm lớn, con càng phải tự hạ,
như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.

20 Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao:
Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.

28 Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó.

29 Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ,
kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe.

2/ Bài đọc IIHr 12,18-19.22-24a

18 Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố,

19 có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa,

20 vì họ không chịu nổi mệnh lệnh sau đây: Ngay cả thú vật đụng đến núi, cũng phải bị ném đá.

21 Cảnh tượng hãi hùng đến mức ông Mô-sê phải nói: Tôi kinh hoàng và run rẩy!

22 Nhưng anh em đã tới núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui,

23 dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện.

24 Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu A-ben.

3/ Phúc ÂmLc 14,1.7-14

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.

7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:

8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,

9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.

10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.

13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.

14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

——————————-

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khiêm nhường tự hạ để giúp đỡ kẻ yếu kém.

 Kiêu ngạo là một khuynh hướng dường như có sẵn trong con người, chỉ chờ cơ hội để bộc phát. Tội nguyên tổ là một ví dụ điển hình, vì muốn bằng Thiên Chúa, nên bà Evà đã bất tuân lệnh của Ngài và ăn trái cấm. Hậu quả của tội kiêu ngạo làm cho con người xa cách Thiên Chúa, chịu biết bao đau khổ, và sau cùng phải chết. Từ đó đến nay, tội này càng ngày càng tác hại khốc liệt trong thế giới con người, làm cho con người xa cách Thiên Chúa, hận thù chồng chất, gia đình ly tán, và ngăn cản con người đạt tới đích điểm của cuộc đời.

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta một phương thuốc hiệu nghiệm để chữa bệnh kiêu ngạo là luyện tập để có nhân đức khiêm nhường. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca dạy con phải có nhân đức khiêm nhường để được Thiên Chúa và tha nhân yêu mến. Càng làm lớn càng phải khiêm nhường để được Thiên Chúa chúc phúc và tha nhân cộng tác trong việc điều hành và học được những bài học quí giá trong cuộc đời. Trong bài đọc II, tác giả Thư Do-thái dạy các tín hữu phải có thái độ kính sợ Thiên Chúa và yêu thương Đức Kitô. Không có Đức Kitô, con người tội lỗi không thể đến gần Thiên Chúa; nhưng vì nhờ máu của Đức Kitô đổ ra, con người được thanh tẩy và hòa giải với Thiên Chúa, và họ có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ luôn có thái độ khiêm nhường trong cách cư xử và phục vụ, vì Thiên Chúa yêu thích và ban ơn cho những người như thế.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những ích lợi đạt được do việc biết sống khiêm nhường.

1.1/ Thiên Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường.

Tác giả Sách Huấn Ca khuyên con: “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách khiêm nhu, thì con sẽ được mến yêu hơn những người rộng lượng cho đi. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.”

Người khiêm nhường là người biết con người thực của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người khiêm nhường biết định giá đúng công ơn của Thiên Chúa đổ xuống trên họ; trong khi kẻ kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa làm của mình. Người khiêm nhường biết họ chỉ là loài thọ tạo do Thiên Chúa tạo dựng nên, họ biết khôn ngoan của họ không thể nào so sánh với Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khôn ngoan, họ biết uy quyền phát xuất từ Thiên Chúa và Ngài có thể lấy đi bất cứ lúc nào, họ biết mọi của cải là do Thiên Chúa ban cho nhân loại hưởng dùng. Vì thế, họ luôn vâng lời và giữ cẩn thận những điều Thiên Chúa truyền dạy, không lên mặt kiêu căng hay thực thi quyền hành với tha nhân, và không cậy dựa vào của cải của mình. Vì luôn biết đánh giá và sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, người khiêm nhường sẽ được Thiên Chúa quí yêu, chúc lành, và bảo vệ trong suốt cuộc đời.

1.2/ Những lợi ích khác của người khiêm nhường

(1) Tha nhân yêu thích kẻ khiêm nhường: Người khiêm nhường càng ngày càng thêm bạn hữu; trong khi người kiêu ngạo càng ngày càng thêm kẻ thù. Trong việc lãnh đạo, họ được cấp trên thương mến và cấp dưới vâng lời, vì họ luôn đối xử với tha nhân xứng hợp với nhân phẩm và địa vị của họ.

(2) Khiêm nhường giúp một người nhìn thấy những khôn ngoan và cái hay của người khác để học hỏi và thăng tiến; trong khi người kiêu ngạo lấy mình làm thước đo người khác, khi đã cảm thấy quá đủ, họ sẽ không cần phải học nơi người khác.

(3) Người khiêm nhường nhìn thấy tất cả các tật xấu của họ cần sửa đổi, vì thế càng ngày càng tiến trên đường nhân đức; trong khi người kiêu ngạo không nhìn thấy mình có gì cần sửa, nên càng ngày càng lún sâu trong tội.

(4) Người khiêm nhường ưa thích lắng nghe, vì thế càng ngày họ càng có kiến thức hơn; trong khi kẻ kiêu ngạo vội vàng muốn phô trương. Nói mãi rồi cũng có ngày cạn tàu ráo máng.

2/ Bài đọc II: Thái độ thích ứng của con người khi đứng trước Thiên Chúa.

2.1/ Con người không là gì cả trước mặt Thiên Chúa.

Tác giả Thư Do-thái nhắc lại cuộc thần hiện của Thiên Chúa trên núi Sinai, với mục đích nhắc nhở cho các tín hữu nhận ra sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa Thiên Chúa và con người, để rồi con người phải biết kính sợ Thiên Chúa. Nếu Ngài không cho phép, không ai có thể nhìn thấy Ngài mà còn sống, không ai có thể nghe những lời Thiên Chúa phán ra.

“Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa, vì họ không chịu nổi mệnh lệnh sau đây: Ngay cả thú vật đụng đến núi, cũng phải bị ném đá. Cảnh tượng hãi hùng đến mức ông Moses phải nói: Tôi kinh hoàng và run rẩy!”

Ông Moses là người đã từng có kinh nghiệm với Thiên Chúa, mà còn cảm thấy hãi hùng như thế, huống hồ gì một con người thường. Có lẽ điều gây thiệt hại nhất cho con người là thái độ khinh thường Thiên Chúa và những lời giáo huấn của Ngài. Khinh thường Thiên Chúa cũng dẫn tới thái độ tự mãn và kiêu ngạo: coi mình như ông trời mà không cần nghe và giữ những gì Thiên Chúa dạy.

2.2/ Con người chỉ có thể tới với Thiên Chúa qua Đức Kitô.

Tác giả Thư Do-thái không muốn các tín hữu coi Thiên Chúa như một hung thần để rồi phải sợ hãi Ngài; nhưng họ có thể đến với Thiên Chúa như một người Cha yêu thương, qua trung gian của Đức Kitô: “Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Abel.”

Đức Kitô đã rửa sạch tội cho con người nhờ máu của Người đã đổ ra trên Thập Giá. Ngài hòa giải con người với Thiên Chúa và mang lại ơn cứu độ cho con người.

Với Đức Kitô, con người không còn phải sợ hãi Thiên Chúa nữa; nhưng có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Tuy nhiên, con người vẫn không được có thái độ “gần chùa gọi bụt bằng anh.” Với Đức Kitô, con người được mời gọi tới dự tiệc vui là núi Sion, nơi Thiên Chúa ngự trị, và thành Jerusalem trên trời.

3/ Phúc Âm: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

3.1/ Người khiêm nhường chọn chỗ rốt hết.

Khuynh hướng con người là muốn được người khác kính nể và cho là người quan trọng, một trong những cách thức tỏ mình ra là ngồi chỗ trên hết. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đề phòng thói quen này bằng cách kể một câu truyện như sau: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này.” Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho.” Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Có nhiều lý do đàng sau lời khuyên khôn ngoan của Chúa Giêsu:

(1) Con người không thể tự đánh giá mình hay đòi sự tôn trọng trong mối liên hệ với người khác; nhưng phải để cho tha nhân đánh giá và tỏ sự tôn trọng với mình. Khi tham dự tiệc cưới, chúng ta không biết người chủ mời những ai và mối liên hệ của chủ tiệc với họ. Tự động ngồi chỗ quan trọng nhất là ảo tưởng kiêu ngạo của chúng ta, nghị rằng mình có thế giá với gia chủ. Thái độ này sẽ bị mất mặt khi bị gia chủ mời xuống.

(2) Người khiêm nhường nhìn nhận mình không phải là trung tâm điểm mà người khác phải hướng về, vì trong thế gian còn biết bao người hơn mình về sự khôn ngoan, kiến thức, uy quyền và tài năng.

(3) Chỗ rốt hết là chỗ an toàn nhất, vì không ai có thể đẩy mình đi đâu được nữa. Khi đã chọn chỗ rốt hết, người khiêm nhường để cho tâm hồn được bình an vì không phải lo tranh giành chỗ và địa vị với người khác. Người kiêu ngạo sẽ cảm thấy bất an khi người khác được trọng vọng hơn mình.

3.2/ Khiêm nhường giúp đỡ kẻ khó nghèo.

Một thói quen khác nữa của con người là họ có khuynh hướng mở tiệc đãi gia đình, họ hàng và bạn bè. Khi mở tiệc, họ thường hay mời những người đồng vai vế hay còn tính chuyện để nhờ vả họ trong tương lai. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải ý thức việc mở tiệc của mình. Dĩ nhiên, Chúa không cấm việc mở tiệc chung vui với gia đình; nhưng nếu chúng ta nhắm tới ích lợi, thì chúng ta đừng chỉ nhắm ích lợi đời này.

(1) Phần thưởng đời này: Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.”

(2) Phần thưởng đời sau: “Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

Trong chương 25 của Tin Mừng Matthew, Chúa Giêsu xác định rõ: “những gì chúng ta làm cho những người bé mọn, chúng ta làm cho Ngài.” Thiên Chúa sẽ trả công cho chúng ta về những gì chúng ta làm cho một trong những người bé mọn nhất.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần phải ý thức tất cả những gì chúng ta sở hữu là của Thiên Chúa ban. Người kiêu ngạo đánh cắp công ơn của Thiên Chúa và sống xa lánh Ngài.

– Chúng ta cần yêu thương và giúp đỡ những anh chị em yếu kém, vì họ cũng là con của Cha trên trời và là anh chị em của chúng ta.

– Người khiêm nhường sẽ dễ dàng sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Họ sẽ được Thiên Chúa và tha nhân quí mến, đồng thời sẽ gặt hái được rất nhiều kết quả cả đời này và đời sau. Họ sẽ sống bình an trong đời này và đạt tới Nước Trời mai sau.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-22-thng-nienc/