Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Chúa Nhật 31 – Năm A – Thường Niên

Administrator
2023-11-03 00:33 UTC+7 20
LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP 1/ Bài đọc I: Mal 1,14-2,2.8-10 14 Thật đáng bị nguyền rủa kẻ xảo quyệt, kẻ có con vật đực trong đàn mà lại khấn dâng con vật mang tì tích làm lễ tế Chúa Thượng. Quả thật, chính Ta là Đức Vua cao cả, – ĐỨC CHÚA các đạo binh […]

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IMal 1,14-2,2.8-10

14 Thật đáng bị nguyền rủa kẻ xảo quyệt, kẻ có con vật đực trong đàn mà lại khấn dâng con vật mang tì tích làm lễ tế Chúa Thượng. Quả thật, chính Ta là Đức Vua cao cả, – ĐỨC CHÚA các đạo binh phán -, và danh Ta được kính sợ giữa chư dân.

2 Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, ĐỨC CHÚA các đạo binh phán, Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai hoạ, Ta sẽ biến phúc lành của các ngươi thành tai hoạ. Phải, Ta biến phúc lành ấy thành tai hoạ, vì các ngươi chẳng lưu tâm gì cả.

8 Nhưng các ngươi, các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã huỷ hoại giao ước với Lê-vi, ĐỨC CHÚA các đạo binh phán.

9 Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật.

10 Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta?

2/ Bài đọc II1 Tx 2,7-9.13

7 Trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi, với tư cách là Tông Đồ Đức Ki-tô.

8 Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.

9 Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.

13 Bởi thế, về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu.

3/ Phúc ÂmMt 23,1-12

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.

4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.

8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

 ——————————

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những đức tính cần có của người lãnh đạo

 Trong cuộc đời, tất cả chúng ta có lúc là thành viên, có lúc là những nhà lãnh đạo trong gia đình, công sở, xã hội, và Giáo-Hội. Các Bài đọc hôm nay chẳng những giúp chúng ta biết sáng suốt lựa chọn người lãnh đạo tài đức mà còn biết chuẩn bị để chu tòan bổn phận của nhà lãnh đạo khi được tin cẩn trao phó. Hai đức tính cần thiết nhất của người lãnh đạo:

(1) Phải sáng suốt: không biết lối làm sao có thể dẫn đường? Chính Chúa Giêsu đã cảnh cáo: “Mù dắt mù cả hai cùng xuống hố!”

(2) Không những phải có tài, người lãnh đạo còn phải có đức vì “thượng bất chính hạ tắc lọan.” Nhà lãnh đạo không có đức dễ độc tài, kiêu ngạo, và làm khổ dân.

Bài đọc II chỉ cho chúng ta thấy những dấu hiệu của nhà lãnh đạo khôn ngoan, tài đức. Bài đọc I và Phúc Âm vạch ra cho chúng ta thấy những dấu hiệu của nhà lãnh đạo mù lòa và hậu quả của nó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Các tư tế đã không chu tòan bổn phận của mình.

(1) Không dạy dỗ dân: Một trong những bổn phận hàng đầu của tư tế là phải dạy dỗ dân biết kính sợ Thiên Chúa qua việc tuân giữ các lề luật của Ngài. Luật dạy khi dâng lễ vật lên Thiên Chúa, họ phải dâng lễ vật hòan hảo nhất; nhưng vì tiếc của hay lợi nhuận, họ lại dâng những của dư thừa hay bệnh họan. Việc làm này biểu tỏ sự khinh thường Thiên Chúa và Ngài lên án họ: “Thật đáng bị nguyền rủa kẻ xảo quyệt, kẻ có con vật đực trong đàn mà lại khấn dâng con vật mang tì tích làm lễ tế Chúa Thượng.”

Thiên Chúa không ăn những lễ vật họ dâng, nhưng Ngài nhận ra sự kính sợ Thiên Chúa trong lòng họ. Điều nguy hiểm có thể xảy ra là một khi đã tiêm nhiễm thói quen này, họ sẽ có thái độ “gần chùa gọi bụt bằng anh.” Họ sẽ không còn kính sợ Thiên Chúa và giữ những gì Ngài dạy. Vì thế, các tư tế phải chỉnh đốn những hành động khinh thường Thiên Chúa trong việc tế tự trước khi chúng trở thành thói quen, và hậu quả của việc khinh thường Thiên Chúa sẽ vô cùng lớn lao: “Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, Đức Chúa các đạo binh phán, Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai hoạ, Ta sẽ biến phúc lành của các ngươi thành tai hoạ. Phải, Ta biến phúc lành ấy thành tai hoạ, vì các ngươi chẳng lưu tâm gì cả.”

(2) Mù quáng: Để có thể hướng dẫn dân chúng, nhà lãnh đạo phải khôn ngoan và sáng suốt. Nếu họ không biết đường đi, làm sao họ có thể hướng dẫn dân chúng đạt đích? Thời của tiên tri Malachi, giới lãnh đạo bị khủng hỏang trầm trọng; và dân chúng phải chịu mọi hậu quả do sự mù quáng của họ: “Nhưng các ngươi, các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã huỷ hoại giao ước với Lêvi, Đức Chúa các đạo binh phán.”

(3) Làm gương mù: Người dân thường sẽ bắt chước những gì người lãnh đạo của họ thực hiện. Nếu người dân thấy các tư tế có những thái độ khinh thường Thiên Chúa và không giữ luật lệ, họ cũng sẽ bắt chước như vậy, với lý do: “nếu các tư tế còn như vậy thì huống chi là dân!” Trong việc áp dụng Luật cũng thế, nếu các tư tế thẳng thắn áp dụng luật cho mọi người và trong mọi trường hợp, dân chúng sẽ không bị lẫn lộn và không cảm thấy bất công; nhưng nếu các tư tế luôn tìm cách để khỏi giữ luật lệ, dân cũng có lý do để làm như thế hay hơn nữa.

2/ Bài đọc II: Thánh Phaolô làm gương cho các tín hữu.

(1) Yêu thương: Đức tính đầu tiên nhà lãnh đạo phải có là lòng yêu thương, yêu thương Chúa và yêu thương tha nhân; nếu không có đức tính này, nhà lãnh đạo sẽ chỉ lo tìm lợi ích cho bản thân và gia đình mình. Yêu mến Thiên Chúa là lý do duy nhất thúc đẩy Thánh Phaolô hăng say rao giảng Tin Mừng; và vì yêu mến Thiên Chúa, ngài cũng yêu thương tha nhân. Ngài nói với các tín hữu: “Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.”

(2) Hy sinh: Vì yêu thương những người dưới quyền mình, nên nhà lãnh đạo có thể hy sinh thời giờ, sức lực, và ngay cả mạng sống mình để phục vụ họ. Thánh Phaolô tuy có quyền đòi các tín hữu Thessanolica phải trọng đãi, với tư cách là Tông Đồ Đức Kitô, nhưng ngài đã không làm như thế. Trái lại, ngài đã tự mưu sinh để khỏi trở nên gánh nặng cho dân; và sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống cho lợi ích phần linh hồn của họ.

(3) Làm gương sáng: Không phải chỉ có mục đích cất bớt gánh nặng cho dân, nhưng còn làm gương sáng cho họ, để họ có thể hy sinh cho người khác. Con người dễ bị lôi cuốn và bắt chước, Thánh Phaolô muốn khích động tâm tình này nơi các tín hữu của ngài: “Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.”

(4) Khôn ngoan: Thánh Phaolô biết rõ khôn ngoan và sức mạnh đến từ Thiên Chúa qua Tin Mừng. Vì thế, ngài chú trọng đến việc rao giảng Tin Mừng cho các tín hữu, chứ không chú trọng đến việc rao giảng những khôn ngoan của người phàm. Ngài biết rõ Tin Mừng có sức tác động và thay đổi con người các tín hữu: “Bởi thế, về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu.”

(5) Khiêm nhường: Thánh Phaolô biết khiêm nhường nhận ra chỗ đứng của mình. Sự hiểu biết và hóan cải nơi các tín hữu là do quyền năng của Thiên Chúa họat động trong con người; ngài chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng để rao giảng Tin Mừng mà thôi. Ngài biết ngay cả việc rao giảng Tin Mừng cũng là quà tặng Thiên Chúa trao cho ngài.

3/ Phúc Âm: Các Kinh-sư và Biệt-phái là những người lãnh đạo giả hình.

(1) Không quan tâm dạy dỗ dân: Bổn phận chính yếu của các Kinh-sư và Biệt-phái là dạy cho dân biết và sống theo Luật của Thiên Chúa. Họ đã không chu tòan mà còn đánh lừa dân sống theo luật họ đề ra và cách cắt nghĩa của họ.

(2) Lợi dụng: Thay vì hy sinh và cất bớt gánh nặng cho dân, họ chỉ biết ích kỷ lo cho mình như lời Chúa Giêsu cáo buộc: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” Họ lợi dụng cách cắt nghĩa Luật để lấy tài sản của dân.

(3) Làm gương mù: Họ nói mà không làm, và nếu làm, phải cho người khác thấy. Chúa Giêsu cẩn thận phân tích lối sống này: “Các Kinh-sư và các Biệt-phái ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy.Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” Thái độ giả hình của họ được ngụy trang bằng việc “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” để chứng tỏ cho mọi người thấy sự tôn kính Lề Luật của họ.

(4) Kiêu ngạo: Tự nhận mình là những nhà lãnh đạo quan trọng, họ chọn chỗ tốt nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa thích được người ta ca ngợi và gọi là “Rabbi.”

(5) Mù quáng: Chính họ đã không biết đường đi, làm sao họ có thể hướng dẫn người khác? Sống dưới những nhà lãnh đạo như thế, dân chúng sẽ bị ảnh hưởng vì không biết đường để tiến tới một cuộc sống hòan thiện thực sự. Vì thế, Chúa cẩn thận đề phòng các môn đệ của Ngài: “Phần anh em, đừng để ai gọi mình là “Rabbi,” vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Ki-tô.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Người lãnh đạo sáng suốt phải biết đường đi: Tùy theo mỗi lãnh vực: chính trị, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, người lãnh đạo phải có kiến thức rộng trong lãnh vực của mình trước khi có thể hướng dẫn người khác.

– Người lãnh đạo phải làm gương bằng hành động: Lãnh đạo thành công không chỉ đòi kiến thức mà còn đòi gương sáng qua việc thực hiện những gì mình rao giảng.

– Người lãnh đạo tôn giáo chỉ đường cho dân đến với Chúa, chứ không bắt dân qui phục mình.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-31-thng-niena/