Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Chúa Nhật 5 – Năm B – Thường Niên

Administrator
2024-02-02 21:13 UTC+7 21
LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP 1/ Bài đọc I: G 7,1-4.6-7 1 Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?2 Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công,3 cũng thế, gia tài […]

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IG 7,1-4.6-7

1 Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?
Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?2 Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công,3 cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.4 Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: “Khi nào trời sáng?” Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: “Bao giờ chiều buông?” Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.6 Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. 7 Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

2/ Bài đọc II1 Cr 9,16-19.22-23

16 Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!

17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.

18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.

19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.

22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.

23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

3/ Phúc ÂmMc 1,29-39

29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa.34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm.37 Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy! “38 Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đâu là ý nghĩa của cuộc đời?

Câu hỏi quan trọng nhất và đã làm trăn trở bao nhiêu con người: “Đâu là mục đích hay ý nghĩa của cuộc đời?” Tùy vào câu trả lời cho câu hỏi này, con người có hai cái nhìn về cuộc đời: lạc quan hy vọng hay bi quan yếm thế. Tùy theo cách nhìn về cuộc đời, con người sẽ có thái độ sống thích ứng trong cuộc sống: hoặc làm việc không ngơi nghỉ để đạt đích, hoặc nằm dài than thân trách phận chờ thần chết đến giải thóat cuộc sống vô nghĩa.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời: Trong Bài Đọc I, ông Job thấy cuộc đời vô nghĩa vì ông không biết mình sống để làm gì. Ông than thân trách phận vì không nhìn thấy ý nghĩa của cuộc đời. Trong Bài Đọc II, khi đã nhìn thấy sự quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng là để cho mọi người đạt tới Ơn Cứu Độ, Thánh Phaolô sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời, nhiệt thành rao giảng, và sẵn sàng trở nên mọi sự cho mọi người để chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, thánh Marcô trình bày một ngày sống tiêu biểu của Đức Kitô bận rộn đến độ không có thời giờ ăn uống: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, trục xuất quỉ thần, và cầu nguyện hiệp thông với Thiên Chúa trong nơi thanh vắng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự vô nghĩa của cuộc đời

1.1/ Những đau khổ của cuộc đời: là một thực tại con người phải đương đầu với. Những đau khổ chính của cuộc đời: phải làm lụng vất cả mới có ăn, sự nhàm chán của ngày lên đêm xuống, sự đe dọa của vô vàn bệnh tật chực chờ xâm nhập cơ thể, nguy hiểm của tội lỗi và chết chóc do chiến tranh, tai ương, mất mùa đem lại. Sách Job đưa ra một số những đau khổ này:

(1) Làm lụng vất vả, khổ cực: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lụng vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê? Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công, cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.”

(2) Tính độc điệu của thời gian: Cũng như tác giả của Sách Giáo Sĩ quan niệm: “chẳng có gì lạ dưới ánh mặt trời.” Sách Job cũng cảm thấy sự nhàm chán của cuộc sống dương gian: “Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: “Khi nào trời sáng?” Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: “Bao giờ chiều buông?” Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.”

(3) Đó là chưa kể đến ảnh hưởng của tội lỗi và bệnh tật mà Job phải đương đầu sau này, khi Satan bắt ông phải chịu chứng bệnh ngòai da nghiêm trọng.

1.2/ Sống không có hy vọng: Con người có thể chịu đựng đau khổ, nhưng không thể sống mà không có hy vọng: “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.” Không giống như chúng ta, người xưa không có hy vọng về cuộc sống mai sau; mặc dù hy vọng vào cuộc sống mai sau đã tiềm ẩn trong các Sách Cựu-Ước, nhưng chưa được trình bày rõ như các Sách Tân Ước. Nhiều người xưa quan niệm: phần thưởng của việc ăn ngay ở lành, hay vâng theo Lề Luật của Thiên Chúa, là những chuỗi ngày sống lâu và hạnh phúc ở đời này thôi; khi đã từ giã cõi đời, cuộc sống con người chấm dứt. Đó là lý do Job không thể nhìn ra ý nghĩa của cuộc đời.

2/ Bài đọc II: Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người.

2.1/ Rao giảng Tin Mừng là một bổn phận: Biến cố trở lại trên đường Damascus luôn chiếu sáng mọi suy nghĩ của Phaolô. Ngài đang trên đường bắt đạo, chứ không phải rao giảng Tin Mừng; nhưng Thiên Chúa đã có kế họach riêng của Ngài là biến Phaolô thành kẻ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai. Vì thế, Phaolô xác quyết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Nếu tôi tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.”

Vì là bổn phận phải làm, Phaolô tìm một cách khác để được lãnh nhận phần thưởng nhờ việc rao giảng Tin Mừng: “Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.” Giống như Chúa Giêsu, Thánh Phaolô nhiều lần nhấn mạnh tới việc người làm việc xứng đáng được thưởng công. Thánh Phaolô từ chối không hưởng những ân huệ này, không phải vì Ngài không xứng đáng, nhưng là một cách để lãnh phần thưởng bởi Thiên Chúa do việc rao giảng Tin Mừng.

2.2/ Hy sinh tất cả cho việc rao giảng Tin Mừng: Một khi đã được Thiên Chúa soi sáng và trao ban sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai, thánh Phaolô sẵn sàng hy sinh mọi sự cho việc rao giảng Tin Mừng. Vì việc chinh phục linh hồn con người về cho Thiên Chúa là việc khẩn thiết trên hết mọi việc, nên mọi phương pháp được dùng để đạt mục đích này. Một cách hiệu quả nhất theo Phaolô là trở nên mọi sự cho mọi người; ngài cắt nghĩa: “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.” Người tông đồ không ngại đi tới các vùng chưa ai đặt chân tới, nếu ở đó có những người chưa được nghe Tin Mừng; người tông đồ cũng không ngại bước chân vào nhà tù, nhà thổ, chốn ăn chơi, nếu ở đó có những linh hồn cần được chinh phục về cho Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: Một ngày sống của Đức Kitô

3.1/ Rao giảng Tin Mừng: Trình thuật hôm nay đề cập đến việc Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng tại hội đường Capernaum trong ngày Sabbath; nhưng Ngài không chỉ giới hạn việc rao giảng trong các hội đường, mà ở khắp mọi nơi: trên núi, dọc đường, dưới thuyền, bên bờ hồ … bất cứ chỗ nào có khán giả. Chúa Giêsu rao giảng những gì? Thứ nhất, triều đại Nước Thiên Chúa đã đến; nói cách khác, Nước Thiên Chúa bắt đầu mở cửa để mọi người có quyền vào để chung hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Thứ hai, Ngài chính là niềm hy vọng của con người; vì qua Ngài, con người được tẩy sạch mọi tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa. Sau cùng, Ngài mời gọi con người hãy ăn năn xám hối và tin vào những gì Ngài rao giảng; vì Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài mặc khải tất cả những gì của Thiên Chúa cho con người. Những điều nền tảng này con người cần biết trước khi họ có thể đặt niềm tin nơi Ngài, và hy vọng vào những gì Ngài hứa; đồng thời giúp họ sửa đổi cuộc sống cho phù hợp với lối sống theo Tin Mừng.

3.2/ Chữa bệnh phần xác cũng như phần hồn: Một trong những đau khổ của cuộc đời là bệnh tật. Xưa cũng như nay, không biết bao nhiêu các chứng bệnh đe dọa cuộc sống của con người: từ những chứng bệnh thời tiết thông thường như lên cơn sốt cho đến những chứng bệnh ung thư hiểm nghèo. Chúa Giêsu cảm thông với đau khổ do bệnh tật gây nên và chữa lành tất cả.

(1) Chữa mẹ vợ của Phêrô: Bệnh tật ngăn cản các dự tính của con người. Sau khi giảng dạy trong hội đường tại Capernaum, chắc Phêrô mời Thầy và các tông-đồ khác về nhà mẹ vợ để dùng bữa trưa. Ông yên trí cơm nước đã sẵn sàng khi Thầy trò về đến nhà. Nhưng khi về tới nơi, cơm nước đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. Điều này dạy chúng ta bài học phải kiên nhẫn. Nhiều khi chúng ta cảm thấy đau khổ vì bệnh tật ngăn cản công việc và các dự án chúng ta đã vạch ra; nhưng chúng ta phải tìm ra thánh ý Thiên Chúa trong những lúc chịu bệnh. Khi nào khỏi bệnh, chúng ta lại tiếp tục vui vẻ phục vụ như Bà mẹ vợ của Phêrô.

(2) Chữa mọi kẻ ốm đau và bị quỉ ám trong thành Capernaum: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” Họ phải đợi đến lúc mặt trời lặn vì Lề Luật không cho chữa bệnh trong ngày Sabbath. Cảm thông với bệnh tật của dân chúng, Chúa Giêsu chữa lành tất cả. Bệnh phần xác đã vậy, bệnh phần hồn còn đau khổ hơn. Bệnh phần hồn là những người sống dưới ảnh hưởng của quỉ thần và làm nô lệ cho chúng. Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất quỉ thần và ban quyền cho các tông-đồ để các ông giải phóng con người.

3.3/ Cầu nguyện với Thiên Chúa trước khi bắt đầu một ngày khác: Bận rộn suốt ngày để rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh tật hồn xác như thế, Chúa Giêsu vẫn tìm ra thời giờ để cầu nguyện với Thiên Chúa. Theo trình thuật, “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” Một ngày mới với những công việc mới, Chúa Giêsu bắt đầu bằng việc kết hợp với Thiên Chúa để nhận ra những việc phải làm.

Khi Ngài còn đang cầu nguyện, Simon và các bạn kéo nhau đi tìm.  Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Mục đích của Ngài là rao giảng Tin Mừng và chữa bệnh cho dân, và Chúa Giêsu chỉ có 3 năm làm việc, nên Ngài muốn Tin Mừng được lan rộng khắp nơi có thể. Điều luôn cám dỗ người tông-đồ là lo tìm lợi ích cho mình sau khi đã làm việc một thời gian tại một nơi cố định. Họ quên đi sự cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng, và bằng lòng với những tiện nghi của địa phương dâng tặng. Người tông-đồ phải luôn sẵn sàng lên đường để đi tới những nơi đang cần được lắng nghe Tin Mừng.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Cuộc đời có ý nghĩa hay không tùy thuộc chúng ta có nhìn ra đích điểm của cuộc đời hay không?

– Đích điểm của cuộc đời không do con người tự vạch ra, nhưng đã được vạch sẵn bởi Thiên Chúa cho con người.

– Chúng ta có bổn phận phải rao giảng Tin Mừng để giúp con người biết nhận biết đích điểm này, và giúp họ sống làm sao để đạt đích.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-v-thng-nien-nm-b/