Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Hãy Đón Nhận Lời Đã Gieo Trong Chúng Ta

Administrator
2018-09-23 04:13 UTC+7 22
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương   HÃY ĐÓN NHẬN LỜI ĐÃ GIEO TRONG CHÚNG TA NHỮNG SUY TƯ VỀ HIẾN CHẾ DEI VERBUM CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II[1]   Chúng ta hãy tiếp tục suy tư về những tài liệu chính yếu của Công Đồng Vatican II. Một trong bốn “Hiến Chế” đã được Công […]


Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

HÃY ĐÓN NHẬN LỜI ĐÃ GIEO TRONG CHÚNG TA

NHỮNG SUY TƯ VỀ HIẾN CHẾ DEI VERBUM

CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II[1]

 

Chúng ta hãy tiếp tục suy tư về những tài liệu chính yếu của Công Đồng Vatican II. Một trong bốn “Hiến Chế” đã được Công Đồng phê chuẩn, đó là Hiến Chế Dei Verbum (về Lời Chúa), một tài liệu duy nhất cùng với Hiến Chế Lumen Gentium (về Giáo Hội), có tựa đề là “Hiến Chế Tín Lý”. Điều này có thể lý giải sự kiện là với bản văn này Công Đồng có ý tái khẳng định tín điều về sự linh hứng thần linh của Kinh Thánh và đồng thời muốn xác định tương quan của nó với truyền thống. Trung thành với ý định của mình là chỉ để làm nổi bật những khía cạnh tu đức và giáo huấn trong các bản văn của Công Đồng, tôi sẽ giới hạn ở đây cho những suy tư nhắm tới những thực hành và suy niệm cá nhân.

1- Một vị Thiên Chúa đang nói

Thiên Chúa của Kinh Thánh là một vị Thiên Chúa đang nói: “Đức Chúa, Thượng Đế chí tôn, ngay Người lên tiếng… Người không nín lặng” (Tv 50,1. 3). Chính Thiên Chúa lặp đi lặp lại vô số lần trong Kinh Thánh: “Dân Ta hỡi, nghe đây Ta phán dạy (Tv 50,1. 3). Về điểm này, Kinh Thánh giới thiệu một sự tương phản rất rõ rệt so với các ngẫu tượng “có mắt có miệng, không nhìn không nói” (Tv 115, 5). Thiên Chúa sử dụng từ ngữ để liên lạc với con người.

Nhưng chúng ta hiểu những diễn tả theo các như nhân của Thiên Chúa có ý nghĩa gì như kiểu nó “Thiên Chúa phán với Adam”, “Thiên Chúa phán như thế”, “Chúa phán”, “sấm ngôn của Đức Chúa”, và những diễn tả tương tự khác? Rõ ràng chúng ta đang đề cập đến việc Thiên Chúa nói khác biệt với việc con người nói, đây là một lối nói cho sự lắng nghe của con tim. Thiên Chúa nói như Thiên Chúa viết! Qua ngôn sứ Giêrêmia, Người nói: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31,33).

Thiên Chúa không có môi miệng và hơi thở như con người: môi miệng của Người là các ngôn sứ và hơi thở của Người là Chúa Thánh Thần. “Ngươi sẽ là môi miệng Ta”, Chúa phạn với các ngôn sứ Người, hay “Ta sẽ đặt những lời của Ta trên miệng ngươi”. Nó cũng có cùng ý nghĩa đó như trích đoạn nổi tiếng: “… Nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1,21). Hạn từ “những thần ngôn nội tâm” cho thấy việc nói trực tiếp từ Thiên Chúa đến với một số tâm hồn thần bí, có thể cũng được áp dụng cho việc Thiên Chúa nói với các ngôn sứ trong Kinh Thánh theo một ý nghĩa trổi vượt và khác biệt về phẩm chất. Tuy nhiên, chúng ta không thể loại trừ điều mà trong một số trường hợp, như trong phép rửa và biến cố biến hình của Đức Giêsu, cũng có một âm vang lên rõ ràng cách phi thường.

Bất luận thế nào, chúng ta đề cập đến lời nói của Thiên Chúa trong một ý nghĩa thực; thụ tạo đón nhân một sứ điệp có thể được chuyển dịch sang ngôn ngữ nhân loại. Lời nói của Thiên Chúa thì rất sống động và rất thực mà một ngôn sứ có thể nhắc lại một cách chính xác nơi chốn và thời gian mà trong đó lời đó “xuống trên” ông: “Năm vua Út-di-gia-hu băng hà (Is 6,1); “Ngày mồng năm tháng tu năm thứ ba mươi, lúc tôi đang ở giữa những người lưu đày, bên bờ sông Cơ-va (Ed 1,1); “Ngày mồng một tháng sáu năm thứ hai triều vua Đa-ri-ô (Kg 1,1).

Lời Chúa rất cụ thể nên có thể gọi Lời Chúa như một hòn đá “rơi” trên Israel: “Chúa Thượng đã gửi một lời đến Gia-cóp, lời ấy rơi xuống Israel” (Is 9,7). Ở lúc khác, tính cụ thể và vật lý được diễn tả không bằng biểu tượng của một hòn đá mà bằng tấm bánh ăn vào cảm thấy ngon miệng: “Gặp được lời Ngài, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thỏa lòng con (Gr 15,16; x. Ed 3,1-3).

Không có tiếng nói con người nào có thể vươn tới chiều sâu con người cho bằng Lời Chúa. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Đôi khi sự phát biểu của Thiên Chúa giống như một “tiếng sấm” mạnh mẽ “đánh gãy ngàn hương bá Li-băng” (Tv 29,5). Khi khác lời đó giống như “tiếng gió hiu hiu” thổi (x. 1 V 19,12). Lời thấu triệt mọi sắc điệu của ngôn ngữ con người.

Diễn từ về bản tính của Lời Chúa làm thay đổi tận gốc rễ tại lúc mà chúng ta đọc trong Kinh Thánh, “Lời trở thành nhục thể” (Ga 1,14). Với việc Chúa Kitô đến, bây giờ Thiên Chúa nói với một tiếng nói của con người mà tai con người có thể nghe được. “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống… chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa” (1 Ga 1,1-3).

Lời được nhìn thấy và được nghe! Tuy nhiên, Lời mà chúng ta nghe được không phải là lời của con người nhưng là Lời Chúa, bởi vì người nói không phải là bản tính nhưng là một ngôi vị, và ngôi vị của Chúa Kitô cũng là Ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa. Trong Người, Thiên Chúa không còn nói nhờ một trung gian, “nhờ các ngôn sứ”, nhưng trong một người, bởi vì Chúa Kitô “phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,2-3). Lối nói trực tiếp trong ngôi thứ ba nay được thay thế bởi lối nói trực tiếp trong ngôi thứ nhất. Không còn “Đức Chúa nói thế này” hay “sấm ngôn của Đức Chúa!” nhưng “Tôi nói với anh em…”.

Lời Thiên Chúa nói, cả những lời được các ngôn sứ suy niệm trong Cựu Ước, cả những lời trong Tân Ước và những lời nói trực tiếp của Chúa Kitô, sau khi đã được truyền miệng, cuối cùng được viết ra, và như thế mà chúng ta có “Kinh Thánh”.

Thánh Augustino định nghĩa một Bí tích như là “một lời mà ta thấy được” (verbum visible).[2] Chúng ta có thể định nghĩa Lời Chúa như là “một Bí tích mà ta nghe được”. Trong mỗi Bí tích có một dấu chỉ hữu hình và một thực tại vô hình, đó là ân sủng. Lời mà chúng ta đọc trong Kinh Thánh chỉ là một dấu chỉ hữu hình giống như nước trong phép rửa tội hoặc như bánh trong phép Thánh Thể, một lời trong từ vựng của con người không khác gì với những hạn từ khác. Tuy nhiên, nhờ có một đức tin và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, xuyên qua dấu chỉ này, chúng ta đi vào gặp gỡ cách huyền nhiệm với chân lý sống động và ý muốn của Thiên Chúa, và chúng ta nghe chính tiếng nói của Chúa Kitô. Jacques-Bénigne Bossuet viết:

“Cũng như thân mình của Đức Kitô hiện diện thực sự trong Bí tích đáng tôn thờ (Thánh Thể), thì chân lý của Đức Kitô cũng hiện diện như thế trong lời rao giảng Tin Mừng. Trong mầu nhiệm Thánh Thể, hình bánh rượu mà chúng ta thấy là những dấu chỉ, nhưng bên trong chúng chính là mình Chúa Kitô; trong Kinh Thánh, những lời mà chúng ta nghe là những dấu chỉ, nhưng ý nghĩa mà chúng mang lại là chân lý của Con Thiên Chúa”.[3]

Tính Bí tích của Lời Chúa được mạc khải trong sự kiện mà đôi khi Lời Chúa tác động một cách rõ ràng vượt trên sự hiểu biết rất giới hạn và bất toàn của con người; Lời Chúa tác động gần như là tự thân – ex opera operato, giống như chúng ta nói trong các Bí tích. Trong Giáo Hội đã có và sẽ có những cuốn sách có giá trị giáo huấn hơn một số sách trong Kinh Thánh (chúng ta chỉ cần nghĩ đến cuốn “Gương Chúa Giêsu”), tuy nhiên không có cuốn sách nào có sức tác động các âm thầm nhất như những cuốn sách đã được linh hứng.

Tôi đã nghe một người làm chứng cho điều này trên chương trình truyền hình mà tôi tham gia. Anh ta ở trong tình trạng nghiện rượu nặng mà không thể không uống sau hơn hai giờ; gia đình anh ở trong sự tuyệt vọng. Anh và vợ anh được mời tới dự một cuộc hội thảo về Lời Chúa. Những người ở đó đọc những câu từ Sách Thánh. Một đoạn đặc biệt xuyên thấu anh như một ánh lửa và cho anh sự chắc chắn để được cai nghiện. Sau đó, mỗi khi anh bị cám dỗ uống rượu, anh đi mở Kinh Thánh, tìm đến đoạn đó và đọc đi đọc lại những lời đó, anh tìm được sức mạnh trở lại với mình cho đến khi anh hoàn toàn bỏ rượu. Khi anh cố gắng chia sẻ về đoạn Lời Chúa rất ý nghĩa này, anh nói không rõ bởi vì xúc động. Đó là câu trích từ sách Diệu Ca: “Tình yêu của anh còn mặn nồng hơn rượu” (Dc 1,2). Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh có lẽ sẽ nở mặt nở mày trước những áp dụng này, nhưng con người đó có thể nói: “Tôi đã chết nay tôi sống lại”, như người mù bẩm sinh nói với những người chỉ trích anh: “Chỉ tôi biết tôi mù lòa và nay tôi nhìn thấy được” (x. Ga 9,10 tt).

Một điều tương tự như thế đã xảy ra với thánh Augustino. Khi cuộc chiến đấu vì sự khiết tịnh ở đỉnh cao, ngài nghe một tiếng nói: “Tolle, lege!” (cầm lấy và đọc!). Đang khi có trong tay các thư của thánh Phaolô, ngài đã mở sách ra với ý định lấy một bản văn đầu tiên và xem đó là thánh ý Thiên Chúa. Đây là đoạn trong thư gửi tín hữu Rôma 13,13 tt: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày; không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đảng, cũng không cãi cọ ghen tuông”. Ngài viết trong cuốn “Confessiones” (Tự Thú): “Con không muốn đọc thêm nữa, và không cần đọc nữa. Vừa đọc xong đoạn đó, có một ánh sáng xuyên qua lòng con, xua đi bóng tối bao phủ tâm hồn con”.[4]

2- Lectio divina

Sau những nhận định chung về Lời Chúa, tôi muốn tập trung về Lời Chúa như là con đường để thánh hóa bản thân. Hiến chế Dei Verbum dạy:

“Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội”.[5]

Từ thời Guigo II, Dòng Chartreux có những phương pháp và những lối tiếp cận khác nhau được đề nghị để làm Lectio Divina.[6] Tuy nhiên, chúng có những bất tiện vì được áp dụng hầu như cho đời sống đan tu và chiêm niệm và vì thế chúng không phù hợp lắm cho chúng ta hôm nay khi người đọc bản văn Lời Chúa thuộc mọi hạng người tin, tu sỹ và giáo dân.

May cho chúng ta, chính Kinh Thánh đề nghị một phương pháp đọc Lời Chúa mà mọi người có thể áp dụng. Trong thư của thánh Giacôbê (Gc 1,18-25) chúng ta đọc một bản văn nổi tiếng về Lời Chúa. Chúng ta có thể rút ra từ đó một chương trình cho Lectio Divina qua ba bước hay ba giai đoạn liên tiếp nhau: đón nhận Lời, suy niệm Lời, và thực hành Lời. Chúng ta hãy suy nghĩ về từng bước một:

a. Đón nhận Lời

Bước đầu tiên là lắng nghe Lời, thánh Tông Đồ nói: “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em” (Gc 1,21). Đây là bước đầu tiên bao gồm mọi hình thức và cách thế mà một người Kitô hữu đến tiếp xúc với Lời Chúa: chúng ta nghe Lời trong phụng vụ, khi nghiên cứu Kinh Thánh, khi việc chú giải Kinh Thánh, và khi mỗi người đọc Kinh Thánh, đó là việc làm không thể thay thế. Chúng ta hãy đọc trong Dei Verbum:

“Thánh Công Đồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hãy năng đọc Kinh Thánh để học biết “khoa học siêu việt của Chúa Kitô” (Pl 3,8)… Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Kinh Thánh nhờ Phụng vụ thánh dồi dào Lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào”.[7]

Trong đoạn này có hai nguy hiểm cần tránh. Nguy hiểm thứ nhất là chỉ dừng ở giai đoạn đầu và chuyển việc đọc Lời Chúa cách cá nhân (personal) sang việc đọc Lời Chúa phi cá nhân (impersonal). Đây là một sự nguy hiểm đáng quan tâm cách đặc biệt nơi những trường huấn luyện. Theo Søren Kierkegaard, một người muốn để Lời Chúa chất vấn mình một cách cá vị cho đến lúc người đó đã không giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến bản văn, những thay đổi và sự bất đồng ý kiến chú giải, anh sẽ không bao giờ đi đến kết luận điều gì. Lời Chúa được ban để bạn đem ra thực hành, và không phải để bạn thực hành việc chú giải về những sự khó hiểu của nó. Như một triết gia đã nói: không phải “những điểm khó hiểu” trong Kinh Thánh làm tôi sợ hãi; mà là những điểm rõ ràng của Kinh Thánh![8]

Thánh Giacôbê so sánh việc đọc Lời Chúa với việc soi mình trong gương. Một người tự giới hạn mình để nghiên cứu các nguồn, những thay đổi và những thể loại văn chương của Kinh Thánh và không làm gì khác hơn như một người dùng thời gian để soi gương – khi kiểm tra hình dáng, chất liệu, kiểu và thời gian của nó mà không bao giờ nhìn mình trong gương. Đối với anh, gương không có thực thi chức năng của mình. Phương pháp phê bình Kinh Thánh là cần thiết và chúng ta không thể cám ơn cho đủ đối với những ai đã dùng cả cuộc đời mình tìm ra những con đường cho việc hiểu biết cách chính xác các bản văn Kinh Thánh, nhưng sự hiểu biết này cũng không khám phá hết ý nghĩa của Kinh Thánh, nó cần nhưng không đủ.

Nguy hiểm thứ hai đó là lối chú giải theo mặt chữ, hiểu mọi điều trong Kinh Thánh theo nghĩa đen mà không có một suy tư theo phương pháp chú giải nào. Có hai sự thái quá ở đây, đó là chủ nghĩa phê bình khắt khe (hypercriticism) và chủ nghĩa duy Kinh Thánh (fundamentalism), cả hai xem ra có vẻ trái nghịch nhau, nhưng có chung một giới hạn là chỉ dừng lại ở nhưng từ ngữ mà lại lãng quên Chúa Thánh Thần.

Với dụ ngôn người gieo giống và hạt giống (x. Lc 8,5-15), Đức Giêsu ban cho mỗi người chúng ta một sự trợ giúp để khám phá những điều kiện của chúng ta khi đón nhận Lời Chúa. Người phân biệt bốn loại đất: đất vệ đường, đất sỏi đá, đất gai mọc và đất tốt. Rồi Người giải thích đâu là sự khác biệt giữa các loại đất biểu trưng: đất vệ đường là những kẻ mà Lời Chúa không thể nào gieo vào được; đất sỏi đá là những người hời hợt bên ngoài và hay thay đổi, người nghe Lời với niềm vui nhưng không cho Lời cơ hội để đâm rễ; đất có nhiều bụi gai là những kẻ để cho mình bị tràn ngập những lo lắng và sự vui thích thế gian; đất tốt là những ai nghe Lời và mang lại hoa trái nhờ sự kiên trì bền bỉ của mình.

Khi đọc điều này, chúng ta có thể bị cám dỗ bỏ qua cách vội vàng ba loại người đầu tiên, để dừng lại ở loại người thứ tư mà chúng ta cho rằng đó chính là mỗi người chúng ta dẫu chúng ta có nhiều giới hạn.

Trong thực tế – và có sự ngạc nhiên ở đây – mãnh đất tốt là những người dễ dàng nhận biết mình trong mỗi loại của ba hạng người đầu tiên! Họ là những con người rất khiêm tốn nhận biết rằng đã bao nhiêu lần họ đã lắng nghe Lời trong một cách thế chia lòng chia trí; đã bao nhiêu lần họ đã hay thay đổi về những ý hướng họ được giáo huấn khi nghe Lời từ Tin Mừng; đã bao nhiêu lần họ đã để cho mình bị tràn ngập bởi những hoạt động và những lo lắng trần thế. Đây, những người này, dù không ý thức điều đó, đang trở thành những mãnh đất tốt đích thực. Xin Chúa chúng ban cho chúng ta trở thành những người trong số này!

Liên quan đến bổn phận phải đón nhận Lời Chúa và không để bất cứ Lời nào trong đó rơi vào chỗ trống rỗng, chúng ta hãy nghe lời huấn dụ mà Origene, một trong những người yêu Lời Chúa nhất, ban cho các Kitô hữu thời ngài:

“Anh chị em là những người thường tham dự vào các mầu nhiệm Thiên Chúa, khi đón nhận Mình Chúa, anh chị em hãy biết làm sao để bảo vệ Mình Chúa với tất cả sự cẩn trọng và tôn kính đùng để bất cứ một mảnh nhỏ nào rơi xuống, đừng để bất cứ điều gì từ món quà được thánh hiến bị mất. Anh chị em hãy xác tín cách đúng đắn rằng sẽ có tội nếu làm rơi những mẫu bánh thánh vì sự bất cẩn. Nhưng để bảo quản Mình Thánh anh chị em hãy rất cẩn trọng, và đúng thật anh chị em đã làm như thế. Anh chị em hãy biết rằng việc lơ là Lời Chúa không phải là tội nhẹ hơn việc lờ là Mình Thánh đó sao?”.[9]

b. Chiêm ngắm Lời

Giai đoạn thứ hai mà thánh Giacôbê đề nghị đó là “chăm chú nhìn” vào Lời, khi đặt mình trước tấm gương này lâu giờ, để suy niệm và chiêm ngắm Lời. Các Giáo phụ sử dụng hình ảnh nhai đi nhai lại và suy đi nghĩ lại để miêu tả điều này. Guigo II viết:

“Việc đọc là đưa thức ăn đầy dinh dưỡng vào trong miệng, suy niệm là nhai nó và nghiền nó ra”.[10] Theo thánh Augustino: “Khi một người tìm lại trong ký ức những gì đã được nghe, và suy đi nghĩ lại cách thư thái trong lòng những lời này, người đó giống như loài động vật nhai lại”.[11]

Người soi mình trong gương của Lời là người học để hiểu “nó như thế nào”; học để hiểu chính mình và khám phá sự khác biệt của họ với hình ảnh của Thiên Chúa và hình ảnh của Đức Kitô. Đức Giêsu nói: “Thầy không tìm kiếm vinh quang Thầy” (Ga 8,15): Đây là một tấm gương trước mặt bạn, và lập tức bạn sẽ thấy bạn xa cách Chúa như thế nào nếu bạn đang tìm kiếm vinh quang cho mình. “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”: Một lần nữa, đây là một tấm gương ở trước mặt bạn, và bạn lập tức khám phá bạn đang chứa đầy những sự dính bén và những điều vô ích, trên hết là sự tự mãn chính mình. “Bác ái thì kiên nhẫn…” và bạn ý thức được sao bạn lại không kiên nhẫn, đố kỵ, và ích kỷ. Hơn cả việc “nghiên cứu Kinh Thánh” (x. Ga 5,39), bạn hãy để cho Kinh Thánh đào sâu trong bạn. Thư Do Thái nói:

“Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12-13).

Trong gương của Lời, may thay, chúng ta không chỉ nhìn ngắm mình và những thiếu sót của mình: trước hết chúng ta nhìn ngắm dung mạo Thiên Chúa, hay tốt hơn, chúng ta chiêm ngắm trái tim Thiên Chúa. Thánh Gregorio Cả nói: “Đó là một lá thư của Thiên Chúa quyền năng gửi cho thụ tạo của Người; trong đó, chúng ta được học để nhận biết trái tim của Thiên Chúa trong Lời Chúa”.[12] Điều Đức Giêsu nói: “Lòng đầy miệng mới nói ra (Mt 12,34), cũng đúng với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nói với chúng ta trong Kinh Thánh là những gì chứa đựng trong trái tim Người, đó chính là tình yêu. Tất cả Kinh Thánh được viết ra với mục đích là con người có thể nhận biết rằng Thiên Chúa yêu họ đến mức nào và khi học biết điều này họ có thể nóng lên lòng yêu mến Thiên Chúa.[13] Năm Thánh Lòng Thương Xót là một cơ hội rất ý nghĩa để đọc lại toàn bộ Kinh Thánh từ viễn tượng này như là lịch sử của lòng thương xót Chúa.

c. Thực hành Lời

Bây giờ chúng ta đến với giai đoạn thứ ba trong lộ trình được thánh Giacôbê đề nghị: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành… Ai thi hành luật Chúa… thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1,22. 25). Mặt khác, “thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào” (Gc 1,23).

Trở thành một người thi hành Lời Chúa cũng là điều Đức Giêsu ước ao nhất: “Mẹ Thầy và anh chị em của Thầy là những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Không “thực hành Lời Chúa” mọi sự chỉ là ảo tưởng và chúng ta đang xây nhà trên cát (x. Mt 7,26). Một Người không thể hiểu gì cả khi nói rằng họ đã hiểu Lời, bởi vì như thánh Gregorio Cả nói: “Lời Chúa thực sự được hiểu chỉ khi người ta bắt đầu thực hành Lời Chúa”.[14]

Giai đoạn thứ ba hệ tại trong việc thực hành, trong việc tuân theo Lời Chúa. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa trở thành sự diễn tả thánh ý sống động của Thiên Chúa đối với tôi trong mọi giây phút được ban. Nếu chúng ta lắng nghe Lời cách chăm chú, chúng ta sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng có một ngày mà trong phụng vụ, khi đọc một Thánh Vinh, hay trong một lúc khác, chúng ta phám phá ra một Lời trong đó khiến chúng ta phải nói rằng: “Lời này cho tôi! Lời này là lời mà tôi phải thực hiện hôm nay!”.

Vâng nghe Lời Chúa là sự vâng lời mà chúng ta phải làm luôn mãi. Vâng nghe những lệnh truyền và những thẩm quyền hữu hình, thường chỉ cần thực hiện trong một lúc, ba hoặc bốn lần trong suốt đời, nếu đó là sự vâng phục nghiêm chỉnh; nhưng chúng ta phải vâng theo Lời Chúa trong mỗi giây phút. Đây cũng là sự vâng nghe mà tất cả chúng ta phải thực hiện, cả người dưới và người trên. Thánh Ignatiô thánh Antiochia có lời khuyên rất tuyệt vời cho một người bạn giám mục của ngài: “Đùng làm gì nếu không có sự đồng ý của anh, nhưng anh đừng có làm gì nếu không có sự đồng ý của Thiên Chúa”.[15]

Lắng nghe Lời Chúa có nghĩa một cách cụ thể là đi theo những sự gợi hứng tốt lành. Tiến trình tâm linh chúng ta phụ thuộc phần lớn vào tính nhạy bén của chúng ta với những sự gợi hứng tốt lành và sự sẵn sàng của chúng ta để đáp trả. Một Lời Chúa gợi cho bạn một ý tưởng, nó đặt vào lòng bạn một ước muốn cho một sự thú tội chân thành, cho một sự hòa giải và cho một hành vi bác ái; nó mời gọi bạn ngưng làm việc để tìm một giây phút và thực hiện một hành vi yêu thương đối với Thiên Chúa. Đừng có trì hoãn, đừng có để cho sự gợi hứng đó qua đi. Thánh Augustino nói rằng: “Timeo Jesum transeumtem” (Tôi sợ hãi vì mất Chúa Giêsu).[16] Điều này cũng giống như khi nói: “Tôi cảm thấy khiếp sợ vì sự gợi hứng tốt lành của Chúa đi qua và không còn trở lại nữa”.

Chúng ta hãy kết luận với một tư tưởng từ một Giáo Phụ ở sa mạc cổ xưa,[17] Ngài nói:

“Tâm trí chúng ta giống như một máy xay lúa; hạt đầu tiên được bỏ vào trong máy từ buổi sáng, máy này sẽ tiếp tục xay trong suốt cả ngày. Vì thế, từ sáng sớm chúng ta hãy mau mắn bỏ vào trong máy này hạt lúa tốt là Lời Chúa, nếu không, ma quỷ sẽ tới và bỏ vào trong máy hạt cỏ lùng của nó và suốt ngày tâm trí không chỉ xay hạt cỏ lùng”.

Lời đặc biệt mà hôm nay chúng ta đặt vào trong máy tâm trí chúng ta là câu khẩu hiệu của năm thánh: “Anh em hãy thương xót như Cha anh em trên trời là Đấng giàu lòng thương xót”.

 

 

 


[1] Bài giảng cho Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Roma vào Chúa Nhật thứ II Mùa Chay năm 2016 của Cha Raniero Cantalamessa, OFM., giảng thuyết gia phủ Giáo Hoàng, đăng tải tại: https://zenit.org/articles/father-cantalamessas-2nd-lent-homily-2016/

[2] St. Augustine, Tractates on the Gospel of John 55-111, 80, 3, vol. 90, trans. John W. Rettig, The Fathers of the Church (Washington, DC: Catholic University of America Press, 2014), p. 117.

[3] Jacques-Bénigne Bossuet, “Sur la parole de Dieu”, in Oeuvres oratoires de Bossuet, vol. 3 (Paris: Desclée de Brouwer, 1927), p. 627.

[4] St. Augustine, Confessions, VIII, 29, trans. John K. Ryan (Garden City, NY: Doubleday, 1960), p. 202.

[5] Second Vatican Council,encyclical Dei Verbum, no. 21.

[6] See Guigo II, The Ladder of Monks: A Letter on the Contemplative Life, trans. Edmund Colledge and James Walsh (Kalamazoo, MI: Cistercian Publications, 1981).

[7] Second Vatican Council,encyclical Dei Verbum, no. 25.

[8] Sõren Kierkegaard, Self-Examination / Judge Yourself, ed. and trans. Howard V. Hong and Edna H. Hong (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1990), p. 29.

[9] Origen, “Homily 13 on Exodus”, 3, in Homilies on Genesis and Exodus, trans. Ronald E. Heine (Washington, DC: Catholic University of America Press, 2010), pp. 380-381.

[10] Guigo II, The Ladder of Monks, 3, p. 68.

[11] Augustine, Expositions on the Psalms, 46, 1, The Works of Saint Augustine, Part 3, vol. 16, trans. Maria Boulding, ed. John E. Rotelle (Hyde Park, NY: New City Press, 2000), p. 325.

[12] See Gregory the Great, “Letter 31, to Theodorus”, in Epistles of Gregory the Great, vol. 12, Nicene and Post-Nicene Fathers, trans. James Barmby, eds. Philip Schaff and Henry Wace (Grand Rapids: Eerdmans, 1997), p. 156.

[13] See Augustine, First Catechetical Instruction, 1, 8, vol. 2, Ancient Christian Writers (Mahwah, NJ: Paulist Press, 1978), p. 23.

[14] Gregory the Great, Homilies on the Book of the Prophet Ezekiel, 1, 10, 31, trans. Theodosia Tomkinson, 2nd ed. (Etna, CA: Center for Traditionalist Orthodox Studies, 2008), pp. 200-201; see also CCL 142, p. 159.

[15] Ignatius of Antioch, “Letter to Polycarp”, 4, 1, in The Apostolic Fathers: Greek Texts and English Translations, 3rd ed., ed. and rev. trans. Michael W. Holmes (Grand Rapids: Baker Academic, 2007), p. 265.

[16] Augustine, “Sermon 88”, 13, The Works of Saint Augustine, Part 3, vol. 3, trans. Edmund Hill, ed. John E. Rotelle (Brooklyn, NY: New City Press, 1991), p. 341.

[17] See Abbot Moses in John Cassian, Conferences, “Conference One”, 18, trans. Colm Luibhéid (Mahwah NJ: Paulist Press, 1985), p. 52.