Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Nguồn Tư Liệu Từ Vựng Thế Kỷ XVII Qua Khảo Sát Truyện Ông Thánh Inaxu

Administrator
2018-09-08 10:56 UTC+7 28
PGS.TS Lã Minh Hằng Viện Nghiên cứu Hán Nôm   Linh mục J.Maiorica đã sử dụng chữ Nôm để truyền giáo. Từ năm 1632 đến năm 1656 ông đã viết đến 45 tác phẩm bằng chữ Nôm; hiện chỉ còn lại 15 tác phẩm với 4.200 trang, tổng cộng 1.200.000 chữ Nôm. Các tài liệu […]


PGS.TS Lã Minh Hằng
Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 

Linh mục J.Maiorica đã sử dụng chữ Nôm để truyền giáo. Từ năm 1632 đến năm 1656 ông đã viết đến 45 tác phẩm bằng chữ Nôm; hiện chỉ còn lại 15 tác phẩm với 4.200 trang, tổng cộng 1.200.000 chữ Nôm. Các tài liệu này là kho tư liệu vô giá về Ngôn ngữ học – là cứ liệu quan trọng để nghiên cứu chữ Nôm, nghiên cứu phương ngữ, từ vựng lịch sử và ngữ âm lịch sử tiếng Việt.

Ông thánh Inaxu là một trong hai ông tổ dòng Tên. Cùng với Truyện ông thánh Phanxicô Xavie, Truyện ông thánh Inaxu đã được giáo hữu Việt Nam biết đến rất nhiều. Truyện được viết bằng chữ Nôm, do cha Maiorica viết từ rất sớm. Trong bài tham luận này, chúng tôi sẽ khảo sát nguồn trữ lượng từ vựng cổ trong Truyện ông thánh Inaxu.

I. ĐÔI NÉT VỀ VĂN BẢN

Truyện ông thánh Inaxu (TOTINX), của cha Maiorica, nguyên được viết bằng chữ Nôm. Bản gốc hiện còn lưu tại Bibliotheque Royale-Paris, cách xếp cũ đánh số Fourmont 377, cách xếp mới đánh số B16, dày 57 tờ, được viết năm 1634. Vì những lý do đặc biệt, chúng tôi chưa có điều kiện để được tiếp xúc với văn bản gốc ở Thư viện Quốc gia Pháp. Trong tham luận này, chúng tôi sử dụng tài liệu sao chụp từ văn bản gốc của Thư viện Quốc gia Pháp[1].

Bản gốc chữ Nôm gồm 57 tờ, tổng cộng 114 trang, trong đó có 1 trang bìa, còn lại 113 trang ghi nội dung chuyện. Mỗi trang gồm 9 dòng, mỗi dòng có 21 chữ Nôm. Chúng tôi đã phiên âm toàn bộ văn bản này ra tiếng Việt hiện đại. Toàn văn bản phiên âm Quốc ngữ hiện đại có 42 trang A4, gồm: 17.799 âm tiết (chữ), gồm: 85 đoạn văn bản.

II. CÁC SỐ LIỆU TỔNG QUAN

1. Kết quả khảo sát từ trong văn bản

Một điều dễ nhận thấy khi khảo sát văn bản TOTINX, đó là: văn bản đã lưu giữ khá nhiều các đặc ngữ công giáo (chuyên dùng trong giáo hội), gồm thuật ngữ công giáo, các từ ghi tên người, tên đất gắn với lịch sử truyền giáo… Đáng kể hơn cả, TOTINX đã bổ khuyết cho chúng ta khá nhiều vốn từ vựng tiếng Việt cổ mà lâu nay, vì lí do này khác, các nhà nghiên cứu chưa có điều kiện giới thiệu. 

Qua sơ bộ khảo sát nhóm từ cổ trong văn bản TOTINX, chúng tôi đã thu thập được 174 từ cổ (trong đó, 1 âm tiết: 113 từ, 2 âm tiết: 61 từ). Thông tin này cho thấy mật độ dày đặc của các từ cổ trong văn bản: toàn văn bản có 85 đoạn và 42 trang, như vậy tính trung bình mỗi đoạn văn bản có 174/85 > 2 đơn vị từ cổ (mới); mỗi trang văn bản có 174/42 > 4 đơn vị từ cổ (mới) xuất hiện. Chúng tôi khảo sát tần suất sử dụng của các từ cổ trong văn bản TOTINX, cho thấy, số từ cổ chỉ xuất hiện 1 lần (gồm từ cổ 1 âm tiết và 2 âm tiết) chiếm đa số: với 75 từ. Một số từ cổ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong văn bản như song le lặp lại đến 44 lần. Ngoài ra các từ như đã (nghĩa: đỡ) xuất hiện 29 lần, đoạn (nghĩa: “tức thì”) xuất hiện 29 lần, sinh thì (nghĩa: chết) xuất hiện 25 lần, trẩy (nghĩa: “đi xa”) xuất hiện 30 lần.

Chúng tôi đã thống kê lượt chữ (bằng cách: số lần x số từ. Ví dụ có 6 từ có tần suất sử dụng 4 lần = 24 lượt chữ). Kết quả toàn văn bản có 964 lượt chữ ghi từ cổ. Như vậy cứ 18,46 chữ thì có 1 chữ ghi từ cổ xuất hiện (17.799 chữ/964 lượt). Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh được mức độ dày đặc của các ghữ ghi từ cổ trong tương quan với độ dài văn bản (do có từ cổ ghi bằng 2 âm tiết = 2 chữ Nôm). Vì vậy, để tính được chính xác số chữ ghi từ cổ trong văn bản, chúng tôi tiến hành thống kê tỉ mỉ hơn, ví dụ : 6 từ, tần suất 4 lần, trong đó 3 từ 1 âm tiết, 3 từ 2 âm tiết, kết quả 36 chữ ghi từ cổ. Theo công thức [3+(3×2)] x 4 =36.

Với cách làm này, toàn văn bản có 1.265 lượt chữ được dùng ghi từ cổ. Như vậy, cứ khoảng 14 chữ (Nôm) xuất hiện trong văn bản lại có 1 chữ dùng để ghi từ cổ (17.799 /1265 = 14,07 chữ).

2. Kết quả khảo sát qua so sánh với các bộ từ điển từ cổ hiện hành

Các kết quả khảo cứu từ nội dung văn bản nêu trên đã cho thấy TOTINX có mức độ sử dụng từ cổ khá dày đặc. Có rất nhiều từ cổ lại khá xa lạ với các bộ từ điển từ cổ hiện hành. Để chứng minh cho điều vừa nêu, chúng tôi tiến hành đối chiếu 174 từ cổ (của TOTINX) với những ghi nhận của 2 bộ từ điển từ cổ hiện hành[2]. Kết quả, có

78 từ cổ đều được TOTINX và Từ điển của Vương Lộc ghi nhận;

28 từ cổ đều được TOTINX và Từ điển của nhóm Nguyễn Ngọc San ghi nhận;

25 từ được cả TOTINX, Từ điển từ cổ của Vương Lộc và Từ điển từ Việt cổ của nhóm Nguyễn Ngọc San ghi nhận.

Có thể thấy: cả 2 bộ từ điển từ cổ hiện hành còn thiếu rất nhiều từ cổ (cụ thể ở đây là từ vựng thế kỉ 17, qua điều tra sơ bộ ở 1 văn bản của Maiorica-TOTINX). Xin nêu một vài minh hoạ cho các số liệu thống kê nêu trên:

a. Từ cổ chỉ thấy xuất hiện trong văn bản TOTINX, ví dụ các từ Lòi tói, Chùng (chữa chùng)… đều không được Vương Lộc và nhóm Nguyễn Ngọc San đưa vào bộ từ điển của mình. Xem chi tiết

Chùng: là 1 từ không phổ biến, ngày nay đã hoàn toàn mất nghĩa. Các bộ từ điển của P.Của, của Genibrel, và của AJ.L.Taberd đều không ghi từ này. Duy chỉ có Tự vựng lịch sử chữ Nôm của Paul Schneider ghi “CHÙNG: chữa chùng. Soigner“, Soigner “chữa bệnh” [Từ điển Pháp-Việt]. Như vậy chữa chùng cũng được hiểu là chữa bệnh. Từ này được dùng trong TOTINX: Có bà kia tên là Bê-na-ri-na có một con gái phải tật nặng lắm, ở giữa cổ lở ra mà chữa chùng chẳng đã, chẳng biết thuốc gì nữa (tr.247-246).

b. Sự sai khác về nét nghĩa (qua đối chiếu với 2 bộ từ điển của Vương Lộc và Nguyễn Ngọc San), ví dụ minh họa: từ Săng (xăng)

Trong TOTINX, săng xuất hiện 2 lần, ở cả 2 lần đều được Maiorica dùng với nét nghĩa “hòm, quan tài” [A.de Rhodes], ví dụ: Đến ngày sau lại cất xác đi nơi khác trọng hơn, thì mở săng ra, thấy trong ấy những cái sao nhỏ sáng láng bay lên, xác người như ở trên trời vậy (tr.244); và Khi người ta thành Rôma có mắng tiếng ông thánh Inaxu đã qua đời, thì các dòng thầy cùng cả và thiên hạ đến đấy kính xác người, hôn chân tay cùng hôn cái săng người (tr.247).

Tuy nhiên, ở các từ điển, ngoài nét nghĩa này, săng còn chứa nét nghĩa khác là “gỗ, cây, ví dụ: săng cỏ (A.de Rhodes: cây và cỏ), Nhà săng (nhà cất bằng cây săng)”. Ngày nay, săng với nghĩa “gỗ” vẫn được dùng trong kết hợp: cây săng, nhà săng; ngược lại, săng với nghĩa “hòm, quan tài” trở thành nghĩa cổ, thường chỉ gặp trong những câu thành ngữ như: Hàng săng chết bó chiếu; hay Muốn ăn thì lăn vào bếp, muốn chết thì lết vào săng. Vương Lộc đã cấp cho săng 02 nghĩa: ① [Pakatan, Thà Vựng, Poong] gỗ; cây và ② quan tài. Thế nhưng, Nguyễn Ngọc San lại chỉ cấp cho săng 01 nghĩa “cây, gỗ”.

Qua đối chiếu với các bộ từ điển từ cổ hiện hành, đặc biệt là 2 bộ từ điển từ cổ (nêu trên), càng thấy rõ giá trị về phương diện Ngôn ngữ học mà TOTINX đem lại. Cùng với các văn bản Nôm khác của Maiorica, TOTINX sẽ là nguồn tư liệu bổ sung quý giá giúp cho việc biên soạn 1 bộ từ điển từ cổ trong tương lai.

THAY LỜI KẾT

Khảo cứu từ vựng trong TOTINX cho thấy mức độ dày đặc của các từ cổ được sử dụng: mỗi đoạn văn bản có 174/85 > 2 đơn vị từ cổ (mới), mỗi trang văn bản có 174/42 > 4 đơn vị từ cổ (mới) xuất hiện. Nếu tính tần suất sử dụng của các từ cổ thì thấy, có một số từ có tần suất sử dụng khá lớn: song le lặp lại 44 lần, đã: 29 lần, đoạn: 29 lần, sinh thì: 25 lần, trẩy: 30 lần. Xét tần suất của các chữ Nôm dùng ghi từ cổ thì: cứ 14,07 chữ Nôm lại có 1 chữ dùng ghi từ cổ. Khảo cứu từ cổ trong tác phẩm qua so sánh với những ghi nhận của các bộ từ điển cổ cũng đã giúp cho ta có thể bổ chính khá nhiều cho những gì còn chưa được thu nạp đầy đủ trong các bộ từ điển cổ hiện hành.

Thời gian trôi đi, do nhiều nguyên nhân, khối tư liệu của J.Maiorica không còn được nguyên vẹn. Tuy nhiên, với trữ lượng 15 cuốn hiện còn, tổng cộng 4.200 trang văn bản cũng đủ cho chúng ta có được hình dung khá đầy đủ về diện mạo của từ vựng, ngữ âm và chữ Nôm thế kỉ 17. Đây thật sự là một kho báu mà các nhà truyền giáo đã trao lại cho chúng ta- những người nghiên cứu về tiếng Việt lịch sử./.

 

 

—————————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Sách tiếng Việt

[1] Đỗ Quang Chính, 1972, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Tủ sách ra khơi, Sai Gòn.
[2] Nguyễn Quốc Dũng, 2009, Ngôn ngữ trong “Truyện các thánhcủa tác giả Maiorica – khía cạnh từ vựng và ngữ pháp, Khóa luận tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ, Trường Đại học Sư phạm Huế.
[3] Nguyễn Hưng, Lm, 2000, Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam, Lưu hành nội bộ.
[4] Thanh Lãng, 1961, Những chặng đường của chữ Quốc ngữ, Báo Đại học, số 1, trg 10-11
[5]. Vương Lộc, 1999, Một vài nhận xét bước đầu về ngôn ngữ trong Hồng Đức Quốc âm thi tập, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4, tr. 3-10.  
[6] Nguyễn Thị Tú Mai, 2012, Chữ Nôm và tiếng Việt thế kỉ XVII qua Thiên chúa Thánh giáo khải mông của Jeronimo Maiorica, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[7] Nguyễn Thế Nam, 2011, Vài nét về tình hình nghiên cứu Hán Nôm Công giáo, Thông báo Hán Nôm học (Bản thảo).
[8]  Nguyễn Văn Ngoạn, 2012, Khảo cứu văn bản Nôm Kinh những lễ mùa phục sinh của Maiorica, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội.
[9] Nguyễn Ngọc San, 1993, Tìm hiểu về tiếng Việt lịch sử, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[10] George Schurhammer, Nền văn chương Công giáo về Phanxicô tại Việt Nam, (bản dịch Việt ngữ của Đỗ Văn Anh và Trương Bửu Lâm,2006), nguồn: www.dunglac.net
[11] Trần Khắc Toàn, 2005, Một vài nhận xét về chữ Nôm Công giáo in trong Nghiên cứu chữ Nôm, Kỷ yếu Hội nghị quốc tế về chữ Nôm, Hà Nội, 2006.
[12] Nguyễn Văn Trung, 2002, Góp ý với GS. Nguyễn Tài Cẩn về hai chữ sinh thì, Dịch thuật và lý luận dịch thuật, nguồn: www.dunglac.net.

II. Sách tra cứu (từ điển)

[13] P.de.Behaine, 1772, Dictionnarium Annamitico-Latinum.
[14] Huinh Tịnh Paulus Của, 1895, Đại Nam quốc âm tự vị, Sài gòn.
[15] J.F.M. Genibrel, 1898, Dictionnaire Annamite-Francais, Saigon in lại.
[16] Hardon, John A, 1985, Từ điển Công giáo phổ thông (bản dịch Việt ngữ), Tủ sách Toát yếu.
 [17] Vương Lộc, 2001, Từ điển từ cổ, Nxb Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển bách khoa thư.
[18] Rhodes, A. de, 1651, Từ điển Annam – Lusitan – Latinh (bản dịch Việt ngữ của Thanh Lãng – Hoàng Xuân Việt – Đỗ Quang Chính), Viện Khoa học xã hội, TP Hồ Chí Minh,1991 in lại
[19] Nguyễn Ngọc San-Đinh Văn Thiện (đồng chủ biên), 2000, Từ điển từ Việt cổ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
[20] Paul Schneider, 1991, Dictionnaire Historique des ideogrammes Vietnamiens (Tự vựng lịch sử chữ Nôm), R.I.A.S.E.M
[21] AJ.L.Taberd, 1838, Dictionarium Annamitico Latinum, Nxb văn học-Trung tâm nghiên cứu Quốc học in lại, 2004.
[22] Đặng Xuân Thành – Nhóm Chánh Hưng, 2008, Từ điển Công giáo phổ thông, Nxb Phương Đông.
[23] Nguyễn Đức Thông, 2011, Tự điển Công giáo 500 mục từ, Nxb Tôn giáo, Hà nội.

III. Tài liệu Hán Nôm

[24] Gieronimo Maiorica S.J, Kinh những lễ Mùa Phục sinh, quyển thứ ba, Lưu hành nội bộ, 2/2003.
[25] Gieronimo Maiorica S.J, Truyện ông thánh I-na-xu, Lưu hành nội bộ, 5/2003.
 


[1] Việc mô tả kĩ lưỡng về văn bản, các vấn đề về tác giả, người sao chép, chúng tôi sẽ giành cho một chuyên khảo riêng về tác phẩm này. Trong giới hạn bài tham luận, chỉ cho phép chúng tôi đi sâu khảo tả nội dung ghi chép trong văn bản (thể hiện qua ngôn ngữ văn tự ghi chép trong đó).
[2] Hai bộ từ điển là: Vương Lộc, Từ điển từ cố, Nxb Đà Nẵng- Trung tâm Từ điển học, 2001 và Nguyễn Ngọc San-Đinh Văn Thiện, Từ điển từ Việt cổ, Nxb Văn hoá thông tin, H.2010.