Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Tín Ngưỡng Thờ Cúng Các Danh Nhân và Anh Hùng Dân Tộc Của Người Việt Nam Ngày Trước

Administrator
2018-09-08 10:59 UTC+7 23
Trần Vinh Một trong những đặc điểm văn hóa của người Việt Nam là lòng tín mộ. Có thể nói, từ ngàn xưa, người Việt Nam nào cũng có đối tượng niềm tin riêng và thực hành niềm tin ấy bằng sự thờ cúng một cách nào đó. Ý niệm vô thần chỉ mới xuất […]


Trần Vinh
Một trong những đặc điểm văn hóa của người Việt Nam là lòng tín mộ. Có thể nói, từ ngàn xưa, người Việt Nam nào cũng có đối tượng niềm tin riêng và thực hành niềm tin ấy bằng sự thờ cúng một cách nào đó. Ý niệm vô thần chỉ mới xuất hiện sau này cùng với sự du nhập tư tưởng Âu Tây và lí thuyết Cộng Sản.

Lòng tín mộ ấy biểu hiện rõ ràng một phần do việc, qua các thời kì lịch sử, người Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận các nền đạo học và các tôn giáo truyền từ nước ngoài vào nước ta, như: Khổng – Mạnh, Lão-Trang, Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, v.v., hoặc là đã thành tâm tin theo Cao Đài giáo và Phật giáo Hòa hảo mới được sáng lập sau này.

Song sự biểu hiện lòng tín mộ quan trọng nhất lại chính là các tín ngưỡng đầy tính dân gian và tính phổ biến của riêng người Việt Nam. Đó là sự thờ cúng các vị thần linh.

Bàn về thời điểm xuất hiện và các đối tượng sùng mộ của các tín ngưỡng nơi người Việt Nam, học giả Đào Duy Anh đã viết: ‘… ta có thể đoán rằng tổ tiên ta ở đời thượng cổ tín ngưỡng một thứ tự nhiên đa thần giáo, tin rằng phàm các hiện tượng và thế lực tự nhiên ở trong vũ trụ, như trời đất, mưa gió, núi sông, đều có thần linh chủ trương. Có lẽ người ta tưởng rằng linh hồn người chết thường đi lại với người sống… Những tín ngưỡng ấy về sau chịu ảnh hưởng của những điều tín ngưỡng qủy thần của Trung quốc mà thành nguồn gốc tôn giáo của nước ta’ (1).

Một tác giả Tây phương, Linh mục Léopold Cadière cũng đưa ra kết luận cho công trình nghiên cứu về các tín ngưỡng của người Việt Nam như sau: ‘Đến đây, ta thử xác định xem tôn giáo của người Việt Nam là gì. Có hai tôn giáo chính, (một) là tôn giáo thờ thần, tôn giáo này có hai đối tượng vì sự thờ cúng có thể hướng về các lực lượng thiên nhiên được ngôi vị hóa, và có thể hướng về những linh hồn người chết mà tôi hiểu đó là đó là sự thờ cúng các anh hùng, các vong hồn và tổ tiên. Tôn giáo này có hai cách thực hành, tùy theo sự thờ cúng có tính cách tôn giáo thì gọi là Khổng giáo hoặc có tính cách ma thuật thì gọi là Lão giáo. Bên cạnh tôn giáo chính này, có một tôn giáo thứ hai, đó là Phật giáo’ (2).

Nhân vì Léopold Cadière nói tới tính cách ma thuật của Lão giáo, chúng tôi xin ghi chú ngay rằng: Lão giáo chính thống với thuyết vô vi là một hệ thống tư tưởng trừu tượng, siêu việt đã từng được bách gia chư tử noi theo, ở nước ta chỉ có một thành phần ưu tú nào đó mới có thể lãnh hội được. Đối với quần chúng, Lão giáo thật sự đã biến thành hình thức ‘đạo tiên’, tức tu tiên, muốn trở nên trường sinh bất tử, hoặc là những hình thức có tính cách ma thuật như: phù thủy, bùa phép, lên đồng, cầu đảo, cầu hồn, trấn ếm tà ma, xiên lình, thắt cổ, khía lưỡi, v.v..

Như thế, đến đây đã mở ra một lãnh vực nghiên cứu khá rộng rãi. Trong bài viết này, chúng tôi xin hạn chế chỉ trình bày về tín ngưỡng thờ cúng các danh nhân và anh hùng của người Việt Nam. Các vị ấy khi sống đã là những người con ưu việt của đất nước, khi chết đi đã được hậu thế nhớ ơn, tin tưởng là đặc biệt linh thiêng và tôn là thần là thánh và thành tâm thực hành việc thờ cúng.

I. TẠI SAO NGƯỜI VIỆT NAM THỜ CÚNG CÁC DANH NHÂN, ANH HÙNG?

Có ba nguyên do: một là vì người Việt Nam tin vào linh hồn thuyết, hai là vì lòng nhớ ơn công lao hiển hách của các vị, ba là vì muốn noi gương các đức tính đặc biệt của các vị ấy.

Sự thờ cúng các danh nhân và anh hùng là một trong ba sự thờ cúng các nhân thần, vì thế sự thờ cúng này sẽ có chung nguyên do thứ nhất (tin vào linh hồn thuyết) với sự thờ cúng tổ tiên và sự thờ cúng các vong hồn, đồng thời có nguyên do thứ hai (nhớ công ơn của các vị) tuơng tự sự thờ cúng tổ tiên.

1. Vì người Việt Nam tin vào linh hồn thuyết

Theo thuyết này, người ta cho rằng ‘sự sống là hậu quả của một sự hợp nhất…của hồn và phách (vía), và cuộc sống sẽ kéo dài bao lâu hai nguyên lí này còn hợp nhất, sự phân li dẫn tới cái chết. Ngay lúc phân li, hồn cao hơn, hồn khí hay khí nóng, bay lên không gian và trở về trời, nơi từ đó nó đã đến. Do đó, sức nóng phát sinh sự sống rời bỏ các phần thân thể từ từ theo mức độ không cảm thấy được, đó chính là hồn bên trong, còn hình phách trở về với đất, nguồn gốc của nó.

Trong mỗi cuộc lễ tôn kính những nguời đã chết hay các thần linh nói chung, chính y niệm về các hồn đã giải thích nghi thức đốt những que hương và đổ rượu xuống đất. Khói của hương bay lên tới các hồn trong không gian đã mời các hồn ngự xuống trên bàn thờ. Trái lại, đã chạm tới phách ở dưới đất, khi đọc xong lời nguyện, vị chủ lễ lại đổ một chút rượu xuống đất và chạm tới các phách… Từ điều nói trên, xem ra nơi những kẻ chết, các hồn và các phách hiện diện phân rẽ, các hồn có đời sống trên không khí và các phách thì sống trong lòng đất’ (3).

Người Việt Nam chẳng những tin linh hồn trường tồn, mà còn tin các linh hồn khi lìa xác vẫn còn tiếp tục lui tới với người sống và hòa mình vào tất cả các hoạt động để phụ giúp hay đối nghịch lại. Linh hồn kẻ chết vẫn còn tiếp tục chịu số phận y hệt khi còn sống, vẫn có điều kiện xã hội như thế, vẫn có những nhu cầu như thế. Nếu mộ phần của họ được tôn kính và được săn sóc cẩn thận, nếu họ được cúng kiến trong các kì lễ với những lễ vật như rượu, cơm, trái cây hoặc vật dụng tượng trưng bằng giấy như ngựa, xe, nhà, thuyền, y phục, người hầu, v.v., (những vật dụng này sẽ được gửi cho các hồn bằng cách hỏa thiêu sau khi cúng lễ) thì khi nhận được lễ vật, các hồn sẽ sung sướng, sẽ có thiện cảm với người dâng cúng và đáp lại lòng tôn kính ấy bằng cách ban những ân huệ.

Như thế, mối cảm thông giữa kẻ chết và người sống đã được thành lập thật sự. Song nếu kẻ chết không được chôn cất, không có mộ phần, dường như là bị bỏ rơi và khổ sở, họ sẽ trở nên đáng sợ. Họ là những cô hồn hoặc ma quỷ luôn luôn tìm cách làm khổ người ta. Vì vậy, do sự sợ hãi và do lòng thương xót mà người ta lập nên những bàn thờ thô sơ để thờ kính những linh hồn xấu số đó. Nơi một số gia đình, mỗi buổi sáng thức dậy, ra mở cửa, người ta tung ra trước nhà một nắm gạo, mong làm vui lòng các cô hồn.

Chính niềm tin con người ta có linh hồn và linh hồn trường tồn sau khi chết, linh hồn vẫn phảng phất đâu đây, vẫn giao cảm cùng cõi nhân sinh, đã khiến cho người Việt Nam thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các danh nhân, anh hùng và thờ cúng các vong hồn.

2. Vì lòng nhớ ơn công lao hiển hách của các danh nhân, anh hùng

Trong phạm vi gia đình, người Việt Nam thường giữ đạo hiếu. Theo đạo hiếu, con cháu nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cho nên hết lòng phụng dưỡng khi các ngài còn sống; khi các ngài khuất núi, trong niềm tin hương hồn các ngài vẫn hiện diện gần gũi đâu đây trong cõi vô hình thì con cháu cúng giỗ để tưởng nhớ các ngài đồng thời dâng hiến những lễ vật để các ngài hưởng dùng.

Cũng tương tự, trong phạm vi làng xã hay quốc gia, thường hay xuất hiện những danh nhân, anh hùng. Các ngài là những vĩ nhân, những công dân kiệt xuất bởi công lao to lớn đối với làng xã, đối với đất nước. Do đó, khi chết đi, các ngài được dân chúng tin tưởng là đặc biệt anh linh và tôn lên làm thần. Trong số đó, có những vị được chính thức công nhận bởi các chức sắc của làng xã, có những vị được nhà vua ban sắc phong.

Việc thờ cúng các danh nhân, anh hùng chẳng những do lòng biết ơn các ngài mà còn do thành tâm cầu xin các ngài phù giúp dân làng hoặc xin các ngài tiếp tục góp công bảo vệ đất nước.

3. Vì muốn noi gương các đức tính đặc biệt của các ngài

Lí do thứ ba khiến cho người Việt Nam thờ cúng các danh nhân, anh hùng chính là lòng cảm phục các đức tính đặc biệt của các ngài và mong muốn noi gương các ngài. Đó cũng là nhận định của giáo sư Lê Hữu Mục trong phần Dẫn nhập bản dịch cuốn Việt Định U Linh Tập của ông: ‘Theo tác giả (tức Lí Tế Xuyên)) thì thần thánh có ai là xa lạ đâu. Đó là những người trần mắt thịt như tất cả chúng ta, chỉ khác một điều là các người ấy đã sống một đời sống siêu phàm, trong sự cần lao cam khổ, trong sự phục vụ tích cực, trong nỗ lực chống lại sự quyến rũ của vật chất; thần thánh là những người đã sống hết tất cả kích thước của người, tận cùng biên giới nhân loại. Đến trình độ ấy, giá trị của con người tự nhiên được gia tăng, con người có thể tham dự vào đời sống linh thiêng để tiếp tục quảng bố ơn cương thường như trước, đến giai đoạn này, các vị anh hùng xứng đáng được lòng ngưỡng mộ sùng kính của nhân dân. Việc có đền miếu phụng tự trở thành một điều kiện phải có. Ta không lạ gì khi thấy có nhiều vị thần hiển linh như muốn được hưởng tế tự lâu dài… Thần thánh là kiểu mẫu lí tưởng của nhân dân, họ cần được sự phù trợ của thần, nhưng hơn hết tất cả, họ mong muốn được nên giống như thần thánh, có can đảm chống lại dục vọng của họ để đi lên cao hơn’ (4).Với lí do thứ ba này, ta có thể nói sự thờ cúng các danh nhân, anh hùng còn mang tính giáo dục.

Ba nguyên do kể trên có tính cách rất tích cực, tuy nhiên, thành thực mà nói,, nơi một số ít thiện nam tín nữ, đã có những động lực mang tính tiêu cực, song hết sức thực tiễn, đã xui khiến họ thực hành việc thờ cúng với bất cứ vị nào được coi là thần là thánh hoặc là cô hồn vì y đồ muốn ‘lo lót’ các vị ấy để cầu phúc và để tránh tai họa hoặc để cậy nhờ thế lực của các vị ấy hầu ngăn ngừa tà ma, yêu quái. (Còn tiếp)
 
II. TRONG THỰC HÀNH, NGƯỜI VIỆT NAM ĐÃ THỜ CÚNG CÁC DANH NHÂN, ANH HÙNG NHƯ THẾ NÀO?

1. Những danh nhân, anh hùng nào được thờ cúng?

Chắc chắn ta không thể biết đuợc tất cả những trường hợp các danh nhân, anh hùng đuợc thờ cúng, bởi vì sự thờ cúng các vị phần lớn là do nhân dân, việc chính thức hóa (nếu có) của nhà nước chỉ cốt để kiểm soát hầu tránh sự lạm dụng mà thôi. Người dân Việt Nam, qua bao thế hệ, đã lập đền thờ các danh nhân, anh hùng ở khắp nơi. Những trường hợp ghi nhận được qua tài liệu hoặc còn tồn tại mà chúng tôi biết được chỉ là những trường hợp điển hình (5).

Trước hết, ở miền Bắc, từ lâu đã có đền Hùng thờ quốc tổ Hùng Vương trên núi Hi Cương, còn gọi là Nghĩa Cương hay núi Hùng Lĩnh hoặc Hùng Sơn, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hi Chương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ở Miền Nam trước 1975, vào ngày giỗ quốc tổ mồng 10 tháng Ba Âm lịch cũng đã từng có tổ chức cúng tế chính thức ở vườn Tao Đàn, còn việc vận động xây đền thờ quốc tổ vẫn chưa thực hiện được do cuộc chiến lúc đó ngày một leo thang, ác liệt. Sau 1975, đền đức thánh Khổng ở thảo cầm viên Sài Gòn đã được biến thành đền thờ quốc tổ Hùng Vương. Cũng phải kể tới Kinh Dương Vương có đền thờ ở Siêu Loại, nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; An Dương Vương có đền thờ ở Xóm Chùa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội và Phù Đổng Thiên Vương có đền thờ mang danh là đền Dóng hay đền Phù Đổng ở làng Dóng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Trong cuốn Việt Điện U Linh Tập viết vào năm 1329, Lí Tế Xuyên đã kể lai lịch, công nghiệp và sự thờ cúng của người đời sau đối với một số các vị danh nhân, anh hùng dân tộc như sau: sáu vị thuộc hạng vương là Sĩ Nhiếp, Phùng Hưng, Triệu Việt Vương, Thần Xã Tắc, Hai Bà Trưng và Mị Ê; mười vị thần là Lí Hoảng, Lí Ông Trọng, Lí Thường Kiệt, Tô Lịch, Phạm Cự Lượng, Lê Phụng Hiểu, Mục Thận, Trương Hống và Trương Hát, Lí Phục Man, Lí Đô Úy, Cao Lỗ (6).

Trần Thế Pháp trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái viết vào cuối đời Trần cũng kể nhiều chuyện danh nhân, anh hùng, trong đó nhiều vị được dân chúng sùng bái đặc biệt, như: Phù Đổng Thiên Vương, Lí Ông Trọng, v.v… (7).

Đối với Hai Bà Trưng, dân lập đền thờ ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây và tại một đền thờ khác ở làng Đồng Nhân, nay đã dời về phố Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà Triệu có đền thờ trên núi Gai, thôn Phú Diễn, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Anh hùng Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán có đền Ngô Vương tại nguyên quán ngài thuộc xã Đường Lâm, nay là thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây.Tại Hoa Lư, Ninh Bình, có tượng và đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Tại làng Yên Lãng gần Cầu Giấy, có tượng thờ vua Lí Thánh Tôn; ở Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh có đền Lí Bát Đế thờ 8 vị vua thời Lí. Anh hùng Lí Thường Kiệt đánh Tống bình Chiêm có hai đền thờ ở Thanh Hóa: đền Lí Thái Úy ở xã Ngọ Xá, huyện Vĩnh Lộc và đền Lí Thường Kiệt ở làng Hà Ngọc, huyện Hà Trung.Tại khu di tích An Sinh thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh có đền thờ và lăng mộ của 7 vị vua nhà Trần. Tại xã Tức Mặc, nay là xã Lộc Vương, ngoại thành Nam Định có đền Trần Đế Vương thờ 12 vị vua nhà Trần. Đại anh hùng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn có đền thờ ở Kiếp Bạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, ngoài ra ngài còn được thờ ở đền Cổ Trạch, Thiên Trường, Nam Định và tại đền A Sào, huyện Phụ Dực, nay là huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Tại Sài Gòn cũng có đền Đức Thánh Trần ở đường Hiền Vương. Nhà vua anh hùng Lê Lợi có đền thờ ở xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, hai bên phải trái thờ Lê Lai và Nguyễn Trãi. Anh hùng Nguyễn Trãi có đền thờ ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Danh tướng Phạm Ngũ Lão có đền thờ Phù Ủng (tên làng quê ông) tại số 25, phố Lí Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Các danh nhân như Chu Văn An có đền thờ ở Thanh Trì, Hà Nội; Mạc Đĩnh Chi có đền thờ Mạc Trạng Nguyên ở xã Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương; Nguyễn Bỉnh Khiêm có đền thờ Trình Quốc Công ở quê hương ông là xã Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là Vĩnh Bảo, Hải Phòng; thi hào Nguyễn Du có nhà thờ ở xã Xuân Tiên, huyện Nghi Xuân, trước là Tiên Điền, tỉnh Hà Tĩnh.Vua Quang Trung là anh hùng vĩ đại của dân tộc, song đối với nhà Nguyễn, ngài là kẻ thù không đội trời chung, cho nên kể từ 1802 khi vua Gia Long nhà Nguyễn lên ngôi cửu ngũ, vị trí của anh hùng Quang Trung chỉ còn tồn tại trong lòng những người ngưỡng mộ. Mãi sau này, tại Tây Sơn, Bình Định quê hương của ngài mới tổ chức việc thờ cúng; hiện nay, hàng năm còn tổ chức hội lễ Quang Trung.

Tại cố đô Huế có Thế (Thái) miếu thờ các tiên vương triều Nguyễn, các vị công thần có bài vị thờ kính hai bên. Trong cuộc trường chinh thống nhất đất nước của vua Gia Long, nhiều bộ tướng đã lập chiến công hiển hách, các vị này được triều Nguyễn và dân Lục tỉnh (miền Nam Việt Nam), đất hưng nghiệp của triều Nguyễn, tôn lên ngang hàng các anh hùng và dành cho các vị sự sùng bái đặc biệt. Tại vùng Sài Gòn, có đền thờ Bình Giang quận công Võ Di Nguy ở đường mang tên ông thuộc Phú Nhuận. Cũng tại Phú Nhuận, có đền thờ Long Vân hầu Trương Tấn Bửu. Đặc biệt ngài Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt được thờ cúng tại đền thờ ngay trước tòa hành chánh tỉnh Gia Định, thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu. Trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, có miếu thờ Hậu quân Quốc công Võ Tánh. Trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa của Vương Hồng Sển còn kể có miếu Hiển Trung do vua Gia Long cho xây dựng để thờ hàng trăm bài vị các bậc khai quốc công thần triều Nguyễn, miếu tọa lạc tại thành Ô Ma (Camp des Mares), sau này là vị trí Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia; vua Thiệu Trị cho tu sửa năm 1847, tới 1954, miếu bị phá hủy (8). Ngoài ra, tại khắp nơi ở Miền Nam còn có nhiều đền thờ các danh nhân, anh hùng khác, chẳng hạn như ở Hà Tiên có đền thờ Mạc Thiên Tứ, ở Long An và Gò Công có đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức, ở Châu Đốc có đền thờ Trương Tấn Bửu, v.v..

Từ khi Pháp đặt nền đô hộ ở nước ta, giới sĩ phu, trí thức và thanh niên Việt Nam đã nhiều phen đứng lên tranh đấu cho nền độc lập nước nhà bằng các phong trào kháng chiến vũ trang hoặc các cuộc vận động có tính cách văn hóa, chính trị. Các vị là các nhà cách mạng, các nhà ái quốc và khi chết, các vị cũng đã được dân chúng lập đền thờ để tưởng nhớ, phụng thờ, chẳng hạn như cụ Phan Chu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng, v.v…

Nhân tiện chúng tôi xin trình bầy một ngoại lệ, chẳng những người Việt Nam thờ cúng các danh nhân, anh hùng là người Việt, họ còn thờ cúng một số các danh nhân nguồn gốc là người ngoại quốc. Đó là trường hợp các ông Tích Quang, thái thú quận Giao Chỉ và Nhâm Diên, thái thú quận Cửu Chân. Theo sử gia Trần Trọng Kim thì Tích Quang có công hết lòng khai hóa cho nhân dân, còn Nhâm Diên có công dậy dân cầy cấy và dậy cho nghi lễ cưới hỏi. Và theo G. Dumoutier, dân ta nhớ ơn hai vị quan cai trị Trung Hoa, đã tôn Tích Quang làm phúc thần, còn Nhâm Diên có đền thờ ở nhiều nơi thuộc vùng Thanh Hóa (9). Trường hợp Sĩ Nhiếp cai trị ở nước ta từ 187 tới 226, có công chăm sóc dân, khi mất, dân lập đền thờ ở làng Tam Á, huyện Gia Định, phủ Thuận An và ở làng Lũng Triều, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh (10). Riêng nàng Mị Ê là vương phi của Xạ Đẩu, vua Chiêm Thành, đã nêu gương trung trinh tiết liệt. Xạ Đẩu bị giết trong cuộc chinh phạt của vua Lí Thái Tông năm 1044, Mi Ê bị bắt cùng các cung nữ. Khi xa giá về đến sông Lí Nhân, Thái Tông cho vời Mị Ê sang chầu bên thuyền ngự, nàng thủ tiết nên đã cự tuyệt và nhảy xuống sông tự trầm. Nay ở huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam còn có đền thờ (11). Theo cuốn Lĩnh Nam Trích Quái của Trần Thế Pháp thì nàng Mị Ê còn được nhà vua cảm kích, phong là Trinh Liệt Phu Nhân (12).

Tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống thua trận Đống Đa phải thắt cổ tự tử (1789), người Hoa lập đền thờ Sầm Công ở ngõ Sầm Công, sau phố Hàng Buồm, Hà Nội. Còn người Việt Nam tại làng Đồng Quang (Hàm Long, Hà Nội) hàng năm tổ chức hội chùa vào ngày 5 tháng Giêng Âm lịch để mừng Xuân, đồng thời cử hành lễ giỗ tử sĩ trận Đống Đa, họ cúng vái tử sĩ cả Việt lẫn Hoa đã tử trận trong trận đánh lịch sử của vua Quang Trung năm Kỉ Dậu, và cúng vái cả họ Sầm nữa (13).

2. Nơi thờ cúng

Nơi thờ cúng các danh nhân, anh hùng có tên gọi khác nhau tùy theo thói quen từng nơi, tùy theo uy danh của các vị được thờ cúng và tùy theo kích thước to hay nhỏ của nơi thờ cúng. Nơi thờ cúng các vị đại anh hùng thường gọi là đền thờ, như đền Hùng, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ Đức Thánh Trần, v.v… Người miền Nam còn gọi nơi thờ cúng các danh nhân, anh hùng là miếu, như Lê Công Linh miếu. Nơi thờ các nhà ái quốc thường gọi là nhà thờ, như nhà thờ cụ Phan Tây Hồ ở Đa Kao, Sài Gòn, nhà thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Ngãi, v.v… Cá danh nhân, anh hùng còn được thờ tại đình làng trong các dịp dân làng ‘vào đám’, nếu như các vị ấy được dân làng chọn làm thần thành hoàng. Thí dụ như trường hợp Lí Phục Man mà tác giả Nguyễn Văn Huyên đã nói trong ‘Contribution à l’étude d’un génie tutélaire Annamites, Lý Phục Man’, v.v… Nơi tôn nghiêm nhất của ngôi đình làng là nơi cất giữ sắc phong của nhà vua cho vị thần của làng. Có ba cấp bậc: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần hoặc Hạ đẳng thần.

3. Ai đứng ra lo việc thờ cúng?

Trường hợp các danh nhân, anh hùng được thờ cúng như một thần thành hoàng thì chính dân làng lo việc cúng tế, đứng đầu là các vị chức sắc trong làng.

Trường hợp các nhà ái quốc thì phần nhiều do con cháu các vị là người đứng ra đảm trách, rồi dân chúng tham gia hưởng ứng. Thí dụ: nhà thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng ở thôn Thạnh Bình, xã Phước Thạnh, quận Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam do cháu là Huỳnh Toản chủ trì. Nhà thờ cụ Phan Tây Hồ (Phan Chu Trinh) tại đường Nguyễn Huy Tự, Đa Kao, Sài Gòn do cháu là bà Nguyễn Thị Bình săn sóc, sau này hội Trung Việt ái hữu tiếp tay lo việc thờ cúng.

Trường hợp các danh nhân, anh hùng được nhiều người sùng bái ngưỡng mộ thì đền thờ trở nên danh tiếng hơn, đương nhiên sự tổ chức trông coi việc thờ cúng phải hoàn bị hơn. Thông thường nhân dân tín mộ hợp tác với nhau thành lập hội thờ cúng, đôi khi chặt chẽ như một đoàn thể tư, có pháp nhân tính, có quyền quản trị tài sản và đứng tên trong các trương mục ngân hàng cũng như trước pháp luật. Thí dụ: Hội Bắc Việt tương tế lo việc thờ cúng Đức Thánh Trần (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn) ở đường Hiền Vương, Sài Gòn. Phú Trung quý tế hội lo việc thờ cúng Đức Bình Giang quận công (Võ Di Nguy) tại miếu thờ trong khu Đội Có, đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, và hội Thượng Cộng quý tế lo việc thờ cúng Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt tại Lăng Ông Bà Chiểu, đường Lê Văn Duyệt, Gia Định, v,v…

4. Cách thờ cúng

a- Lịch lễ

Sự thực hành việc thờ cúng được quy định theo lịch lễ như sau:

Các ngày sóc, vọng: ngày sóc là mồng một đầu tháng Âm lịch, ngày vọng là ngày rằm mỗi tháng.

Tết Nguyên đán: ngày đầu năm Âm lịch.

Tết Thượng nguyên: ngày rằm tháng Giêng, Âm lịch.

Tết Thanh minh: 60 ngày sau ngày Lập Xuân, tức là 60 ngày sau ngày mồng một tháng Chạp, Âm lịch.

Tết Đoan ngọ: ngày mồng 5 tháng năm, Âm lịch.

Tết Trung nguyên: ngày rằm tháng Bảy, Âm lịch.

Tết Trung Thu: ngày rằm tháng Tám, Âm lịch.

Tết Hạ nguyên: ngày rằm tháng Mười, Âm lịch.

Đặc biệt, các diên tế lễ linh đình thường được tổ chức vào dịp kỉ niệm đản sinh hoặc húy nhật (lễ giỗ) của các vị thần. Cũng có nơi tổ chức tế lễ vào dịp Xuân tế ( ngày Đinh đầu tháng Hai, Âm lịch) và dịp Thu tế (ngày Đinh đầu thánh Tám, Âm lịch) tức là lễ Kì yên hay Kì phúc (lễ cầu an).

b- Nghi lễ trong các ngày lễ lớn

Do những người hoặc những hội thờ cúng có nhiệm vụ chính thức đảm trách. Nghi thức có hai thứ: cúng (hay khấn) và tế.

Cúng hay khấn được diễn ra đơn giản vào các ngày sóc, vọng và các ngày lễ lạc khác. Lễ vật gồm có nhang, rượu, xôi hoặc một mâm cỗ tương tự như khi cúng lễ tổ tiên. Bao giờ cũng có một vị đứng ra làm chủ lễ. Bắt đầu, vị chủ lễ đốt nhang, lâm râm khấn nguyện mà không cần có văn khấn, rồi vái lậy 4 lần. Những người tham dự sẽ khấn vái sau vị chủ lễ.

Lễ tế thì long trọng hơn nhiều. Thường được tổ chức một hoặc hai lần mỗi năm vào dịp kỉ niệm ngày đản sinh, hoặc ngày lễ giỗ, hoặc dịp Xuân tế, Thu tế, tuỳ nơi.

Lễ vật chính trong lễ tế gồm ‘vật tam sinh’ (dê, bò, heo), ngoài ra còn có hoa trái, trầu rượu, xôi bánh, v.v…

Nghi thức tế lễ rất long trọng, có bá tánh, thiện tín, các hội viên hội thờ cúng và quan khách cùng tahm dự. Ban tế lễ gồm có: ông chánh niệm hương, ông chánh tế, các vị bồi tế, các vị thị lập, các lễ sinh hay trò lễ, phường nhạc bát âm. Tại miền Nam, còn có quân hầu và đào thài phụ vai vào các diên tế. Nghi thức bao giờ cũng gồm có: một tuần hương, ba tuần rượu, đọc văn tế, một tuần trà, lễ dâng bánh trái, thụ tộ và ẩm phước (ăn và uống một chút lễ vật thần ban lại cho) và sau hết là lễ hoá văn tế (đốt văn tế). Lễ tế các nơi, nếu có khác nhau, cũng chỉ khác nhau ở một vài chi tiết nhỏ mà thôi. Sau nghi thức tế, đôi khi còn tổ chức các nghi thức phụ như lễ cúng tiền hiền, hậu hiền, lễ cầu siêu cho chúng sinh. Tại miền Nam có lệ tổ chức hát chầu.

c- Nghi lễ trong các ngày thường

Ngoài các ngày lễ nhất định kể trên, quanh năm ngày thường, tại các đền miếu thờ các danh nhân, anh hùng, lúc nào cũng có hoa, đèn, hương khói nghi ngút, hoặc do viên thủ tự chăm sóc hoặc do khách thiện tín vãng lai khấn nguyện.

Người ta thường hiểu một cách quy ước tôn giáo (religion) cần hội đủ các tiêu chuẩn: có một nền thần học hay giáo lí, có giới tăng lữ hay giáo sĩ và có nghi lễ hay phụng vụ. Khi tôn giáo đi vào tổ chức quy củ thì gọi là giáo hội (church). Thiếu một hay hơn những yếu tố kể trên, người ta gọi là tín ngưỡng (belief, croyance). Theo như thế, việc thờ cúng các danh nhân, anh hùng của người Việt Nam thuộc vào hàng các tín ngưỡng, bởi vì như L. Cadière đã phân tích: ‘Trong sự thờ cúng thần linh, người cầu khấn ngỏ lời trực tiếp với các đấng siêu nhiên mà họ nài xin; không có ai được coi là giáo sĩ. Khi người Việt Nam muốn xin sự giúp đỡ của một vị thần hay muốn tỏ lòng biết ơn đối với ngài hoặc muốn tạ lỗi thì chính người ấy đem lễ vật tới trước vị thần và chính người ấy lập lời khấn nguyện, bằng cách thô thiển nhiều hay ít, nói lên một cách tự phát ý cầu khẩn hoặc lặp lại theo mẫu có sẵn. Khi sự thờ cúng có tính cách tập thể thì lễ vật lại do các vị đại diện dâng cúng, như vị chủ nhà, các vị kì mục trong làng, trong hội hoặc là do nhà vua đứng đầu quốc gia hay các quan đại diện vua. Những vị đại diện này không có tư cách đặc biệt nào để được xếp vào một loại riêng biệt, họ đại diện tập thể và do miệng họ, chính tập thể nói trực tiếp với thần linh, không qua người nào làm trung gian. Cũng vậy, các ông thủ từ của các đền thờ, người thường đặt lên bàn thờ những lễ vật dâng cúng, người làm các nghi thức và đọc các lời khấn phải được coi như là các đại diện của cộng đoàn, là tập thể tự mình thực hành việc thờ cúng’ (14).

Trở lên, ta đã có một cái nhìn khái quát về tín ngưỡng thờ cúng các danh nhân, anh hùng của người Việt Nam ngày trước. Tín ngưỡng này bắt nguồn từ niềm tin vào thuyết linh hồn bất tử, hồn kẻ chết vẫn ở gần bên người sống, vẫn có các nhu cầu tương tự như khi còn sống. Vì vậy, bổn phận của người sống là phải cúng tế kẻ đã khuất, nhất là các vị đó là những ân nhân của mình, như tổ tiên hoặc các danh nhân, anh hùng. Riêng sự thờ cúng các danh nhân, anh hùng còn mang ý nghĩa tích cực hơn nữa. Đó là cuộc đời hiển hách của các ngài được đề cao như những mẫu gương cho hậu thế. ‘Sinh vi tướng, tử vi thần’, sinh tiền đã oai phong lẫm liệt, lúc chết đi cũng trở nên siêu việt, linh thiêng. Các ngài được coi là thần thánh, là thần tượng. Nhất nữa là vì nước ta là một đất nước luôn luôn bị nạn ngoại xâm và những cuộc nội chiến thì liên miên bất tận. Trong thực tế, người Việt Nam đã lập đền thờ và quanh năm thờ cúng các ngài.

Đối với các vị thần là danh nhân có nguồn gốc ngoại quốc, nhân dân ta cũng sẵn lòng sùng kính, bởi vì khi các vị ấy đã đi về một kiếp khác thì dân ta coi nhẹ hơn về quan niệm chính trị, phân lập mà đặt nặng hơn về phần đạo đức và tín ngưỡng.

Ngày nay, ánh sáng văn minh khoa học đã soi tới mọi tầng lớp nhân dân, tới mọi miền xa xôi của đất nước. Ánh sáng ấy chiếu xa rộng bao nhiêu thì phạm vi của các hình thức tín ngưỡng thu hẹp lại bấy nhiêu. Dĩ nhiên, tín ngưỡng thuộc lãnh vực phong tục mà để hình thành hoặc để mai một phong tục cần phải có yếu tố thời gian, không thể trong một sớm một chiều mà một phong tục có thể lụi tàn hoàn toàn ngay được. Song dù tín ngưỡng thờ cúng các danh nhân, anh hùng của người Việt Nam có lùi dần vào dĩ vãng thì vị trí của các ngài sẽ tồn tại mãi mãi trong lòng người dân Việt bằng cách biến chuyển từ hình thức tín ngưỡng sang các hình thức tưởng nhớ khác, như: tượng, đài, sử, phim, truyện, tranh, nhạc, kịch, thư viện, bảo tàng và danh tính các ngài sẽ được lấy để đặt tên cho các công trình văn hóa, giao thông, hành chánh, quân sự để đời đời lưu danh cho hậu thế.

——————————————————-

Chú thích:

(1) Đào Duy Anh. Việt Nam Văn Hóa Sử Cương. Xb Bốn Phương, Sài Gòn, 1951, tr. 201-202.

(2) L. Cadière. Croyances et Pratiques Religieuses Annamites. IDEO, Hà Nội, 1944, tr. 31.

(3) Nguyễn Văn Khoan. La Repêchage de L’âme…BFEO. 30 (1933) 11-34, tr. 29-30.

(4) Lê Hữu Mục. Phần Dẫn Nhập cho bản dịch cuốn Việt Điện U Linh Tập của Lí Tế Xuyên. Khai Trí, Sài Gòn, 1961, tr, 22-23.

(5) Tham khảo Đình Chùa Lăng Tẩm Nổi Tiếng Việt Nam. NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999.

(6) Lí Tế Xuyên. Sđd.

(7)Trần Thế Pháp. Lĩnh Nam Chích Quái. Bản dịch của Lê Hữu Mục. Khai Trí, Sài Gòn, 1961.

(8) Vương Hồng Sển. Sài Gòn Năm Xưa. Tự Do, Sài Gòn, 1960, tr.70 và 142.

(9) G. Dumoutier. Les Cultes Annamites. Revue Indochinoise, 1905, 1er trimestre, tr.685-686.

(10)Lí Tế Xuyên. Sđd., tr.47.

(11)Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu, Sài Gòn, tr.98.

(12)Trần Thế Pháp. Sđd., tr.115.

(13)Toan Ánh. Hội Hè Đình Đám (quyển thượng). Nam Chi tùng thư, Sài Gòn,

1969, tr.12-15

(14)L. Cadière. Sđd., tr.7-8