Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Hegel Trong Tương Quan Với Vận Mệnh Của Triết Học

Administrator
2018-09-23 08:16 UTC+7 19
Hoa Huệ Ngoài Đồng Nói rằng một triết gia bận tâm về triết học có lẽ là dư thừa, nhưng không phải ai cũng thao thức về sứ mệnh và vận mệnh của triết học. Trong khi nhiều nhà tư tưởng hay triết gia dồn nhiều công sức xây dựng triết thuyết của riêng mình […]


Hoa Huệ Ngoài Đồng

Nói rằng một triết gia bận tâm về triết học có lẽ là dư thừa, nhưng không phải ai cũng thao thức về sứ mệnh và vận mệnh của triết học. Trong khi nhiều nhà tư tưởng hay triết gia dồn nhiều công sức xây dựng triết thuyết của riêng mình mà thôi, thì có những người, cùng với hệ thống tư tưởng của mình, đã dành mối bận tâm đặc biệt tới triết học như thể triết học là một thực thể sống động có linh hồn, có thân xác và có cả lịch sử bao gồm quá khứ, hiện tại và vị lai. Hegel là một trong những con người như thế. Hegel đã viết Hiện Tượng Học Tinh Thần như là cửa ngõ vào tòa lâu đài tư tưởng của ông, trong đó ông đã dành vị trí trước hết và quan trọng cho Lời Tựa vốn như bản toát yếu toàn bộ tư tưởng của ông và gói trọn tâm tư của ông dành cho triết học. Bài viết ngắn này chỉ mong diễn tả mối bận tâm sâu xa của Hegel về triết học qua phần Lời Tựa ấy mà thôi.

Từ cách diễn tả nội dung triết học…

Khởi đầu Lời Tựa, Hegel phê bình cách thông thường diễn tả chân lý triết học trong một tác phẩm triết học. Theo đó, người ta ưa đưa ra ngay từ đầu các “nội dung tổng quát và các kết quả, một chuỗi các khẳng quyết linh tinh và cam kết về cái đúng thật”, tưởng rằng nắm được Sự việc từ bên ngoài mà không có các yếu tố đặc thù của Sự Việc từ bên trong. Hegel không ngần ngại xét rằng một phương thức diễn tả về triết học như vậy “không có khả năng để nắm bắt được Chân Lý”.

Về mặt nội dung, cái gọi là sự “triển khai phong phú” với các nội dung “đặc dị và kỳ lạ” của nhiều người thật ra là “một mớ chất liệu… tùy tiện”, “sự lặp lại vô-hình thái” của cái Một được áp dụng một cách ngoại tại. Những kiến thức như vậy Hegel ví như là các “xác chết” bên vệ đường mà thôi. Đó chỉ là “chủ nghĩa hình thức đơn sắc”, không phải sự phong phú trào tràn từ bên trong bởi bản thân Ý Niệm xét như là Chân Lý. (26-27)

Ở chỗ khác (27), Hegel đòi hỏi phải có sự diễn tả đạt mức của các ý niệm.

“Triết học chỉ làm việc với những Ý niệm, và vì thế, không làm việc với những khái niệm đơn thuần như người ta quen gọi; hơn thế, triết học còn vạch rõ tính phiến diện và tính vô chân lý của chúng; cũng như chỉ duy có Khái niệm (đúng nghĩa) mới có được hiện thực và Khái niệm tự mang lại hiện thực cho chính mình”.

Bởi đó, nhiều khái niệm quen thuộc, như Sự Sống, Cuộc Đời, Ham Muốn, Chân Lý, Khoa Học, Tinh Thần, v.v.., đã được Hegel lưu tâm dành cho một nội hàm sâu xa, phong phú và đặc thù, khiến đọc giả cảm thấy được thúc bách phải làm mới vốn ngữ vựng triết học của mình hoặc là quay lưng lại với toàn bộ tư tưởng của Hegel. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, bởi thế, các khái niệm do Hegel trình bày được viết chữ hoa, để ngỏ cho sự đối chiếu ý nghĩa các khái niệm đó trong tác phẩm do chính ông viết.

…đến việc tiếp cận tư tưởng triết học

Bằng hình ảnh tiến trình nụ hoa tiêu biến đi khi hoa nở, rồi quả trổ sinh thế chỗ đóa hoa, Hegel minh họa “bản tính trôi chảy” của những hình thức thoạt nhìn thì phân biệt và bác bỏ nhau, nhưng thật ra chúng là những “mô-men” cho nhau trong một chỉnh thể hữu cơ. Nụ, hoa và quả, vì thế, thiết yếu ngang nhau, cần đến nhau mới tạo nên được sự sống toàn thể. Minh họa như thế, Hegel muốn nói tới việc tiếp cận các hệ thống tư tưởng khác nhau sao cho tránh sự phiến diện. Vì sự thường người ta chỉ dừng một cách cứng đờ ở các khác biệt, mâu thuẫn, thấy sự bất khả dung hợp giữa các hệ thống triết học để rồi tán đồng một hệ thống này mà phủ nhận hệ thống khác. Thật ra, đối với Hegel, đằng sau sự khác biệt ấy là sự phát triển tiến lên của Chân Lý theo dòng lịch sử. (4)

Cùng với thái độ nhìn nhận giá trị các khác biệt trong các hệ thống triết học khác nhau, khi “đi vào trong quá trình nhận thức mà cứ tiền giả định một điều gì đó đã ‘quen thuộc’ và tự vừa lòng với điều ấy chính là cách tự lừa dối mình thông thường nhất cũng như lừa dối người khác”. Ở đây thấy có sự cần thiết một thao tác triết học là sự tháo gỡ, vượt bỏ các biểu tượng quen thuộc. Vậy cần chuyển hóa cái được hình dung bằng biểu tượng và cái quen thuộc thành tư tưởng, và nâng tư tưởng lên thành Khái Niệm, đấy chính là quan tâm đích thực của Tư duy triết học. (61)

Tắt một lời, Hegel gọi tất cả các bất cập trong việc diễn tả và tiếp cận triết học là chủ nghĩa hình thức, một cản trở cho nhận thức triết học. Chẳng phải Hegel kể lể dài dòng trong Lời Tựa để phi bác cách thế làm triết học của ai đó, nhưng là để dọn quang đãng hơn con đường triết học vươn tới cái Tuyệt Đối, dẫn vào sứ mạng và tâm điểm của triết học theo như ông ôm ấp.

Từ Cao vọng đối với Triết học …

Cần phải trích dẫn nguyên văn cao vọng về triết học của Hegel:

“Hình thái đúng thật, trong đó chân lý hiện hữu, chỉ có thể là Hệ thống Khoa học về chân lý này. Góp phần đưa triết học đến gần với hình thức của Khoa học – mục đích để nơi đó triết học có thể trút bỏ danh xưng là ‘sự yêu mến cái biết’ để trở thành ‘Tri thức hiện thực’ – chính là điều tôi đã tự đặt ra cho mình”. (11)

Hegel nhấn mạnh rằng lúc này đây – thời đại Hegel – là lúc “nâng cấp triết học lên cấp độ của Khoa học” vì ông thấy triết học mới trong giai đoạn khai sinh, quá độ và chưa hoàn thiện. Những cung cách nhận thức triết học đã có tựa như một khởi điểm của tiến trình đào luyện và khởi điểm ấy cần nhường chỗ cho kinh nghiệm đích thực về Sự việc cùng với sự “nghiêm chỉnh của Khái niệm thâm nhập vào bề sâu của Sự việc”. Chỉ khi ấy, triết học mới vượt khỏi các thuyết giáo điều, lãng mạn và chủ nghĩa hình thức vốn vừa là các mô-men lại vừa cản trở triết học xứng danh là triết học, là “Tri thức hiện thực”.

…đến Trái tim và Sứ mạng của Triết học

Điều rất đáng ghi nhận trong Lời Tựa là chỉ sau khi Hegel nhận lấy cho bản thân sứ mạng đối với triết học thì thuật ngữ “Tinh Thần” mới lần đầu tiên xuất hiện. Trước đó Hegel nói tới Sự Việc, tới Chân Lý, tới Cái Tuyệt Đối được tri nhận như là Cái Biết đang-trở-thành nhưng chưa nói đích danh Tinh Thần. Tinh Thần, như là tâm điểm triết học của Hegel, không thể được mô tả vắn gọn trong vài dòng nhưng có mấy điểm thiết yếu không thể không được biết đến về Tinh Thần.

Xét từ bên ngoài, Tinh Thần là sự Suất Nhượng từ cái là Bản Chất thành các hình thái khác nhau, là sự biểu lộ thành hiện tượng ra bên ngoài. Nhìn vào bên trong, Tinh Thần có Chủ thể tính, là Chủ thể tự phản tư vào chính mình, tự mình là sự Trung giới cho chính mình, trở thành cái khác cho chính mình vì chỉ có nhờ vậy mà Tinh Thần luôn vận động không ngừng, tự đào luyện thành các hình thái khác nhau. Tự nơi Tinh Thần là sự thống nhất giữa Chủ thể tính, Khách thể tính và Tinh Thần Tuyệt Đối. Nơi Tinh Thần không có sự phân ly giữa cái cụ thể và cái phổ biến, cái Một và cái Tổng Thể, nhưng các hình thái tinh thần luôn xuất hiện, đắp đổi cho nhau, vừa mang tính tranh đấu, vượt bỏ, lại vừa bảo lưu lẫn nhau, vì Tinh Thần có thời tính và lịch sử tính của Bản thể cá nhân cũng như của Thế Giới (Tinh-Thần-Thế-Giới).

Không dừng ở việc thuần túy mô tả Tinh Thần, điều Hegel đau đáu trong lòng là vị trí hiện tại của Tinh Thần. Tinh Thần, vào thời đại của Hegel, đã đoạn tuyệt với thế giới cũ của nó nhưng vẫn như đứa trẻ mới ra đời, chưa có ngay được hiện thực trọn vẹn. Đã quá lâu con mắt của Tinh Thần bị “cưỡng bức” hướng về mặt đất nên Tinh Thần đòi hỏi Khoa học (triết học) trở nên nội lực của Nó (Tinh Thần) để Nó được nhấc bổng lên cõi trời cao, được cường tráng và tìm lại những gì Nó đã mất mát trong sự xa rời đời sống Bản thể của chính mình.

Để mang vác được sứ mạng quan trọng đó, triết học đúng nghĩa phải là triết học tư biện, phải tự nỗ lực suy tư bằng Khái Niệm. Khái Niệm khi ấy “trở thành Tự Ngã của chính đối tượng” (98), nó lấy lại được sức sống mới vốn từng bị đè nén lối tư duy cũ đầy tính biện biệt (15). Chẳng phải là thừa khi xuyên suốt Lời Tựa, Hegel nhắc đến Khái Niệm. Đến tận trang cuối của Lời Tựa, ông vẫn tiếp tục khẳng định “môi trường của Chân Lý là Khái Niệm” và “sự tự vận động của Khái Niệm làm môi trường trong đó Khoa Học thực sự tồn tại (123).

Để kết

Hegel đã không viết riêng một tác phẩm để phê bình triết học hay nghiên cứu triết sử, nhưng toàn bộ các tác phẩm của ông đã diễn tả và triển khai mối bận tâm về vận mệnh của triết học. Người ta có thể được lôi cuốn, được gợi hứng bởi hệ thống tư tưởng của Hegel, hoặc cảm thấy không tiêu hóa nổi vì sự phức tạp sâu xa của một hệ thống, hoặc phản bác lại cái gọi là “duy tâm tuyệt đối” của Hegel, nhưng có lẽ không ai phủ nhận tấm lòng của Hegel dành cho triết học. Triết học (hay đúng nghĩa là Khoa học) được ông nhìn nhận như hiện hữu thực sự của Tinh Thần, cũng ôm trọn trong mình các hình thái tư tưởng như là các mô-men cho nhau để thân thể toàn thể của triết học vận động, phản tư, tự đào luyện và chuyển mình thành sự biểu lộ xác thực hơn của Tinh Thần, vươn tới tới cái Biết Thuần Túy và hiện thực là chính Tinh Thần Tuyệt Đối.

Mối bận tâm triết học của Hegel còn là sự đánh thức những ai đang tự hài lòng với lối tư duy thuộc mặt đất, như loài sâu bọ hài lòng với cuộc sống đầy “nước và bụi” (16), mà quên hướng lên cõi trời phong nhiêu của sự suy tư trừu tượng với các Khái Niệm. Sau hết, tuy còn bị trì kéo bởi những tư tưởng nặng tính hình thức và tâm lý, Tinh thần cũng như Khoa Học, chậm mà chắc, sẽ đi đến chỗ chín muồi và xuất hiện ra đúng lúc đúng chỗ cho mọi người đón nhận. Đấy là gói trọn sự xác tín cũng là giấc mơ của Hegel về Tinh Thần và vận mệnh của triết học.

 

 

———————————————————————————

Các số trong ngoặc đơn (…) biểu thị số trang trong sách G.W.F. Hegel, Hiện Tượng Học Tinh Thần (Phänomenologie des Geistes), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Văn Học, 2006.

Xem: Hegel, Đại cương Triết học về Pháp quyền / Grundlinien der Philosophie des Rechts, Suhrkamp, 7, 29. (Footnote số 41 của Bùi Văn Nam Sơn, trang 27)