Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Lập Trường Phê Bình Tôn Giáo Của Albert Camus

Administrator
2018-09-23 08:13 UTC+7 24
Nguyễn Quốc Tuấn, S.J. Albert Camus (1913-1960) sinh tại Mondovie, miền đông Algérie. Camus trải qua tuổi thơ trong sự thiếu vắng cha khi Đệ nhất Thế chiến đã cướp mất của ông hình ảnh người cha yêu dấu trên chiến trường La Marne, chỉ một năm sau ông chào đời. Lớn lên, ông đã […]


Nguyễn Quốc Tuấn, S.J.


Albert Camus (1913-1960) sinh tại Mondovie, miền đông Algérie. Camus trải qua tuổi thơ trong sự thiếu vắng cha khi Đệ nhất Thế chiến đã cướp mất của ông hình ảnh người cha yêu dấu trên chiến trường La Marne, chỉ một năm sau ông chào đời. Lớn lên, ông đã tham gia phong trào kháng chiến trong thời gian Pháp quốc bị Phát xít Đức chiếm đóng vào Đệ nhị Thế chiến. Qua nỗi đau mất mát, nỗi khốn cùng tuyệt vọng cùng sự sụp đổ của đất nước trong những năm dài chiến tranh khốc liệt, ông đã tìm thấy một sức mạnh đáng kinh ngạc trong tinh thần bất khuất của con người, một tinh thần mà ngay cả khi bị hành hạ dã man, vẫn còn có lòng phản kháng. Tất cả đã hình thành nên cái mà sau này Camus gọi là phi lý và tạo nên nơi ông một ước muốn gần như vô vọng để sống còn. Đó là nền tảng cơ bản trong Camus con người và tác phẩm, được hiện thực hoá nơi lập trường phê bình tôn giáo của ông.

Sisyphe[1]– Con người hiện sinh phi lý: Cơ sở luận lý siêu hình và luân lý

Sisyphe là người anh hùng phi lý… Ông là người hùng, phần nhiều là vì những đam mê cùng những nỗi thống khổ mà ông phải chịu. Ông khinh miệt thần linh [nổi loạn], căm ghét cái chết và đam mê cuộc sống [hiện sinh]. Chính những điều đó đã khiến ông phải chịu một án phạt không lời nào để tả, hình phạt mà trọn vẹn cuộc tồn sinh của ông bị đem dùng mà chẳng nhằm để đạt đến điều gì [phi lý]. Đó là cái giá phải trả cho những đam mê thế trần nơi ông.[2]

Nơi Sisyphe, Camus muốn trình bày hình ảnh con người của phi lý, của nổi loạn và của hiện sinh. (1) Cái phi lý (l’absurde) chỉ hệ tại nơi thế giới một khi con người sống trong cái thế giới đó.[3] Vì thế, con người thực chất là phi lý và những khổ đau nơi họ là hệ quả của những nỗ lực vô vọng cho những ai muốn tìm kiếm lý lẽ hay ý nghĩa trong thế giới hiện hữu đầy phi lý này.[4] Cuộc đời không gì khác hơn ngoài bộ mặt phi lý. (2) Dường như con người không thể cảm thấy thoả lòng bởi lẽ nó khát khao trật tự, sự sáng tỏ, ý nghĩa và cuộc sống đời đời, trong khi thế giới lại đắm chìm trong hỗn loạn, tối tăm, dửng dưng và chỉ đem tới khổ đau và chết chóc. Sự chính trực và phẩm giá làm người đòi hỏi nó phải đối mặt và chấp nhận thân phận như vốn có của mình và lên đường đi tìm những giải pháp thuần túy nhân văn cho tình cảnh chính mình.[5] Đời sống làm người có được quân bình là bởi do sự đối nghịch luôn mãi giữa sự nổi loạn[6] đầy ý thức của con người và cảnh tối tăm của đời họ. (3) Điều mà hiện sinh hướng tới là làm sao cho con người sống một cách trung thực nhất và triệt để nhất – một cuộc sống rất người.[7] Con người hiện sinh không sống trong ảo tưởng tự do[8] vì tự do của nó chỉ có ý nghĩa trong tương quan với định mệnh giới hạn của mình, không chấp nhận đi vào chỗ tận diệt (tự sát)[9] sau thời nổi loạn; ngược lại, nó phải sống cái phi lý ngay giữa những giây phút hiện tại.[10] Từ thực tại phi lý, ý thức nổi loạn đến chủ nghĩa hiện sinh,[11] tất cả đã tạo nên con người hiện sinh phi lý – con người chủ trương một lối sống theo lượng chứ không theo phẩm – và đó là cơ sở luận lý siêu hình và luân lý để phê bình tôn giáo[12] của ông.

Nếu tôi tin rằng cuộc đời này không có bộ mặt nào khác ngoài bộ mặt phi lý, nếu tôi cảm thấy rằng đời sống được quân bình là bởi sự đối nghịch luôn mãi giữa sự phản kháng đầy ý thức của tôi và cảnh tối tăm của đời tôi, nếu tôi thừa nhận rằng tự do của tôi chỉ có ý nghĩa trong tương quan với định mệnh giới hạn của nó, thì tôi phải nói rằng điều quan trọng không phải là sống sao cho đúng phẩm chất nhất, mà là sống lâu, sống nhiều nhất.[13] 

Prométhée[14]– Con người nổi loạn: Những phê bình tôn giáo

Bị giày xéo giữa sự dữ nơi loài người và khúc quanh định mệnh, giữa nỗi khiếp đảm và quyền tự quyết, tất cả những gì còn lại nơi Prométhée chỉ là sức phản kháng để cứu một người còn có thể cứu được như ông khỏi cái chết, nhưng ông sẽ không bao giờ chịu thôi thói ngạo mạn báng bổ thần linh. […] Vì thế, con người phản kháng này muốn từ chối thần linh để sẻ chia cùng chiến tuyến và định mệnh chung của nhân loại.[15]

Trong lịch sử nổi loạn thế giới, Camus mượn hình ảnh Prométhée để nói lên chứng kiến của mình về tôn giáo nói chung và cách riêng là Thiên Chúa Kitô giáo. Với tôn giáo, ông xem nó như một sự lẫn tránh cái phi lý. Đối mặt với khổ đau và sự vắng bóng ý nghĩa, con người nên băn khoăn lo lắng về cuộc sống hay chỉ đơn giản là tự sát? Ông lập luận về mặt lịch sử, hầu hết mọi người hoặc tin rằng, cuộc sống là vô nghĩa và đi đến chỗ ủng hộ tự sát, hoặc cố bày ra một ý nghĩa giả tạo nào đó như tôn giáo để thoả lấp cuộc sống của mình. Camus cho rằng, có một giải pháp thứ ba: con người có thể nhận thức cuộc sống là vô nghĩa nhưng vẫn cứ tiếp tục sống.[16] Những người chọn giải pháp thứ ba là những anh hùng phi lý như Sisyphe.[17] Như thế, vô hình chung, ông đã xem tôn giáo như là việc đi vào chỗ tự sát.[18]

Với Thiên Chúa, Camus đã đưa ra hai luận cứ phi bác sự hiện hữu của Ngài.[19] Thứ nhất, ông không thể nào dung hòa được vấn đề sự dữ và những khổ đau con người phải chịu (cái phi lý) với những gì ông biết về một Thiên Chúa toàn năng, thiện hảo và nhân hậu.[20] Phải chăng những phẩm tính đó chỉ là những thuộc tính được quy gán cho Ngài. Nếu Thiên Chúa là toàn năng thì Ngài phải chịu trách nhiệm cho những bất công đằng đẵng đeo bám con người qua định mệnh và cái chết.[21] Nếu Thiên Chúa là công bình và thiện hảo thì vô vàn sự dữ xảy ra trên thế giới đã phơi bày sự bất lực của Ngài trong việc xây dựng công lý nơi vương quốc trần gian. Cho nên, Thiên Chúa không đáng để con người thờ phượng.[22]

Thứ hai, Camus muốn đề cao giá trị hiện sinh.[23] Hiện sinh của một Thiên Chúa hằng hữu đã ngày một dần làm thui chột đi hiện sinh nơi con người.[24] Ông chối bỏ bất kỳ hình thức cứu cánh mai hậu nào của Thiên Chúa Kitô giáo về sự phán xét thực tại, về sự sống vĩnh cửu đời sau hay ngay cả ước mơ của chủ nghĩa Marxist về một xã hội vô giai cấp trong tương lai.[25] Tất cả những điều đó chỉ tổ dẫn đến một thứ lý tưởng tinh thần mà không coi trọng cuộc tồn sinh thể lý nơi con người. Con người phải tự mình dấn thân vào những giá trị quy nhân[26] mà mình ước muốn bắt chước.[27]

Phê bình điều phê bình

Khi xem tôn giáo như một sự lẩn tránh cái phi lý của cuộc đời, đồng thời cổ xuý cho một lối sống tích cực vượt lên trên số phận, một câu hỏi đặt ra là: điều gì có thể giúp họ sống tích cực như thế được? Dù có muôn vàn cách thức trả lời nào đi chăng nữa, nhưng tựu chung lại, tất cả điều quy hướng vào niềm tin, dẫu đó là niềm tin đơn sơ rằng mình có thể làm được điều ấy. Cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu một niềm tin? Ngay cả với Sisyphe, sống trong thế giới âm phủ không một ánh dương, có lẽ điều khiến ông có thể ra công làm một công việc xem ra là phi lý chính là niềm tin vào một ngày mình có thể hoàn dương như ông đã một lần thực hiện được. Kinh thánh Cựu ước và Tân ước của Kitô giáo không hề chối bỏ vấn đề sự dữ (phi lý), bằng chứng là sự dữ đã xuất hiện vô vàn từ lâu trong Sách thánh, trong lịch sử Giáo hội, trong đó biết bao con người đã sống cái phi lý ấy nhờ niềm tin của mình. Người ta có thể tìm thấy nơi một Đức Giêsu lịch sử hình ảnh người hùng hiện sinh phi lý như thế.     

Luận cứ chối bỏ Thiên Chúa dựa trên cái phi lý trong cuộc sống hiện sinh nơi con người dường như chưa được thuyết phục, xét về mặt luận lý. Bởi lẽ, liệu chăng khi xoá bỏ Thiên Chúa như vậy, người ta có dám đảm bảo sẽ không còn cái phi lý nào xảy ra trong cuộc đời mình không? Điều đó cho thấy lời cáo buộc Ngài là nguyên nhân của sự phi lý là điều không có cơ sở. Và giả như nếu Thiên Chúa với quyền năng của mình ra tay can thiệp để xây dựng một thế giới không còn phi lý nữa thì thử hỏi tự do con người còn đâu, thứ tự do chọn lựa điều thiện và điều ác trong vô vàn cái phi lý, thứ tự do làm chủ mình mà chủ thuyết hiện sinh đã không ngừng cổ võ.

Nếu hiểu Thiên Chúa như một cản trở cho con người hiện sinh khi hứa hẹn những giá trị mai hậu và cuộc sống vĩnh cửu đời sau, thay vì với toàn thể sự tự do, họ phải sống cuộc tồn sinh của chính mình trong giây phút thực tại thì dường như Camus đã gán cái nhìn bi quan thiếu công bằng cho Ngài. Bởi lẽ, con người cần một điểm tựa cho sự thăng hoa đời sống chính mình, mà chính niềm tin vào những giá trị và cuộc sống như thế sẽ là kích cầu cho một cuộc sống mà hiện sinh chủ nghĩa mơ ước, chứ không thể nào làm thui chột nó được.

Tuy có cái nhìn khá bi quan về tôn giáo và Thiên Chúa, nhưng phải thừa nhận rằng, Camus nơi ông ẩn chứa một tư tưởng, một thái độ sống tích cực – một tinh thần nổi loạn (la révolte). Con người, khi nhận ra những giới hạn của kiếp người, không thể tạo ra một thế giới cố tình lờ đi những giới hạn đó cùng sự phi lý của hiện hữu. Nhưng họ có thể phản kháng. Kiểu cách mạng[28] mà Camus hình dung là nỗ lực chung của con người xây dựng một xã hội hài hòa với những giá trị điều độ, tình yêu và công bình. Đó là lý do mà không phải ngẫu nhiên ông được nhận giải thưởng Nobel Văn chương năm 1957 vì đã “đưa ra ánh sáng các vấn đề thời đại của lương tâm con người.”[29]

“Tôi không tin vào Thiên Chúa, nhưng tôi không phải là kẻ vô thần”[30] là câu nói nổi tiếng của Albert Camus mà người viết xin được mượn để thay cho lời kết. Nói gì đi nữa, có lẽ ông là một dạng vô thần phủ định[31] nhân văn luận[32] khi công khai chối bỏ Thiên Chúa nhân danh con người hiện sinh. Ông đột ngột qua đời trong một tai nạn xe hơi ở Villeblevin (đông nam Paris) năm 1960; và chắc hẳn ở bên kia cuộc đời, có thể Camus sẽ tìm thấy cho mình lời giải của câu nói ngày nào:

Tôi muốn sống một cuộc đời như thể có Thiên Chúa và khi chết đi mới nhận ra là không có một vị Chúa nào cả, hơn là sống một cuộc đời như thể không có Thiên Chúa và khi chết đi mới nhận ra là đã có một vị Chúa như thế.[33]

—————

Tham khảo

1. Albert Camus, Le Mythe de Sisyphe, Gallimard, Paris, 1942. http://classiques.uqac.ca/classiques/camus_albert/mythe_de_sisyphe/mythe_de_sisyphe.html

2. Albert Camus, L’Homme Révolté, Gallimard, Paris, 1951.

http://classiques.uqac.ca/classiques/camus_albert/homme_revolte/homme_revolte.html

3. Albert Camus, Kẻ xa lạ (L’Étranger), tr. Lê T. H. Dân & Mai V. Phúc, NXB Trẻ, 1973.

4. Albert Camus, The Myth of Sisyphus (Le Mythe de Sisyphe), tr. Justin O’Brien, 1955.

http://www.gobookee.org/get_book.php?U=ahr0cdovl2v2yw5rb3ppzxjhy2hplmnvbs91cgxvywrzl015dghfb2zfu2lzexbodxnfynlfqwxizxj0x0nhbxvzlnbkzgpdyw11cyatifrozsbnexroig9mifnpc3lwahvzigfuzcbpdghlcibfc3nhexmgdjeumq= =

5. Albert Camus, The Rebel (L’Homme Révolté), tr. Anthony Bower, 1991.

http://www.gobookee.org/get_book.php?U=ahr0cdovl3d3dy5iawjvdhuuy29tl2jvb2tzlziwmtnil0nhbxvzlcuymefsymvydcuymc0lmjbuagulmjbszwjlbcuymcgxotuxks5wzgykqwxizxj0ienhbxvzifrozsbszwjlbcatifnhbxbszxmgb2ygyxj0igfuzcbndxnpyybiesbhuk0=

6. Edward Craig ed., The Shorter Routledge Encyclopedia of Philosophy, Routledge, London & New York, 2005.

7. Karl-Heinz Weger SJ, Phê bình tôn giáo qua các tác giả (Religionskritik), tài liệu nội bộ, 2004.

8. Nguyễn Ngọc Hải CSsR, Tổng quát về vô thần, tài liệu nội bộ.

9. Nguyễn Văn Khoả, Thần thoại Hy Lạp, NXB Văn Học, Hà Nội, 2004.

10. http://www.goodreads.com/quotes/85145-i-do-not-believe-in-god-and-i-am-not. 

11. http://en.wikiquote.org/wiki/Talk:Albert_Camus

 

————–

[1] Nguyễn Văn Khoả, Thần thoại Hy Lạp (TT), NXB Văn Học, Hà Nội, 2004, pp.333-336.

[2] Albert Camus, Le Mythe de Sisyphe, Gallimard, Paris, 1942, p.110; The Myth of Sisyphus, tr. Justin O’Brien, 1955, p.76.

[3] “Cái phi lý, cái vừa là hiển nhiên vừa khó nắm bắt biết bao, nhập vào cuộc sống một người và cắm rễ tại đó.” (Karl-Heinz Weger SJ, Phê bình tôn giáo qua các tác giả (PB), tài liệu nội bộ, 2004, p.319)

[4] “Tôi không biết thế giới này có một ý nghĩa nào vượt quá chính nó không. Nhưng tôi biết là tôi không biết, và trong lúc này, không thể biết ý nghĩa đó. Đối với tôi, một ý nghĩa nằm ngoài thân phận tôi nào có nghĩa lý gì? Có hiểu được điều gì cũng chỉ là trong giới hạn của phận người mà thôi. […] Không có vấn đề nào là được giải quyết, vấn đề nào cũng biến đổi.” (PB, pp.319-320)

[5] “Đời sống càng vô nghĩa bao nhiêu thì xem ra người ta càng sống cho ra sống bấy nhiêu. Sống một kinh nghiệm, một số mệnh là tận tình chấp nhận kinh nghiệm, số mệnh đó. Nhưng người ta sẽ không sống số mệnh mà người ta biết là phi lý nếu họ không luôn giữ trước mặt mình cái phi lý để rồi ý thức đường lối ra ánh sáng.” (PB, p.320)

[6] “Xoá bỏ sự nổi loạn của ý thức là tránh né vấn đề. […] Nổi loạn nghĩa là con người không ngừng đương đầu với cái u tối nơi chính mình, là đòi hỏi điều bất khả là mình phải trong suốt dưới cái nhìn bản thân, là đặt lại vấn đề về thế giới trong mỗi giây mỗi phút. […] Nỗi loạn như vậy có nghĩa là con người biết chắc về một số mệnh vô cùng nặng nề, nhưng không chấp nhận thái độ nhẫn nhục chịu đựng. […] Nổi loạn như thế đem lại cho cuộc sống hết tất cả giá trị của đời người. Nổi loạn mà cứ kéo dài suốt một cuộc đời sẽ hoàn lại cho con người chiều kích hùng vĩ.” (PB, pp.320-321)

[7] “Bất chấp phi lý, con người phải sống hạnh phúc. Camus đặt cái đòi hỏi con người phải được sống viên mãn hài hoà và phải tận dụng mọi khả thể của đời người.” (PB, p.318)

[8] “Tự do duy nhất mà tôi biết được là tự do của trí tuệ và hành động. […] Cái tự do ‘hữu thể’ mà chỉ một mình nó mới có thể làm nền cho một chân lý, nó không có. […] Con người phi lý nhận ra rằng bấy lâu nay mình đã gắn bó với định đề tự do mà đó là ảo tưởng nuôi sống bản thân. Điều này giữ chân nó, trong mức độ nó tưởng ra một mục đích cho đời, cố thích nghi với những đòi hỏi của mục đích phải với tới, và trở thành nô lệ cho cái tự do của chính mình.” (PB, pp.322-323) 

[9] “Trong tự sát, như trong bước nhảy vọt, người ta nhìn nhận giới hạn của mình. […] Một cách đặc biệt nào đó, tự sát lý giải cái phi lý. Nó kéo cái phi lý vào chung một cái chết. Nhưng tôi biết là cái phi lý mà tồn tại thì không có gì lý giải được nó. Cái phi lý vượt quá sự tự sát, trong mức độ nó vừa ý thức vừa phủ nhận cái chết. […] Sẽ ra sao nếu chết mà không cần được giải hoà, mà không phải là tự nguyện. Tự sát là ngộ nhận. Con người của phi lý chỉ có thể sống đến kỳ cùng trong mọi sự, trong bản thân. Phi lý là mức căng thẳng tột độ mà con người lúc nào cũng giữ nguyên bằng nỗ lực của chính mình, bởi vì nó biết là trong ý thức và nổi loạn diễn ra từng ngày, nó là chứng nhân của chân lý duy nhất mà chân lý đó là thách thức.” (PB, pp.321-322)

[10] “Cái phi lý cho tôi hiểu điều này: không có ngày mai, mà đây chính là cơ sở để tự do theo nghĩa sâu xa. […] Như vậy, con người phi lý thoáng thấy một vũ trụ… vắng bóng mọi khả thể nhưng mọi sự được cho không, mà xa hơn nữa chỉ là… hư vô. Giờ đây nó chấp nhận sống trong một vũ trụ như vậy và từ đó rút ra sức sống của mình, nói lời từ bỏ mọi hy vọng và kiên cường làm chứng cho một cuộc sống không cần ủi an. […] Bây giờ thì chẳng có ý nghĩa nào khác ngoài sự dửng dưng trước tương lai và nỗi đam mê khao khát hưởng hết những gì cho không sẵn có. ” (PB, pp.323-324)

[11] Chủ thuyết hiện sinh cho rằng bản chất hay yếu tính của một người đến từ những gì người ấy chọn lựa, từ những hành động trong đời sống. Nói khác đi, con người hiện hữu trước, rồi yếu tính đến sau, và không từ đâu ngoài chính họ. (Edward Craig ed., The Shorter Routledge Encyclopedia of Philosophy (RE), Routledge, London & New York, 2005, p.252-260)

[12] Những tôn giáo nhuốm màu Kitô-Do thái

[13] PB, p.324

[14] TT, pp. 51-65

[15] Albert Camus, L’Homme Révolté (HR), Gallimard, Paris, 1951, pp.316, 318; The Rebel (R), tr. Anthony Bower, 1991, pp.151-152; PB, p.327

[16] Xem cước chú [9]

[17] Sisyphe bị kết án suốt đời phải đẩy một tảng đá lên đỉnh núi chỉ để cho nó lăn xuống và bắt đầu lại trong vô vọng. Tính chất anh hùng của ông nằm ở sự tận tâm với nhiệm vụ, mặc dù luôn luôn hiểu rõ rằng mình không bao giờ có thể hoàn thành nhiệm vụ. Bất chấp sự phi lý của hiện hữu, ông từ chối sức cám dỗ của sự tự tử và nhìn nhận cuộc đời đúng như nó hiện có. Theo Camus, tự tử hay tôn giáo không thể là lối thoát đích thực ra khỏi sự phi lý của hiện hữu. Với tư cách là những cá nhân, con người có trách nhiệm sẵn sàng giáp mặt với sự phi lý, chứ không tìm cách lẩn tránh nó.

[18] “Camus dùng khái niệm phi lý để chỉ việc chúng ta không biết gì về các vấn đề căn bản của siêu hình và tôn giáo. Với ông, ‘nhảy đại’ vào tôn giáo hay ý thức hệ, lấy đó làm nơi trú ẩn, có nghĩa là tự sát về mặt triết lý.” (PB, p.318)

[19] “Con người nổi loạn nói chuyện tay đôi ngang hàng với Thiên Chúa, không phải để trao đổi đúng lễ phép mà là để khẩu chiến nhằm đè bẹp đối phương. […] Việc nó nổi loạn nhằm huỷ bỏ thân phận nô lệ dần dà biến thành một chiến dịch không cân sức chống lại Thiên Chúa nhằm bắt sống, phế bỏ và cuối cùng kết án tử cho Ngài.” (PB, p.325)

[20] “Đứng trước sự dữ và cái chết, con người từ chốn sâu thẳm nơi lòng mình gào thét đòi công lý. Trong khi đó, [Thiên Chúa] Kitô giáo lịch sử chỉ có biết đáp lại tiếng kêu gào ấy qua lời loan báo Nước trời và sự sống vĩnh cửu đời sau, là những gì đòi hỏi đức tin. Nhưng nỗi đau làm rã tan mọi hy vọng và lòng tin, để rồi chỉ chơi vơi còn lại một mình nỗi đau, mà là nỗi đau không một lời giải thích. Đám đông lầm than, vất vưởng bởi đau khổ và chết chóc, là đám dân vắng bóng Thiên Chúa.” (HR, p.315; R, pp.150-151; PB, p.326)

[21] “Trong Thiên Chúa, con người nổi loạn tố cáo cha đẻ ra cái chết và nỗi ô nhục tai ác nhất.” (PB, p.325)

[22] “Chỉ có cái chết là thực hữu, vừa là một tai hoạ tuyệt đối vì nó huỷ diệt đời sống thể xác, là những gì tốt đẹp nhất mà con người có được.” (Albert Camus, Kẻ xa lạ, tr. Lê T. H. Dân & Mai V. Phúc, NXB Trẻ, 1973,p.19)

[23] Xem các cước chú [6-8,10-11]

[24] “[Thiên Chúa] Kitô giáo lịch sử đã đẩy sang bên kia lịch sử mọi chữa trị sự dữ và cái chết vốn là những gì người ta phải gánh chịu ngay trong chính lịch sử,” (HR, p.315; R, pp.151; PB, p.326) thay vì nó phải cho thấy về một Thiên Chúa trợ giúp nhân loại giải quyết các vấn đề phi lý đó ngay tại đời này. Một vị Thiên Chúa như vậy khiến người ta ngủ mê trong giấc mơ ảo tưởng nơi cuộc sống nhân sinh thực tế của mình.

[25] Nơi [Thiên Chúa] Kitô giáo và ngay cả nơi chủ nghĩa Marxist, “người ta sẽ phải ngóng chờ; trong khi đó, kẻ vô tội vẫn mãi không ngừng chết. Đã hai mươi thế kỷ trôi qua, tổng số sự dữ trên thế giới đã không suy giảm. chẳng có thiên đàng mà Thiên Chúa hay cách mạng đã hứa hẹn nào cả.” (HR, p.315-316; R, pp.151; PB, p.327)

[26] Thay vì chọn đỉnh Olympie tối cao – chốn cư ngụ thần linh, “chúng ta sẽ chọn Ithaque – mảnh đất khả tín này, chọn tư duy táo bạo và thanh đạm, chọn hành động minh mẫn và chọn lòng quảng đại của con người hiểu biết. Dưới ánh mặt trời, mảnh đất này sẽ mãi là bến bờ yêu thương của chúng ta. Anh em ta sẽ sống dưới cùng một vòm trời như chúng ta vậy; công lý sẽ sống mãi. Niềm vui đó giờ đây xuất hiện, giúp người người sống và chết, niềm vui mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ phải khất lại nữa. […] Với niềm vui này, trong sự tranh đấu không nguôi, chúng ta sẽ tái tạo linh hồn thời đại của chính mình.” (HR, p.318; R, pp.152; PB, p.327-328) 

[27] “Đạo đức học là bộ mặt cuối cùng của Thiên Chúa mà người ta phải phá huỷ đi trước khi xây dựng lại. Lúc đó, Thiên Chúa không còn nữa, Ngài không còn đảm bảo cho sự hiện hữu của chúng ta nữa; con người phải quyết chí hành động để hiện hữu.” (PB, p.326)

[28] “Nếu kẻ phản kháng mà có văng những lời báng bổ thì lời đó được thốt lên trong niềm hy vọng tìm thấy một vị Chúa mới.” (R, p.53)

[29] RE, p.117

[30] http://www.goodreads.com/quotes/85145-i-do-not-believe-in-god-and-i-am-not.  Có thể ông hiểu vô thần theo nghĩa hẹp; bởi vì ông vẫn có niềm tin tâm linh vào chính con người. 

[31] Nguyễn Ngọc Hải CSsR, Tổng quát về vô thần, lưu hành nội bộ, p.17-20

[32] Ibid, p.34-38

[33] http://en.wikiquote.org/wiki/Talk:Albert_Camus