Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Siêu Nhân Trong Tư Tưởng Của Nietzsche

Administrator
2018-09-23 08:14 UTC+7 24
Bạch Thành Duy, OP. tổng hợp       Siêu nhân là một chủ đề trọng tâm trong tư tưởng Nietzsche. Có thể nói ta bắt gặp tư tưởng này rất nhiều trong những tác phẩm của ông. Có lẽ ước mơ xây dựng con người thượng đẳng hay siêu nhân là điều mà Nietzsche […]


Bạch Thành Duy, OP. tổng hợp

 

 

 

Siêu nhân là một chủ đề trọng tâm trong tư tưởng Nietzsche. Có thể nói ta bắt gặp tư tưởng này rất nhiều trong những tác phẩm của ông. Có lẽ ước mơ xây dựng con người thượng đẳng hay siêu nhân là điều mà Nietzsche khắc khoải nhất. “Siêu nhân là đối lập với tiện nhân. Tiện nhân là sản phẩm của văn hóa cũ…siêu nhân là lý tưởng của Nietzsche, cha đẻ ra kiến thức hoan hỷ. Siêu nhân là những người không ngần ngại đạp lên trên những xác chết hoặc còn hấp hối của nhân loại hôm qua, để tiến lên viễn tượng huy hoàng của những chân trời mới.”[1] Hình ảnh siêu nhân như vậy quả thật là rất mạnh mẽ và hung bạo.

1/ Trở thành siêu nhân

1.1/ Thiên Chúa đã chết

Dường như để xây dựng được con người-siêu nhân, trước hết, Nietzsches phải bằng mọi cách đạp đổ hình tượng Thiên Chúa, hoặc phủ nhận sự hiện diện của Người “Trước mặt Thiên Chúa! Trong khi mà vị Thiên Chúa ấy đã chết! Hỡi những người thượng đẳng, vị Thiên Chúa ấy đã là nỗi nguy hiểm lớn nhất của các ngươi”[2]. Nietzsche cho rằng con người thượng đẳng có thể thực hiện được ước mơ, lý tưởng hay là trở thành chủ nhân ông chỉ khi không còn Thiên Chúa “Các ngươi chỉ được phục sinh kể từ khi vị Thiên Chúa ấy nghỉ yên trong mồ. Chỉ lúc này đây mới ló dạng buổi đại Ngọ Thiên, chỉ lúc này đây con người thượng đẳng mới trở thành chủ nhân”[3]. Quả thật, theo Nietzsches, con người phải thay thế Thiên Chúa tạo ra các giá trị, phải làm chủ cuộc đời của mình và do đó có quyền trên tất cả mọi giá trị do mình tạo ra “Tôi chẳng muốn điều thiện đó như giới răn của một vị Thiên Chúa, cũng chẳng phải như một định luật, một tính chất tất yếu của con người”. Ông muốn sống thực với trần thế, bám vào “mặt đất” vào những giá trị của nó chứ không muốn bị lôi kéo đi đâu “Điều tôi ưa thích là một đức hạnh trần thế, có rất ít trí huệ… Ngươi đã đặt cứu cánh tối thượng của ngươi vào giữa lòng những đam mê cuồng dại này: chúng đã trở thành những đức hạnh và những hoan lạc cho ngươi”[4]. Với Nietszche, Thiên Chúa chỉ là một “ngụy tạo của lý trí”[5]. Mặc dù siêu nhân đạp đổ mọi nền triết lý, mọi vũ trụ quan đã xuất hiện, và từ chối sự tồn tại của Thiên Chúa, nhưng siêu nhân không lẻ loi, chơi vơi mà siêu nhân gắn liền với cuộc sống trần thế, với thực tại này “Chủ nghĩa vô thần của siêu nhân có tính chất hiện sinh và siêu nhân là một người theo chủ nghĩa hư vô hiện sinh”[6].

Có lẽ khi tuyên bố rằng “Thiên Chúa đã chết”, Nietzsches muốn con người ý thức về thái độ sống của mình. Ông sợ rằng con người chỉ sống phục tùng như nô lệ, đánh mất hết sự tự chủ của mình, đánh mất đi tính hiện sinh sinh động nơi trần thế để rồi như cái máy chỉ biết làm theo những mệnh lệnh mang danh Thiên Chúa. Tuy nhiên khi tuyên bố “Thiên Chúa đã chết”, Nietzsche cũng dần đi đến một thái độ sống bất cần, một thái độ quá khích về lối sống như chối bỏ các giá trị đạo đức, mọi tư tưởng nhằm thăng tiến con người như tự do, trách nhiệm. Điều này dẫn đến chủ nghĩa vô thần và hư vô.

1.2/ Chủnghĩa hư vô

Hư vô – nihi – không có nghĩa là không tồn tại mà trước hết là một giá trị hư vô. “Đời sống có giá trị hư vô khi người ta phủ định nó, làm cho nó mất giá. Sự làm mất giá luôn giả định một huyễn tưởng: chính qua huyễn tưởng mà người ta làm sai lệch và làm mất giá, chính qua huyễn tưởng mà người ta đối lập cái gì đó với cuộc sống”[7]. Nếu như thế giới này không có mục đích vĩnh cửu nào, không ý nghĩa. Nó ngẫu nhiên được tạo thành và mất đi, hợp rồi tan thì thế giới ấy trong bản chất sâu xa nhất của nó là hư vô[8]nó chẳng có ý nghĩa sâu xa nào. Đó là lý do tại sao Nietszche phản đối các giá trị truyền thống, mọi khuôn mẫu đạo đức, hay giá trị cao siêu – phủ định sự tồn tại của Thiên Chúa, cũng như những lý tưởng của tiền nhân. Nietzsche được coi là “nhà hư vô chủ nghĩa hoàn thiện đầu tiên, là người trải nghiệm chính mình chủ nghĩa hư vô đến tận cùng của nó”[9]. Chẳng có gì là thật, chằng có gì tốt lành đáng trân trọng, Thiên Chúa đã chết: “Không có luân lý tuyệt đối, cũng không có cái thiện tự tạo […] nó thay đổi theo thời gian và không gian”[10]. Do đó, lý tưởng đạo đức cũng thay đổi theo thời gian, chẳng hề tồn tại bất diệt hay như một định đề không thể thay đổi. Điều này được Zarathustra nói đến: chẳng hề có cái thiện, cái ác bất diệt.

Hệ lụy của chủ nghĩa hư vô đối với tư tưởng của Nietzsche là khi không chấp nhận mọi giá trị vĩnh cửu, ông cũng đồng thời “phê phán những tình cảm luân lý khác nhau như tự do, trách nhiệm, hối hận, tội lỗi”[11]. Nietzche cho rằng ý chí tự do là sản phẩm của cấp lãnh đạo bày ra để cho phép mình phán đoán và trừng phạt. Theo Nietzsche, chẳng có ai trên thế gian này có tội cả. Do đó, con người chẳng cần phải hối hận làm gì. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến nguy cơ con người thờ ơ trước mọi hành động vô luân của mình, hay con người có thể mất đi cảm thức tội lỗi. Nietzsche cho rằng “không có tội ác vĩnh cửu, cũng không có phần thưởng mai hậu”[12] như thế không cần sống đức hạnh và cũng đứng mong đền bù “Hỡi những người đức hạnh! Các ngươi hãy còn muốn được đền bù, trả công” nhưng thật ra “chẳng có phần thưởng cũng như đấng đứng ra ban thưởng”[13]. Thật vậy, một cuộc sống mất phương hướng hay nói đúng hơn là không có cứu cánh đích thực dễ khiến người ta đi đến chỗ khủng hoảng, hoang mang, mất niềm tin vào mọi mối tương quan và nghi ngờ ngay cả sự hiện hữu của mình.

1.3/ Tinh thần Apollon và Dionysos

Đối với Nietzsches, Apollon và Dionysos là tượng trưng cho tinh thần Hy Lạp nguyên thủy. Apollon là thần của ánh sáng và mực thước; trong khi đó, Dionysos là thần của sức sống say sưa và tự do. Ông cho rằng Sorcates đã mắc tội với dân tộc Hy Lạp khi giết chết tinh thần hùng tráng và mãnh liệt này của Hy Lạp[14]: “Hai thần Apollon và Dionysos luôn luôn thay phiên nhau xuất hiện để giúp nhau sáng tác mới mãi. Hai thần đó chi phối tâm hồn người Hy Lạp: dưới khiếu thẫm mỹ của Apollon, những đấu tranh dữ tợn của những người khổng lồ được dân chúng thêu dệt dần dần thành những để tài cho những thiên trường ca của Homere, là ngọn đuốc sáng ngời của thi ca Hy Lạp…”[15]. Dionysos là sức sống và hành động còn Apollon là ý thức và ngôn từ để diễn tả.

Ca ngợi cuộc sống trần thế với những thú vui ăn chơi của nó là cách mà Nietzsches chống lại tư tưởng Kitô giáo “phỉ báng và bôi nhọ trần gian[16]” và thể hiện tư tưởng tự do của mình. Thật vậy, đối với Nietzsches, tinh thần tượng trưng cho sức mạnh và cho lối sống tự do là tinh thần của Dionysos “ Cuộc đời của Dionysos đầy bi thảm, khổ đau nhưng vẫn vươn lên hưởng mọi thú vui của cuộc đời từ chính sự đau khổ; không một lời oán hận, không một chút yếu mềm…thần đã sống anh dũng và ngạo ngược”[17]. Nietzsches cho thấy rằng thái độ của Dionysos không phải là trốn tránh đau khổ, không phủ định sự khổ đau ở đời này mà dám đối mặt với nó để sống tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc, tập tục, luật lệ từ xã hội và nhà thờ “Kẻ có tinh thần tự do là kẻ suy tưởng khác hẳn với những điều mọi người chờ ở hắn, căn cứ vào cội rễ, vào liên hệ, vào địa vị, vào việc làm của hắn và các lí tưởng thống trị thời đại”[18]. Hay là “Kẻ nào làm kẻ thù của tất cả những đầu óc ngu xuẩn, những đầu óc điên tàng, của tất cả những chiếc lá khô và cỏ dại: xin hãy ca ngợi tinh thần kẻ ấy, tinh thần giông bão, man dại, tốt lành và tự do”[19].

2/ Đặc điểm của siêu nhân

2.1/ Ý chí hùng cường

Ý chí hùng cường của siêu nhân đó là “đặt mình làm trung tâm và làm quan điểm để nhìn xã hội”[20]. Ý chí đó là ý chí thống trị, tự mình đặt ra cho vạn vật một giá trị chứ không theo bất cứ thang giá trị nào. Ông cho rằng “sống là đánh giá rồi”[21], sống là phải chịu đứng riêng ra một bên, tách khỏi đám đông để vươn lên. Nhưng việc tách khỏi đám đông “ti tiện” đó có khi làm cho nó phải đau đớn “Ta không cùng ý thức với các ngươi nữa”, thì đó là “một lời than van đau đớn”[22] và do đó, “Mi bắt bắt buộc nhiều người phải thay đổi ý kiến của họ về mi, vì thế họ thù ghét mi khủng khiếp. Mi đã tiến lại gần nhưng rồi mi lại vượt bỏ họ, họ không bao giờ tha thứ cho mi trong chuyện ấy”. Nietsches cho rằng thời đại chúng ta đang sống là một thời đại bệnh hoạn, thiếu máu, thiếu sinh khi, là thời đại của hư vô chủ nghĩa. Bởi vì, con người không sống hết mình ở thời điểm hiện tại, họ cho rằng mục đích cuộc đời không do mình dặt ra nhưng do một thế lực siêu phàm nào đó định đoạt. Siêu nhân, những người có ý chí hùng cường phải biết “vượt bỏ những chủ nhân hiện thời, – những kẻ ti tiện đó: chính bọn chúng là hiểm họa lớn nhất đối với siêu nhân”[23].

Con người chỉ thật sự vĩ đại, theo Nietzsches, là khi họ không chịu cúi mình trước cái đã là, nhưng luôn tranh đấu, luôn vươn lên để trở thành cái phải là. Siêu nhân không bao giờ được lệ thuộc vào các giá trị xã hội và tôn giáo, nhưng phải biết vượt qua những rào cản đó là lòng thương hại, hay niềm tin vào một thế giới xa xôi nào đó bên kia cuộc đời[24]. Hãy sống hết mình với thực tại trần thế, hãy thể hiện tính hiện sinh trong từng phút, từng hơi thở với cuộc đời này “Siêu nhân phải là chiều hướng, ý nghĩa của trái đất” đừng mơ mộng viễn vông nhưng hãy “trung thành với mặt đất và chớ có tin vào những kẻ nói với các ngươi về hy vọng lờ mờ bên trên bề mặt đất! Họ là những kẻ đầu độc”[25].

Ý chí hùng cường là bản tính giúp con người dám sống hết mình, dám ưỡn ngực đương đầu với mọi khó khăn thử thách, với những đau khổ để rồi vươn lên sống mãnh liệt hơn, sống ý nghĩa hơn và cũng sáng tạo hơn. Con người phải tự nắm lấy vận mệnh của mình chứ không đặt vào tay tha nhân, tổ chức, hay thần thánh nữa. Thật vậy, “Con người phải trở thành tốt lành và hung tơn hơn- đó là đạo lý do chính ta giảng dạy. Điều xấu ác vĩ đại nhất thì cần thiết cho điều thiện hảo tuyệt vời nhất của siêu nhân”[26].

2.2/ Vươn lên

Vươn lên là điều không thể không có đối với siêu nhân. Nó như một mệnh lệnh cấp thiết thúc giục siêu nhân hàng giây phút phải vượt lên chính mình, vượt qua những kẻ ti tiện xung quanh, và không cần đến Thượng Đế. “Muốn leo lên cao, các ngươi phải sử dụng đôi chân của mình, đừng bắt kẻ khác mang các ngươi lên cao, đừng ngồi trên lưng hay trên đầu của kẻ khác”. Đó là thái độ chủ động vươn lên bằng nội lực sức mạnh, bằng ý chí tự cường, không cần đến một tha lực nào. Thượng Đế không phải là người giải thoát mà chỉ làm cho siêu nhân thêm hèn nhát mà thôi. Và tất nhiên tha nhân cũng chỉ làm cản trở bước chân của siêu nhân “Ai là kẻ láng giếng của các ngươi? Và ngay cả khi các ngươi làm điều tốt cho kẻ láng giềng, thì các ngươi cũng chưa sáng tạo những gì tuyệt hảo cho hắn…cho kẻ láng giềng đồng loại, chỉ là đức hạnh của hạng tiện dân[27].

Siêu nhân là phải vươn lên vì đó là mệnh lệnh lịch sử, không thể khác đi được “Ta rao giảng với các ngươi về siêu nhân. Con người là cái gì cần phải vượt qua… Cho đến nay, tất cả những sinh vật đều đã sáng tạo một cái gì vượt quá chúng, các ngươi lại muốn mình là nghịch triều trong con sóng lớn ấy, muốn trở lại với con thú hơn là vượt qua con người sao?”[28] Đám “tiện dân” không thể vượt lên được chính mình bởi họ không thể từ bỏ những gì được cho là hạnh phúc, đức hạnh, công chính, lòng thương hại… Chỉ có siêu nhân mới có thể làm được mà thôi, vì đối với siêu nhân hạnh phúc là thứ gì đó “nhơ bẩn và sự tự mãn đáng thương”, lý trí cũng vậy, còn lòng thương hại thì “chẳng phải là cây thập giá nơi thiên hạ đóng đinh kẻ yêu thương nhân loại sao?”[29]Siêu nhân chính là “làn chớp dữ đến liếm lưỡi vào các ngươi” hay chính là “biển cả bao la nơi cơn khinh bỉ ngút ngàn của các ngươi có thể đến dìm mình vào đó”. Dường như Nietzsches đã trao cho siêu nhân một sứ mạng rất lớn – cứu nhân độ thế- chỉ có siêu nhân mới là kẻ có thể cứu thế giới này khỏi những u mê, khỏi những sai lầm trong tư tưởng lẫn hành động. Siêu nhân sẽ giải thoát con người khỏi những tư tưởng, xiềng xích giáo điều của Giáo hội, của xã hội và của chính những hoang tưởng do chính con người tạo nên. Tất cả phải được “dìm mình trong biển cả bao la”.

2.3/ Độc đáo

Đối với Nietzsche, những gì mà đám phổ biến nơi đám đông dân chúng đều là những cái đáng khinh khi. Người anh hùng nhất là người phải có sự độc đáo, nghĩa là dám sống cô độc, tự chủ, ý chí mãnh liệt để thực hiện những gì mình muốn “Mọi kẻ ưu tú đều có khunh hướng bản năng tìm đến nơi lầu các, chốn riêng tư bí mật, nơi hắn thoát khỏi quần chúng đám đông tụ họp, nơi đó hắn có thể quên đi điều lệ con người để trở thành ngọai lệ”[30]. Do đó, siêu nhân phải là những con người độc đáo, có lối tư duy mới mẻ và cách mạng và hiển nhiên là phải luôn sống cô đơn, vì chính trong sự cô đơn, siêu nhân mới có cơ hội “phục hồi sức lực, trở về với bản thân, hơi thở của không khí tươi mát, nhẹ nhàng, phóng khoáng, nô đùa”[31]. Siêu nhân- người hùng không được hèn nhát muốn sống như đám đông quần chúng “Ta không muốn bình đẳng với bọn phàm dân. Này những người cao thương, các ngươi phải trải tránh xa những công viên… chính bọn chúng là hiểm họa lớn nhất đối với siêu nhân”[32]. Con người thượng đẳng phải luôn thể hiện nết độc đáo sâu sắc, riêng biệt, phải luôn sống với cái đặc điểm riêng trời phú cho mình chứ không phải bỏ cái tôi đi để sống vật vờ như đám đông “ti tiện” kia: “lần thứ nhất khi ta đến trong loài người, ta đã ngồi lê nơi các công viên. Ta nói với mọi người mà thực ra chẳng nói với ai hết. chiều tới ta là bạn bè với những phương dây leo, múa rối. Khi đó, ta gần như một xác chết”. Nét độc đáo của siêu nhân, do đó, luôn được thể hiện khác với đám đông, nghĩa là suy nghĩ, hành động mang nét ngông cuồng, nổi loạn và chất chứa bao khắc khoải khổ đau.

Mặc dù người hùng phải xa lánh quần chúng, nhưng không vì thế mà nét độc đáo của họ lại xuất phát từ một nguồn nào xa lạ. Quả thật, người hùng phải luôn sống hiện sinh với “mặt đất” và phải “cần tới những gì xấu xa nhất trong bản thân mình nếu muốn đạt tới những gì tốt đẹp nhất”. Nietzche không kêu gọi sống theo bản năng, chiều theo ước muốn của thân xác, nhưng ông kêu gọi thăng tiến chúng, vươn lên tới Sự trở về Vĩnh cửu[33].

3/ Hệ quả của siêu nhân

3.1/ Tiêu cực

Để xây nên hình tượng siêu nhân, Nietzsche đã chú tâm xây dựng một tiến trình đảo ngược đầy kích động. Cuộc “lội ngược dòng đó” đã xây nên một hình hài con người thượng đẳng có những phẩm chất rất khác lạ so với những con người bình thường. Trong những trang phác họa về con người siêu nhân, ta thấy xuất hiện rất nhiều tính tiêu cực và dường như không thể thực hiện được.

3.1.1/ Bạo động và tàn bạo

Đọc các tác phẩm của Nietzsche, ta luôn bắt gặp hình ảnh một con người thượng đẳng tính khí đầy hung hăng bạo động, muốn đập phá tất cả những giá trị cổ truyền, những chuẩn mực luân lý, quy tắc đạo đức; muốn đi ngược lại với tất cả mọi người. Con người đó, trong tư tưởng của Nietzsche, mang đầy tính bạo động “Con người là loài hung bạo”[34], vì ông không chấp nhận “ý chí sống” của Schopenhauer, mà ông muốn một “Ý chí của sức mạnh”. Theo đó, sức mạnh mới làm nên cuộc sống, mới là luật của những kẻ nào muốn sinh tồn, mới chính là mục tiêu của siêu nhân. Sinh đã là bạo động. Những gì thuộc về sự khai triển cuộc đời đều là bạo động. Bạo động trong nhiều lãnh vực của cuộc sống: bạo động sức khỏe, bạo động của tinh thần tự do, bạo động của vinh dự, bạo động của quý phái… và bạo động luôn đi kèm với sáng tạo. Dường như không có bạo động thì không có sáng tạo[35], và không có bạo động thì chắc hẳn không xuất hiện siêu nhân. Điều này cho thấy rằng quan niệm về bạo động của Nietzsche trước tiên có lẽ đó là lẽ đương nhiên của vũ trụ “sinh, lão, bệnh, tử cũng là do luật bạo động chi phối. Một người sinh ra là kết quả của bạo động”[36]. Mọi hoạt động vươn lên của con người đều mang dáng dấp bạo động “Mọi cố gắng đi sâu đến nền tảng sự vật, làm sáng tỏ các huyền bí, đã là một bạo động rồi… Bạo động là một vĩnh cữu của trời đất, một phần nào giáng sinh trong mỗi cá nhân”[37].

Bên cạnh những điều tích cực của tư tưởng bạo động- được xem như điều cần thiết để thanh luyện, gọt giũa tinh thần con người cho vững mạnh để vươn lên, thì nó còn hàm ẩn nhiều tư tưởng tiêu cực và nguy hiểm. Quả thật, Nietzsche luôn ca tụng chiến tranh, oán thù, đề cao vẻ đẹp, vẻ oai hùng của một chiến binh “ta không khuyên các bạn phải hòa bình, mà khuyên các bạn phải chiến thắng. Công việc của các bạn phải là một cuộc chiến đấu, hòa bình của các bạn phải là một chiến thắng…chính một cuộc chiến tranh thích đáng thánh hòa mọi sự”[38]; hạ thấp phẩm giá người phụ nữ, khinh thường trẻ em, và hôn nhân chỉ là “kết thúc cho nhiều cơn điên ngắn ngủi bằng một sự ngu xuẩn dài hạn”[39]; khuyến khích sống bạo động, tàn bạo “Người hùng thì tàn bạo. Anh em ơi hãy nêu cao tôn chỉ này: Ta phải tàn bạo”[40], và coi tha nhân là những tiện nhân. Như thế, tư tưởng của ông chứa đầy chất độc hại và ảnh hưởng rất lớn đến một số tổ chức, đặc biệt là Đức Quốc Xã “Mặc dầu các tội của bọn Quốc Xã không thể đổ cả cho Nietzsche, nhưng ai cũng biết rằng quân đội của Hitler trao tay nhau những trang sách ca tụng người hùng…”[41].

3.1.2/ Hoài nghi

Hoài nghi tất cả là một trong những chủ trương của Nietzsche. Ông cho rằng siêu nhân là những người phải luôn hoài nghi về mọi sự, có như vậy thì mới trở thành người thượng đẳng bởi vì thời đại này đầy những kẻ ti tiện chỉ biết gật đầu nghe theo những gì có sẵn, chẳng biết nghi vấn thắc mắc. Nietzsche kêu gọi siêu nhân: “Hỡi những người thượng đẳng, những con người can đảm, hãy nuôi lòng hoài nghi triệt để ở thời đại hiện nay!… bởi vì thời hiện đại đang thuộc về đám tiện dân”[42]. “Đám tiện dân”- theo cách nói của Nietzsche- thì có thể dễ dàng tin bất cứ thứ gì mà rất ít khi thắc mắc. Trong đám đông này, mấy ai dám đảo ngược, mấy ai dám suy nghĩ khác đi hay đặt vấn đề con siêu nhân thì phải “lên tiếng hỏi với lòng hoài nghi lành mạnh”[43]. Sự hoài nghi không những siêu nhân phải có với đám tiện dân mà với cả những học giả thông thái. Quả thật, con người ta thường dễ dàng tin vào những người tài cao học rộng, hay có “thế giá” trong xã hội. Tuy nhiên, những người này đâu phải là thần thánh. Họ cũng chỉ là con người với đầy rẫy giới hạn và do đó cũng có sai lầm. Do vậy, Nietzsche cảnh báo “Các ngươi cũng phải cẩn trọng đề phòng những nhà học giả thông thái! Chúng thù ghét các ngươi vì chúng nghèo nàn vô bổ”[44] và bởi vì “các ngươi muốn sáng tạo nên một thế giới có thể quỳ gối sùng bái: đấy là hy vọng cuối cùng là cơn say sưa tối hậu của các ngươi”. Nietzsche kêu gọi con người thượng đẳng hãy biết tự lập, tự đi trên đôi chân của mình nếu muốn vươn lên cao: “Hãy sử dụng đôi chân của chính mình! Đừng bắt kẻ khác mang các ngươi lên cao”[45]. Có như vậy thì siêu nhân mới có thể tự do sáng tạo, khám phá, mới có thể “luôn tự vượt bỏ chính mình”.

Mặc dù thái độ hoài nghi ở một mức nào đó là cần thiết vì nó có thể giúp người ta phản tỉnh, nhưng nếu hoài nghi một cách thái quá thì sẽ dẫn đến tình trạng hoang mang rối loạn, do đó, có thể dẫn tới những hành vi bất thường mà điều này đã xảy ra trong siêu nhân của Nietzsche. Đó là những tư tưởng, hành vi cố chấp quá khích “kẻ nào làm kẻ thù của những đầu óc ngu xuẩn, những đầu óc điên tàng, kẻ thù các những chiếc lá khô và cỏ dại: xin hãy ca ngợi tinh thần kẻ ấy, tinh thần giông bão, man dại”[46]. Hoài nghi mọi thứ và mọi người làm cho Nietzsche sống cô đơn và ngày càng xa lánh con người, xa lánh xã hội. Thái độ nghi ngờ những người xung quanh đã đẩy ông trở nên hoang mang, lẻ loi, lạc lõng, diên loạn, bất an suốt thời gian cuối đời.

3.1.3/ Bất mãn, bế tắc

Có lẽ do vật lộn với một cuộc đời đầy những đau khổ, chua cay nên Nietzsche có những thái độ rất tiêu cực với đời. Đối với ông cuộc sống “là khổ ải và ý chí nguyên thủy là cội nguồn của mọi đau khổ, mọi bản chất sinh tồn”[47]. Cuộc sống đó “được hiểu như một sức mạnh phi lý, đầy mâu thuẫn, tăm tối, tàn ác, bất khả tri” điều này chứng tỏ sự thất vọng, thái độ phẫn chí của ông trước thực tại xã hội của mình. Không hài lòng với bất kỳ “nhà thông thái nào”, với các tôn giáo như Kitô giáo, Phật giáo, Nietzsche đã tỏ thái độ bất mãn qua việc phủ định những học thuyết, lời dạy của đến từ những thế lực trên và tự đưa ra những học thuyết của mình vừa để chống đối, vừa để xây dựng hình mẫu siêu nhân của mình. Nietzsche cho rằng “không chịu lệ thuộc tha nhân là một điều riêng biệt thuộc về số ít người- đó là đặc điểm của kẻ mạnh…và can đảm vô hạn”[48].

Thái độ bất mãn của Nietzsche thể hiện ngày càng mãnh liệt trong từng tác phẩm, đặc biệt, trong hai tác phẩm Kẻ Phản Kitô và Zarathustra Đã Nói Như Thế. Ông là hiện thân của bảy chống đối và phủ nhận: “chống đạo đức, chống dân chủ, chống xã hội chủ nghĩa, chống bình đẳng nam nữ và phong trào giải phóng phụ nữ, chống bi quan và chống Thiên Chúa giáo”[49]. Điều này cho thấy ông là kẻ muốn nổi loạn, mà nổi loạn không được nên đau khổ dằn vặt liên miên trong tâm hồn: “Tới thời điểm này, tôi không nén được tiếng thở dài. Có những ngày tôi vương vào một cảm giác u ám còn hơn cả nỗi ưu uất u ám nhất – sự khinh miệt con người… tôi đi qua thế giới nhà thương điên của cả ngàn năm”[50].

Có thể nói trên hành trình tìm ý nghĩa cuộc đời, Nietzsche đã hoàn toàn thất vọng, càng cuốn theo chiều gió của cuộc đời, ông càng bất mãn và đau khổ. Ông chỉ tìm thấy những cô đơn, buồn tủi, ngang trái, bệnh hoạn, điên khùng từ dòng đời mà thôi. Dường như ông đã thua trận khi không thể hòa mình vào dòng đời, ông đã thua trận khi muốn tạo ra một thế hệ siêu nhân, muốn “thai nghén đứa con riêng của chính mình” để “vượt bỏ những chủ nhân hiện thời”[51]. Từ sự thua cuộc này, ông đã nếm trải bao nhiêu cay đắng và càng thêm bất mãn chán chường và bế tắc.

3.2/ Tích cực

Những tác phẩm của Nietzsche chất chứa rất nhiều tư tưởng bi quan yếm thế, thậm chí là quá khích bạo động, nhưng những tư tưởng đó mặt khác lại như “chiếc búa” đánh vào những bộ óc bảo thủ lỗi thời.

3.2.1/ Phản tỉnh

Với lý tưởng người hùng, Nietzsche muốn báo động cho con người thời đại về tình trạng ngu muội của mình khi cứ lệ thuộc vào các giá trị truyền thống và rập khuôn theo đó. Ông muốn con người phải luôn tỉnh thức – biết xây dựng cái mới, phải sáng tạo, thậm chí là đập bỏ luôn những giá trị truyền thống đồ sộ nếu cần. Người hùng – siêu nhân – là người dám vượt lên phía trước đám đông, dám sống cô đơn “con người cô đơn nhất”, vì “trong sự cô đơn, điều mà mỗi người mang đến sẽ lớn mạnh lên thêm” chứ không phải là con người trốn chạy cuộc đời vì đời thật đáng sống. Tinh thần phản tỉnh của Nietzsche quá mạnh đến nỗi mà ông muốn lật đổ tất cả những gì làm cho con người ra yếu nhược, ngay cả cần đến chiến tranh “chiến tranh và lòng can đảm đã thực hiện nhiều việc cao đại hoằng viễn”. Nietzsche dường như rất ghét lòng thương hại. Ông cho rằng nó làm cho con người yếu đuối và ỉ lại, làm cho thế giới thụt lùi, vì lí do đó mà ông chối bỏ và lên án lòng thương xót trong Kitô giáo: “Từ trước tới giờ không phải lòng thương hại nhưng chính sự dũng cảm của các bạn đã cứu thoát những nạn nhân… dũng cảm, can đảm – đấy chính là điều thiện hảo”[52]. Đối với những kẻ mạnh – thượng đẳng – trong tư tưởng Nietzsche, họ không cần đền lòng thương hại nơi người khác. Nói đúng hơn, đó là một sự khinh khi, xem thường khi thương hại những con người thượng đẳng. Lòng thương hại chỉ dành cho những kẻ nào yếu đuối mà thôi. Lòng thương hại làm cho con người không dám tự đứng trên đôi chân của mình, làm cho người chiến sĩ nhụt chí, không còn sức mạnh để vươn lên.

3.2.2/ Ý thức tự do và tự chủ

Theo tư tưởng của Nietzsche, siêu nhân là những con người đã thực sự đạt tới tự do và tự chủ cao nhất, do đó họ biết rõ những gì mình suy nghĩ và hành động chứ không như đám “tiện dân” thường có khuynh hướng hùa theo nhau, dựa dẫm vào nhau “ngay từ ban sơ, ôm giữ sự vô minh chán chường để còn có thể hân thưởng những sự tự do, vô tư, vô tâm, nhiệt tình…hầu như không thể hiểu nổi”[53]. Đây là thái độ sống theo kiểu “người ta”, cá nhân mất đi tính đặc sắc của mình, con người bị phóng thể theo ý nghĩa sống vong thân. Họ không sống cho mình nhưng là sống cho cái khác, người khác. Người ta sống sao mình sống vậy, người ta bảo sao mình làm vậy. Nietzsche dứt khoát muốn siêu nhân phải thoát ra, phải tránh thật xa tình trạng này “hãy chọn một chỗ đứng thật cô độc, một sự cô độc tự do, tự tại nhẹ nhàng nào đó mà có thể ban cho các ngươi cái quyền còn có thể hiện diện hoạt tồn”[54]. Vì kẻ có tinh thần tự do “là kẻ suy tưởng khác hẳn với những điều mọi người chờ ở hắn căn cứ vào cội rễ, vào liên hệ, vào địa vị, vào việc làm của hắn và các lý tưởng thống trị của thời đại”[55]. Chỉ khi tránh xa đám dân ti tiện đó, ra khỏi tinh thần nô lệ, siêu nhân mới có cơ hội “trở thành ngoại lệ” mới có thể sống tự do “khi người ta tự hủy, ngưởi ta đã làm một việc đáng kính trọng nhất: người ta gần như xứng đáng được quyền sống vì đã làm thế”[56]; thoát khỏi mọi ràng buộc nhảm nhí để “ánh lên trong mọi sắc thái của điêu linh”[57]. Siêu nhân phải là người sống tự giác, trưởng thành, đạt đến tự do hoàn toàn, không còn sợ hãi hay bị ràng buộc bởi bất kỳ thế lực nào “đó là đặc quyền của kẻ mạnh”. Tinh thần này vượt lên mọi chật hẹp, nhỏ nhoi, riêng rẽ.

Nietzsche chống đối chế độ tự do, vì nó là nguy hại nhất cho sự tự do. Chúng “phá hoại ngầm ý chí hùng dũng, san bằng núi cao và thung lũng và gọi đó là luân lý, chúng khiến con người bé nhỏ, hèn nhát và thèm khát dục vọng”, nói cách khác đó là “sự súc vật hóa thành bầy lũ”[58]. Tự do là người phải “có ý chí tự gánh vác trách nhiệm đối với bản thân…phải trở nên lãnh đạm hơn nữa đối với vất vả, khổ cực, thiếu thốn và ngay cả với cuộc đời”[59]. Tuy nhiên, tự do của Nietzsche cũng mang đầy tính quá khích, kích động tiêu cực: “Tự do có nghĩa là những bản năng hân hoan trong chiến tranh và chiến thắng…chà đạp lên hạnh phúc yên ấm đáng khinh mà những tên chủ tiệm tạp hóa, những tín đồ Kitô giáo, những con bò cái, đàn bà, dân Ănglê và những tên dân chủ khác thường mơ ước”[60].

3.2.3/ Sáng tạo

Siêu nhân là những kẻ sáng tạo: “Hỡi những người thượng đẳng, các ngươi là những kẻ sáng tạo”[61]. Trong phần bàn đến “Về Những Con Đường Của Kẻ Sáng Tạo”, Nietzsche đã cho thấy “định mệnh” không thể tránh được là bước đi trên con đường cô đơn. Chỉ khi bước vào nẻo đường cô đơn này con người mới có cơ may tìm được “bản lai diện mục” của mình, nhưng không hề đơn giản “Cô đơn đối diện với vị quan tòa và kẻ trả thù cho lề luật do chính mình đặt ra, là một điều quá sức khủng khiếp. Tựa hồ một ngôi sao lao mình vào khoảng không trống rỗng, trong hơi thở giá lạnh của của cô đơn”[62]. Kẻ cô đơn mới hiểu được chính mình, mới tìm gặp được chính mình trong “khoảng không trống rỗng” và từ đó kẻ này mới có khả năng sáng tạo “Hỡi kẻ cô đơn, mi đang bước đi trên con đường sáng tạo”[63]. Do đó, con đường sáng tạo và sự cô đơn là “cặp bài trùng” không thể thiếu nhau được. Tuy nhiên, để vượt bỏ chính mình đâu phải dễ bởi vì theo lẽ thường của đám tiện dân: “Kẻ nào đi tìm thì dễ đánh mất chính mình. Mọi cô đơn đều là tội lỗi”[64]. Con người ta không dễ gì dám từ bỏ cuộc sống được coi là êm ấm, an toàn để phiêu lưu trên một bước đường khác người, và cũng không dễ gì sống khác người ta, khác đám đông, khác những qui định của xã hội…và do đó cũng khó chấp nhận “đau khổ vì đám đông phức tạp, vì mi là kẻ đơn nhất, lẻ loi”. Nietzsche cho rằng kẻ sáng tạo là kẻ hứng chịu nhiều sự thù ghét, gièm pha, loại trừ từ đám đông “Chính kẻ bay vút lên cao tít là kẻ bị thù ghét nhiều nhất”, nhưng không còn cách nào khác kẻ sáng tạo phải can đảm đảm nhận sứ mạng của mình là dẫn dắt kẻ khác “nếu muốn làm một vì sao, mi vẫn phải long lanh soi sáng cho bọn chúng”[65].

Lời mời gọi của Nietzsche như một thách đố dai dẳng gấp rút thúc giục siêu nhân- những kẻ sáng tạo: “Hỡi anh em của ta, hãy bước vào nỗi cô đơn hiu hắt của mi cùng với tình yêu và ý chí sáng tạo, chỉ sau đó sự công chính mới bước theo mi trên đôi chân khập khiễng”. Nếu không đi vào con đường hắt hiu, cô đơn thì con người thượng đẳng không thể vượt bỏ chính mình, không thể tìm thấy chính mình và yêu thương chính mình một cách chân thật nhất được “mi đang tự yêu thương, chính vì vậy mi tự khinh bỉ chính mình, như chỉ có những tình nhân mới biết khinh bỉ”[66]. Xa lánh đám đông là bước khởi đầu để “thai nghén đứa con riêng cho chính mình” để không bị “đưa vào chỗ sai lầm” do những người “láng giềng” tác động.

Tham vọng xây dựng nên những con người thượng đẳng – siêu nhân – của Nietzsche thể hiện qua các tác phẩm của ông rõ ràng ngày càng đi đến bế tắc, thất vọng, cùng quẫn. Quả thật, Nietzsche, khi muốn xây dựng những con người thượng đẳng, đã đạp đổ tất cả các giá trị cổ truyền, tôn giáo, luân lý…, bởi vì theo ông những thứ này chỉ cản đường những ai muốn trở thành thượng đẳng mà thôi. Lý tưởng của Nietzsche chưa hẳn đã là tồi tệ, tuy nhiên, ông đã để cho nó đi đến tệ hại một khi nó trở nên quá cực đoan. Không những Nietzsche đã không thể nhìn thấy những con người thượng đẳng xuất hiện trong thời của ông, mà cho đến sau này thế giới cũng chưa thấy tư tưởng của ông được bộc lộ hoàn hảo nơi những con người nào, hay tổ chức nào. Thực sự thì đã xuất hiện những con người thấm nhuần tư tưởng của Nietzsche, nhưng họ không được thế giới coi là những siêu nhân theo nghĩa tích cực mà là thảm họa, là nổi kinh hoàng của thế giới: Đức Quốc Xã.

Như vậy, con người thượng đẳng của Nietzsche có thể được hiểu như là hình ảnh của Ađam và Evà trong sách Sáng Thế Kỷ. Những con người này muốn mình chính là Thiên Chúa của mình, tự mình làm Chúa, ngàng hàng với Thiên Chúa. Kết cục là họ đã bị “con rắn” lừa dối và cho thấy một thực tế phũ phàng “Họ nhận thấy mình trần truồng”[67]. Nếu như tư tưởng của Nietzsche đã thất bại khi muốn xây dựng những con người siêu nhân, thì liệu có tư tưởng nào đã làm được điều này? Liệu có tư tưởng nào có thể giải đáp cho khát khao của Nietzsche?

 

 

 


[1]Lê Thành Trị. Hiện Tượng Luận Về Hiện Sinh, tr 78.

[2] F. Nietzsche. Dg. Zarathustra đã nói như thế, Trần Xuân Khiêm, tr 531.

[3]Sđd

[4]Sđd, tr 73.

[5]Lê Thành Trị. Hiện Tượng Luận Về Hiện Sinh, tr 78.

[6]Sđd, tr 79.

[7]Gilles Deleuze. Neitzsche Và Triết Học, dg. Nguyễn Thị Từ Huy, tr 211.

[8]F. Nietzsche. Zarathustra đã nói như thế, dịch giả. Trần Xuân Khiêm, tr 10.

[9]Sđd.

[10] Felicien Challaye. Nietzsche, Cuộc đời và Triết lý, dg. Mạnh Tường, tr 94.

[11] Sđd.

[12] Sđd.

[13] F. Nietzsche. Zarathustra đã nói như thế, dg. Trần Xuân Khiêm, tr 178.

[14]Trần Thái Đỉnh. Triết Học Hiện Sinh, tr 119.

[15] Sđd, tr 120

[16] F. Nietzsche. Buổi Hoàng Hôn của Những Thần Tượng, dg. Nguyễn Hữu Hiệu, tr 137.

[17] Trần Thanh Hà. F. Nietzsche, Triết Nhân và Thi Nhân, tr 70.

[18] Sđd

[19] F. Nietzsche. Zarathustra đã nói như thế, dg. Trần Xuân Khiêm, tr 548.

[20] Trần Thái Đỉnh. Triết Học Hiện Sinh, tr 132.

[21] Lê Thành Trị. Hiện tượng luận về hiện sinh, tr 79.

[22] F. Nietzsche. Zarathustra đã nói như thế, dg. Trần Xuân Khiêm, tr 125.

[23] Sđd, tr 533.

[24] Trần Thanh Hà. F. Nietzsche, Triết Nhân và Thi Nhân, tr 73.

[25] F. Nietzsche. Zarathustra đã nói như thế, dg. Trần Xuân Khiêm, tr 30.

[26] Sđd, tr 534.

[27] Sđd, tr 540.

[28] Sđd, tr 30.

[29] Sđd

[30] F. Nietsch. Bên Kia Thiện Ác, dg. Nguyễn Tường Văn, tr 48.

[31] F. Nietsch. Tôi Là Ai, dg. Phạm Công Thiện, tr 69.

[32] F. Nietzsche. Zarathustra đã nói như thế, dg. Trần Xuân Khiêm, tr 535.

[33] Alain Touraine. Phê Phán Tính Hiện Đại, dg. Huyền Giang, tr 195.

[34] F. Nietzsche. Zarathustra đã nói như thế, dg. Trần Xuân Khiêm, tr 534.

[35] Lê Thành Trị. Hiện Tượng Luận Về Hiện Sinh, tr 74.

[36] Sđd

[37] Sđd

[38] F. Nietzsche. Zarathustra đã nói như thế, dg. Trần Xuân Khiêm, tr 95.

[39] Sđd. Tr 139.

[40] Trần Thái Đỉnh. Triết Học Hiện Sinh, tr 150.

[41] Sđd

[42] F. Nietzsche. Zarathustra đã nói như thế, dg. Trần Xuân Khiêm, tr 537.

[43] Sđd

[44] Sđd

[45] F. Nietzsche. Zarathustra Đã Nói Như Thế, dg. Trần Xuân Khiêm, tr 538.

[46] Sđd

[47] Sđd, tr 7.

[48] F. Nietzsche. Bên Kia Thiện Ác, dg. Nguyễn Tường Văn, tr 53.

[49] F. Nietzsche. Zarathustra Đã Nói Như Thế, dg. Trần Xuân Khiêm, tr 14.

[50] F. Nietzsche. Kẻ Phản Kitô, dg. Hà Vũ Trọng, tr 104.

[51] F. Nietzsche. Zarathustra Đã Nói Như Thế, dg. Trần Xuân Khiêm, tr 533.

[52] Sđd. Tr 96.

[53] F. Nietzsche. Bên Kia Thiện Ác, dg. Nguyễn Tường Văn, tr 44.

[54] Sđd

[55] Felicien Challaye. Nietzsche, Cuộc đời và Triết lý, dg. Mạnh Tường, tr 82.

[56] F. Nietzsche. Buổi Hoàng Hôn Của Những Thần Tượng, dg. Nguyễn Hữu Hiệu, tr 141.

[57] F. Nietzsche. Bên Kia Thiện Ác, Nguyễn Tường Văn, dg. Tr 48.

[58] F. Nietzsche. Buổi Hoàng Hôn Của Những Thần Tượng, dg. Nguyễn Hữu Hiệu, tr 148.

[59] Sđd

[60] Sđd

[61] F. Nietzsche. Zarathustra Đã Nói Như Thế, dg. TRần Xuân Khiêm, tr 538.

[62] F. Nietzsche. Zarathustra Đã Nói Như Thế, dg. TRần Xuân Khiêm, tr 126.

[63] Sđd

[64] Sđd

[65] Sđd, tr 128.

[66] Sđd

[67] Sách Sáng Thế 3, 7.