Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – CHỦ ĐỀ THANH LUYỆN – BÀI 1: ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI

Administrator
2024-07-06 12:43 UTC+7 31
SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN           Trong phần này, tác giả đề cập đến mặt trái của đời sống Kitô hữu: Tội lỗi với những hiệu quả của nó; kế đó là bí tích Thống hối nhờ đó chúng ta được giải thoát […]

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI

CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN

          Trong phần này, tác giả đề cập đến mặt trái của đời sống Kitô hữu: Tội lỗi với những hiệu quả của nó; kế đó là bí tích Thống hối nhờ đó chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi; sau cùng tác giả đề cập đến các nết xấu trái nghịch với các nhân đức (thiếu khôn ngoan, kiêu ngạo, hư vinh).

          Chủ đề này bao gồm 36 bài, cộng thêm ba bài lễ kính Chúa và các thánh, đó là thánh Marta (ngày 29/7), Chúa Hiển Dung (ngày 6/8), Đức Maria hồn xác lên trời (ngày 15/8).

  1. Ơn gọi của con người
  2. Cảnh tối tăm mù mịt và bóng tối tử thần
  3. Những thương tổn nơi bản tính do tội lỗi gây ra
  4. Những yếu đuối của tội lỗi
  5. Vết nhơ tội lỗi
  6. Tội có thể là hình phạt của tội không?
  7. Tội lỗi dẫn đến hình phạt
  8. Sự khác biệt giữa tội nhẹ và tội trọng
  9. Tội trọng phải chịu hình phạt đời đời
  10. Các tội tâm linh
  11. Phạm tội do cố ý thì nặng hơn phạm tội do đam mê
  12. Tội thêm nặng do địa vị của người bị xúc phạm
  13. Tội thêm nặng do địa vị luân lý hoặc xã hội của người phạm tội
  14. Không nên tìm kiếm hạnh phúc ở đời này
  15. Bí tích Thống hối
  16. Tàn tích của tội
  17. Ăn năn thống hối
  18. Thời gian thống hối
  19. Trỗi dậy khỏi tội lỗi quả là một ân huệ vĩ đại
  20. Để tránh tội, trái tim cần được gắn chặt với Thiên Chúa
  21. Thiếu hy vọng
  22. Yêu mình không đúng cách
  23. Tội ngu xuẩn
  24. Tội chán nản
  25. Thiếu khôn ngoan
  26. Sự hấp tấp
  27. Sự cẩu thả
  28. Sự thiếu tiết độ
  29. Những con cái của tội dâm ô
  30. Làm thế nào chế ngự tội dâm ô?
  31. Sự kiêu ngạo
  32. Sự xấu xa của sự kiêu ngạo
  33. Kiêu ngạo là khởi đầu của mọi tội lỗi
  34. Cách tránh kiêu ngạo
  35. Hư vinh
  36. Hư vinh là một mối tội đầu

—————————————————————-

BÀI 1: ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI

Chúa muốn cho mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,4).

Có ba điều mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta.

  • Điều thứ nhất mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta là sự sống đời đời.

Thật vậy, phàm ai đã làm một vật vì một mục tiêu nhất định thì muốn cho vật ấy đạt được mục tiêu ấy. Thế mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người không phải là không có mục đích. Thực vậy, Thánh vịnh có lời chép: “Phải chăng Chúa đã tạo dựng tất cả loài người vô ích?” (Tv 88,48). Thế nhưng Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo một mục đích: không phải để hưởng những khoái cảm giác quan, bởi vì loài thú vật cũng có những điều ấy, nhưng là để cho họ được sự sống đời đời. Thiên Chúa muốn con người được sự sống đời đời. Khi một hữu thể đạt đến mục tiêu vì đó mà nó được làm ra thì người ta nói rằng nó được cứu thoát; khi nó không đạt đến mục tiêu thì người ta nói rằng nó bị hư mất.  Thế mà, con người được Thiên Chúa tạo dựng để được sống vĩnh cửu. Vì thế khi đạt đến sự sống vĩnh cửu thì con người đã được cứu thoát, và đó cũng là điều mà Chúa muốn như có lời chép : “Ý muốn của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40).

          Ý muốn này đã được hoàn tất nơi các Thiên Thần và các Thánh trên thiên quốc, bởi vì các vị nhìn thấy Thiên Chúa, hiểu biết Ngài và hỷ hoan trong Ngài. Phần chúng ta, chúng ta mong ước cho ý muốn Thiên Chúa cũng được thành toàn nơi chúng ta là những người còn ở dưới đất, cũng như ý muốn ấy đã được hoàn tất nơi các Phúc nhân trên trời. Đó là điều mà chúng ta khẩn nài khi cầu nguyện: “Xin ý Cha được thể hiện nơi chúng con đang ở dưới thế này cũng như ý Cha đã thực hiện nơi các Thánh trên trời vậy”.

  • Điều thứ hai mà Chúa muốn nơi chúng ta là chúng ta tuân giữ các giới răn Chúa.

          Thật vậy, ai mong muốn một điều gì thì không những muốn điều ấy và còn muốn mọi phương tiện để đạt được điều ấy. Khi muốn cho bệnh nhân được khoẻ mạnh, thì thầy thuốc cũng muốn cả sự kiêng cữ và các thuốc thang cùng với những gì cần thiết cho sức khỏe. Thiên Chúa muốn cho con người đạt được sự sống vĩnh cửu, cho nên Ngài muốn cho chúng ta thực hành những điều cần thiết để đạt được nó, và chúng ta đạt đến sự sống vĩnh cửu bằng cách tuân giữ các điều răn của Chúa. Chúa Giêsu đã dạy: “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19,17).

  • Điều thứ ba mà Thiên Chúa muốn là chúng ta được phục hồi tình trạng và phẩm giá của con người vào thuở ban đầu tạo dựng, khi mà tinh thần và linh hồn con người không bị xáo trộn do xác thịt và dục vọng. giác cảm.

          Bao lâu linh hồn con người còn suy phục Thiên Chúa, thì xác thịt quy phục tinh thần đến nỗi không cảm thấy sự hủy hoại, sự chết, bệnh tật và những dục vọng. Thế nhưng từ khi nguyên tổ phạm tội, thì tinh thần và linh hồn chống lại Thiên Chúa, xác thịt chống lại linh hồn và từ đó bắt đầu cảm nghiệm sự chết và bệnh tật, cũng như sự nổi loạn liên miên của dục tình chống lại tinh thần. Thánh Phaolô đã mô tả tình trạng này như sau: “Tôi thấy nơi thân thể mình một thứ luật khác gây chiến với luật của tinh thần” (Rm 7,23), và: “Xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn” (Gl 5,17).

          Bởi thế đã diễn ra một cuộc giao tranh liên tục giữa xác thịt và thần khí, và con người càng ngày càng tồi tệ hơn. Vì vậy, Thánh ý Thiên Chúa là muốn khôi phục tình trạng nguyên thủy của con người, ngõ hầu không còn bất cứ sự đối chọi nào giữa xác thịt và thần khí, như thánh Phaolô  đã giải thích: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Tx 4,3).

          Thế nhưng, ý muốn này của Thiên Chúa không thể thành tựu ở đời này được, mà chỉ vào ngày phục sinh của các thánh, khi đó thân xác sẽ phục sinh vinh hiển, không còn hư hoại nữa và sẽ chói ngời rực rỡ, như có lời chép: “Gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ” (1 Cr 15,43). Thánh ý Thiên Chúa sẽ thành hiện thực nơi các Thánh bằng sự chính trực, sự thông hiểu vaf cuộc sống của họ.

(Giải thích kinh Lạy Cha)

Chia sẻ