SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN HAI – BÀI 5: TÍNH BẤT KHẢ BIẾN CỦA THIÊN CHÚA
SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI
CHỦ ĐỀ I: THIÊN CHÚA
BÀI 5: TÍNH BẤT KHẢ BIẾN CỦA THIÊN CHÚA
I
Một đặc điểm hoặc sự toàn hảo nơi Thiên Chúa là tính bất khả biến do bản tính của Ngài. Chính Thiên Chúa đã chứng thực qua ngôn sứ Malaki (3,6) rằng: “Chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta không hề thay đổi.” Mọi vật thay đổi thì đều có phần giữ nguyên và phần biến chuyển: qua sự thay đổi này nó thủ đắc điều chưa có trước đó. Nhưng vì Thiên Chúa là vô hạn, Ngài chứa đựng tất cả sự toàn hảo trọn vẹn của mọi hữu thể, nên Ngài không thể thủ đắc bất cứ điều gì mới, cũng như không thể mở rộng chính mình đến bất cứ điều gì mà trước đây Ngài chưa đạt tới. Do đó, sự biến chuyển không thể dung hòa với bản tính Thiên Chúa.
Hơn nữa, Kinh thánh nói về Đức Khôn ngoan (Kn 7,24) rằng: “Chuyển động của Đức Khôn Ngoan thì mau lẹ hơn tất cả các chuyển động” (Kn 7,24). Nhưng việc gán cho Đức Khôn Ngoan những sự chuyển động mau lẹ không phải bởi vì Dức Khôn Ngoan chuyển động theo bản chất nhưng là xét theo những sự tham gia với Ngài, bởi vì tất cả mọi vật đều có nét giống với Ngài. Thật vậy, không có gì có thể hiện hữu mà không xuất phát từ sự khôn ngoan của Thiên Chúa và mô phỏng Ngài cách nào đó, theo nguyên lý tác thành và mô thể. Điều này tương tự như các tác phẩm nghệ thuật cũng xuất phát từ sự khôn ngoan của người nghệ sĩ. Như vậy, nếu ta xét đến sự tương đồng với đức khôn ngoan của Thiên Chúa được phân phối giữa các loài thụ tạo từ cấp độ từ cao nhất, tham gia đầy đủ hơn về hình ảnh của Ngài, cho đến các vật thấp nhất, thì có thể nói rằng có một tia phóng hoặc chuyển động của sự khôn ngoan Thiên Chúa đến với sự vật; như khi chúng ta nói rằng mặt trời tiến tới trái đất lúc tia sáng mặt trời chạm vào trái đất.
Kinh Thánh nói rằng: “Hãy đến gần Thiên Chúa, Ngài sẽ đến gần anh em” (Gc 4,8). Đây là cách nói bóng. Giống như khi nói mặt trời mọc hay lặn tùy theo tia sáng của nó chiếu sáng hay tắt đi, thì Thiên Chúa cũng sẽ đến gần chúng ta hoặc rời xa chúng ta khi chúng ta tiếp nhận được ảnh hưởng của lòng nhân hậu của Ngài hoặc thiếu mất điều đó.
(Summa Theol., I, q.10, a.1)
II
Chúng ta cũng phải luyện tập sự kiên định để có thể trở thành bất biến trong điều thiện, không bị nghịch cảnh đánh gục, không kiêu căng khi thịnh vượng, không quay lưng lại với đường công chính. Nhưng tiếc thay, chúng ta rất thiếu kiên định trong những suy tư lành thánh, trong việc quân bình tình cảm, trong lương tâm ngay thẳng, trong ý chí tốt lành. Chúng ta nhanh chóng thay đổi từ thiện sang ác, từ hy vọng sang sợ hãi vu vơ và ngược lại, từ vui mừng đến buồn phiền phi lý, từ im lặng đến loạn ngôn, từ yêu thương sang hận thù hay đố kỵ, từ nhiệt thành đến thờ ơ, từ khiêm tốn đến vinh hoa phù phiếm hay kiêu căng, từ hiền lành đến giận dữ, từ niềm vui hay tình yêu tâm linh đến thú vui xác thịt. Chúng ta không bao giờ kiên định trong một trạng thái nào ngoài việc kiên định trong sự bất kiên định, không chung thủy, vô ơn, những khiếm khuyết tinh thần, tính bất toàn, lãng phí thời gian, nhẹ dạ, kiên định trong những suy nghĩ và tình cảm không trong sạch. Thế nhưng, sự mất cân bằng các giác quan bên ngoài và tính dễ thay đổi của các bộ phận cơ thể biểu lộ tâm trạng và chuyển động bên trong linh hồn.
Thế nhưng, thật là hữu ích khi chúng ta luôn cố gắng duy trì sự quân bình trong cuộc sống, cư xử cách bình thản trong mọi suy nghĩ và hành động của mình.
(De Divinis Moribus)