Suy niệm Mùa Chay với Thánh Tôma Aquinô - Tuần IV - Thứ bảy
xem MỤC LỤC NỘI DUNG
**************
Thứ Bảy - Tuần IV Mùa Chay
KHÔNG CÓ CÁCH NÀO PHÙ HỢP HƠN ĐỂ CỨU ĐỘ NHÂN LOẠI NGOÀI CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA ĐỨC KITÔ
Trong số các phương tiện hướng đến một mục đích, phương tiện nào mà các yếu tố liên quan cùng góp phần hướng đến mục đích đó, thì được xem là phù hợp hơn cả. Và qua việc con người được cứu chuộc nhờ Cuộc Thương Khó của Đức Kitô, không chỉ sự giải thoát khỏi tội lỗi được thực hiện mà còn nhiều lợi ích khác góp phần vào ơn cứu độ của con người.
Thứ nhất, qua đó, con người nhận biết Thiên Chúa yêu thương mình đến mức nào, và nhờ đó, được khơi dậy để yêu mến Người đáp lại; đây chính là sự hoàn thiện của ơn cứu độ nhân loại. Vì thế, Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta: ngay khi chúng ta còn là tội nhân, Đức Kitô đã chết vì chúng ta.” (Rm 5,8).
Thứ hai, nhờ Cuộc Thương Khó, Đức Kitô đã nêu gương về sự vâng phục, khiêm nhường, kiên định, công chính, và các nhân đức khác được thể hiện trong Cuộc Thương Khó, vốn cần thiết cho ơn cứu độ của con người. Vì thế, Thánh Phêrô viết: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người.” (1 Pr 2,21).
Thứ ba, qua Cuộc Thương Khó, Đức Kitô không chỉ giải thoát con người khỏi tội lỗi mà còn đem lại ân sủng công chính hóa và vinh quang hạnh phúc.
Thứ bốn, con người càng bị ràng buộc để tránh xa tội lỗi hơn khi nhớ rằng mình đã được cứu chuộc bằng Máu Châu Báu của Đức Kitô, như lời Thánh Phaolô: “Anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất đắt. Vậy hãy tôn vinh và mang Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” (1 Cr 6,20).
Thứ năm, điều này làm tăng thêm phẩm giá của con người: bởi vì con người đã bị ma quỷ lừa dối và đánh bại, thì cũng chính con người phải đánh bại ma quỷ; và vì một người đã đáng chịu cái chết, thì cũng chính một người, nhờ cái chết của mình, phải chiến thắng sự chết. Vì thế, có lời viết: “Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (1 Cr 15,57).
(Summa Theologiae III, q. 46, a. 3)