Suy niệm Mùa Chay với Thánh Tôma Aquinô - Tuần V - Thứ Hai
xem MỤC LỤC NỘI DUNG
**************
Thứ Hai - Tuần V Mùa Chay
CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA ĐỨC KITÔ LÀ PHƯƠNG DƯỢC CHỮA TRỊ TỘI LỖI
Trước mọi sự dữ mà chúng ta gánh chịu do tội lỗi, Cuộc Thương Khó của Đức Kitô là phương dược. Vì khi phạm tội, chúng ta phải chịu năm sự dữ: thứ nhất, vết nhơ của tội lỗi; thứ hai, xúc phạm đến Thiên Chúa; thứ ba, sự yếu đuối trong ý chí; thứ tư, món nợ hình phạt; và thứ năm, bị đuổi khỏi Nước Thiên Chúa.
1. Vết nhơ của tội lỗi
Khi con người phạm tội, linh hồn bị hoen ố và hạ thấp phẩm giá; vì cũng như nhân đức là vẻ đẹp của linh hồn, thì tội lỗi là vết nhơ của nó. Barúc đã nói: “Hỡi Israel, làm sao ngươi lại lưu lạc nơi đất quân thù? Ngươi đã bị ô uế giữa những kẻ đã chết.” (Br 3,10). Tuy nhiên, Cuộc Thương Khó của Đức Kitô xóa bỏ vết nhơ ấy, vì trong Cuộc Thương Khó, Đức Kitô đã tạo nên một dòng tắm rửa bằng máu Người, để gột sạch tội nhân khỏi mọi nhơ uế. Linh hồn được tẩy rửa nhờ Máu Chúa Kitô qua Bí Tích Rửa Tội, bởi Bí Tích này mang sức mạnh tái sinh từ Máu Người. Vì thế, khi một người làm nhơ bản thân mình bằng tội lỗi, người ấy không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa mà còn phạm tội nặng hơn trước.
2. Sự xúc phạm đến Thiên Chúa
Cũng như người phàm yêu mến vẻ đẹp thể lý, thì Thiên Chúa yêu mến vẻ đẹp thiêng liêng của linh hồn nhân đức. Khi linh hồn bị vấy bẩn bởi tội lỗi, Thiên Chúa bị xúc phạm và kẻ tội lỗi trở thành kẻ thù của Người. Nhưng Cuộc Thương Khó của Đức Kitô đã xóa bỏ sự xúc phạm này, vì Người đã làm thỏa mãn công lý của Thiên Chúa Cha thay cho tội lỗi, điều mà chính con người không thể làm được. Lòng mến và sự vâng phục của Đức Kitô vượt xa sự bất trung và tội lỗi của con người đầu tiên.
3. Sự yếu đuối của ý chí
Tội lỗi khiến ý chí con người yếu đuối, dễ dàng phạm tội lần nữa, vì ý chí bị suy yếu ngay từ lần phạm tội đầu tiên. Thêm vào đó, tội lỗi còn thu hút con người bởi khoái lạc mà nó mang lại, khiến con người chìm sâu trong tình trạng không thể tự mình đứng dậy, nếu không được Thiên Chúa trợ giúp. Đức Kitô, qua Cuộc Thương Khó, đã mang lấy sự yếu đuối này – dù Người không mắc tội – để chữa lành sự bất toàn do tội lỗi gây ra, và ban ân sủng trợ giúp con người qua các Bí Tích và lời cầu nguyện. Nhờ sức mạnh từ Cuộc Thương Khó của Đức Kitô, con người có thể tránh tội, thậm chí ghét tội lỗi. Và quả thật, sau Cuộc Thương Khó, nhiều linh hồn đã sống và vẫn đang sống trong ân sủng, hoàn toàn xa tránh tội trọng.
4. Món nợ hình phạt
Công lý của Thiên Chúa đòi hỏi rằng, kẻ phạm tội phải chịu hình phạt tương ứng với tội lỗi. Tội trọng là xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng Tốt Lành Vô Biên; vì vậy, hình phạt dành cho tội trọng cũng phải mang tính vô biên. Nhưng qua Cuộc Thương Khó, Đức Kitô đã chịu hình phạt thay cho chúng ta. Thánh Phêrô viết: “Chính Người đã mang lấy tội lỗi chúng ta,” tức là hình phạt tội lỗi, “trong thân xác mình trên cây thập giá.” (1 Pr 2,24). Công trạng từ Cuộc Thương Khó đủ để đền bù mọi tội lỗi của toàn thế giới, thậm chí cả ngàn thế giới. Vì vậy, người được Rửa Tội được xóa sạch mọi tội lỗi, các linh mục có thể tha tội nhân danh Đức Kitô, và những ai càng yêu mến Cuộc Thương Khó của Người càng nhận được ơn tha thứ nhiều hơn và ân sủng lớn lao hơn.
5. Sự trục xuất khỏi Nước Thiên Chúa
Do tội lỗi, con người bị đuổi khỏi Nước Thiên Chúa, giống như kẻ xúc phạm vua bị đày ra khỏi vương quốc. Sau khi phạm tội, Adam bị đuổi khỏi vườn địa đàng, và cửa thiên đàng bị đóng lại với ông cùng dòng dõi. Nhưng nhờ Cuộc Thương Khó, Đức Kitô đã mở cửa thiên đàng và đưa những kẻ lưu đày trở về Vương Quốc của Người. Khi cạnh sườn Đức Kitô bị đâm thâu, cửa thiên đàng mở ra, vết nhơ của tội lỗi được tẩy xóa, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa được nguôi ngoai, hình phạt được xóa bỏ, và những kẻ lưu đày được gọi trở về Nước Thiên Chúa. Vì thế, Đức Kitô đã nói với người trộm lành: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,43). Điều này chưa hề được nói trước đó, dù là với ông Ađam, ông Abraham hay ông Đavit. Nhưng hôm nay, nghĩa là sau khi cửa đã mở, thì người trộm đã tin và đã được. Đó là điều Thánh Phaolô viết: “Vậy, thưa anh em, chúng ta hãy mạnh dạn tiến vào Nơi Cực Thánh, nhờ Máu Đức Giêsu.” (Dt 10,19).
(Giải thích Kinh Tin Kính).