Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Suy niệm quanh năm phụng vụ với Thánh Tôma Aquinô

Administrator
2023-11-29 21:16 UTC+7 7
Giới thiệu Nhân  kỷ niệm 750 năm tạ thế của vị Tiến sĩ thiên thần (7 tháng 3 năm 1274), chúng tôi hân hạnh giới thiệu loạt bài suy niệm quanh năm phụng vụ, do cha Denis Mézard O.P. chọn lọc và xuất bản[1]. Trung thành với lý tưởng “nói với Chúa và nói về […]

Giới thiệu

Nhân  kỷ niệm 750 năm tạ thế của vị Tiến sĩ thiên thần (7 tháng 3 năm 1274), chúng tôi hân hạnh giới thiệu loạt bài suy niệm quanh năm phụng vụ, do cha Denis Mézard O.P. chọn lọc và xuất bản[1]. Trung thành với lý tưởng “nói với Chúa và nói về Chúa” (cum Deo vel de Deo loqui), thánh nhân đã suy tư về các mầu nhiệm của Thiên Chúa từ việc cầu nguyện và nhắm hướng dẫn tha nhân đến việc cầu nguyện và yêu mến Thiên Chúa.

Các tư tưởng của thánh Tôma được trích từ bộ Tổng luận thần học (Summa theologica) và các quyển chú giải Kinh thánh, được sắp xếp thành hai phần chính.

I. Phần thứ nhất. Mầu nhiệm Đức Kitô trong các “mùa” chính của năm phụng vụ, xoay quanh chu kỳ Giáng sinh và Phục sinh.

1/ Chu kỳ Giáng sinh.

Mùa Vọng: suy niệm về mầu nhiệm Nhập thể.

Mùa Giáng sinh: suy niệm về cuộc Giáng sinh, cuộc đời thơ ấu và công khai của Chúa Giêsu.

2/ Chu kỳ Phục sinh.

Mùa Chay (Mùa Bốn Mươi): suy niệm về cuộc Khổ nạn và Thập giá của Chúa Kitô.

Mùa Phục sinh: suy niệm về đời sống mới trong Chúa Kitô, nhờ ân sủng, tác động của Thánh Linh và bí tích Thánh thể.

II. Phần thứ hai. Bao gồm “Mùa Thường niên”, trình bày tổng quát về thần học đời sống tâm linh, với những chủ đề sau đây:

1/ Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo và Quan phòng, Cha yêu thương chúng ta.

2/ Con người tội lỗi trở về với Thiên Chúa bằng con đường thanh luyện.

3/ Con người tiến triển trên đường nhân đức, bằng con đường chiếu sáng.

4/ Con người hướng đến đời sống kết hiệp với Thiên Chúa nhờ đức ái trọn hảo

5/ Những tuần lễ cuối năm phụng vụ được dành cho việc suy gẫm các đề tài cánh chung, chuẩn bị cho việc tham dự bàn tiệc Hạnh phúc trên trời.

Ngoài ra, ở phụ lục, soạn giả cung cấp thêm 17 bài suy niệm cho các linh mục hoặc tu sĩ tham dự tuần tĩnh tâm trong vòng tám ngày.

—————-

PHẦN THỨ NHẤT

Năm phụng vụ

Giáo Hội trình bày toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô trong chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, đến cả sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và hướng về ngày Chúa quang lâm.

Trong khi cử hành các mầu nhiệm cứu độ, Giáo Hội rộng mở cho các tín hữu kho tàng quyền năng và công nghiệp phong phú của Chúa, làm cho những mầu nhiệm này có thể nói là luôn hiện diện qua mọi thời đại, để những ai tiếp xúc với các mầu nhiệm đó sẽ được đầy tràn ơn cứu rỗi.

(Công đồng Vaticanô II, Hiến chế về phụng vụ, số 102)

Mùa Vọng

Năm phụng vụ bắt đầu với Mùa Vọng.  Thực ra, từ ngữ này trong tiếng Việt không tương ứng hoàn toàn với nguyên gốc Latinh, và vì thế không diễn tả đầy đủ ý nghĩa của nó.

Thật vậy, “vọng” có nghĩa là mong chờ, trông ngóng, ngóng nhìn; đây là một thái độ về phía chủ thể. Trong tiếng Latinh, tên của mùa này là adventus, có nghĩa là: “đến”, một sự kiện lịch sử (quen dịch là: ngự đến, quang lâm). Thời xưa tại Rôma, danh từ này áp dụng cho một biến cố trọng đại, chẳng hạn lễ đăng quang của nhà vua. Tân ước dùng từ này để dịch parousia tiếng Hy Lạp, một từ ngữ được Tân ước sử dụng để nói đến cuộc quang lâm của Đức Kitô: Người đến trong vinh quang để hoàn tất lịch sử cứu độ.

Dù sao, đã từ lâu, người ta nêu ra hai nghĩa của biến cố “adventus” (Chúa đến): 1) Chúa đến trần thế (Giáng sinh); 2) Chúa đến trong vinh quang (Quang lâm). Phụng vụ hiện nay duy trì cả hai ý nghĩa đó, tuy với điểm nhấn khác nhau: những tuần lễ đầu nhấn mạnh đến cuộc Quang Lâm; càng gần lễ Giáng sinh thì chuyển sang đề tài Ngôi Lời Nhập thể.

Trong loạt bài suy niệm dưới đây, chủ đề mầu nhiệm Nhập thể được đặt nặng hơn là chủ đề Quang Lâm. Mùa Vọng dài ngắn tùy năm: có thể kéo dài 28 ngày (trọn 4 tuần lễ), hoặc 22 ngày (gồm 4 chủ nhật). Vì thế, soạn giả đã dự trù 28 bài suy niệm (bắt đầu từ ngày 27 tháng 11). Loạt bài suy niệm về mầu nhiệm Nhập thể bị cắt ngang bởi vài ngày lễ kính các thánh: thánh Anrê tông đồ (30 tháng 11), Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội (8 tháng 12), lễ di chuyển nhà Đức Mẹ Loreto (ngày 10 tháng 12).

  1. Tình yêu Thiên Chúa bao la
  2. Sự thích hợp của cuộc Nhập thể
  3. Sự cần thiết của cuộc Nhập thể: xét về điều thiện
  4. Sự cần thiết của cuộc Nhập thể: xét về điều dữ
  5. Sự cần thiết của cuộc Nhập thể để đền bù tội lỗi cho cân xứng
  6. Cuộc Nhập thể, linh dược thích ứng cho sự cứu độ của con người
  7. Thật là xứng hợp việc bản tính con người được Ngôi Lời sửa chữa
  8. Thể thức bản tính con người được sửa chữa
  9. Việc Nhập thể của Con Thiên Chúa, lý do để thán phục
  10. Nên nói rằng: giả như con người không phạm tội thì Thiên Chúa đã không nhập thể
  11. Đức Kitô không nên nhập thể ngay từ buổi khai thiên lập địa
  12. Lễ Đức Maria vô nhiễm nguyên tội
  13. Đêm tối tan biến
  14. Lễ di dời ngôi nhà Đức Mẹ ở Loreto
  15. Cuộc Nhập thể không nên hoãn lại cho đến tận thế
  16. Niềm khát vọng cuộc Nhập thể
  17. Khi nhập thể, Con Thiên Chúa nên kết hiệp với bản tính con người từ dòng dõi ông Ađam
  18. Cuộc Nhập thể thích hợp với Con Thiên Chúa hơn là với Chúa Cha và Thánh Linh
  19. Việc kết hợp của cuộc Nhập thể không phải là hệ quả của công trạng
  20. Ân huệ của Con Thiên Chúa trong Cuộc Nhập thể
  21. Cuộc Nhập thể xét trong tương quan với Thánh Linh
  22. Đức Maria chờ đợi cuộc sinh hạ của Con Thiên Chúa
  23. Việc thống hối
  24. Những hoa trái thích đáng của việc thống hối
  25. Tiếng kêu trên hoang địa
  26. Sương trời
  27. Bốn lợi ích của cuộc Nhập thể
  28. Đối với loài người, cuộc Nhập thể là một sự hỗ trợ trong nỗ lực hướng đến Hạnh phúc.

Nói chung, nguyên tắc làm việc của thánh Tôma là “fides quaerens intellectum” (đức tin tìm kiếm hiểu biết). Thánh nhân chấp nhận một chân lý đức tin đã được Thiên Chúa mặc khải, và nêu câu hỏi: Mầu nhiệm này có ý nghĩa gì? Tại sao Thiên Chúa lại hành động như vậy? Dĩ nhiên là đầu óc của chúng ta quá bé nhỏ, không tài nào hiểu được những lý do của việc Chúa làm. Tuy vậy, chúng ta xác tín rằng Chúa không làm chuyện phi lý. Từ đó, dựa theo chính bản văn của Kinh thánh, tư tưởng của các giáo phụ và kể cả lý trí con người, tác giả cố gắng khám phá “lý do thích hợp” (ratio conveniens) của việc Chúa đã làm, để rồi từ đó, tâm trí chúng ta bày tỏ lòng khâm phục và tán dương Ngài.

Chúng tôi xin mở đầu loạt bài này với lời chú giải đoạn Tin mừng Gioan thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi ông Anrê, nhân ngày lễ phụng vụ kính vị thánh tông đồ này (ngày 30 tháng 11).

Lễ thánh Anrê tông đồ (ngày 30 tháng 11).

Ông Anrê gặp em mình và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia, rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu” (Ga 1,41)

Dấu chỉ rõ rệt của một cuộc hoán cải hoàn toàn là kẻ được hoán cải dẫn đưa những người thân cận của mình đến với Đức Kitô. Vì thế, ông Anrê, một người hoàn toàn hoán cải, đã không muốn giữ riêng cho mình kho tàng đã tìm thấy; nhưng ông vội vàng, chạy nhanh đến người em của mình, để thông đạt cho chú em những điều tốt lành mà mình đã nhận được. Trước hết, ông gặp Simon là em mình, để làm cho người em theo huyết nhục trở thành người em trong đức tin. Người được anh em mình giúp đỡ thì giống như một thành trì kiên cố (Cn  18,19). Ai nghe thì hãy nói: Đến đi (Kh 22,17).

Ông Anrê nói: Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia. Chúa Giêsu chỉ mới dạy cho ông biết Người là Đấng Kitô, vì thế ông nói Chúng tôi đã gặp. Qua những lời này, thánh sử muốn nói rằng từ lâu ông đã tìm kiếm bằng lòng trông mong: Phúc thay kẻ nào tìm thấy Đức Khôn ngoan, như sách Châm ngôn đã nói (3,13).

Kế đó, thánh sử nói đến kết quả hành động của ông Anrê: Ông dẫn em mình (tức là Phêrô) đến với Đức Giêsu. Đây là một lời ca ngợi lòng vâng phục của Phêrô: ông này vội vàng chạy đến. Nhưng ta cũng nên khâm phục ông Anrê, bởi vì ông dẫn Phêrô đến với Đức Giêsu, chứ không phải là đến với mình. Ông cảm thấy mình yếu ớt. Ông đưa em đến với Đức Giêsu để chính Người dạy dỗ chú. Qua đó, ông cho thấy rằng đâu là nỗ lực và mối quan tâm của nhà giảng thuyết, đó là không dành cho mình những hoa trái của công cuộc giảng thuyết, hoặc là nhằm ích lợi cho mình hoặc là nhằm danh dự của mình, nhưng đưa chúng về với Đức Giêsu, nghĩa là đưa mọi vinh quang và danh dự cho Thầy. Chúng tôi không rao giảng bản thân mình, nhưng là Đức Giêsu Kitô (2Cr 4,5).

[Trích chú giải Tin mừng Gioan, chương 1]

[1] Denis Mezard O.P., Medulla S. Thomae Aquinatis per omnes anni liturgici dies distributa seu meditationes ex operibus S. Thomae depromptae, Lethielleux Paris 1906. Tác phẩm đã được chuyển dịch sang tiếng Pháp (La moelle de saint Thomas d’Aquin ou méditations tirées de ses oeuvres, Lethielleux Paris 1930),  Anh (Saint Thomas Aquinas meditations for every day, Columbus Ohio, 1938), Tây ban nha (Santo Tomás de Aquino, Meditaciones entresacadas de sus obras, Buenos Aires 1948),  .

Chia sẻ