Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Chay 02
DẪN NHẬP VÀO ĐỨC TIN
Thánh Tôma mở đầu các bài giảng về Kinh Tin kính với vài lời dẫn nhập về đức tin, xoay quanh hai câu hỏi chính: đức tin có ích lợi gì? Đức tin có phi lý không? Tác giả đưa ra bốn lý do để trả lời cho mỗi câu hỏi ấy.
ĐỨC TIN
A. Những lợi ích của đức tin
Đức tin là điều quan trọng nhất đối với một người kitô hữu. Không có đức tin thì không đáng mang danh là người tín hữu Kitô. Đức tin mang lại bốn lợi ích sau:
1. Nhờ đức tin linh hồn được kết hiệp với Thiên Chúa
Thứ nhất, nhờ đức tin linh hồn được kết hiệp với Thiên Chúa. Thực vậy, nhờ đức tin, linh hồn người kitô hữu theo một nghĩa nào đó ký kết hôn ước với Thiên Chúa, như trong sách ngôn sứ Hô-sê có chép: “Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành” (Hs 2,22)[1]. Vì lý do đó, khi lãnh bí tích rửa tội, trước hết con người tuyên xưng đức tin của mình khi được hỏi: “Con có tin vào Thiên Chúa không?”. Lý do tại vì Bí tích rửa tội là bí tích đức tin thứ nhất. Chính Chúa Giêsu đã nói trong Tin mừng theo thánh Mác-cô: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu đo”(Mc 16,16), bởi lẽ không có đức tin thì Bí tích rửa tội không ích lợi gì.
Do đó, nên biết rằng nếu không có đức tin thì chẳng ai có thể được Thiên Chúa chấp nhận, như trong thư gửi tín hữu Do thái khẳng định: “Không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11,6). Vì lẽ đó, khi chú giải thư của thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Rô-ma (14,23): “Hành động nào không do đức tin đều là tội”, thánh Âu-tinh nói: “Nếu không nhận biết chân lý vĩnh cửu và bất biến, thì đức hạnh nết na cũng chẳng mang lại ích gì”.
2. Đức tin đưa chúng ta vào sự sống đời đời
Thứ hai, nhờ đức tin, sự sống đời đời đã khởi sự nơi chúng ta. Bởi vì sự sống đời đời chẳng là gì khác hơn là được nhận biết Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã nói: “Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật” (Ga 17,3). Sự nhận biết Thiên Chúa này bắt đầu trong chúng ta nhờ đức tin và được hoàn thành trong cuộc sống mai hậu, khi đó chúng ta sẽ nhận biết Ngài như là chính Ngài: “Đức tin là bảo đảm cho những điều chúng ta hy vọng” (Dt 11,2). Vì vậy, không ai có thể đạt được hạnh phúc Thiên đàng, tức là nhận biết đúng đắn về Thiên Chúa nếu không nhận biết Ngài trước bằng đức tin: “Phúc thay những ai không thấy mà tin”(Ga 20,29).
3. Đức tin hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống đời này
Thứ ba, đức tin điều khiển cuộc sống ở đời này. Thực vậy để sống cuộc đời lương thiện, người ta cần phải biết điều gì là cần thiết cho mình để có thể sống đức độ. Giả như phải dựa vào việc học hỏi để khám phá ra tất cả những gì cần thiết cho mục tiêu trên, thì e rằng họ sẽ không bao giờ khám phá ra được hoặc chỉ khám phá ra sau một thời gian rất dài. Nhưng đức tin dạy cho chúng ta biết đâu là những cái cần thiết để sống một cuộc sống lương thiện, bởi vì, nhờ đức tin chúng ta biết được rằng: có một Thiên Chúa là Đấng ban thưởng người lương thiện và trừng phạt kẻ độc ác; nhờ đức tin chúng ta biết được rằng: ngoài cuộc sống ở trần gian này còn có một cuộc sống khác nữa; và những chân lý khác đại loại như thế. Những chân lý này thúc bách chúng ta làm lành lánh dữ, như trong sách Kha-ba-cúc có viết: “Người công chính sẽ sống nhờ đức tin của mình” (Kb 2,6). Điều này cũng được biểu thị rõ qua sự kiện là trước khi Đức Giêsu đến thế gian, không một triết gia nào mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng không thể hiểu biết nhiều về Thiên Chúa hoặc về những phương tiện cần thiết để đạt được sự sống đời đời, bằng một bà già nhờ đức tin sau khi Đức Giêsu đến thế gian. Và vì thế, trong sách ngôn sứ Isaia có lời chép: “Trái đất tràn ngập sự hiểu biết Thiên Chúa” (Is 11,9).
4. Đức tin giúp chúng ta vượt qua những thử thách
Đức tin phát sinh lợi ích thứ bốn là sự chiến thắng những cơn cám dỗ, như thư gửi tín hữu Do thái đã tuyên bố: “Nhờ đức tin, các thánh đã chinh phục các nước”(Dt 11,33). Lý do là bởi vì tất cả những cám dỗ xuất phát từ ma qủy, từ thế gian hoặc từ xác thịt.
a. Ma qủy cám dỗ chúng ta không vâng phục Thiên Chúa và từ chối lệ thuộc vào Ngài. Thế nhưng, nhờ đức tin chúng ta lướt thắng được những cám dỗ này, bởi vì đức tin dạy chúng ta biết rằng, Thiên Chúa là Chúa tể của mọi loài thụ tạo, và điều này lý giải tại sao chúng ta phải tuân phục Ngài, như lời của thánh Phêrô nhắn nhủ “Ma qủy, thù địch của anh em… rảo quanh tìm mồi cắn xé, anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cư” (1Pr 5,8).
b. Thế gian cám dỗ chúng ta bằng những quyến rũ phú quý giàu sang hoặc làm cho chúng ta sợ hãi những rủi ro bất hạnh. Đức tin giúp chúng ta chiến thắng những cuộc tấn công này, bởi vì đức tin dạy cho chúng ta biết rằng có một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống đời này. Do đó, nhờ đức tin, chúng ta coi nhẹ những phú quý của thế gian này, và không sợ hãi những rủi ro bất hạnh, như thánh Gioan khẳng định: “Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1Ga 5,4). Đức tin cũng giúp chúng ta vượt thắng được những cám dỗ này khi dạy cho chúng ta biết rằng có những sự dữ tệ hơn nữa, đó là sự dữ của hỏa ngục.
c. Xác thịt cám dỗ chúng ta bằng cách quyến rũ chúng ta bám chấp vào những thú vui tạm bợ đời này. Nhưng đức tin dạy cho chúng ta biết rằng, nếu chúng ta tìm kiếm những thú vui này không đúng chỗ thì chúng ta sẽ đánh mất hạnh phúc đời đời, nên thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta “Hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin” (Ep 6,6). Vì lý do đó, chúng ta có thể kết luận rằng, có đức tin thật ích lợi biết bao.
B. Vấn nạn
Nhưng một người nào đó có thể vặn lại rằng: thật là phi lý khi tin vào những điều mắt không nhìn thấy; chúng ta không nên tin vào những điều mà mình không nhìn thấy.
Có thể đưa ra bốn câu trả lời cho vấn nạn này.
1. Vì trí khôn của chúng ta không hoàn bị
Giả như chúng ta có thể tự mình hiểu biết hoàn toàn tất cả mọi thứ hữu hình và vô hình, thì quả thật sẽ thật là ngớ ngẩn khi chúng ta tin vào những điều mà mắt không nhìn thấy. Tiếc rằng , trí khôn của chúng ta yếu ớt đến nỗi chưa bao giờ một triết gia nào có thể khám phá rốt ráo bản tính của dù chỉ là một con ruồi. Chúng ta đã từng được nghe rằng, có một học giả nào đó đã trải qua 30 năm sống trong nơi vắng vẻ chỉ để cố gắng tìm hiểu tập quá của loài ong. Vì vậy nếu trí khôn của chúng ta kém cỏi như thế thì khi tìm hiểu một chủ thể cao vời như là Thiên Chúathử hỏi, mà chỉ dừng lại ở những khái niệm sơ đẳng mà lý trí khám phá được, đó chẳng phải là điều ngu xuẩn đấy ư? Thực vậy chúng ta đang nói về Thiên Chúa là Đấng “cao cả huyền bí đối với khả năng chúng ta tìm hiểu, cũng như không tài nào đếm được những năm tháng của sự vĩnh cửu của Ngài” (G 36,26).
2. Vì sự hiểu biết của chúng ta có giới hạn
Còn một lý do khác nữa cũng lý giải cho chúng ta tại sao đức tin không ngu muội về mặt tri thức. Quả thật, giả như có một chuyên viên nào trong lãnh vực của mình bị một người quê mùa phản bác, thì bất cứ ai cũng cho rằng anh ta khùng. Xét rằng trí khôn của thiên thần thì vượt trên trí khôn của cả những triết gia vĩ đại nhất (còn xa hơn trí khôn của một triết gia so với khả năng của của một người ngu dốt vừa nói). Do đó, triết gia sẽ là một người ngu muội, nếu không tin vào những điều thiên thần nói, và càng ngu muội hơn nữa nếu không tin vào những điều Thiên Chúa mạc khải. Thực ra, điều này đã bị lên án qua những lời lẽ trong sách Huấn ca: “Con ơi, người ta đã chỉ cho con nhiều điều vượt quá trí hiểu của loài người” (Hc 3, 23).
3. Vì cuộc sống trần gian này hoàn toàn không thể có được nếu người ta chỉ tin vào những điều mắt thấy
Rõ ràng, làm sao người ta có thể sống mà không tin vào kinh nghiệm của người khác? Chẳng hạn như làm sao biết chắc chắn rằng mình là con của ông mà người ta nói là thân sinh của? Vì thế ta phải tin tưởng vào người khác trong những vấn đề mà sự hiểu biết bản thân không đạt đến. Nhất là chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng đáng tin hơn bất cứ ai khác. Vì thế kẻ nào không tin vào những chân lý mạc khải thì không chứng tỏ rằng mình thông minh, nhưng là người ngu muội và kiêu căng. Đối với những người này, thánh Tông đồ đã viết: “Kẻ nào không tin vào lời của Chúa là người kiêu căng, không biết gì cả” (1Tm 6,4). Về phần mình, ngài khẳng định: “Tôi biết tôi tin vào ai, và tôi không nghi ngờ gì” (2Tm 1,12). Trong sách Huấn ca cũng có lời chép: “Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy tin vào Người” (Hc 2,8).
4. Vì các phép lạ của Thiên Chúa chứng tỏ những điều đức tin dạy chúng ta là sự thật
Thật vậy, nếu một ông vua gửi một lá thư được chứng thực với dấu ấn của mình, thì sẽ chẳng ai dám nghi ngờ tính xác thực của lá thư này. Chúng ta cũng có thể nói tương tự về điều đang bàn. Những chân lý mà các thánh đã tin và truyền lại cho chúng ta thì đã được xác nhận bởi dấu ấn của Thiên Chúa là các phép lạ, tức là những công việc mà không một loài thụ tạo nào có thể thực hiện. Qua các phép lạ, Đức Giêsu đã chứng thực giáo lý của các tông đồ và các thánh.
Và nếu có ai nói rằng những phép lạ đó vượt quá kinh nghiệm bản thân của đa số loài người chúng ta, thì tôi xin trả lời rằng: toàn thể nhân loại thờ lạy những tà thần và ngược đãi Kitô giáo. Đây là một sự kiện chắc chắn mà các nguồn lịch sử dân ngoại đều nói. Thế mà giờ đây, chúng ta thấy rằng tất cả mọi người (khôn ngoan thông thái, quý tộc, giàu có, quyền lực, vĩ nhân) đã trở lại với đức tin Kitô giáo khi nghe vài người nghèo hèn đơn sơ rao giảng Tin mừng.
Sự kiện này có phải là một phép lạ không?
Nếu đúng là một phép lạ, thì bạn đã có được điều mà bạn đòi hỏi. Nếu bạn nói rằng, đó không phải là một phép lạ, thì tôi xin thưa với bạn rằng: không thể có một phép lạ nào lớn hơn là sự trở lại của toàn thể thế giới; và như thế chúng ta không phải tìm kiếm đâu xa nữa.
Tóm lại, không ai nên nghi ngờ về các chân lý đức tin; hơn thế nữa, chúng ta hãy tin những điều vượt ra ngoài khả năng nhìn thấy của chúng ta, bởi vì khả năng nhìn của con người có thể bị lầm lẫn, còn sự hiểu biết của Thiên Chúa thì không bao giờ có thể sai lầm.
————————
Chú thích
Đức tin có thể nhìn dưới hai khía cạnh: chủ thể và khách thể.
1/ Khía cạnh chủ the là thái độ, tâm trạng về phía con người. Thánh Tôma bàn rộng
về nhân đức tin trong bộ sách Summa Theologica, II-II, q.1-16
2/ Khía cạnh khách the là những chân lý đức tin. Thánh Tôma sẽ bàn tiếp trong những bài kế tiếp khi chú giải kinh Tin kính. Dĩ nhiên tất cả bộ sách Summa Theologica được soạn để trình bày những chân lý đức tin của Hội thánh. Thánh nhân còn viết một cuốn sách tóm lược những chân lý đức tin mang tựa đề Compendium theologiae, và một tập ngắn hơn nữa: De Articulis Fidei et Ecclesiae Sacramentis ad Archiepiscopum Panormitanum.
_ Trong tiếng Latinh, fides được hiểu về sự trung tín cũng như về đức tin.