Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Chay 12

Administrator
2024-03-15 00:36 UTC+7 25
TÔI TIN GIÁO HỘI THÁNH THIỆN CÔNG GIÁO  ========= Trước khi đọc bài giải thích của thánh Tôma về mục thứ 9 của Kinh Tin kính, xin nói đôi lời nhận xét về bản văn. 1/ Về bản văn Kinh Tin kính Trong kinh Tín biểu các thánh tông đồ, liền sau lời tuyên xưng […]

TÔI TIN GIÁO HỘI THÁNH THIỆN CÔNG GIÁO 

=========

Trước khi đọc bài giải thích của thánh Tôma về mục thứ 9 của Kinh Tin kính, xin nói đôi lời nhận xét về bản văn.

1/ Về bản văn Kinh Tin kính

Trong kinh Tín biểu các thánh tông đồ, liền sau lời tuyên xưng về Chúa Thánh Thần là lời tuyên xưng về Hội thánh, theo bản dịch tiếng Việt là: “Tôi tin Hội thánh hằng có ở khắp thế này”.

Nên lưu ý là cùng một từ ngữ trong các tiếng Au châu (ecclesia tiếng Latinh, église tiếng Pháp, church tiếng Anh) được dịch ra nhiều từ trong tiếng Việt: “Hội thánh” – “Giáo hội” – “giáo đoàn” (như vậy các danh từ này đồng nghĩa), hoặc cũng có nghĩa là “nhà thờ, thánh đường”.

Ngoài ra, khi đối chiếu với nguyên bản Latinh, ta thấy có đôi ba chỗ khác biệt:

a) Nguyên bản không có “tôi tin”. Động từ “Tôi tin” chỉ được nói một lần, đặt ở đầu vế thứ ba chứ không lặp lại ở mỗi mục: “Credo in Spiritum sanctum, sanctam Ecclesiam catholicam…”. Thực ra, thánh Augustinô đã phân biệt giữa hai cấp độ tin:

– đối với Chúa Thánh Thần thì nói: Credo in Spiritum (tôi “tin kính”);

– đối với Hội thánh thì chỉ là: Credo ecclesiam (tôi tin “có” Hội thánh).

b) Có hai tính từ đi kèm theo “Giáo hội”, đó là: sancta (thánh thiện) và catholica (phổ quát).

– “thánh thiện”: đây không phải là sự thánh thiện của các phần tử Giáo hội, nhưng là sự thánh thiện nhờ được kết hợp với Thiên Chúa, nhờ ơn Ngài tuyển chọn. Tư tưởng này không hoàn toàn mới mẻ, bởi vì dân Israel đã được gọi là “dân tộc thánh” (Xh 19,6; Đnl 7,6; 26,19). Đặc tính này được thánh Phêrô áp dụng cho dân mới của Thiên Chúa (1Pr 2,9). Tuy nhiên, vào thế kỷ II và III, bởi vì có những giáo phái tự nhận mình là thánh thiện và chê Giáo hội là chứa chấp những kẻ tội lỗi, cho nên các giáo phụ đã nhấn mạnh đặc tính “thánh thiện”, để nói rằng chỉ trong Giáo hội mà chúng ta mới tìm thấy ơn cứu độ và sự thánh thiện do Chúa Thánh Thần ban.

– “phổ quát”; theo nguyên gốc Hy lạp, catholica có nghĩa là tổng quát hoặc phổ quát. Vào thời các giáo phụ, đặc tính này được gán cho Giáo hội nhằm chống lại các lạc giáo hoặc ly giáo, bởi vì những nhóm này chỉ hoạt động trong một vài địa phương đang khi Giáo hội hiện diện khắp nơi.

2/ Chú giải của thánh Tôma

– Dựa theo tín biểu của công đồng Constantinopolis I, thánh Tôma kê ra bốn đặc trưng của Giáo hội: “duy nhất, thánh thiện, phổ quát, tông truyền”. Như vậy là thêm hai đặc tính nữa: “một” (una) và “tông đồ” (apostolica). Tính “duy nhất” (một) đã được nhắc đến trong Tân ước. Tính tông đồ được các giáo phụ (chẳng hạn như thánh Irênêô) thêm vào để chống các nhóm ngộ giáo. Nhóm này chủ trương rằng chân lý được truyền thụ nhờ sự khai quang của các bậc danh sư đã ngộ đạo; đối lại, các giáo phụ khẳng định rằng chân lý đức tin được truyền thụ qua những giám mục kế vị các thánh tông đồ.

– Thánh Tôma mở đầu bài giáo lý với việc móc nối tín điều về Hội thánh với tín điều về Chúa Thánh Thần bằng cách so sánh mối liên hệ giữa linh hồn với thân xác: Thánh Thần là linh hồn, nguyên ủy mang lại sự sống và sự hợp nhất cho các phần tử của thân thể.

– “Giáo hội” ám chỉ trước hết “cộng đoàn các tín hữu” (congregatio fidelium). Ý nghĩa này sát với nguyên ngữ Hy-lạp của Tân ước: ekklesia có nghĩa là sự tập hợp, quy tụ một cộng đoàn để nghe lời Chúa. Chính ở điểm này mà Giáo hội khác với các cộng đồng, hiệp hội, xã hội khác.

– Thánh Tôma thường nêu ra ba lý do để giải thích đặc tính “duy nhất”, “thánh thiện”, “phổ quát”. Đặc tính “vững bền” (thay vì tông đồ) được giải thích theo hai nghĩa, nhưng nghĩa thứ hai cũng có ba lý do; chính nguồn gốc “tông đồ” mang lại cho Giáo hội tính “vững bền”.

———

Tôi tin Giáo hội Công giáo, Thánh thiện

Chúng ta biết rằng ở nơi con người có một linh hồn và một thân xác; thân xác lại có nhiều bộ phận. Cũng vậy, Giáo hội Công giáo là một thân thể với nhiều bộ phận khác nhau, nhưng chính Chúa Thánh Thần là linh hồn làm cho thân xác được sống động. Do đó, sau khi tuyên xưng đức tin vào Chúa Thánh Thần, chúng ta được mời gọi tuyên xưng vào Giáo hội thánh thiện công giáo, như tín biểu đã dạy.

Nên biết rằng “Giáo hội” có nghĩa là cộng đoàn. Vì thế Hội thánh là cộng đoàn các tín hữu và mỗi Kitô hữu giống như phần tử của Hội thánh được nói đến trong sách Huấn ca (51,23): “Hỡi những người thất học, hãy tập họp lại trong ngôi nhà giáo huấn”. Hội thánh ấy có bốn đặc điểm, đó là: duy nhất, thánh thiện, công giáo và bền vững (tông truyền).

I. Duy nhất

Trước hết, chúng ta xác tín rằng Giáo hội là một. Mặc dù các lạc thuyết đã sáng lập các giáo phái khác nhau nhưng họ không thuộc về Giáo hội bởi vì họ bị chia rẽ thành nhiều phần. Còn Giáo hội là một, như sách Diễm ca (6,8) đã thốt lên: “Bồ câu của tôi là duy nhất, là duy nhất nhưng lại hoàn hảo”. Có ba nguyên nhân tạo ra sự duy nhất của Giáo hội:

(1) Sự duy nhất của đức tin. Thật vậy, tất cả các Ki-tô hữu đều là chi thể của một thân thể Giáo hội, đều tin vào những chân lý như nhau. Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Corintô (1Cr 1,10): “Tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em”, và với các tín hữu Êphêsô: “Một Thiên Chúa, một đức tin và một phép rửa”.

(2) Sự duy nhất của đức cậy. Tất cả các Kitô hữu được củng cố trong một niềm hy vọng sẽ đạt đến sự sống đời đời. Do đó, thánh Tông đồ đã nói cho các tín hữu Ephêsô (4,4): Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” .

(3) Sự duy nhất trong đức ái. Tất cả các tín hữu được nối kết với nhau trong tình yêu Thiên Chúa và trong tình yêu đối với nhau. Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22). Tình yêu này, nếu là chân thật, sẽ diễn tả qua việc quan tâm với nhau và thông cảm với nhau, như thánh tông đồ đã viết: “Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,15-16). Do đó, mỗi người phải dùng ân huệ Thiên Chúa ban cho để phục vụ lẫn nhau. Không một ai được phép thờ ơ hoặc tỏ vẻ thờ ơ đối với Giáo hội, cũng như không được phép để cho mình bị loại trừ hoặc xua đuổi ra khỏi Giáo hội, bởi vì chỉ có một Giáo hội mà trong đó mọi người được cứu; cũng tương tự như không ai ở ngoài tàu ông Noê mà có thể được cứu vớt.

II. Thánh thiện

Về đặc điểm thứ hai là sự thánh thiện, chúng ta biết rằng  có một Giáo hội[1] khác nữa, gồm bởi những kẻ bất lương; đó là đám người được thánh vịnh nói đến: “Tôi hằng gớm ghét cộng đoàn bè lũ vô lương” (Tv 25,5). Đó là cộng đoàn xấu xa, còn Giáo hội của Đức Kitô thì thánh thiện. Thánh Tông đồ viết cho các tín hữu Corintô (1Cr 3,17): “Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,17). Vì vậy chúng ta tuyên xưng “Tôi tin Giáo hội thánh thiện”.

Các tín hữu của cộng đoàn thánh này được nên thánh nhờ bốn điều sau đây: máu thánh Chúa Giêsu, ân sủng Chúa Thánh Thần, Chúa Ba Ngôi ngự trị và việc kêu cầu Thiên Chúa.

(1) Thứ nhất, cũng như trong nghi thức cung hiến,  thánh đường[2] được rửa sạch theo nghĩa thể lý, thì các tín hữu cũng được tẩy sạch trong máu Đức Kitô: Đức Giêsu Ki-tô đã yêu thương chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta” (Kh 1,5). Và thư gửi Hipri (13,12) đã viết: “Đức Giêsu đã chịu khổ hình ngoài cửa thành, lấy máu mình mà thánh hóa toàn dân”.

(2) Thứ hai, cũng như trong nghi thức cung hiến, thánh đường được xức dầu, thì các tín hữu cũng được xức dầu trong linh hồn để được thánh hóa. Nếu không thì họ không phải là Kitô hữu, bởi  vì “Kitô” có nghĩa là “được xức dầu”. Dầu thánh ấy là ân huệ của Chúa Thánh Thần như thánh Phaolô viết: Đấng xức dầu cho chúng ta là Thiên Chúa” (2Cr 1,21); và: “Anh em đã được thánh hóa, trong danh Chúa Giêsu Kitô” (1Cr 6,11).

(3) Các tín hữu được nên thánh nhờ Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ trong họ. Bởi vì bất cứ nơi nào Thiên Chúa cư ngụ thì chỗ đó là thánh. Vì thế ông Giacob đã thốt lên: “quả thật đây là nơi thánh” (St 28,16). Vịnh gia thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, nơi đền vàng rực lên toàn thánh thiện” (Tv 92,5).

(4) Cuối cùng, các tín hữu được thánh hóa nhờ việc cầu khẩn Thiên Chúa. Thực vậy, ngôn sứ Giêrêmia thưa với Chúa: Lạy Đức Chúa, Ngài ngự giữa chúng con; chúng con được mang danh Ngài” (Gr 14,9).

Bởi vì linh hồn chúng ta đã được thánh hóa cho nên chúng ta phải cẩn thận đừng để cho đền thờ của Thiên Chúa bị hoen ố do tội lỗi. Thánh Tông đồ đã viết: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy” (1Cr 3,16-17).

III. Công giáo

Đặc tính thứ ba của Giáo hội là Công giáo, nghĩa là phổ quát.

(1) Thứ nhất, phổ quát xét về nơi chốn vì Giáo hội bành trước khắp thế giới, chứ không như lạc thuyết Đônatô[3] lầm tưởng. Giáo hội là một cộng đoàn của các tín hữu và các tín hữu thì ở khắp nơi trên thế giới, vì thế Giáo hội cũng ở khắp nơi trên thế giới. Thánh Phaol ô viết cho tín hữu Rooma (1,8): “Trong khắp hoàn cầu, ai ai cũng đều nói đến lòng tin của anh em” (Rm 1,8). Và Chúa Giesu trước khi lên trời đã nói với các tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Thực vậy, ngày xưa Thiên Chúa chỉ được biết đến tại vùng Giuđê, còn ngày nay, Ngài đã được biết đến trên toàn thế giới. Giáo hội gồm có ba thành phần, một phần ở trên mặt đất này, một phần ở trên trời và phần còn lại ở trong nơi luyện tội.

(2) Thứ đến, Giáo hội là phổ quát xét về điều kiện của những con người làm phần tử, bởi vì không ai bị loại trừ, dù là nô lệ hay chủ nhân, đàn ông hay đàn bà, như thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Galat (3,28): “Không còn chuyện phân biệt nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả anh em là một trong Đức Giêsu Kitô”.

(3) Thứ ba, Giáo hội là phổ quát xét về thời gian. Đã có người cho rằng Giáo hội chỉ tồn tại trong một thời gian nào đó thôi. Đó là một sai lầm bởi vì Giáo hội đã bắt đầu từ thời ông Abel và sẽ tồn tại cho đến tận cùng, như Chúa Giêsu đã hứa: Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Hơn thế nữa, ngay cả sau khi tận thế, Giáo hội sẽ tiếp tục tồn tại ở trên thiên đàng.

IV. Vững bền

Đặc tính thứ bốn của  Giáo hội là vững bền.

(1) Một ngôi nhà được coi là bền vững nếu nó dựa trên một nền móng vững chắc. Nền tảng căn bản của Giáo hội là Đức Ki-tô, như thánh Phaolô quả quyết: “Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giê-su Ki-tô” (1Cr 3,11). Ngoài ra nó còn dựa trên nền tảng thứ hai là các Tông đồ và lời dạy của các ngài. Do vậy, Giáo hội bền vững chắc chắn như sách Khải huyền đã nói: tường thành có “mười hai nền móng” và trên đó “viết tên mười hai Tông đồ” (Kh 21,14). Vì thế Giáo hội được gọi là tông truyền, và thánh Phêrô được chỉ định làm đá tảng để ám chỉ sự bền vững của Giáo hội.

(2) Một ngôi nhà cũng được coi là bền vững khi nó không bị lung lay trước những lay động. Thế nhưng không bị sụp đổ,

a- dù là bởi những kẻ bách hại. Ngược lại, trong thời kỳ bị bách hại, Giáo hội được tiến triển, đang khi những kẻ bách hại hoặc chống Giáo hôi thì đã quỵ ngã, đúng như lời của Chúa Giêsu: Ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương ; đá này rơi trúng ai, sẽ làm người ấy nát thịt” (Mt 21,44);

b- dù là bởi những lạc thuyết. Ngược lại, các lạc thuyết càng tăng thì càng có dịp để làm sáng tỏ chân lý hơn. Thánh Tông đồ viết: “(Các lạc giáo) chống đối chân lý là những con người sa sút trong cách phán đoán, lệch lạc trong lòng tin;  nhưng họ không tiến xa bởi vì mọi người nhận thấy sự điên rồ của họ” (2Tm 3,8).

c- dù là bởi những cơn tấn công của ma quỷ. Thật vậy, tựa như một cái tháp, Giáo hội trở nên một nơi ẩn trú rất kiên cố cho những ai chống lại quân thù, cũng giống như thánh danh Chúa, như sách Châm ngôn đã viết: “Danh thánh Chúa như tháp kiên cố (Cn 18,10). Vì thế ma quỷ dồn hết nỗ lực để phá hủy Giáo hội, nhưng nó không tài nào thắng được, bởi vì Chúa đã hứa rằng: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi Giáo hội” (Mt 16,18). Ra như Người muốn nói: “Chúng sẽ chống lại anh nhưng chúng sẽ không thể thắng được anh” (Gr 15,20). Vì thế chúng ta hiểu được vì sao chỉ có Giáo hội của Phêrô (người được các môn đệ cử đi rao giảng tin mừng ở Italia) luôn luôn đứng vững trong đức tin, đang khi những nơi khác thì hoặc là chưa có đức tin hoặc là đức tin pha lẫn nhiều sai lầm. Giáo hội của Phêrô thì phát triển trong đức tin và thoát khỏi những sai lầm. Chẳng có gì phải ngạc nhiên về điều ấy bởi vì Chúa Giêsu đã nói với ông Phêrô rằng: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32).

—————————–

[1] Nguyên ngữ Hy lạp ekklesia ám chỉ một cuộc tụ họp (hội nghị, đại hội); vì thế có thể ám chỉ “Hội thánh” cũng như “cộng đoàn”, “hội đường” những kẻ bất lương.

[2]Như đã nói trên đây, ecclesia (église, church) vừa có nghĩa là Hội thánh (Giáo hội) vừa có nghĩa là Nhà Thờ (thánh đường). Trong Tân ước, vào lúc đầu ecclesia ám chỉ cộng đoàn họp nhau để nghe Lời Chúa (Hội thánh), về sau mới ám chỉ nơi mà cộng đoàn tụ họp (domus ecclesiae).

[3] Giám mục Đônatô,  giám mục thế kỷ IV (đương thời với thánh Augustinô), ly khai khỏi Giáo hội vì chủ trương khắc khổ của ông.

Chia sẻ