Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Giáng Sinh 52
Ngày 18 tháng 1
ĐỜI SỐNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ
I
Đối với đời sống chiêm niệm, thì cảnh cô tịch là điều rất thích hợp. Ngôn sứ Hôsê viết: “Ta sẽ dẫn vào hoang địa, ta sẽ tâm sự với nó” (Hs 2,14). Chính vì thế, tự nó, đời sống chiêm niệm cao hơn đời sống hoạt động bởi vì hoạt động chỉ liên quan đến các hành động thể xác. Tuy nhiên đời sống hoạt động mà nhắm tới việc trao cho tha nhân, nhờ việc giảng dạy các chân lý đã được chiêm niệm, thì hoàn bị hơn là đời sống chiêm niệm thuần túy, bởi vì nó giải thiết một sự chiêm niệm sung mãn. Đó chính là hình thức đời sống hoạt động mà Đức Kitô đã lựa chọn.
II
Tuy vậy, đôi khi Chúa Giêsu đã chọn những nơi cô tịch, xa tránh đấm đông. Thánh Rêmi nhận xét như sau: “Chúa chọn ba chỗ ẩn náu: một chiếc thuyền, núi, hoang địa; mỗi khi thấy bị đám đông chèn ép, Chúa đến một trong ba chỗ ấy”.
Điều mà Đức Kitô đã thực hiện thì Người cũng muốn chúng ta bắt chước. Vì thế đôi khi Chúa rút lui khỏi đám đông, đó là vì muốn nêu gương cho các nhà giảng thuyết đừng lúc nào cũng xuất hiện trước mặt công chúng. Ta có thể tìm thấy ba lý do của cách cư xử như vậy.
1) Đức Kitô muốn cho ta nghỉ ngơi về thể xác. Theo thánh Marcô, Người nói với các môn đệ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. – Marcô viết tiếp – Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa” (Mc 6,31).
2) Đức Kitô rút lui để cầu nguyện. Thánh Luca viết: “Hồi ấy, Đức Giêsu rút lên núi để cầu nguyện, Người trải qua suốt đêm cầu nguyện với Thiên Chúa” (Lc 6,12). Thánh Ambrosiô nói: “Qua tấm gương của mình, Người dạy chúng ta những chỉ thị về nhân đức”.
3) Sau cùng, Đức Kitô dạy chúng ta hãy trốn tránh tiếng tăm quần chúng. Vì thế, khi bình luận đoạn văn của Matthêu “Khi thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi” thì thánh Gioan Kim Khẩu viết: : “Khi rao giảng, không phải là ở chốn thị thành hay nơi quảng trường nhưng ở trên núi và nơi hoang địa, Đức Kitô đã dạy chúng ta đừng làm việc để khoe khoang, hãy tránh xa tiếng ồn ào, đặc biệt là khi phải đề cập đến điều cần thiết cho ơn cứu độ.”
(ST III, q. 40, a. 1, 2 et ad 3m)