Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Giáng Sinh 53

Administrator
2024-01-19 00:59 UTC+7 25
Ngày 19 tháng 1 ĐỨC KITÔ KHÔNG NÊN SỐNG CUỘC ĐỜI KHẮC KHỔ Con Người đến, cũng ăn cũng uống (Mt 11,19) Chúng ta đã nói là mục tiêu của việc Nhập thể đòi hỏi Đức Kitô không sống cuộc đời cô tịch, nhưng sống giữa loài người. Thế nhưng phàm ai sống với người […]

Ngày 19 tháng 1

ĐỨC KITÔ KHÔNG NÊN SỐNG CUỘC ĐỜI KHẮC KHỔ

Con Người đến, cũng ăn cũng uống (Mt 11,19)

Chúng ta đã nói là mục tiêu của việc Nhập thể đòi hỏi Đức Kitô không sống cuộc đời cô tịch, nhưng sống giữa loài người. Thế nhưng phàm ai sống với người khác thì thì cũng phải hòa đồng với nếp sống của họ, như thánh Phaolô đã  viết cho các tín hữu Côrintô: Tôi trở nên tất cả cho mọi người (1 Cr 9,22). Đó là lý do thích hợp để Đức Kitô hòa mình với cách ăn uống thông thường. Trong sách chống lại Faustus, thánh Augustinô viết: “Người ta nói về ông Gioan rằng ông không ăn không uống bởi vì ông không ăn uống giống người Do thái. Nhưng nếu Đức Giêsu không làm giống như họ thì, khi so sánh với ông Gioan, chắc người ta không nói về Người, rằng Người cũng ăn cũng uống”.

Trong lối sống của mình, Đức Kitô đã để lại mẫu gương về sự trọn lành, trong tất cả những gì liên quan trực tiếp đến sự cứu độ. Việc kiêng cữ ăn uống không liên quan trực tiếp đến sự cứu độ, như thánh Phaolô đã nói: “Vương quốc Thiên Chúa không hệ tại chuyện ăn uống” (Rm 14,17).

Trong sách giải thích Tin mừng, thánh Augustinô cắt nghĩa đoạn văn Matthêu 11,18 (Đức khôn ngoan được chứng minh bằng hành động) thế này: Các thánh Tông đồ đã hiểu rằng vương quốc Thiên Chúa không hệ tại việc ăn uống, nhưng là tâm hồn thản nhiên, khi sung túc thì không tự mãn, lúc đói kém cũng không suy sụp”. Trong quyển thứ ba về Đạo lý Kitô giáo, thánh nhân còn viết: “Trong tất cả mọi việc như vậy, không phải là việc sử dụng nhưng là lòng ao ước của người sử dụng mới có thể măc lỗi”. Thế nhưng, có thể được phép và đáng khen như nhau, dù là kiêng cữ bằng cách tách biệt khỏi đám đông, hay là hòa đồng vào đời sống chung với người đời. Chúa Giêsu đã nêu gương sáng trong cả hai lối sống. Thánh Gioan Kim khẩu nhận xét: “Trong khi ông Gioan chỉ phục vụ bằng đời sống và đức công chính của mình, thì Chúa Giêsu còn có chứng tá của các phép lạ. Tuy vẫn ca ngợi ông Gioan về sự kiêng khem, nhưng Người có lối sống trái ngược: Người đã ngồi bàn với các người thu thuế, ăn uống với họ”. Thánh tiến sĩ nói tiếp: “Nếu Đức Kitô đã giữ chay, đó là vì muốn cho ta học biết ích lợi của việc chay tịnh, như là khiên thuẫn chống lại ma quỷ, cũng như là sau khi chịu phép rửa thì cần phải giữ chay tịnh, thay vì lối sống vô độ. Đức Kitô giữ chay tịnh không phải vì cần thiết nhưng là để dạy dỗ chúng ta. Sự chay tịnh của Người không vượt quá sự chay tịnh củg ông Môsê và ông Êlia, kẻo người ta nghĩ rằng Người đã không mặc lấy thân xác con người.

Tuy nhiên, không phải là không có lý do khi Đức Giêsu, sau khi đã chay tịnh trong hoang địa, đã trở lại lối sống bình thường. Thực vậy, đó chẳng phải là một bổn phận của những kẻ có trách nhiệm phải truyền đạt cho người khác những chân lý mà mình đã chiêm niệm sao? Phải chăng Đức Kitô đã chẳng chu toàn toàn bổn phận ấy sao? Vì thế sau khi đã chiêm niệm, Người bước sang lãnh vực hoạt động, bằng cách sống với những người khác. Thánh Bêđa viết: “Đức Kitô đã giữ chay tịnh ngõ hầu bạn đừng vi phạm luật truyền; nhưng người đã ăn uống với các tội nhân, ngõ hầu bạn nhận ra quyền năng của Người khi thấy sự nhân lành của Người”.

(ST. III, q. 40, a. 2)

Chia sẻ