Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Giáng Sinh 54

Administrator
2024-01-20 00:01 UTC+7 24
Ngày 20 tháng 1 ĐỨC KITÔ SỐNG ĐỜI NGHÈO KHÓ Tin mừng Matthêu viết: “Con Người không có chỗ dựa đầu” (Mt 8,20), ra như Chúa Giêsu muốn nói, theo lời thánh Giêrônimô: “Tại sao các anh muốn đi theo tôi vì tài sản và lợi lộc thế gian, đang khi tôi sống rất nghèo […]

Ngày 20 tháng 1

ĐỨC KITÔ SỐNG ĐỜI NGHÈO KHÓ

Tin mừng Matthêu viết: “Con Người không có chỗ dựa đầu” (Mt 8,20), ra như Chúa Giêsu muốn nói, theo lời thánh Giêrônimô: “Tại sao các anh muốn đi theo tôi vì tài sản và lợi lộc thế gian, đang khi tôi sống rất nghèo khó, đến nỗi không có nhà, không nơi nương tựa”. Còn khi chú giải đoạn văn Mt 17,27 (Để khỏi làm gai mắt họ, anh hãy biển thả câu vv), thánh Giêrônimô nói tiếp: “Câu nói đơn sơ này khiến độc giả khâm phục, khi biết rằng Chúa Giêsu nghèo đến nỗi không có tiền trả thuế cho mình và các tông đồ”.

I

Có bốn lý do cho thấy cuộc sống khó nghèo là thích hợp với Đức Kitô.

1) Đầu tiên, bởi vì điều này phù hợp với nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng là mục tiêu mà Người đến thế gian. Đức Giêsu nói: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38). Thế nhưng, để người giảng Lời Chúa có thể dành trọn thời gian cho việc rao giảng thì họ phải hoàn toàn tự do khỏi việc lo lắng những của cải trần thế. Đây là điều không thể được với những người sở hữu nhiều của cải. Vì thế, khi sai các Tông Đồ đi rao giảng, Chúa đã nói với họ: “Đừng mang theo vàng bạc” (Mt 10,9). Rồi chính các thánh Tông Đồ cũng nói về mình: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải” (Cv 6,2).

2) Thứ hai, cũng như Đức Kitô đã đảm nhận cái chết thể xác ngõ hầu chúng ta được hưởng sự sống tinh thần thế nào, thì Người cũng lãnh nhận sự nghèo khó nơi thân xác để cho chúng ta được giàu sang về tinh thần như vậy. Đây là điều được viết trong thư Côrintô: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9).

3) Thứ ba, giả như Đức Kitô giàu có, người ta sẽ cho rằng Người giảng vì tham lam của cải. Vì thế, thánh Giêrônimô đã giải thích đoạn Mt 10,9 như sau: “Nếu các Tông Đồ sở hữu nhiều của cải, họ dường như sẽ chỉ rao giảng để kiếm tiền, chứ không phải vì cứu độ nhân loại”. Lý do này cũng được áp dụng cho Đức Kitô.

4) Thứ bốn, Người càng xem ra thấp kém do sự nghèo khó của mình bao nhiêu thì quyền năng Thần tính của Người càng được tỏ lộ bấy nhiêu. Vì thế, trong bản văn của Công Đồng Ephêsô chúng ta đã đọc thấy như sau: “Đức Kitô đã chọn lấy tất cả sự nghèo khổ và tầm thường, tất cả những gì hèn hạ và kín đáo, để chúng ta có thể nhận thấy rằng chính Thần tính của Người đã biến đổi toàn thể thế giới. Vì lý do ấy, Người đã chọn một người mẹ nghèo khó, một xứ sở thấp kém và sống trong cảnh thiếu thốn. Máng cỏ dạy chúng ta tất cả những điều ấy.”

(ST III, q. 60, a. 3)

II

Sẽ không thích hợp nếu Ngôi Lời Nhập Thể sống trên đời này trong cảnh giàu sang, với chức cao quyền trọng.

1) Bởi vì Người đã đến để lôi kéo con người khỏi bám víu vào vật chất và hướng họ đến những điều thánh thiêng. Vì thế, qua tấm gương của mình, Đức Kitô huấn luyện con người biết khinh chê tài sản và của cải phù vân, để sống cảnh đạm bạc và không xa hoa.

2) Hơn nữa, giả như Đức Kitô sống trong cảnh giàu có và chức trọng quyền cao, thì những gì Người thực hiện nhờ quyền năng thần linh sẽ được gán cho thế lực trần thế gian hơn là cho do sức mạnh Thần tính. Thế nên, một lập luận mạnh mẽ nhất cho Thần tính của Người là, cho dù không sử dụng bất kỳ quyền lực trần thế nào, Đức Kitô vẫn đã canh tân thế giới.

(Contra Gentiles, lib. IV, c. 54)

Chia sẻ