Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Giáng Sinh 55

Administrator
2024-01-21 00:02 UTC+7 7
Ngày 21 tháng 1 ĐỨC KITÔ TUÂN GIỮ LỀ LUẬT Chính Đức Kitô đã tuyên bố: “Đừng tưởng rằng Thầy đến để bãi bỏ Lề luật và các Ngôn sứ (Mt 5,17)”. Thánh Gioan Kim Khẩu chú giải như sau: “Người đã kiện toàn Lề Luật: a) bằng cách không vi phạm một mệnh lệnh […]

Ngày 21 tháng 1

ĐỨC KITÔ TUÂN GIỮ LỀ LUẬT

Chính Đức Kitô đã tuyên bố: “Đừng tưởng rằng Thầy đến để bãi bỏ Lề luật và các Ngôn sứ (Mt 5,17)”. Thánh Gioan Kim Khẩu chú giải như sau: “Người đã kiện toàn Lề Luật: a) bằng cách không vi phạm một mệnh lệnh nào của Lề Luật; b) bằng cách làm cho chúng ta nên công chính nhờ đức tin, điều mà Lề Luật không làm được.”

Trong mọi sự, Đức Kitô đã luôn hành động phù hợp những mệnh lệnh của Lề Luật. Bằng chứng là Người muốn được cắt bì;  cắt bì chẳng phải là lời tuyên bố công khai rằng mình sẽ chu toàn Lề Luật đấy ư? Thánh Phaolô viết trong thư Galat: “Tôi xin khẳng định với bất cứ ai chịu phép cắt bì, là người ấy mắc nợ phải giữ trọn vẹn Lề Luật” (Gl 5,3).

Đức Kitô muốn sống theo Lề Luật là vì: 1) để cho thấy Người chấp nhận Luật Cũ; 2) để khi giữ Luật, Người mới có thể kiện toàn Luật và đưa nó đạt tới cứu cánh nơi chính bản thân Người, nhờ vậy, Người chứng tỏ rằng Luật quy hướng về Người; 3) để những người Do Thái không còn cớ mà vu khống; 4) để giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ của Luật, như thánh Phaolô nói trong thư Galat (4,4): “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật.”

Khi Đức Kitô đã chữa lành một bệnh nhân trong ngày Sabat, Người đã biện minh cho hành động của mình bằng ba cách:

1) Trước hết, giới răn thánh hóa ngày Sabat không cấm làm các công việc của Chúa, mà chỉ cấm làm những công việc của con người. Thật vậy, mặc dù vào ngày Sabat Thiên Chúa đã ngưng công cuộc tạo dựng, nhưng Ngài đã chẳng tiếp tục làm việc đấy ư, để bảo tồn và cai quản vạn vật đấy ư? Thế nhưng, các phép lạ của Đức Kitô là những công việc của Thiên Chúa, như Người đã tuyên bố: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, và tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

2) Giới răn này không cấm làm các công việc cần cho sự cứu vớt, kể cả về thể xác. Thế nên, Người nói (Lc 13,15): “Chẳng lẽ ngày Sabat, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Và Người thêm: “Ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay vào ngày Sabat?” Thế nhưng, đã rõ là những phép lạ của Đức Kitô nhắm tới sự cứu vớt cả về thân xác lẫn về linh hồn.

3) Giới răn này không cấm làm những công việc liên quan tới việc thờ phượng Thiên Chúa. Do đó, Đức Kitô mới nói (Mt 12,5): “Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày Sabat, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật Sabat mà không mắc tội đó sao?” Giờ đây, khi Đức Kitô truyền cho người bại liệt vác chõng của mình vào ngày Sabat, thì hành vi này thuộc về việc thờ phượng Thiên Chúa, tức là nhắm để tán dương quyền năng Thiên Chúa. Thế nên, Người rõ ràng không phạm luật Sabat; mặc dầu người Do Thái lại vu cáo Người rằng: “Tên này không phải là Thiên Chúa, vì hắn không giữ ngày Sabat” (Ga 9,16). Trên thực tế, theo Tin mừng Gioan (7,23), chính người Do thái cũng thi hành lễ cắt bì vào ngày Sabat.

(ST III, q. 40, a. 4)

Chia sẻ