Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Giáng Sinh 56
Ngày 22 tháng 1
ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG VÀ VÂNG PHỤC CỦA ĐỨC KITÔ
“Người đã tự hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8)
I
Nhằm để lại cho chúng ta mẫu gương về đức khiêm nhường, Đức Kitô đã muốn chịu khổ hình thập giá. Thực ra, khiêm nhường không phải là đức tính có ở nơi Thiên Chúa; bởi vì đức khiêm nhường cốt ở việc một người sống đúng vị trí của mình, không cố đạt cho được những điều quá sức của mình, và quy phục thẩm quyền cao hơn. Do đó, rõ ràng là đức khiêm nhường không có ở nơi Thiên Chúa, Đấng vượt trên tất cả mọi vật và không bị thẩm quyền nào chi phối. Tuy nhiên, nếu đôi khi một người khiêm nhường tùng phục một người ngang bằng hoặc thấp hơn mình là bởi vì họ coi người này ở trên mình.
Mặc dầu đức khiêm nhường không phù hợp với Đức Kitô xét theo bản tính Thiên Chúa, nhưng nhân đức tính này lại phù hợp với Đức Kitô theo bản tính nhân loại. Và đức khiêm nhường của Người càng đáng được ca ngợi hơn nữa vì Người mang bản tính Thiên Chúa. Quả vậy, phẩm giá của một nhân vật càng làm tăng thêm đức khiêm nhường của họ, chẳng hạn như trường hợp một vĩ nhân buộc phải chịu đựng sự xúc phạm. Vì không phàm nhân nào cao trọng hơn Đấng là Thiên Chúa; nên sự khiêm nhường của Con Người vốn là Thiên Chúa đáng được ca ngợi hơn cả, bởi vì Người đã chấp nhận chịu những sỉ nhục nhằm cứu độ con người. Do tính kiêu ngạo, con người chỉ biết ham mê vinh quang trần thế. Chính vì muốn cho con người dứt bỏ ham mê vinh quang để yêu mến vinh quang Thiên Chúa, nên Người sẵn lòng chịu chết, không phải là bất cứ cái chết nào, nhưng là cái chết tủi nhục nhất. Thực vậy, có những người không sợ chết, nhưng lại ghê tởm một cái chết ô nhục. Nhưng Đức Kitô đã muốn để lại một tấm gương để khuyến khích con người hãy khinh thường ngay cả cái chết ô nhục.
II
Theo giáo lý của thánh Phaolô, Con Thiên Chúa Nhập Thể đã chịu chết vì tuân theo mệnh lệnh Cha của Người. Thiên Chúa đã ra lệnh cho con người phải thực hành nhân đức. Ta càng thực hành nhân đức cách trọn hảo thì càng tuân hành lệnh của Thiên Chúa. Trong các nhân đức, cao cả nhất là đức yêu mến, vì tất các nhân đức khác đều quy về đó. Bởi vậy, khi chu toàn đức yêu mến, Đức Kitô cho thấy Người là Đấng vâng phục Thiên Chúa trọn hảo nhất; bời vì không có hành vi yêu mến nào cao cả hơn là chết vì tình yêu, như chính Chúa chúng ta đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Do đó, khi chịu chết để cứu độ con người và để làm vinh quang Thiên Chúa Cha, Đức Kitô đã thực hiện một hành vi yêu mến trọn hảo, và cho thấy Người vâng phục Thiên Chúa cách hoàn hảo nhất.
(Contra Gentiles, lib. IV, c. 55)