Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Giáng Sinh 57
Ngày 23 tháng 1
CUỘC ĐÍNH HÔN CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA
[Chú thích của người dịch. Từ thế kỷ XV, do sáng kiến của cha Jean Gerson (+1429), một vài nơi và dòng tu mừng lễ đính hôn của Đức Maria vào ngày 23/1. Tuy nhiên lễ này không được ghi vào lịch phổ quát của Giáo hội]
“Sau đây là gốc tích Đức Kitô: bà Maria, Mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse, nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,18), và “Thiên Thần Gabriel được sai đến gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse” (Lc 1,26).
Thật là thích hợp khi Đức Kitô được sinh ra bởi một trinh nữ đã đính hôn; đầu tiên, vì lợi ích của Người; thứ hai là vì lợi ích của thân mẫu Người; và thứ ba là vì lợi ích của chúng ta.
1/ Vì lợi ích của chính Đức Kitô, có bốn lý do: (a) Đầu tiên, tránh cho Người việc bị những kẻ vô đạo sẽ khước từ vì là đứa con bất hợp pháp. Thánh Ambrôsiô nói: “Làm sao ta có thể trách người Do thái và vua Herôđê nếu họ truy nã một hài nhi sinh ra bất hợp pháp?” (b) Thứ hai, gia phả của Người có thể được truy tầm theo phụ hệ như tục lệ truyền thống. Thánh Ambrôsiô viết tiếp: “Kẻ đến trần thế thì được miêu tả theo cách trần thế. Người ta tìm các ứng viên vào chức vụ quan trọng qua việc truy tầm gốc tích của họ. Kinh thánh cũng theo đường lối ấy, nghĩa là thuật lại nguồn gốc của một người đang được bàn đến. (c) Thứ ba, vì sự an toàn cho đứa trẻ mới sinh, bởi ma quỷ có thể âm mưu chống lại Người. Do đó, thánh Inhaxiô Antiôkia nói rằng Đức Maria đã đính hôn để “cách Đức Kitô hạ sinh tránh được sự nhòm ngó của ma quỷ.” (d) Thứ bốn, Người có thể được thánh Giuse nuôi dưỡng chăm sóc; đo đó, ông cũng được gọi là dưỡng phụ của Người.
2/ Vì lợi ích của Đức Trinh Nữ, ta có thể kể ra: (a) Thứ nhất, Mẹ sẽ thoát được hình phạt bị ném đá, như thánh Giêrônimô nhận xét: “Người Do thái ném đá những kẻ phạm tội tội ngoại tình”. (b) Thứ hai, Mẹ có thể tránh được tiếng xấu. Thế nên thánh Ambrôsiô mới nói: “Mẹ đính hôn nhằm tránh bị tổn thương vì mang tiếng xấu là vi phạm đức trinh khiết.” (c) Thứ ba, Mẹ có thể được nâng đỡ nhờ thánh Giuse, như khi họ trốn sang Ai Cập và trở về nhà sau đó.
3/ Xét vì lợi ích của chúng ta, có thể kể ra: (a) Trước hết, thánh Giuse sẽ là nhân chứng cho việc Đức Kitô sinh ra bởi một Trinh Nữ. Thánh Ambrôsiô đã nói: “Không ai chứng minh mạnh mẽ hơn về sự trinh tiết của người đàn bà hơn là chính người chồng. Giả như ông không biết mầu nhiệm đi nữa, nhưng ông có thể dùng cơ hội này để trả thù sự lăng mạ mà ông phải chịu”. (b) Thứ hai, lời khẳng định về sự trinh khiết của Đức Maria sẽ đáng tin hơn. Thánh Ambrôsiô nói tiếp: “Việc ông Giuse tin vào lời của Đức Maria được củng cố hơn, và không có lý do gì để nói dối. Giả như Đức Maria chưa kết hôn mà đã mang thai, thì bà có thể nói dối để che giấu lỗi lầm của mình. Nhưng vì đã kết hôn, cho nên bà không cần phải nói dối, bởi vì việc mang thai là phần thưởng và vinh dự của đôi hôn nhân. Hai lý do trên đây củng cố niềm tin của chúng ta.
3/ Ngoài ra, theo thánh Augustinô, cuộc đính hôn của Đức Maria là hình ảnh điển hình cho cuộc đính hôn giữa một trinh nữ là Giáo Hội với một lang quân là Đức Kitô.
4/ Sau cùng, vì Mẹ Thiên Chúa vừa là trinh nữ, vừa là người đã đính hôn, cho nên cả đời sống trinh khiết và đời sống hôn nhân đều được coi trọng nơi con người Mẹ. Điều này đi ngược với những lời chế giễu của những kẻ dị giáo chống lại đời sống trinh khiết hay bí tích hôn nhân.
(ST III, q. 29, a. 1)