Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Vọng 14

Administrator
2023-12-10 08:00 UTC+7 7
MÙA VỌNG Ngày 10 tháng 12 CHUYỂN DỜI NHÀ ĐỨC MẸ Ở LORETO (Chú thích của người dịch: Tục truyền vào đêm ngày 9 sang ngày 10 tháng 12 năm 1294, ngôi nhà Đức Mẹ, – nơi diễn ra cuộc Truyền tin cũng như cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu – , đã được […]

MÙA VỌNG

Ngày 10 tháng 12

CHUYỂN DỜI NHÀ ĐỨC MẸ Ở LORETO

(Chú thích của người dịch: Tục truyền vào đêm ngày 9 sang ngày 10 tháng 12 năm 1294, ngôi nhà Đức Mẹ, – nơi diễn ra cuộc Truyền tin cũng như cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu – , đã được chuyển dời từ Nazareth sang Loreto, một địa điểm ở miền Trung nước Ý. Từ đó, Loreto trở thành trung tâm hành hương nổi tiếng, và là nơi xuât phát “Kinh cầu Đức Mẹ Loreto”).

Lạy Chúa, ngôi nhà Chúa rực bao thánh thiện” (Tv 92,5)

Đức Trinh Nữ đã tràn đầy ân sủng.

1/ Cho bản thân mình

Theo nguyên tắc, vật nào càng gần với nguyên ủy thì càng được thông dự vào hiệu quả của nguyên ủy ấy. Vì thế, ông Đionysius nói rằng các thiên thần ở gần Chúa hơn cho nên được chia sẻ nhiều sự tốt lành của Thiên Chúa hơn là loài người. Thế mà Đức Kitô là nguyên ủy của mọi ân sủng: xét theo thiên tính, Người thật sự là tác nhân của ân sủng; xét về nhân tính, Người là công cụ của ân sủng, như thánh Gioan đã viết: “ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà  đến.” (Ga 1,17). Vậy Đức Trinh Nữ Maria là người rất gần với Đức Kitô theo nhân tính bởi vì Đức Kitô đã nhận được bản tính nhân loại từ Mẹ. Vì thế, Mẹ là người đã nhận được ân sủng dồi dào hơn những người khác.

Kế đó, Đức Maria đã nhận được ba cách thức trọn hảo của ân sủng nơi Đức Trinh Nữ. Thứ nhất, có thể so sánh sự trọn hảo của chất thể với sự trọn hảo của mô thể sẽ được tiếp nhận, khiến Đức Trinh Nữ xứng đáng làm Mẹ Đức Kitô; nguyên nhân là sự thánh hóa. Sự trọn hảo thứ hai là nhờ sự hiện diện của Con Thiên Chúa Nhập Thể trong cung lòng Mẹ. Sự trọn hảo thứ ba tương ứng với cùng đích, và Mẹ nhận được khi vào trong vinh quang.

Rõ ràng là có một cấp bậc giá trị trong ba sự tuyệt hảo ấy: cách thứ ba thì vượt trên cách thứ hai, và cách thứ hai thì vượt trên cách thứ nhất. Chúng ta có thể xét từ hai mặt: một bên là về phía điều dữ được giải thoát, bên kia là về phía điều thiện được dẫn đến. Xét về điều dữ, thì sự thánh hóa đã giải thoát Mẹ khỏi tội lỗi; sự thụ thai Con Thiên Chúa đã hoàn toàn thanh luyện Mẹ khỏi mọi mầm mống tội lỗi; sự vinh hiển đã giải thoát khỏi mọi khổ cực. Xét về điều thiện, việc thụ thai Con Thiên Chúa đã củng cố Mẹ trong điều thiện; sự vinh hiển ban cho Mẹ được chiếm hữu và vui hưởng tất cả mọi điều lành.

2/ Cho những người khác

Mỗi người được Thiên Chúa ban ân sủng tùy theo sứ mang của mình. Đức Kitô, với tư cách là con người, đã được tiền định và được “đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4), nên Người có ân sủng dồi dào đến mức tuôn tràn từ Người đến tất cả mọi người, theo Ga 1,16, “tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” Còn Đức Trinh Nữ Maria đã nhận được ân sủng dồi dào đến nỗi Mẹ là người gần gũi nhất với Tác giả ân sủng. Mẹ đã đón nhận Đấng đầy ân sủng và bằng cách sinh ra Người, và một cách nào đó, Mẹ đã trao ban ân sủng cho mọi người. .

Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Trinh Nữ đã nhận được ở tầm mức cao, ơn khôn ngoan, ơn làm phép lạ và thậm chí cả ơn nói tiên tri, giống như Đức Kitô. Tuy nhiên, Mẹ đã không nhận những ân huệ ấy để sử dụng chúng giống như như Chúa Kitô đã làm, nhưng chỉ tùy theo mức độ mà hoàn cảnh sống đòi hỏi. Thực vậy, Mẹ đã sử dụng ơn khôn ngoan trong việc chiêm niệm, theo Lc 2,19 “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” nhưng Mẹ không dùng ơn khôn ngoan vào việc giảng dạy, theo lời thánh Phaolô “Việc giảng dạy không thích hợp cho phụ nữ” (1 Tm 2,12). Cũng vậy, các phép lạ không được Đức Mẹ thực hiện khi còn sống ở đời này, bởi vì vào thời điểm ấy, các phép lạ nhằm củng có lời giảng dạy của Đức Giêsu, cho nên được dành cho Đức Kitô và các môn đệ của Người, là những sứ giả của Tin mừng. Do đó, nếu Tin mừng thứ bốn viết rằng “Ông Gioan Tẩy giả đã không làm một dấu lạ nào cả” (Ga 10,41), nghĩa là để mọi người có thể tập trung chú ý vào Đức Kitô. Về việc ơn tiên tri, ta thấy rằng Đức Maria đã sử dụng bài thánh ca Magnificat (Lc 1,46).

 (ST III, q. 27, a. 5)

Chia sẻ