Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Những quan niệm về Hy vọng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền - Kỳ I

Văn phòng Học Viện
2024-11-29 08:02 UTC+7 625
“Ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được trao cho hy vọng – một niềm hy vọng đáng tin cậy, qua đó, chúng ta có thể đối diện với thực tại của chúng ta” (Thông điệp Spe Salvi, số 1). Bước vào Mùa Vọng đồng thời hướng tới Năm Thánh Hy Vọng (Năm Thánh 2025 với chủ đề “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”), mời quý độc giả cùng tìm hiểu lại các quan niệm, khái niệm và ý nghĩa của “Hy Vọng Kitô giáo” qua phân tích của tác giả linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP.

NHỮNG QUAN NIỆM VỀ HY VỌNG

TRONG THÁNH KINH VÀ THÁNH TRUYỀN

Phan Tấn Thành, OP.

(trích Đời sống tâm linh - tập XIV)

“Ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được trao cho hy vọng – một niềm hy vọng đáng tin cậy, qua đó, chúng ta có thể đối diện với thực tại của chúng ta” (Thông điệp Spe Salvi, số 1). Bước vào Mùa Vọng đồng thời hướng tới Năm Thánh Hy Vọng (Năm Thánh 2025 với chủ đề “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”), mời quý độc giả cùng tìm hiểu lại các quan niệm, khái niệm và ý nghĩa của “Hy Vọng Kitô giáo” qua phân tích của tác giả linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP.. Loạt bài sẽ được đăng thành 11 kỳ lần lượt với nội dung như sau:

- Kỳ I :--Chương mở đầu: KHÁI NIỆM VỀ HY VỌNG

-----------Chương Một. CỰU ƯỚC

- Kỳ II :----------Mục 1. Đối tượng hy vọng

- Kỳ III:----------Mục 2. Động lực hy vọng

------------Chương Hai. TÂN ƯỚC

- Kỳ IV :----------Mục 1. Nhất lãm

- Kỳ V :----------Mục 2. Thánh Phaolô

- Kỳ VI :----------Mục 3. Các tác phẩm của Gioan

------------Chương Ba. LỊCH SỬ GIÁO HỘI

--------------------Mục 1. Đối tượng hy vọng: Hy vọng cái gì?

- Kỳ VII : ----------------I. Thời các giáo phụ

- Kỳ VIII : ---------------II. Thời Trung cổ

- Kỳ IX:------------------III. Thời Cận đại

--------------------Mục 2. Chủ thể hy vọng: Hy vọng là gì?

- Kỳ X : ------------------I. Thời các giáo phụ

----------------------------II. Thời kinh viện: hy vọng tự nhiên và hy vọng siêu nhiên

- Kỳ XI :-----------------III. Thời cận đại: sự cần thiết của đức Hy vọng

---------------------------IV. Thời hiện đại: vài văn kiện của Huấn quyền

Kỳ I

Chương mở đầu

HY VỌNG TRONG CUỘC SỐNG CON NGƯỜI

Tập sách này muốn tìm hiểu nội dung niềm Hy vọng Kitô giáo. Trước đây, vấn đề được bàn trong khảo luận về đức Cậy (hoặc “trông cậy”). Tuy nhiên, từ ngữ này ít được sử dụng trong ngôn ngữ thường ngày, và vì thế dễ gây cảm tưởng là câu chuyện đức Cậy nằm bên lề cuộc sống. Thật là điều đáng tiếc, mà lỗi có lẽ tại dịch thuật. Thật vậy, nếu tra từ điển, chúng ta thấy rằng các từ spes (La tinh), espérance (Pháp), hope (Anh) được dịch là “hy vọng” (chứ không dịch là “cậy”). Trong tiếng Việt, hy vọng có thể dùng như danh từ hoặc như động từ, và là một từ ngữ được sử dụng khá thường xuyên; hơn thế nữa, nó còn diễn tả một tâm trạng tích cực, rất quan trọng cho đời sống.

Trong chương này, chúng tôi muốn ghi lại vài nhận xét liên quan đến từ ngữ, cũng như những ý tưởng tâm tư được gói ghém trong từ “hy vọng”.

I. Từ ngữ

Hy vọng là gì? Đây là một từ Hán Việt. Theo ông Lê Gia, “hy vọng” là ngóng trông, mong chờ, trông mong. “Hy” là ít, thưa, hiếm; “Vọng” là trông chờ, trông ngóng, ngóng nhìn.[1]

Có lẽ bởi vì “hy là hiếm” cho nên chúng ta ít khi gặp nó; nhưng “vọng” thì được ghép với rất nhiều từ khác nhau, chẳng hạn như: nguyện vọng, ước vọng, kỳ vọng, vọng cổ (trông ngóng, tưởng nhớ tới những cái xưa); ảo vọng (hy vọng không có thật); thất vọng (mất lòng trông mong; trông mong mà không được).

“Hy vọng” là một từ ngữ gốc Hán; còn trong tiếng Việt, chúng ta gặp thấy một từ ngữ tương đương là “trông mong”. Nên lưu ý: “trông” liên quan đến việc nhìn (trông ngóng, trông nhìn, trông chờ); còn “mong” thì liên quan đến một mơ ước; mong đợi: chờ đợi ước mơ.[2]

Điều thú vị là danh từ spes (tiếng La tinh) cũng bao hàm việc trông nhìn, bắt nguồn từ động từ specio, specere, cùng một gia đình với species, speculum, inspicere. Đó là lối giải thích của vài tác giả thời Trung cổ; vào thời nay, người ta nghiêng về nguồn gốc tiếng Phạn sprh có nghĩa là ước ao.[3]

Những nhận xét sơ khởi này giúp chúng ta đi vào bản chất của hy vọng, dựa theo sự phân tích của thánh Tôma.[4]

II. Bản chất

Chúng ta thử phân tích bản chất của hy vọng khởi đi từ nhận xét trên đây về từ ngữ: hy vọng, trông mong.

A. Trông mong: một bản năng tự nhiên

Hy vọng bao hàm lòng ước ao một điều gì sẽ đến. Nó hướng về tương lai (nghĩa là về điều chưa đến, chứ không phải điều đã hoặc đang xảy ra rồi). Trên thực tế, đối với những gì sẽ đến, chúng ta không chỉ hy vọng mà đôi khi còn lo lắng sợ hãi nữa. Như vậy hiểu ngậm rằng tương lai có thể mang lại điều lành hoặc điều dữ. Ta chỉ trông mong điều lành, chứ không trông mong điều dữ (hoặc nói chính xác hơn: mong sao điều dữ đừng đến). Một sinh viên mong thi đậu chứ không đời nào lại mong thi rớt (trừ khi nào việc thi rớt có thể mang lại một cái lợi nào đó, chẳng hạn như anh sẽ tiếp tục được bố mẹ cấp tiền thêm một năm nữa thay vì bắt đi làm)! Người nông dân mong cho mưa thuận gió hoà, chứ không mong hạn hán hoặc bão táp.

Để có một khái niệm đầy đủ hơn về hy vọng, ngoài yếu tố “điều tốt trong tương lai”, ta cần thêm một yếu tố nữa, đó là “cam go”, nghĩa là kèm theo những khó khăn, rủi ro. Hy vọng là: lòng ước mong đạt được một điều tốt lành cam go. Thực vậy, cũng như ta không trông mong điều gì đang nằm trong tầm tay rồi, thì ta cũng chẳng trông mong điều gì đương nhiên sẽ xảy ra (tôi không mong ngày mai mặt trời sẽ mọc, trừ khi nào miền đất của tôi đang bị cơn bão hoành hành cả tuần nay). Ngoài ra, ta trông mong điều gì có thể đạt được, chứ điều gì không đạt được (chẳng hạn như lên cung trăng) thì ta chẳng trông mong: nếu khó quá thì ta đành rút lui; ngược lại, nếu ta không đạt được điều trông mong thì ta sẽ rơi vào tuyệt vọng.

Tuy rằng chúng ta đang phân tích những cảm nghiệm của mình, nhưng có lẽ không sợ sai lầm khi áp dụng những suy nghĩ này cho cả loài động vật nữa: quan sát những loài vật sống chung quanh ta, ta có thể nói được rằng chúng cũng có những ước mong, thèm thuồng. Có lẽ chúng không có ý thức về hiện tại hoặc tương lai, nhưng chúng có thể lượng định cái gì có thể đạt được; nếu không thì chúng “bỏ cuộc”. Như vậy, dưới một phương diện nào đó, hy vọng là một tâm trạng chung cho loài người và loài vật; tuy nhiên, cần phải thêm rằng ở nơi con người, lòng trông mong mang vài sắc thái riêng biệt.

B. Hy vọng và chí khí

Thật vậy, tuy con người cũng có những cảm xúc giống như các động vật (yêu, ghét, vui, buồn, sợ, mong, giận...), nhưng con người có thể điều khiển các cảm xúc ấy nhờ lý trí và ý chí. Đối với sự “trông mong” cũng vậy. Con người không chỉ dùng lý trí để phân tích những lý do khiến cho mình trông mong, mà còn có thể gợi lên niềm trông mong, đặc biệt nhờ sức mạnh của ý chí. Như vậy, nơi con người, sự trông mong (hy vọng) không chỉ là một cảm xúc do bản năng mà còn là một hành vi của ý muốn tự do.

Từ đó, ta có thể nói đến những hy vọng “lớn” hay “nhỏ”. Tính cách lớn nhỏ này được đo lường bởi sự cam go của nó. Ai có chí lớn thì mới dám hy vọng làm những chuyện khó khăn mà những người khác không dám làm. Dưới khía cạnh tâm lý, tất cả những người như thế đều đáng được gọi là “can đảm, to gan”; nhưng dưới khía cạnh luân lý, thì “hy vọng” chỉ đáng mang danh là “nhân đức” khi đối tượng của nó là điều tốt. Thật vậy, những tay giang hồ, đứng đầu các đảng cướp hoặc tổ chức buôn lậu quốc tế đều đáng mang danh là “to gan” bởi vì họ dám thách thức đương đầu với các lực lượng an ninh, và nếu cần cũng sẵn sàng liều mạng để bảo toàn kế hoạch của mình. Có lẽ chúng ta thán phục sự táo bạo của họ, nhưng không ca ngợi họ. Nhưng nếu thay vì sử dụng tài năng vào chuyện bất lương, họ chuyển sang việc phục vụ những kẻ cô thân cô thế, thì đáng gọi là anh hùng.

Để dám làm những chuyện cam go, người có lòng hy vọng cần được trang bị với nhiều đức tính, được thánh Tôma gắn với nhân đức can đảm, chẳng hạn như: độ lượng (magnanimitas), hào hiệp (magnificentia) dám nhìn xa trông rộng, thiết lập những dự án lớn lao; họ là những con người tự tín, tuy vẫn khiêm tốn. Ngoài ra, để hoàn thành những kế hoạch lớn lao, cần có đức nhẫn nại (patientia), bền chí (perseverantia).[5]

C. Những nguyên nhân và động lực của hy vọng

Từ những nhận xét vừa rồi, ta có thể kết luận được rằng ai cũng có những ước mơ, nhưng không phải ai cũng có hy vọng. Ước mơ là một cảm xúc tự nhiên, còn hy vọng đòi hỏi sự rèn luyện ý chí để vượt qua những trở ngại. Trở ngại càng lớn thì càng đòi hỏi ý chí vững mạnh.

Điều gì làm cho ta hy vọng? Đâu là những nguyên nhân của hy vọng?

Có thể có nhiều câu trả lời. Một người dám hy vọng vì họ bạo dạn, dám liều. Nhưng bên cạnh yếu tố ý chí, thiết tưởng không nên bỏ qua yếu tố lý trí, nghĩa là sự hiểu biết: biết người biết mình. Ở đây, ta nên hiểu sự hiểu biết theo nghĩa thực tiễn chứ không chỉ hiểu biết thuần lý. Nói cách khác, người hiểu biết nhiều là người từng trải, người có nhiều kinh nghiệm.

1. Liên quan đến kinh nghiệm, thánh Tôma đưa ra nhận xét thú vị.[6] Kinh nghiệm giúp ta tăng thêm khả năng hy vọng, bởi vì nhờ đã quen thuộc công việc cho nên ta dễ nắm chắc kết quả hơn. Nhưng đừng quên rằng nhận xét này chỉ có tính tương đối thôi. Kinh nghiệm có thể khiến ta chùn bước, nhất là kinh nghiệm về sự thất bại trong quá khứ. Mặt khác, mặc dù ít kinh nghiệm, nhưng nói chung người trẻ mang nhiều hy vọng hơn người già. Điều này không khó giải thích: người trẻ mang nhiều hy vọng bởi vì họ sống hướng về tương lai, hơn là hướng về quá khứ; ngoài ra, giới trẻ cảm thấy trong mình nhiều nghị lực, vì thế họ dám liều (mặc dù thứ liều lĩnh này đôi khi cũng được ví như người điếc không sợ súng).

2. Thí dụ về người trẻ cho ta thấy rằng bên cạnh yếu tố hiểu biết (kinh nghiệm), còn một yếu tố nữa không kém phần quan trọng đó là sức mạnh. Ở đây, sức mạnh được hiểu về vật lý cũng như về tinh thần. Hơn thế nữa, sức mạnh có thể là nội tại (nằm bên trong chủ thể) hoặc ngoại tại (ở bên ngoài chủ thể): ta có thể hy vọng vì biết mình có sức vượt qua trở ngại này, hoặc cậy nhờ vào một quyền lực ở bên ngoài. Có lẽ vì hiểu theo nghĩa này cho nên người xưa dịch spes là “trông cậy”, nghĩa là dựa trên thế lực của ai đó, như thành ngữ có câu “chó cậy nhà, gà cậy vườn”. Sự phân biệt này quan trọng đối với lãnh vực tôn giáo mà chúng ta đang bàn. Con người có thể “cậy sức mình” (dựa vào khả năng của mình) hoặc là “cậy vào Chúa”.[7] Sự nương tựa vào Thiên Chúa được đặt ra cách riêng khi con người phải đối diện với những trở ngại vượt quá sức lực tự nhiên: trên đời này, ai cũng đã từng trải qua những lúc mà mình cảm thấy bất lực, bó tay, và chỉ còn biết nương tựa vào sức mạnh từ trời (chẳng hạn một cơn bệnh thập tử nhất sinh). Nhưng bên cạnh vài tình huống đặc biệt ấy, ta phải nhìn nhận rằng có vài đối tượng hoàn toàn vượt lên trên khả năng của con người, chẳng hạn sự sống vĩnh cửu, đang khi con người mang thân phận phải chết. Chính đây là lúc cần đến đức “hy vọng” (đức cậy), một nhân đức siêu nhiên do chính Chúa ban.

Tóm lại, qua những phân tích trên đây, chúng ta thấy rằng hy vọng mang nhiều bộ mặt:

- Nó có thể ám chỉ một tâm trạng khi hướng về tương lai: ước mong đạt được điều tốt cam go. Có thể nói được rằng đây là một tâm trạng do bản năng tự nhiên.

- Bản năng này có thể được điều khiển nhờ lý trí và ý chí; từ đó hy vọng có thể được tập luyện nhờ sự thực hành các nhân đức như: khôn ngoan, can đảm, kiên trì.

- Trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng hy vọng, ta có thể kể đến: sự hiểu biết (kinh nghiệm) và nghị lực. Nghị lực này có thể nội tại hoặc ngoại tại, nghĩa là ở trong ta, hoặc nhờ sự trợ giúp bên ngoài.

Ngoài ra, khi đề cập đến hy vọng, có hai lối tiếp cận chính, đó là: đối tượng và chủ thể.

- Nhìn từ phía đối tượng, câu hỏi được đặt ra là: tôi hy vọng cái gì?

- Nhìn từ phía chủ thể, câu hỏi là: cái gì làm cho tôi hy vọng? Vì sao tôi dám hy vọng?

Trong tập sách này, tuy chúng ta đề cập đến “đối tượng hy vọng” (spes quae) nhiều hơn là “động lực hy vọng” (spes qua), nhưng khía cạnh thứ hai cũng được quan tâm.

III. Hy vọng trong cuộc sống

Chúng ta đã phân tích những khía cạnh khác nhau của hy vọng. Hy vọng là một tâm tình tự nhiên của con người. Chúng ta hãy đi thêm một bước nữa để nhận biết tầm quan trọng của nó trong đời sống con người.

1. Hy vọng cần thiết cho cuộc sống. Hy vọng mang lại nghị lực cho hành động, sự kiên trì trong khi gặp gian truân (vì biết rằng sau cơn mưa trời lại sáng), hân hoan hướng về tương lai (ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay). Chúng ta tạm gọi đó là những hiệu quả của hy vọng cho cuộc sống. Chừng nào thiếu nó, ta mới cảm thấy sự cần thiết. Người thiếu hy vọng (hoặc thất vọng) dễ đâm ra bi quan, yếm thế, chán nản, có thái độ buông xuôi. Tệ hơn nữa, sự tuyệt vọng vì không còn thấy lý lẽ cuộc sống có thể dẫn đến tự vẫn.

2. Hy vọng không chỉ cần thiết cho cuộc sống mà thôi; theo vài triết gia, hy vọng là một yếu tố cấu thành đời sống con người, gắn liền với bản tính con người. Hy vọng định nghĩa con người.

Cái gì làm nên con người? Các triết gia đã đưa ra nhiều yếu tố khác nhau định nghĩa bản tính con người, cách riêng để phân biệt với loài động vật.

- Thời xưa, ông Aristote định nghĩa con người là “động vật có lý trí” (animal rationale): lý trí chỉ dẫn cho con người biết cái gì hữu ích và cái gì có hại, điều gì phải và điều gì trái. Một cách tương tự như vậy, Pascal định nghĩa con người là “cây sậy biết tư duy”. Vào thời cận đại, với sự ra đời của các ngành nhân văn, nhiều định nghĩa khác được đưa ra, chẳng hạn như Homo sapiens (con người tinh khôn), Homo faber (con người lao động), để đánh dấu mức độ tiến hóa so với các loài linh trưởng khác.

- Những định nghĩa trên đây mang đặc tính siêu hình: nhấn mạnh đến lý trí như yếu tố cấu tạo bản tính con người. Trong viễn tượng ấy, hy vọng không được nhắc đến. Sang thế kỷ XX, do ảnh hưởng của trào lưu hiện sinh, con người được nhìn dưới khía cạnh sinh động của cuộc sống, vì thế quan niệm đã thay đổi. Theo triết gia Gabriel Marcel, hy vọng là một nhân tố cấu thành cuộc sống con người, bởi vì ông định nghĩa con người là homo viator:[8] con người mang thân phận lữ hành. Có lẽ định nghĩa này không mang màu sắc thuần tuý triết học, nhưng phản ánh mặc khải Kitô giáo: cuộc đời này là một cuộc lữ hành đức tin tiến về quê hương trên trời. Thử hỏi: đối với một người không có đức tin, thì câu định nghĩa ấy có ý nghĩa gì không? Thiết tưởng, ta có thể giải thích theo một nghĩa khác. Tuy không thể nhất thiết khẳng định rằng con người hướng về Thiên Chúa, nhưng một điều không thể chối cãi được là con người luôn hướng về tương lai. Trên đây, chúng ta đã nói rằng loài vật cũng trông mong cái gì đó sẽ đến, nhưng chúng ta không thể nói được rằng chúng có ý thức về tương lai. Nhờ lý trí, con người mới biết đo lường thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Hơn thế nữa, con người không chỉ đón chờ điều sẽ đến, nhưng còn dám dự phóng tương lai, đưa ra những kế hoạch sẽ được thực hiện. Con người không chỉ sống cho khoảnh khắc hiện tại, nhưng còn chuẩn bị cho tương lai nữa. Con người không an phận với hiện tại, nhưng muốn cải thiện hiện tại, mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn. Cái gì là động lực cho những dự án, những kế hoạch, những công trình, nếu không phải là hy vọng? Hy vọng nằm trong bản tính con người, bởi vì con người hướng về tương lai, biết thiết lập kế hoạch cho cuộc đời.

3. Bước sang phạm vi tôn giáo, chỗ đứng của hy vọng càng cao hơn nữa. Đối với triết gia Immanuel Kant,[9] hy vọng làm nên lý do hiện hữu của tôn giáo. Theo ông, có ba câu hỏi căn bản của con người, từ đó nảy ra ba môn học để giải thích: Tôi có thể biết cái gì? Tôi phải làm điều gì? Tôi có thể hy vọng điều gì? Triết học trả lời câu hỏi thứ nhất; luân lý trả lời câu hỏi thứ hai; tôn giáo trả lời câu hỏi thứ ba.

Có lẽ không phải mọi người đều đồng ý với ông Kant. Nhưng điều không thể chối được là con người chạy đến tôn giáo để tìm lời giải đáp cho các vấn đề liên quan đến niềm hy vọng của họ, như công đồng Vaticanô II đã nhìn nhận trong Tuyên ngôn về mối liên lạc giữa Hội thánh và các tôn giáo (số 1): “Con người là gì? Cuộc sống chúng ta có ý nghĩa và mục đích gì? Sự thiện và tội lỗi là chi? Đau khổ có nguyên nhân và mục đích nào? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực? Phải hiểu thế nào về cái chết, sự phán xét và thưởng phạt sau khi chết? Sau cùng, huyền nhiệm tối hậu và khôn tả bao trùm cuộc sống chúng ta là chi, chúng ta xuất phát từ đâu và chúng ta hướng đi đâu?”. Những câu hỏi này không chỉ nhằm thỏa mãn óc tò mò muốn hiểu biết, nhưng còn định hướng tất cả cuộc đời và hoạt động của con người.

Có lẽ vì thế mà thánh Phêrô đã mời gọi các tín hữu hãy luôn sẵn sàng để trả lời cho những ai chất vấn về niềm hy vọng của họ (1Pr 3,15). Niềm hy vọng này có liên quan đến toàn thể những câu chuyện làm ăn sinh sống của họ. Tuy nhiên, ở trong tập sách này, chúng tôi muốn chú trọng đến niềm hy vọng tuyệt đối, nghĩa là những thực tại tối hậu của lịch sử nhân loại cũng như của đời người.

Đây là một đặc trưng của niềm hy vọng Kitô giáo. Có lẽ tất cả các tôn giáo đều tin vào một Thực tại tối hậu dưới nhiều danh hiệu khác nhau (Ông Trời, Thượng Đế, Đấng Tạo hóa, Đấng Chí Tôn). Nhưng không hẳn các tôn giáo đều tin rằng Vị ấy can thiệp vào lịch sử loài người, giống như mặc khải của đạo Do thái và đạo Kitô. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Đấng dựng nên vũ trụ và loài người, và mời gọi loài người đến chia sẻ hạnh phúc với Ngài. Thiên Chúa là Cha quan phòng, dựng nên con người vì yêu thương, chứ không phải ném chúng xuống trần gian kiểu như “đem con bỏ chợ”. Dòng vận hành của lịch sử nhân loại cũng như của mỗi người có một ý nghĩa, tuy dù không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra được ý nghĩa của tất cả các biến cố. Tuy vậy, chúng ta vẫn tin tưởng rằng có một bàn tay yêu thương dẫn dắt chúng ta, và sẽ dẫn chúng ta đến mục đích.

Trên đây, chúng ta đã nói đến nhiều lối tiếp cận hy vọng, cũng như nhiều cấp độ trông mong và hy vọng. Chúng ta sẽ có dịp trở lại những sự phân biệt đó. Ở đây, chỉ cần ghi nhận một điểm về từ ngữ. Trong khi tiếng La tinh và tiếng Anh gọi chung hy vọng tự nhiên và nhân đức hướng Chúa bằng một danh từ (spes; hope), thì tiếng Pháp có sự phân biệt giữa espoir (hy vọng) và espérance (nhân đức hướng Chúa); tiếng Tây-ban-nha cũng có sự phân biệt tương tự (espera / esperanza).


-----------------------------------


[1] Lê Gia, Tiếng nói nôm na, TPHCM 1999, trang 1554.

[2] Cũng theo ông Lê Gia (trang 518), Mong do chữ “mông mộng” là mơ ước cho được mà không thấy. Chữ “mông” là bị che khuất, không thấy, chữ “mộng” là giấc mơ.

[3] Teofilo Urdanoz, Para una Filosofia y Teologia de la Esperanza, in: Ciencia Tomista n.264 (1957), trang 555.

[4] Trong sách Tổng luận thần học, thánh Tôma bàn về Hy vọng (spes) đặc biệt dưới hai khía cạnh: 1/ Như một “cảm xúc” (passio): I-II, q.40; 2/ Như một nhân đức hướng Chúa (virtus theologalis): II-II, q.17-22.

[5] Về bản chất các nhân đức này, x. Đời sống tâm linh XII, trang 198-206.

[6] Summa Theologica, I-II, q.40, a.5-6.

[7] Tâm tình này cũng mang tên là “tin tưởng”, “tín thác”, “cậy trông”.

[8] Gabriel Marcel, Homo viator. Prolégomènes à une métaphysique de l’espérance, Paris 1944.

[9] Immanuel Kant, Vorlesungen ueber Logik, Einleitung III, Werke, Darmstadt, 1968, V, 448 (Nguyên bản ra đời năm 1781).

Chia sẻ