Những quan niệm về Hy vọng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền - Kỳ II
NHỮNG QUAN NIỆM VỀ HY VỌNG
TRONG THÁNH KINH VÀ THÁNH TRUYỀN
Phan Tấn Thành, OP.
(trích Đời sống tâm linh - tập XIV)
“Ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được trao cho hy vọng – một niềm hy vọng đáng tin cậy, qua đó, chúng ta có thể đối diện với thực tại của chúng ta” (Thông điệp Spe Salvi, số 1). Bước vào Mùa Vọng đồng thời hướng tới Năm Thánh Hy Vọng (Năm Thánh 2025 với chủ đề “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”), mời quý độc giả cùng tìm hiểu lại các quan niệm, khái niệm và ý nghĩa của “Hy Vọng Kitô giáo” qua phân tích của tác giả linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP.. Loạt bài sẽ được đăng thành 11 kỳ lần lượt với nội dung như sau:
- Kỳ I :--Chương mở đầu: KHÁI NIỆM VỀ HY VỌNG
-----------Chương Một. CỰU ƯỚC
- Kỳ II :----------Mục 1. Đối tượng hy vọng
- Kỳ III:----------Mục 2. Động lực hy vọng
------------Chương Hai. TÂN ƯỚC
- Kỳ IV :----------Mục 1. Nhất lãm
- Kỳ V :----------Mục 2. Thánh Phaolô
- Kỳ VI :----------Mục 3. Các tác phẩm của Gioan
------------Chương Ba. LỊCH SỬ GIÁO HỘI
--------------------Mục 1. Đối tượng hy vọng: Hy vọng cái gì?
- Kỳ VII : ----------------I. Thời các giáo phụ
- Kỳ VIII : ---------------II. Thời Trung cổ
- Kỳ IX:------------------III. Thời Cận đại
--------------------Mục 2. Chủ thể hy vọng: Hy vọng là gì?
- Kỳ X : ------------------I. Thời các giáo phụ
----------------------------II. Thời kinh viện: hy vọng tự nhiên và hy vọng siêu nhiên
- Kỳ XI :-----------------III. Thời cận đại: sự cần thiết của đức Hy vọng
---------------------------IV. Thời hiện đại: vài văn kiện của Huấn quyền
Kỳ II
Chương một: CỰU ƯỚC (phần 1)
Mục 1:
ĐỐI TƯỢNG HY VỌNG TRONG CỰU ƯỚC
-- - - - 1. Thánh kinh là Lời Chúa trong ngôn ngữ loài người
-- - - - 2. Sự tiến triển của mặc khải
-- - - - 3. Não trạng khải huyền và não trạng ngôn sứ
Mục 1. ĐỐI TƯỢNG HY VỌNG
-- - - - I. Niềm hy vọng của dân tộc Israel
-- - - - II. Hy vọng cá nhân
-- - - - -- - - - A. Quan niệm về hạnh phúc
-- - - - -- - - - B. Quan niệm về thưởng phạt
-- - - - -- - - - C. Quan niệm về bất tử trường sinh
Hai chương đầu tiên được dành cho việc học hỏi quan niệm Kinh thánh về Hy vọng: chương Một cho Cựu ước và chương Hai cho Tân ước. Trong mỗi chương, chúng tôi sẽ lần lượt tìm hiểu hy vọng theo nghĩa khách thể (đối tượng của hy vọng, xét dưới khía cạnh cộng đồng cũng như cá nhân) và theo nghĩa chủ thể (bản chất và động lực của hy vọng).
Trước khi vào vấn đề, thiết tưởng cần lưu ý vài nguyên tắc liên quan đến việc giải thích Kinh thánh được nhắc tới trong Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (GLCG), đó là: 1/ ngôn ngữ loại suy mà các tác giả sử dụng để diễn tả các thực tại siêu việt; 2/ sự tiến triển của mặc khải; 3/ não trạng khải huyền và não trạng ngôn sứ.
1. Thánh kinh là Lời Chúa trong ngôn ngữ loài người
Tác giả Sách Thánh diễn tả Thiên Chúa theo ngôn ngữ của con người (x. GLCG 109). Thế nhưng, thế giới của con người bị hạn chế bởi vật chất, không gian và thời gian, cách xa Thiên Chúa muôn vàn trùng, và ngôn ngữ của con người hẳn nhiên có nhiều giới hạn, không thể nào diễn tả trọn vẹn Thiên Chúa, Đấng Siêu việt. Vì thế chúng ta chỉ có thể diễn tả Thiên Chúa một cách loại suy (analogy), nghĩa là so sánh tương tự một phần nào với kinh nghiệm của chúng ta, tuy vẫn ý thức sự khác biệt giữa kinh nghiệm này với thực tại siêu việt (x. GLCG 39-43). Chẳng hạn khi nói rằng Thiên Chúa là Cha, chúng ta cần hiểu là Ngài thương yêu săn sóc ta như một người cha; nhưng không phải là “nam giới” (bởi vì Thiên Chúa không có giới tính)! Tiếc rằng chúng ta thường quên điều đó khi gán cho Chúa tất cả những mơ ước từ thế giới hữu hình này! Chúng ta hình dung Thiên Chúa ngự trên trời như ông vua ngồi trên ngai (nhưng Chúa đâu có thân xác mà đứng với ngồi!), và chúng ta mơ ước cũng được “ngồi” gần Chúa! Dĩ nhiên, rất nhiều người hình dung mọi thứ lạc thú trên thiên đình (nơi cực lạc), với đủ mọi món ăn cao lương mỹ vị. Đối lại, trong hoả ngục, chúng ta tưởng tượng ra đủ thứ cực hình để trừng trị những bọn bất lương đã từng làm ta khổ sở (ác giả ác báo). Nhận xét này rất quan trọng trong khi bàn đến các thực tại tối hậu ở thế giới bên kia (khác với thế giới hữu hình mà ta đang sống). Nhiều tín ngưỡng quan niệm rằng cuộc sống ở thế giới bên kia tiếp nối cuộc sống đời này; vì thế khi chết, người ta bỏ vào quan tài tiền bạc, lương thực và thậm chí cả bà vợ nữa. Chúng ta đừng vội tủm tỉm cười khi nghe chuyện này, bởi vì nhiều Kitô hữu cũng nghĩ như vậy, làm cho nhiều người ngoại đạo chê cười. Ngay từ thế kỷ III, khi đọc các đoạn Thánh kinh về hoả ngục, triết gia Celsus đã chế nhạo rằng Thiên Chúa khoái ăn thịt nướng. Vì thế ông Origène đã tìm cách giải thích “lửa” theo nghĩa ám dụ. Đối lại, khi nghe những đoạn Kinh thánh mô tả những bữa tiệc trên trời, chúng ta đừng hiểu theo nghĩa đen. Nói cách khác, khi giải thích Thánh kinh, chúng ta cần lưu ý đến các “nghĩa” của các từ ngữ (nghĩa đen, nghĩa bóng..., x. GLCG 110).
2. Sự tiến triển của mặc khải
Thiên Chúa không mặc khải tất cả các chân lý ngay một lúc, nhưng giống như một nhà sư phạm (một thầy giáo), truyền đạt chân lý cách tiệm tiến tùy theo khả năng tiếp thu của học sinh (x. GLCG 53). Nói cách khác, có sự tiến triển của mặc khải (về các thực tại tối hậu) từ Cựu ước sang Tân ước, cũng như ngay trong Cựu ước, như sẽ thấy dưới đây. Do đó, chúng ta sẽ không tùy tiện đọc bất cứ một đoạn nào đó trong cuốn Thánh kinh và công bố “Đó là Lời Chúa”, nhưng cần phải xem đoạn văn đó nằm trong mạch văn nào, thuộc về thời Cựu ước hay Tân ước. Thậm chí nếu là Cựu ước cũng cần phải xét nó thuộc giai đoạn nào, ở đầu hay ở cuối.
3. Não trạng khải huyền và não trạng ngôn sứ
Ngoài hai nguyên tắc được ghi lại trong sách GLCG, các nhà chú giải còn lưu ý thêm một điều liên quan đến thể văn diễn tả thực tại thế giới mai hậu. Trên đây, chúng tôi đã nhắc đến ngôn ngữ loại suy (analogy) khi bàn về các thực tại thần linh: giữa thế giới của chúng ta với thế giới thiêng liêng, có những điểm tương đồng và những điểm khác biệt. Còn khi đề cập đến sự chuyển tiếp từ thế giới hiện tại sang thế giới tương lai, các tác giả Kinh thánh có thể sử dụng hai thể văn: khải huyền (apocalyptic literature) hay ngôn sứ (prophetic literature). Thể văn khải huyền nhấn mạnh đến sự đứt quãng (rupture, discontinuity) giữa thế giới hiện tại và thế giới tương lai; còn thể văn ngôn sứ nêu bật sự liên tục (continuity) giữa hai giai đoạn.
a) Thể văn khải huyền là một thuật ngữ được lưu hành từ các công trình nghiên cứu của hai ông F. Lucke (1795‑1855) và H. Hilgenfeld (1823-1907). Từ apocalypsis gốc Hy lạp có nghĩa là “mặc khải” (vén màn che) hay “khải huyền” (tỏ lộ một điều huyền bí). Nó trở thành tựa đề của tác phẩm cuối cùng của Tân ước (Sách Khải Huyền của thánh Gioan) với một thể văn khác so với các tác phẩm của Tân ước. Tuy nhiên, nhờ những cuộc khảo cứu của các học giả, người ta nhận thấy thể văn này xuất hiện như một trào lưu văn chương và tư tưởng bên Do thái trong khoảng những năm 200 TCN cho đến năm 100 sau CN, bao gồm nhiều tác phẩm thuộc Cựu ước và Tân ước (chính thư và ngụy thư).[1]
Các tác phẩm khải huyền ra đời vào thời Dân Thiên Chúa (dân Do thái hay Hội thánh Kitô giáo) bị bách hại bởi những thế lực ngoại bang. Toàn dân bị áp bức về mặt chính trị và tôn giáo. Các tín hữu bị cưỡng bách phải chối bỏ đức tin của mình. Vì thế không lạ gì các tín hữu có cảm tưởng rằng Ma quỷ (Satan) đang khống chế thế gian này: thế gian này là nơi sự dữ tung hoành. Trong hoàn cảnh một dân tộc bé nhỏ bất lực phải đương đầu với những đế quốc hùng mạnh, con người chỉ mong chờ phép lạ từ nơi Thiên Chúa của mình để giải phóng dân tộc. Vì thế các tác phẩm Khải huyền mang màu sắc bi quan khi nhìn ra thế giới: họ cầu xin Thiên Chúa mau mau đến giải thoát họ khỏi quyền lực sự dữ bằng cách tiêu diệt thế gian. Do đó, thế giới hiện tại (thế giới cũ, thế giới tội lỗi) sẽ bị Thiên Chúa huỷ bỏ tan tành, để thiết lập một thế giới mới. Sự chuyển tiếp giữa hai giai đoạn ấy được diễn tả bằng những hình ảnh hãi hùng, chẳng hạn như sự xáo trộn chính trị (giặc giã, chiến tranh) hoặc xáo trộn vũ trụ (động đất, đêm tối).
b) Thể văn ngôn sứ thì khác. Các ngôn sứ cũng nhận thấy sự dữ trong thế gian, nhưng họ tin tưởng rằng thế gian có thể cải thiện. Vì thế, thời hiện tại sẽ được biến đổi chứ không bị hủy diệt trong tương lai. Nói cách khác, giữa hiện tại và tương lai có sự liên tục. Não trạng ngôn sứ hướng đến một tương lai nhưng cũng lệ thuộc vào tự do của con người, và nhấn mạnh đến sự đòi hỏi dấn thân của con người trong lịch sử.
Khỏi nói ai cũng biết, người đọc Kinh thánh dễ bị ấn tượng bởi thể văn khải huyền, với nguy cơ là các thực tại tối hậu gây ra kinh hoàng thay vì hy vọng.
Sau vài nhận xét liên quan đến việc chú giải các bản văn, chúng ta sẽ đi vào những đối tượng (mục 1) và những động lực của hy vọng (mục 2). Khi bàn về đối tượng, chúng ta phân biệt những đối tượng hy vọng tập thể hoặc cộng đồng (liên quan đến tương lai của dân tộc) và những đối tượng hy vọng cá nhân (liên quan đến số phận con người). Chúng ta sẽ nhận thấy có sự tiến triển về mạc khải trong cả hai lãnh vực.
Mục 1. ĐỐI TƯỢNG HY VỌNG
Kinh thánh nói nhiều đến đối tượng hy vọng của dân tộc Israel nhiều hơn là đối tượng hy vọng của cá nhân. Dĩ nhiên, cả hai có liên hệ chặt chẽ với nhau. Đành rằng, niềm hy vọng nằm ở trong tâm trí mỗi cá nhân chứ không nằm lơ lửng giữa trời, nhưng lời hứa của Thiên Chúa dành cho cả một dân tộc; các cá nhân được chia sẻ vào lời hứa xét như là những phần tử của dân tộc.
I. Niềm hy vọng của dân tộc Israel
Khác với triết học Hy lạp cổ đại quan niệm rằng Thượng đế không can thiệp vào sự vận hành của thế giới, người Do thái thâm tín rằng Thiên Chúa không chỉ dựng nên vũ trụ, nhưng còn điều khiển dòng lịch sử, cách riêng Ngài đã thiết lập giao ước với dân tộc. Lịch sử này có một khởi điểm (bắt đầu) và một đích điểm (kết thúc): Đích điểm không có nghĩa chấm dứt (ngưng hoạt động), nhưng là đạt được cứu cánh.
Về phía Thiên Chúa, chỉ có một lịch sử duy nhất (một kế hoạch, một chương trình: oikonomia, economy). Duy chỉ có Thiên Chúa biết được kế hoạch đó cũng như những giai đoạn thực hiện. Về phía con người, kế hoạch chỉ được hé mở dần dần, từng giai đoạn một. Lời hứa của Thiên Chúa mở ra một hướng nhìn về tương lai. Chính vì thế người dân Israel luôn sống trong hy vọng, mong được thấy toàn thể chương trình của Chúa và lời hứa của Ngài sẽ được thực hiện.
Sự tiến triển của đối tượng hy vọng có thể diễn tả như sau. Tất cả khởi đầu từ ơn gọi của ông Abraham: Thiên Chúa hứa cho ông một dòng dõi con cháu đông đúc và một vùng đất. Lời hứa ấy được thực hiện phần nào vào thời Xuất hành, khi dân Israel được đưa vào đất hứa. Vào thời các ngôn sứ, đối tượng được mở rộng đến một tương lai vượt lên dòng lịch sử. Sau cùng, đối tượng ấy mang tính cách siêu việt: một thực tại từ trời ban xuống.
Chúng ta hãy điểm qua 5 chặng quan trọng trong đối tượng hy vọng.
1. Mở đầu của lịch sử giao ước là lời hứa của Thiên Chúa sẽ ban cho ông Abraham một miền đất và một hậu duệ: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho người. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. ... Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,1-2). Lời hứa ấy được thực hiện phần nào nơi mảnh đất Canaan (St 12,5; 15,7) và người con là Isaác (St 17,19). Chỉ có thế thôi sao? Không, phần thưởng mà Chúa hứa còn lớn hơn nữa (St 15,1) và Ngài mời ông Abraham hãy nhìn xa hơn nữa: “Hãy ngước mắt lên trời và đếm thử các vì sao xem có đếm nổi không... Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó” (St 15,5).
2. Ông Môsê đã được Chúa gọi để thực hiện lời hứa với các tổ phụ về miền đất được ban làm gia nghiệp (Xh 6,7-8). Khi dân Israel vào đất Canaan, họ ý thức rằng đây là đất mà Chúa hứa ban, “đất chảy sữa và mật ong” (Xh 3,8,17). Hơn thế nữa, ngoài miền đất, họ còn nhận thêm một món quà nữa, đó là giao ước Sinai. Thiên Chúa thiết lập với Israel một mối tương quan đặc biệt: họ là một dân tộc được tuyển chọn giữa muôn dân (x. Xh 19,5-6). Sự giải thoát khỏi cảnh nô lệ Ai cập là bảo chứng của sự che chở mà Ngài dành cho họ.
3. Với vua Đavít, lịch sử của Israel chuyển sang một chặng mới. Israel trở thành vương quốc của Thiên Chúa. Qua miệng ông Nathan (2Sm 7,4-17), vua Đavít nhận được lời hứa là một người con sẽ ngồi trên ngai của ông để tiếp tục làm vua dân Israel, và dòng dõi của ông sẽ tồn tại mãi mãi. Như vậy, ngoài một lãnh thổ, một dòng dõi, một giao ước, Thiên Chúa còn hứa sẽ dành cho hậu duệ Đavít một mối tình ưu ái đặc biệt đến nỗi nhận người ấy như nghĩa tử của mình (Tv 110,3).
4. Cuộc tàn phá Giêrusalem năm 587 đã gây một cuộc khủng hoảng cho Israel: còn đâu nữa lời hứa về dòng dõi trường tồn của vua Đavít? Còn đâu nữa lời hứa sẽ bảo vệ dân tộc? Các ngôn sứ đã được phái đến để nâng đỡ niềm tin của dân chúng: Thiên Chúa không thể nào quên giao ước đã ký kết với dân Israel. Các ngôn sứ loan báo sự phục hưng của Israel, hơn thế nữa, của cả vũ trụ “vào những ngày sau hết” (Is 2,2; Hs 3,5; Mk 4,1; Gr 23,20; Ed 38,16). Trong bối cảnh này, chúng ta thấy xuất hiện thành ngữ “ngày của Giavê” (Am 5,18), nghĩa là cuộc can thiệp quyết liệt của Thiên Chúa để phán xét (Is 34,8). Sau cùng, Thiên Chúa sẽ thiết lập vương quyền của Người: Dân Israel sẽ được quy tụ và cùng với các dân khác, họ sẽ được chính Chúa cai trị (Ml 2,12). “Ngày của Giavê” sẽ hoàn tất mọi cuộc can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử. Như vậy, “ngày của Giavê”, tuy được gắn liền với ý tưởng “phán xét”, nhưng bao hàm ý tưởng cứu độ. Tuy Thiên Chúa sẽ phán xét để trừng phạt tội lỗi, nhằm thanh luyện và canh tân dân Israel, nhưng mục tiêu là để thiết lập công lý, giải thoát những người cô thân bị áp bức.
5. Cho tới đây, dù biên cương của các niềm hy vọng có thay đổi (từ một bộ tộc du mục, đến một liên minh bộ tộc, một vương quốc), nhưng tựu trung vẫn loay hoay trong những thực tại ở dưới trần thế. Sách Đaniel tiến một bước nhảy vọt vào thời cuối cùng của Cựu ước. Thiên Chúa từ trời cao sẽ can thiệp để thiết lập vương quyền bền bỉ đến muôn đời. Nó mang tính cách siêu việt, vượt qua biên cương của không gian và thời gian, bởi vì nó được đồng hoá với chính Thiên Chúa (Đn 7,13-14).
Tóm lại, đối tượng của niềm hy vọng của Israel được mở rộng dần dần, từ những thực tại cụ thể cho đến thực tại siêu việt là chính Thiên Chúa: “Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,33; x. Is 55,3; Ed 36,28). Ngoài ra, từ giai đoạn bốn trở đi, họ ngóng trông vào “những ngày sau hết”, “thời cuối cùng”, “ngày của Giavê”. Tân ước sẽ sử dụng những từ ngữ này khi nói đến thời cánh chung, bắt đầu với việc Đức Giêsu thiết lập “vương quốc của Thiên Chúa” cho đến khi “Thiên Chúa được ở trong mọi sự” (1Cr 15,28).
II. Hy vọng cá nhân
Như đã nói trên, các phần tử của dân Israel cũng chia sẻ vào niềm vui và nỗi buồn của dân tộc. Nhưng bên cạnh mối hy vọng sẽ hoàn tất dài hạn, mỗi con người còn phải đối diện với ý nghĩa cuộc đời: nếu tôi ăn ngày ở lành thì sẽ được cái gì? Sau cuộc sống ở đời này, còn cuộc sống nào nữa không?
Thánh kinh cho thấy một sự tiến triển nhảy vọt về đối tượng hạnh phúc: Từ những đối tượng vật chất cụ thể, sang chính Thiên Chúa là hạnh phúc đích thực; từ cuộc sống xem ra như chỉ giới hạn vào đời này, chuyển sang sự phục sinh sau khi chết, tuy rằng tư tưởng này xuất hiện rất muộn vào lúc sắp bước sang thời Tân ước (thế kỷ II-I TCN). Sự tiến triển về đối tượng hạnh phúc cá nhân được lồng trong bối cảnh của sự tiến triển về đối tượng hạnh phúc tổng quát.
A. Quan niệm về hạnh phúc
1. Đối tượng của hạnh phúc
Nói chung, trong các tác phẩm Cựu ước, chúng ta thấy hạnh phúc nằm ở chỗ chiếm hữu các điều đáng quý trên đời này: tài sản và con cháu. Dĩ nhiên, khối lượng tài sản thay đổi tùy người và tùy thời. Đối với các tổ phụ sống đời du mục, tài sản có nghĩa là bầy cừu đông đảo; đến khi đã định cư ổn định, tài sản có nghĩa là ruộng đồng thẳng cánh cò bay, với những vụ gặt chứa đầy kho lẫm. Con cái đông đúc cũng là một thứ tài sản. Trong một xã hội phụ hệ, việc lấy nhiều vợ không những giúp cho gia trưởng được thêm nhiều con cái, nhưng các bà vợ cũng được kể như tư sản của ông chồng (x. Xh 20,17: “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta”). Với não trạng như vậy, chúng ta không ngạc nhiên gì khi nghe các vịnh gia bày tỏ niềm khao khát:
Mong đàn con trai ta / mạnh như cây vừa lớn / đang tuổi xuân mơn mởn; mong bầy con gái ta / đẹp như hình mỹ nữ / khắc trên cột đền đài. Mong sao kho lẫm ta đầy ứ / đủ mọi thứ hoa mầu. Số chiên cừu tăng lên ngàn vạn/ tràn ngập khắp đồng quê. Mong sao giống bò bê mập tròn béo tốt, không chết chóc lạc đàn; và mong sao đầu đường cuối phố / không vẳng tiếng khóc than (Tv 144,12-15; xem thêm Tv 127; 128...).
Để làm sáng tỏ thêm quan niệm về hạnh phúc, ta có thể đối chiếu với quan niệm về “tai hoạ” (bất hạnh). Nghèo tiền của thật là điều bất hạnh, nhưng không có con cái cũng là điều rủi ro, bất hạnh: điều này gây sầu khổ cho gia trưởng nhưng cũng là điều ô nhục cho người đàn bà son sẻ! Dù sao, bản văn của Đệ Nhị Luật chương 28 (những lời chúc phúc hay chúc dữ kèm theo sự tuân giữ giao ước) cung cấp cho chúng ta một hình ảnh khái quát về phúc hoạ. Một bên là con cái, súc vật, đồng ruộng sinh sôi nảy nở; bên kia là tài sản vợ con bị cướp bóc, đồng ruộng khô cằn, hoa màu bị châu chấu cắn xé.
2. Hạnh phúc chỉ có ở đời này
Đối tượng hạnh phúc là những tài sản hưởng dụng ở đời này, bởi vì chết là hết. Sau khi chết, tất cả mọi người (bất luận tốt xấu) cũng đều xuống âm phủ (sheol). Cuộc sống ở dưới âm phủ (có khi dịch là “âm ty”) thoi thóp, không đáng gọi là sống nữa. Ở đó con người chỉ còn là bóng ma (rephaim; x. Is 14,9; 26,14.19; Tv 88,11; G 26,5; Cn 2,18; 9,18; 21,16). Cõi âm thật là ảm đạm buồn tẻ. Kẻ chết không những bị người đời quên lãng, mà chính Thiên Chúa cũng quên họ luôn nữa.
Thánh vịnh 88 (đọc trong giờ Kinh Tối ngày Thứ Sáu) diễn tả tâm trạng của kẻ xuống mồ:
Con nằm đây giữa bao người chết, như các tử thi vùi trong mồ mả / đã bị Chúa quên đi / và không được tay Ngài săn sóc. Chúa hạ con xuống tận đáy huyệt sâu, giữa chốn tối tăm, giữa lòng vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng thân con / như sóng cồn xô đẩy dập vùi. ¼ Chúa đâu làm phép lạ / cho người đã mạng vong, / âm hồn đâu chỗi dậy/ ca tụng Chúa bao giờ? Trong mồ mả, ai nói về tình thương của Chúa, / cõi âm ty, ai kể lại lòng thành tín của Ngài? Những kỳ công Chúa, nơi tối tăm ai rõ? Đức công chính Ngài, chốn quên lãng ai hay?
Ta có thể đối chiếu thêm lời tạ ơn của vua Khítkigia sau khi được cứu khỏi cơn bệnh (Is 38,10-20, đọc trong giờ Kinh Sáng, Thứ Ba tuần II).
Từ đó ta hiểu thêm được lý do vì sao vấn đề thưởng phạt xảy ra ở đời này (ai làm lành thì được giàu sang, ai làm dữ thì bị khổ sở), bởi vì sang bên kia thế giới thì chẳng còn gì nữa (ai cũng như ai).
B. Quan niệm về thưởng phạt
Những tư tưởng vừa rồi phản ánh hầu hết trong các tác phẩm của Cựu ước, đặc biệt là nơi các thánh vịnh mà chúng ta đọc hàng ngày trong Giờ kinh Phụng vụ. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận sự tiến triển của quan niệm về thưởng phạt: Một đàng sự thưởng phạt không chỉ xảy ra ở đời này mà cả bên kia thế giới; đàng khác, hạnh phúc đích thực của con người không phải là của cải vật chất nhưng là chính Thiên Chúa.
1. Sự thưởng phạt chỉ diễn ra ở đời này
Mặc dù hơn một lần, tác giả Sách Thánh xác tín rằng “đường lối Thiên Chúa cách xa lối suy tưởng của con người muôn vàn trùng”, nhưng có lúc ông cảm thấy phẫn uất trước sự bất công khắc nghiệt xảy ra trên đời: quân bất lương thì giàu có sung sướng, còn người hiền lành thì điêu đứng, thiệt thân. Tại sao như vậy?
a) Đời cha ăn mặn đời con khát nước
Lúc đầu, người ta cho rằng do sự liên đới giữa các phần tử trong một cộng đoàn (chẳng hạn một gia đình, một chi tộc, hay toàn dân), cho nên nhiều lần ta phải liên lụy với số phận may rủi của cả tập thể. Khi ban hành giao ước với Israel, Thiên Chúa đã tuyên bố sẽ trừng phạt tội lỗi từ đời cha sang đến đời con cái cháu chắt (Xh 20,5; Đnl 5,9). Một trường hợp điển hình khác về trách nhiệm tập thể là nếu nhà vua lỗi giao ước với Chúa thì toàn dân phải gánh chịu hậu quả, thậm chí mất cả quê hương, đi lưu đày nơi đất khách. Hiểu như vậy, câu chuyện thưởng phạt công bình coi như tạm ổn.
b) Trách nhiệm cá nhân và những bế tắc
Dần dần, với sự phát triển của đạo lý về trách nhiệm cá nhân, câu chuyện công bình lại bùng nổ.
Bài giảng của ngôn sứ Êdêkiel (chương 18) được coi như đánh dấu một khúc quặt, từ trách nhiệm tập thể đến trách nhiệm cá nhân. Ông lật ngược câu ngạn ngữ “đời cha ăn mặn đời con khát nước” (nguyên văn: “Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng”) và khẳng định rằng từ nay trở đi, tội ai người ấy chịu. Tư tưởng này cũng được nói đến nơi ngôn sứ Giêrêmia (31,29).
Thoạt nghe, ai cũng tưởng chừng như tâm hồn được nhẹ nhõm, nhưng chẳng bao lâu sự thực phũ phàng lại xuất hiện: Người hiền cứ bị chèn ép, còn người ác thì sống phây phây. Ta có thể nhận thấy cuộc khủng hoảng đức tin nơi hai tác phẩm: Gióp và Giảng viên.
Ông Gióp không phải là một nhân vật lịch sử. Câu chuyện của ông Gióp có tính cách hư cấu, nhằm tìm cách trả lời cho vấn đề tại sao một người hiền đức như ông Gióp lại gặp bao cảnh tai bay vạ gió như vậy? Phần lớn cuốn sách dành cho cuộc tranh luận giữa các “triết gia” về nguồn gốc sự dữ dựa theo luật nhân quả. Nhưng rồi kết cục, không ai tìm ra được câu giải đáp. Tác giả đành thú nhận rằng: Đầu óc con người quá thấp bé, không tài nào thấu hiểu mọi nẻo đường của Chúa được (chương 38-42). Sau cùng, ông Gióp lại được Chúa “bù” lại với con cái gia tài gấp bội!
Tác giả sách Giảng Viên thì phản ứng ngược lại. Theo ông, mọi sự chỉ là phù vân. Vì thế, ta nên tận dụng ngày hôm nay đi. Chúa ban cho cái gì thì tận hưởng tối đa. Chết là hết hưởng! (Gv 9,6-10). Đây không phải chỉ là ý tưởng ngông cuồng của một vài người. Nhiều người cũng nghĩ như vậy: Càng trung thành giữ luật Chúa thì càng khổ; thế thì gắng sức làm gì. Ăn chơi cho đã đi (Ml 2,13-15)!
Trước sự bế tắc của vấn đề thưởng phạt, ta thấy nảy lên nhiều phản ứng khác nhau. Có người muốn thoái thác phá ngang như ta vừa thấy, nhưng có người “kính sợ Chúa”, trung thành tuân giữ luật Chúa chứ không chạy theo phường tội lỗi. Họ tín thác vào sự trung tín và công bình của Chúa. Họ kêu cầu Chúa đến giải thoát họ khỏi sự hà hiếp của kẻ dữ. Khi đọc thánh vịnh, ta gặp thấy nhiều lần lời thôi thúc: “Lạy Chúa, xin đứng lên, Chúa còn đợi đến bao giờ? Sao cứ ngoảnh mặt làm thinh?”
Dần dần, người ta cũng nhận ra rằng sự thưởng phạt xứng đáng không thể chỉ giới hạn ở trên đời này. Sự thưởng phạt sẽ diễn ra ở đời sau nữa.
2. Sự thưởng phạt diễn ra ở đời sau
Quan niệm về sự thưởng phạt xảy ra ở đời sau cũng gắn liền với quan niệm về bản chất của âm phủ (sheol) với những tiến triển được tóm tắt như sau.
a) Mọi kẻ lành người dữ đều chung một số phận
Như đã nói, vào lúc đầu, đối với Israel, âm phủ là nơi ở dưới lòng đất được dành cho hết mọi kẻ đã chết, dù tốt dù xấu. Tất cả như một bóng mờ, như một đám đông vô danh, cùng chung một số phận trong đó.
b) Có sự phân biệt giữa người lành kẻ dữ trong âm phủ
Dần dần, người ta quan niệm trong âm phủ cũng có sự phân biệt giữa người tốt với người xấu: Người xấu nằm ở dưới đáy, người tốt nằm ở trên (x. Ed 32,22tt; Is 14,15). Phần thưởng dành cho những người công chính (và sự trừng phạt kẻ dữ) đã bắt đầu như được phản ánh phần nào trong dụ ngôn người phú hộ và ông Ladarô (Lc 16,23-24).
c) Người lành được cứu thoát khỏi âm phủ
Sang chặng thứ ba, âm phủ chỉ còn là nơi dành cho phường bất lương, còn người lành sẽ được Chúa đem ra khỏi đó và đưa về với Ngài. Tư tưởng này bộc lộ nơi ba thánh vịnh được gọi là thánh vịnh “huyền nhiệm” hay “thần bí”, theo đó chỉ có Chúa mới là phần thưởng đích thực của con người (Tv 16, 49, 73).
- Tv 16. Ngay từ đầu, tác giả xưng thú rằng duy chỉ nơi Thiên Chúa (chứ không phải nơi tiền của), con người tìm được hạnh phúc thực: “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc”. Và trong phần kết, tác giả thâm tín rằng nếu mình gắn bó với Chúa thì Chúa sẽ đem mình về với Ngài, chứ không để trong âm phủ: “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty/ không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ/ Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống/ trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề/ ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!”[2]
- Tv 49. Tác giả khuyên đừng chạy theo của cải phù vân, bởi vì không ai mang của cải sang bên kia thế giới. Hơn thế nữa, quân bất lương sẽ bị giam trong âm phủ: “Nhưng Chúa Trời sẽ chuộc mạng tôi, gỡ tôi ra khỏi quyền lực âm phủ” (Tv 49, 16).
- Tv 73. Thánh vịnh này mở đầu bằng nỗi bức xúc trước cảnh tượng ngang trái: Kẻ hiền gặp nạn, kẻ ác gặp may. Tác giả bị cám dỗ cũng muốn chạy theo phường tội lỗi. Nhưng may thay, khi vào đền thờ Chúa, ông ta có dịp suy nghĩ lại, và khám phá ra đâu là hạnh phúc đích thực: “Con quả đã ngu si chẳng hiểu, trước mặt Ngài, như thú vật nào hơn! ¼ Con còn ai chốn trời xanh, bên Ngài thế sự thật tình chẳng ham! Dẫu cho hồn xác suy tàn, thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn. Kìa ai xa Chúa, sẽ mai một hết, những kẻ phụ Ngài, Ngài diệt cả đi. Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời. Mọi việc Ngài làm, con xin kể lại/ nơi cửa vào thành thánh Sion” (Tv 73,22.25-28).
C. Quan niệm về bất tử trường sinh
1. Tư tưởng “sống lại”
Song song với tư tưởng của các thánh vịnh “huyền nhiệm” nói đến việc Chúa đem các tôi trung ra khỏi âm phủ để đưa họ về với Ngài, ngôn sứ Isaia loan báo thời mà Thiên Chúa sẽ tiêu diệt sự chết (Is 25,8: “Chúa sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần¼ sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người”. Từ ngữ “sống lại” (phục sinh, nghĩa đen là “chỗi dậy, thức dậy”) xuất hiện trong vài bản văn Cựu ước (Is 26,19; Ed 37,1-14; Hs 6,1-12; Đn 12,1-3), tuy không rõ nên hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Êdekiel (chương 37) nói đến sự phục sinh (thịt lại được dán vào bộ xương khô) nhưng ông giải thích đó là hình ảnh của sự khôi phục dân Israel (câu 11-14).
Đoạn văn sách Đaniel (12,2) cũng loan báo về sự sống lại. Nhất là sách Macabê quyển 2 (chương 7) nói về bảy anh em bị dụ dỗ phản bội luật Chúa và bị đe doạ giết chết nếu không theo lệnh nhà vua. Nhưng họ khẳng khái khước từ lời dụ dỗ đe doạ và khẳng định rằng nếu họ từ bỏ mạng sống vì trung thành với Chúa thì Chúa sẽ trả lại cho họ sự sống: “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2Mcb 7,9; x. câu 11. 14. 23.29.36).
Nhưng sự sống lại chỉ là phần thưởng Chúa ban cho những tôi trung của Ngài; còn phường vô đạo thì sẽ bị trầm luân đời đời (câu 14).
Tuy nhiên, đoạn văn này viết vào cuối thời Cựu ước (khoảng thế kỷ I TCN), chứ không phải là niềm tin của hết mọi người Do thái. Vào thời Chúa Giêsu, những người Sađốc vẫn không tin có sự sống lại (Mc 12,18-27; Mt 22,30; Lc 20,35-36).
2. Tư tưởng “linh hồn bất tử”
Khoảng thế kỷ II-I TCN, một tư tưởng khác xuất hiện trong sách Khôn Ngoan, đó là linh hồn bất tử của những người công chính (x. Kn 2,23-24; 3,1-4). Sách này ra đời tại Alêxanđria, viết bằng tiếng Hy lạp. Tác giả là một người Do thái am hiểu triết lý, đặc điểm và các phong trào văn hoá Hy lạp, cho nên xem ra cũng chịu ảnh hưởng phần nào văn hoá đương thời. Dù vậy, tác giả cũng đã “rửa tội” cho quan điểm này, bởi vì sự bất tử không phải là do bản chất của linh hồn nhưng là hồng ân của Thiên Chúa ban cho người công chính (15,3). Chỉ linh hồn người công chính mới được bất tử, nghĩa là sống bên Chúa, còn linh hồn kẻ bất chính thì không được như vậy (x. Kn 3,1.10; 5,14-15).
Cần ghi nhận sự khác biệt giữa hai tư tưởng “sống lại” (resurrection) và “bất tử” (immortality). Cả hai đều nói đến một cuộc sống nào đó sau khi chết. Tuy nhiên, sự “sống lại” bao hàm toàn thể con người (hồn và xác), còn sự “bất tử” chỉ liên quan đến linh hồn. Có lẽ đây là hệ quả của hai quan niệm về con người từ hai nền văn hóa khác nhau, Do thái và Hy lạp. Người Do thái quan niệm con người là một toàn bộ, tuy dù có thể phân biệt các chiều kích tựa như tinh thần (hướng thượng), tâm hồn (với những cảm xúc), thể xác (thân phận mỏng manh). Người Hy lạp cho rằng con người gồm bởi hai yếu tố tách biệt: linh hồn (thiêng liêng) và thân xác (vật chất); chết là sự tách rời linh hồn khỏi thể xác.[3]
Sách Khôn Ngoan được viết bằng tiếng Hy lạp và không được nhận vào sổ quy thư Sách Thánh của người Do thái. Vì thế, Giáo hội Tin lành nói chung không chấp nhận quan điểm “linh hồn bất tử”, với những hệ luận mà chúng ta sẽ thấy khi bàn về cánh chung cá nhân trong phần hệ thống.
[1] Thí dụ: - Trong Cựu ước, các sách chính thư gồm có: Sách Đanien, Isaia (chương 24-27: Đại Khải huyền; chương 34-35: Tiểu Khải huyền); Êdekien (chương 38‑39); Dacaria (chương 1‑8; 9‑14; 24‑27). Các sách Ngụy thư: Khải huyền của ông Ápraham, Khải huyền của ông Ađam; Khải huyền của ông Barúc; Khải huyền của Êlia, Khải huyền của Esdra, Khải huyền của ông Môsê, Các sách của ông Ênóc, Cuộc thăng thiên của ông Isaia, Chúc thư của mười hai tổ phụ... - Trong Tân ước: Tin mừng Nhất lãm (Mc chương 13; Mt chương 24; Lc chương 21); Thư Phaolô (1Tx 4,16‑17; 2Tx 2,1‑12; 1Cr 15), Sách Khải Huyền của thánh Gioan. Các sách Ngụy thư: Khải huyền của ông Phêrô, Khải huyền của ông Phaolô, Khải huyền của ông Giacôbê, Khải huyền của ông Stêphanô, Khải huyền của ông Tôma...
[2] Tân ước sử dụng đoạn văn này để giải thích việc Thiên Chúa cho Đức Giêsu trỗi dậy: Cv 2,25-28
[3] X. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh XIII, trang 92-94.