Những quan niệm về Hy vọng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền - Kỳ III
NHỮNG QUAN NIỆM VỀ HY VỌNG
TRONG THÁNH KINH VÀ THÁNH TRUYỀN
Phan Tấn Thành, OP.
(trích Đời sống tâm linh - tập XIV)
- Kỳ I :--Chương mở đầu: KHÁI NIỆM VỀ HY VỌNG
-----------Chương Một. CỰU ƯỚC
- Kỳ II :--------- Mục 1. Đối tượng hy vọng
- Kỳ III:----------Mục 2. Động lực hy vọng
------------Chương Hai. TÂN ƯỚC
- Kỳ IV :----------Mục 1. Nhất lãm
- Kỳ V :---------- Mục 2. Thánh Phaolô
- Kỳ VI :----------Mục 3. Các tác phẩm của Gioan
------------Chương Ba. LỊCH SỬ GIÁO HỘI
--------------------Mục 1. Đối tượng hy vọng: Hy vọng cái gì?
- Kỳ VII : ----------------I. Thời các giáo phụ
- Kỳ VIII : ---------------II. Thời Trung cổ
- Kỳ IX:------------------III. Thời Cận đại
--------------------Mục 2. Chủ thể hy vọng: Hy vọng là gì?
- Kỳ X : ------------------I. Thời các giáo phụ
----------------------------II. Thời kinh viện: hy vọng tự nhiên và hy vọng siêu nhiên
- Kỳ XI :-----------------III. Thời cận đại: sự cần thiết của đức Hy vọng
---------------------------IV. Thời hiện đại: vài văn kiện của Huấn quyền
Kỳ III
Chương một: CỰU ƯỚC (tiếp theo)
Mục 2:
ĐỘNG LỰC HY VỌNG TRONG CỰU ƯỚC
I. Từ ngữ.
-- ----1. Đối tượng hy vọng.
-- ----2. Những tâm tình.
II. Các tác giả.
-- ----1. Các ngôn sứ.
-- ----2. Các thánh vịnh.
-- ----3. Những mẫu gương.
Mục thứ nhất bàn về các đối tượng hy vọng, tức là nhìn dưới khía cạnh khách thể; còn trong mục này, chúng ta tìm hiểu hy vọng dưới khía cạnh chủ thể. Dĩ nhiên, chúng ta không phân tích hy vọng như một trạng thái tâm lý của con người, nhưng chú trọng vào mối tương quan với Thiên Chúa. Trước hết, chúng ta khảo sát các bản văn để vạch ra những tư tưởng chính; sau đó, chúng ta sẽ nghiên cứu một vài gương mẫu.
I. Từ ngữ
Trước khi đi sâu vào vấn đề, thiết tưởng cần nêu lên một khó khăn về phương pháp do việc sử dụng từ ngữ. Trong tiếng La tinh, có một danh từ chính dùng để ám chỉ “hy vọng”, đó là spes (danh từ; động từ là sperare). Ta có thể nói một cách tương tự đối với tiếng Hy lạp (bản dịch LXX và Tân ước): elpis như danh từ và elpizo như động từ; còn trong tiếng Hípri, có ít là bốn động từ được dùng để diễn tả việc hy vọng:[1]
- qiwwah (gốc bởi qaw = sợi dây chì của thợ nề): hướng về, trông mong (áp dụng cho Thiên Chúa 26 lần);
- jikhel: chờ đợi, mong đợi, hy vọng (áp dụng cho Thiên Chúa 27 lần);
- khikkah: chờ đợi với lòng tin tưởng và ước mong (áp dụng cho Thiên Chúa 7 lần);
- sibber: hy vọng, ước mong (áp dụng cho Thiên Chúa 4 lần).
Các danh từ xuất phát từ các động từ ấy thì không nhiều (9 đoạn áp dụng cho Thiên Chúa).
Xét như tâm tình, sự hy vọng xuất hiện trong bối cảnh của lời hứa và lời an ủi; phần lớn được hiểu về việc bày tỏ lòng tin tưởng, đặc biệt là trong các thánh vịnh. Các động từ diễn tả hy vọng đều gắn liền với sự tin tưởng.
Trong số 146 đoạn văn mang chứa đựng hạn từ “hy vọng” (động từ hoặc danh từ), đến một nửa đề cập đến hy vọng theo nghĩa trần tục. Hy vọng là thái độ trông mong chờ đợi một điều tốt lành hoặc một biến cố chưa đến, bất kỳ sự mong đợi ấy dựa trên nền tảng khách quan, hay chỉ do sự đánh giá sai lầm. Sách Châm ngôn (11,7) nói đến niềm hy vọng hư ảo của những kẻ khờ dại.
Niềm hy vọng vào Thiên Chúa cũng mang những sắc thái tâm lý giống như các niềm hy vọng tin tưởng trong lãnh vực thường nhật; sự khác biệt nằm ở nội dung, động lực và những công hiệu mang lại.
-- -- -- -1. Đối tượng hy vọng
Người đạo đức ở Babylonia không bao giờ cầu xin Thiên Chúa là “niềm hy vọng của tôi”, đang khi trong Kinh thánh của người Do thái, người ta đếm được 73 đoạn nói đến “hy vọng vào Thiên Chúa” (Giavê), “trông mong Thiên Chúa”. Vịnh gia tuyên xưng: “Chúa là hy vọng của con” (Tv 71,5), Ông Giêrêmia cũng kêu cầu: “Lạy Ngài là hy vọng của Israel” (Gr 14,8; 17,13).
Thiên Chúa là cứu cánh, bản chất, bảo đảm cho niềm hy vọng. Người ta khát mong thánh danh của Chúa (Tv 52,11), ơn tha thứ (Tv 130,5), cánh tay của Ngài (Is 51,5), sự cứu vớt của Ngài (St 49,18).
Viễn ảnh hy vọng của Israel vượt quá chân trời của đời sống cá nhân, và nhắm tới việc Thiên Chúa xuất hiện trong vinh quang, việc Ngài thống trị địa cầu, sự hối cải của Israel và của chư dân, giao ước mới.
Vai trò của các ngôn sứ rất lớn trong việc duy trì hy vọng tinh tuyền trước những cám dỗ chạy theo những ảo vọng. Isael hãy hy vọng vào ân huệ của Thiên Chúa (x. Hs 12,7; Gr 31,17; Is 40,31; Tv 40,2). Sự hy vọng là một hồng ân của Thiên Chúa (Tv 62,6: hy vọng của tôi đến từ Thiên Chúa). Vào lúc lòng hy vọng gặp bế tắc, các ngôn sứ Hôsêa, Giêrêmia, Edekiel loan báo một sự can thiệp mới của Thiên Chúa (Hs 2; Gr 29,1; 31,31-34; Ed 36-37).
-- -- -- -2. Những tâm tình
Niềm hy vọng vào Thiên Chúa, xét về phía chủ thể, cũng kèm theo những tâm trạng tương tự như những sự hy vọng khác: tin tưởng trông chờ, tuy dù điều Chúa hứa chưa được thực hiện. Hy vọng vào Thiên Chúa có nghĩa là đặt tin tưởng nơi Ngài, bởi vì Ngài thông biết mọi sự, Ngài đã hứa và trung thành với lời hứa (Is 8,17; Mk 7,7; Tv 42,6).
Đang khi chờ đợi ơn cứu rỗi, người tín hữu, cùng với sự tín thác vào Thiên Chúa cũng cần phải tùng phục sự chỉ đạo của Ngài. Trong nhiều thánh vịnh, niềm hy vọng và lòng kính sợ Thiên Chúa đi đôi với nhau (chẳng hạn: 33,18; 147,11).
Như vậy, niềm hy vọng đi kèm với sự tin tưởng, kiên nhẫn, nhờ đó người tín hữu tìm thấy sức mạnh để hành động.
II. Các tác giả
Trong các sách Cựu ước, những đoạn văn nói về hy vọng được gặp thấy cách đặc biệt nơi các ngôn sứ và các thánh vịnh.
-- -- -- -1. Các ngôn sứ
Các ngôn sứ trước thời lưu đày thường kêu gọi Israel hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, chứ đừng cậy dựa vào sức mạnh của các thế lực ngoại bang, chẳng hạn các đế quốc Assyria hoặc Ai cập. “Hãy luôn hy vọng vào Thiên Chúa” (Hs 12,7). Niềm hy vọng này đi kèm theo việc hối cải trở về với Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Tư tưởng này cũng gặp thấy nơi Isaia (36,4-9), Giêrêmia (46,25). Dĩ nhiên, dân Israel được khuyến cáo hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, chứ đừng tin tưởng nơi các cường quốc. Họ cũng chẳng nên hy vọng vào các thần tượng, các thói bói toán ma thuật để dự đoán tương lai (Is 8,17). Mikha cũng khuyên dân Israel đừng đặt tin tưởng nơi các đồng minh loài người, nhưng hãy hy vọng trông chờ Thiên Chúa, bởi vì duy chỉ có Ngài mang lại ơn cứu độ (Mk 7,5.7). Ông Giêrêmia không chỉ cảnh báo những người đặt tin tưởng vào sức mạnh giả dối của loài người thay vì tin tưởng vào Thiên Chúa (Gr 2,11); hơn thế nữa, ngay là sự tin tưởng vào đền thờ cũng có thể trở thành hư ảo nếu không đi kèm theo việc tuân hành giao ước (Gr 7,4-10).
Bên cạnh những lời tố cáo, các ngôn sứ cũng loan báo sứ điệp tích cực: Thiên Chúa được tuyên xưng là “niềm hy vọng của Israel”, “nguồn mạch nước hằng sống” (Gr 14,8; 17,3), có khả năng mang lại ơn cứu rỗi. Những lời phấn chấn này tăng thêm trong thời gian lưu đày, để khuyến khích người dân tin tưởng: sau một thời gian thử thách, Thiên Chúa sẽ ra tay cứu vớt họ (Gr 29,2.13-14). Ngài sẽ tha thứ tội lỗi cho họ (Gr 14,20-21).
Một cách tương tự, Isaia cũng tuyên xưng Thiên Chúa là “tảng đá” (Is 17,10; 26,2-4; 44,8): Ngài sẽ thực hiện điều đã hứa, và mang đến những hồng ân tốt đẹp hơn trong tương lai.
Những danh hiệu nói trên nhằm khuyến khích Israel hãy đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Thiết tưởng cũng nên ghi nhận một chi tiết thú vị: có lúc Isaia nhắc đến sự “hy vọng của Thiên Chúa” trong bài ca về vườn nho. Chúa mong đợi những hoa trái ngọt ngào vườn nho yêu dấu, tức là hoa trái của công bằng nhân nghĩa, nhưng chỉ thấy trái chua (Is 5,2.4.7).
-- -- -- -2. Các thánh vịnh
Các thánh vịnh biểu lộ lòng trông cậy vào Thiên Chúa qua những lời van nài, cũng như bày tỏ lòng tin tưởng nơi ngài, đặc biệt trong những lúc túng quẫn khó khăn. Như đã nói trên đây, trong tiếng Hípri không có một từ duy nhất để diễn tả hy vọng như tiếng Hy lạp và La tinh. Vì thế vịnh gia sử dụng nhiều động từ tương đương để nói lên cùng một tâm tình, chẳng hạn như trong thánh vịnh 33, (câu 20-23) chúng ta đọc thấy: “Tầm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. Vâng có Người, chúng tôi mừng rỡ vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài”.
Cầu nguyện là lúc đặc biệt để bộc lộ những nỗi lo âu thất vọng của cộng đồng hay của cá nhân. Người tín hữu không ngần ngại tỏ bày những nỗi khó khăn trắc trở; nhưng cũng chính giữa lúc thử thách, vịnh gia nhớ lại những ân huệ của Thiên Chúa trong quá khứ, và nhận ra những động lực để tiếp tục hy vọng.
Chúng ta có thể trưng dẫn một thí dụ điển hình nơi thánh vịnh 22. Lời cầu mở đầu bằng một tiếng than: “Lạy Chúa, lạy Chúa của con, tại sao Chúa ruồng bỏ con?”. Tuy nhiên giữa lúc cảm thấy mình bỏ rơi, vịnh gia ba lần nhớ lại tổ tiên đã từng hy vọng vào Thiên Chúa và đã được giải thoát: “Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa, họ cậy trông, Ngài đã độ trì, van nài liền được cứu nguy, đã không thất vọng mỗi khi cậy Ngài” (câu 5-6). Kinh nghiệm của những lần Thiên Chúa can thiệp trong quá khứ đã khiến cho tác giả tin tưởng rằng Ngài sẽ không bỏ rơi mình, và đã thúc đẩy ông cất lên khúc ca tạ ơn. Một tâm tư tương tự cũng đã gặp thấy trong thánh vịnh 13, mở đầu bằng một câu hỏi (Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ?), nhưng rồi tác giả định thần lại, tưởng nhớ đến tình thương của Thiên Chúa khiến cho ông tiếp tục tin tưởng (Phần con đây, con tin cậy vào tình thương Chúa. Được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng). Và thánh vịnh kết thúc với lời tạ ơn. Chúng ta còn gặp nhiều thánh vịnh tương tự, chẳng hạn như 31; 33; 42-43; 69.
Vịnh gia không chỉ xác nhận lòng trông cậy vào Thiên Chúa khi nhớ lại những kỳ công, những dấu chỉ của tình yêu, nhưng ông còn tuyên xưng: “Chúa là hy vọng của con, là nơi con tin tưởng, là núi đá và thành trì bảo vệ con” (Tv 71,3.5). Thiên Chúa là núi đá, là thành luỹ che chở (Tv 62,2-3. 6-7).[2] Tảng đá là biểu tượng cho sự chắc chắn, vững bền.
Thánh vịnh 130 (kinh vực sâu) cũng là một thánh vịnh hy vọng, và động lực của hy vọng chính là Lời Chúa: “Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa hơn lính canh mong đợi hừng đông” (Tv 130,5-6). Thánh vịnh 119 lặp đi lặp lại nhiều lần niềm hy vọng vào Lời Chúa phán (Tv 119,42.49.74.81.114.116). Lời Chúa mang lại sự cứu độ (câu 41-42.81), sự sống (câu 25.37).
Ngoài ra, trong các thánh vịnh, chúng ta cũng gặp thấy một giáo huấn giống như các ngôn sứ, đó là nhắc nhở các tín hữu đừng đặt hy vọng nơi con người, nơi tài sản (Tv 49,7.12; Tv 73,3-12), bởi vì tất cả đều là loài phù vân chóng tàn, nhưng hãy trông cậy vào Thiên Chúa (Tv 73,25; 118,8-9). Xem thêm Tv 52,9-10.
Sau cùng, như đã nói khi bàn về đối tượng hy vọng, phần lớn các thánh vịnh đều mong chờ hạnh phúc ở đời này, dù là cá nhân hay cộng đồng; tuy vậy, cũng có ba thánh vịnh đặt hạnh phúc ở chính Thiên Chúa, và từ đó, cũng hy vọng vào một cuộc sống sau cuộc sống trên đời này (Tv 16,5.10-11; 49,16; 73,25-28). Dù sao, nơi các thánh vịnh, chúng ta khám phá một động lực chính cho mọi niềm hy vọng, đó là tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,8-9); “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm tựa cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình, Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại, dành cho kẻ hết dạ kính tôn” Tv 103,15-17).
-- -- -- -3. Những mẫu gương
Trên đây chúng ta đã khảo sát những đoạn văn Cựu ước chứa đựng từ “hy vọng”, một công việc không đơn giản bởi vì “hy vọng” trong tiếng Hípri được diễn tả bằng nhiều từ ngữ (tương tự như trong tiếng Việt: hy vọng, trông đợi, trông mong, mong chờ...) chứ không như trong tiếng Hy lạp và La tinh. Tuy nhiên, lối tiếp cận này vẫn còn thiếu sót, bởi vì đôi khi “hy vọng” được gắn liền với một từ ngữ khác. Một cách cụ thể, ông Abraham được thánh Phaolô đề cao như tổ phụ của chúng ta trong đức tin, đồng thời ông cũng được xem như điển hình cho lòng hy vọng, như chúng ta đọc thấy trong thư gửi Rôma: “mặc dầu không còn gì để hy vọng, ông vẫn hy vọng và vững tin, do đố ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc (4,18-19: “qui contra spem in spem credidit ut fieret pater multarum gentium secundum quod dictum est sic erit semen tuum). Điều đáng nói là khi diễn tả thái độ của ông, sách Sáng thế không sử dụng động từ “hy vọng” (qiwwah) nhưng là “tin” (aman). Thật ra, tiếng Hípri cũng tương tự như tiếng Việt, hành vi “trông cậy” cũng không khác gì lắm với “tín thác, tin tưởng”; còn hành vi “tin” thì được diễn tả với ý tưởng là “nương tựa, dựa vào” (aman) hoặc “trông mong, tin tưởng” (batakh).
Thực vậy, mở đầu chương 12, tác giả sách Sáng thế, sau khi đã thuật lại tiếng gọi của Thiên Chúa (“Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi ...”), chỉ mô tả thái độ của ông Abram một cách đơn giản chứ chẳng bình luận gì “Ông ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông” (câu 4). Qua chương 15, cuộc đối thoại giữa đôi bên mang nhiều màu sắc hơn. Thiên Chúa phán với ông: “Hỡi Apram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn” (câu 1). Ông đã nêu lên nhiều thắc mắc vấn nạn. Thiên Chúa đưa ông ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không ... Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó”. Đến đây tác giả bình luận: “Ông tin Đức Chúa, và vì thế Đức Chúa kể ông là người công chính” (câu 5-6). “Tin” có nghĩa là bám chắc vào Thiên Chúa, sau khi đã được Thiên Chúa mời gọi hãy nhìn lên cao, để thẩm định sự việc dưới viễn tượng trên trời, chứ không theo sự tính toán của con người.
Một câu chuyện khác bày tỏ thái độ tin tưởng của ông Abraham, khi Thiên Chúa đòi hỏi ông hy sinh Isaac, người con trai duy nhất của ông (St 22,1-9). Thái độ tín thác của ông được bộc lộ trong câu trả lời khi cậu con trai thắc mắc vì không thấy chiên làm lễ toàn thiêu. Ông nói: “Chính Thiên Chúa sẽ lo liệu, con ạ” (câu 14). Ông đã vượt qua cuộc thử thách về cả đức tin cũng như niềm hy vọng. Như sẽ thấy, mặc dù chúng ta thường phân tích hai nhân đức “tin” và “cậy” để nghiên cứu, nhưng trên thực tế, cả hai nhân đức gắn chặt với nhau (x. Hr 11,1; Rm 8,24).
Cựu ước còn để lại cho chúng ta nhiều tấm gương tương tự về lòng tin tưởng vào sự trợ lực của Thiên Chúa, tựa như các lãnh tụ (Môsê, Đavít), hoặc những phụ nữ khi được gọi giữ vai trò “cứu quốc”, tựa như bà Esther. Chúng ta hãy đọc lại vài đoạn trong lời nguyện của bà trước khi ra tay hành động:
Lạy Chúa của con, lạy Vua chúng con, Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con, Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài.... Lạy Chúa, ngày chúng con gặp gian truân cùng khốn, xin nhớ đến chúng con mà chứng tỏ quyền năng của Ngài. Lạy Vua các thần minh, Đấng thống trị mọi kẻ cầm quyền, xin ban cho con lòng dũng cảm, và dạy con biết nói lời êm tai khi phải ra trước mặt loài sư tử... Lạy Thiên Chúa quyền uy dũng lực trên hết thảy mọi người, xin nghe tiếng những kẻ sờn lòng nản chí. Xin giải thoát chúng con khỏi tay những kẻ độc ác, xin giải thoát con khỏi cơn sợ hãi này.
Đó là những mẫu gương của những người chỉ biết hy vọng vào quyền năng của Thiên Chúa, khi đứng trước tình thế khó khăn mà sức loài người không tài nào thoát được (x. Hr 11,1-40).
Những tư tưởng và hình ảnh của Cựu ước sẽ được bổ túc và hoàn thiện trong Tân ước.
[1] E. Hoffman, Sperare, in: Dizionario dei concetti del Nuovo Testamento, EDB Bologna 1986, trang 1777.
[2] “Thiên Chúa là tảng đá”: lời tuyên xưng này được gặp thấy nhiều lần trong các thánh vịnh, chẳng hạn như: 18,3.32.47; 19,15; 28,1; 31,3-4; 42,10; 62,3.7-8; 71,3; 73,26; 78,35; 92,16; 94,22; 95,1; 144,1. Hình ảnh này cũng được sử dụng ở nhiều tác phẩm khác trong Cựu ước: Đnl 32,4.15.18.30-31.37; 1Sm 2,2; 2Sm 22,3.32.47; 23.