Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Những quan niệm về Hy vọng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền - Kỳ VI

Văn phòng Học Viện
2025-01-13 11:21 UTC+7 35

NHỮNG QUAN NIỆM VỀ HY VỌNG

TRONG THÁNH KINH VÀ THÁNH TRUYỀN

Phan Tấn Thành, OP.

(trích Đời sống tâm linh - tập XIV)

NỘI DUNG

- Kỳ I :--Chương mở đầu: KHÁI NIỆM VỀ HY VỌNG

-----------Chương Một. CỰU ƯỚC

- Kỳ II :--------- Mục 1. Đối tượng hy vọng

- Kỳ III:----------Mục 2. Động lực hy vọng

------------Chương Hai. TÂN ƯỚC

- Kỳ IV :----------Mục 1. Nhất lãm

- Kỳ V :---------- Mục 2. Thánh Phaolô

- Kỳ VI :----------Mục 3. Các tác phẩm của Gioan

------------Chương Ba. LỊCH SỬ GIÁO HỘI

--------------------Mục 1. Đối tượng hy vọng: Hy vọng cái gì?

- Kỳ VII : ----------------I. Thời các giáo phụ

- Kỳ VIII : ---------------II. Thời Trung cổ

- Kỳ IX:------------------III. Thời Cận đại

--------------------Mục 2. Chủ thể hy vọng: Hy vọng là gì?

- Kỳ X : ------------------I. Thời các giáo phụ

----------------------------II. Thời kinh viện: hy vọng tự nhiên và hy vọng siêu nhiên

- Kỳ XI :-----------------III. Thời cận đại: sự cần thiết của đức Hy vọng

---------------------------IV. Thời hiện đại: vài văn kiện của Huấn quyền

Kỳ VI

Chương hai: TÂN ƯỚC (tiếp theo)

Mục 3:

HY VỌNG THEO CÁC TÁC PHẨM GIOAN

I. Tin mừng thứ bốn

-- -- -- 1. Sự sống đời đời

-- -- -- 2. Cánh chung trong hiện tại

-- -- -- 3. Cánh chung trong tương lai

-- -- -- 4. Hiện tại hay tương lai?

II. Sách Khải huyền

-- -A. Văn thể

-- -- -- 1. Những yếu tố chung với loại văn khải huyền

-- -- -- 2. Những điểm khác với văn thể khải huyền

-- -B. Mục tiêu

-- -C. Nội dung đạo lý

Truyền thống đã gán cho thánh Gioan tông đồ hai tác phẩm quan trọng của Tân ước: Tin mừng thứ bốn và sách Khải huyền. Trải qua lịch sử, không thiếu những ý kiến đòi xét lại vấn đề tác giả. Dưới khía cạnh phê bình văn chương, ta thấy hai tác phẩm ấy có văn thể khác nhau, cũng như quan điểm khác nhau về hy vọng. Vì vậy, chúng tôi sẽ tách ra hai đề tài riêng biệt.

I. Tin mừng thứ bốn

Trong Tin mừng thứ bốn, động từ “hy vọng” chỉ được dùng 1 lần ở chương 5 (Ga 5,45: người Do thái hy vọng vào Môsê), trong khi động từ “tin” được dùng 98 lần. Phải chăng, đối với thánh Gioan, “tin” mới thật sự là quan trọng, còn “hy vọng” là chuyện bên lề? Câu trả lời đã quá rõ, nhưng ta cần tìm hiểu lý do của nó.

Lúc ấy, người Do thái đang mong đợi Đấng Mêsia để tái lập vương quốc của Thiên Chúa. Thánh Gioan cho thấy rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia, và còn hơn thế nữa, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người (x. Ga 1,11). Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại, và như thế, những thực tại thiên giới và cánh chung đã được đưa vào trần gian. Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đã thu tóm lại tất cả những thực tại cuối cùng (sự sống lại và sự sống): tương lai trở thành hiện tại nơi Người.

-- -- -- 1. Sự sống đời đời

So sánh với Tin mừng Nhất lãm, ta thấy một sự thay đổi về điểm nhấn khi trình bày trọng tâm sứ điệp của Đức Giêsu. Đối với Tin mừng Nhất lãm, trọng tâm là “Vương quốc Thiên Chúa” (Nước Chúa); nhưng thuật ngữ này chỉ xuất hiện 2 lần trong Tin mừng thứ bốn (Ga 3,3.5: cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô). Đức Giêsu có phẩm cách vương đế, nhưng vương quốc của Người siêu việt và là chân lý, vương quốc ấy không thuộc về thế gian này (Ga 18,36). “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh lại bởi ơn trên” (Ga 3,3-17). Ở đây Nước Thiên Chúa đồng nghĩa với ơn cứu độ, với cuộc sống đời đời. Trái lại, từ ngữ được dùng nhiều hơn cả là “Sự sống, Sự sống vĩnh cửu” (36 lần). Dĩ nhiên, sự sống ở đây không chỉ hiểu về sự sống sinh-vật lý nhưng là chính sự sống của Thiên Chúa, sự sống thần linh (Ga 1,4).  Thiên Chúa Cha có sự sống nơi mình và trao ban sự sống đó cho Người Con. Người Con bước vào trần gian để ban lại sự sống đó cho con người khi Ngài cho họ khả năng trở thành con Thiên Chúa (x. Ga1,12-13; 1Ga 3,1-2).

Vì thế con người có thể lãnh nhận “sự sống đời đời” (x. Ga 3,36; 5,24; 6,47.54; 1Ga 3,15; 5,12.13) ngay bây giờ, bằng cách tin vào Đức Kitô; ngược lại, nếu từ chối Ngài, thì họ sẽ mất sự sống và bị luận phạt. Cấu trúc của Ga 3,36 muốn nhấn mạnh đến điều đó: “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời. Kẻ không chịu tin vào Người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ đè nặng trên người ấy”.

-- -- -- 2. Cánh chung trong hiện tại

Đây là một lối trình bày độc đáo của Tin mừng thứ bốn: thực tại cánh chung (tựa như sự sống lại, sự phán xét) đã xảy ra rồi, chứ không cần chờ đến ngày Quang lâm. Vài đoạn văn tiêu biểu:

“Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,18).

“Thật, tôi bảo các ông: Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. Thật tôi bảo các ông: Giờ đã đến – và chính lúc này đây – giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống” (Ga 5,24-25).

Chính vì dựa vào Tin mừng thánh Gioan mà chủ thuyết “cánh chung thành tựu” (realized eschatology) được xướng lên. Thực vậy, sự cứu rỗi đã được quyết định ngay từ bây giờ nhờ lòng tin: Ai tin thì được sự sống. Ngoài những đoạn văn vừa nêu trên (Ga 3,15-16.36; 5,21.14.40) ta có thể kể thêm 11,25-26: Bà Marta tin rằng em mình sẽ sống lại vào ngày tận thế; nhưng Chúa Giêsu kéo sang thời hiện tại:

“Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).

-- -- -- 3. Cánh chung trong tương lai

Mặc dù vậy, Tin mừng thánh Gioan cũng không thiếu những đoạn nói đến “ngày sau hết”, nghĩa là vào ngày tận thế (Ga 6,39.40.44.54; 12,48).

- Chúa Giêsu sẽ trở lại để đem các môn đệ vào ở với mình (Ga 14,3).

- Có sự phán xét trong hiện tại và có sự phán xét trong tương lai: “Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi thì có quan toà xét xử người ấy: Chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết” (Ga 12,48). Cuộc phán xét cuối cùng sẽ được thực hiện vào lúc mãn thời gian.

- Sự phục sinh sẽ diễn ra trong ngày sau hết (Ga 6,39.40.44.54; 5,28).

-- -- -- 4. Hiện tại hay tương lai?

Hơn nữa, đôi khi cả hai “thời” (đã / sẽ) được dùng kề nhau, chẳng hạn khi nói về sự phán xét (12,48 vừa trích dẫn: Sự xét xử vừa trong hiện tại vừa sẽ diễn ra trong ngày sau hết) và sự sống lại (Ga 5,25: “Giờ đã đến – và chính lúc này đây – giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì được sống”, và Ga 5,28-29: “Giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó: Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án”. Giải thích điều này có học giả (như R. Bultmann) cho rằng những đoạn nói đến tương lai là do bàn tay khác chen vào; nhưng có người (như E. Boismard)  nghĩ ngược lại, đó là các đoạn nói về hiện tại là ngụy tạo. Thay vì tranh luận về tư tưởng nguyên thủy của thánh Gioan, thiết tưởng nên chấp nhận bản văn hiện hành và tìm cánh khám phá đặc trưng của thánh Gioan.

Đức Kitô là nguồn suối, là nguyên nhân của cuộc sống viên mãn và hạnh phúc đời đời. Bởi vì Người là “đường, sự thật, sự sống” cho nên ai tin vào Người thì đã được sự sống rồi. Mặt khác, chúng ta vẫn còn chờ mong được ở bên cạnh Người mãi mãi: Người đi trước và dọn chỗ cho chúng ta. Đây là chiều kích tương lai của cánh chung. Một vài đoạn văn diễn tả thái độ trông mong trong thời gian xa cách ấy, chẳng hạn như: Ga 12,25-26; 14,1-3; 17,24; 21,22.

Điều này cũng được diễn tả trong thư thứ nhất của thánh Gioan. Một đàng, tác giả khẳng định: “Đây là giờ cuối cùng rồi” (1Ga 2,18: lặp lại hai lần); đàng khác, cách đó không xa, tác giả viết tiếp: “Giờ đây, anh em hãy ở lại trong Người, để khi Người xuất hiện, chúng ta được mạnh dạn chứ không bị xấu hổ vì phải xa cách Người trong ngày Người quang lâm” (1Ga 2,28). Sự khắc khoải giữa hiện tại và tương lai được diễn tả trong đoạn văn cổ điển về phúc kiến như sau: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,1-2).

Trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, người môn đệ được mời gọi sống đức tin và nhất là giới răn yêu thương. Tình yêu đưa giúp cho người môn đệ được kết hợp với Chúa Giêsu, và qua Chúa Giêsu để đến với Chúa Cha. Dĩ nhiên, tình yêu cũng là mối dây liên kết các môn đệ với nhau nữa.

Hơn thế nữa, trong thời gian giữa việc Đức Kitô được tôn vinh và ngày sau hết, Chúa Thánh Thần được sai đến với các môn đệ, để nhắc nhớ các môn đệ nhớ lại các lời của Thầy, cũng như dẫn họ đến chân lý sung mãn, và giúp họ làm chứng cho Thầy.

II. Sách Khải huyền

Trong đầu óc của nhiều người, sách Khải huyền được coi như là sách tiên báo ngày tận thế, gây kinh hoàng sợ hãi chứ không mang lại hy vọng. Trong tác phẩm này, ta cũng không gặp thấy tác giả dùng từ “hy vọng”.

Như đã nói trong chương trước, tựa đề của sách Khải huyền được các sử gia sử dụng để đặt tên cho thể văn xuất hiện trong văn chương Do thái và Kitô giáo vào những thế kỷ giao thời giữa Cựu ước và Tân ước. Dưới một phương diện nào đó, các tác giả mang một tâm trạng bi quan: họ là những tín hữu bị cưỡng ép phải từ bỏ đức tin của mình, trước những đe doạ của những lực lượng cầm quyền. Không lạ gì mà họ có khuynh hướng đồng hóa các quyền lực thế giới với sự dữ. Họ trông mong Thiên Chúa đứng lên tiêu diệt các lực lượng sự dữ. Sự can thiệp của Thiên Chúa được diễn tả qua những hình ảnh kinh thiên động địa: thế giới xấu xa tội lỗi này cần phải bị tiêu diệt, để nhường chỗ cho một thế giới mới, thế giới trong đó công lý và hòa bình ngự trị.

Tuy nhiên, dưới một khía cạnh khác, các sách Khải huyền biểu lộ một niềm hy vọng đáng phục. Mặc dù thế giới này xem ra ở dưới sự thống trị của Tội Ác, nhưng các tín hữu tin rằng những lực lượng của sự xấu sẽ bị đập tan, bởi vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng, và Ngài sẽ đánh bại quyền lực tội lỗi.

-- -A. Văn thể

Những đặc điểm đó phần nào cũng phản ánh trong sách Khải huyền của thánh Gioan tông đồ. Thiết tưởng cũng nên biết là một vài nhà chú giải cho rằng không nên xếp quyển sách này vào thể loại khải huyền, bởi vì nó mang tính cách ngôn sứ nhiều hơn. Thật ra, người ta có thể khám phá ra nhiều nét chung với loại văn khải huyền nhưng cũng có những nét chung với loại văn ngôn sứ.

-- -- -- 1. Những yếu tố chung với loại văn khải huyền

a) Biểu tượng. Tác giả sử dụng nhiều biểu tượng, chẳng hạn như: Các màu sắc (của 4 con ngựa: trắng, đỏ, đen, xanh nhạt); những con số 4 (con vật); số 7 (giáo hội, dấu ấn, kèn, chén, thiên sứ, thần khí, ngôi sao; thậm chí 7 mối phúc: 1,3; 14,3; 16,15; 19,9; 20,6; 22,7; 22,14); 12 chi tộc Israel của Cựu (7,5-8; 21,12) và Tân ước (21,14); 24 bô lão; hình ảnh khác (phụ nữ, mãnh thú, con chiên, biển, vực thẳm; đô thành, ngai toà, quyển sách).

b) Dụng ngữ. Những lần Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử được diễn tả với thuật ngữ long trời lở đất: sấm, chớp, tiếng nổ, động đất, mưa đá (4,5; 8,5; 11,19; 16,18-21). Đối chiếu với cảnh Chúa xuất hiện trên núi Sinai ta cũng thấy thuật ngữ tương tự (Xh 19, 22-25; xem thêm Đn 12,1).

c) Hoàn cảnh lịch sử của cộng đoàn Dân Chúa. Nhiều khó khăn từ phía bên ngoài: Bách hại về phía chính quyền Rôma và phía đạo Do thái. Những khó khăn từ nội bộ, do các lạc giáo (chẳng hạn bè Nicola nói ở 2,6.15), những cuộc bội giáo hoặc những cảnh vô luân.

-- -- -- 2. Những điểm khác với văn thể khải huyền

a) Không dùng ẩn danh. Tác giả xưng danh tánh của mình ở đầu và cuối tác phẩm là Gioan (1,1.4.7.9; 22,8). Hơn nữa, đây không phải là mặc khải của Gioan mà là “mặc khải của Đức Kitô” (1,1).

b) Không phải là bí lục. Quyển sách này được gửi đến Giáo hội (tượng trưng nơi 7 giáo hội Tiểu Á) với mục đích dạy dỗ (1,1). Tác giả tự xưng là một ngôn sứ nhận được sứ điệp để công bố chứ không phải để che giấu (1,3; 11,6; 19,10; 22,7.9.10.18.19.). Quyển sách này phải được loan báo cho cộng đoàn (20,17; 22,10), khác với ông Đaniel phải đóng ấn niêm phong (Đn 12,4).

Thực ra, văn thể của sách Khải huyền khá phức tạp. Khi phân tích quyển sách Khải huyền, người ta vạch ra hai lối hành văn khác nhau dựa theo bố cục: Ba chương đầu (1,9-3,22) gồm 7 lá thư gửi đến 7 Giáo hội; phần còn lại (4,1-22, 5) họp thành một khối khác, gồm nhiều thị kiến. Ý nghĩa của các thị kiến đó như thế nào? Phải chăng đó là những thị kiến tiên đoán tương lai của Giáo hội? Các thị kiến này được xếp đặt theo thứ tự thời gian hay thứ tự luận lý? Xưa nay, người ta coi các thị kiến được tường thuật theo thứ tự thời gian, nhằm mô tả các giai đoạn của lịch sử Giáo hội. Tuy nhiên, ngày nay ý kiến đó gặp nhiều vấn nạn vì có nhiều đoạn lặp đi lặp lại. Ví dụ: Babylon sụp đổ (14,8-10 = 18,1-3); sự khải thắng của Thiên Chúa (nhiều lần: 7,9-17 = 11,15-18 = 15,2-4); cuộc chiến thắng của Đức Kitô (5,6-14 = 14,1-5 = 19,1-4).

-- -B. Mục tiêu

Trải qua lịch sử, đã có nhiều thuyết tìm hiểu dụng ý của tác giả, và tìm chìa khóa giải thích. Có thể tóm lại vào 4 thuyết chính:

1. Phản ánh lịch sử đương thời. Tác giả miêu tả tình trạng của các tín hữu vào cuối thế kỷ thứ nhất bằng lối văn biểu tượng. Giáo hội bị bách hại dưới thời hoàng đế Đômitianô năm 81-96. (Babylon tượng trưng cho Đế quốc Rôma). Nói cách khác, quyển sách miêu tả hiện tại, chứ không tiên báo tương lai, ngoại trừ vài tia sáng lóe lên niềm hy vọng vào sự chiến thắng của Đức Kitô. Đây là ý kiến của các tác giả E. Renan, A. Loisy...

2. Tiên báo các thời kỳ sẽ xảy đến trong Giáo hội cho đến ngày tận thế. Đây là ý kiến của vài tác giả thời Trung cổ, chẳng hạn như ông Gioakim de Fiore (+1201),  Nicolas Lyre (+1340) và thời Cải cách (thí dụ Gioan Wycliffe: Hai con thú ám chỉ Hoàng đế và Giáo hoàng, Kitô giả).

3. Mô tả lịch sử đương thời và tương lai. Quyển sách mô tả những cuộc chiến đấu của Hội thánh và đối thủ từ thế kỷ đầu, tượng trưng cho những cuộc chiến đấu liên lỉ kéo dài suốt dòng lịch sử, với chiến thắng cuối cùng thuộc về Đức Kitô. Đó là ý kiến của J.B. Bossuet, J. Billot.

4. Tiên báo thời cánh chung. Tác giả tiên báo những biến cố của Hội thánh cho đến “những ngày chót” đánh dấu với sự chiến thắng sự dữ. Tuy nhiên, “những ngày chót” cần được hiểu theo nghĩa Thánh kinh, nghĩa là đã bắt đầu từ biến cố Nhập thể của Đức Kitô.

-- -C. Nội dung đạo lý

Tuy có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chúng ta thấy nội dung đạo lý cánh chung của sách Khải huyền cũng phù hợp với toàn bộ Tân ước, nghĩa là gồm hai khía cạnh: vừa hiện tại vừa tương lai.

1. Cánh chung hiện tại. Đức Kitô đã thắng sự chết, và được tuyên xưng làm bá chủ (1,5-8.12-20; 3,21; 5,1-14). Thánh Thần hiện diện trong Hội thánh (2,7.11.17).

2. Cánh chung tương lai. Đức Kitô sẽ đến (2,5); sắp đến (2,16; 3,11; 22,7.20), như kẻ trộm (3,3; 16,15).

Dù sao, sách Khải huyền không phải chỉ là tờ thông tin, nhưng mang tính cách khuyến dụ: Niềm tin cần được diễn ra thực hành với những hệ luận quan trọng cho sự sống vĩnh cửu: “Phúc cho ai tuân giữ những lời ngôn sứ trong sách này” (22,7).

3. Niềm tin vào Đức Kitô đang hiện diện trong Giáo hội không những mang lại niềm tín thác hy vọng, nhưng còn mời gọi cộng đồng hân hoan ca mừng cuộc chiến thắng của Ngài qua các thánh ca phụng vụ. Sách Khải huyền gồm chứa nhiều thánh thi và vinh tụng ca (4,8-11; 5,8-14; 7,9-12; 11,15-18; 15,3-4; 16,5-7; 19,1-8), được sách Phụng vụ Giờ kinh trích lại trong Kinh Chiều.

Thậm chí có tác giả cho rằng sách Khải huyền là một quyển sách phụng vụ, được soạn vào ngày Chúa nhật (1,10), với những lời đối đáp giữa chủ sự và cộng đoàn ở đầu và cuối sách.

* Mở đầu

- Kh 1,5-6 (Chủ sự): “Nguyện xin Đức Giêsu Kitô ... ban cho anh em ân sủng và bình an ...” (Cộng đoàn): “Người đã yêu mến chúng ta ... Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen”.

- Kh 1,7 (Chủ sự): “Kìa, Người ngự đến ...” (Cộng đoàn): “Đúng thế! Amen!”

* Kết thúc

- Kh 22,17 (Lời mời): “Thần khí và Tân nương nói: 'Xin ngài ngự đến'! Ai nghe, hãy nói ...”.

- Kh 22,18-19 (Cảnh cáo).

- Kh 22,20 (Giới thiệu): Đấng làm chứng về những điều đó phán rằng: “Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến”.

- Kh 22,20b (Lời cầu nguyện): “Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”.

- Kh 22,21 (Lời chào): “Chúc mọi người được đầy ân sủng của Chúa Giêsu. Amen”.

4. Mặt khác, cộng đoàn Kitô hữu tuy đã được hiến thánh và là những tư tế của Đức Kitô (1,6) nhưng chưa đạt đến chặng cuối cùng của cuộc cứu độ. Hội thánh mang một sứ mệnh ở trần gian này, đó là làm chứng nhân cho Đức Kitô, trở nên những ngôn sứ của Người (1,9; 6,9; 12,17; 19,10), kể cả khi phải trả giá bằng cái chết (2,10). Hội thánh có thể rơi vào nguy cơ trở thành nguội lạnh trễ nải “Ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (2,4); “Ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (3,16). Vì thế Hội thánh được mời gọi hãy sám hối (2,5; 15,21), hãy trung thành (2,11), hãy kiên tâm (2,25; 3,11), hãy tỉnh thức: “Này ta đứng gần cửa và gõ. Ai nghe tiếng ta và mở cửa thì ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy” (3,20); “Này ta đến như kẻ trộm; phúc cho ai tỉnh thức” (16,15).

5. Dù sao, sứ điệp căn bản của sách Khải huyền là khuyến khích các tín hữu hãy tin tưởng vào Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết và tất cả mọi quyền lực sự dữ. Người là Khởi nguyên và Tận cùng (Alpha và Omega), kẻ cầm chìa khóa sinh tử, kẻ mở dấu ấn của lịch sử. Dựa vào quyền năng của Người, chúng ta không lo sợ bất cứ thế lực trần thế nào. Tắt một lời, sách Khải huyền là “Tin mừng Hy vọng” như đức thánh cha Gioan Phaolô II đã đặt tên trong tông huấn hậu Thượng-hội-đồng khóa đặc biệt dành cho châu Âu (họp từ ngày 10 đến 23 tháng 10 năm 1999) mang tựa đề Ecclesia in Europa (ban hành ngày 28 tháng 6 năm 2003). Sách Khải huyền loan báo Tin mừng hy vọng, Tin mừng về Đức Kitô, Nguyên thuỷ và Tận cùng, Đấng Hằng sống. Đấng đã chết và nay sống đến muôn đời. Đấng làm chủ lịch sử, và sẽ đưa mọi sự đến chỗ hoàn thành (x. Kh 1,17-18).