Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Vai Trò Của Các Vua Trong Cựu Ước

Administrator
2018-09-23 03:19 UTC+7 22
Matthew Vũ Lượng, OP.   Thiên Chúa luôn mong muốn con người lệ thuộc vào Người và bước theo đường lối của Người. Việc lệ thuộc vào Người đòi hỏi con người phải khôn ngoan và trung tín. Việc bước theo đường lối Người buộc con người phải thực thi mệnh lệnh Người và thánh […]


Matthew Vũ Lượng, OP.

 

Thiên Chúa luôn mong muốn con người lệ thuộc vào Người và bước theo đường lối của Người. Việc lệ thuộc vào Người đòi hỏi con người phải khôn ngoan và trung tín. Việc bước theo đường lối Người buộc con người phải thực thi mệnh lệnh Người và thánh Luật Người ban.

Dân Ít-ra-en đã bao lần cam kết hứa trung thành bước theo đường lối của Gia-vê Thiên Chúa, nhưng cũng không ít những lần phản bội lại lời thề họ đã cam kết với Gia-vê của họ. Sau khi dân Ít-ra-en định cư trên đất Ca-na-an, vùng đất Thiên Chúa ban tặng và mong muốn Ít-ra-en sở hữu và có trách nhiệm trên vùng đất này. Việc sở hữu đó nói lên giao ước giữa Ít-ra-en và Thiên Chúa là vâng phục và trung thành với Gia-vê. Nhưng họ đã quên đi lời thề, rập theo lối sống của người Ca-na-an cùng sống trên miền đất tràn trề sữa và mật (Xh 3,8.17; 13,5; 33,3; …) đó, để rửng mỡ mà hướng về các thần khác và phụng thờ chúng, nó sẽ khinh thị Ta và phá vỡ giao ước của Ta (x. Đnl 31,20). Thế là dân Ít-ra-en đã lỗi phạm tội tày trời: thờ ngẫu tượng (idolatry)[1]. Từ đây, họ bị Gia-vê trao vào tay áp bức của quân mê-đi-an, rồi đến quân Phi-li-tinh. Và dân Ítraen sẽ không còn được nghe Giavê Đức Chúa tỏ tình nữa:

      Người yêu sắp cưới của anh ơi, môi em tươm mật ngọt,

      lưỡi em chan chứa mật ngọt sữa ngon.

      Áo em toả hương thơm ngào ngạt tựa hương núi Libăng (Dc 4,11).

Nhưng dù dân có bội phản, Giavê có giận đấy, nhưng cũng không nỡ bỏ rơi dân chịu cảnh khốn cùng. Các Thủ Lãnh như Gideon, Samson là những người nhận lãnh sứ mạng từ Giavê, xuất hiện và giải phóng họ khỏi tay quân thù[2].

Nhưng chứng nào tật nấy, dân Ítraen vẫn nhiễm thói thờ các thần ngoại. Bên trong, họ lây nhiễm những lễ nghi thờ bái thần Baal và Astartes. Bên ngoài họ lại bị quân Philitinh chiếm đóng (1Sm 4,2-11). Nhưng Hòm Bia Thiên Chúa là sức mạnh giúp họ dẹp tan quân thù. Họ hối cải và khẩn cầu Giavê, qua Samuel, một vị vua để thống nhất[3] 12 bộ tộc lập thành vương quốc như bao vương quốc khác (1Sm 8,5). Đức Chúa nghe lời và ban cho họ các vua để cai trị họ.

I. CÁC VUA – HỌ LÀ AI?

Từ khi ông Hêli[4] qua đời, Samuen lãnh đạo dân trong vòng 20 năm (1050-1030 B.C.) Dân Ítraen cho việc mất Khám giao ước là do họ không có vua cai trị. Họ muốn Samuen tấn phong một người lên làm vua. Saun, thuộc thị tộc Bengiamin, là vị vua đầu tiên của họ. Saun thống nhất lực lượng dân Ítraen, chiến thắng quân Philitinh, thiết lập thủ đô tại Ghivơa. Cuối cùng hậu vận vua Saun kết thúc rất bi thảm[5]: bị truất phế và chết trong trận đánh quân Philitinh tại Ghinbôa (1Sm 31,8).

Và Samuen đã xức dầu tấn phong Đavít lên làm vua, thay Saun. Ông đánh chiếm thành Giêrusalem (1000 B.C.), dời thủ đô từ Khépron lên Giêrusalem, đưa Khám giao ước từ thành Kiagiát Giarim (1Sm 7,1) về Giêrusalem, trung tâm của 12 bộ tộc Ítraen về chính trị cũng như tôn giáo. Khuyết điểm của ông là tội ngoại tình và sát nhân[6]. Nhưng vua có ưu điểm: sấm ngôn về Đấng Cứu Độ[7] (tạo điều kiện cho Đấng Cứu Độ ra đời [Mt1,1]).

Theo ý định Thiên Chúa, Salômôn, con vua Đavít và bà Bát Seva, lên làm vua. Vì tài trí khôn ngoan, Salômôn đã đưa đất nước Ítraen lên thời cực thịnh: khuyếch trương thương mại, khảo cổ, xây cất đền thờ Giêrusalem, đặt Khám giao ước vào nơi cực thánh. Thế nhưng, ông lại say mê sắc dục, tham gia tôn thờ thần ngoại bởi lây nhiễm từ các bà vợ của ông (1V11,1-8), bắt các bộ tộc phải chịu sưu cao thuế nặng. Thiên Chúa đã trừng trị khi để cho nước nhà chia đôi (1V 1,11-13) mà ta gọi là Nam Bắc phân tranh[8]. Dân chúng sùng bái ngẫu tượng, thờ thần Baal. Các ngôn sứ đứng lên ngăn cản và kêu mời dân hoán cải trở về với Giavê của mình.

II. CÁC VUA – HỌ CÓ VAI TRÒ GÌ?

Thiên Chúa đã tuyển chọn các vua, qua các ngôn sứ, làm người cai trị dân Người. Dù các vua[9], lúc đầu hành động theo đường lối của Thiên Chúa, về sau lại phản bội và chạy theo thần ngoại, nhưng Thiên Chúa vẫn can thiệp và trao cho họ những sứ mệnh loan báo Đấng Cứu Độ (dù họ không hay biết), dưới hình thức cầm quyền theo thể chế trần thế.

1. Sứ mệnh hoà bình

Các ngôn sứ nói cho vua biết vua[10] được chọn vì lợi ích giống nòi (1Sm 9—10,16). Như thế, việc vua được tuyển chọn là sứ mệnh hoà bình cho một dân tộc thống nhất, là bảo đảm sự thịnh vượng cho dân (x.Tv 20; 21) và làm cho sự công chính ngự trị trong vương quốc (Tv 45,4-8; 72,1-7.12tt; Cn 16,12; 25,4t; 29,4.14). Xét khía cạnh trần thế, vua là người phải tiêu diệt quân thù, tái lập sự an ổn cho đất nước (Saun dẹp quân Philitinh, Đavít giết chết tướng Gôliát, Salômon thống nhất 12 bộ tộc). Xét khía cạnh thần linh, vua phải hành động theo đường lối của Giavê Thiên Chúa, tức là thay mặt Giavê dẫn dắt dân. Như vậy sứ mệnh của vua không chỉ thiết lập hoà bình về mặt chính trị, mà còn cả về mặt tôn giáo. Vua – Dân hoà bình trong việc thực thi đường lối Thiên Chúa và tôn thờ một Giavê Thiên Chúa mà thôi.

Sứ mệnh hoà bình Thiên Chúa muốn đặt để nơi dân Ítraen không mang tính cách tạm thời như triều đại Saun, mà còn hứa ban một triều đại hoà bình vững bền trên mặt đất nữa, đó là triều đại Đavít, triều đại Salômôn : Ta sẽ cho dân Ta là Ítraen một chỗ ở, ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu (2Sm 7,10).

2. Sứ mệnh Trung gian

Chúng ta biết, vận mệnh dân Ítraen luôn phải chịu biết bao sóng gió cuộc sống, nào là phải bị bắt làm nô lệ bên Ai cập, nào là rong ruổi suốt 40 năm trường trong sa mạc, nào là chịu áp bức của giặc ngoại bang Mêđian và Philitinh,… Những lúc này, dân không còn nơi đâu bám víu nào khác ngoài Giavê, Thiên Chúa của mình. Họ cần có Ápraham, Giuse, Môsê, Giôsua, các Thủ lãnh, các vua,… để làm trung gian trong mối tương quan của họ với Giavê.

Giavê là Thiên Chúa đến với con người. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đến với con người qua hình ảnh các ngôn sứ, cụ thể là các vua. Khi lãnh nhận sứ mệnh trung gian giữa Giavê và dân, các vua phải hành động theo đường lối Thiên Chúa chỉ vẽ. Ngày nào các vua không thực thi theo thánh ý Giavê, ngày đó, vua và dân sẽ bị trừng phạt.

Các vua mang sứ mệnh trung gian được hiểu khác quan niệm cổ xưa về các vua. Ta thấy, Saun, Đavít, Salômôn đều được xức dầu tấn phong làm vua. Như vậy các vua này mang sứ mệnh trung gian của Đấng được xức dầu. Các vua chính là vị thủ lãnh đầy ân sủng (a charismatic leader) của Thần Khí Đức Chúa trao ban. Như vậy vua mang sứ mệnh trung gian cũng là mang sứ mệnh trao ban ân sủng, nhờ Thần Khí Đức Chúa, cho dân của mình. Và vì các vua được xức dầu tấn phong làm vua, nên các vua cũng trở thành bậc thánh nhân giữa dân nước. Sứ mệnh này đòi buộc vua phải sống xứng với cương vị của mình. Sự kiêu ngạo luôn là miếng mồi lôi kéo các vua quên đi ân ban vương đế và sứ mệnh trung gian của mình là : chỉ tôn thờ một Giavê và vương quyền vua nắm giữ dựa trên vương quyền của Giavê (x.2Sb 13,18; 1Sb 28,5). Vậy vương quyền của vua không phải vương quyền chính trị, mà là luân lý (hành động theo đường lối và thánh Luật Người ban). Điều này vượt trên quan niệm cổ xưa về vương quyền thần linh.

Cũng nên nói thêm[11], đối với quan niệm của người Cận đông cổ xưa, nói chung, vương quyền được thi hành trên hai yếu tố[12]chiến tranh và lề luật. Chiến tranh[13] thiết lập trật tự xã hội, còn luật duy trì sự ổn định bên trong. Đây chính là yếu tố căn bản và nguồn sức mạnh để vua cai trị dân. Quyền lực của vua là sức mạnh thần linh. Đối với người Ai cập, vua được coi như vị thần, Pharaô là hiện thân của thần Horus. Tại Babylon, nhà vua được thần Mađúc tuyển chọn và trao quyền cai trị bốn phương (toàn thể trái đất). Vua trở thành vị trung gian bẩm sinh giữa các thần linh và nhân loại. Đối với dân vùng Mesopotamia, vua là thiên tử, đại diện cho các thần, được chọn từ các thần. Vua và chỉ có vua là người nối kết giữa dân với các thần, vì họ quan niệm đàn ông mới có thể liên lạc được với các thần. Vua là đấng cứu thế (Savior), nguyên lý của bình an và công chính.

Như vậy các vua theo quan niệm cổ xưa đã được đồng hoá với chính các thần. Còn các vua trong Cựu ước chỉ là trung gian, ý thức mình là người được Thiên Chúa tuyển chọn, qua các ngôn sứ. Như thế sự sụp đổ[14] của nhà vua có chăng là vì các vua đã tuyệt giao với vị Vua mà họ nhận lãnh quyền bính từ tay Người (x. Gr 10,21). Nếu vương quyền của nhà vua có chăng hơi hám chính trị thì các ngôn sứ cũng không ngừng nhắc nhở chính trị đó cũng phải lệ thuộc vào tôn giáo.

3. Hình bóng Đấng Cứu Độ

Xét khía cạnh tôn giáo, vương triều các vua, cuối cùng, kết thúc bi thảm. Saun bị truất phế, dân lại rơi vào tay quân Philitinh. Đavít tội lỗi vị phạm tội sát nhân. Salômôn kiêu ngạo và dâm dật, Nam bắc phân tranh, dân chạy theo các thần ngoại. Ngôn sứ Hôsê cũng cảnh báo : Ta sắp tiêu diệt ngươi, hỡi Ítraen. Ai sẽ đến cứu ngươi? (Hs 13,9). Thế nhưng chính những giờ phút tưởng chừng tận số đó thì cũng là thời cuối cùng hé mở một triều đại vững bền, qua lời hứa trong 2Sm 7,12-15 như sau : Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền…Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha; đối với Ta, nó sẽ là con… Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó.

Dù Saun, Đavít và Salômôn có lỗi phạm, nhưng họ vẫn là hình bóng của Đấng Cứu độ, là người được Thần Khí Đức Chúa xức dầu phong vương. Hay nói đúng hơn, họ chuẩn bị và tiên báo một Đấng Mêsia, Đấng được xức dầu. Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia, và phân xử cho muôn dân tộc. Và như vậy dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chính chiến (x.Is 2,4). Người là Đức Vua, là Đức Chúa các đạo binh (x.Is 6,5), là Vua hiển trị (x.Is 52,7).

Như vậy vương quốc Ítraen có vua trần thế cai trị giờ đây là hình ảnh tiên báo, dù chưa trọn vẹn, một Vương Quốc có Đấng Cứu Độ xuất hiện từ Bêlem Épratha. Người có sứ mạng thống lãnh Ítraen. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa (x.Mk 5,1). Ngôi báu Thiên Chúa tặng ban cho Người sẽ trường tồn vạn kỷ, vương trượng Người, vương trượng công minh (x.Tv 45,7). Người giải thoát bần dân kêu khổ, và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ, giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn, từng giọt máu họ, Người đều coi là quý (Tv 72,12-14).

Các ngôn sứ là những người loan báo nền công chính. Nhà vua là người xây dựng nền công chính. Còn vị Vua sẽ xuất hiện này là người cho dân sống trong sự công chính, nghĩa là công chính hoá muôn dân bằng nỗi khổ của mình, với tư cách là người tôi tớ đau khổ[15].

III. KẾT

Các thủ lãnh (Samson, Ghêđêôn, Saolê) là những người giải phóng dân tộc nhất thời, và Thần Khí rời họ khi sứ mệnh họ hoàn tất. Các vua nối nghiệp họ, đảm đương phận vụ lâu dài. Nghi thức xức dầu thánh hiến biểu lộ ấn tích không phai nhoà của Thần Khí và cho họ vẻ oai phong thần thánh (1Sm 10,1; 16,13).Trước mặt TC, vua đại diện toàn dân thi hành mục đích chính yếu của Giao ước và Lề luật là đem lai hoà bình, thịnh vượng cho dân tộc. Bên cạnh đó, vua còn là trung gian trao ban ân sủng mình đã lãnh nhận từ Thần Khí Đức Chúa cho dân, là chiếc cầu nối giữa Giavê và dân Người. Bên cạnh đó, vua còn là hình bóng tiên báo cho một vị Vua sẽ xuất hiện từ gốc tổ Giesê (x.Is 11,1). Người là vị vua công chính, chiến thắng và hiếu hoà. Người đáng mang tước hiệu là Trung gian, là Mêsites (mesi,thj). Người xứng đáng được mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô : Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền đến muôn thuở muôn đời (Kh 5,13).

 


[1] Tl 2,13 nói đến việc dân Ítraen thờ các thần của người Canaan là Baal và Astartes [Bản dịch REB dùng từ Ashtoreth, còn bản dịch NRSV and NJB dùng từ Astartes]. Nam thần Baal (nguyên tiếng Do thái nghĩa là chủ [possesseur], chúa [seigneur]) là thần bão tố và sức mạnh và nữ thần Astartes là thần ái tình và tình mẫu tử của người Phoenicia và Canaan xưa. Cũng xem Raymond E. Brown, S.S., Joseph A. Fitzmyer, S.J., Roland E. Murphy O.C., The new Jerome Biblical commentary, Prentice Hall, Inc., USA, 1968, p. 136-137. Cũng xem W. R. F. Browning, Oxford Dictionary of the Bible, Oxford University Press, New York, 1996, p. 27 và 33.

[2] Các Thủ Lãnh lần lượt đứng lên dẹp sạch quân thù, đem lại hoà bình cho Ít-ra-en. Gideon (Tl 6 — 8) chiến thắng quân Mê-đi-an đem lại bình an cho dân Ít-ra-en được 40 năm; Samson (Tl 13 — 16) đánh bại quân Phi-li-tinh đem lại hoà bình cho Ít-ra-en cũng được 40 năm. Kinh thánh nêu ra 12 thủ lãnh : Sáu vị nhỏ : Samga, Tôla, Ípxan, Êlon và Ápđon; Sáu vị lớn : Ốtnien, Êhút, Barác, Ghíton, Gípta và Samson.

[3] Điều làm cho họ thống nhất với nhau là vì họ thuộc về Giavê, có tôn giáo chung. Dấu hiệu bên ngoài biểu lộ sự thống nhất đó là Khám giao ước được đặt trong lều tại Silô thuộc đất Épraim (Gs 18,1).

[4] Tư tế Hêli có hai đứa con là Khôphni và Pinơkhas thường trộm cắp lễ vật trong Đền thánh. Thiên Chúa tiên báo, qua ngôn sứ Samuen, sẽ trừng phạt ông Hêli và hai người con. Đúng lời tiên báo, hai người con tử trận trong trận đánh quân Philitinh tại Aphéc (1050 B.C.). Hêli nghe tin con tử trận thì ngã ra mà chết (1Sm 4,12-18).

[5] Lý do bi thảm ở chỗ : trong trận đánh Amalếc, Saun đã nghe theo ý dân, không chịu giết sạch mà giữ lại số súc vật hảo hạng, dù là để tiến dâng Thiên Chúa. Và như vậy, Vua đã nghe theo ý dân hơn ý Thiên Chúa (x.1Sm 15,22-23).
Phản nghịch cũng có tội như bói toán, ngoan cố là tội ác giống như thờ ngẫu tượng. Bởi vì ngài (Saun) đã gạt bỏ lời Đức Chúa, nên Người gạt bỏ ngài, không cho làm vua nữa (1Sm 15,23).

[6] Đavít cướp vợ của Uria là Bát Seva. Uria tử trận do mưu kế của Đavít.

[7] Đavít muốn xây dựng đền thờ kính Đức Chúa, nhưng Thiên Chúa, qua ngôn sứ Nathan, muốn hoàng tử kế vị sẽ xây cất, khi Người phán : Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra -, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha; đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người (2Sm 7,12-14).

[8] Miền Nam gọi là nước Giuđa , miền Bắc gọi là nước Ítraen (10 bộ tộc, trong đó có bộ tộc Bengiamin [1V12,20-21]). Vua đầu tiên của Ítraen là Giarópam (thuộc bộ tộc Épraim). Vương quốc miền Bắc tồn tại khoảng 200 năm và bị quân Assyri chiếm năm 721 B.C.; Vương quốc miền Nam kéo dài đến năm 587 B.C. thì rơi vào tay quân Babilon.

[9] Các vua ngoại đạo cũng mang sứ mệnh quan phòng của Giavê đối với dân Người qua việc ban cho Nabucođônôso đế quốc rải rác khắp phương đông (Gr 27), rồi đưa Cyrus lên đánh chiếm Babilon giải phóng dân Ítraen (Is 41,1-4; 45,1-6). Và nếu các vua này có kiêu ngạo, phạm thánh hay lộng ngôn thì cũng bị Giavê trừng phạt (Is 14,3-21; 37,21-29; Ed 28,1-19).  Và họ cũng phải suy phục Vương quyền tối thượng của Giavê và của Đấng Người xức dầu (x.Tv 2; 72,9tt).

[10] Dù không lãnh nhận tước vị tư tế, vua cũng thi hành những nhiệm vụ tế tự như : mang áo lễ, dâng lễ vật hy tế , đọc lời nguyện nhân danh It-ra-en (2Sm 6,17t; 1V8,14.62t). Đây là một chức tư tế vương giả (Tv 110,4).

[11] Cf.John L. McKenzie, S.J., Dictionary of the Bible, A Touchstone Book, New York, 1995, p. 474-477.

[12] Việc phụng thờ (cult) thần linh cũng là yếu tố được nói đến, nhưng có thể coi là yếu tố cùng chung cấp độ và hoà quyện vào hai yếu tố chiến tranh và lề luật, nên cũng không cần coi như một yếu tố thứ ba.

[13] Mỗi khi có sự hỗn loạn trong dân do các thế lực ngoại xâm gây nên, vua dùng chiến tranh như phương thế để thiết lập lại trật tự xã hội. Còn Luật như những nguyên tắc hướng dẫn sự ổn định cuộc sống người dân.

[14] X. Giáo hoàng học viện thánh Piô X, Điển ngữ thần học Thánh Kinh, t. IV, Đà Lạt, Việt Nam, 1974, tr. 419.

[15] Ibid., tr. 78.