Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Các Bề Trên Địa Phương – Vấn Đề 76

Administrator
2018-09-23 09:56 UTC+7 30
Học Viện Đaminh   NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN *** CÁC DÒNG TU (Điều 607 – 709) *** VẤN ĐỀ 76 CÁC BỀ TRÊN ĐỊA PHƯƠNG (đ. 608; 629)   A. Sự cần thiết Trong các Hội Dòng có cơ quan trung ương, những Bề trên Cao Cấp, ở cấp […]


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 76

CÁC BỀ TRÊN ĐỊA PHƯƠNG

(đ. 608; 629)

 

A. Sự cần thiết

Trong các Hội Dòng có cơ quan trung ương, những Bề trên Cao Cấp, ở cấp toàn Dòng hoặc Tỉnh Dòng, lãnh trách nhiệm về nhiều tu viện; vì vậy mỗi nhà cần được điều hành bởi vị Bề trên tại chỗ, gọi là Bề trên địa phương (hoặc Bề trên nhà). Theo điều 608, không thể có cộng đoàn tu sĩ mà không có Bề trên. Do những lý do ý thức hệ hoặc thực tế, người ta đã đặt vấn đề những cộng đoàn không có Bề trên. Chúng ta đã thấy rằng,Bộ Giáo Luật gạt bỏ hình thức quản trị tập thể cách thường xuyên.[1] Vì thế, cần phải có một vị Bề trên ở cấp địa phương, khác biệt với Bề trên Cao Cấp. Có thể nghĩ đến nhiều cộng đoàn nhỏ “sống dưới quyền cai quản của cùng một vị Bề trên”: điều này có thể không trái nghịch với điều 608, nhưng khi đó, phải liệu sao để Bề trên giữ một vai trò thực thụ, và chiếu theo bổn phận cư trú (đ. 629), chia sẻ cuộc sống của cộng đoàn.

B. Những điều kiện

Bộ Giáo Luật đặt ra một vài điều kiện trong việc chỉ định Bề trên nhà.[2] Chức vụ Bề trên không thể dung hợp với một vài nhiệm vụ. Chẳng hạn,Giáo Luật đã khẳng định rằng, Bề trên không thể kiêm nhiệm chức vụ quản lý (đ. 636 §l); tuy rằng Bộ Luật tỏ ra mềm dẻo đối với Bề trên nhà: “theo mức có thể”. Bề trên Cao Cấp không thể là Bề trên của các tu viện của Dòng hay Tỉnh Dòng, thế nhưng, ngài có thể là Bề trên của một cộng đoàn không? Giáo Luật không cấm, nhưng theo nguyên tắc thì đó là điều không nên; tuy nhiên, Bề trên Cao Cấp có thể là Bề trên của cộng đoàn nơi ngài sinh sống, nhất là nếu thực tế cộng đoàn ấy chỉ gồm những tu sĩ thuộc Ban Quản Trị. Các vị cố vấn của Dòng hoặc của Tỉnh Dòng có thể giữ chức Bề trên nhà.

Chiếu theo luật, trong một Dòng giáo sĩ, xem ra một tu sĩ không phải là giáo sĩ không thể làm Bề trên nhà. Bởi vì, định nghĩa về một Dòng giáo sĩ bao hàm việc cai quản do các giáo sĩ (đ. 588 §2); thêm vào đó, theo điều 968 §2, Bề trên nhà của Dòng giáo sĩ có thể cấp năng quyền giải tội. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề các tu sĩ không phải là giáo sĩ giữ chức Bề trên đang được nghiên cứu, và một vài Dòng đã được phép chuẩn. Nên biết rằng, sở dĩ các tu sĩ không phải là giáo sĩ không được giữ chức Bề trên là vì chức vụ này gắn liền với quyền hành mà Giáo Hội dành cho các Dòng (đ. 596 §2), nhưng họ vẫn có thể giữ các chức vụ khác, tựa như: Cố vấn, thành viên của Tu Nghị, Giáo tập, Quản lý,v.v…

C. Thẩm quyền

Các Bề trên địa phương, xét vì họ giữ một nhiệm vụ thường xuyên, cho nên có thẩm quyền thông thường chứ không phải là quyền thừa ủy. Những thẩm quyền này được xác định bởi luật chung và luật riêng. Nên lưu ý, đôi khi Giáo Luật nói một việc gì đó phải được xử lý bởi “Bề trên có thẩm quyền”; kiểu nói này cũng có thể ám chỉ Bề trên địa phương, bởi vậy luật riêng phải xác định xem những thẩm quyền do Giáo Luật nêu lên sẽ được quyết định bởi Bề trên nhà hay là Bề trên Cao Cấp.

 

 



[1] Xem thêm vấn đề 73.

[2]Xem thêm vấn đề 77.