GIẢI THÍCH
BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983
CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.
***
***
QUYỂN I:
NHỮNG QUI TẮC TỔNG QUÁT
—***—
MỤC IX: GIÁO VỤ
I. KHÁI NIỆM
– Điều 145 §1 đưa ra định nghĩa: “Giáo vụ là bất cứ nhiệm vụ nào đã được thiết lập một cách cố định, hoặc do Thiên Chúa hoặc do Giáo hội để được thi hành vì mục đích thiêng liêng” (đ 145 §1). Qua định nghĩa trên, chúng ta thấy có 4 yếu tố cấu tạo nên một giáo vụ :
1. Một nhiệm vụ, gồm những chức năng (nghĩa vụ) và quyền lợi tương ứng nhằm phục vụ cộng đoàn, bởi vì chức vụ thường mang tính chất cộng đoàn.
2. Nhiệm vụ ấy mang tính cách cố định (bền vững) khách quan : chức vụ vẫn còn khi người này mất, người khác nhận chức.
3. Chức vụ ấy được thiết lập do lệnh của Thiên Chúa hay của Giáo hội, tức là một số chức vụ thuộc về Thiên luật, thí dụ : thẩm quyền tối cao nơi những người kế vị thánh Phêrô và cộng đoàn các tông đồ, tức là Đức Giáo hoàng và giám mục, phần lớn các chức vụ là do Giáo luật thiết lập (cha xứ, quản lý giáo phận).
4. Mục đích của giáo vụ có tính cách thiêng liêng, nghĩa là nhằm theo đuổi sứ mạng đặc hữu của Giáo hội. Đây là điều phù hợp với chính sứ mạng của Giáo hội.
– Các chức vụ được đặt ra để phục vụ Giáo hội, vì vậy phải do nhà chức trách của Giáo hội thiết lập. Vì thế, khi thiết lập một chức vụ, nhà chức trách cũng phải xác định quyền hạn của chức vụ đó (những nghĩa vụ và quyền lợi của người giữ chức vụ). “Nghĩa vụ và quyền lợi của từng giáo vụ được ấn định, hoặc do sắc lệnh của thẩm quyền vừa thiết lập vừa ban chức vụ ấy” (đ 145 §2).
– Bằng bất cứ cách nào, quyền bính thế tục không có thẩm quyền để thiết lập những giáo vụ. Cũng loại hẳn sáng kiến riêng của các tín hữu.
Ngược lại, không hề nói phải là giáo sĩ mới được là người thực thụ của giáo vụ : một giáo dân có thể là quản lý của giáo phận – một phụ nữ có thể là người bảo vệ dây hôn phối trong một tòa án của Giáo hội, trừ khi chức vụ chỉ hoàn toàn là lo việc các linh hồn.
Trong phần này, nhà lập pháp không có ý định liệt kê tất cả các chức vụ trong Giáo hội (một số chức vụ được nói tới trong quyển II) nhưng chỉ chú trọng tới 2 vấn đề chính : – việc bổ nhiệm các giáo vụ (làm sao có thể nắm giữ chức vụ) – chấm dứt giáo vụ (mất giáo vụ).
II. BỔ NHIỆM VÀO GIÁO VỤ
1. Phải bổ nhiệm theo cách thức của Giáo luật.
“Các chức vụ của Giáo hội phải được bổ nhiệm qua cách thức của Giáo luật chứ không phải qua cách thức nào khác” (đ 146).
Định nghĩa: bổ nhiệm là hành vi của vị có thẩm quyền đặt một tín hữu vào một chức vụ, người đó có nghĩa vụ và quyền lợi của chức vụ.
Việc bổ nhiệm theo Giáo luật được hiểu là chức vụ được trao ban dựa theo các thể thức được Giáo luật chấp nhận, và nhất là chức vụ được trao do nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo hội.
Sự trao ban chức vụ gồm 3 chặng sau :
a). Chọn người giữ chức vụ bằng những cách thức khác nhau (thăm dò, thi tuyển, đề cử, bầu cử, v.v).
b). Trao phó chức vụ cho người đó.
c). Đương sự nhậm chức.
2. Cách thức bổ nhiệm.
“Việc bổ nhiệm giáo vụ được thực hiện bằng nhiều cách, cụ thể là 4 cách sau :
a. Do thẩm quyền Giáo hội tự do trao ban.
b. Do thẩm quyền ấy bổ nhiệm sau khi được giới thiệu (hay đề cử).
c. Do thẩm quyền chuẩn y (châu phê) hoặc chấp nhận sau khi được bầu cử hoặc thỉnh cầu.
d. Do việc bầu cử mà thôi và việc chấp thuận của người đắc cử, nếu việc bầu cử không cần chuẩn y (châu phê) (đ 147).
3. Những điều kiện phải giữ khi bổ nhiệm:
A. Về phía người trao ban chức vụ :
– “Người có quyền thành lập, thay đổi và bãi bỏ giáo vụ, thì có quyền để bổ nhiệm vào các chức vụ đó, trừ khi luật định cách khác” (đ 148).
– Điều 148 nêu rõ thẩm quyền để bổ nhiệm. Còn “trừ khi luật định cách khác”, thí dụ như điều 421 : “Trong vòng 8 ngày kể từ khi được tin tòa giám mục khuyết vị, hội đồng cố vấn phải bầu vị giám quản giáo phận, tức là vị sẽ tạm thời lãnh đạo giáo phận”.
– “Ai thay thế người khác, hoặc vì người kia biếng nhác hoặc vì bị cản trở, để trao ban chức vụ, thì không vì thế mà có quyền gì đối với người nhận chức, nhưng địa vị pháp lý của người này (người nhận chức) được xác định như thể là việc bổ nhiệm đã được thực hiện theo luật lệ thông thường của pháp luật” (đ 155).
Thí dụ: vị tổng giám mục chỉ định một vị quản trị giáo phận để đứng đầu một giáo phận bị khuyết vị, nếu vì bất cứ lý do gì mà tập đoàn các cố vấn đã không bầu ra vị quản trị đó trong vòng 8 ngày.
– “Việc bổ nhiệm bất cứ chức vụ nào cũng phải được ghi trên giấy tờ” (đ 156). Giấy tờ rất quan trọng, tuy không cần thiết cho tính thành sự, nhưng nó là chứng cớ cho sự bổ nhiệm và để tránh những khó khăn có thể xảy ra sau này.
B. Về phía người nhận chức vụ :
– Phải hiệp thông với Giáo hội – phải có đủ những đức tính đòi buộc cho chức vụ (đ 149 §1).
Hiệp thông với Giáo hội là điều kiện tiên quyết đối với bất cứ việc bổ nhiệm nào, vì các chức vụ là để phục vụ cộng đoàn, phục vụ cho sự hiệp thông. Những đức tính phải có thì chiếu theo luật chung (chẳng hạn điều 150 : việc coi sóc linh hồn phải có chức linh mục) và luật riêng, nếu có, và còn phải theo luật lệ của hội hoặc của tổ chức.
– Nếu thiếu các đức tính buộc phải có chỉ vô hiệu khi những đức tính đó bởi luật phổ quát hay luật riêng hay luật của hội đòi buộc rõ ràng để thành sự. Bằng không, việc bổ nhiệm vẫn thành. Việc bổ nhiệm này có thể bị hủy bỏ do sắc lệnh của vị có thẩm quyền (đ 149 §2).
– Việc bổ nhiệm bằng cách mua chuộc đương nhiên bất thành, tức là vô hiệu (đ 149 §3).
– Một trọng trách phải có chức linh mục mới chu toàn được thì không thể trao ban thành sự cho người chưa có chức linh mục (đ 150).
C. Về phía chức vụ :
– Nếu không có lý do nghiêm trọng thì không được trì hoãn việc bổ nhiệm vào chức vụ đảm trách việc coi sóc các linh hồn (đ 151).
Bộ luật cũ nói rõ thời hạn là 6 tháng, bộ luật mới không nói thời hạn là bao lâu.
– Không được trao cho người nào hai hoặc nhiều chức vụ bất khả kiêm nhiệm, nghĩa là những chức vụ không thể đồng thời chu toàn bởi cùng một người (đ 152). Sự bất khả kiêm nhiệm các chức vụ có thể do nhiều nguyên nhân :
1). Hoặc do bản chất các chức vụ đó, thí dụ : hai chức vụ buộc cư ngụ ở hai nơi khác nhau, như vị quản trị giáo phận không thể đồng thời là khâm sứ Tòa thánh; một linh mục không thể làm cha xứ hai giáo xứ cách nhau cả ngàn cây số.
2). Hoặc do nghĩa vụ của hai chức vụ rất khó được chu toàn do bởi cùng một người, thí dụ : chức tổng đại diện và chức tổng giải tội (còn gọi kinh sĩ xá giải) (đ 478 §2); giám quản giáo phận không được kiêm nhiệm chức vụ quản lý giáo phận (đ 423 §3); trong dòng tu, bề trên cao cấp không được làm quản lý (đ 636 §1).
3). Hoặc do nguyên nhân khác được qui định trong luật riêng, hoặc luật lệ của hiệp hội.
Vì thế, khi nhận chức vụ mới thì chấm dứt quyền của chức vụ cũ. Ai cố tình giữ lại sẽ bị trừng phạt theo đ 1381 §2 : kể như sự chiếm đoạt.
Lưu ý: luật cấm kiêm nhiệm có tính cách lâu dài chứ không tuyệt đối cấm kiêm nhiệm tạm thời, thí dụ : một bề trên chưa bổ nhiệm được chức quản lý, có thể kiêm nhiệm tạm thời.
– Bổ nhiệm vào một chức vụ nào, chiếu theo luật, không khuyết vị (trống ngôi), thì đương nhiên vô hiệu và không thể được hữu hiệu hóa do sự khuyết vị sau đó (đ 153 §1), tức là sau này có khuyết vị cũng không trở thành hữu hiệu.
– “Nếu là một chức vụ, chiếu theo luật, được trao ban để thi hành trong thời gian nhất định, thì trong vòng 6 tháng trước khi hết hạn ấy, việc bổ nhiệm có thể được thực hiện và có hiệu lực kể từ ngày khuyết vị” (đ 153 §2). Khoản 2 này thường được áp dụng hơn trong các dòng tu.
Thí dụ : khi có ai sắp mãn nhiệm : bề trên hay giám sư sinh viên, tập sinh, thì từ mấy tháng trước, có thể tìm người thay thế để tập dần cho quen việc và sắp xếp công việc đang làm cho khỏi dở dang.
– Việc hứa ban một chức vụ do bất cứ ai, không tạo nên hiệu lực pháp lý nào (đ 153 §3). Đó là điều dĩ nhiên.
– “Chức vụ khuyết vị chiếu luật, mà giả như có ai còn chiếm giữ cách bất hợp pháp, có thể được trao ban, miễn là đã hợp thức bằng việc bổ nhiệm có tuyên bố việc chiếm giữ kia là bất hợp pháp, và văn kiện bổ nhiệm cũng nhắc đến việc tuyên bố đó” (đ 154), tức là người chiếm giữ chức vụ có thể là do lòng ngay, thì có thể tiến hành việc bổ nhiệm.
4. Các vấn đề khác liên quan đến việc bổ nhiệm các giáo vụ
A. Tự do bổ nhiệm
“Trừ khi luật định rõ ràng thể khác, giám mục giáo phận được tự do bổ nhiệm các giáo vụ trong giáo phận riêng của ngài (đ 157)”.
Việc tự do trao ban các chức vụ là qui tắc chung và là qui tắc ưa thích nhất trong luật pháp Giáo hội, vì thế là hình thức thông thường nhất trong Giáo hội hiện nay. Điều 157 là thực thi quyết định của công đồng Vaticanô II (Sắc lệnh Christus Dominus, số 28) : các chức vụ trong giáo phận sẽ do giám mục giáo phận bổ nhiệm, từ nay Tòa thánh sẽ không thực hiện nữa.
Tuy nhiên, sự tự do của giám mục giáo phận đôi khi bị giới hạn :
– Hoặc bởi sự phải hỏi ý kiến trước khi bổ nhiệm vào chức vụ nọ chức vụ kia, thí dụ : phải hỏi ý kiến tập đoàn các cố vấn và hội đồng kinh tài khi bổ nhiệm vị quản lý của giáo phận; hỏi ý kiến linh mục quản hạt trong việc bổ nhiệm linh mục chính xứ nào trong giáo hạt.
– Hoặc một thứ quyền giới thiệu hay ít ra sự ưng thuận của vị bề trên dòng khi bổ nhiệm một tu sĩ vào một chức vụ trong giáo phận.
B. Giới thiệu (đề cử)
– “Ai có quyền giới thiệu thì phải giới thiệu với vị có quyền bổ nhiệm vào chức vụ đó, và phải làm trong vòng 3 tháng, tính từ khi biết có sự khuyết vị” (đ 158 §1)
– “Nếu quyền giới thiệu thuộc về một hiệp đoàn, thì ứng viên phải được chỉ định theo các qui định của các điều 165-179, tức là về vấn đề bầu cử” (đ 158 §2).
– “Không được giới thiệu ai trái ý họ, bởi vậy phải hỏi ý kiến người đó trước, và trong vòng 8 ngày, người đó từ khước, lúc ấy có thể giới thiệu họ” (đ 159).
– “Ai có quyền giới thiệu thì có thể giới thiệu một hoặc nhiều ứng viên, giới thiệu một lượt hoặc lần lượt” (đ 160 §1).
– “Không ai có thể tự giới thiệu mình, nhưng một hiệp đoàn có thể giới thiệu một thành viên của mình” (đ 160 §2).
– “Giới thiệu một ứng viên không được công nhận là đủ tư cách, có thể giới thiệu người khác một lần nữa thôi trong vòng một tháng” (đ 161 §1).
– “Nếu ứng viên từ khước hoặc chết trước khi được bổ nhiệm, thì người có quyền giới thiệu lại có quyền giới thiệu trong vòng một tháng, kể từ khi biết tin sự từ khước hay người ấy chết” (đ 161 §2).
– “Ai không giới thiệu trong thời gian cho phép, cũng như ai đã 2 lần giới thiệu một ứng viên bị công nhận là thiếu khả năng, đều mất quyền giới thiệu. Và vị có quyền được tự do bổ nhiệm với sự ưng thuận của vị thường quyền của ứng viên được dự trù” (đ 162).
– Vị có quyền bổ nhiệm ứng viên được giới thiệu, phải bổ nhiệm ứng viên được giới thiệu. Nếu có nhiều ứng viên được giới thiệu, phải bổ nhiệm một người trong số đó (đ 163).
C. Bầu cử
Bầu cử là một hình thức chọn người vào chức vụ của Giáo hội qua lá phiếu của hiệp đoàn có quyền bầu cử. Sự bầu cử này phải được cấp trên thừa nhận, hoặc chỉ cần người đã được bầu chấp nhận (trường hợp bầu Đức Giáo hoàng hay bầu vị quản trị giáo phận do tập đoàn cố vấn).
“Nếu luật không định liệu thể khác, những qui định của các điều luật sau đây phải được tuân hành trong các cuộc bầu cử theo Giáo luật” (đ 164) .
1). Thời gian
Một hiệp đoàn có quyền bầu cử một chức vụ nào, thì đừng trì hoãn việc bầu cử quá 3 tháng, tính từ ngày chức vụ ấy khuyết vị. Quá thời hạn này, vị có quyền chuẩn y cuộc bầu cử được tự do lo liệu cho chức vụ khuyết vị (đ 165).
2). Triệu tập
Vị chủ tịch của hiệp đoàn sẽ triệu tập tất cả các thành viên của hiệp đoàn (đ 166 §1).
Bộ luật không nói tới cách triệu tập (có thể bằng văn thư hoặc bằng báo chí).
– Nếu một cử tri không được triệu tập và nhân đó vắng mặt, thì cuộc bầu cử vẫn thành. Nhưng khi họ khiếu nại và chứng minh được sự bỏ sót và sự vắng mặt thì cuộc bầu cử, dù đã được chuẩn y cũng phải hủy bỏ bởi vị có thẩm quyền (đ 166 §2).
– Nếu hơn 1/3 cử tri bị bỏ qua, thì cuộc bầu cử đương nhiên bất thành, trừ khi tất cả các cử tri bị bỏ sót đó đã thực sự có mặt trong cuộc bầu cử (đ 166 §3).
3). Các cử tri
– Sau khi được triệu tập, những người có mặt đúng ngày đúng nơi đều có quyền bỏ phiếu. Không được bỏ phiếu bằng thư hoặc bằng người thụ ủy (đ 167 §1).
– Nếu một cử tri ở trong nhà, nơi diễn ra cuộc bầu cử, không thể tham gia được vì đau yếu, thì các người kiểm phiếu sẽ tới nhận phiếu phiếu viết của người ấy (đ 167 §2).
– Một người dù có nhiều tước hiệu để bỏ phiếu, cũng chỉ có thể bỏ một phiếu thôi (đ 168).
– Không một người nào ngoài hiệp đoàn được nhận cho bỏ phiếu (đ 169).
– Cuộc bầu cử đương nhiên bất thành, nếu trong khi bầu thực sự thiếu tự do bất cứ cách nào (đ 170).
– Những người sau đây không đủ khả năng bầu :
a). Người không thể làm một hành vi nhân linh.
b). Người mất quyền đầu phiếu, thí dụ : người đã ra ngoài tu viện.
c). Người bị vạ tuyệt thông đã có án tòa hay sắc lệnh tuyên bố.
d). Người công khai bỏ hiệp thông với Giáo hội (đ 171 §1).
– Nếu một trong số những người trên đây tham gia bỏ phiếu, thì phiếu người đó vô giá trị. Tuy nhiên, cuộc bầu cử vẫn thành sự, trừ khi thấy rõ ràng không có phiếu của người đó, thì người đắc cử không hội đủ số phiếu cần phải có (đ 171 §2), thực tế khó biết lắm!
4). Bầu cử bằng phiếu kín
– Để có giá trị, lá phiếu phải :
a). Tự do : bị dụ dỗ, vì sợ hãi, bị lừa dối mà phải bầu cho người nào, thì lá phiếu vô giá trị.
b). Kín đáo : phải bầu bằng phiếu kín.
c). Chắc chắn : không hồ nghi gì về ý định của người bỏ phiếu.
d). Không điều kiện và xác định : không đặt điều kiện gì và rõ ràng về căn cước của ứng viên. Bất cứ điều kiện nào áp đặt vào lá phiếu trước khi bầu đều bị coi là vô hiệu và không có (đ 172 §1, 2).
– Trước khi bầu, phải chỉ định ít là 2 người kiểm phiếu trong số cử tri (đ 173 §1). Nhiệm vụ của các người kiểm phiếu là thu nhận phiếu – kiểm kê đúng số phiếu – mở lá phiếu rồi công khai cho biết số phiếu mỗi người đã nhận được (đ 173 §2).
– Nếu số phiếu nhiều hơn số cử tri thì kể là đã không đầu phiếu (đ 173 §3).
Nhưng số phiếu có thể ít hơn số cử tri, nếu có người đã từ bỏ quyền đầu phiếu.
– Người thư ký phải ghi các cử tri cũng như diễn tiến cuộc bầu cử trong biên bản, rồi thư ký, chủ tọa và những người kiểm phiếu ký vào và phải được lưu giữ cẩn thận trong công hàm của hiệp đoàn (đ 173 §4).
* Lưu ý:
+ Không thấy nói gì việc phải hủy bỏ các lá phiếu, nhưng đó là việc cần phải làm để bảo vệ tính bí mật của lá phiếu.
+ Nên biết: bộ luật hiện hành không còn coi việc bỏ phiếu cho mình là vô hiệu nữa. Thực ra khó lòng mà kiểm soát được các phiếu tự bầu, trừ khi quá lộ liễu là một cử tri nhận được 100% số phiếu. Đó là nói theo kỹ thuật pháp lý, còn khía cạnh đạo đức là chuyện khác.
5. Bầu cử bằng trung phán ước (dàn xếp, thỏa hiệp).
– Trung phán ước là những người được các cử tri đã nhất trí và trên giấy tờ chuyển quyền bầu của họ cho, lấy trong số các thành viên của hiệp đoàn hay ngoài hiệp đoàn (tức là trong số các cử tri hay ngoài số cử tri). Những người này tiến hành bầu cử (đ 174 §1).
– Nếu hiệp đoàn chỉ gồm nguyên giáo sĩ, các trung phán ước phải là giáo sĩ, nếu không, cuộc bầu cử bất thành (đ 174 §2)
– Các trung phán ước hay dàn xếp là một cách bầu cử khác thường, có thể làm, trừ khi bị rõ ràng. Việc dàn xếp hết hiệu lực và quyền đầu phiếu lại trở về các cử tri thường lệ trong những trường hợp sau đây:
a). Khi hiệp đoàn thâu hồi việc dàn xếp trước khi bắt đầu thi hành hay trước khi đạt tới kết quả hay việc còn y nguyên.
b). Nếu không tuân giữ trọn điều kiện nào đã đặt cho việc dàn xếp.
c). Nếu việc bầu cử đã hoàn tất mà vẫn vô hiệu (đ 175).
6. Kết quả bầu cử
– Ai được số phiếu buộc phải có theo đ 119 §1 (đa số tuyệt đối) và được chủ tịch hiệp đoàn tuyên bố như thế, kể là đắc cử (đ 176).
Cuộc bầu cử được tiến hành là do chủ tịch của hiệp đoàn, chứ không do chủ tọa cuộc bầu cử. Việc tuyên bố đắc cử là hành vi pháp lý, nó kết thúc cuộc bầu cử.
– Phải lập tức thông tri cho người đắc cử. Người này trong hạn 8 ngày, từ khi được thông tri, phải báo cho chủ tịch hiệp đoàn biết mình nhận hay từ chối. Nếu không cuộc bầu cử sẽ vô hiệu (đ 177 §1).
– Khi được thông tri, người được bầu có thể :
– Chấp nhận : do sự chấp nhận, khi bầu cử không cần chuẩn y, lập tức thủ đắc chức vụ với đầy đủ quyền. Nếu không, người ấy chỉ được quyền để nhận chức vụ (đ 178).
– Từ chối : nếu không chấp nhận, hiệp đoàn phải tổ chức bầu lại trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày biết tin từ chối (đ 177 §2). Người này vẫn có thể được bầu lại.
– Giữ im lặng : ở đây không được áp dụng câu cách ngôn “im lặng là chấp nhận”. Vì thế, sau 8 ngày mà không trả lời, cuộc bầu cử là vô hiệu, phải tổ chức bầu lại trong thời hạn một tháng.
7. Chuẩn y cuộc bầu cử
– Nếu cần chuẩn y, trong hạn 8 ngày, kể từ khi chấp nhận, người đắc cử phải đích thân hay nhờ người khác đến xin vị có thẩm quyền chuẩn y, nếu không, sẽ mất hết quyền lợi, trừ khi chứng minh được bị ngăn trở hợp lý (đ 179 §1).
– Vị có thẩm quyền không thể từ chối việc chuẩn y (đ 179 §2).
– Phải chuẩn y bằng giấy tờ (đ 179 §3).
– Trước khi nhận được giấy chuẩn y, người đắc cử không được phép pha mình vào việc điều hành chức vụ kể cả về tinh thần lẫn vật chất. Nếu làm hành vi cai trị nào, sẽ bị coi là vô hiệu (đ 179 §4).
– Nhận được văn thư chuẩn y rồi, người đắc cử có chức vụ với đầy đủ quyền (đ 179 §5).
Việc chuẩn y cuộc bầu cử không phải là một hành vi tùy quyết đoán của vị có thẩm quyền. Nếu từ chối, phải biện minh hoặc bằng sự thiếu tư cách của đương sự, hoặc bằng việc vi phạm các qui tắc của luật pháp. Nếu đương sự thấy có gì bất chính trong những lý do đã trình bày (xc. đ 51), có thể khởi tố giá trị của quyết định đó (xc. đ 1737 §1).
D. Thỉnh cử
– Thỉnh cử là xin vị có thẩm quyền đặt một người nào vào chức vụ gì mà người đó có tư cách, nhưng không thể bầu được vì có ngăn trở Giáo luật, một ngăn trở có thể xin được chuẩn chước, như tuổi đời, bằng cấp đại học, hoặc đã quá số nhiệm kỳ được bầu lại (đ 180 §1).
– Những người trung phán không được thỉnh cử, trừ khi điều đó đã được ghi trong trung phán ước (đ 180 §2).
Thỉnh cử là một ân huệ, vị có thẩm quyền không bao giờ buộc phải ưng ban. Dù sao đây là một phương tiện khác thường để bổ nhiệm vào một chức vụ.
– Để có giá trị, đơn thỉnh cử phải có ít là 2/3 số phiếu (đ 181 §1).
Điều khoản này thay đổi và làm cho việc thỉnh cử khó có thể xảy ra hơn trước kia, trước không đòi 2/3.
– Lá phiếu thỉnh cử phải biểu lộ bằng những lời “Tôi thỉnh cử” hoặc một từ tương đương (đ 181 §2).
– Trong thời hạn 8 ngày, việc thỉnh cử phải được vị chủ tọa chuyển lên vị có thẩm quyền chuẩn y, vị này ban chuẩn chước luôn, nếu không có quyền thì xin vị có quyền cao hơn. Nếu không cần được chuẩn y thì việc thỉnh cử cũng phải được gửi lên vị có thẩm quyền để được chuẩn chước (đ 182 §1).
– Nếu không được gửi lên trong thời hạn ấn định, tức khắc nó trở thành vô hiệu. Như vậy hiệp đoàn sẽ mất quyền bầu hoặc thỉnh cử lần này, trừ khi minh chứng rõ ràng sự chậm trễ này (đ 182 §2).
– Việc thỉnh cử không ban quyền lợi nào cho người được thỉnh cử; và vị có thẩm quyền không buộc phải chấp nhận người đó (đ 182 §2).
– Một khi đã đệ đơn thỉnh cử lên vị có thẩm quyền, các cử tri không được rút đơn lại, trừ khi vị có thẩm quyền ưng thuận điều đó (đ 182 §4).
– Nếu vị có thẩm quyền không chấp thuận việc thỉnh cử, quyền đầu phiếu trở về hiệp đoàn (đ 183 §1).
– Nếu việc thỉnh cử được chấp thuận, phải thông tri cho người được thỉnh cử; và người này phải trả lời theo điều 177 §1 (nghĩa là trong vòng 8 ngày) (đ 183 §2).
– Ai được thỉnh cử và đã được chấp thuận, thì lập tức được đầy đủ quyền thi hành chức vụ (đ 183 §3).
III. CHẤM DỨT GIÁO VỤ
1. Những trường hợp chấm dứt giáo vụ
– Giáo vụ có thể chấm dứt vì những nguyên nhân sau:
a). Mất cách tự động : có hai trường hợp : do thời gian ấn định cho nhiệm kỳ đã hết (gọi là mãn nhiệm); hoặc đã tới hạn tuổi do luật pháp qui định (tức là tới tuổi luật định)
b). Mất do tự ý : có hai trường hợp : do tự ý từ nhiệm (gọi là từ chức); hoặc do thuyên chuyển đồng ý (thuyên chuyển)
c). Mất do lệnh của cấp trên: bắt buộc thuyên chuyển, do giải nhiệm, do bãi nhiệm (đ 184 §1).
– Khi vị trao ban giáo vụ hết quyền bất cứ cách nào, giáo vụ vẫn còn, trừ khi luật định thể khác (đ 184 §2).
Câu “trừ khi” ở đây là hai luật trừ rõ ràng liên quan đến chức vụ tổng đại diện và đại diện giám mục (đ 481 §1).
Thí dụ : đức cha X không còn là giám mục giáo phận Y nữa, thì những ai được đức cha bổ nhiệm vào các chức vụ khác nhau trong giáo phận vẫn cứ tiếp tục làm việc như thường, trừ khi luật định cách khác, chẳng hạn cha tổng đại diện và đại diện giám mục đương nhiên mất quyền.
– Khi chấm dứt chức vụ đã có hiệu lực, phải được báo mau hết sức cho những ai có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức vụ (đ 184 §3).
– Tước hiệu “Người có công” có thể được tặng cho ai chấm dứt chức vụ do quá hạn tuổi hoặc do từ nhiệm đã được chấp nhận (đ 185).
Tước hiệu này chỉ thuần túy là vinh dự, không ban một quyền lợi nào đối với chức vụ đã đảm nhận trước đó.
– Việc chấm dứt chức vụ do thời hạn ấn định đã hết hay do hạn tuổi đã qua (tới tuổi hưu) chỉ có hiệu lực từ lúc nhận được văn thư của thẩm quyền thông báo (đ 186). Nói rõ hơn, khi tới tuổi hưu, thường đương sự được yêu cầu nộp đơn từ chức, nhưng sự chấm dứt chức vụ chỉ có hiệu lực từ lúc nhận được thông báo bằng giấy tờ của vị có thẩm quyền.
2. Từ nhiệm
– Bất cứ ai còn ý thức trách nhiệm đều có thể từ nhiệm giáo vụ vì lý do chính đáng (đ 187)
Việc từ nhiệm có thể là tự ý hay do luật định :
– Tự ý từ nhiệm là tự ý xin từ bỏ chức vụ, vì lý do chính đáng, trước mặt vị có thẩm quyền và được ngài chấp thuận, trừ khi pháp luật chuẩn chước sự chấp thuận này.
Thí dụ:
+ Đức Giáo hoàng từ nhiệm không cần ai chấp thuận (xc. đ 332 §2).
+ Giám quản giáo phận từ nhiệm thì đơn được trình cho hội đồng có thẩm quyền bầu cử và không cần được chấp thuận (xc. đ 430 §2).
– Luật định rằng: khi đã tới tuổi nào đó, đương sự phải nộp đơn từ nhiệm.
Thí dụ : 75 tuổi với các hồng y đứng đầu trong giáo triều (xc. đ 354); giám mục giáo phận và phụ tá (xc. đ 401 §1); linh mục chính xứ (xc. đ 538 §3).
– Sự từ nhiệm do sợ hãi hay bất công, bị lừa dối, bị sai lầm cơ bản, hoặc vì mại thánh, thì đương nhiên vô hiệu (đ 188).
– Để việc từ nhiệm được thành hiệu, phải trình lên vị có quyền bổ nhiệm vào chức vụ đó, phải thực hiện trên giấy tờ hoặc bằng miệng trước hai nhân chứng (đ 189 §1).
– Vị có quyền sẽ không chấp thuận việc từ nhiệm, nếu việc đó không dựa trên một lý do chính đáng và tương xứng (đ 189 §2).
– Việc từ nhiệm nào cần phải được chấp nhận, nếu trong vòng 3 tháng không được chấp nhận thì mất hết hiệu lực. Còn việc từ nhiệm nào không cần được chấp nhận thì có hiệu lực ngay khi người từ nhiệm thông báo đúng luật (đ 189 §3).
Sự im lặng của người có quyền chấp nhận phải được coi là một sự từ chối (đ 57 §2) làm cho việc từ nhiệm không có hiệu quả.
– Bao lâu sự từ nhiệm chưa có hiệu lực, người từ nhiệm vẫn có thể rút đơn lại, nhưng khi đã có hiệu lực, thì không được rút nữa. Tuy nhiên, người đã từ nhiệm có thể thủ đắc chức vụ với một danh nghĩa khác (đ 189 §4).
3. Chuyển nhiệm
– Việc chuyển nhiệm chỉ có thể được thực hiện do vị có quyền bổ nhiệm đối với chức vụ trao ban (đ 190 §1). Cho nên, bất cứ một sự chuyển nhiệm nào cũng giả thiết 2 hành vi : mất (tự ý hay bắt buộc) chức vụ này và trao ban chức vụ khác.
Thẩm quyền bổ nhiệm : phải là người có thẩm quyền trên chức vụ cũ và trên chức vụ mới.
– Nếu việc chuyển nhiệm trái ý người đương chức, đòi phải có lý do quan trọng và phải giữ thủ tục do luật qui định, nhưng đương chức vẫn luôn có quyền trình bày những lý do chống lại việc chuyển nhiệm (đ 190 §2).
– Để có hiệu lực, việc chuyển nhiệm phải được thông tri bằng văn thư (đ 190 §3).
Việc chuyển nhiệm các linh mục chính xứ được nói ở những điều 1748-1752.
– Trong trường hợp chuyển nhiệm, chức vụ trước (cũ) khuyết vị do việc nhận chức vụ sau (mới), được thực hiện theo Giáo luật, thí dụ : chuyển nhiệm các linh mục chính xứ : giáo xứ cũ khuyết vị, vì linh mục chính xứ đi nhận giáo xứ mới (đ 191 §1).
– Người được chuyển nhiệm được thâu nhận bổng lộc thuộc chức vụ trước cho tới khi nhận chức vụ sau (đ 191 §2).
4. Giải nhiệm
– Giải nhiệm là bị mất một chức vụ trong Giáo hội mà không nhận được một chức vụ khác. Việc này hoặc do thẩm quyền trong Giáo hội, khi có lý do quan trọng và phải tiến hành theo thủ tục ấn định, thường bằng một sắc lệnh – hoặc do chính luật chiếu theo điều 194 (đ 192).
– Ai đã được trao cho một chức vụ vô hạn định, không thể bị giải nhiệm, trừ khi có lý do quan trọng và phải tôn trọng cách thức tiến hành do luật định (đ 193 §1).
Đối với trường hợp các linh mục chính xứ, xin coi các điều 1740-1747, đối với các trường hợp khác xin coi điều 1720.
– Điều trên đây cũng có giá trị khi sự giải nhiệm người nào trước thời gian ấn định, giữ nguyên qui định của điều 624 §3 : “luật riêng phải lo liệu bằng những qui định thích hợp, sao cho các bề trên đã được cắt đặt cho một thời gian nhất định, đừng ở lại chức vụ lãnh đạo quá lâu mà không có gián đoạn”.
– Ai được trao ban chức vụ theo qui định của luật do sự quyết đoán khôn ngoan của vị có thẩm quyền, người đó cũng có thể bị giải nhiệm theo sự phán đoán của chính vị đó (đ 193 §2).
Trường hợp này chỉ cần có lý do chính đáng, không cần quan trọng, và không cần thủ tục đặc biệt nào.
– Để có hiệu lực, sự giải nhiệm phải được thông tri bằng văn thư (đ 193 §4).
– Những người sau đây đương nhiên bị giải nhiệm khỏi bất cứ giáo vụ nào:
a). Những người đã mất bậc giáo sĩ.
b). Những người đã công khai bỏ đức tin Công giáo, hoặc bỏ hiệp thông với Giáo hội.
c). Giáo sĩ đã toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân theo dân luật (đ 194 §1).
Việc giải nhiệm được nói tới ở số 2 và 3 trên đây chỉ bắt buộc thi hành khi có tuyên bố của vị có thẩm quyền (đ 194 §2).
Sự mất bậc giáo sĩ, tức khắc kéo theo sự giải nhiệm, không cần một sự can thiệp nào khác của vị thẩm quyền đã tuyên bố sự mất bậc giáo sĩ (xc. đ 290).
– Nếu ai bị giải nhiệm khỏi một chức vụ đang bảo đảm đời sống của mình, không do chính luật, nhưng do sắc lệnh của vị có thẩm quyền, thì vị này sẽ lo giúp người đó sinh sống trong thời gian cần thiết, trừ khi đã định liệu cách khác (đ 195).
“Thời gian cần thiết” nghĩa là không phải mãi mãi, cho tới khi đương sự có thể lo liệu cách khác. Trong trường hợp đau bệnh, tàn phế, già cả, … luật pháp sẽ lo liệu (xc. đ 281 §2 và 231).
5. Bãi nhiệm
– Bãi nhiệm một chức vụ, xét như đó là hình phạt cho một tội nhân, sẽ chỉ có thể thực hiện do luật pháp (đ 196 §1)
Bãi nhiệm là bắt buộc từ bỏ một chức vụ trong Giáo hội do tội phạm. Việc này không đương nhiên xảy ra, nhưng phải được tuyên bố do một sắc lệnh hoặc một án lệnh. Nó được xếp vào loại thục hình (xc. đ 1336 §2, số 2) và chỉ có thể áp đặt nó chiếu theo các luật lệ của pháp luật (xc. đ 1341-1353).
– Việc bãi nhiệm có hiệu lực theo qui định của những điều luật hình sự (đ 196 §2).
I. THỜI HIỆU
Bộ luật 1917 cũng nói tới “thời hiệu” ở trong phần về các cách thức thủ đắc tài sản Giáo hội ở quyển IV. Nhưng vì thời hiệu là cách để thủ đắc hoặc mất đi những cái không phải là tài sản, nên bộ luật 1983 đã rất khôn ngoan đưa vấn đề này vào ngay quyển I.
1. Định nghĩa
Thời hiệu (hay thời tiêu) là một định chế pháp lý, nhờ đó sau khi một thời hạn đã trôi qua, người ta có thể thủ đắc hay mất đi một quyền lợi, hoặc là được thoát khỏi một nghĩa vụ (đ 197).
Định chế này dựa trên sự bảo vệ an ninh của xã hội, để tránh cho một sự việc khỏi rơi vào tình trạng mập mờ trong nhiều năm, và cũng là để tránh những sự kiện tụng.
Thí dụ : theo lẽ công bằng, ai đã mắc nợ thì có nghĩa vụ phải trả, tuy nhiên, nếu chủ nợ không đòi thì nhà lập pháp suy đoán rằng : hoặc là ông ta không cần tiền hay là ông ta đã tha. Vì vậy, nhằm để tránh các xáo trộn trong xã hội, nhà lập pháp qui định rằng : nếu sau một hạn thời gian nào đó mà chủ nợ không đòi tiền thì coi như là đã xí xóa luôn. Nhờ biện pháp như vậy, các cuộc kiện cáo sẽ bớt đi.
Điều nhận xét trên về tư pháp (trong mối tương quan giữa tư nhân với nhau) cũng được áp dụng trong lãnh vực công pháp nữa. Sau một thời gian nào đó, dư luận quên đi tội phạm đã xảy ra. Do đó, nếu sau một khoảng thời gian nào đó mà một thủ phạm không bị truy tố hay không bị bắt, thì luật cũng quên và tha luôn.
Bộ Giáo luật chấp nhận thời hiệu theo như qui định của dân luật địa phương, với những ngoại lệ nói ở 2 điều 198 và 199, gồm một nguyên tắc tổng quát (đ 198) và 7 trường hợp cụ thể (đ 199).
Như vậy, Giáo hội đã “Giáo luật hóa” pháp chế dân sự, vì dân luật công nhận “thủ đắc thời hiệu”, tức là Giáo luật chấp nhận sự thời hiệu giống như dân luật, trừ những ngoại lệ ở 2 điều 198 và 199.
2. Thời hiệu vô giá trị
Thời hiệu vô giá trị nếu không đặt căn bản trên lòng ngay, không những lúc đầu mà cả trong suốt thời gian cần thiết, giữ nguyên các qui định của điều 1362 (đ 198).
Như vậy, thời hiệu chỉ có giá trị khi dựa trên lòng ngay vào lúc khởi đầu cũng như trong suốt thời gian mà thời hiệu đòi hỏi, lý do là tại vì Giáo luật đòi hỏi tôn trọng luân lý: lòng ngay có nghĩa là không có chủ ý gây thiệt hại cho tha nhân. Vì thế, nếu tôi ăn trộm một đồ vật của ai, thì lương tâm buộc phải trả nó lại cho chủ nó, chứ không thể nại tới thời hiệu để giải trừ được. Giáo luật chỉ nhận một khoản trừ cho nguyên tắc vừa nói, đó là trường hợp tố quyền hình sự theo điều 1362.
Ở đây Giáo luật đòi hỏi nhiều hơn dân luật, vì ở các nước, thời hiệu được coi là hợp pháp, dù không có lòng ngay và không có bằng chứng pháp lý, miễn là sở hữu đủ 30 năm.
“Lòng ngay” được Giáo luật nói ở đây là lòng ngay trong lương tâm : lòng ngay phản ánh tâm trạng của người được lợi do thời hiệu. Đây không phải là lòng ngay pháp lý, được một số luật pháp công nhận, nghĩa là không thể chứng minh người đó có lòng gian.
Điều 1362 được nói tới trong điều 198 này là luật liên quan đến thời hiệu của các hành vi tội ác.
Thí dụ : khi tôi phạm một tội ác thì khó mà nói tới sự lòng ngay. Tuy nhiên, nếu không ai truy tố tôi trong thời gian luật định thì tôi có quyền nại tới thời hiệu.
3. Không lệ thuộc thời hiệu
Thời hiệu không thể được áp dụng cho những trường hợp sau đây:
a). Những quyền lợi và nghĩa vụ thuộc Thiên luật, tự nhiên hoặc thiết định.
Thí dụ : không thể nại tới thời hiệu để cắt đứt dây bí tích hôn phối, cho dù hai vợ chồng đã bỏ nhau cả chục năm.
b). Những quyền lợi chỉ có thể có được do đặc ân của Tông tòa.
c). Những quyền lợi và nghĩa vụ trực tiếp liên hệ đến đời sống tinh thần của các tín hữu.
d). Những ranh giới chắc chắn và không thể nghi ngờ giữa các địa hạt của Giáo hội.
e). Bổng lễ và trách nhiệm dâng thánh lễ người ta xin.
f). Việc bổ nhiệm vào một giáo vụ mà theo luật cần phải có chức thánh.
g). Quyền kinh lý và nghĩa vụ vâng phục, đến nỗi vì thời hiệu mà các tín hữu không còn được giáo quyền nào thăm viếng nữa, và họ cũng không còn vâng phục một quyền bính nào nữa (đ 199).
Như vậy, nguyên tắc tổng quát là tất cả mọi tài sản và quyền lợi đều có thể bị thời hiệu, nhưng điều 199 trên đặt ra 7 ngoại trừ.
II. CÁCH TÍNH THỜI GIAN
“Trừ khi luật định thể khác rõ ràng, thời gian phải được tính chiếu theo các điều sau đây” (đ 200).
Điều 200 này xem ra chẳng cần thiết, vì các điều sau đây cũng bắt buộc như thế.
1. Khái niệm
Điều 201 đưa ra định nghĩa cổ điển về “thời gian liên tục” và “thời gian hữu dụng”.
– “Thời gian liên tục” được hiểu là thời gian không bị gián đoạn (đ 201 §1). Về thời gian liên tục này dễ hiểu rồi, tức là thời gian kéo dài mà không bị đứt quãng.
– “Thời gian hữu dụng” (hay hữu ích) được hiểu là thời gian mà một người có thể sử dụng được để thi hành một quyền lợi. Do đó, nếu không biết hay không thể dùng thì không mất (đ 201 §2).
Thí dụ :
– Luật cho thời hạn 15 ngày hữu dụng để thượng cáo một án lệnh tòa án (xc. đ 1630 §1).
– Luật cho thời hạn 8 ngày hữu dụng cho người đắc cử một chức vụ để thông tri cho vị chủ tịch hiệp đoàn đã bầu mình biết mình chấp nhận hay từ chối (xc. đ 177 §1).
– Sự bầu cử phải diễn ra trong thời gian “3 tháng hữu dụng” kể từ khi được thông tri về việc chức vụ khuyết vị (xc. đ 165). Do đó, nếu một bề trên xuất ngoại và không biết lý do gì mất tăm luôn, thì thời hạn 3 tháng được tính kể từ khi biết chắc về sự mất tích chứ không phải kể từ lúc bỏ nhà ra đi.
Trong trường hợp hồ nghi, thời gian được suy đoán là “hữu dụng”.
Thí dụ: theo điều 700, một tu sĩ bị trục xuất khỏi dòng thì có thời hạn 10 ngày để khiếu nại lên cấp trên. Thời gian này được hiểu là “hữu dụng”.
– Còn một loại thời gian nữa không được nói ra, mà chỉ hiểu ngậm, tức là “thời gian cách quãng” : người ta có thể tùy nghi sử dụng theo ý mình.
Thí dụ: Giáo luật cho phép linh mục mỗi năm được nghỉ phép một tháng (xc. đ 533 §2; 550 §3), thì không có nghĩa là phải đi suốt 30 ngày liền, có thể cắt quãng ra nhiều lần, miễn sao cộng lại không quá 30 ngày.
Thời gian cách quãng cũng được nói tới về thời gian nhà tập 12 tháng (xc. đ 648 §1).
2. Cách tính thời gian
Theo lịch, thì có tháng 30 ngày, có tháng 31 ngày (tháng 2 chỉ có 28 ngày); có năm 365 ngày, nhưng năm nhuận thì thêm 1 ngày nữa.
– Còn Giáo luật thì nhất định như sau :
– 1 ngày có 24 giờ, bắt đầu từ nửa đêm.
– 1 tuần có 7 ngày.
– 1 tháng có 30 ngày.
– 1 năm có 365 ngày (đ 202 §1).
Ngoài ra, điều 202 §2 còn ấn định rằng : “Phải tính tháng và năm như trong lịch, nếu là thời gian liên tục”, như sẽ thấy trong điều 203 sau đây :
– “Ngày khởi điểm (dies a quo) không được tính vào thời hạn, trừ khi nó bắt đầu vào chính nửa đêm hay là luật đã qui định thể khác rõ ràng” (đ 203 §1).
Thí dụ:
– Luật đòi đủ 18 tuổi trọn thì mới được khấn dòng, do đó, anh A, sinh ngày 8-9-1982, phải chờ tới ngày 9-9-2000 mới trọn 18 tuổi.
– Điều 11 : ai tròn 7 tuổi, buộc giữ các luật Hội thánh. Ngày khởi điểm tức ngày sinh, sẽ không kể … trừ khi đứa trẻ sinh vào nửa đêm.
– “Trừ khi ấn định thể khác, “ngày đích điểm” (dies ad quem) được tính vào thời hạn; và nếu thời gian gồm 1 hay nhiều tháng hoặc năm, 1 hay nhiều tuần lễ, thì thời hạn ấy kết thúc vào hết ngày cuối cùng mang cùng 1 số, và nếu tháng ấy không có ngày mang cùng 1 số, thì kết thúc vào hết ngày cuối tháng” (đ 203 §2).
Thí dụ : Ngày đích điểm (ngày tới hạn), tức kỷ niệm lần thứ 7 này sinh của em bé trên đây, thì phải kể. Như vậy, đứa trẻ buộc giữ luật Hội thánh từ ngày hôm sau của ngày kỷ niệm đầy năm lần thứ 7.
* Cũng phải tính như vậy đối với việc nhận cho chịu chức linh mục là chức đòi 25 tuổi tròn, hoặc chức phó tế, đòi 23 tuổi tròn.
Còn đối với chức phó tế vĩnh viễn :
– Người độc thân : phải 25 tuổi.
– Người đã kết hôn : phải 35 tuổi (đ 1031).
Trừ khi hội đồng giám mục ấn định thể khác.
* Một năm bị treo chức mà bắt đầu ngày 29-2 năm nhuận, thì sẽ kết thúc ngày 28-2 năm sau.
Dầu những luật lệ trên đây có vẻ phức tạp, nhưng nên nhớ rằng bộ luật mới đã đơn giản hóa việc tính thời gian rất phức tạp của bộ luật 1917, vì không còn kể đến các giờ trong ngày; cũng không nhắc tới giờ chính thức và giờ mặt trời, các qui tắc bây giờ dễ hơn và dễ áp dụng hơn, và dễ mang ấn tượng sáng sủa đó.