Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Giải Thích Bộ Giáo Luật – Quyển II: Dân Thiên Chúa – Cơ Cấu Phẩm Trật Giáo Hội (2)

Administrator
2018-09-08 11:11 UTC+7 31
GIẢI THÍCH BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983 CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP. *** *** QUYỂN II: DÂN THIÊN CHÚA —***— PHẦN II CƠ CẤU PHẨM TRẬT GIÁO HỘI *** TỔ CHỨC NỘI BỘ CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG   MỤC IV HỘI ĐỒNG GIÁO PHẬN KHÁI […]


GIẢI THÍCH

BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

***

***

QUYỂN II:

DÂN THIÊN CHÚA

—***—

PHẦN II

CƠ CẤU PHẨM TRẬT GIÁO HỘI

***

TỔ CHỨC NỘI BỘ CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
 

MỤC IV

HỘI ĐỒNG GIÁO PHẬN


KHÁI NIỆM

Bộ luật hiện hàmh xem ra không tha thiết chi với việc triệu tập hội đồng giáo phận, song ta phải ghi nhận một bước tiến quan trọng trong khái niệm về cơ chế này. Thực vậy, từ đầu lịch sử tới nay, hội đồng chỉ dành cho các linh mục, còn bộ luật 1983 mở rộng cho cả tu sĩ, giáo dân cũng được tham dự.

Xét về bản chất pháp lý, hội đồng giáo phận được xếp vào hàng đầu các cơ quan của giáo phận, một đàng vì là một định chế cổ truyền nhất, và đáng kính trong Giáo hội, là cơ chế đáng chú ý và long trọng nhất mà giám mục có thể sử dụng để thực thi quyền cai quản của mình. Đàng khác, vì nó là cơ quan phụ tá cho giám mục trong nhiệm vụ lập pháp, trong khi những cơ quan khác thuộc vào nhiệm vụ hành pháp và tư pháp. 

Tuy nhiên, hội đồng giáo phận không phải là cơ quan thường trực (khác với thượng hội đồng giám mục, cũng là Synodus), nhưng là một “đại hội”, có thể nói là một biến cố, một cuộc cử hành.

Xét về chức năng, điều 460 nói : “để giúp đỡ giám mục trong việc mưu cầu thiện ích cho toàn thể cộng đoàn “giáo phận”. Đây cũng là sự biểu lộ rõ nhất của sự đồng trách nhiệm, bởi vì tuy giám mục là nhà làm luật duy nhất, nhưng những người dự hội đồng có thể giúp ngài cách đắc lực.

Bộ luật 1917 biết rõ cơ quan này, bộ luật 1983 không sửa đổi gì về quyền hành của hội đồng, nhưng có khác bộ luật cũ ở hai điểm: định kỳ và thành phần.

1. Định nghĩa

Hội đồng giáo phận là một hội nghị gồm những đại biểu của các linh mục và các tín hữu Kitô khác của một giáo hội địa phương để trợ giúp giám mục giáo phận  trong việc mưu ích cho toàn thể cộng đồng giáo phận (đ 460).

2. Mục đích

Mục đích của hội đồng giáo phận là:

a/. Áp dụng giáo lý và kỷ luật của Giáo hội hoàn cầu vào hoàn cảnh địa phương.
b/. Ban hành những luật lệ cho hoạt động mục vụ.
c/. Sửa chữa những sai lầm và những tật xấu trong giáo phận nếu có.
d/. Đảm nhận trách nhiệm chung trong việc xây dựng dân Thiên Chúa.

3. Hội họp

Luật cũ buộc một năm một lần, ngày nay thì tùy phán đoán của giám mục sau khi nghe ý kiến của hội đồng linh mục (đ 461 §1), không một hạn kỳ nào được ấn định.

Nếu một giám mục coi nhiều giáo phận (giám mục một giáo phận và giám quản một giáo phận khác), có thể chỉ triệu tập một hội đồng cho các giáo phận (đ 461 §2).

4. Triệu tập và thành phần

Chỉ một giám mục giáo phận có quyền triệu tập. Vị nào cai quản giáo phận cách tạm thời thì không có quyền này (đ 462 §1).

Giám mục chủ tọa hội đồng, nhưng mỗi buổi họp, ngài có thể ủy quyền cho tổng đại diện hay đại diện giám mục (đ 462 §2).

Những người sau đây phải được triệu tập như thành viên của hội đồng và buộc phải tới dự :

1). Giám mục phó và giám mục phụ tá.

2). Tổng đại diện và đại diện giám mục cùng vị đại diện tư pháp.

3). Các kinh sĩ nhà thờ chính tòa.

4). Các thành viên hội đồng linh mục.

5). Một số đại diện giáo dân, và những thành viên đại diện của các tu hội thánh hiến do hội đồng mục vụ bầu lên theo thể thức và số người do giám mục ấn định. Nều không có hội đồng mục vụ thì theo tiêu chuẩn do giám mục ấn định.

6). Giám đốc đại chủng viện.

7). Các linh mục quản hạt.

8). Ít là một lnh mục của mỗi hạt do hạt bầu ra, bầu phòng hờ một lnh mục nữa nếu lnh mục kia ngăn trở.

9). Khách mời:

– Một vài bề trên các tu hội dòng và hội đời sống tông đồ có trong giáo phận. Cách bầu và số người do gám mục ấn định (đ 463 §1).

– Giám mục có thể mời, với tư cách là thành viên, một số người khác : hoặc giáo sĩ hay tu sĩ hay giáo dân (đ 463 §2).

– Nếu thấy thích hợp, gám mục có thể mời, với tư cách quan sát viên, một thừa tác viên hay thành viên của những giáo hội không hiệp thông đầy đủ với Giáo hội (đ 463 §3).

—-> Nét mới ở đây là sự tham dự của giáo dân vào hội đồng và quan sát viên không Công giáo.

* Ai bị ngăn trở hợp pháp, không có quyền cử đaị diện phải báo cho giám mục biết về ngăn trở ấy (đ 464).

5. Quyền hành của hội đồng

Tất cả các vấn đề được đưa ra đều được tự do tranh luận giữa các thành viên (đ 465).

Hội đồng giáo phận không phải là một thứ nghị viện, nơi các vấn đề được giải quyết bằng đa số thăm, bởi vì ở đây chỉ một giám mục là người làm luật, các thành viên chỉ có lá thăm tư vấn. Chỉ mình ngài ký các bản tuyên ngôn và các sắc lệnh và chỉ được công bố khi có phép của ngài (đ 466).

Dĩ nhiên sự tham khảo ý kiến rất hữu ích, mọi người góp phần vào việc chung hỗ trợ cho giám mục.

Giám mục phải truyền đạt bản văn các tuyên ngôn về các sắc lệnh của hội đồng lên trưởng giáo tỉnh và hội đồng giám mục (đ 467).

Đây là diều hoàn toàn mới, không có trong bộ luật cũ, nhưng rất đúng hướng đi của “tâm tình tập đoàn” nói lên sự hiệp thông giúp ích cho một hoạt động mục vụ chung.
 
6. Bế mạc hoặc ngưng họp

– Giám mục tuyên bố bế mạc hội đồng hoặc theo sự khôn ngoan, giám mục có quyền ngưng hoặc giải tán hội đồng (đ 468 §1).

– Nếu tòa giám mục khuyết vị hoặc bị cản trở, hội đồng sẽ đương nhiên bị ngưng cho đến khi tân giám mục quyết định tiếp tục hay bế mạc (đ 468 §2).
 

*****

MỤC V
TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

 
 
So với bộ luật cũ không có những thay đổi nào về cơ bản, nhưng cũng có một số sửa đổi đáùng kể do sự thiết lập những cơ chế mới. Với tinh thần đổi mới của thời kỳ hậu công đồng đã thấy những canh tân nơi các tòa giám mục. Nếu những điều luật sau đây được áp dụng với tinh thần trách nhiệm, các tòa giám mục sẽ trở thành những trung tâm phát động các hoạt động mục vụ như Vaticanô II mong uớc tỏ tường. Tông hiến “Vicariae potestatis” của Đức Phaolô VI vạch ra đường lối để canh tân tòa giám mục cách tốt đẹp.

I. TÒA GIÁM MỤC

1. Định nghĩa

– Tòa giám mục gồm những cơ quan và những nhân viên giúp giám mục trong việc cai quản tất cả giáo phận, nhất là trong việc điều hành hoạt động mục vụ, cai quản và thi hành quyền tư pháp (đ 469).

– Giám mục phải lo bổ nhiệm người vào các chức vụ ở tòa giám mục. Việc bổ nhiệm này phải bằng văn thư (đ 470).

So sánh hai điều luật trên với bộ luật cũ, sẽ thấy ngay nét mới hoàn toàn không có trong bộ luật cũ, đó là sự giúp đỡ giám mục trong việc cai quản, nhất là trong 3 công tác được Giáo luật nêu lên. Điều hành hoạt động mục vụ là yếu tố hoàn toàn mới, không có trong bộ luật cũ. Như vậy, bỏ được hình ảnh trước đây về tòa giám mục chỉ lo về hành pháp, với bộ mặt hình thức, lạnh lùng và xa rời mọi hoạt động mục vụ.

Giúp đỡ giám mục trong sự suy nghĩ, soạn thảo và điều hành các sáng kiến tông đồ. Tòa giám mục nay trở thành trái tim của giáo phận.

– Tất cả mọi người nhận chức vụ nào tại tòa giám mục đều phải:

1). Tuyên hứa trung thành chu toàn nhiệm vụ.

2). Giữ bí mật trong giới hạn và theo thể thức do luật hay giám mục ấn định (đ 471).

Đối với những án vụ và nhân sự liên quan đến việc hành sử quyền tư pháp tại tòa giám mục, thì phải theo những qui định của quyển VII về “tố tụng”. Còn đối với những gì thuộc việc quản trị của giáo phận thì theo những qui định của những điều luật sau đây (đ 472).

2. Phối trí hoạt động

– Giám mục phải lo phối trí tất cả mọi việc liên quan đến việc cai quản giáo phận (đ 473 §1).

– Chính ngài phải phối trí hoạt động mục vụ của các tổng đại diện và đại diện giám mục. Nếu cần có thể bổ nhiệm một vị “đổng lý tòa giám mục” (phối trí viên tòa giám mục). Vị này phải là linh mục, có chức năng phối kiểm tất cả những gì liên quan đến các công việc hành chánh và trông coi để các thành phần khác chu toàn chức vụ được trao (đ 473 §2).

– Vị đổng lý tòa giám mục thường là tổng đại diện, nhưng giám mục có thể chọn một giải pháp khác tốt hơn (đ 473 §3).

Giám mục là người phối trí tất cả các cơ quan và các người góp phần vào việc xúc tiến lợi ích của giáo phận. Đặc biệt chú ý phối trí các người vào trong cơ quan hành chánh, tức là các tổng đại diện và đại diận giám mục. Sự hữu hiệu của các công việc tùy thuộc vào sự phối trí này.

Khuôn mặt của vị “phối trí viên tòa giám mục” là một nét mới : nhiệm vụ của vị này không được xác định thật rõ ràng. Đấng làm luật không áp đặt phải thực hiện như thế. Nhiều người muốn công việc phối trí này được trao cho một vị riêng biệt, mặc dầu tên của vị này không được bộ Giáo luật nêu lên. Người ta nghĩ đến vị chánh văn phòng tòa giám mục, như hiện thấy nơi nhiều giáo phận trên thế giới và đã tỏ ra rất hữu hiệu, nghĩa là cho tới nay, vị tổng thư ký tòa giám mục làm công việc phối trí này.

3. Ban cố vấn giám mục

Ở đâu thấy nên có để giúp công việc mục vụ, giám mục có thể thành lập ban cố vấn giám mục, gồm các tổng đại diện và các đại diện giám mục (đ 473 §4).

Đây cũng là một điểm mới trong bộ luật, đây là một cơ quan mới chưa thấy có trong pháp chế trước đây, mặc dầu đã thật sự hoạt động trong nhiều giáo phận. Vì không có luật chung, nên mỗi giáo phận tổ chức theo sáng kiến của mình.

Ban cố vấn này sẽ giúp ích rất nhiều cho các giám mục trong các quyết định. Từ nay, các thành viên của ban này chỉ có thể là tổng đại diện và các đại diện giám mục.

Thường không dễ, và có lẽ không cần lập ra ban này nơi các giáo phận nhỏ, vì chỉ có một tổng đại diện bên cạnh giám mục.

4. Các văn kiện của tòa giám mục

Các văn kiện này để có hiệu lực pháp lý (như các bổ nhiệm, cho gia nhập giáo phận, các quyết định của giám mục.v.v.), phải được giám mục ban hành ký vào mới thành sự, đồng thời phải có chữ ký của vị chưởng ấn hay công chứng viên (lục sự, chưởng khế) của tòa giám mục, nhưng vị chưởng ấn buộc phải báo cho vị đổng lý tòa giám mục biết về các văn kiện ấy (đ 474).
 

II. TỔNG ĐẠI DIỆN VÀ ĐẠI DIỆN GIÁM MỤC

– Trong mỗi giáo phận, phải đặt một tổng đại diện, có thường quyền và giúp giám mục trong việc cai quản giáo phận. Theo luật chung, chỉ đặt một tổng đại diện, trừ khi giáo phận quá rộng, dân số đông, hoặc những lý do mục vụ khác, có thể bổ nhiệm nhiều tổng đại diện (đ 475 §1,2).

Trong giáo phận có giám mục phụ tá, giám mục nên đặt ngài làm tổng đại diện, để tỏ lòng kính ngài. Nhưng giám mục có thể bổ nhiệm một linh mục được ngài tín nhiệm làm tổng đại diện (một việc thường tình và dễ hiểu). Vì lý do này hay về nhiều lý do khác, các nhà giải thích luật đề nghị rằng : từ nay việc tấn phong giám mục phụ tá cần phải được coi là rất tế nhị.

– Nếu cần để việc cai quản giáo phận được tốt đẹp, giám mục có thể bổ nhiệm một hay nhiều vị đại diện giám mục, có thường quyền, nhưng chỉ trong một lãnh thổ nhất định, cho một số công việc, cho những tín hữu của một nghi thức nào nhất định, cho một nhóm người nào đó (đ 476).

Đây là khuôn mặt đầy ý nghĩa của vị đại diện giám mục. Một điểm mới của bộ Giáo luật, một sáng tác của Vaticanô II. để  giám mục sẵn sàng có những người cộng tác mới, có thể thi hành tốt hết sức việc cai quản mục vụ giáo phận.

Thí dụ : Bổ nhiệm một số đại diện giám mục để điều hành những khu vực mục vụ, để lo cho hàn g giáo sĩ, cho các cộng đồng tu sĩ, cho các tư thục Công giáo, cho việc tông đồ giáo dân.v.v.. các vị khác để lo những việc hành chánh, tài chánh.v.v.. vì những việc ấy cũng có thể có mục đích mục vụ.

– Giám mục tự do bổ nhiệm tổng đại diện hoặc đại diện giám mục, cũng được tự do bãi nhiệm các vị đó. Đại diện giám mục mà không phải là giám mục phụ tá chỉ được bổ nhiệm cho một thời gian được xác định trong chính văn thư bổ nhiệm (đ 477 §1).

– Khi tổng đại diện hoặc đại diện giám mục vắng mặt hay bị ngăn trở hợp pháp, giám mục có thể bổ nhiệm hợp pháp một vị khác thay thế (đ 477 §2).      

– Tổng đại diện và đại diện phải là linh mục, ít nhất 30 tuổi, có bằng tiến sĩ hoặc cử nhân giáo luật hay thần học hoặc tương đương, thông thạo những môn đó, trổi vượt về giáo lý, đạo đức, khôn ngoan, kinh nghiệm trong cách điều hành các công việc (đ 478 §1).

– Chức vụ tổng đại diện hoặc đại diện giám mục không thể kiêm nhiệm với chức kinh sĩ xá giải. Và giám mục không được trao cho người có họ máu tới bốn đời của ngài (đ 478 §2). Đó là trường hợp người con chú con bác của giám mục.

– Tổng đại diện có quyền hành pháp trên toàn giáo phận như giám mục, trừ những việc giám mục dành riêng cho mình, hoặc luật truyền phải có ủy quyền đặc biệt của giám mục (đ 479 §1).

– Đại diện giám mục đương nhiên có quyền như tổng đại diện, nhưng chỉ đối với loại việc, loại người trong nhiệm vụ của mình (đ 479 §2).

– Tổng đại diện và đại diện giám mục cũng có năng quyền thông thường do Tòa thánh ban cho giám mục và được quyền thi hành các phúc chiếu (đ 479 §3).

– Tổng đại diện và đại diện giám mục phải báo cáo cho giám mục về những việc quan trọng đã xử lý hay sắp xử lý, không bao giờ được làm trái ý giám mục (đ 480).

– Quyền của tổng đại diện và đại diện giám mục sẽ chấm dứt khi hết thời hạn ủy nhiệm, hoặc do từ nhiệm hoặc bãi nhiệm và khi tòa giám mục khuyết vị (đ 481 §1).

– Tòa giám mục có thể khuyết vị vì giám mục qua đời hoặc vì ngài được chuyển sang tòa giám mục khác, hoặc vì ngài từ nhiệm hoặc do ngài bị bãi nhiệm.

– Khi nhiệm vụ của giám mục bị ngưng thì quyền của tổng đại diện và đại diện giám mục cũng bị ngưng, trừ khi các ngài có chức giám mục (đ 481 §2).
 
III. CHƯỞNG ẤN – CÁC CÔNG CHỨNG VIÊN – CÁC  VĂN  KHỐ

1. Chưởng ấn

– Tại mỗi tòa giám mục phải đặt một chưởng ấn. Nhiệm vụ chính là lo cho các văn thư của tòa giám mục được soạn thảo, gửi đi và lưu trữ tại văn khố tòa giám mục, trừ khi luật riêng định thể khác (đ 482 §1).

– Nếu cần, đặt thêm một phụ tá gọi là phó chưởng ấn (đ 482 §2).

– Chưởng ấn và phó chưởng ấn đương nhiên là những công chứng viên và thư ký tòa giám mục (đ 482 §3).

Không như luật cũ, luật mới không buộc các chức vụ này phải dành cho linh mục. Vì thế, phó tế và giáo dân nam hay nữ đều có thể được bổ nhiệm vào các chức vụ này.

Vì luật riêng có thể định thể khác, nên chúng ta thấy có nhiều tước vị và chức vụ khác nhau của chưởng ấn trong các giáo phận, nơi đó chưởng ấn cũng là tổng thư ký, là thủ ấn của giám mục, là nhà tài chánh hoặc là quản lý giáo phận.

2. Các công chứng viên

– Không kể chưởng ấn, còn có thể đặt thêm một số công chứng viên khác (đ 483 §1). Chữ ký của họ chứng thực bất cứ văn thư nào hoặc chỉ văn thư tòa án hoặc các văn thư của một vụ hay một việc nào đó thôi.

– Chưởng ấn và công chứng viên phải có tiếng tốt hoàn toàn và không bị ai nghi ngờ gì. Trong những vụ mà thanh danh của linh mục có thể bị tổn thuơng, thì công chứng viên phải là linh mục (đ 483 §2).

– Nhiệm vụ của các công chứng viên là:

1). Soạn thảo các văn thư và tài liệu về các sắc lệnh, các nghĩa vụ và những gì khác đòi sự can thiệp của họ.

2). Lập biên bản cách trung thực về việc đã làm, ghi rõ nơi, ngày tháng năm và ký tên.

3). Cung cấp các văn thư và tài liệu cho những ai xin cách hợp pháp, nhưng phải giữ những điều cần phải giữ, và chứng thực các phó bản là hợp với bản chính (đ 484).

Giám mục có thể tự do bãi nhiệm chưởng ấn và các công chứng viên khác. Còn giám quản giáo phận chỉ có thể bãi nhiệm như thế với sự ưng thuận của hội đồng tư vấn (đ 485).

3. Các văn khố

Bộ luật không nhắc tới chức vụ quản thủ văn khố, vì chính chưởng ấn có trách nhiệm về văn khố (xc. đ 482 §1). Vậy quản thủ văn khố là công chứng viên của tòa giám mục, đặc biệt có nhiệm vụ sắp xếp và bảo toàn các tài liệu tòa giám mục.

Trong các văn khố đó có thể phân biệt :

a. Văn khố thông thường

– Tất cả các tài liệu liên quan đến giáo phận và các giáo xứ phải được lưu trữ hết sức cẩn thận (đ 486 §1).

– Tại mỗi tòa giám mục, phải có một nơi chắc chắn để lập văn khố của giáo phận. Trong đó lưu trữ các tài liệu, giấy tờ của giáo phận. Phải sắp xếp và khóa cẩn thận (đ 486 §2).

– Phải lập một bản thống kê hoặc một thư mục về tất cả các tài liệu trong văn khố, với một tóm lược về mỗi loại (đ 486 §3).

Với điều 486 này, bộ Giáo luật đề cập đến vấn đề văn khố tòa giám mục. Luật lệ của bộ luật cũ nay được được đổi mới khá nhiều và đơn giản hóa hơn. Trước kia, văn khố bị bỏ quên nhất nơi tòa giám mục, có vẻ như người ta không quan tâm gì lắm hoặc không có phương tiện tổ chức cho hẳn hoi, nay bộ luật mới yêu cầu quan tâm hơn và yêu cầu làm tốt hơn. Hy vọng những văn khố tuy nhỏ bé như sẽ được quan tâm hơn, vì xã hội ngày nay sẽ chê trách sự bỏ bê trong lãnh vực này.

– Nơi để văn khố phải khóa lại và chỉ giám mục và chưởng ấn có chìa khóa. Không ai được phép vào văn khố nếu không có phép giám mục hay vị điều hành (đổng lý) tòa giám mục, cùng với phép của chưởng ấn (đ 487 §1).

– Không được phép mang đi những tài liệu của văn khố, trừ khi trong một thời gian ngắn với sự ưng thuận của giám mục hoặc đổng lý và chưởng ấn cùng một trật (đ 488).

b. Văn khố mật

– Phải có một văn khố mật riêng tại tòa giám mục, hay ít ra có một cái tủ trong văn khố chung. Tuyệt đối đóng kín và khóa kỹ, không thể di chuyển được, trong đó lưu trữ các tài liệu phải giữ kín (đ 489 §1).

– Hàng năm, các tài liệu về những vụ hình sự liên quan đến phẩm hạnh của bị cáo đã chết, hoặc các vụ đó đã kết thúc bằng một án phạt đã được 10 năm thì phải thiêu hủy. Nhưng phải lưu trữ một bản tóm tắt về sự vụ này cùng với bản văn của án lệnh chung thẩm (đ 489 §2).

– Chỉ giám mục có chìa khóa của văn khố mật (đ 490 §1).

– Khi tòa giám mục khuyết vị, các văn khố mật chỉ được mở khi cần thiết thật sự và do chính giám quản giáo phận (đ 490 §2).

– Không được lấy tài liệu ra khỏi văn khố hoặc tủ văn khố mật (đ 490 §3).

– Giám mục cũng phải lưu ý đến các văn khố khác, yêu cầu làm hai bản, một giữ tại mỗi văn khố riêng, một tại văn khố tòa giám mục (đ 491 §1).

– Trong mỗi giáo phận phải có luật riêng xác định rõ về vấn đề này, cũng như về việc tham khảo và lấy ra các tài liệu đó (đ 491 §3).

c. Văn khố lịch sử

Giám mục cũng phải liệu để trong giáo phận có văn khố lịch sử, lưu trữ cẩn thận và xếp loại có hệ thống tất cả những tài liệu có giá trị lịch sử (đ 491 §2).

– Chưởng ấn : soạn thảo và tống đạt các văn thư và lưu trữ các văn thư ấy tại văn khố tòa giám mục.

– Chưởng khế, công chứng viên : biên chép và ký các văn thư.

Chưởng ấn đương nhiên là công chứng viên và thư ký tòa giám mục.
      

*****

MỤC VI
CÁC HỘI ĐỒNG TRONG GIÁO PHẬN


I. HỘI ĐỒNG KINH TẾ – QUẢN LÝ GIÁO PHẬN

Bộ luật mới có những đổi mới quan trọng, rõ nhất là khuôn mặt của vị quản lý giáo phận, một sáng tạo của Vaticanô II, nhân vật sẽ có ảnh hưởng về kinh tế của giáo phận. Cũng nên để ý đến vị trí dành cho vấn đề kinh tế của giáo phận : trước kia được đặt ở phần bàn về “Tài sản của Giáo hội”, nay được đem vào trong khuôn khổ của tòa giám mục. Điều này cho thấy hội đồng kinh tế xuất hiện như hội đồng số một của tổ chức tòa giám mục.

Bộ luật cũ có nói đến thứ hội đồng này : yêu cầu lập một hội đồng để quản lý các tài sản giáo phận hoặc một cái gì tương đương, nay thì hội đồng như thế là điều bắt buộc.

A. Hội đồng kinh tế

– Trong mỗi giáo phận phải lập một hội đồng lo việc kinh tế, do giám mục hoặc đại diện của ngài chủ tọa. Hội đồng này gồm ít nhất là 3 tín hữu do giám mục bổ nhiệm có sở trường về kinh tế và dân luật và nổi tiếng liêm khiết (đ 492 §1).

* Giải thích :

  + Lập hội đồng này là một nghĩa vụ rõ ràng của giám mục.

  + Hội đồng này gồm ít là 3 hoặc nhiều hơn, các thành viên là các tín hữu, một từ tổng quát chỉ các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân nam nữ.

  + Có trình độ về các vấn đề kinh tế.

  + Thông thạo dân luật, vì trong vấn đề này, nhiều luật đời đã trở thành luật đạo, được nhận vào Giáo luật.

Bộ luật cũ cũng có điều này, nhưng chỉ dành cho các ông thôi. Trong thực tế, thường là các giáo sĩ.

– Nhiệm kỳ : là 5 năm, có thể tái bổ nhiệm 5 năm nữa (đ 492 §2).

– Không được bổ nhiệm những người có họ máu hoặc họ sui giavới giám mục cho tới bốn đời (đ 492 §3), để tránh mọi nghi ngờ và để các thành viên được tự do hành động.

– Vai trò của hội đồng này là giúp giám mục trong việc quản lý tài sản. Mỗi năm, theo chỉ thị của giám mục, lập ngân sách các khoản thu chi dự trù cho việc lãnh đạo chung của giáo phận trong năm tới và cuối năm chứng thực sổ thu chi (đ 493).

B. Vị quản lý giáo phận

Hội đồng kinh tế có trách nhiệm về hướng đi của công việc tài chánh, thì vị quản lý là người thi hành.

– Trong mỗi giáo phận, giám mục phải bổ nhiệm một vị quản lý thực sự có sở trường về việc kinh tế và liêm khiết (đ 494 §1).

– Nhiệm kỳ 5 năm, có thể tái lại 5 năm nữa (đ 494 §2). Không được bãi nhiệm, trừ khi có lý do nghiêm trọng.

Bộ luật không buộc vị quản lý phải là linh mục, có thể trao cho phó tế hay giáo dân nam nữ.

Vị quản lý không chấm dứt khi tòa giám mục khuyết vị.

– Vị quản lý quản trị các tài sản của giáo phận và theo vốn đã được thiết lập cho kế hoạch của giáo phận, tùy nghi sắp xếp các khoản thu chi (đ 494 §3).

– Cuối năm, phải tính sổ thu chi cho hội đồng kinh tế (đ 494 §4).
 
II. HỘI ĐỒNG LINH MỤC VÀ HIỆP ĐOÀN TƯ VẤN

Hội đồng linh mục là một cơ chế mới để đại diện cho các linh mục. Đây là một sáng tác củaVaticanô II.

Hiệp đoàn tư vấn là nòng cốt của hội đồng linh mục. Bộ mặt của hiệp đoàn tư vấn là một cái hoàn toàn mới được gọi là thành quả của những nghiên cứu và nỗ lực của ủy ban tu chính pháp luật.

A. Hội đồng linh mục

1. Thành lập

Trong mỗi giáo phận phải thành lập một hội đồng linh mục. Hội đồng linh mục gồm một nhóm linh mục, đại diện cho linh mục đoàn, để làm nghị viện của giám mục (đ 495 §1).

Trong các Đại diện Tông tòa và Phủ doãn Tông tòa, vị đại diện hay vị phủ doãn phải thành lập một hội đồng gồm ít là 3 linh mục thừa sai mà ngài phải hỏi ý kiến, kể cả bằng thư từ, trong những việc quan trọng (đ 495 §2).

2. Nhiệm vụ

Giúp giám mục trong việc cai quản giáo phận để mưu ích lợi cho dân Thiên Chúa được ủy thác ngài (đ 495 §1).

Đây là một thể chế đặc biệt. Hội đồng linh mục phải là phản ảnh của toàn thể linh mục đoàn, các thành viên không những là đại diện, nhưng còn là đại biểu của giáo sĩ, tức là hội đồng phải có tính đại diện cho tất cả linh mục đoàn. Như vậy, hội đồng linh mục trở thành cơ quan tư vấn luôn ở bên cạnh giám mục, với sứ mạng giúp giám mục trong việc cai quản giáo phận nhằm xúc tiến công việc mục vụ của dân Thiên Chúa sao cho hữu hiệu nhất.

3. Qui chế

Phải có qui chế riêng, được giám mục phê chuẩn, đúng như những luật lệ do hội đồng giám mục đã lập ra (đ 496).
Qui chế này có tính bắt buộc. Theo luật chung, phải có văn phòng để lo các khóa họp, họp một năm mấy lần, nhiệm kỳ các thành viên.v.v…

4. Thành viên

Có 3 thứ thành viên :

a. Những thành viên được bầu :

Chừng nửa số thành viên được bầu tự do bởi chính các linh mục đúng theo các luật lệ sau (đ 497) và chiếu theo qui chế.

– Các người sau đây có quyền bầu cử và ứng cử :

+ Tất cả các linh mục triều đã gia nhập giáo phận (đ 498 §1  số 1).

+ Các linh mục triều không gia nhập giáo phận cũng như các linh mục dòng hiện đang ở trong giáo phận và đang thi hành một chức vụ có lợi ích cho giáo phận (đ 498 §1 số 2).

+ Các linh mục khác, có thường trú hoặc tạm trú trong giáo phận, có thể tham gia cuộc bầu cử theo mức độ qui chế dự trù (đ 498 §2).

+ Cách bầu cử phải được qui chế ấn định, nhưng phải liệu sao để nếu có thể, các linh mục của linh mục đoàn đều có đại diện, nhất là về các loại tác vụ khác nhau và theo các miền khác nhau của giáo phận (đ 499).

b. Những thành viên tất nhiên :

Đây là những linh mục mà qui chế cho là đương nhiên phải là những thành viên do chức vụ của các vị đó (đ 497 số 2).

Đó là trường hợp các tổng đại diện và đại diện giám mục, giám đốc chủng viện, giám đốc các hội đoàn.v.v…

c. Những thành viên tùy sự lựa chọn :

Giám mục có trọn quyền tự do bổ nhiệm một vài thành viên (đ 497 số 3), nhưng ngài không buộc phải làm như vậy.

Với sự bổ nhiệm thích hợp, giám mục có thể góp phần để giữ thế quân bình của hội đồng và như vậy sẽ giúp cho hội đồng hoạt động có tính cách dân chủ và hiệu quả hơn.

Chúng ta phải hoan hô luật lệ được đấng làm luật đặt ra trên đây, mở cửa hội đồng linh mục cho tất cả các linh mục có nhập tịch hay không nhập tịch giáo phận. Thật là một vẻ phong phú thần học rất đáng quý trong vấn đề này, đúng như Vaticanô II khẳng định và mong muốn.

d. Điều hành :

– Giám mục có quyền triệu tập, chủ tọa, quyết định những vấn đề phải bàn luận và chấp nhận những vấn đề do các thành viên đề nghị (đ 500 §1).

– Hội đồng linh mục chỉ có quyền tư vấn mà thôi. Giám mục phải tham khảo hội đồng trong những việc quan trọng hơn, nhưng chỉ cần có sự đồng ý trong những trường hợp mà luật đã minh nhiên ấn định (đ 500 §2).

Thí dụ :

Điều 461 §2 : về triệu tập công đồng giáo phận.
Điều 515 §2 : thành lập, bãi bỏ hay sửa đổi cái gì to tát thuộc các giáo xứ.

– Hội đồng linh mục không bao giờ có thể hành động mà không có giám mục giáo phận, cũng chỉ một mình ngài phải lo phổ biến những gì được ấn định chiếu theo khoản 2 trên (đ 500 §3).

– Bộ luật không ấn định hạn kỳ các buổi họp, nhưng luật gạt bỏ kiểu tự động triệu tập do thu góp được một số chữ ký chẳng hạn.

e. Nhiệm kỳ:

– Hoạt động của những “thành viên tất nhiên” của hội đồng sẽ chấm dứt khi các ngài thôi chức vụ. Hoạt động của các thành viên tùy sự lựa chọn của giám mục, cũng tùy giám mục quyết định.

– Còn các thành viên được bầu thì sao?

Các thành viên này được chỉ định cho một thời gian do qui chế ấn định, nhưng phải liệu để toàn thể hội đồng hay một phần của hội đồng được bầu lại trong vòng 5 năm (đ 501 §1).

– Khi tòa giám mục khuyết vị, hội đồng linh mục không còn nữa, và các chức vụ của hội đồng sẽ được hiệp đoàn tư vấn đảm nhận. Trong vòng một năm, từ khi nhậm chức, giám mục lại phải thành lập hội đồng linh mục (đ 501 §2).

– Nếu hội đồng linh mục không chu toàn nhiệm vụ hoặc lạm dụng cách nghiêm trọng nhiệm vụ ấy, thì sau khi tham khảo ý kiến trưởng giáo tỉnh hoặc nếu là vấn đề của tòa trưởng giáo tỉnh, tham khảo giám mục thâm niên nhất, giám mục có thể giải tán hội đồng linh mục, nhưng trong vòng một năm phải lập lại hội đồng ấy (đ 501 §3).

B. Hiệp đoàn tư vấn

– Giám mục phải lựa chọn tối thiểu 6, tối đa 12 thành viên trong hội đồng linh mục để lập thành hiệp đoàn tư vấn với nhiệm kỳ 5 năm, và với nhiệm vụ theo luật định. Hết hạn 5 năm, hiệp đoàn sẽ tiếp tục nhiệm vụ cho tới khi tân hiệp đoàn được thành lập (đ 502 §1). Nếu một thành viên từ bỏ chức vụ (từ nhiệm, chết hoặc rời giáo phận), giám mục bổ nhiệm một vị khác, nếu không còn đủ 6 vị.

Như vậy, hiệp đoàn tư vấn là một thứ ủy ban thường trực của hội đồng linh mục, nhưng với những phận vụ riêng và đặc biệt, không lệ thuộc vào hội đồng linh mục.

– Giám mục chủ tọa hiệp đoàn tư vấn, khi tòa giám mục bị cản trở hay khuyết vị, thì vị đứng đầu là người tạm thời thay thế giám mục, hoặc nếu vị này chưa được cắt đặt thì vị linh mục thâm niên hơn về năm chịu chức trong hiệp đoàn sẽ chủ tọa (đ 502 §2).

– Hội đồng giám mục có thể quyết định trao các chức vụ của hiệp đoàn tư vấn cho kinh sĩ hội nhà thờ chính tòa (đ 502 §3).

– Trong những Đại diện Tông tòa hoặc Phủ doãn Tông tòa, các nhiệm vụ của hiệp đoàn tư vấn thuộc về hội đồng thừa sai nói ở điều 495 §2 (một hội đồng gồm ít nhất là 3 linh mục thừa sai), trừ khi luật định thể khác (đ 502 §4).

– Các chức năng của hiệp đoàn tư vấn : nhiều và rất quan trọng :

Hội đồng tư vấn phải cho ý kiến :

– Điều 494 §1,2 : đối với việc bổ nhiệm hay bãi nhiệm quản lý giáo phận. 

– Điều 1277 : đối với những việc quản trị quan trọng.

Cần sự ưng thuận của hiệp đoàn tư vấn :

– Điều 1277 : đối với những việc quản trị ngoại thường.

– Điều 1292 §1 : đối với những việc nhượng bán tài sản của các pháp nhân thuộc quyền giám mục giáo phận.

Trường hợp tòa giám mục trống ngôi:

– Điều 421 §1 : trong vòng 8 ngày, hiệp đoàn tư vấn phải bầu vị giám quản giáo phận.

– Điều 272 : sau một năm tòa trống ngôi, cần có sự ưng thuận của hiệp đoàn tư vấn để các giáo sĩ gia nhập hoặc xuất khỏi giáo phận, và cả việc chuyển qua phục vụ một giáo phận khác.

– Điều 485 : giám quản giáo phận không được bãi nhiệm chưởng ấn và các công chứng viên, nếu không có sự ưng thuận của hiệp đoàn tư vấn.

– Điều 382 §3 : tân giám mục phải trình thư của Tòa thánh cho hiệp đoàn tư vấn, để nhận quyền lãnh đạo giáo phận.
Mấy trường hợp riêng :

– Điều 404 §1,2 : Giám mục phó trình tông thư Tòa thánh cho hiệp đoàn tư vấn.

– Điều 412-415 : hiệp đoàn tư vấn sẽ bầu vị linh mục lãnh đạo giáo phận khi giám mục không thể thi hành chức vụ.

* Kết luận

Sự lập ra hiệp đoàn tư vấn trong hội đồng linh mục là một thành công lớn, rất có ích lợi, nhất là đối với các giáo phận lớn với một hội đồng linh mục quá nhiều thành viên, không dễ gì hội họp lại được. Đàng khác, một số vấn đề đặc biệt tế nhị không nên để nhiều người biết. Dầu gồm những thành viên rút ra từ hội đồng linh mục, hiệp đoàn tư vấn là một cơ quan biệt lập và độc lập đối với hội đồng linh mục, với những chức năng riêng biệt. Bởi vậy các thành viên, với nhiệm kỳ 5 năm, sẽ vẫn giữ chưc vụ, dù vì lý do nào mình không còn là thành viên của hội đồng linh mục nữa.
 
III. CÁC HỘI KINH SĨ

Phần này của bộ Giáo luật cũ đã được soạn lại một cách sâu rộng. Từ lâu, uy tín và công đức của hội kinh sĩ đã suy giảm. Nói chung, việc hát kinh đã giảm xuống mức tối thiểu nơi nhiều nhà thờ chính tòa. Đứng trước tình trạng này, ủy ban soạn thảo Giáo luật đã nghiên cứu sâu rộng và muốn đưa vào nhiều thay đổi như sẽ thấy trong các điều luật dưới đây. Bây giờ hội đồng linh mục được gọi một cách bán chính thức là “nghị viện” của giám mục, một danh hiệu mà bộ luật 1917 dành cho hội đồng nhà thờ chính tòa, và đã gây nên những phản đối của hội kinh sĩ, nhưng ủy ban soạn thảo Giáo luật vẫn giữ nguyên lập trường này.

1. Định nghĩa

– Hội kinh sĩ, hoặc thuộc nhà thờ chính tòa, hoặc thuộc nhà thờ hiệp đoàn, là hiệp đoàn linh mục có nhiệm vụ cử hành các nghi lễ phụng vụ long trọng hơn tại nhà thờ chính tòa hoặc nhà thờ hiệp đoàn; Ngoài ra, hội kinh sĩ còn phải chu toàn những nhiệm vụ mà luật hoặc giám mục giáo phận trao phó cho (đ 503).

* Giải thích :

Sau khi tước hiệu “nghị viện” của giám mục và nhiệm vụ tham dự việc cai quản giáo phận được bộ luật mới chuyển sang cho hiệp đoàn tư vấn, thì còn lại cho hội kinh sĩ nhà thờ chính tòa “phần tốt nhất” là đảm nhận việc kinh nguyện và một số các nghi lễ phụng vụ. Chúng tôi nghĩ rằng : nếu nhiệm vụ này được thực hiện tốt, nó sẽ biện minh cho sự sống sót của cơ chế này.

Giáo luật không nói gì về phụng vụ các giờ kinh vẫn được hát bởi hội kinh sĩ, tức là thế nào và dưới hình thức nào, luật riêng và giám mục giáo phận có thể xác định điều đó, và có thể trao cho hội này những sứ vụ khác. Hội này gồm những linh mục đặc sắc về giáo lý và đời sống gương mầu. Những linh mục không phải là kinh sĩ cũng có thể làm việc với hội này, cho nên, trong tương lai, người ta có thể hy vọng mỗi nhà thờ chính tòa sẽ trở thành một trung tâm hướng dẫn công việc mục vụ của giáo phận.

– Thành lập, sửa đổi hay bãi bỏ hội kinh sĩ nhà thờ chính tòa dành riêng cho Tông tòa (đ 504).

* Giải thích :

Vì hội kinh sĩ tỏ ra thiếu sức sống và ngày nay nhiều người đã nghĩ rằng hội này không còn lý do tồn tại, cho nên có cám dỗ muốn dẹp bỏ, Tông tòa dành lại cho mình làm việc này. Hội kinh sĩ nhà thờ hiệp đoàn không bị gồm trong điều luật này.

2. Qui chế

– Mỗi hội kinh sĩ phải có qui chế riêng, được thiết lập do một văn kiện hợp pháp của hội và được giám mục phê chuẩn. Không được sửa đổi hay bãi bỏ nếu không có sự đồng ý của giám mục (đ 505).

– Qui chế ấn định : việc thành lập, số các kinh sĩ, xác định những gì hội kinh sĩ và mỗi kinh sĩ phải làm, quyết định các buổi họp, ấn định các điều kiện cần thiết để các công việc được thành sự và hợp pháp (đ 506 §1).

– Ấn định thù lao và các huy hiệu của kinh sĩ theo luật lệ của Tòa thánh (đ 506 §2) .

3. Các chức vụ

Phải có một kinh sĩ đứng đầu, tức là vị chủ tịch .

– Chủ tọa kinh hội (tức là các phiên họp của hội), các chức vụ khác cũng phải được thiết lập theo qui chế (đ 507 §1).

– Có thể trao những chức vụ khác cho giáo sĩ không thuộc hội kinh sĩ (đ 507 §2).

– Kinh sĩ xá giải có thường quyền tha ở tòa bí tích các vạ tiền kết chưa tuyên bố và không dành riêng cho Tông tòa.
Trong giáo phận thì tha cho cả những người ngoại cư, còn đối với người thuộc giáo phận thì có quyền tha khi họ ở ngoài giáo phận. Quyền trên không thể ủy cho người khác (đ 508 §1).

– Chức vụ này được coi là rất quan trọng, vì ở đâu không có hội kinh sĩ, giám mục phải đặt một linh mục để chu toàn phận vụ này (đ 508 §2). Có thể gọi ngài là “vị xá giải giáo phận”, chuyên lo những chuyện liên quan đến tòa giải tội.

4. Bổ nhiệm

– Giám mục, chứ không phải giám quản giáo phận, có quyền bổ nhiệm tất cả và mỗi chức vụ của hội kinh sĩ. Giám mục chuẩn nhận người được hội kinh sĩ bầu làm chủ tịch (đ 509 §1).

– Giám mục chỉ phong chức kinh sĩ cho linh mục xuất sắc về đạo lý, đời sống liêm khiết, và có công trong khi thi hành tác vụ (đ 509 §2). Mọi vấn đề liên quan đến hội kinh sĩ đều nằm trong tay giám mục, bất cứ giải thích nào khác đều trái với tinh thần của Giáo luật.

5. Hội kinh sĩ và giáo xứ

Các giáo xứ không được kết hợp với hội kinh sĩ nữa. Giáo xứ nào đang kết hợp như thế, sẽ được giám mục tách ra (đ 510 §1).

Như thế không có nghĩa là linh mục chính xứ không thể là thành phần của hội kinh sĩ. Điều luật sau đây giải thích điều đó. 

– Trong một nhà thờ vừa thuộc giáo xứ vứa thuộc hội kinh sĩ, linh mục chính xứ sẽ được chỉ định trong số những thành viên của hội kinh sĩ hoặc ở ngoài hội kinh sĩ. Linh mục chính xứ buộc giữ tất cả các nghĩa vụ và được hưởng các quyền lợi và các năng quyền theo luật riêng về linh mục chính xứ (đ 510 §2).

– Giám mục qui định những luật lệ rõ ràng để phối trí cách thích hợp những phận vụ mục vụ của linh mục chính xứ và những chức vụ riêng của hội kinh sĩ, đề phòng để cả hai không trở ngại cho nhau (đ 510 §3).

– Những của dâng cúng cho nhà thờ vừa thuộc hội kinh sĩ vừa thuộc giáo xứ, thì phải suy đoán là dâng cho giáo xứ, trừ khi rõ ràng là ngược lại (đ 510 §4).

IV. HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

Đây cũng là một cơ quan mới, chưa có tiền lệ trong pháp chế của Giáo hội. Công đồng Vaticanô II đã minh nhiên ước ao có cơ chế này : “Trong mỗi giáo phận, rất mong thiết lập một hội đồng mục vụ riêng do chính giám mục chủ trì và có sự tham gia của các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được đặc biệt lựa chọn. Hội đồng này có nhiệm vụ nghiên cứu những gì liên quan tới công việc mục vụ, phải xem xét và đưa ra những kết luận thực hành về vấn đề đó” (Christus Dominus, số 27).

Từ sau công đồng đến nay, chưa thấy có gì lạc quan về hội đồng này. Có lẽ người ta chưa hiểu rõ về chủ đích mục vụ thực hành của cơ quan này. Bởi vậy, nơi nhiều giáo phận vẫn chưa thành lập, còn những nơi đã thành lập thì hoạt động không tốt lắm. Công đồng Vaticanô II coi đây là một công cụ tốt được đặt vào tay giám mục giáo phận. Vậy phải nghiên cứu nghiêm chỉnh xem tại đâu hội đồng này đã không mang lại kết quả mong muốn, và tất cả mọi người phải cùng nhau nỗ lực suy nghĩ để hội đồng này mang lại những hiệu quả tốt đẹp.

Các điều luật này chỉ bàn về hội đồng mục vụ cấp giáo phận. Chúng tôi nghĩ cần thiết phải bắt đầu từ gốc, từ nền móng, bằng cách trước hết hãy thành lập những hội đồng mục vụ cấp giáo xứ, rồi mới nghĩ đến các hội đồng cấp hạt, cấp miền, và hội đồng mục vụ giáo phận sẽ là đỉnh cao của các hội đồng này. Không có gì cấm ta làm như thế.

1. Thành lập và mục đích

Trong mỗi giáo phận, tùy theo hoàn cảnh mục vụ, hãy thành lập một hội đồng mục vụ dưới quyền giám mục, để nghiên cứu những gì liên quan đến hoạt động mục vụ trong giáo phận, xem xét rồi đưa ra những kết luận thực hành về vấn đề đó (đ 511).

* Giải thích :

Việc thành lập hội đồng mục vụ không buộc như hội đồng linh mục và chủ đích của nó cũng khác : hội đồng này không lập ra để giúp giám mục trong việc lãnh đạo giáo phận nhưng trong việc mục vụ, thẩm quyền của hội đồng này chỉ giới hạn trong các vấn đề mục vụ của giáo phận, chứ không phải lo tới các vấn đề về đức tin, vấn đề chính thống, các nguyên tắc đạo đức và các luật chung của Giáo hội.

2. Thành phần

– Gồm các tín hữu đang hiệp thông đầy đủ với Giáo hội : giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được chỉ định theo cách thức do giám mục ấn định (đ 512 §1).

– Làm sao cho những người được chọn vào hội đồng đại diện được cho toàn thể dân Thiên Chúa trong giáo phận, phải lưu ý đến các miền khác nhau, địa vị xã hội và chức nghiệp khác nhau, cũng như xem xét đến phần đóng góp cá nhân hay tập thể của họ trong việc tông đồ (đ 512 §2).

– Phải là những người xuất sắc về đức tin vững vàng, hạnh kiểm tốt và khôn ngoan (đ 512 §3).

– Hội đồng này được thành lập cho một kỳ hạn : Nhiệm kỳ của hội đồng này có thời gian giới hạn, tốt nhất là 3 hoặc 4 năm, và cũng như hội đồng linh mục, cần đổi mới các thành viên. Qui chế do giám mục ban hành (đ 513 §1).

– Hội đồng chấm dứt khi tòa giám mục khuyết vị (đ 513 §2).

3. Việc điều hành

– Chỉ giám mục có quyền triệu tập và chủ tọa. Hội đồng chỉ có quyền tư vấn. Cũng chỉ có giám mục có quyền công bố những gì đã bàn luận (đ 514 §1).

– Hội đồng sẽ được triệu tập mỗi năm ít nhất là một lần (đ 514 §2).