Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Những Điều Kiện Và Những Ngăn Trở Của Giai Đoạn Tập Viện – Vấn Đề 54

Administrator
2018-09-23 09:55 UTC+7 35
Học Viện Đaminh   NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN *** CÁC DÒNG TU (Điều 607 – 709) *** VẤN ĐỀ 54 NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ NHỮNG NGĂN TRỞ CỦA TẬP KỲ (đ. 642-645)   A. Những điều kiện để được nhận vào Tập kỳ Để được nhận vào Tập viện, […]


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 54

NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ NHỮNG NGĂN TRỞ CỦA TẬP KỲ

(đ. 642-645)

 

A. Những điều kiện để được nhận vào Tập kỳ

Để được nhận vào Tập viện, điều 642 đòi các ứng viên phải có một vài điều kiện như sau:

Tuổi: Ít nhất là mười bảy tuổi trọn. Đây là tuổi tối thiểu, và Hiến Pháp có thể ấn định một tuổi cao hơn.

Sức khỏe: Cósức khỏe theo nghĩa là đầy đủ sức sống và có khả năng giữ chỗ đứng của mình trong một nhóm người. Lối nhìn sinh động như thế về sức khỏe sẽ bổ sung cho định nghĩa của tồ chức y tế thế giới (O.M.S.):“Khỏe là cảm thấy khoan khoái về thể lý, tâm thần, luân lý và xã hội”. Mức độ sức khỏe sẽ tùy thuộc vào sự đòi hỏi của các Hội Dòng: một vài Hội Dòng chấp nhận cả những người yếu ớt hoặc bị khuyết tật.

Tính tình: Đó là những yếu tố làm nên nhân cách của một con người.

Sự trưởng thành: Thật khó xác định điều kiện này. Có thể tạm nói như thế này: đương sự có khả năng theo đuổi tiến trình trưởng thành, nhờ thái độ cởi mở, có tinh thần trách nhiệm, có khả năng đón nhận các biến cố như là nhân tố cho sự tăng trưởng.

Ba dữ kiện trên đây (sức khỏe, tính tình, mức trựởng thành), phải được kiểm chứng trong thời kỳ chuẩn bị vào Nhà Tập. Trong công cuộc kiểm chứng, có thể nhờ đến các nhà chuyên môn. Tuy nhiên điều 220 nhắc lại quyền của mọi tín hữu được bảo vệ tính riêng tư của mình; vì thế cần phải có sự ưng thuận của các ứng viên thì mới được tiến hành các trắc nghiệm tâm lý.

Những nhà chuyên môn được hiểu là những người được công nhận là có uy tín trong lãnh vực của mình (bác sĩ, tâm lý gia). Không nên luôn luôn cứ tham khảo một người.

Điều 642 nhấn mạnh trách nhiệm của các Bề trên. Việc nhận một ứng viên là điều quan trọng lớn đối với tương lai của Tu Hội.

Những điều kiện nêu trên đây giúp cho ứng viên có đủ khả năng đảm nhận cuộc sống trong Dòng; bởi vậy các Dòng có thể đặt ra những điều kiện khác nữa, tuỳ theo những đòi hỏi riêng của mình.

B. Những ngăn trở đối với việc thâu nhận vào Tập kỳ

Khi đặt ra những ngăn trở, Giáo Luật muốn bảo vệ nếp sống tu trì mà đương sự muốn gia nhập. Ngăn trở là quy định của Giáo Luật khiến cho một người không đủ tư cách để thực hiện cách hữu hiệu một hành vi.

Thẩm quyền miễn chuẩn các ngăn trở là Tòa Thánh đối với các Dòng Giáo Hoàng, và Giám mục Giáo phận đối với các Dòng Giáo phận.

Điều 643 nêu ra 5 ngăn trở:

a/. Chưa đủ mười bảy tuổi.

b/. Đang vướng mắc dây hôn nhân. Cần phải có sự miễn chuẩn của giáo quyền thì mới được nhận một người đã ly thân hoặc ly hôn.

c/. Đang bị ràng buộc trong một Hội Dòng, Tu Hội hoặc Tu Đoàn Tông Đồ, ngoại trừ trường hợp chuyển Dòng.[1] Bộ luật hiện hành không còn coi sự kiện đã từng là thành viên của một Hội Dòng(Tu Hội hoặc Tu Đoàn Tông Đồ) như là một ngăn trở.

d/. Những điều kiện hạn chế sự tự do của ứng viên hoặc của vị Bề trên tiếp nhận. Đó là: vũ lực, sức mạnh bên ngoài không thể cưỡng lại được; sợ hãi trầm trọng, do một nguyên nhân ngoại tại, nghĩa là một nguyên nhân tự do ở bên ngoài chủ thể; lường gạt, mưu kế để buộc ai hành động trái ngược ý muốn của mình, hoặc bằng sự im lặng hoặc sự gian dối trá. Đó là những vi phạm nghiêm trọng đến quyền của mỗi người dược tự do lựa chọn bậc sống của mình (đ. 219).

e/. Giấu diếm sự kiện mình đã tuyên khấn trong một Hội Dòng thánh hiến, hoặc đã được kết nạp vào một Tu Đoàn Tông Đồ. Để gọi là giấu diếm thì cần phải đặt câu hỏi (hoặc bằng miệng hoặc bằng giấy tờ). Ứng viên không buộc phải biết rằng mình buộc phải thông tri sự kiện. Sự che giấu được suy đoán vì lý do ứng viên không muốn cho người ta bắt liên lạc với Tu Hội trước kia của mình. Nên nhớ rằng sự kiện được thu nhận vào một Tu Hội (nghĩa là đã vào nhà Tập hoặc đã qua thời gian thử) không tạo ra một ngăn trở gây ra sự vô hiệu cho sự thu nhận vào Hội Dòng mới.

Tuy không đặt ra những khoản vô hiệu hóa, điều 644 ấn định rằng: “Các Bề trên không được thu nhận làm Tập sinh những giáo sĩ Giáo phận, khi chưa tham khảo ý kiến của Đấng bản quyền của các giáo sĩ đó, cũng như không được thu nhận những người mang nợ nần không trả nổi”.

Các giáo sĩ Giáo phận là những phó tế hoặc các linh mục đã lãnh nhận các chức thánh trong các Giáo Hội địa phương (Giáo phận hoặc đơn vị tương đương nói ở điều 368). Đấng bản quyền của giáo sĩ là Đấng bản quyền của Giáo Hội địa phương, nơi giáo sĩ đó nhập tịch (đ. 134).

Hỏi ý kiến Đấng bản quyền của giáo sĩ là điều chính đáng và hợp lý, bởi vì ngài hiểu biết vấn đề. Đàng khác, nếu giáo sĩ này không tiếp tục đời tu thì sẽ phải trở lại Giáo phận gốc (đ. 268 §2). Đấng bản quyền không được chống đối việc một giáo sĩ xin gia nhập một Hội Dòng; tuy nhiên, vì những lý do mục vụ, có thể yêu cầu giáo sĩ đó hãy kiên tâm chờ đợi một thời gian, và tìm cách hòa giải hai yêu sách này trong tinh thần hiệp thông.

Về việc nhận những nguời mắc nợ mà không trả được, thì cần phải cân nhắc những thiệt hại có thể gây ra cho Dòng.

Điều 645 kê ra một vài đòi hỏi mà Bề trên phải nắm chắc để kiểm chứng ứng sinh các ứng viên có đủ những đức tính cần thiết và không mắc những ngăn trở.

– § 1. Trước khi được nhận vào năm tập, các ứng viên phải nộp giấy chứng nhận Rửa tội, Thêm sức cũng như chứng nhận tình trạng thong dong.

– §2. Nếu ứng viên là giáo sĩ, hoặc đã được nhận vào một Hội Dòng thánh hiến, hay Tu Đoàn Tông Đồ, hoặc là một chủng viện, thì tùy trường họp, còn phải có chứng thư của Đấng bản quyền sở tại, hoặc của Bề trên cao cấp của Hội Dòng, Tu Đoàn hay của giám đốc chủng viện.

– §3. Luật riêng còn có thể đòi hỏi thêm những chứng thư khác chứng minh khả năng của ứng viên, và không vướng mắc các ngăn trở.

– §4. Nếu thấy là cần thiết, các Bề trên còn có thể đòi thêm những thông tin khác, cho dù phải giữ kín.

 

 


[1]Xem thêm vấn đề 91.