Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 88
NHỮNG HÀNH VI QUẢN LÝ THÔNG THƯỜNG VÀ NGOẠI THƯỜNG
(đ. 638 §1 và 2)
Trong khuôn khổ của luật phổ quát, luật riêng phải xác định những hành vi nào vượt quá giới hạn và thể thức của việc quản lý thông thường, và ấn định những điều kiện cần thiết để có thể thực thi cách thành hiệu những hành vi quản lý ngoại thường.
Những việc chi tiêu và những hành vi quản lý thông thường có thể được thực thi cách thành hiệu bởi các bề trên và những viên chức khác theo luật riêng chỉ định, trong giới hạn chức vụ của mình.Quản lý ngoại thường gồm những hành vi mà chỉ duy Bề trên có thẩm quyền có quyền thực hiện: vị quản lý không có quyền này. Nói cách khác, vị quản lý không thể thực hiện cách thành hiệu bất cứ hành vi nào thuộc lãnh vực quản lý ngoại thường. Quản lý chỉ có thể làm khi có uỷ quyền và phép minh nhiên của Bề trên.
Để thực hiện một hành vi quản lý ngoại thường, hoặc để cho phép vị quản lý thực hiện nhân danh mình, Bề trên thường cần phải có phiếu quyết nghị hoặc tư vấn của hội đồng cố vấn. Luật riêng phải liệt kê những hành vi quản lý ngoại thường nào cần có phiếu quyết nghị, những hành vi nào chỉ cần phiếu tư vấn, và những hành vi nào không cần hỏi ý của hội đồng cố vấn.
1/. Điều 638 yêu cầu mỗi Hội Dòng phải liệt kê trong luật riêng của mình những hành vi thuộc lãnh vực quản lý ngoại thường. Vì thế, danh mục những hành vi thay đổi tùy theo mỗi Hội Dòng, chứ không có một bản liệt kê cố định. Tuy nhiên, có một số hành vi tự bản chất thuộc về việc quản lý ngoại thường. Đó là:
– Tất cả các việc chuyển nhượng tài sản.[1]
– Tất cả các hành vi mà Bề trên không thể thực hiện nếu không có phép Đức Giám Mục giáo phận, hoặc phép của Tòa Thánh.
– Tất cả các việc thủ đắc bất động sản, các việc xây cất, cho thuê mướn những nhà đất của Dòng, cho phép một cộng đoàn thuê một nhà hoặc căn hộ để làm chỗ trọ.
2/. Đối với một vài Hội Dòng, các hành vi sau đây cũng được kể vào loại quản lý ngoại lệ.
– Những sự chỉnh trang, những sửa chữa hoặc sửa sang bất động sản, thường được coi như thuộc về quyền của sở hữu chủ.
– Tất cả những việc chi tiêu vượt quá mức do luật riêng ấn định.
– Những vụ đầu tư tiền bạc dài hạn, mua bán các cổ phần,…
3/. Các hành vi quản lý thông thường tượng trưng cho lãnh vực hoạt động của vị quản lý, theo giới hạn do luật riêng đặt ra. Vị quản lý không cần xin phép để thực thi những công việc quản lý thông thường lệ. Nói như thế không có nghĩa là vị này tự do thao túng! Thực vậy:
– Vào các thời hạn nhất định và theo thể thức luật định, vị quản lý phải tường trình việc quản lý cho Bề trên của mình (điều 636 §2).
– Sự hiện hữu của vị quản lý không làm cho Bề trên mất quyền quản lý thông thường: ngài có thể đích thân làm tất cả những việc ấy mà không cần báo trước cho vị quản lý. Dĩ nhiên, ai cũng thấy rằng nếu Bề trên thi hành thường xuyên những công việc của vị quản lý, thì tình hình sẽ căng thẳng. Sự khôn ngoan và lòng tôn trọng người khác cho thấy rằng Bề trên chỉ nên thi hành việc quản lý thông thường cách họa hoằn, để bổ khuyết những thiếu sót của vị quản lý.
Không thể nào liệt kê tất cả những hành vi quản lý thông thường bởi vì quá nhiều. Đó là việc quản lý thường xuyên và hằng ngày. Có thể phát biểu thành nguyên tắc như sau: tất cả những gì không nằm trong danh sách quản lý ngoại thường đều được coi là lãnh vực quản lý thông thường. Bởi vậy, điều 638 §1 chỉ đòi liệt kê những hành vi quản lý ngoại thường; ngoại trừ các hành vi ấy, phần còn lại thuộc về công việc quản lý thông thường.
[1]Xem thêm vấn đề 89.