Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 72
QUYỀN BÍNH TRONG NỘI BỘ CÁC DÒNG
NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT
(đ. 586; 596)
Để phục vụ cho các Hội Dòng và nội bộ của mình, nhà chức trách thi hành một thứ quyền bính riêng, “được ấn định bởi luật phổ quát và bởi Hiến Pháp” (đ. 596 §l). Quyền bính này khác với quyền cai quản của Giáo Hội, bởi vì đ. 596 §2 tuyên bố rằng, hơn nữa các Dòng giáo sĩ thuộc quyền Giáo Hoàng còn được hưởng quyền cai quản của Giáo quyền. Để nói lên sự khác biệt này, trước kia người ta gọi quyền bính nội bộ trong các Dòng tu là “quyền quản gia” (pouvoir dominatif). Thuật ngữ này đã bị Ủy ban tu chính Bộ Giáo Luật coi là lỗi thời.
Bộ Giáo Luật mới 1983 không bày tỏ lập trường về bản chất của quyền bính này, nhưng những tuyên bố và xác định khác nhau của luật pháp cho ta thấy khá rõ vị trí của quyền bính này. Thật vậy, điều mà Sắc lệnh Christus Dominus[1] gọi là “trật tự nội bộ của các Hội Dòng”, và Huấn thị Mutuae Relationes[2] nhìn nhận là một lãnh vực riêng, thì được gắn liền với một nền tự trị chính đáng của các Hội Dòng mà Giáo Luật đề cập ở đ. 586:[3] các Bản quyền địa phương (đ. 586 §2) cũng như Tòa Thánh (đ. 593) phải bảo vệ cho quyền tự trị này. Sự tự trị này không thuần túy do giáo quyền ban cấp cho các Hội Dòng, nhưng phát sinh từ tính chất đặc sủng của đời sống tu trì, là một hồng ân mà Giáo Hội đón nhận. Khi phê chuẩn một Hội Dòng, Giáo Hội thừa nhận uy quyền cần thiết cho Hội Dòng để được hội nhập vào cộng đồng Giáo Hội, cấp cho Dòng được tính cách pháp nhân công. Đó là ý nghĩa của điều được nói trong Bộ Giáo Luật: Bề trên “đã lãnh nhận quyền hành của mình từ nơi Thiên Chúa, qua thừa tác vụ của Giáo Hội” (đ. 618). Lời khẳng định này nên được đặt bên cạnh một lời khác của: “Quyền bính của các vị Bề trên xuất phát từ Thần khí Chúa, trong sự liên kết với hàng giáo phẩm đã thiết lập Hội Dòng theo Giáo Luật và đã chính thức phê chuẩn sứ mạng riêng của Hội Dòng”.[4]Quyền hành nội bộ nhằm phục vụ “gia sản” của Hội Dòng (đ. 586), gồm bởi ý định nguyên thủy của đấng sáng lập và những truyền thống lành mạnh (đ. 586 §l). Quyền này được hành sử đối với các thành viên và những pháp nhân của Hội Dòng (đ. 622). Điều 596 §3 tuyên bố rằng, một số quy định của giáo luật về quyền cai quản cũng được áp dụng cho quyền bính trong các Hội Dòng: các điều 131; 133; 137- 144 liên quan đến quyền “thông thường” và quyền “thừa ủy”, cũng như sự “bổ khuyết” (suppplet Ecclesia) trong trường hợp lầm lẫn chung, hoặc hồ nghi tích cực và hữu lý.
Xét vì quyền này được hành sử trong Giáo Hội và cho Giáo Hội, cho nên dĩ nhiên cũng mang vài đặc tính dành cho quyền cai quản của Giáo Hội. Điều này có thể nhận thấy nơi các Hội Dòng không phải là giáo sĩ. Trong các Dòng giáo sĩ thuộc quyền Giáo Hoàng, ngoài quyền hành riêng trong Dòng, các Bề trên còn được cấp “quyền cai quản của Giáo Hội ở tòa ngoài cũng như ở tòa trong” (đ. 596 §2). Các Bề trên Cao Cấp của các Dòng này mang danh hiệu “Bản quyền” và được hưởng những quyền hành của các Bản quyền, ngoại trừ những gì dành riêng Bản quyền địa phương.[5]
Theo điều 596 §2, quyền hành nội bộ trong các Hội Dòng thuộc về các Bề trên và các Tu Nghị. Thực vậy, có hai hình thức cai trị như sẽ được trình bày chi tiết nơi các vấn đề kế tiếp. Như vậy, Hội Dòng cũng như các Tỉnh Dòng và tu viện thường được cai quản bởi một cá nhân, với sự cộng tác của các Hội Đồng Cố Vấn. Tuy nhiên thẩm quyền tối cao của Hội Dòng lại được thi hành cách tập đoàn, và được biểu lộ nơi Tổng Tu Nghị. Ở các cấp khác cũng có thể có những Tu Nghị.
[1] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus, số 35,3.
[2]Bộ Tu Sĩ và Bộ Giám Mục, Huấn thị Mutuae Relationes (Mối tương quan giữa các Giám mục và Tu sĩ), Ngày 14-05-1978, số 13.
[3]Xem thêm vấn đề 6.
[4]Bộ Tu Sĩ và Bộ Giám Mục, Huấn thị Mutuae Relationes (Mối tương quan giữa các Giám mục và Tu sĩ), Ngày 14-05-1978, số 13.
[5]Xem thêm vấn đề 65, về “Sự Miễn Trừ”.