Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thành Lập Một Nhà Của Dòng – Vấn Đề 25

Administrator
2018-09-23 09:52 UTC+7 33
Học Viện Đaminh   NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN *** CÁC DÒNG TU (Điều 607 – 709) *** VẤN ĐỀ 25 THÀNH LẬP MỘT NHÀ CỦA DÒNG (đ. 608, 609 §1, 610, 611 §1 và 2)   Cộng đoàn tu sĩ phải cư ngụ tại một nhà đã được thành […]


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 25

THÀNH LẬP MỘT NHÀ CỦA DÒNG

(đ. 608, 609 §1, 610, 611 §1 và 2)

 

Cộng đoàn tu sĩ phải cư ngụ tại một nhà đã được thành lập cách hợp lệ. Ở đây, “cộng đoàn tu sĩ” ám chỉ một nhóm người tạo thành một cộng đoàn; “nhà” ám chỉ nơi ở của nhóm người đó. Chữ “nhà” của điều 608 (tiếng Latin là domus) không tất nhiên có nghĩa là một ngôi nhà riêng biệt, có bốn bức tường và mái nhà; một căn hộ, hoặc một túp lều bằng cây, cũng có thể là “nhà” theo điều 608.

Điều muốn nói ở đây là nghĩa vụ phải sống chung với nhau. Không thể có cộng đoàn tu sĩ, nếu không sống chung.

Luật không cấm ba tu sĩ sống riêng từng người vì những lý do chính đáng,[1] và thường xuyên gặp nhau để họp thành một nhóm huynh đệ; nhưng nhóm ấy không thể được gọi là cộng đoàn theo Giáo Luật.

Cũng vậy, Giáo Luật không cấm một tu sĩ sống một mình, nhưng được liên kết với một cộng đoàn ở trong một nhà đã được thành lập cách hợp lệ, miễn là tu sĩ đó thường xuyên trở lại Nhà Dòng đó.

Sau cùng, chúng tôi nghĩ rằng, Giáo Luật không cấm việc coi ba tu sĩ sống chung với nhau trong một nhà đã được thành lập cách hợp lệ, cộng thêm bốn tu sĩ khác sống chung trong một nhà cũng được thành lập hợp lệ, cả hai nhóm họp thành một cộng đoàn duy nhất gồm bảy tu sĩ. Trong trường hợp này, một cộng đoàn được phân phối trong hai nhà khác nhau, và khác với trường hợp hai cộng đoàn kế cận nhau, đặt dưới quyền một vị Bề trên nhà duy nhất.[2]

Để được coi là “được thành lập hợp lệ”, một Nhà Dòng phải được thiết lập bởi cơ quan có thẩm quyền trong Dòng, chiếu theo Hiến Pháp, và sau khi được phép bằng văn bản của Đức Giám mục Giáo phận.

Hiến Pháp phải xác định cơ quan nào có thẩm quyền trong Dòng để thành lập một nhà: Bề Trên Tổng Quyền, Giám Tỉnh, Tổng Tu Nghị hoặc Tu Nghị của Tỉnh Dòng?

Nhà lập pháp đã cố ý đòi hỏi rằng, từ nay cần phải có phép bằng văn thư của Giám mục Giáo phận, để nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự việc này, và cũng để tránh những sự hiểu lầm và những sự tranh cãi sau này. Thông tri cho Đức Giám mục sau khi đã thành lập nhà là điều không phù hợp với Giáo Luật, bởi vì bản văn đã nói rõ là: “sau khi đã được phép bằng văn bản của Đức Giám mục Giáo phận”. Vì thế, chỉ được phép tiến hành thủ tục tổ chức nhà mới sau khi đã nhận được văn thư có chữ ký của Đức Giám mục hoặc vị Đại diện của ngài.

Cần phải có phép Giám mục để lập một nhà chỉ gồm có hai tu sĩ không? Theo những gì đã được trình bày trên đây,[3] thì phải thưa rằng cần có phép, bởi vì sự hiện diện của một Nhà Dòng dù lớn nhỏ thế nào chăng nữa đều có liên quan đến Giáo Hội.

Trước khi thành lập một nhà, cần phải xét xem nhà đó có ích lợi cho Giáo Hội và cho Hội Dòng không; cũng như bảo đảm những gì cần thiết để các tu sĩ ở đó có thể sống đời tu xứng đáng, phù hợp với mục tiêu và tinh thần của Dòng.

Cũng cần phải xét đến khía cạnh kinh tế của cơ sở mới: nếu thấy rằng không thể chu cấp tương xứng cho những nhu cầu của các thành viên, thì đừng lập nhà mới. Tuy nhiên, thật là sai lầm nếu nghĩ rằng điều 610 §2 có ý nói rằng, mỗi Nhà Dòng “phải tự túc”, như người ta thường hiểu. Tất nhiên, điều nên ước ao là nhà mới có đủ lợi tức để nuôi sống các thành viên của mình; nhưng nếu điều này chưa thể thực hiện được, thì tình liên đới giữa các nhà của một Tỉnh Dòng hoặc của Hội Dòng, có thể là một bảo đảm cho cuộc sống của các tu sĩ theo những đòi hỏi của Giáo Luật.

Sự ưng thuận của Đức Giám mục cho lập một nhà mới bao hàm những quyền lợi sau đây dành cho các tu sĩ:

– Được sống theo đặc tính và mục đích riêng của Dòng (hoặc Hội Dòng hay Tu Hội);

– Thi hành những công tác riêng của Dòng (hoặc Hội Dòng hay Tu Hội) hợp với quy tắc của luật, tuy vẫn phải tôn trọng những điều kiện được đặt ra trong sự ưng thuận.

Cụm từ “hợp với quy tắc của luật” trên đây quy chiếu về các điều 678 và 680-683, liên quan đến sự lệ thuộc của các tu sĩ vào Đức Giám mục Giáo phận trong hoạt động tông đồ.[4]

Cụm từ “tuy phải tôn trọng những điều kiện được đặt ra trong sự ưng thuận” có thể hiểu rằng, Đức Giám mục có thể cho phép mở một nhà mới theo ba hình thức khác nhau:

1/. Cho phép Dòng (hoặc Hội Dòng hay Tu Hội) được thi hành tất cả các hoạt động tông đồ phù hợp với mục đích riêng của Dòng (hoặc Hội Dòng hay Tu Hội), không có một khoản trừ nào hết.

2/. Cho phép Dòng (hoặc Hội Dòng hay Tu Hội) được thi hành tất cả các hoạt động tông đồ riêng của mình, ngoại trừ một hoặc nhiều hoạt động đã được nêu rõ trong văn thư.

3/. Đức Giám mục chỉ cho phép Dòng (hoặc Hội Dòng hay Tu Hội) được thi hành một hoạt động tông đồ nào đó tại nhà mới, và loại trừ các hoạt động khác. Trong trường hợp này, các điều kiện cũng phải được xác định rõ ràng trong văn thư.

Đối với các Dòng thuộc Giáo phận, để thành lập một nhà tiên khởi của một Hội Dòng tại một Giáo phận khác, không cần phải có sự ưng thuận của Đức Giám mục nơi đặt nhà chính (khác với Bộ Giáo Luật cũ, điều 495 §l).

Bộ Giáo Luật hiện hành cũng không lấy lại sự phân biệt giữa những nhà đã hình thành (domus formata) và những nhà chưa hình thành (domus non formata) trong luật cũ (đ. 488 §5). Quyết định này thật hợp lý, bởi vì trước đây một số Hội Dòng đã dựa vào khoản này để khẳng định rằng, những cộng đoàn nhỏ (“những nhà chưa hình thành”) không cần phải có Bề trên nhà. Lập luận ấy chẳng có cơ sở pháp lý nào trong Bộ Luật cũ 1917.

 

 


[1]Xem vấn đề số 36.

[2]Xem vấn đề 77.

[3]Xem vấn đề 17.

[4]Xem các vấn đề 46 và 50.