Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 64
TÒA THÁNH
(đ. 692)
Từ ngữ “Tòa Thánh” (hoặc “Tông Tòa”: “Sedes apostolica”) không chỉ hiểu về Đức Giáo Hoàng mà thôi, nhưng còn ám chỉ các cơ quan của giáo triều trợ giúp ngài trong các vấn đề liên quan đến việc cai quản thông thường toàn thể Giáo Hội (đ. 361).
Các Bộ thường có liên quan đến các Dòng Tu là: “Bộ Về Các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến Và Tu Đoàn Tông Đồ” (gọi tắt là “Bộ Tu Sĩ”), “Bộ Loan Báo Tin Mừng”, “Bộ Các Giáo Hội Đông Phương”, “Bộ Giáo Dục”. Thẩm quyền của các Bộ này được ấn định do Tông hiến Pastor bonus của Đức Gioan Phaolô II ngày 28 tháng 6 năm 1988. Vài Bộ khác thỉnh thoảng có thể can thiệp vào các Dòng Tu là: “Bộ Giáo Lý Đức Tin”, “Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích”. Các quyết định của các Bộ có thể bị thượng cầu lên Tối cao pháp viện, ngành thứ hai.
1/. Bộ Tu Sĩ có thẩm quyền trong những vấn đề sau đây:
– Thành lập, điều hành, bãi bỏ các Hội Dòng.
– Chăm sóc việc theo đuổi chủ đích riêng của các Hội Dòng, việc cai quản, kỷ luật, việc đào tạo các phần tử, việc quản lý tài sản của các Hội Dòng.
– Chuẩn miễn luật chung.
– Cổ võ sự canh tân và thăng tiến đời sống tu trì.
– Các Hiệp Hội Bề Trên Thượng Cấp.
2/. Bộ Loan Báo Tin Mừng có thẩm quyền đối với những gì liên quan đến đời sống tu trì của các Hội Dòng và Tu Đoàn được thành lập tại lãnh thổ đặt dưới quyền tài phán của Bộ này. Trên thực tế ngày nay, Bộ này chỉ phụ trách các Tu Đoàn được thành lập với mục đích truyền giáo; còn các Hội Dòng, tuy được thành lập tại miền truyền giáo (chẳng hạn như Việt Nam) nhưng không nhằm mục tiêu truyền giáo thì được chuyển sang Bộ Tu Sĩ.
3/. Bộ Các Giáo Hội Đông Phương có trách nhiệm về các Hội Dòng theo các nghi điển Đông phương. Các Hội Dòng khác chỉ lệ thuộc Bộ này đối với những hoạt động truyền giáo tại lãnh thổ thuộc các Giáo Hội Đông phương.
4/. Bộ Giáo Dục có thẩm quyền đối với các chương trình triết học và thần học, cũng như các học viện đại học.
Khi các quy định của Giáo Luật về các tu sĩ có nhắc đến Tòa Thánh thì thường hiểu về các Bộ của Giáo Triều.
A. Hiểu biết nhau để cổ võ sự hiệp thông
1/. “Để cổ võ sự hiệp thông giữa các Hội Dòng với Tòa Thánh cách hoàn hảo hơn, tất cả các Bề Trên Tổng Quyền phải gửi cho Tòa Thánh một tường trình ngắn gọn về tình trạng và đời sống Hội Dòng, theo cách thức và thời hạn do chính Tòa Thánh ấn định” (đ. 592 §l). Điều này nhắm đến tất cả các Hội Dòng Giáo Hoàng cũng như Hội Dòng Giáo phận. Trong bộ luật cũ 1917, duy chỉ các Dòng Giáo Hoàng phải thi hành điều này, và bản tường trình của các Dòng nữ còn phải mang thêm chữ ký của Bản quyền địa phương (đ. 510). Nhưng tiếp theo Sắc lệnh Cum Transactis ngày 7 tháng 7 năm 1947, hằng năm Bộ Tu Sĩ gửi cho tất cả các Hội Dòng một bản mẫu để thu thập các dữ kiện để làm thống kê.
Cứ 5 năm một lần, giống như luật buộc các Giám mục về Rôma viếng “ad limina”, các Hội Dòng phải gửi một bản tường trình chi tiết. Sự bó buộc này đã ngừng lại từ ngày 01 tháng 03 năm 1967. Sau khi ban hành Bộ Giáo Luật 1983, Bộ Tu Sĩ đã gửi cho các Bề Trên Tổng Quyền một mẫu để làm bản tường trình 6 năm một lần.[1]
2/. Các Bề trên các Hội Dòng cũng phải lo liệu “thông tin theo chiều đi xuống”, nghĩa là “cổ động cho các thành viên của Hội Dòng hiểu biết và tuân giữ các văn thư của Tòa Thánh” (§2). Điều này được áp dụng cho các Dòng Giáo Hoàng cũng như Dòng Giáo phận.
B. Những can thiệp đối với tất cả các Hội Dòng
Tòa Thánh can thiệp vào việc thành lập và sửa đổi những pháp nhân quan trọng của các Hội Dòng: thành lập và phê chuẩn một Dòng Giáo Hoàng (đ. 589), phê chuẩn bộ luật căn bản của Hội Dòng hoặc những sửa đổi (đ. 587 §2), thành lập và bãi bỏ những đan viện nữ (đ. 609 §2; 616 §4), sáp nhập hoặc thống nhất các Hội Dòng, thành lập các liên hiệp hoặc tổng liên hiệp (đ. 582), bãi bỏ một Hội Dòng (đ. 584 và 616 §2). Tòa Thánh phải được tham khảo ý kiến khi Giám mục Giáo phận muốn thành lập một Hội Dòng (đ. 579). Ngoài ra, việc di nhượng một số tài sản không thể thực hiện nếu không có phép của Tòa Thánh (đ. 642 §3). Cũng cần phải xin phép của Tòa Thánh khi một phần tử muốn chuyển từ một Hội Dòng sang một Tu Hội Đời, hoặc một Tu Đoàn Tông Đồ, và ngược lại (đ. 684 §5).
C.Những sự can thiệp đối với các Dòng Giáo Hoàng
Theo điều 589,[2] các Dòng Giáo Hoàng sẽ thuộc Tòa Thánh cách riêng. Tuy vẫn tôn trọng quyền tự trị của các Tu Hội này chiếu theo điều 586, “các Dòng Giáo Hoàng sẽ tùy thuộc trực tiếp và duy nhất vào quyền Tòa Thánh trong việc cai quản nội bộ và kỷ luật” (đ. 593).Trong Bộ Giáo Luật mới 1983, việc áp dụng nguyên tắc này xem ra chặt chẽ hơn. Vì thế, Giám mục sẽ không còn chủ tọa việc bầu Bề Trên Tổng Quyền trong các Hội Dòng Giáo Hoàng. Đối với các Dòng giáo dân, việc kinh lý của Giám mục “cả trong những vấn đề kỷ luật” cũng bị huỷ bỏ.
Duy chỉ Tòa Thánh mới có quyền chuẩn miễn các điều khoản của Hiến Pháp, cũng như của luật chung liên quan đến đời sống các Hội Dòng (như: đào tạo, quản trị,…). Trong một số trường hợp, Giám mục Giáo phận có thể sử dụng quyền hạn theo điều 87 để áp dụng cho các Dòng Giáo Hoàng. Sau cùng, trong việc thay đổi quy chế nhân thân, thường cũng cần phải thượng cầu lên Tòa Thánh: phép ngoại vi trên ba năm hoặc ngoại vi cưỡng bách (đ. 686 §l và §3), tháo lời khấn vĩnh viễn (đ. 691 §l), trục xuất phần tử (đ. 703).
[1]Congregatio pro religiosis et institutis saecularibus, Epistulae I. Ad supremos Moderatores institutorum religiosorum et societatum vitae apostolicae. II. Ad supremos Moderatores institutorum saecularium, in: AAS 80 (1988) 104-107. Xem mẫu tiếng Việt trong: Theo Chúa Kitô,Tập II, (NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2015), tr. 477.
[2]Xem thêm vấn đề 9.