Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 37
NGOẠI VI
(đ. 686-687)
Ngoại vi là phép được ban cho một tu sĩ đã khấn trọn đời được sống ngoài Hội Dòng của mình trong một thời gian nhất định hoặc bất định, tuỳ trường hợp.
A- Nhà chức trách có thẩm quyền để cấp ban đặc ân sống ngoại vi
Bề Trên Tổng Quyền, với sự đồng ý của hội đồng cố vấn, có thể cấp đặc ân sống ngoại vi khi có lý do nghiêm trọng, nhưng không được quá ba năm.Nếu đương sự là một linh mục, cần có sự đồng ý của Bản quyền sở tại nơi tu sĩ đó sẽ cư ngụ.
Nếu đương sự là một nữ đan sĩ, thẩm quyền cấp đặc ân là Tòa Thánh.
Tòa thánh, đối với một Dòng Tòa Thánh, hoặc Giám mục Giáo phận đối với một Dòng Giáo phận, là cơ quan có thẩm quyền:– a/. Nếu đặc ân ngoại vi kéo dài trên ba năm,
– b/. Hoặc nếu Bề Trên Tổng Quyềncùng với sự đồng ý của hội đồng cố vấn, yêu cầu áp đặt chế độ ngoại vi vì những lý do nghiêm trọng tuy luôn phải giữ công bằng và bác ái.
Như vậy, sự ngoại vi có thể được ban cấp theo lời thỉnh cầu của đương sự, hoặc được áp đặt theo điều kiện vừa nói. Trường hợp ngoại vi áp đặt theo hình thức “ad nutum Sanctae Sedis” thì cần có phép của Tòa thánh thì đương sự mới được trở lại Nhà Dòng.
B- Tình trạng pháp lý của tu sĩ sống ngoại vi
Kẻ sống ngoại vi vẫn là tu sĩ và vẫn buộc phải giữ các lời khấn và các nghĩa vụ của việc tuyên khấn của mình, trừ những điều không thích hợp với những điều kiện sinh sống mới của mình.
Tu sĩ vẫn thuộc quyền các Bề trên của mình, và được phó thác cho các ngài coi sóc, cũng như phải phục quyền Bản quyền sở tại nếu là giáo sĩ.
Tu sĩ có thể mang áo dòng, trừ khi văn thư cấp đặc ân đã quy định cách khác.
Bao lâu còn sống ngoại vi, tu sĩ mất quyền ứng cử và bầu cử.
Tình trạng này không thể nào kéo dài vô tận, mà phải kết thúc hoặc bằng việc trở lại Nhà Dòng, hoặc hồi tục.
Tu sĩ ngoại vi có quyền trở lại đời sống tu trì bình thường trước khi hết hạn, trừ trường hợp bị áp đặt ngoại vi “ad nutum Sanctae Sedis”.