Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Tuyên Khấn Trong Các Dòng Tu – Vấn Đề 61

Administrator
2018-09-23 09:55 UTC+7 33
Học Viện Đaminh   NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN *** CÁC DÒNG TU (Điều 607 – 709) *** VẤN ĐỀ 61 VIỆC TUYÊN KHẤN TRONG DÒNG (đ. 654-658)   Tuyên khấn là một hành vi nghi thức diễn ra vào một lúc có thể xác định được, để đánh dấu […]


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 61

VIỆC TUYÊN KHẤN TRONG DÒNG

(đ. 654-658)

 

Tuyên khấn là một hành vi nghi thức diễn ra vào một lúc có thể xác định được, để đánh dấu việc bước vào một tình trạng mới.

Vì thế tuyên khấn là:

– Một sự chuẩn nhận công khai (được cử hành trong một nghi lễ).

– Trong Giáo Hội: Bí tích Rửa Tội nhận được một danh hiệu mới; cũng thế, “Tuyên khấn… là một sự thánh hiến đặc biệt, bén rễ sâu trong sự thánh hiến của phép Rửa tội, đồng thời biểu lộ nó cách trọn hảo hơn” bằng việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm.[1]

– Nhờ Giáo Hội, việc tuyên khấn Dòng trở thành sự thánh hiến, “Đó là sự thánh hiến của anh chị em, được thực hiện trong Giáo Hội và nhờ thừa tác vụ của Giáo Hội”).[2]

– Và đương sự được gia nhập vào Hội Dòng, và hưởng tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ của một thành viên của Dòng.

A. Những điều kiện chung

Để việc khấn Dòng được thành hiệu, phải có những điều sau kiện sau:

– Đương sự phải ít nhất 18 tuổi.

– Đã trải qua tập kỳ thành hiệu (c. 648).

– Được chấp nhận cho khấn bởi Bề trên có thẩm quyền, với phiếu thuận của Hội đồng cố vấn.

– Sự tuyên khấn phải được phát biểu minh nhiên, và không bị ảnh hưởng của vũ lực, sợ hãi hoặc lường gạt (ở đây có một điểm tương đồng với sự thành hiệu của hôn nhân). Dĩ nhiên Giáo Hội phải kiểm chứng đương sự có đầy đủ khả năng pháp lý về lý trí và ý chí.

– Việc tuyên khấn được tiếp nhận bởi Bề trên hợp lệ chiếu theo Hiến Pháp, hoặc đích thân hoặc ủy cho một vị khác.

B. Khấn Tạm

Việc khấn tạm diễn ra sau khi kết thúc tập kỳ (đ. 653 §2):

– Cho một thời gian nhất định (theo luật riêng của Hội Dòng), từ 3 đến 6 năm.

– Khi đáo hạn, đương sự sẽ được khấn lại nếu làm đơn xin và được chấp nhận.

– Thời gian khấn tạm có thể được kéo dài thêm, nhưng không được quá chín năm. Các điều này phải được nêu rõ trong luật riêng.

– Việc khấn trọn đời sẽ chấm dứt việc khấn tạm.

– Luật riêng sẽ ấn định những điều kiện về việc chuẩn bị khấn tạm (như nơi chốn, thời gian, các cuộc tĩnh tâm,.v.v…).

C. Khấn Trọn Đời

Tu sĩ phải làm đơn xin khấn, và đơn có thể được chấp thuận với những điều kiện sau:

– Đã hoàn tất thời gian khấn tạm (nghĩa là ít nhất ba năm). Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi có lý do chính đáng, việc khấn trọn đời có thể được thực hiện sớm hơn, nhưng không bao giờ được sớm quá ba tháng.

– Đương sự phải có ít là hai mươi mốt tuổi chẵn (đ. 658).

Các điều kiện sau đây cũng giống như lần khấn đầu tiên:

– Được vị Bề trên có thẩm quyền chấp thuận cho khấn (đ. 656 §3).

– Lời khấn phải được phát biểu công khai (đ. 656 §4).

– Lời khấn được nhận bởi vị Bề trên có thẩm quyền (c. 656 §).

Những hậu quả của việc tuyên khấn trọn đời:

– Với hành vi này, tu sĩ đuợc gia nhập vĩnh viễn vào Hội Dòng, và được hưởng đầy đủ các quyền lợi.

– Do việc tuyên khấn trọn đời, giáo sĩ mất sự nhập tịch vào giáo phận của mình, và được nhập tịch vào Dòng.

 

 


[1]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae caritatis (Đức Ái trọn hảo), số 5.

[2]Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelica Testificatio (Chứng tá Phúc Âm), 1971, số 7.