Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 44
TUYÊN ÚY
(đ. 567)
Đấng bản quyền sở tại, trước khi bổ nhiệm linh mục tuyên úy cho một tu viện của Dòng giáo dân, cần bàn hỏi Bề trên. Bề trên, dựa theo ý kiến của cộng đoàn, có quyền đề nghị một linh mục nào đó.
Nhiệm vụ của tuyên úy là cử hành hoặc điều hành các lễ nghi phụng vụ, nhưng vị ấy không được phép can thiệp vào việc cai quản nội bộ của tu viện.
A. Bổ nhiệm
– 1/. Khi một cộng đoàn tu sĩ giáo dân cần một cha tuyên úy, thì thẩm quyền bổ nhiệm thuộc về Đấng bản quyền sở tại. Điều 565 không loại trừ những quyền lợi hợp pháp đặc biệt.– 2/. Nếu Bề trên tu viện biết một linh mục nào sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ thì có thể đề nghị vị ấy, sau khi tham khảo ý kiến của cộng đoàn.
– 3/. Nếu Bề trên Nhà Dòng không đề nghị ai hết, thì xem ra luật không buộc Bản quyền phải tham khảo ý kiến của cộng đoàn.
B. Chức năng
Công tác của cha tuyên úy là: cử hành Thánh lễ, trao Mình Thánh, chủ sự buổi chầu và ban phép lành Mình Thánh, và điều hành các lễ nghi phụng vụ khác diễn ra tại nhà thờ hay nhà nguyện tựa như lễ an táng một tu sĩ (đ. 1179).
Cha tuyên úy sẽ không có danh nghĩa gì để can thiệp vào các sinh hoạt nội bộ của Nhà Dòng, thuyên chuyển nhân sự, thay đổi cách tổ chức của Nhà Dòng, đường lối hành động của Bề trên, việc chăm sóc các bệnh nhân, các quyết định của tu nghị và ban cố vấn, hoạt động tông đồ. Các tu sĩ hãy cư xử khéo léo với vị tuyên úy, và giúp ngài đừng vượt ra ngoài quyền hạn của mình là điều hành việc phụng vụ.
Nên biết là trong bộ luật 1917, khoản cấm “đừng can thiệp vào việc cai quản nội bộ của Hội Dòng” được áp dụng cho các cha tuyên úy chứ không phải cho các cha giải tội.