Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Việc Bãi Bỏ Một Nhà Của Một Dòng – Vấn Đề 27

Administrator
2018-09-23 09:52 UTC+7 29
Học Viện Đaminh   NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN *** CÁC DÒNG TU (Điều 607 – 709) *** VẤN ĐỀ 27 BÃI BỎ MỘT NHÀ (đ. 616 §1)   Một nhà của Dòng đã được thành lập cách hợp pháp có thể bị giải tán do Bề Trên Tổng Quyền, […]


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 27

BÃI BỎ MỘT NHÀ

(đ. 616 §1)

 

Một nhà của Dòng đã được thành lập cách hợp pháp có thể bị giải tán do Bề Trên Tổng Quyền, theo quy định của Hiến Pháp, sau khi tham khảo ý kiến của Đức Giám mục Giáo phận. Luật riêng của Dòng (hoặc Hội Dòng hay Tu Hội) phải dự trù dụng ích các tài sản của nhà đã bị giải tán, nhưng phải tôn trọng ý muốn của những người sáng lập, hoặc những người dâng cúng, và những quyền lợi đã thủ đắc cách hợp lệ.

Về ý nghĩa của từ nhà, xin coi lại vấn đề 25. (Nên nhớ rằng trong Giáo Luật, nhà tương ứng với: cộng đoàn, tu viện, huynh đoàn, theo từ ngữ nội bộ của mỗi Dòng hoặc Hội Dòng hay Tu Hội).

Để bãi bỏ một nhà, không cần sự ưng thuận của Đức Giám mục Giáo phận (điều này sẽ đỡ gánh nặng cho các Hội Dòng hay Tu Hội) nhưng cần phải tham khảo ý kiến của ngài (đây là chuyện bình thường). Tuy nhiên, các Bề trên có thẩm quyền đừng để đến phút cuối cùng mới tới gặp Đức Giám mục, nhưng hãy tham khảo ý kiến của ngài trước khi quyết định về việc đóng cửa một Nhà Dòng: ý kiến của Đức Giám mục là một yếu tố quan trọng giúp cho sự phân định.

Từ nay, quyết định “dẹp bỏ” một nhà thuộc về thẩm quyền của Bề Trên Tổng Quyền: quy định này có lẽ nhằm giữ sự quân bình, xét vì luật không còn đòi hỏi phép của Đức Giám mục nữa. Như vậy, những bản Hiến Pháp của Dòng (hoặc Hội Dòng hay Tu Hội) nào trao thẩm quyền cho Bề Trên Giám Tỉnh thì trái ngược với Giáo Luật, và vì thế phải sửa lại, bất kỳ các nhà ấy lớn hay nhỏ. Cùng lắm, Hiến Pháp có thể cho Giám Tỉnh được quyền đề nghị đóng cửa một nhà, nhưng quyết định cuối cùng để duy trì hoặc dẹp bỏ thuộc về Bề Trên Tổng Quyền. Hiến Pháp nên xác định tiến trình can thiệp của Hội Đồng Cố Vấn Giám Tỉnh và Hội Đồng Cố Vấn Trung Ương trong việc này.

Luật riêng phải dự liệu sự định đoạt các tài sản của nhà bị bãi bỏ (động sản, bất động sản, giá bán của nhà và đất đai của nhà đó,…). Trong công chuyện rất tế nhị này, luật riêng có thể chỉ cần phát biểu cách tổng quát thế này: “Khi bãi bỏ một nhà, Bề Trên Tổng Quyền, với phiếu biểu quyết (hoặc tham khảo) của Hội Đồng Cố Vấn sẽ định đoạt về các tài sản của nhà đó, nhưng phải tôn trọng ý muốn của những người sáng lập hoặc những người dâng cúng, và những quyền lợi của đệ tam nhân đã thủ đắc cách hợp lệ”.

Vậy cụm từ “Tôn trọng ý muốn của những người sáng lập hoặc những người dâng cúng, và những quyền lợi của đệ tam nhân đã thủ đắc cách hợp lệ” có nghĩa là gì? Thật không thể trả lời câu hỏi này trong một mục giới thiệu tổng quát Bộ Giáo Luật. Thật vậy, cần nghiên cứu từng trường hợp: một cộng đoàn thuê một căn hộ hoặc một ngôi nhà thì khác với trường hợp Nhà Dòng sở hữu của một bất động sản quan trọng.