Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 21
VIỆC SÁT NHẬP VÀ THỐNG NHẤT,
LIÊN HIỆP VÀ LIÊN MINH CÁC DÒNG
(đ. 582)
Việc sát nhập và thống nhất các Dòng được dành riêng cho Tòa Thánh, việc thành lập các liên hiệp và liên minh cũng vậy.
A. Sát nhập
“Sát nhập” (fusio) là hình thức thông thường nhất để gộp các Dòng lại với nhau. Một Hội Dòng kết hiệp với một Hội Dòng lớn hơn. Hội Dòng chấp nhận tên gọi, Hiến Pháp và quyền cai trị của Hội Dòng lớn, và không còn hiện hữu dưới khía cạnh pháp lý, tuy không đương nhiên là các tu viện sẽ bị đóng cửa.[1]
B. Thống nhất
“Thống nhất” (unio) là hình thức gộp lại đỡ bi đát hơn là sát nhập, nhưng khó thực hiện hơn, bởi vì đòi hỏi một tiến trình lâu dài và tế nhị hơn. Thống nhất có nghĩa là hai hoặc nhiều Hội Dòng nhỏ bé hoặc trung bình, kết hợp với nhau, hòa trộn với nhau để sinh ra một Hội Dòng lớn hơn, được các Hội Dòng kia nhìn nhận như là hậu thân của mình. Nếu được tiến hành tốt đẹp, việc thống nhất tạo ra một tình trạng tích cực: một Dòng mới được thành lập, đâm rễ sâu trong truyền thống của các Hội Dòng đã phát sinh ra nó.[2]C. Liên hiệp
“Liên hiệp” (foederatio) là cách thức kết hợp giữa các Hội Dòng, khác hẳn sự sát nhập và sự thống nhất. Trong hai dạng thức này, một hoặc nhiều Hội Dòng tan biến, còn trong liên hiệp thì không có Dòng nào biến mất. Tất cả các Hội Dòng thành viên của liên hiệp vẫn giữ quyền tự trị của mình: tên gọi, Hiến Pháp, quy chế Giáo Hoàng hoặc Giáo phận của mình, ban quản trị, các tu viện, nếp sống và sự độc lập của mình.
Liên hiệp là một cơ chế cho phép thiết lập cách ổn cố những mối liên lạc đặc biệt giữa hai hoặc nhiều Hội Dòng. Liên hiệp có Hội Đồng Cố Vấn, Văn Phòng riêng, và đứng đầu liên hiệp là một Vị Chủ Tịch (chứ không phải là Bề Trên Tổng Quyền hoặc Tổng Phụ Trách) nhằm nêu bật rằng, vị này giữ quyền tinh thần hơn là pháp lý. Vai trò của Vị Chủ Tịch và của Hội Đồng Liên Hiệp là linh hoạt chứ không phải là quyết định. Các Hội Dòng được tự do trước những đề nghị này. Tuy nhiên, việc thành lập một liên hiệp cũng như việc gia nhập một liên hiệp đã có sẵn đều bao hàm một nghĩa vụ phải tạo ra một bầu khí hợp tác giữa các Hội Dòng thành viên.
Một liên hiệp có thể bao gồm nhiều Hội Dòng và những Tỉnh Dòng thuộc những Hội Dòng khác nhau. Ta cũng có thể hình dung một liên hiệp chỉ gồm toàn là các Tỉnh Dòng của các Hội Dòng khác nhau. Một liên hiệp cũng có thể gồm các Dòng Tu và các Tu Hội đời.
Trên thực tế, người ta thường gặp thấy liên hiệp của các Dòng Tu và liên hiệp các Đan viện.
D. Liên minh
“Liên minh” (confoederatio) là sự tập hợp các liên hiệp. Chúng ta có thể lấy một thí dụ nơi “Liên minh các kinh sĩ Dòng Thánh Augustino” tập hợp các kinh sĩ Dòng nam đã được liên kết thành những liên hiệp.
Tiến trình sát nhập, thống nhất, liên hiệp, liên minh thuộc thẩm quyền Tòa Thánh, với một kinh nghiệm lâu dài về thủ tục này.
* Ghi chú: Để hiểu rõ hơn những điều liên quan đến những vấn đề trên, xin xem thêm bài viết: “Thần học đời tu trong 50 năm qua” của Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
[1] Từ năm 1960 đến 2009, đã có 245 Hội Dòng tan biến sau khi sát nhập với Hội Dòng khác. Trong số này, nước Pháp dẫn đầu với hơn 50 Hội Dòng.
[2] Từ năm 1960 đến 2009, đã có 125 Hội Dòng tan biến theo thủ tục thống nhất, và nước Pháp cũng dẫn đầu với chừng 70 Hội Dòng