Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thời Bút Chiến Về Kitô Học: Thánh Cyrille D’Alexandrie (380? – 444)

Administrator
2018-09-23 08:05 UTC+7 33
GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE (THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ) Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ *** *** CHƯƠNG V THỜI BÚT CHIẾN VỀ KITÔ HỌC (431 – 750) *** PHẦN I CÁC GIÁO PHỤ ĐÔNG PHƯƠNG CUỘC ĐỐI ĐẦU GIỮA ALEXANDRIE VÀ ANTIOCHE *** ĐOẠN I THÁNH […]


GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

***

***

CHƯƠNG V

THỜI BÚT CHIẾN VỀ KITÔ HỌC

(431 – 750)

***

PHẦN I

CÁC GIÁO PHỤ ĐÔNG PHƯƠNG

CUỘC ĐỐI ĐẦU GIỮA ALEXANDRIE VÀ ANTIOCHE

***

ĐOẠN I

THÁNH CYRILLE D’ALEXANDRIE (380? – 444)

NESTORIUS VÀ CÔNG ĐỒNG EPHÈSE (431)

 

Cho tới Công Đồng chung đầu tiên, tức Công Đồng Constantinople (381), thì các cuộc tranh luận lớn về thần học thường bàn cãi hoặc về thần tính của Con Thiên Chúa, hoặc về sự toàn vẹn nhân tính trong Đức Kitô, vả lại thuyết Ario[1] làm phương hại đến cả hai khía cạnh này. Tới cuối thế kỷ IV, cùng với các nhà thần học thuộc trường phái Antioche, Diodore de Tarse, Théodore de Mopsueste và có thể kể cả Jean Chrysostome nhấn mạnh đến “nhân tính của Đức Kitô”, việc này đã khơi lên một vấn đề mới sẽ là trung tâm của thần học từ thế kỷ V tới thế kỷ VII; làm thế nào để có thể nối kết thần tính và nhân tính, hoàn hảo như nhau, trong Đức Kitô? Làm sao quan niệm và diễn tả “Người-Chúa” (L’Homme-Dieu) mà không làm mất đi một trong hai vế: vừa là ngôi vị duy nhất (unité) vừa có hai bản tính (dualité)?

Các nhà thần học Alexandrie rất có uy thế ở Công Đồng Nicée đã khai mào cuộc tranh luận. Các nhà thần học phía Antioche tất nhiên trở thành mục tiêu công kích, kể cả những vị đã chết trong bình an của Giáo Hội.

I. THÁNH CYRILLE: TRƯỚC KHI XẢY RA CUỘC XUNG ĐỘT

Vào khoảng năm 400, các phe đã thành hình, và vượt ra ngoài các địa giới. Théophile d’Alexandrie, người được Giám mục người Syrie là Sérérien de Gabbala đỡ đầu, nhưng bị Isidore, cha sở Péluse vùng châu thổ sông Nil, coi là một “người ham mê vàng bạc đá quí”, đã kết tội Jean Chrysostome người Antioche đang là Giám mục Constantinople, đẩy ngài ra khỏi Tòa Giám Mục để rồi chịu cảnh lưu đầy cho tới chết. Bên cạnh Théophile có người cháu đồng thời là thư ký, đó là Cyrille, một người đã rời sa mạc và thầy của mình là Isidore (de Péluse) để theo một trường phái mới… Sau khi Théophile qua đời, vào năm 412, Cyrille lúc đó khoảng 50 tuổi trở thành Thượng phụ Alexandrie. Sau khi nhận chức, Cyrille liền gặp phải một vài khó khăn trước quyền bính của Hoàng đế. Ngài đã phát triển điều kiện vật chất cho Giáo Hội của mình cách phi thường qua việc buôn bán ngũ cốc và bất động sản. Ngài chống lại người Do thái, bè Novatien và người ngoại giáo. Các Kitô hữu cuồng tín sống chung quanh ngài đã giết nữ toán học gia Tân Platon là Hypathie. Đang bị đoạn giao với Giáo Hội Tây Phương, năm 417 (theo sau Antioche và Constantinople), ngài bằng lòng phục hồi danh dự cho Jean Chrysostome, một người từng bị ngài coi là Giuđa, và giao hảo lại với Roma.

Từ năm 412 tới năm 428, Cyrille đã xuất bản một khối khảo luận về Kinh Thánh và giáo thuyết chiếm gần hai phần ba toàn bộ tác phẩm của ngài, và đây là một trong những khối tác phẩm phong phú nhất của Giáo Phụ học Hy lạp (10 tập của Migne). Ngài đã chú giải rất dài bộ Ngũ Kinh trong hai tác phẩm bổ túc cho nhau, chú giải Isaia và các tiên tri nhỏ. Ngài say mê các sách Tân Ước, đặc biệt là Phúc Âm Thánh Gioan. Ngài là một nhà chú giải tỏ ra tinh tế khi nghi ngờ Origène, coi tư tưởng Origène như là lạc thuyết và nghi ngờ đối với những lạm dụng của lối chú giải Alexandrie. Ngài chú ý đến chiều kích Lịch sử, nhưng đồng thời cũng trở về với lối ẩn dụ truyền thống. Các tác phẩm tín lý của ngài vào thời này cốt yếu nhằm đả kích thuyết của Ariô. Đó chính là ý hướng của tác phẩm: “Kho tàng giáo lý về Chúa Ba Ngôi chí thánh và đồng bản thể” (Trésor de la Trinité sainte et consubstantielle). Tiếp theo sau là bảy đối thoại về cùng chủ đề đó. Trong tác phẩm này, Cyrille tập hợp giáo lý về Ba Ngôi, một bản tính thần linh duy nhất trong ba ngôi vị, đã được xác định dứt khoát từ thời các Giáo Phụ xứ Cappadoce (thế kỷ IV). Giáo huấn của ngài luôn đặt trên một nền tảng bao hàm ba khía cạnh: Kinh Thánh, lý chứng của lý trí và truyền thống của Giáo Hội là điều mà ngài sẽ bảo vệ suốt cả cuộc đời.

Trên thực tế, như J. Liébaert đã cho thấy, tác phẩm “Kho tàng” chịu ảnh hưởng của thánh Athanase rất nhiều; một phần ba tác phẩm này lấy lại của Athanase. Chính sự gắn bó với vị thầy Alexandrie khả kính này giải thích lập trường thần học của Cyrille và những hệ quả trầm trọng của nó. Ngài khăng khăng dừng lại ở một Kitô học Ngôi Lời-xác phàm (Verbe chair) mà không lưu ý đền tiến triển đã có được qua cuộc chiến chống lại thuyết Apollinaire.[2] Mặc dù ngài xác quyết sự hiện hữu của linh hồn nhân loại nơi Đấng Cứu Thế, nhưng lại không lưu ý đến điều đó trong hệ thống tư tưởng của ngài. Đàng khác, ngài suy tư về Đức Kitô luôn luôn dưới khía cạnh là Ngôi Lời (Logos), Đấng mà ngài chiêm ngắm giữa lòng mầu nhiệm Ba Ngôi. Khi Ngôi Lời vĩnh cửu và bất biến trở thành xác phàm (Ga 1,14) mang thân nô lệ, thì khi đó Người chuyển qua tình trạng con người, chuyển qua thân phận con người. Theo kinh Tin Kính Nicée, Ngôi Lời trở thành xác phàm là chủ thể duy nhất của mọi hoạt động lịch sử của Đức Kitô, bao gồm cả những đặc tính và những yếu hèn của nhân tính (chuyển thông các đặc tính – communications des conditions); và do đó, Người là Đấng cứu chuộc duy nhất. Cyrille minh nhiên tránh sử dụng công thức: “Con người của Đức Kitô”. Nếu có một vài lần ngài nói: Ngôi Lời “đã mang lấy con người”, thì chữ “con người” không bao giờ được sử dụng theo nghĩa cụ thể, cá vị, như các nhà thần học Antioche vẫn hiểu trong Kitô học “Ngôi Lời – con người “ (Verbe – homme) của họ. Ngài sợ rằng, hiểu như thế sẽ tổn hại đến tính duy nhất của Đức Kitô, “Mầu nhiệm khôn tả” mà ngài vẫn nhấn mạnh. Nhiều lần trong toàn bộ tác phẩm của mình, ngài đối chiếu mầu nhiệm Nhập Thể với nhân học quan niệm theo kiểu Platon: Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm như linh hồn trở thành con người khi mang một thân xác. Cái nhìn thần bí này về Đức Kitô nếu gặp cái nhìn lịch sử và hiện thực của Antioche tất phải xảy ra đụng độ.

II. NESTORIUS

Các đan sĩ Ai cập đi tới Constantinople tố cáo các tham vọng thái quá của Cyrille, đã gặp Nestorius trên ngai Thượng Phụ giáo Chủ. Nestorius, một thời là đan sĩ ở Antioche, là một nhà giảng thuyết lừng danh. Vào năm 428 đã được Hoàng đế Théodose II yêu thích hơn Proclus de Cyzique, một người theo chủ trương “Đức Maria Mẹ Thiên Chúa”, sẽ phục thù Nestorius vào năm 434. Nestorius tỏ ra là một Giám mục khổ hạnh và đáng kính. Trong thời gian này, ông truy nã những kẻ lạc giáo còn lại, nhưng rồi trí sáng suốt của ông đã vấp phải những sai lầm cũng trong thời gian đó. Ngược lại, ông tỏ ra ngờ vực đối với những khuynh hướng muốn “hòa lẫn” hai bản tính nơi Đức Kitô, và “thần hóa” nhân tính. Phần ông, chủ trương có hai ngôi vị nơi Đức Kitô; và ngay sau đó ông đã đưa đề tài này vào các bài giảng của mình.

Tất nhiên, ông thừa nhận các hoạt động trong Đấng Emmanuel có một sự đồng qui hoàn toàn; và theo nghĩa đó, thừa nhận một ngôi vị duy nhất (prosopôn) được tỏ lộ, ngôi vị đó không bao giờ phân chia, “Đức Kitô bất khả phân chia”, Giêsu – Con Người hoàn toàn độc nhất, Đức Chúa, “là một và cùng một”, cách nào đó, là một tổng hợp hai bản tính. Tuy nhiên, theo Nestorius, thần tính và nhân tính là hai bản tính thực hữu (réelles)cụ thể (concrètes) một cách khách quan, có các đặc tính, các hoạt động luôn luôn là của riêng mỗi bản tính (không có vấn đề “chuyển thông các đặc tính” – communication des idiomes); nên nói cho cùng, người ta cũng có thể gọi là hai hypostaseis (cá vị, ngôi vị) hoặc thậm chí là hai Prosôpa (tạm dịch ngôi vị, vì lúc này chưa xác định rõ nghĩa). Giữa hai bản tính (hoặc hai Hypostaseis hay Prosôpa) có sự kết hiệp (synapheia) liên kết hay nối kết với nhau, nhưng không kết hợp cách “thể lý” [union physique = union réelle, substantielle] hay kết hợp theo ngôi vị (ngôi hiệp, union hypostatique). Đúng ra, union hypostatique, nếu hiểu theo trường phái Antioche thì có nghĩa là: hợp nhất về bản tính, vì hypostase được hiểu như chữ “physis” (natura), do đó khi Nestorius nói tới “hai hypostaseis” thì không hẳn có nghĩa là hai ngôi vị như chúng ta hiểu bây giờ, “từ hai bản tính”, vì như thế hai bản tính sẽ bị tổn hại hoặc bị trộn lẫn với nhau. Con người không bị cắt xén và Ngôi Lời Thiên Chúa không bị cưu mang trong cung lòng Đức Maria, không bị vấn tã, không bị đói, khát… Đức Trinh Nữ không chỉ là Đấng “sinh ra nhân tính” (Anthropotokos), mà còn là “Đấng sinh ra Đức Kitô”, Đức Kitô lịch sử “Người-Chúa”, chủ thể đích thực của mọi hoạt động, và là đối tượng của phượng tự hơn là Ngôi Lời. Nhưng, theo nghĩa chặt của tín lý, Đức Maria không phải là “Đấng sinh ra Thiên Chúa” (Mẹ Thiên Chúa- Theotokos). Từ ngữ Theotokos thuộc về lòng đạo đức chứ không thuộc tín điều. Đó là những gì Nestorius, vị tân Thượng phụ rao giảng.

III. CUỘC XUNG ĐỘT

Tình thế quả là rất hứa hẹn đối với Cyrille, một con người am hiểu truyền thống thần học, có lòng mộ mến Đức Maria chân thành, nhưng đồng thời là người tỏ ra ngờ vực đối với các khuynh hướng của Antioche, ganh tị với uy thế của Constantinople, và là một con người khéo xoay sở, vận động. Trước hết, trong lá thư mục vụ năm 429, tuy không nêu danh Nestorius, Cyrille nhấn mạnh rằng “con trẻ” được Đức Maria sinh ra không chỉ là con người bình thường nhưng còn là Con Thiên Chúa và vì thế Đức Maria quả là “Mẹ Thiên Chúa” (Cyrille không dùng chữ “Theotokos”ở đây). Đồng thời, ngài gửi thư cho các đan sĩ Ai cập để hướng nhiệt tâm của họ vào các vấn đề thiêng liêng, ngài nói với họ ngay từ đầu rằng: “Nếu Chúa Giêsu Kitô của chúng ta là Thiên Chúa thì Đức Trinh Nữ Maria, Người đã sinh ra Ngài lại không phải là Mẹ Thiên Chúa sao?”. Từ “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos) thực sự đã là một từ quen thuộc trong truyền thống và trong đời sống đạo đức. Alexandre d’Alexandrie đã dùng từ này ngay từ thời Công Đồng Nicée, có thể ngay cả Eustathe d’Antioche, và sau đó là Athanase, Grégoire de Nazianze cũng đã hết sức bênh vực từ ngữ này. Riêng Cyrille, nhằm làm cho học thuyết của mình được chấp nhận và để tố giác Nestorius, ngài đã khuấy động cả trời đất, mà nhất là đất. Ngài gởi ba bài trình bày thần học “Về đức tin chân thật” cho Vua Théodose II và triều đình: gởi cho Đức Giáo Hoàng Célestin I một tập tài liệu bằng tiếng La tinh, khuyến cáo Nestorius phải lo mà qui chính.

Dưới cái nhìn của Cyrille, và ngày nay người ta cũng có khuynh hướng nghĩ như thế, thì những chủ trương của Nestorius ngầm bên dưới không phải là vấn đề thuộc phạm vi thuật ngữ hay triết học. Vị Giám mục Constantinople đã giảng dạy một sự liên kết đơn thuần (simple association) giữa hai bản tính ngôi vị (natures-personnes). Nhưng nếu như thế thì cuộc khổ nạn chỉ còn là đau khổ của một con người: do đó, không còn cứu chuộc cũng chẳng có bí tích Thánh Thể. Là người nhạy bén về biện luận, Đức Giáo Hoàng Célestin I đã triệu tập Thượng Hội Đồng Roma vào tháng 8 năm 430 để kết án Nestorius và giao cho Cyrille thi hành lệnh này nếu Nestorius không phục tùng. Giám mục Alexandrie (Cyrille) tức tốc gởi cho Nestorius một bức thư mới kèm theo “12 án vạ”. Cũng trong tài liệu này (12 án vạ), Cyrille buộc Nestorius phải nhận công thức mà, do một ngụy thư, ngài tưởng lầm là của Athanase: “hiệp nhất theo ngôi vị” (union selon hypostase) và ngay cả kiểu nói “hiệp nhất theo bản tính” (union naturelle), những công thức này gợi hứng từ thuyết Apollinaire, không liên quan tới các đòi hỏi của Roma.[3] Tuy nhiên, sau đó ngài bị Théodose II chặn đứng lại. Hoàng đế lấy làm khó chịu truớc sự thái quá, thiếu thận trọng của vị Giám mục Alexandrie này, và do sức ép của cận thần, đồng thời ngay sau đó được nhiều người yêu cầu, nên vào ngày 19-11-430, ông đã quyết định triệu tập Công Đồng ở Ephèse thuộc đế quốc Đông Phương vào ngày 7-6-431, quyết định này đã được Đức Giáo Hoàng Célestin I ưng thuận ngay sau đó, để giải quyết các vấn đề còn bỏ ngỏ.

Trong thời gian này, các Giám mục vùng Đông Phương đã được thông tin về cuộc tranh cãi, Jean d’Antioche gởi cho Nestorius một lá thư đầy tình huynh đệ, và đã nhận được thư phúc đáp, trong đó Nestorius đồng ý về vấn đề: “Đức maria là Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos). Jean coi cuộc tranh luận kể như đã kết thúc. Sau đó, Jean d’Antioche lại nhận được bản “án vạ tuyệt thông” của Cyrille, và nhận thấy trong bản văn này có sự chỗi dậy của thuyết Apollinaire, rất cần phải được xem xét tại Công Đồng, đúng là gậy ông đập lưng ông. Jean d’Antioche và phần đông các Giám mục Đông Phương đã tới Éphèse ngày 26-6-431 và các vị đại diện của Đức Giáo Hoàng tới Éphèse ngày 9-7-431. Mặc dầu có sự phản đối của 68 Giám mục và của Bá tước Candidien đại diện cho Hoàng đế, ngày 22-6-431, Cyrille đã triệu tập 154 Giám mục lại kết án khiếm diện Nestorius và truất phế “tên Giuđa mới này” và không xem xét lại “12 án vạ tuyệt thông”. Khi đến Ephèse vào ngày 26-6 với sự ưng thuận của Candidien, Jean d’Antioche và khoảng 50 Giám mục lại kết án Cyrille và Memnon d’Éphèse (bạn của Cyrille), khai trừ khỏi Giáo Hội những người về phe với Cyrille và Memnon cho tới khi họ bỏ “12 án vạ”. Như thế, cả hai phe đều thi nhau lạm quyền.

Hoàng đế Théodose muốn hủy bỏ tất cả, bắt đầu lại từ đầu. Nhưng rồi các sứ giả của Đức Giáo Hoàng cũng đã tới nơi, lập tức dự họp và ngày 22-7 đã chấp nhận các quyết định của khoá họp ngày 22-6. Đa số các Nghị phụ tiếp tục thảo luận, có sự hiện diện của các vị đại diện Tòa Thánh trong tháng 7 và tháng 8. Hoàng đế Théodose một lần nữa toan nắm lại quyền chủ động các vấn đề, qua trung gian của một vị đại diện mới là bá tước Jean, Hoàng đế kết án và bắt giữ Nestorius, Cyrille và Memnon. Tuy nhiên, Cyrille vẫn tìm cách xoay sở, vận động với triều đình: Ngài dùng cả vàng bạc mua chuộc các bà hoàng.

Kết cục, chỉ còn Nestorius, Giám mục Constantinople là nạn nhân duy nhất của Công Đồng đầy biến động này. Và trên thực tế, tuy có những hành động trái phép, mưu mánh, nhưng Cyrille có chỗ dựa là Đức Giáo Hoàng và được đa số các Giám mục ủng hộ. Đức Giáo Hoàng Sixte III, người kế vị Đức Giáo Hoàng Célestin, công nhận các kết quả sau đây của Công Đồng (Ephèse 431): kết án và bãi nhiệm Nestorius – Ngôi hiệp (union hypostatique, hiệp nhất trong ngôi vị – en pesonne) – Mẫu tính thần linh của Đức Maria = Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Mặc dầu không có định tín trong Công Đồng Ephèse, nhưng từ ngày này Giáo Hội đã xem các giáo lý này là những đắc thủ chính thức của Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng Célestin, trong những giây phút cuối cùng (ngày 27-7-431) đã ao ước có một sự hòa giải. Với tâm trí cởi mở của Jean d’Antioche và thiện ý của Cyrille, cả hai đã đạt được sự đồng ý với nhau về tín lý vào mùa xuân năm 433: Jean d’Antioche chấp nhận việc kết án Nestorius và duy trì “12 án vạ tuyệt thông”, còn đối với công thức mà Cyrille đưa ra thì phải gạt bỏ mọi giải thích theo nhất tính thuyết (monophysite), và xác định rõ hai bản tính trong Đức Kitô. Sự hòa giải này tất nhiên không phải hết mọi người trong phe Antioche cũng như trong phe Alexandrie đều nhất trí. Ngọn lửa vẫn âm ỉ dưới đống tro tàn.

IV. KITÔ HỌC CỦA CYRILLE TRONG CUỘC XUNG ĐỘT

Ngoài các bài giảng, các bức thư, “12 án vạ” và những tiểu luận phát xuất từ chính cuộc xung đột và đã được nói tới, Cyrille còn soạn một loạt các tác phẩm: một khảo luận “Chống những lời phạm thượng của Nestorius”, những bài biện minh cho “các án vạ” của mình (Anathématismes), một tác phẩm bênh vực “Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa”, “Về sự Nhập Thể của Con độc nhất, về sự duy nhất của Đức Kitô” (De l’Incarnation du fils unique, De l’unité du Christ).

Trong cuộc chiến chống lại Nestorius, Cyrille đã phản ứng theo hướng thần học trước kia của mình, nhưng ngài đã có lập trường cứng rắn hơn khi đặt Kitô học lên vị trí hàng đầu. Con người mà ngay từ đầu đã là kẻ bênh vực tính duy nhất của Ngôi Lời Nhập Thể thì nay minh nhiên tố giác chủ trương nhị nguyên của đối thủ. Biến “Con người của Đức Kitô” thành một chủ thể qui thuộc (sujet d’attribution) đối diện với Ngôi Lời, thì đó là phân chia Đức Kitô, là nhìn nhận có hai người Con. Không thể nghi ngờ Cyrille theo nhất tính thuyết được (monophysisme, một bản tính độc nhất). Ngài hoàn toàn thừa nhận hai bản tính trước hiệp nhất, không biến đổi, không phân chia. Nhưng, trước khi phối hợp, nhân tính một cách nào đó chỉ có trên lý thuyết: Không có việc “một người bình thường” hiện hữu trước, biệt lập (nhân tính không được sinh ra biệt lập) nhưng nó chỉ nhận được thực tại của mình nơi sự sinh ra của Đức Giêsu, nơi “việc trở thành người của Ngôi Lời” (le devenir homme du Verbe – J. Liébaert). Hiểu trong tinh thần đó thì tính duy nhất của Đức Kitô là điều đương nhiên, và “Đức Maria Đấng sinh ra Ngôi Lời” là điều thiết yếu của hệ thống. Sau sự hiệp nhất của bản tính trong “sự duy nhất theo bản tính” (unité naturelle, unio secundum naturam) thì chỉ có “một ngôi vị nhập thể độc nhất của Ngôi Lời”. Vả lại, và các từ ngữ “bản tính” cụ thể (nature concrète, physis)“ngôi vị” (hypostase) được hiểu tương đương với nhau, nên Cyrille còn nói tới “bản tính độc nhất của Chúa Con”, “chỉ một, mặc dù Ngài đã trở thành người và xác phàm”, “bản tính nhập thể độc nhất của Ngôi Lời Thiên Chúa”. Công thức này thực ra là của thuyết Apollinaire đã được diễn đạt trong một ngụy thư đặt dưới tên thánh Athanase mà Cyrille lại tưởng thật là của vị thánh này. Chứng lý dựa vào tư tưởng Giáo phụ ở đây quả đã không giúp ích bao nhiêu cho Cyrille, một người mà trong toàn bộ tác phẩm của mình, đã ra sức bênh vực tư tưởng Giáo Phụ, nhất là trong cuộc xung đột với Nestorius.

V. HAI ĐỐI THỦ SAU CUỘC XUNG ĐỘT

Nestorius là nạn nhân của Công Đồng Ephèse cả về con người lẫn tác phẩm. Trước hết ông bị đưa về tu viện của ông ở Antioche, sau đó bị lưu đày sang Lybie; ông sống tới ngoài năm 450. Tác phẩm của ông bị đốt. Ngoài những đoạn văn ít ỏi, một vài lá thư và một vài bài giảng còn giữ lại được trong các văn kiện của vụ án, còn có một khảo luận mang tựa đề: Le livre d’Héraclide de Damas, trong tác phẩm này, kẻ bị lưu đày (Nestorius) hơn bao giờ hết xác quyết sự duy nhất bản thể (unité substantielle) trong Chúa Kitô, hai bản tính thấm nhập vào nhau nhưng không lẫn lộn trong một ngôi vị duy nhất (Prosôpon) và đau đớn kêu lên rằng niềm tin của mình phù hợp với niềm tin của Đức Giáo Hoàng Léon I.

Cyrille đã chết trước Nestorius: ngày 27-7-444. Sau khi đã nối dài thêm công trình của mình.Vào năm 435, những người Arméniens đã đến Constantinople tố cáo Kitô học của Théodore de Mopsueste với những trích văn để dẫn chứng và đã nhận được sự tán thành của Proclus, vị Tân Giám mục dưới hình thức một “Tập sách gởi người Arménie” (Tome aux Arméniens) kèm theo tập văn tuyển (trích văn) đáng ngờ. Phần trình bày về Mầu nhiệm Nhập Thể, trong nỗ lực hòa giải Antioche và Alexandrie, không có gì đáng kể lắm,mặc dù ông có nói đến “một trong Ba Ngôi đã Nhập Thể”, một công thức sau này đã trở thành nổi tiếng, nhưng các trích dẫn trong đó lại không có tên tuổi gì cả. Tuy nhiên, sự xúc phạm tới Théodore này, rất dễ đàng nhận thấy, và cả Diodore de Tarse nữa, lại khêu lên ngọn lửa xung đột. Cyrille đã soạn, khoảng năm 438, một thiên khảo luận: “Chống Diodore và Théodore”. Nhưng ngay sau đó, ngài yêu cầu đừng kết án những người đã khuất. Ngài đưa ra những bằng cứ cho Jean d’Antioche và cố gắng xoa dịu Proclus, Tiếp đó, ngài hoàn toàn rời bỏ các tranh luận, tiếp tục theo đuổi công trình chú giải: Chú giải các Phúc Âm theo Thánh Matthew và Luca, tác phẩm này (Luca) bị thất tán nhưng nay phần lớn đã được khôi phục lại. Cuối cùng, ngài đã thực hiện được một công trình rất bề thế: “Chống Julien” (Contre Julien), trong đó bằng những dẫn chứng rõ ràng, ngài phản bác lại tác phẩm “Chống những người Galilée” (Contre les Galiléens) của Hoàng đế Julien (Julien l’Apostat).[4]

VI. BÊN KIA XUNG ĐỘT: CYRILLE – CON NGƯỜI THIÊNG LIÊNG

Cyrille không tự giam hãm trong cuộc chiến chống Arius cũng như Nestorius. Người ta có thể phê phán học thuyết của ngài có chỗ tầm thường, có chỗ nguy hiểm. Nhưng một điều không thể chối cãi, là thần học của ngài luôn luôn hướng tới đời sống thiêng liêng, nhất là trong cuốn “Kho tàng…” và trong “Chú giải Thánh Gioan”. Tập nghiên cứu rất dài (chiếm một cuốn trong bộ Migne) về sách Ngũ Kinh là một tập văn tuyển (Glaphyres) mang một tựa đề có tính biểu tượng: “Về tôn thờ và về phụng tự trong thần khí và chân lý” (De l’adoration et du culte en esprit et en vérité). Theo Cyrille, tất cả khởi đi từ Ba Ngôi và sự cư ngụ của các ngôi vị thần linh trong người Kitô hữu. Con người phải đạt tới sự hoàn hảo của Chúa Cha qua việc bắt chước Chúa con, Đấng ban Chúa Thánh Thần cho con người. Con người đã được tạo dựng theo hình ảnh và hoạ ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, “được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng cư ngụ trong con người”. Tội lỗi đã khiến con người không còn là nơi Thiên Chúa cư ngụ, không còn là hoạ ảnh của Thiên Chúa. Nhưng, Chúa Con đã đến, đem lại cho chúng ta khả năng tái tạo hình ảnh đã bị hủy hoại đó. Ngài chính là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Ngài đã trở thành người và qua đó kết hợp với toàn thể nhân loại. Người Kitô hữu nhờ đó có thể kết hợp với Đức Kitô; và trong Người, tái lập lại hình ảnh của Thiên Chúa và tiến về với Chúa Cha. Việc được tháp nhập vào thân thể Đức Kitô (incorporation) cũng là sự thần hóa (divinisation), được thực hiện trong Giáo Hội qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, và Bí tích Thánh Thể vừa kết hiệp chúng ta với Đức Kitô vừa kết hiệp chúng ta với các tín hữu trong cùng một thân thể. Sự hợp nhất của nhân loại với Chúa Con trong mầu nhiệm Nhập Thể được tiếp tục và hoàn tất nơi Bí tích Thánh Thể. Nhưng công trình thánh hóa được thực hiện nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con: “Chính Chúa Thánh Thần nâng chúng ta lên với Chúa Con và nhờ đó kết hợp chúng ta với Chúa Cha. Như thế, người Kitô hữu, cá nhân cũng như cộng đoàn, trở nên hình ảnh của Thiên Chúa”.

VII. MỘT VỊ THÁNH CHO LỊCH SỬ

Cyrille rõ ràng đã có một ảnh hưởng trong việc gây dựng giáo lý về mầu nhiệm Nhập Thể. Bất chấp sóng gió và dù đúng hay sai, ngài đã nhắc nhở tính duy nhất của Đức Kitô chống lại khuynh hướng phân biệt hai bản tính cách quá đáng của Antioche. Ngài đặt mầu nhiệm “nhân-thành” (le devenir homme) của Ngôi Lời không phải vào trong một hệ thống suy lý lạnh lùng, nhưng vào bầu khí thần nhiệm của những cuộc trùng phùng, tao ngộ giữa con người với Thiên Chúa của mình. Nơi cuộc gặp gỡ đó xuyên qua người Con, hình ảnh ban đầu được khôi phục lại trong mọi con người, được thuần hóa bởi Thánh Thần, được thâu họp trong Giáo Hội bằng cánh tay yêu thương, để rồi tiến về nhà Cha. Cyrille hiển nhiên đã đóng một vai trò quan trọng trong Giáo Hội Byzantine và Giáo Hội này đã xem ngài là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của mình. Là người gắn bó hết mình với truyền thống Alexandrie và thực tình muốn gắn bó với đức tin chính thống, Cyrille đã hòa lẫn hai điều đó bởi tấm lòng hăng say thánh thiện, và đã hơn một lần sự thánh thiện đã nhường bước trước sự hăng say. Lý tưởng của ngài là: “bất cứ lúc nào cũng đi theo những lời tuyên tín của các Thánh phụ (professsions de foi des Pères), vốn là lời do tác động của Chúa Thánh Thần, và luôn luôn chăm chú theo dõi dấu vết tư tưởng của các ngài”. Nhưng, vì nguồn tài liệu của ngài cũng như các thuật ngữ ngài sử dụng không được chắc chắn (ngài đã theo một ngụy thư được đặt dưới tên thánh Athanase), nên mặc dù tư tưởng của ngài là chính thống, ngài đã để lại một số công thức mãi mãi tạo cơ sở cho một chủ trương nhất tính sai lạc (monophysisme). Tuy vậy, trong lịch sử, Cyrille vẫn mãi là người bảo vệ chân lý đối diện với Nestorius, kẻ bị nguyền rủa.

Vị theo Antioche (Nestorius) có lẽ đã liều mình đập vỡ Đức Kitô thành hai, nhưng vị theo Alexandrie (Cyrille), khi gợi ra huyền nhiệm nhân thành của Ngôi Lời, dường như coi nhẹ nhân tính của Đức Kitô và ngay cả làm phương hại đến tính bất biến (immutabilité) của thần tính. Các phản ứng chống lại tất yếu sẽ không thiếu.

***

PHỤ TRƯƠNG

 

1. – Nét đặc sắc về thần học Chúa Ba Ngôi: Chúa Thánh Thần nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con (L’Esprit procède du Père et du Fils)

[Chúng ta biết rằng các Giáo Phụ Hy lạp nói chung đã kết hợp hai biểu thức của Phúc âm Gioan (Gioan 14, 26 và 16, 14) để xác quyết rằng Chúa Thánh Thần “nhiệm xuất bởi Chúa Cha” (procède du Père)“nhận từ Chúa Con” (reçoit du Fils). Trong khi bên Tây Phương (Tertullien) với nhiều Giáo phụ Hy lạp, vốn đã biết đến công thức “nhiệm xuất bởi Chúa Cha qua Chúa Con” (procède du Père par le Fils), nhưng từ thế kỷ IV, nhất là do ảnh hưởng của thánh Augustin, các ngài đã chọn công thức “nhiệm xuất bởi Chúa Cha và bởi Chúa Con, bởi ngôi này và bởi ngôi kia” (procède du Père et du Fils, de l’un et de l’autre) chắc hẳn để nhấn mạnh sự ngang hàng giữa Chúa Cha và Chúa Con hầu chống lại thuyết Ariô, và đã đưa công thức này vào tín biểu (Symbole) Nicée-Constantinople năm 589. Có điều lạ lùng là Cyrille, trong các chương XXXIII-XXXIV, bàn về thần tính của Chúa Thánh Thần, trong tác phẩm “ Kho tàng…”, lại rất hay sử dụng các công thức của Tây Phương, những công thức bị Théodoret lên tiếng bác bỏ. Maxime le Confesseur (thế kỷ VII) và Jean Damascène không chấp nhận kiểu nói: Chúa Thánh Thần nhiệm xuất “bởi Chúa Con” (ek toũ Vioũ) và muốn kiểu nói: Chúa Thánh Thần nhiệm xuất “bởi Chúa Con” (ek toũ Vioũ) và muốn kiểu nói: “qua (dia) Chúa Con” để cho thấy rõ Chúa Con vừa là đồng nguyên lý – coprincipe – với Chúa Cha, vừa là nguyên lý một cách khác với Chúa Cha, và coi công thức đó rõ hơn công thức “bởi cả hai” (ab utroque – ek amphoterôn) của rất nhiều Giáo phụ khác.]

1. Thánh Thần là Thiên Chúa, vì do bản tính, là Đấng hiện hữu trong Chúa Con khởi từ Chúa Cha, nên Ngài có mọi năng lực của Thiên Chúa. Tất cả đều bởi Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần.[5]

2. Vì Thánh Thần, khi đến trong chúng ta, Ngài biểu lộ chúng ta là những người đã được thêm sức (confirmés) cho Thiên Chúa, và vì Ngài nhiệm xuất bởi Chúa Cha bởi Chúa Con, nên rõ ràng Ngài có bản thể Thiên Chúa, tự bản tính, nhiệm xuất trong bản thể và từ bản thể ấy (585A) – Vì chỉ có một Đức Giêsu Kitô là Đức Chúa (Seigneur), theo lời thánh Phaolô, và vì Ngài gọi Thánh Thần là Đức Chúa, nên Ngài đã không hề có phân biệt nào về bản tính giữa Ngôi Con và Thánh Thần, nhưng Ngài gọi Thánh Thần bằng danh hiệu Đức Chúa, đó là vì Thánh Thần hiện hữu từ Chúa Con và trong Chúa Con do bản tính (581C).

Là Thánh Thần của Đức Kitô, Ngài thông tri cho các môn đệ tất cả những gì có nơi Đức Kitô, Ngài hành động không theo ý chí riêng, cũng không theo một ý chí xa lạ với Đấng mà Ngài hiện hữu trong và bởi Đấng ấy, nhưng như là Vị phát xuất, xét về bản tính (phusis), từ bản thể của Đấng ấy, và có tất cả ý chí, tất cả hành động của Đấng ấy (584C).

Vì Ngôi Lời là ánh sáng đích thực và Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng nên tất yếu phải chấp nhận rằng Chúa Thánh Thần phát xuất bởi bản thể của Ngôi Lời, Thánh Thần là Đấng mà nhờ đó (Ngôi Lời) soi sáng cho mọi người, bằng cách phóng chiếu sự sáng soi của Thánh Thần như một tia sáng của chính bản tính Ngài (589 BC).

2. – Ngôi Lời vĩnh cửu bước vào thân phận con người

Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã đến trong thân phận và thực tại của nhân tính để cứu độ con người trong mức độ, Ngài trở nên con người với bản tính như chúng ta hiện tại, mang lấy các đặc tính của nhân tính, đổi lại, Ngài ban cho chúng ta những hoàn hảo của riêng Ngài, và như thế, con người vốn đã mất đi vinh quang nguyên thủy vì Adam phạm tội, lại được Ngài phục hồi trong phẩm giá xứng hợp với mình, xét theo bản tính. Khi một cách nào đó, hòa lẫn, hòa trộn chúng ta trong Ngài và Ngài trong chúng ta, Ngài đã tự hạ xuống tận những yếu hèn của chúng ta và nâng chúng ta lên tới những hoàn hảo của Ngài. Chúng ta là con người tự bản tính, còn Ngài, bên cạnh bản tính của Ngài, Ngài tự hạ vì lòng yêu thương con ngưòi, trở thành người như tất cả chúng ta. Chúng ta là nô lệ của Thiên Chúa tự bản tính, còn Ngài, Ngài cũng được gọi là nô lệ, khi đến với một tình trạng ở ngoài bản tính của Ngài lúc Ngài làm người. Nhưng đối lại, Ngài vẫn là Thiên Chúa tự bản tính, còn chúng ta, chúng ta cũng là những thần linh, vì được nâng lên một tình trạng bên ngoài bản tính chúng ta, nhờ ân sủng, vì chúng ta là con người. Ngài là Con tự bản tính, chúng ta cũng là con, nhưng do thừa nhận khi được gọi trở nên anh em của Ngài (Đức Kitô). Vì thế, nếu chúng ta là con và là thần linh do thừa nhận, thì trái lại, Ngài là Con là thần linh thực sự, khác với những kẻ là con do thừa nhận.[6]

Ngôi Lời xét là Thiên Chúa, trong một thân phận với Chúa Cha và ngang bằng Chúa Cha, đã xuất hiện giống chúng ta không phải chỉ dưới phương diện xác thể, nhưng Ngài còn có những đặc tính của nhân tính nữa, trừ phi phải dùng một từ ngữ khác. Thế mà, một đặc tính của nhân tính được liên kết với Thiên Chúa và bị ràng buộc do thân phận tôi tớ trong sự vâng phục đó là sự tôn thờ và việc không biết được ý muốn và suy tính có trong Thiên Chúa. “Quả thế, vì nào ai được biết tâm tư của Chúa, hay có ai đã làm cố vấn cho Người” (Rm 11,34). Và cũng như sau khi Ngôi Lời trở nên giống như chúng ta, tôi nghĩ rằng, người ta sẽ không nói Ngài thôi không còn là Ngôi Lời nữa, khi Ngài biến đổi thành thân xác phàm hèn, thì cũng vậy, nếu nhân tính đã được đảm nhận và đã trở nên của riêng Ngài thì không có gì ngăn cản chúng ta quan niệm và khẳng định rằng, theo nhiệm cục cứu độ, Ngài đã mang lấy nhân cách cùng với các đặc tính của nhân tính.[7]

3. – Thư của Nestorius gởi cho Cyrille (15.6.430)

(Nestorius vừa trích thư của Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Philip 2, 5-6.)

Vì không muốn người ta có thể cho rằng Ngôi Lời Thiên Chúa chịu khổ nạn, nên khi đề cập tới cuộc tử nạn Chúa, thánh Phaolô đã dùng tiếng “Kitô” như là một tên gọi có nghĩa: trong một ngôi vị độc nhất có bản tính (ousia) thụ nạn và bản tính (ousia) không thụ nạn, để người ta có thể gọi, mà không nguy hiểm, Chúa Kitô không thụ nạn và thụ nạn, không thụ nạn theo thần tính và thụ nạn trong bản tính của thân xác Ngài.

(…) Bất cứ nơi nào các Sách Thánh có đề cập đến chương trình cứu độ của Chúa, thì đều gán việc sinh ra và chịu khổ nạn cho nhân tính của Đức Kitô chứ không gán cho thần tính, đến nỗi, nói một cách thật chính xác, phải gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đức Kitô (Christotokos) chứ không gọi là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Xin hãy nghe Phúc âm nói: “Gia phả của Đức Giêsu Kitô, con Đavít, con Abraham” (Mat. 1,1). Rõ ràng Ngôi Lời Thiên Chúa không phải là con Đavít (…). Thật là tốt đẹp và đúng với truyền thống Phúc âm khi tuyên xưng rằng thân xác Đức Kitô là đền thờ của thần tính của Chúa Con, đền thờ này được kết hiệp với thần tính bằng mối giây siêu vời và thần linh, đến độ thần tính nhận những gì thuộc về đền thờ này làm của mình. Nhưng, nếu lấy cớ có việc nhận làm của mình đó mà gán cho Ngôi Lời những đặc tính của xác phàm được kết hợp với Ngài, tôi muốn nói về việc nhập thể, cuộc khổ nạn và tử nạn, thì kính thưa người anh em, đó là việc làm của một tinh thần lệch lạc do những sai lầm của người Hy lạp, hoặc mắc thứ bệnh điên rồ của Apollinaire, của Arius hay một chứng bệnh nào đó còn trầm trọng hơn nữa. Bởi chưng, những người để mình bị lôi kéo bởi từ ngữ “nhận làm của mình” (appropriation) thì tất yếu, họ sẽ phải nói rằng Ngôi Lời Thiên Chúa, qua việc nhận làm của mình, đã được cho bú sữa, đồng thời Ngài lớn lên một ít, và rằng, lúc chịu khổ nạn, Ngài đã cảm thấy sợ hãi và đã cần tới sự trợ giúp của một thiên thần.[8]

4. – Lá thư thứ 2 của Cyrille gởi cho Nestorius (Đầu năm 430)

(…) Thánh Công Đồng Nicée đã dạy rằng cùng một Con duy nhất, nhiệm sinh bởi Thiên Chúa Cha theo bản tính, là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, ánh sáng bởi ánh sáng, nhờ Ngài Chúa Cha đã tạo dựng muôn loài. Chính Ngài đã xuống thế, đã thành xác phàm, đã làm người, chịu nạn, chịu chết, ngày thứ ba đã sống lại và lên trời. Đó là những lời lẽ và những giáo huấn mà chúng ta phải giữ lấy, đồng thời lưu ý đến câu: Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể và đã làm người, có nghĩa như thế nào. Chúng ta không nói rằng bản tính của Ngôi Lời đã biến đổi để trở thành xác phàm cũng không nói bản tính Ngôi Lời đã biến đổi thành một con người đầy đủ (gồm xác và hồn), nhưng đúng hơn: Ngôi Lời khi hiệp nhất theo ngôi vị với một thân xác được linh hoạt bởi một linh hồn có lý trí, đã trở thành người cách khôn tả, và đuợc gọi là Con Người (Fils de l’homme) không chỉ bởi ý chí hay bởi ưng thuận, cũng không phải chỉ là mang lấy một Prosôpon (theo nghĩa là nhân vật, personnage). Hai bản tính khác biệt gặp nhau trong một sự duy nhất đích thực, nhưng từ hai bản tính đó chỉ thành ra một Đức Kitô và là Con mà thôi: Sự khác biệt giữa hai bản tính không bị triệt tiêu bởi sự kết hiệp, nhưng ngược lại, thần tính và nhân tính hợp thành cho chúng ta chỉ một Chúa Giêsu Kitô và là Con mà thôi, do sự gặp gỡ cách siêu vời, khôn tả, của hai bản tính trong một ngôi vị duy nhất (…).

Chính vì thế, khi chúng ta nói rằng Chúa Kitô chịu đau khổ và đã sống lại thì không phải là Ngôi Lời Thiên Chúa đã chịu những vết đánh, những lỗ đinh và những thương tích khác nơi bản tính riêng của Ngài (vì thần tính thì bất khả thụ nạn, vì là vô hình, vô thể – incorporelle) nhưng vì thân xác, vốn đã trở thành của chính Ngài, đã chịu tất cả những điều đó. Thế nên, một lần nữa chúng ta lại nói rằng chính Ngài (Ngôi Lời) đã chịu đau khổ vì chúng ta: Đấng bất khả thụ nạn ở trong một thân xác chịu nạn (…).

Như vậy, chúng ta tuyên xưng chỉ một Đức Kitô và là Chúa, không phải khi tôn thờ một con người với Ngôi Lời, để tránh mọi tưởng nghĩ đến sự phân chia khi dùng tiếng “với” (avec), nhưng chúng ta tôn thờ chỉ một và cùng một Đức Kitô mà thôi, vì chưng, thân xác của Ngôi Lời không xa lạ với Ngôi Lời, chính với thân xác mà hiện nay Ngài ngự bên Chúa Cha: không phải là hai người Con ngự bên Chúa Cha mà chỉ là một người Con, do sự hiệp nhất với thân xác riêng của Ngài. Nhưng, nếu chúng ta gạt bỏ sự hiệp nhất theo ngôi vị, xem như là điều không thể hiểu được, thì sẽ đi đến chỗ nói đến hai người Con: vì tất yếu sẽ tách biệt ra, một đàng nói đến con người vinh dự gọi là Con và đàng khác nói đến Ngôi Lời Thiên Chúa mang danh hiệu và thực tại làm con (filiation) tự bản tính. Do đó, không được phân chia một Chúa Giêsu Kitô độc nhất thành hai người Con. Tách biệt như thế không ích lợi gì cho Đức tin chính thống, cho dù có một số người đã nói đến sự hiệp nhất các “Prosôpa”. Vì chưng Kinh Thánh không nói rằng Ngôi Lời đã kết hiệp với một “Prosôpon” của con người, nhưng nói rằng Ngôi Lời đã thành xác phàm (…)

Đó là điều đức tin chính thống dạy khắp nơi; đó là điều chúng ta sẽ tìm thấy trong giáo huấn của các Thánh phụ. Chính vì vậy mà các ngài đã dám gọi Đức Thánh Trinh Nữ là Theotokos, không phải vì bản tính của Ngôi Lời hay thần tính của Ngài đã nhận lấy nguyên lý hiện hữu của mình từ Đức Trinh Nữ, nhưng vì, thân xác thánh thiện được linh hoạt bởi một linh hồn có lý trí, mà Ngôi Lời đã kết hợp với, theo ngôi vị, thân xác đó đã sinh bởi Đức Trinh Nữ, nên chúng ta nói rằng Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác thịt (…)[9]

5. – Lá thư thứ 3 của Cyrille gởi cho Nestorius (Tháng 11 năm 430 ) – kèm theo 12 lời án vạ tuyệt thông

Về những lời lẽ của Chúa Cứu Thế trong Phúc âm, chúng ta không được phân chia theo hai ngôi vị (hypostases) hay Prosôpa (án vạ 4). Vì Đức Kitô duy nhất và độc nhất không phải là hai, cho dù người ta hiểu rằng, Ngài đã được hợp lại từ hai thực tại khác nhau trong một sự duy nhất không thể tách rời, hoàn toàn giống như một con người hợp bởi một linh hồn và một thân xác, thế mà không phải là hai, nhưng là một (làm) bởi hai. Chúng tôi nghĩ một cách xác đáng rằng những lời lẽ thần linh và cả nhân linh đều được nói ra bởi chỉ một và cùng một người… Vì vậy cần phải qui mọi lời nói trong Phúc âm cho một Prosôpon duy nhất, cho một ngôi vị độc nhất (hypostase) đã nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.

Án vạ thứ ba:

Nếu, ai phân chia ngôi vị (hypostases) trong Đức Kitô, sau sự hiệp nhất, kết hợp chúng bằng một sự kết hợp đơn thuần của phẩm vị (asssociation de dignité) nghĩa là, của uy quyền và của quyền năng, chứ không phải bằng một kết hợp theo sự hợp nhất thể lý (union physique) [union physique = hiệp nhất thực sự (réelle) đích thực (véritable) và bản thể (substantielle)], kẻ đó bị vạ tuyệt thông.[10]

6. – Truất chức Nestorius

Án quyết của Công Đồng Éphèse (22.6.431)

Theo như các lá thư và những tác phẩm của Nestorius mà chúng tôi đã đọc và theo những lời ông ta đã tuyên bố gần đây trong Tổng giáo phận này mà chúng tôi hiện có bằng chứng, chúng tôi xét thấy rằng ông ta suy nghĩ và giảng dạy những điều nghịch đạo. Do sự đòi buộc của các khoản luật và dựa theo thư của Đức Thánh Cha và là đồng sự của chúng tôi, Đức Célestin, Giám mục Giáo Hội tại Roma, chúng tôi đau đớn đưa ra quyết nghị này đối với ông ta: “Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, Đấng đã bị xúc phạm, ra lệnh qua Thánh Công dồng này rằng: Nestorius bị loại ra khỏi chức vụ Giám mục và tất cả các hội nghị Giám mục”.

Thông tri án quyết

Thánh Công Đồng, được triệu tập tại Tổng Giáo phận Ephèse, nhờ ơn Chúa và theo lệnh của Hoàng đế rất thánh và rất đạo đức của chúng ta, thông báo cho Nestorius, tên Giuđa mới. Ông hãy biết rằng vì những lời giảng dạy nghịch đạo của ông và vì sự bất tuân phục của ông đối với các khoản luật Giáo Hội, ông đã bị cách chức bởi Thánh Công Đồng này ngày 22 tháng 6 này và ông không còn giữ chức vụ nào trong Giáo Hội nữa.[11]

7. – Dung hòa giữa Alexandrie và Antioche (433)

(Công thức liên hiệp)

Chúng tôi tuyên xưng… Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Con một Thiên Chúa, hoàn toàn là Thiên Chúa và hoàn toàn là người (hợp bởi) một linh hồn có lý trí và một thân xác, từ trước muôn đời sinh bởi Thiên Chúa theo thần tính, và trong những ngày sau cùng, cũng chính Ngài, vì chúng tôi và để cứu độ chúng tôi, (sinh bởi) Đức Maria theo nhân tính; Đấng đồng bản thể với Chúa Cha theo thần tính (consubstantiel) và đồng bản thể với chúng ta theo nhân tính, cũng là một. Vì chưng đã có sự hiệp nhất của hai bản tính; vì vậy chúng tôi tuyên xưng một Đức Kitô, một Con, một Chúa. Phù hợp với ý niệm về sự hiệp nhất không lẫn lộn này chúng tôi tuyên xưng Đức Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), vì rằng Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể và đã làm người, và do chính sự thụ thai, đã hiệp nhất với đền thờ mà Ngài nhận lấy từ Đức Trinh Nữ. Còn về các lời Phúc âm và của các Tông đồ về Chúa, chúng tôi biết rằng, có những lời được các nhà thần học áp dụng một cách không phân biệt, như cho một ngôi vị (Prosôpon) duy nhất, và phân chia những lời khác, như thể theo hai bản tính, qua việc truyền đạt lại những lời phù hợp với Thiên Chúa theo thần tính của Đức Kitô, và những lời thấp hơn, theo nhân tính.

Bản văn này đã được Cyrille nhiệt liệt tán thưởng trong bức thư 39 gởi Jean d’Antioche (PG 77, 176D -177B) và kèm theo những lời bình giải của Cyrille, chẳng hạn như:

Còn về những kẻ nói rằng, đã xảy ra một sự pha trộn, một sự lẫn lộn, một sự hỗn hợp giữa Thiên Chúa với xác phàm, thì chớ gì Ngài hãy khóa miệng chúng lại. Có thể một số người sẽ nói về tôi, bảo rằng chính tôi đã nói hoặc nghĩ như thế. Nhưng tôi không hề nghĩ những điều như vậy, những kẻ nghĩ rằng có thể có một chút xíu thay đổi nào đó trong thần tính của Ngôi Lời, thì tôi cho những kẻ đó là điên rồ.[12]

8. – Thời gian cuối đời của Nestorius

Vì họ đã có những thành kiến chống lại tôi và vì họ đã không tin điều tôi nói, làm như thể tôi là người che đậy chân lý và cản trở việc diễn đạt chân lý cách chính xác, nên Thiên Chúa đã cho xuất hiện một lệnh sứ không thiên kiến – Đức Léon – vị đã không sợ hãi công bố chân lý. Vì thành kiến tạo ra bởi (danh xưng Công Đồng) đã khiến nhiều người theo, kể cả nhận vật (Prosôpon) của người Roma (Đức Célestin) và ngăn cản họ tin những gì tôi nói, và những điều đó vẫn không được xem xét, nên Thiên Chúa đã cho phép điều ngược lại xảy ra là Ngài đã đưa Đức Célestin, Giám mục Roma ra khỏi trần gian này. Chính Đức Célestin đã giữ vai trò chính trong việc chống lại tôi ở Công Đồng Ephêsô, và như thế là Thiên Chúa đã khiến tán thành và chuẩn y (qua Đức Giáo Hoàng Léon) điều đã được Giám mục Constantinople này đã nói (…)

Đối với tôi, tôi xem những đau khổ của đời tôi và mọi điều đã xảy đến cho tôi trong thế giới này như là một đau khổ chóng qua và tôi đã không thay đổi suốt trong những năm tháng cuối đời này. Gần đây thời gian cuối đời của tôi đang đến gần, và mỗi ngày tôi cầu xin Thiên Chúa giải thoát tôi vì chính mắt tôi đã nhìn thấy ơn Cứu Độ của Ngài.

Kết: Hãy nhảy mừng trong tôi, hỡi hoang mạc, người bạn của tôi, người nuôi dưỡng tôi và là nơi trú ngụ của tôi, ngay khi tôi chết, xin hãy giữ gìn thân xác tôi cho tới ngày phục sinh theo như ý muốn của Thiên Chúa. Amen.[13]

9. – Nên giống Thiên Chúa

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ chúng trong sự thật của Cha”, nghĩa là trong Ngôi Lời của Cha, trong Ngài và bởi Ngài, Thánh Thần thánh hóa (L’Esprit sanctifiant) hiện hữu và nhiệm xuất. Vậy Chúa Cứu Thế đã nhằm đến điều gì khi cầu xin như thế? Ngài khẩn xin Chúa Cha thánh hóa chúng ta trong và nhờ Chúa Thánh Thần, và Ngài mong muốn khôi phục lại điều đã có trong chúng ta ngay từ khi tạo thành thế giới khi chúng ta được Thiên Chúa sáng tạo, và vì Ngài là Vị Trung gian duy nhất, làm Trạng sư cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha trên thiên quốc. Để hiểu tường tận đoạn văn này (…), chúng ta cần nói đôi chút về con người đầu tiên. Môsê nói đến việc Thiên Chúa tạo dựng con người từ bùn đất. Và để giải thích con người sống động này được tạo dựng hoàn hảo như thế nào, và đâu là nguyên lý sự sống của con người, thì ông thêm: “Thiên Chúa thổi sinh khí vào mũi con người”: điều này có nghĩa là khi con người được lãnh nhận thần khí (tinh thần, esprit) thì cũng đã lãnh nhận sự thánh hóa của Thánh Thần, và khi con người được tạo dựng thì cũng đã được tham dự vào bản tính thần linh. Vốn có nguồn gốc hèn mạt, con người sống động này sẽ không bao giờ đạt tới tột đỉnh là “hình ảnh của Thiên Chúa”, nếu đã không được Thánh Thần, gương mặt tuyệt mỹ, khuôn đúc, thể theo thánh ý minh nhiên của Thiên Chúa. Quả vậy, vì Thánh Phaolô đã viết: “Những ai Người dã tuyển chọn thì Người tiền định cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh Con của Người”, nên Chúa Thánh Thần đến với những ai thì làm cho họ nên giống hình ảnh của Chúa Cha, nghĩa là Chúa Con, và như thế, nhờ Chúa Thánh Thần, mọi sự được Chúa Con dẫn đưa về Đấng đã sinh ra Ngài là Chúa Cha. Vì vậy, Đức Kitô xin cho bản tính con người được đổi mới và tái tạo, một cách nào đó, theo hình ảnh ban đầu, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, để một khi đã tìm lại được ân sủng đầu tiên đó… chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, dũng mạnh hơn tội lỗi, vốn đang thống trị thế giới này, chúng ta chỉ còn để lòng vào tình yêu Thiên Chúa và giữ cho vẻ đẹp của hình ảnh mà chúng ta lãnh nhận nơi mình không bị hoen ố, qui hướng niềm khát khao của chúng ta vào tất cả những gì là tốt lành và vượt thắng các đam mê xác thịt. Đấy là đời sống thiêng liêng, đấy là sức mạnh của thờ phượng trong Thần Khí.[14]

10. – Duy nhất nhờ bí tích Thánh Thể

Tuy chúng ta khác nhau do sự khác biệt của mỗi người, và vì chúng ta có linh hồn và thể xác riêng, nhưng người Con một đã đưa ra phương thế để chúng ta được đi vào trong sự duy nhất với Thiên Chúa và duy nhất với nhau: khi hiến thánh trong cùng một thân thể duy nhất, thân thể của Ngài, tất nhiên là các tín hữu, nhờ hiệp thông thần bí (union mytique), Ngài làm cho họ được trở nên đồng thân thể với chính Ngài (concorporels) và đồng thân thể với nhau (…) nếu tất cả chúng ta tham dự vào cùng một bánh thì chúng ta tất cả trở nên cùng một thân thể.

Đức Kitô không hề bị bất cứ sự phân chia nào. Chúng ta tất cả được hiệp nhất với cùng một Đức Kitô nhờ Thánh thể của Ngài, vì chúng ta đón nhận Ngài như là Đấng duy nhất và bất khả phân chia, và trong chính thân thể của chúng ta, chúng ta có được những chi thể của mình là do Ngài hơn là do chính chúng ta… Nếu chúng ta tất cả là đồng thân thể (concorporels) với nhau trong Đức Kitô, và không những đồng thân thể với nhau, mà cả với Ngài nữa, bởi lẽ Ngài đến trong chúng ta bằng chính xác thịt Ngài, thì rõ ràng từ nay lẽ nào chúng ta lại không là một với nhau và là một trong Đức Kitô? Đức Kitô quả thực là mối dây duy nhất.[15]

Còn về sự hiệp nhất với Thiên Chúa, thì không phải sự qui hướng của các ý chí đem lại cho chúng ta kho tàng phong phú đó; có một lý do khác, khôn tả, và có tính cách ràng buộc hơn, đã thiết lập mối dây hiệp nhất này. Theo như lời Thánh Phaolô chỉ dẫn cho chúng ta về mầu nhiệm này, thì chúng ta tuy nhiều nhưng cũng chỉ là một thân thể vì chúng ta thông phần vào cùng một bánh (1Cor 10,17) (…). Chúng ta tuy phân cách thành những ngôi vị riêng, tôi muốn nói là những cá vị, vì đó mà người này là Phêrô hay Gioan, người khác là Tôma hay Matthew, nhưng chúng ta đã trở nên đồng thân thể trong Đức Kitô, được nuôi dưỡng bằng cùng một Thân mình và được niêm ấn trong sự duy nhất bởi một Thánh Thần độc nhất và như Đức Kitô là Đấng không thể phân chia – vì Ngài không bao giờ để mình bị phân chia – nên tất cả chúng ta là một trong Ngài.[16]

11. – Đổ tràn Thần Khí trên mọi người phàm

Đấng tạo thành trời đất đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền một Thủ lãnh là Đức Kitô theo một trật tự tuyệt vời, đồng thời đưa bản tính con người trở lại tình trạng nguyên thủy. Cùng với các ơn khác, Người hứa ban Thánh Thần lại cho họ một cách rộng rãi. Nếu không họ chẳng có cách nào khác để lấy lại các ơn đó một cách yên hàn và chắc chắn.

Vì thế, Thiên Chúa đã ấn định thời gian cho Thánh Thần ngự xuống trên chúng ta, nghĩa là thời Đức Kitô đến. Thiên Chúa đã hứa rằng: “Trong những ngày ấy”, ngày Đấng Cứu Độ đến, “Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta trên mọi người phàm”.

Khi Thiên Chúa Cha muốn bày tỏ lòng quảng đại vô biên của Người, thì Người đã cho Con Một xuống thế mặc xác phàm, nghĩa là sinh làm con một người đàn bà, theo như lời Kinh Thánh. Bấy giờ Thiên Chúa ban Thần Khí cho chúng ta, và người đầu tiên được nhận lãnh là Đức Kitô, tiêu biểu cho nhân loại được đổi mới. Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí từ trời xuống và ngự trên Người”.

Sở dĩ Đức Kitô đã nhận lấy Thần Khí, là vì Người đã làm Người, và trong tư cách là người, việc lãnh nhận Thần Khí là điều xứng hợp. Người là Con Thiên Chúa Cha và được sinh ra từ bản thể Chúa Cha ngay cả trước khi nhập thể và từ trước muôn muôn đời. Dầu vậy, khi đã làm người rồi, Chúa Con cũng không lấy làm bị xúc phạm khi nghe Thiên Chúa là Cha nói với mình rằng: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.

Chúa Con vốn là Thiên Chúa từ muôn thuở, sinh ra bởi chính Thiên Chúa, thế mà hôm nay Chúa Cha lại nói là Người được sinh ra, điều ấy có nghĩa là trong Đức Kitô, Thiên Chúa nhận chúng ta làm nghĩa tử, bởi vì với tư cách là người, Đức Kitô đã thâu tóm tất cả bản tính nhân loại. Theo nghĩa đó, người ta mới nói Chúa Cha cũng lại ban Thần Khí cho Chúa Con, mặc dù chính Chúa Con đã có Thần Khí. Ở trong Chúa Con, chúng ta cũng được ban cho Thần Khí nơi Người. Vì thế, như lời Kinh Thánh, Người thuộc về dòng dõi Abraham và đã nên giống anh em mình về mọi phương diện.

Vậy, nếu Con một có nhận lấy Thần Khí thì không phải là cho chính mình, vì Thần Khí đã thuộc về Người, vốn ở trong Người và nhờ Người mà được ban cho chúng ta, như chúng tôi đã nói trước. Nhưng vì khi làm người, Người mang trong mình tất cả bản tính nhân loại nên Ngưòi đã lãnh nhận Thần Khí để canh tân và phục hồi trọn vẹn bản tính ấy. Vậy, nếu lý luận cho đúng và dựa vào bằng chứng của Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy rằng Đức Kitô không lãnh nhận Thần Khí cho chính mình, nhưng là cho chúng ta, vì chúng ta ở trong Người. Bởi chưng phải nhờ Người thì mọi sự lành mới đến với chúng ta.[17]

12. – Đức Kitô là mối dây hiệp nhất

Tất cả chúng ta được kết hợp với thân thể Đức Kitô nhờ thông phần Mình Thánh Người, như thánh Phaolô làm chứng khi nói về mầu nhiệm đạo thánh: “Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”.

Nếu tất cả chúng ta cùng là một thân thể với nhau trong Đức Kitô không chỉ giữa chúng ta mà thôi, nhưng còn với Đấng hiện diện trong chúng ta bằng Mình Thánh của Người nữa, thì sự kiện chúng ta là một giữa chúng ta và trong Đức Kitô, tại sao lại không rõ ràng? Vì chưng Đức Kitô là mối dây hiệp nhất, bởi chính Người vừa là Thiên Chúa vừa là con Người.

Còn về sự hiệp nhất trong Thần Khí, chúng ta cũng theo đường lối trên mà nói: vì đã nhận được cùng một Thần Khí ấy, tức là Thánh Thần, nên tất cả chúng ta cũng được hòa nhập một cách nào đó với nhau và với Thiên Chúa. Quả thế, dù chúng ta là nhiều cá thể, và dù Đức Kitô có cho Thần Khí của Chúa Cha và của Người ngự trong mỗi chúng ta, nhưng chỉ có một Thần Khí duy nhất và bất khả phân chia. Thần Khí ấy thu lại thành một những con người tách biệt như đứng riêng rẽ, và làm cho tất cả kết thành một thực thể duy nhất trong Người.

Cũng như Mình Thánh ngự trong những ai thì quyền năng của Mình Thánh làm cho những người ấy thành cùng một thân thể, nên tôi nghĩ rằng theo cách thức ấy, Thần Khí duy nhất và bất khả phân chia của Thiên Chúa ngự trong mọi người cũng làm cho mọi ngưòi được nên một theo Thần Khí.

Vì vậy, thánh Phaolô lại khuyên chúng ta: “Anh em hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa; chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi ngừi, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người”. Vì Thần Khí duy nhất lưu lại trong chúng ta, nên Thiên Chúa duy nhất là Cha của mọi người sẽ ở trong chúng ta; Người sẽ nhờ Con của Người mà dẫn đưa mọi loài thông phần Thần Khí đến chỗ hiệp nhất với nhau và với Người.

Còn việc chúng ta được kết hiệp với Thánh Thần mà Thiên Chúa thông ban, thì cũng đã rõ phần nào do những điều nói trên. Hơn nữa, nếu chúng ta vứt bỏ lối sống theo xác thịt mà vâng theo luật của Thần Khí, thì điều sau đây chẳng phải rõ ràng đối với tất cả chúng ta sao? Đó là sau khi vứt bỏ đời sống của chúng ta một cách nào đó, và nhờ được kết hiệp với Thánh Thần, có thể nói chúng ta đã được biến đổi sang bản tính khác, mà trở nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa. Bởi đấy chúng ta không chỉ là người trần gian, mà còn được gọi là con Thiên Chúa và là người thiên giới nữa, vì chúng ta đã được thông phần bản tính Thiên Chúa.

Vậy chúng ta là một trong Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần – muốn nói – là một do sự đồng phận với Thiên Chúa, là một do sự đồng hình đồng dạng với Người nhờ tình thương của Người, là một do cùng chung bản tính xác phàm với Đức Kitô, và là một do được thông phần cùng một Thánh Thần.[18]

13. – Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em

Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã đặt những vị lãnh đạo, những bậc tôn sư cho nhân loại và những người quản lý các mầu nhiệm của Người. Người truyền cho những vị đó phải rực sáng như những ngọn đuốc và không những chiếu soi cho vùng đất của người Do thái, nhưng còn chiếu soi cho bất cứ vùng đất nào dưới ánh mặt trời, cho toàn thể nhân loại khắp hoàn cầu, toàn thể cư dân trên mặt đất. Tác giả thư Do thái đã nói lên một sự thật như sau: “Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi”. Thật vậy, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã gọi các môn đệ của Người trước mọi ngưòi khác, để các ông thi hành sứ vụ tông đồ rất vẻ vang ấy.

Các môn đệ là cột trụ và điểm tựa của chân lý. Chúa nói rằng Người đã sai các ông đi như chính Người đã được Chúa Cha sai đi. Thế là Người cho thấy sứ vụ tông đồ thì cao cả và quyền hành Người đã trao cho các ông thì vinh quang khôn sánh. Đồng thời, như chúng ta thấy, Người cũng ngầm cho biết phải thi hành kế hoạch tông đồ theo đường lối nào.

Bởi vì, nếu chính Người cho rằng Người phải sai môn đệ như Chúa Cha đã sai Người, thì những kẻ sau này sẽ lại không cần phải thấy sứ vụ mà Chúa Cha sai Chúa Con đi thi hành là sứ vụ nào? Vì thế, bằng nhiều cách khác nhau, Đức Kitô đã cho thấy sứ vụ của Người có những đặc tính nào. Có lần Người nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi ăn năn hối cải”. Người còn nói: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

Như thế, trong vài lời vắn gọn, Người đã tóm tắt kế hoạch tông đồ. Người nói Người sai các ông đi như chính Người đã được Chua Cha sai đi. Nhờ đó, các ông biết mình có bổn phận kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải, chữa lành những ai đau yếu thể xác cũng như tinh thần, và trong khi thi hành nhiệm vụ của những người quản lý, hẳn nhiên không được tìm kiếm ý mình nhưng ý của Đấng đã sai mình, và trong mức độ có thể, phải ra sức giảng dạy mà cứu vớt thế gian. Các thánh Tông đồ đã cố gắng như thế nào hầu có thể thi hành mọi điều trên đây một cách tối hảo, muốn biết cũng chẳng khó gì, nếu bạn đọc sách Công Vụ.[19]

14. – Thiên Chúa đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải

Những ai có Thần Khí làm bảo chứng và có niềm hy vọng được phục sinh thì cầm chắc điều họ trông đợi như đang có rồi; do đó, họ nói rằng từ nay họ không biết một ai theo quan điểm loài người nữa. Tất cả chúng ta là những người thuộc Thần Khí và không còn lệ thuộc sự hư nát của xác phàm. Thật thế, nhờ Con Một chiếu sáng, chúng ta được biến đổi để nên một với Ngôi Lời là Đấng ban sự sống cho mọi loài. Khi tội lỗi thống trị, chúng ta bị xiềng xích tử thần trói buộc; nhưng nay, được đầy tràn sự công chính của Đức Kitô, chúng ta đã trút bỏ sự hư nát.

Như vậy, không ai còn ở trong xác phàm, nghĩa là trong thân phận yếu đuối của xác phàm nữa, nên chúng ta có lý do chính đáng mà hiểu rằng sự hư nát là một trong những tính chất của xác phàm. Thánh Phaolô còn nói thêm: “Cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây, chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa!”. Dường nhưthánh nhân muốn nói: “Ngôi Lời đã nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”, và đã chịu chết theo xác phàm để tất cả chúng ta được sống. Chúng ta đã biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, nhưng từ nay chúng ta không còn biết Người như thế nữa. Mặc dù Người vẫn giữ lại xác phàm, bởi vì ngày thứ ba Người đã sống lại và ngự bên Chúa Cha trên trời, nhưng chúng ta vẫn hiểu rằng Người vượt trên xác phàm: Vì khi đã chết một lần, Người không còn chết nữa, cái chết không còn quyền chi đối với Người nữa. Quả vậy, Người đã chết là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ; nay Người sống là sống cho Thiên Chúa.

Nếu Đức Kitô, Đấng dẫn chúng ta đến sự sống, đã đạt tới tình trạng như thế, thì nhất thiết chúng ta cũng phải theo vết chân Người, để người khác thấy chúng ta sống không phải theo xác phàm, cho bằng vượt trên xác phàm. Vì thế, thánh Phaolô nói cách chí lý rằng: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi”. Quả vậy, chúng ta đã được nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Kitô, nên lời nguyền rủa chẳng có sức mạnh gì nữa. Người đã sống lại vì chúng ta sau khi giày xéo quyền lực tử thần. Nhờ vậy, chúng ta thực sự nhận biết Thiên Chúa theo đúng bản tính, và chúng ta thờ lạy Thiên Chúa trong thần khí và sự thật, nhờ Chúa Con là Đấng Trung Gian, Đấng ban tặng cho thế gian muôn vàn phúc lộc trên trời, từ nơi Chúa Cha.

Vì thế thánh Phaolô đã nói rất sâu sắc rằng: “Mọi sự đều do bởi Thiên Chúa, là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người”. Quả vậy, cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng như cuộc canh tân kèm theo đều không ngoài thánh ý Chúa Cha. Nhờ Đức Kitô, chúng ta được đến với Chúa Cha, như chính Người đã nói: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”, mọi sự đều do bởi Thiên Chúa, “là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải”.[20]

15. – Danh Ta thật cao cả giữa chư dân

Thời Đấng cứu độ chúng ta ngự đến, đã xuất hiện một Đền Thánh vinh quang hơn, huy hoàng hơn và cao trọng hơn bội phần so với đền thờ cũ. Càng thẩm định được sự khác biệt giữa phụng tự theo Luật cũ và phụng tự trong Đức Kitô theo tinh thần Tin Mừng, giữa hình bóng và thực tại, thì người ta càng thấy điều đó rõ ràng hơn.

Về điều này, tôi nghĩ có thể nói như sau: Xưa kia chỉ có một đền thờ và chỉ ở Giêrusalem mà thôi; trong đền thờ đó, một mình dân Ítraen tiến dâng hy lễ. Nhưng sau khi Con Một Thiên Chúa đã làm người như chúng ta – vì người là Đức Chúa, là Thượng Đế, Người giãi sáng trên ta – thì từ đó trái đất đầy dẫy những đền thánh, và có vô số những kẻ thờ phượng, biết tôn vinh Thiên Chúa của muôn loài bằng những nghi lễ và hương thơm thiêng liêng. Tôi thiết nghĩ đó là điều ngôn sứ Malakhi đã tiên báo nhân danh Thiên Chúa: “Chúa phán, Ta là đại vương, danh Ta thật cao cả giữa chư dân; ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính danh Ta”.

Vậy, vinh quang của đền thờ cánh chung, tức là Hội Thánh, thì lớn lao hơn; đó là điều có thật. Còn những ai lo lắng và vất vả xây dựng đền thờ này thì được Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, ban Đức Kitô làm sự bình an cho mọi người, làm tặng phẩm, làm món quà từ trời xuống, “nhờ Người chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha”. Thiên Chúa tuyên bố, với những người ấy khi nói: “Tại nơi này Ta sẽ ban tặng bình an”, bình an trong tâm hồn làm của riêng cho mọi người đóng góp xây dựng ngôi đền thờ này. Quả nhiên, nơi khác Đức Kitô cũng nói: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Điều này ích lợi cho những kẻ yêu mến Chúa thế nào thì thánh Phaolô đã nói: “Bình an của Đức Kitô, bình an vượt trên mọi hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng trí anh em”. Ngôn sứ Isaia là người khôn ngoan từng cầu nguyện rằng: “Lạy Đức Chúa, Ngài cho chúng con được an cư lạc nghiệp, vì hết mọi việc chúng con làm cũng nhờ Ngài mà được hoàn tất”, bởi lẽ những ai đã một lần được Đức Kitô thương ban bình an thì dễ giữ linh hồn mình và có thể hướng dẫn tâm trí tập tành nhân đức cho đến cùng. Vậy, Chúa tuyên bố sẽ ban bình an cho bất cứ ai góp phần vào việc xây dựng đền thờ. Quả thật, hoặc họ là kẻ xây dựng Hội Thánh và được đặt lên làm người khải đạo trong nhà Thiên Chúa, cũng gọi là kẻ giải thích các mầu nhiệm thánh; hoặc họ là kẻ lo cho lợi ích linh hồn mình mà trở thành viên đá sống động và thiêng liêng “vươn lên thành ngôi đền thánh, thành ngôi đền Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí”. Con người như thế hẳn sẽ được hưởng mối lợi là có thể đạt tới ơn cứu độ chẳng khó khăn gì.[21]

16. – Người bảo vệ chức làm mẹ Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ Maria

Tôi hết sức ngạc nhiên vì có một số người thực sự phân vân không biết có phải gọi Đức Maria là Thánh Mẫu Thiên Chúa hay không? Nếu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta là Thiên Chúa, thì thánh nữ Đồng Trinh đã sinh ra Người lại không được gọi là Thánh Mẫu Thiên Chúa hay sao? Các Thánh Tông Đồ đã truyền lại niềm tin này cho chúng ta, mặc dù các ngài không nhắc đến danh xưng ấy. Chúng ta đã được các bậc tiền bối thánh thiện dạy tin như thế. Quả vậy, ở tập ba trong tác phẩm viết về Ba Ngôi Thiên Chúa thánh thiện và đồng bản tính, Cha Athanaxio rất đáng kính nhớ của chúng ta, đã hơn một lần gọi Đức Trinh Nữ là Thánh Mẫu Thiên Chúa.

Ở đây tôi buộc phải dùng chính lời của người mà nói như sau: “Mục đích và đặc tính của Kinh Thánh, như chúng tôi vẫn thường nói, là cho thấy Đức Kitô, Đấng cứu độ chúng ta về cả hai phương diện: một đàng Người là Thiên Chúa và mãi mãi là Ngôi Lời, là ánh huy hoàng và sự khôn ngoan của Chúa Cha; đàng khác, trong thời sau hết này, chính Người, đã làm người vì chúng ta sau khi nhận lãnh thân xác từ Đức Trinh Nữ Maria Thánh Mẫu Thiên Chúa”.

Và dưới đó một chút, cha Athanaxiô lại viết: “Đã có vị thánh và những người không vấn vương tội lỗi, chẳng hạn ngôn sứ Giêrêmia đã được thánh hóa từ trong dạ mẹ, và ông Gioan Tẩy giả trước khi chào đời, đã nhảy mừng khi nghe lời chào của Đức Maria Thánh Mẫu Thiên Chúa”. Cha Athanaxiô thật là con người xứng hợp và rất đáng cho chúng ta bắt chước để mạnh dạn tin và vững tâm theo người, vì người không nói điều gì nghịch với Sách Thánh.

Hơn nữa, Kinh Thánh được Thiên Chúa linh hứng khẳng định rằng Ngôi Lời đã trở nên người phàm, nghĩa là đã kết hợp với một thân xác có linh hồn biết suy nghĩ. Vậy Ngôi Lời của Thiên Chúa đã chấp nhận làm con cháu của tổ phụ Abraham, và khi tạo ra cho mình một thân xác từ cung lòng một phụ nữ, Người đã mang lấy thân phận máu thịt của chúng ta, đến nỗi Người không chỉ là Thiên Chúa, mà còn hóa thành người phàm giống như chúng ta do sự kết hợp đó.

Như vậy, rõ ràng là nơi Đấng Emmanuen có hai yếu tố, đó là thần tính và nhân tính. Tuy thế, Chúa Giêsu Kitô chỉ là một; Người Con đích thực và đồng bản tính vừa là Thiên Chúa vừa là người, cũng chỉ là một. Người không phải là một con người được thần hóa, giống như những kẻ nhờ ân sủng mà được tham dự vào thần tính, nhưng Người là Thiên Chúa thật, đã xuất hiện trong hình thể con người, vì phần rỗi chúng ta, như thánh Phaolô đã quả quyết sau đây: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”.[22]

17. – Ca ngợi Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời

Đáp lời mời của Đấng trọn đời đồng trinh là Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, các nghị phụ đã hoan hỷ tề tựu nơi đây. Tôi thấy hội nghị thật vui mừng và phấn khởi. Vì thế, dù đang nặng lòng với nhiều nỗi phiền muộn, tôi cũng rất mừng được thấy các nghị phụ hiện diện nơi đây. Lúc này ứng nghiệm nơi chúng ta lời thánh ca êm dịu của vua Đavít: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay: anh em được sống vui vầy bên nhau”.

Kính lạy Chúa Ba Ngôi chí thánh nhiệm mầu. Chúa đã triệu tập mọi người chúng con lại trong ngôi thánh đường này, thánh đường dâng kính Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời.

Kính chào Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời. Mẹ là kho tàng đáng kính của cả hoàn vũ, là ngọn đèn không tắt, là triều thiên ân thưởng đức khiết trinh, là vương trượng tượng trưng cho giáo lý chân truyền, là đền thờ không hư nát, là nơi trú ngụ cho Đấng không nơi nào có sức chứa đựng, là mẹ mà vẫn là trinh nữ. Chính nhờ Mẹ mà “Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” đã được xưng tụng là “diễm phúc” như Tin Mừng viết.

Kính chào Mẹ. Nơi cung lòng khiết trinh thánh thiện, Mẹ đã cưu mang Đấng vô biên, Đấng mà các tầng trời cũng không chứa nổi. Nhờ Mẹ, Ba Ngôi chí thánh được tôn vinh và phụng thờ. Nhờ Mẹ, cây thập giá cao quý được kính tôn và phụng thờ. Nhờ Mẹ, trời cao nhảy mừng. Nhờ Mẹ, các thiên thần và tổng lãnh thiên thần hân hoan. Nhờ Mẹ, ma quỷ chạy trốn. Nhờ Mẹ, tên quỷ cám dỗ bị tống khứ ra khỏi trời. Nhờ Mẹ, thọ sinh sa ngã được cất nhắc về trời. Nhờ Mẹ, toàn thể thụ tạo vẫn nô lệ tà thần, nay nhận ra chân lý. Nhờ Mẹ, những người tin được lãnh nhận ơn thanh tẩy và đầy hoan lạc. Nhờ Mẹ, các cộng đoàn Hội Thánh được thiết lập trên khắp điạ cầu. Nhờ Mẹ, các dân ngoại được ăn năn trở lại.

Con phải nói gì nữa đây? Nhờ Mẹ mà ánh sáng của Con Một Thiên Chúa đã bừng chiếu soi “những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần!”. Nhờ Mẹ, các vua chúa được trị vì nhân danh Ba Ngôi cực thánh.

Vậy ai có thể ca ngợi Đức Maria cho xứng đáng? Mẹ là Đấng rất đáng ngợi khen. Chính Mẹ vừa là Mẹ, vừa là trinh nữ. Ôi lạ lùng biết bao! Tôi kinh ngạc sững sờ. Nào có ai nghe nói người xây dựng đền thờ lại bị cấm không được ở trong đền thờ chính mình đã kiến tạo? Ai dám chê trách Đấng cất nhắc nữ tỳ của mình lên làm mẹ?

Này đây vạn vật đang mừng rỡ hân hoan. xin cho chúng con được sùng bái và thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, được úy kính và phụng thờ Ba Ngôi bất khả phân ly khi chúng con ca ngợi Đức Maria trọn đời đồng trinh là đền thờ của Thiên Chúa, đồng thời ca ngợi Người Con và Đấng Phu Quân tinh tuyền của Mẹ. Chúa là Đấng vinh hiển muôn đời. Amen.[23]

 

 

 


[1] Hai châm ngôn của Ariô:

-1. “Đã có một thời không có Ngôi Lời (Logos)”.

– 2. “Ngài (Logos) đã được kéo ra (tiré) từ hư vô (néant)”. Nghĩa là Ngôi Lời là một thụ tạo (créature) của Chúa Cha, dược dựng nên từ hư vô nhưng là thụ tạo cao trọng nhất, để làm dụng cụ cho việc tạo dựng các hữu thể khác, vì Thiên Chúa tuyệt đối siêu việt không thể liên hệ trực tiếp với thế giới vật chất được. Logos có biến dịch tức có thay đổi và phát triển, không đồng bản tính với Chúa Cha, mà chỉ kết hợp với Ngài bằng ý chí; được nâng lên hàng Con Thiên Chúa do một ơn đặc biệt, vì Thiên Chúa thấy trước những công nghiệp của Ngài. Vì thế có thể được gọi là Con Thiên Chúa, nhưng gọi thế là không thích đáng (impropre) mà là chỉ theo nghĩa luân lý (moral) thôi.

[2] Thuyết này chủ trương Đức Kitô không có một linh hồn có lý trí hay tinh thần (nous), mà chỉ có con người xác thịt (sarx) của chúng ta và một giác hồn. Logos giữ vai trò linh hồn hay lý trí nơi Ngài.

[3] Như đã nói, chữ Hypostase thời này còn rất nghi nghĩa, trường phái Antioche hiểu chữ này tương đương với chữ natura, physis (bản tính) trong khi Alexandrie lại thường hiểu theo nghĩa personne (ngôi vị).

[4] F. Cayré, lại gọi tác phẩm này là: “Contre les évangiles et contre les chrétiens”.

[5] PG 75, 580C.

[6] Trésor 32, PG 75, 561 BC.

[7] Dial. Sur Trinité 6 PG 75. 1061D- 1064A.

[8] Cyrille, Lettre 5, PG, 52B-56B, trad. P. Th Camelot, Ephèse et Chalcédoine, Paris, 1962, pp. 195-197.

[9] Cyrille, Lettre 4, PG 77, 45B-48C. Trad. P. Th. Camelot. Ibid. pp. 192-194 revue.

[10] Cyrille, Lettre 17, PG 77, 116AC et 120C, ibid. pp. 203-204 et 106.

[11] Trad. P. Th. Camelot, Ibid. pp. 53 et 208.

[12] PG 77, 179B dịch theo P. Th. Camelot, Ephèse et Chalcédoine, p.214.

[13] Nestorius, Le livre d’Héraclide de Damas, fin, trac. Fr Nau, Paris 1910, pp. 327.

[14] Comm. sur Jean XI, 10 (Jean 17, 18-19), PG 74, 541B-544A, trad. J. Linébaert revue.

[15] Comm. sur Jean XI, 11 (Jean 17, 20-21) PG 74, 560AD.

[16] Dial. sur la Trinité 1. SC n0 231, pp. 193-195, trad. G. Matthieu de Durant.

[17] Chú giải Phúc âm Gioan, Lib. 5, Cap. 2: PG. 73, 751-754.

[18] Chú giải Phúc Am Thánh Gioan Lib. 11, 11: PG 74, 559-562.

[19] Chú giải Phúc Âm Gioan, Lib. 12,1: PG. 74, 707-710.

[20] Giải thích Thư II Cor., Cap. 5, 5-6, 2: PG. 74, 942-943.

[21] Chú giải sách tiên tri Haggai, Cap. 14: PG. 71, 1047-1050.

[22] Epist. 1: PG. 77, 14-18. 27-30.

[23] Hom. 4: PG. 77, 991. 995-996.