Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – Bài 20: Thần Khí và Tân Nương nói: “Xin Ngài ngự đến!”

Administrator
2019-11-30 15:23 UTC+7 26
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh Bài 20: Thần Khí và Tân Nương nói: “Xin Ngài ngự đến!” Giáo Hội nhờ ân sủng của Thiên Chúa được chuẩn bị cho việc trở thành hiền thê của Đức Kitô. Hôm nay, ngày 8 tháng Giêng, trong bài giáo lý nói về Giáo Hội, Đức Thánh […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 20: Thần Khí và Tân Nương nói: “Xin Ngài ngự đến!”

Giáo Hội nhờ ân sủng của Thiên Chúa được chuẩn bị cho việc trở thành hiền thê của Đức Kitô. Hôm nay, ngày 8 tháng Giêng, trong bài giáo lý nói về Giáo Hội, Đức Thánh Cha bàn về chiều kích lịch sử và sự hoàn thành trong thời cánh chung của tình yêu hôn nhân mà Giáo Hội dành cho Đức Kitô.

1. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta “Đức Kitô yêu thương Giáo Hội và hiến mình vì Giáo Hội” (Ep 5,25). Mầu nhiệm tình yêu hôn nhân của Đấng Cứu Chuộc với Giáo Hội là chân lý nền tảng của đạo lý mà Thánh Phaolô nói về Giáo Hội, một lần nữa được thánh Gioan nhắc lại trong sách Khải Huyền khi ngài nói về tân nương của con chiên: “Lại đây, tôi sẽ chỉ cho thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên” (Kh 21,9). Thánh Gioan đã diễn tả sự chuẩn bị như sau: “Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng, nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền. (vải gai đại diện cho những việc công chính của người thánh)…Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!” (Kh 19,7-9). Hình ảnh đám cưới và bữa tiệc lại xuất hiện trong quyển sách Cánh chung này, trong đó Giáo Hội được xem như đạt tới tình trạng viên mãn trong thiên quốc. Nhưng không có một Giáo Hội khác, cũng chỉ là một Giáo Hội đó mà thôi. Giáo Hội đó cũng là Giáo Hội mà Đức Giêsu đã có ý nói đến khi ví Người chính là Chàng rể; Giáo Hội đó cũng là Giáo Hội mà thánh Phaolô đã nói khi ngài nhớ lại sự hy sinh mà Đức Giêsu dành cho hiền thê; và đó cũng là Giáo Hội mà thánh Gioan đã nói như hiền thê của Con Chiên chịu hiến tế. Đất và trời, thời gian và tận cùng được hợp nhất trong thị kiến siêu việt về mối liên hệ giữa Đức Giêsu và Giáo Hội.

2. Trên hết, tác giả sách Khải huyền mô tả Hiền thê Giáo Hội như món quà từ trời. Hiền thê của Con Chiên (xc. Kh 21,9) được xác định là “thành thánh Giêrusalem từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa” (Kh 21,10-11), như “Giêrusalem mới…sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21,2). Nếu trong thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô giới thiệu Đức Giêsu như Đấng Cứu Chuộc được ban tặng như món quà dành cho hiền thê là Giáo Hội, thì trong sách Khải huyền, thánh Gioan diễn tả hiền thê Giáo Hội, hiền thê của Con Chiên được nhận và tham dự vào nguồn thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa. Trong sách Khải huyền, khía cạnh đi xuống này của mầu nhiệm Giáo Hội chiếm ưu thế. Món quà từ trên ban xuống được diễn tả không chỉ trong khởi điểm lễ Phục Sinh và lễ Ngũ Tuần mà còn trong suốt cuộc hành trình đức tin. Israel dân của giao ước cũ cũng đã đi trên hành trình đó. Tội nặng nề nhất của dân Israel là đã bội phản niềm tin qua việc không chung thủy với Thiên Chúa là Đấng đã chọn và yêu thương dân như hiền thê của mình. Về phần Giáo Hội, dân mới của Thiên Chúa, bổn phận phải trung thành với niềm tin còn mãnh liệt hơn nữa và sẽ kéo dài mãi cho đến tận thế. Chúng ta đọc được trong hiến chế tín lý về Giáo Hội của công đồng Vaticanô II những lời như sau: “Giáo Hội là trinh nữ, giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đã hiến cho Phu Quân. Noi gương Mẹ Chúa mình và nhờ thần lực của Thánh Thần, Giáo Hội gìn giữ cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy bền vững và một đức mến chân thành (LG 64). Đức tin là nền tảng điều giả định trước của tình yêu hôn nhân mà Giáo Hội tiếp tục cuộc lữ hành bắt đầu nơi Đức Trinh nữ Maria.

3. Thánh Tông đồ Phêrô, khi đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi, đã tuyên xưng niềm tin trọn vẹn vào Đức Giêsu. Trong thư thứ nhất của mình, ngài viết: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin” (1Pr 1,8). Theo thánh Phêrô, niềm tin vào Đức Giêsu không chỉ là việc chấp nhận một sự thật, một chân lý mà còn là việc có tương quan tới một Ngôi Vị trong thái độ cởi mở và tình yêu. Theo nghĩa này, lòng trung thành xuất phát từ đức tin, cũng là bằng chứng của tình yêu. Tình yêu này được Đức Giêsu thôi thúc và nhờ Người mà đến và yêu Thiên Chúa Cha “hết lòng hết dạ, hết linh hồn và hết sức lực” đó là điều răn trước hết và quan trọng nhất của luật cũ (xc. Đnl 6,4-5). Chính Đức Giêsu cũng đã xác nhận và củng cố điều răn quan trọng này (xc. Mt 12,28-30).

4. Nhờ tình yêu đã được nghe biết từ Đức Giêsu và các thánh tông đồ, được hướng dẫn và hoạt động nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Giáo Hội là hiền thê “giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đã hiến cho Phu Quân” (LG 64) và Giáo Hội không thể tách rời Đấng Phu Quân. Giáo Hội không thể “không trung thành” với Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu Kitô khi thông ban cho Giáo Hội Thần Khí của mình thì cũng đồng thời thiết lập một mối dây liên kết bất khả phân ly với Giáo Hội. Công đồng Vatican II cũng lưu ý, hình ảnh Giáo Hội được kết hợp bền vững với Đức Giêsu – vị Phu Quân của Giáo Hội, cũng được tìm thấy nơi cuộc sống đặc trưng của những tu sĩ là những người đã được thánh hiến cho Thiên Chúa bởi lời khấn hay qua những ràng buộc thánh khác tương tự như lời khấn dòng. Vì lý do này, đời sống các tu sĩ chiếm một vị trí thiết yếu trong đời sống Giáo Hội (LG 44).

5. Tuy nhiên, Giáo Hội là tổ chức xã hội được thiết lập trên trần gian cũng bao gồm cả những tội nhân. Công đồng Vatican II đã nhận thức rõ về sự thật này khi nói: “Giáo Hội ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân” (LG 8). Từ đó, Giáo Hội cố gắng để sống trong sự thật. Dĩ nhiên, Giáo Hội sống trong sự thật nhờ công trình cứu chuộc của Đức Giêsu và nhờ chân thành thú nhận tội lỗi của con người. Giữa những thử thách và đau khổ trong hành trình lịch sử của mình, Giáo Hội “vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban, để cho dù với xác thịt yếu hèn, Giáo Hội vẫn không đánh mất sự trung tín hoàn toàn, nhưng vẫn luôn là Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, và không ngừng cánh tân, tự đổi mới chính mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến khi qua Thập giá đạt đến ánh sáng không hề tắt” (LG 9). Bằng cách này, hình ảnh khải huyền của thành thánh từ trời ngự xuống được hiện thực hóa trong Giáo Hội, như hình ảnh của một dân đang trên đường lữ hành.

6. Theo cách này, Giáo Hội hướng tới mục tiêu cách chung, nhận thức đầy đủ về cuộc hôn nhân của mình với Đức Giêsu được miêu tả trong sách Khải Huyền, và hướng tới giai đoạn chung cuộc của lịch sử.

Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 6, đã viết: “Giáo Hội đang khi lữ hành trên mặt đất này còn cách xa Thiên Chúa (xc. 2Cr 5,6), Giáo Hội thấy mình như kẻ tha hương, nên luôn tìm kiếm ước ao những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa, nơi sự sống của Giáo Hội được ẩn dấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa, chờ đợi ngày được xuất hiện cùng với Phu Quân trong vinh quang (xc. Cl 3,1-4)” (LG 6).

Do đó, cuộc lữ hành trên trần gian này của Giáo Hội là một hành trình đầy hy vọng và được diễn tả bằng những từ ngữ trích từ sách Khải Huyền: “Thần Khí và Tân Nương nói: Xin Ngài ngự đến!” (Kh 22,17). Đoạn văn cuối cùng của Kinh thánh Tân ước này dường như là lời chứng thực, xác nhận về đặc tính hôn nhân trong tương quan của Giáo Hội với Đức Kitô.

7. Trong ánh sáng này, chúng ta hiểu rõ hơn những gì Công đồng nói: “Giáo Hội” giống như một người xa lạ ở trong một vùng đất xa lạ, luôn tiến về phía trước giữa những cuộc bánh hại của thế gian và được Thiên Chúa an ủi” (xc. St. Augustine, De Civitate Dei, XVIII, 51, 2: PL 41, 614) loan truyền Đức Kitô đã chịu chết trên thập giá cho tới ngày Chúa đến (xc. 1Cr 11,26). “Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Đấng phục sinh, để toàn thắng các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương và kiên trì, và trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn giấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết.” (LG 8).

Theo nghĩa này, “Thần Khí và Tân Nương nói: “Xin Ngài ngự đến!”