Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – Bài 23: Giáo Hội sống mầu nhiệm hiệp thông

Administrator
2019-12-03 15:33 UTC+7 22
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh Bài 23: Giáo Hội sống mầu nhiệm hiệp thông Việc chia sẻ tinh thần cũng như của cải vật chất trong cộng đoàn là dấu hiệu của mối giao hảo phát xuất từ sự hiệp thông trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Thứ Tư ngày 5 […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 23: Giáo Hội sống mầu nhiệm hiệp thông

Việc chia sẻ tinh thần cũng như của cải vật chất trong cộng đoàn là dấu hiệu của mối giao hảo phát xuất từ sự hiệp thông trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Thứ Tư ngày 5 tháng Hai, tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội, Đức Thánh Cha chia sẻ về tình hiệp thông của Giáo Hội, trong giai đoạn sau sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống.

1. Trước thời điểm lễ Ngũ Tuần, chúng ta đã tìm thấy những nét phác họa đầu tiên của một cộng đoàn mà sau này chúng ta gọi là Giáo Hội. “Giáo Hội hiệp thông” được hình thành từ những lời hiệu triệu trực tiếp đón nhận từ chính Đức Giêsu trước khi Người được rước về trời trong sự mong đợi ngày hiện xuống của Đấng An Ủi. Cộng đoàn tiên khởi này đã thủ đắc những yếu tố nền tảng, những yếu tố này sẽ được củng cố và tỏ rạng sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta biết: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42) và tại một chỗ khác, thánh Luca viết tiếp: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Những lời này diễn tả cách rõ ràng và cụ thể nhất nội dung của việc hiệp thông hoặc Giáo Hội hiệp thông. Tại đền thờ Giêrusalem, những lời rao giảng của các thánh Tông đồ cùng với lời cầu nguyện chung đã tạo nên sự đồng tâm nhất trí nơi các môn đệ Đức Kitô – “một lòng một ý.” (xc. Cv 2,46)

2. Để đạt được sự hiệp nhất này, yếu tố quan trọng cần đề cập đến là việc cầu nguyện. Đặc biệt trong những lúc khó khăn, lời cầu nguyện là linh hồn của việc hiệp thông. Chúng ta đọc thấy, thánh Phêrô và Gioan, sau khi được thả về, ra khỏi Thượng Hội đồng, “hai ông đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông. Nghe vậy, họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa: ‘Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó” (Cv 4,23-24). “Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.” (Cv 4,31). Ngay lập tức, Đấng An Ủi đã lắng nghe, đáp lại lời cầu nguyện chung của các Tông đồ. Lời cầu nguyện chung của các thánh Tông đồ gần như là một sự tròn đầy luôn mãi của ngày lễ Ngũ Tuần.

Thêm nữa, sách Tông đồ Công vụ cho ta thấy: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.” (Cv 2,46). Ngay thời điểm đó, mặc dù nơi cầu nguyện của họ vẫn tại đền thờ Giêrusalem, nhưng họ cũng đã cử hành bí tích Thánh Thể “trong tư gia” với niềm vui cộng đoàn.

Ý nghĩa của việc hiệp thông này lớn đến độ đã thúc đẩy họ chia sẻ tài sản vật chất riêng của mỗi người vì những nhu cầu chung của cộng đoàn. “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”. Điều đó không có nghĩa họ từ chối những tài sản vật chất riêng (tài sản cá nhân) nhưng thực ra đơn thuần họ biểu lộ tình huynh đệ đối với nhu cầu của anh em khác. Điều này được chứng mình bằng những lời của thánh Phêrô đối với trường hợp Khanania và Xaphira gian lận (xc. Cv 5,4).

Rõ ràng, từ những điều đã được ghi lại trong sách Tông đồ Công vụ và những bản văn Tân ước khác, chúng ta thấy được cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi là cộng đoàn, trong đó, các tín hữu đã chia sẻ với nhau những của cải vật chất mà họ có được, đặt biệt là vì lợi ích của những người khốn khổ nhất.

3. Thậm chí, việc chia sẻ huynh đệ còn nhiều hơn khi áp dụng vào trường hợp kho tàng chân lý mà họ đã lãnh nhận và thủ đắc. Ở đây, đó là một vấn đề về tài sản thiêng liêng sẽ được chia sẻ, truyền đạt, phổ biến và rao giảng – như các thánh Tông đồ đã dạy qua lời giảng dạy và minh họa: “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20). Vì vậy, các Tông đồ đã rao giảng và Thiên Chúa đã xác nhận lời họ giảng. “Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ” (Cv 5,12).

Thánh Tông đồ Gioan đã diễn tả mục đích hoạt động và bổn phận của các Tông đồ được ghi lại trong thư thứ nhất của mình: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3). Những lời trên đây giúp chúng ta nhận ra rằng các Tông đồ (và những cộng đoàn tiên khởi do các ngài lập) có được sự hiệp thông Ba Ngôi. Chính sự hiệp thông này thúc đẩy sứ vụ truyền giáo nơi Giáo Hội và cũng chính điều này làm cho giáo Hội được phát triển cách mạnh mẽ (Giáo Hội hiệp thông).

Người ta nhận thấy chính Đức Giêsu là trung tâm và là cửa ngõ của sự hiệp thông này. Thánh Gioan viết rằng: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi” (1Ga 1,1-2). Về phần mình, thánh Phaolô đã viết trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Côrintô: “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 1,9)

4. Thánh Gioan nhấn mạnh đến sự hiệp thông với Đức Kitô trong sự thật. Với thánh Phaolô, ngài đề cập đến sự hiệp thông bằng cách đưa mọi người chú ý tới khía cạnh “thông phần những khổ đau của Đức Kitô” và trình bày sự hiệp thông trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, có nghĩa là nhờ cuộc vượt qua từ hiến tế trên thập giá để tỏ lộ “quyền năng của Đấng Phục Sinh” (Pl 3,10)

Trong thời Giáo Hội tiên khởi lẫn trong mọi thời, sự hiệp thông với mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô trở thành nguồn mạch của mọi hiệp thông hỗ tương: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12,26). Điều này dẫn đến khuynh hướng trao tặng qua lại, bao gồm cả những tặng phẩm vật chất mà thánh Phaolô khuyên mọi người nên dành cho người nghèo như thể thực hiện một sự đền bù nào đó trong sự cân bằng tình yêu giữa việc cho đi nơi người có điều kiện và việc đón nhận của người thiếu thốn: “Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều” (2Cr 8,14). Theo thánh Phaolô, việc cho và nhận diễn ra đồng thời trong cùng một người. Hành động này không chỉ giúp xã hội ngang bằng hơn (xc. 2Cr 8,14-15) nhưng còn giúp xây dựng Thân mình Giáo Hội. “Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.” (Ep 4,16). Và thông qua việc cho đi và đón nhận này, Giáo Hội cũng được nhìn nhận là cộng đoàn hiệp thông.

5. Trong mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Kitô luôn luôn là nguồn gốc mọi sự. Theo những gì thánh Gioan ghi lại, chính Đức Giêsu đã so sánh nỗi đau của một người mẹ sắp sinh con với niềm vui khôn tả sau khi đã “vượt qua” hạ sinh: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.” (Ga 16,21) Bản văn này cũng được liên tưởng đến nỗi đau nơi Mẹ Maria trên đồi Calvary, khi mẹ “tiên trưng” và gồm tóm Giáo Hội trong chính bản thân bằng cách “vượt qua” nỗi đau của cuộc khổ nạn, đi đến niềm hạnh phúc phục sinh. Chính Đức Giêsu đã áp dụng cách nói ẩn dụ này cho các môn đệ và Giáo Hội của Người: “Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22).

6. Để đạt được sự hiệp thông, để nuôi dưỡng cộng đoàn được quy tụ trong Đức Kitô, Chúa Thánh Linh tiếp tục cư ngụ trong Giáo Hội, để nơi Giáo Hội có sự “tham dự vào Thánh Linh” (hiệp thông Thần Khí) như điều thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Philliphê (xc. Pl 2,1). Nói cách chính xác, nhờ việc “tham dự vào Thánh Linh” việc trao ban những của cải vật chất cũng thuộc lĩnh vực mầu nhiệm và nâng lên thành tổ chức của Giáo Hội và gia tăng tình hiệp thông, kết quả là “lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu” (xc. Ep 4,15).

Chính nhờ Người với Người và trong Người – Đức Kitô – nhờ vào Thánh Thần ban sự sống, Giáo Hội được nhận biết như một thân thể “các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình” (Ep 4,16). Từ kinh nghiệm về sự hiệp thông của các tín hữu tiên khởi, thánh Phaolô đã đưa ra những lời giáo huấn của mình về Giáo Hội như thân thể với Đầu là Đức Kitô.