Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – Bài 28: Bí tích Thánh Thể là nguồn sống của Giáo Hội

Administrator
2019-12-08 15:00 UTC+7 29
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh Bài 28: Bí tích Thánh Thể là nguồn sống của Giáo Hội Nơi bí tích Thánh Thể, Kitô hữu nhận được sức mạnh thiêng liêng cần thiết để hiến dâng cuộc sống của mình cho Thiên Chúa Cha, nên một với hy tế của Đức Kitô. Tại buổi […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 28: Bí tích Thánh Thể là nguồn sống của Giáo Hội

Nơi bí tích Thánh Thể, Kitô hữu nhận được sức mạnh thiêng liêng cần thiết để hiến dâng cuộc sống của mình cho Thiên Chúa Cha, nên một với hy tế của Đức Kitô. Tại buổi tiếp kiến chung ngày 8 tháng Tư, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội của mình với chủ đề: Bí tích Thánh Thể trong đời sống của Giáo Hội, cộng đoàn tư tế.

1. Theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, chân lý về Giáo Hội – cộng đoàn tư tế – được hiện thực hóa nơi các Bí tích và đặc biệt nơi bí tích Thánh Thể. Chúng ta đọc trong hiến chế Lumen Gentium của công đồng Vatican II rằng: tín hữu tham dự vào Bí tích Thánh Thể – suối mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu… họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ (LG 11). Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Kitô hữu bởi vì bất cứ ai chia sẻ trong đó đều nhận được sự thúc đẩy và sức mạnh để sống như một Kitô hữu đích thực. Sự hi sinh của Đức Kitô trên thập giá thông truyền cho những ai tin vào Chúa động lực của tình yêu quảng đại của Người. Bàn tiệc Thánh Thể nuôi dưỡng Kitô hữu bằng Mình và Máu Thánh của Con Chiên Thiên Chúa đã hi sinh vì chúng ta và ban cho người tín hữu sức mạnh để “dõi bước theo Đức Kitô.”(1Pr 2,21) Bí tích Thánh Thể là đỉnh cao của toàn bộ đời sống Kitô hữu bởi vì mang đến cho tất cả các tín hữu đời sống cầu nguyện và những việc lành, niềm vui và những đau khổ. Hướng các tín hữu đến sự hy sinh cao cả và trọn vẹn của Đức Kitô. Vì vậy, các tín hữu được thánh hóa hoàn toàn và được nâng lên với Thiên Chúa trong một hành vi thờ phượng hoàn hảo và đưa tín hữu vào sự thân mật thiêng liêng (xc.Ga 6,56-57). Sau đó, như Thánh Thomas Aquinô viết rằng: Bí tích Thánh Thể là đỉnh điểm của đời sống tâm linh và cùng đích của tất cả các Bí tích. (ST III, q.66, a.6)

2. Thánh Tôma Aquinô – Tiến sĩ thiên thần – cũng lưu ý với chúng ta rằng: hiệu quả nơi bí tích Thánh Thể là sự hiệp nhất của nhiệm thể Giáo Hội, mà nếu không có nó thì không thể có ơn cứu rỗi. Do đó, cần phải lãnh nhận bí tích Thánh Thể ít là bằng lòng muốn để được cứu độ.(ST III, q.73, a.1, ad 2) Những điều này lặp lại tất cả những gì chính Chúa Giêsu nói về sự cần thiết của Bí tích Thánh Thể đối với đời sống Kitô hữu: “Thật, Ta bảo thật các người, nếu ngươi ăn thịt của Con Người và uống Máu Người, người sẽ không có sự sống đời đời. Ai ăn thịt và uống máu Người sẽ có sự sống đời đời, và Ta sẽ nâng người đó lên trong ngày sau hết”(Ga 6,53-54). Theo những lời này của Đức Giêsu, Bí tích Thánh Thể là một lời cam kết phục sinh sẽ đến, nhưng chính bí tích Thánh Thể đã là nguồn sống vĩnh cửu trong thời gian. Đức Giêsu không nói rằng “sẽ có sự sống đời đời” nhưng Người nói rằng “đã có sự sống đời đời”. Qua lương thực của Bí tích Thánh Thể, sự sống đời đời của Đức Kitô thâm nhập và tuôn chảy trong đời sống của con người.

3. Bí tích Thánh Thể đòi hỏi sự tham gia của các tín hữu trong Giáo Hội. Theo Công đồng Vatican II: “Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách lộn xộn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ (LG 11). Sự tham dự là chung cho toàn thể dân tư tế, những người đã được phép kết hiệp với nhau để dâng lễ và hiệp lễ. Nhưng việc tham dự này cũng tùy theo điều kiện của các tín hữu trong Giáo Hội, phù hợp với quy định của bí tích. Linh mục có một vai trò đặc biệt trong việc cử hành bí tích. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa vai trò của tư tế cộng đồng bị loại bỏ. Chức linh mục là một thừa tác vụ đặc biệt, Chúa Kitô uỷ thác cho các tông đồ cử hành Bí tích Thánh Thể để tưởng nhớ Người, bằng cách thiết lập chức năng tư tế thừa tác trong Bí tích truyền chức thánh, trao tặng cho hàng Giám mục và Linh mục (và Phó tế phục vụ bàn thờ)

4. Mục đích sứ vụ linh mục là tập hợp dân Thiên Chúa: “Tất cả những ai thuộc về dân này một khi đã được Chúa Thánh Thần thánh hóa, sẽ tự hiến làm “lễ vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1) (Sắc Lệnh Về Chức Vụ Và Ðời Sống Các Linh Mục – PO 2). Như chúng ta đã trình bày trong những bài giáo lý trước, nếu chức tư tế cộng đồng là dâng hiến lễ tế thiêng liêng, thì mọi tín hữu có thể làm nên của lễ này vì họ được thánh hóa bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần, Đấng làm sinh động sự hiến tế của Đức Kitô trên thánh giá (xc. Hr 9,14) sẽ làm cho hy tế các tín hữu trở nên sống động.

5. Theo bản văn Công đồng Vatican II, tác vụ linh mục hướng đến việc dâng lễ tế và được thành toàn trong chính hiến lễ ấy. “Chính qua thừa tác vụ của các linh mục, lễ tế thiêng liêng của các tín hữu được hoàn tất vì kết hợp với hy tế của Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất; hy tế được hiến dâng cách bí tích và không đổ máu trong mầu nhiệm Thánh thể, được cử hành nhờ tay các linh mục, nhân danh Giáo Hội, cho tới khi Chúa lại đến” (PO 2). Như chúng ta đã nói trong bài giáo lý trước, để chịu phép Rửa Tội và Thêm Sức, Kitô hữu cần hội đủ những điều kiện để lãnh nhận “như thể đó là cần phải có” trong phụng tự. Phụng tự là trung tâm và đỉnh cao của hi tế của Đức Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Nhưng việc cử hành Bí tích Thánh thể đòi hỏi sự tham gia của một thừa tác viên được truyền chức hợp pháp. Việc dâng lễ được thực hiện trong hành vi thánh hóa bởi linh mục nhân danh Đức Giêsu. Bằng cách này, chức linh mục góp phần thể hiện đầy đủ chức tư tế phổ quát. Như bản văn công đồng đã nhắc lại những điều thánh Augustine đã nói đến, sứ vụ của các linh mục có ý nghĩa này là: “làm cho toàn thể thành đô đã được cứu chuộc, toàn thể công hội và cộng đoàn các thánh, trở nên hiến lễ của toàn thể hoàn vũ dâng lên Thiên Chúa nhờ vị Thượng Tế, Đấng đã tự hiến thân mình vì chúng ta trong cuộc khổ nạn, để chúng ta trở nên Thân Thể của Người – Đầu vô cùng cao cả”. (T. Augustinô, De Civilites Dei, 10, 6: PL 41, 284) (PO 2)

6. Sau khi việc hiến tế được cử hành, bí tích Thánh Thể được tiếp tục với phần hiệp thông Thánh Thể nghĩa là chuẩn bị cho tín hữu được lãnh nhận sức mạnh thiêng liêng cần thiết để phát triển đầy đủ “chức tư tế”, và đặc biệt là dâng tất cả những hy sinh trong cuộc sống hàng ngày của mọi tín hữu. Chúng ta đọc trong sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục những lời như sau: “linh mục hãy dạy cho các tín hữu biết dâng lên Chúa Cha lễ vật chí thánh và hợp dâng vào đó lễ vật đời mình.” (PO 5) Có thể nói rằng, theo ý định của Đức Giêsu trong việc Ngài thiết lập giới răn yêu thương mới trong Bữa Tiệc Ly, sự hiệp thông Thánh Thể cho phép những người thụ lãnh đi đến việc thực hành: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34 ; 15,12).

7. Tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể sẽ làm chứng cho sự hiệp nhất của cộng đoàn, điều này đã được Công đồng Vatican II nhắc đến trong hiến chế Lumen Gentium: “Được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, người Kitô hữu biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này” (LG 11)

Chân lý đức tin này đã được thánh Phaolô nhắc đến và Giáo Hội đã thừa hưởng nó. Thánh Phaolô viết như sau: “Khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1Cr 10,16-17) Đó là lý do tại sao thánh Tôma Aquinô nhìn nhận rằng bí tích Thánh Thể như là Bí tích hiệp nhất của một thân thể nhiệm mầu. (ST III, q.72, a.3) Chúng ta tóm kết bài giáo lý hôm nay về Bí tích Thánh thể bằng cách nhấn mạnh rằng, nếu hiệp thông Thánh Thể là dấu hiệu hữu hiệu của sự hiệp nhất, thì nơi bí tích Thánh Thể sẽ mang lại cho các tín hữu một sự thúc đẩy liên tục mới mẻ cho tình yêu và sự giao hòa, và sức mạnh thiêng liêng cần thiết cho việc gìn giữ sự hiểu biết tốt đẹp về những mối liên hệ trong gia đình và Giáo Hội.