Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 45: ĐỨC KITÔ XÂY DỰNG HỘI THÁNH TRÊN PHÊRÔ

Administrator
2020-01-06 15:18 UTC+7 29
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 45: ĐỨC KITÔ XÂY DỰNG HỘI THÁNH TRÊN PHÊRÔ Sứ vụ của Đức Thánh Cha đặt nền trên lời ủy thác mà Simon Phêrô đã lãnh nhận từ chính Đức Giêsu sau khi ông tuyên xưng đức tin. Trong buổi Tiếp kiến chung ngày thứ Tư, 25 […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 45: ĐỨC KITÔ XÂY DỰNG HỘI THÁNH TRÊN PHÊRÔ

Sứ vụ của Đức Thánh Cha đặt nền trên lời ủy thác mà Simon Phêrô đã lãnh nhận từ chính Đức Giêsu sau khi ông tuyên xưng đức tin.

Trong buổi Tiếp kiến chung ngày thứ Tư, 25 tháng Mười Một, Đức Thánh Cha đã bàn về sứ vụ của Giáo hoàng trong Giám mục đoàn. Bài giáo lý này là bài thứ 45 trong loạt bài bàn về mầu nhiệm Hội Thánh. Đức thánh cha nói bằng tiếng Ý.

1. Chúng ta thấy rằng, theo giáo huấn của Công đồng – một bản tóm tắt về giáo lý truyền thống của Hội Thánh – tồn tại một “hàng Giám mục là những người kế vị Tông đồ đoàn trong việc huấn giáo và điều hành mục vụ”; và thực sự, tập đoàn Giám mục này, với vai trò “kế vị Tông đồ đoàn, cùng với vị thủ lãnh là Giá́m mục Rôma, và không bao giờ tách rời khỏi ngài, có quyề̀n hành trọn vẹn và tố́i cao trên Hội Thánh phổ quát, nhưng quyền bính này chỉ có thể̉ đượ̣c thực thi khi có sự ưng thuậ̣n của Giám mục Rôma” (Lumen gentium, số 22).

Đoạn văn này của Công đồng Vatincan II nói cho chúng ta về sứ vụ Phêrô được thực thi trong Hội Thánh nhờ Giám mục Rôma trong vai trò là Thủ lãnh của Giám mục đoàn. Loạt bài giáo lý mà hôm nay chúng ta bắt đầu sẽ được dành cho điểm giáo lý Công giáo quan trọng và ý nghĩa này. Chúng tôi muốn đưa ra một sự giải thích rõ ràng và hợp lý về giáo huấn này, trong đó cảm giác bất xứng cá nhân xen lẫn với cảm thức trách nhiệm bắt nguồn từ lời ủy thác của Đức Giêsu cho thánh Phêrô, và cụ thể, từ câu trả lời của Thầy chí thánh trước lời tuyên tín của thánh nhân ở vùng Xêsarê Philipphê (Mt 16,13-19).

2. Chúng ta hãy xem lại bản văn và bối cảnh của cuộc đối thoại quan trọng này mà thánh sử Mátthêu truyền lại cho chúng ta. Sau khi hỏi “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16,13), Đức Giêsu hỏi trực tiếp các Tông đồ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15). Điều đáng lưu tâm là ông Simon trả lời nhân danh Nhóm Mười Hai rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,13-16). Người ta có thể nghĩ rằng, Simon tự mình làm phát ngôn viên cho Nhóm Mười Hai do tính cách mạnh bạo và bốc đồng của mình. Có thể yếu tố này tác động ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại cho rằng câu trả lời của ông là sự mạc khải của Cha trên trời: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải máu thịt mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17). Vượt lên trên và vượt xa các yếu tố về tính khí, tính cách, dân tộc hay địa vị xã hội (“thịt và máu huyết”), Simon là người được hưởng sự soi sáng và linh hứng từ trên cao mà Đức Giêsu xác định là “mạc khải”. Và nhờ sự mạc khải ấy, Simon tuyên xưng niềm tin nhân danh Nhóm Mười Hai.

Tên mới cho Simon biểu thị sứ vụ mới

3. Đây là lời tuyên bố của Đức Giêsu, và trong hình thức rất trang trọng, nó thể hiện một ý nghĩa mang tính ràng buộc và thiết định mà Thầy muốn trao tặng: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô” (Mt 16,18). Lời tuyên bố này thực sự trang trọng: “Thầy bảo cho anh biết”. Lời này liên quan đến uy quyền tối cao của Đức Giêsu. Đây là lời mạc khải, một mạc khải hữu hiệu ở chỗ nó thành toàn những điều nó nói.

Một tên mới được đặt cho ông Simon là dấu chỉ cho một sứ mạng mới. Việc đặt tên này cũng được thánh Máccô (3,16) và thánh Luca (6,14) khẳng định trong trình thuật chọn lựa Nhóm Mười Hai. Thánh Gioan cũng nói về điều này khi kể kể sơ qua là Đức Giêsu đã dùng từ “Kêpha” trong tiếng Aram, mà dịch sang tiếng Hy Lạp là “Phêrô” (Ga 1,42).

Chúng ta nên nhớ rằng, từ “Kêpha” trong tiếng Aram mà Đức Giêsu sử dụng, cũng như từ “Phêrô” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “tảng đá”. Trong Bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã đưa ra gương mẫu của “người khôn ngoan xây nhà trên đá” (Mt 7,24). Giờ đây, khi nói với Simon, Đức Giêsu tuyên bố rằng, vì đức tin của ông là món quà Thiên Chúa ban, ông có được sự vững chắc của đá mà trên đó có thể xây một tòa nhà không thể lay chuyển được. Rồi, Đức Giêsu tuyên bố quyết định của Người là xây dựng trên tảng đá ấy một tòa nhà như thế, tức là Hội Thánh của Người.

Chúng ta cũng tìm thấy điều tương tự trong các đoạn văn Tân Ước khác, mặc dù không đồng nhất hay giống hệt nhau. Trong một số đoạn, chính Đức Giêsu không được gọi là “tảng đá” để xây một cái gì trên đó, nhưng gọi là “viên đá” dùng trong xây dựng: “viên đá góc tường” đảm bảo cho công trình vững chắc. Vì thế, người thợ xây không phải là Đức Giêsu, nhưng là Thiên Chúa Cha (x. Mc 12,10-11; 1Pr 2,4-7). Do đó, các quan điểm có sự khác biệt.

Vẫn còn một lối nhìn khác mà thánh Phaolô diễn tả khi nhắc nhở tín hữu Côrintô rằng, “như một kiến trúc sư lành nghề”, thánh nhân “đặt nền móng” cho Hội Thánh, và khẳng định rằng, nền móng ấy là “Đức Giêsu Kitô” (x. 1Cr 3,10-11).

Tuy vậy, qua những quan điểm đa dạng ấy, người ta có thể lưu tâm đến một mối tương quan căn bản cho phép chúng ta đúc kết rằng, nhờ việc đặt tên mới, Đức Giêsu làm cho Simon Phêrô trở nên người được chung phần vào chính vai trò làm nền tảng của Người. Giữa Đức Kitô và thánh Phêrô có một mối tương quan nền tảng cắm rễ sâu trong một thực tại mà nơi đó, ơn gọi thần linh được biến đổi thành sứ vụ cụ thể do Đấng Mêsia trao gởi.

4. Đức Giêsu tiếp tục nói: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Những lời này chứng thực ý muốn của Đức Giêsu là muốn xây dựng Hội Thánh của Người có liên quan thiết yếu đến sứ vụ và quyền bính cụ thể mà, đến một lúc nào đó, Người sẽ trao cho Simon. Vì thế, mối tương quan giữa Đức Kitô và thánh Phêrô được phản ánh trong tương quan giữa thánh Phêrô và Hội Thánh. Nó thấm đẫm giá trị và vạch ra ý nghĩa thần học và tâm linh, mà một cách khách quan và theo cái nhìn Giáo Hội học, nó là nền tảng cho ý nghĩa pháp lý.

Thánh Mátthêu cho thấy thánh Phêrô như là nền tảng của Hội Thánh

Thánh Mátthêu là tác giả Tin Mừng duy nhất ghi lại những lời này cho chúng ta; nhưng về điểm này, cần phải lưu ý rằng, thánh Mátthêu cũng là người duy nhất thu thập các hồi ức liên quan đến thánh Phêrô cách đặc biệt (x.Mt 14,28-31), có lẽ liên quan đến các cộng đoàn mà thánh nhân viết Tin Mừng, và trong đó, ngài muốn truyền đạt ý tưởng mới về “tập hợp những người được quy tụ” nhân danh Đức Kitô thể hiện nơi thánh Phêrô.

Mặt khác, “tên mới” của thánh Phêrô mà Đức Giêsu đặt được các tác giả Tin Mừng khác xác nhận, mà không có sự khác biệt nào so với ý nghĩa mà thánh Mátthêu trình bày. Vả lại, nó không thể có một nghĩa nào khác.

5. Bản văn Tin Mừng theo thánh Mátthêu trình bày thánh Phêrô như là nền tảng của Hội Thánh (16,15-18) đã từng là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận rất dông dài để có thể trình bày ở đây, và cũng là chủ đề của những lời phi bác vốn không phát xuất từ các chứng cứ trong Kinh Thánh và truyền thống Kitô giáo, nhưng hầu như từ những hạn chế trong việc hiểu biết về sứ vụ và quyền bính của thánh Phêrô và các Đấng kế vị. Ở đây, chúng ta không đi vào chi tiết, nhưng chỉ nêu ra rằng, những lời của Đức Giêsu mà thánh Mátthêu đã ghi lại rõ ràng mang màu sắc Sêmít, và đáng lưu ý là, thậm chí cả trong bản dịch Hy Lạp và Latin cũng có; hơn nữa, những lời này mang một nét mới lạ không thể giải thích rõ ràng trong bối cảnh văn hóa và tôn giáo Do Thái mà tác giả Tin Mừng trình bày. Thật vậy, với người Do Thái thời đó, vai trò đá tảng không được gán cho bất kỳ một nhà lãnh đạo tôn giáo nào. Ấy vậy, Đức Giêsu lại gán vai trò ấy cho thánh Phêrô. Đây là một điều mới lạ mà Đức Giêsu đã đưa ra. Đây không phải là một sản phẩm do sáng kiến của con người, không phải của thánh Mátthêu, cũng không phải của các tác giả sau này.

6. Chúng ta phải chỉ ra rằng, “Đá tảng” mà Đức Giêsu nói đến chính là con người Simon. Đức Giêsu nói với ông: “Anh là Kêpha”. Bối cảnh của lời tuyên bố này cho phép chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của từ “anh – một con người”. Sau khi ông Simon trả lời Đức Giêsu là ai, Người nói Simon là ai, theo như kế hoạch thiết lập Hội Thánh của Người. Đúng là Simon được gọi là đá tảng sau khi tuyên xưng đức tin, và điều đó hàm ngụ mối liên hệ giữa đức tin và vai trò đá tảng được trao cho Simon. Tuy nhiên, vai trò đá tảng được gán cho con người Simon, chứ không cho hành động của ông dù nó rất cao quý và đẹp lòng Đức Giêsu. Từ “đá tảng” này diễn tả một cái gì đó tồn tại vĩnh viễn; và vì thế, nó được áp dụng cho một con người, hơn là cho một hành vi nhất thời của người ấy. Những lời kế đó của Đức Giêsu khẳng định điều này khi Người nói rằng, cửa địa ngục, tức là quyền lực tử thần, sẽ không thắng nổi. Lối diễn tả này ám chỉ đến Hội Thánh, hoặc đá tảng ấy. Theo logic của cuộc đối thoại này, trong bất cứ tình cảnh nào, Hội Thánh, vốn được đặt nền trên đá tảng ấy, không thể bị phá đổ. Sự trường tồn của Hội Thánh liên hệ đến đá tảng đó. Tương quan giữa thánh Phêrô và Hội Thánh tự bản chất phát sinh tương quan giữa Hội Thánh và Đức Kitô. Thật vậy, Đức Giêsu nói “Hội Thánh của Thầy”. Điều đó có nghĩa là Hội Thánh sẽ luôn là Hội Thánh của Đức Kitô, Hội Thánh thuộc về Đức Kitô. Hội Thánh không phải là của Phêrô. Tuy nhiên, vì là Hội Thánh của Đức Kitô, nên Hội Thánh được thiết lập trên Phêrô, là Kêpha (Đá tảng) nhân danh Đức Kitô và nhờ quyền năng của Đức Kitô.

7. Thánh sử Mátthêu còn ghi lại một hình ảnh ẩn dụ khác mà Đức Giêsu đã dùng để giải thích cho Simon Phêrô và các Tông đồ khác; đó là điều Người muốn thực hiện nơi ông: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,19). Ở đây, chúng ta cũng có thể ghi nhận ngay rằng, theo truyền thống Kinh Thánh, Đấng Mêsia là người nắm giữ chìa khóa Nước Trời. Thật vậy, sách Khải huyền nhắc lại lối diễn tả này của ngôn sứ Isaia, và trình bày Đức Kitô là “Đấng Thánh, Đấng Chân Thật, Đấng giữ chìa khoá vua Đavít, Người mở ra thì không ai đóng lại được, Người đóng lại thì không ai mở ra được” (Kh 3,7). Đoạn văn Isaia (22,22) về ông Eliakim nào đó, được xem như là những lời tiên báo về thời thiên sai; vào thời đó, “chìa khóa” sẽ không dùng để mở hay đóng nhà Đavít (như một dinh thự, hay một triều đại), nhưng là mở “Nước Trời”: một thực tại mới mẻ và siêu việt được Đức Giêsu loan báo và khai mở.

Thật vậy, theo thư Hípri, chính Đức Giêsu là Đấng “bước vào cung thánh trên trời” (x. 9,24) nhờ hy tế của Người: Người cầm chìa khóa và mở cửa cung thánh ấy. Đức Giêsu trao chìa khóa ấy cho Phêrô, và vì thế, thánh nhân lãnh nhận quyền hành trên vương quốc và thực thi quyền bính nhân danh Đức Kitô như viên quản gia của Người và như thủ lãnh của Hội Thánh – ngôi nhà quy tụ những kẻ tin vào Đức Kitô, con cái Thiên Chúa.

8. Thật vậy, Đức Giêsu nói với Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19). Đây là một lối ví von khác mà Đức Giêsu dùng để tỏ bày ý muốn trao cho Simon Phêrô quyền phổ quát và trọn vẹn được bảo đảm và chấp thuận từ trời cao. Đây không chỉ có nghĩa là quyền để xác định các điểm giáo lý hay các quy tắc hành động phổ quát: nhưng theo Đức Giêsu, đó là quyền năng “cầm buộc và tháo cởi”, nghĩa là, quyền làm bất cứ điều gì cần thiết cho sự sống và sự phát triển của Hội Thánh. Cặp từ đối lập “cầm buộc và tháo cởi” dùng để diễn tả tính toàn diện của quyền bính ấy.

Chìa khóa cổng được giao cho Phêrô

Tuy nhiên, cần phải bổ sung ngay rằng, mục đích của quyền năng ấy là để mở lối vào Nước Trời, chứ không phải để đóng lại: thật vậy, “mở ra” là để dễ dàng vào Nước Trời, chứ không phải là đặt chướng ngại hay “đóng chặt” lối vào. Đây là mục đích đúng đắn của sứ vụ Phêrô, vốn bắt nguồn từ hy tế cứu chuộc của Đức Kitô, Đấng đến để cứu độ và trở nên Cửa, trở nên Mục Tử của mọi người trong sự hiệp nhất của một Đàn chiên (x. Ga 10,7.11.16). Nhờ hy lễ của mình, Đức Kitô trở nên “cửa ràn chiên” – một biểu tượng do Engiaship dựng lên; ông là thượng tế; và cùng với các tư tế khác, ông xây dựng lại thành Giêrusalem vào giữa thế kỷ thứ V trước Công nguyên (x. Nkm 3,1). Đấng Mêsia là Cổng đích thực cho thành Giêrusalem Mới được thiết lập nhờ máu của Đấng ấy đổ ra trên thập giá. Người đã trao chìa khóa Cổng ấy cho thánh Phêrô để thánh nhân trở thành thừa tác viên của quyền năng cứu độ trong Hội Thánh.